Hôm nay,  

Tin Văn: Câu Thơ Về Đâu, Và Cơ Hội Của Chúa

27/07/200100:00:00(Xem: 8912)
1. Câu thơ đi về đâu"

(Gửi PHT. JP)
Trong Tin Văn kỳ trước Jennifer đã giới thiệu với bạn đọc về nhóm Oulipo, nhân những thử nghiệm văn chương của “nhóm” VHNT. Nay xin viết thêm về những thử nghiệm văn chương liên quan tới thơ.

Tờ Văn học Pháp, Magazine Littéraire, số tháng Ba 2001, là về thơ mới Pháp (la nouvelle Poésie francaise). Theo tạp chí văn học này, có hai cách tiếp cận thơ hiện đại, ít ra là như vậy. Cách thứ nhất nhấn mạnh tới sự thờ ơ của công chúng thưởng ngoạn, nhưng lại vờ đi thói lười biếng đọc thơ của họ. Đây là cách mấy ông phê bình thơ, ở trên mấy tờ báo định kỳ (báo tuần, báo tháng…) hay sử dụng. Tại sao không quan tâm" Bởi vì theo họ, thơ hiện đại có đủ thói xấu: hũ nút, làm phiền hà, ra cái điều cao sang dởm đời, nói mà chẳng nói, rằng thơ nên nghẻo củ tỏi đi là vừa, bởi vì đâu còn ai yêu thơ nữa! Cách trên, theo tờ Văn Học Pháp, là một thái độ “thiếu lương thiện”, và luôn đưa về một “chân lý đời đời”: Thơ là phải Thơ Đường cơ! Không được Thịnh thì cũng phải Sơ Đường!

Cách thứ hai, sẽ là cách của Jean-Michel Espitallier, (nhà thơ, đồng biên tập tạp chí Java, tác giả “Những mẩu vụn: tuyển tập thơ Pháp đương đại”, nhà xb Pocket, 2000), trên bài viết trang đầu của tờø VH Pháp. Giản dị thôi: cứ tới tận nơi, xem chuyện gì đang xẩy ra với thơ bi giờ, coi ngôn ngữ biến hoá (ngôn ngữ đang được sáng tạo) làm sao, nhận ra những đề nghị (propositions) mỹ học mới mẻ, nắm ngay lấy những trò chơi thú vị với những con chữ, đừng lần tìm con đường phả hệ của chúng – rằng câu này, ý này Nguyễn Du đã nói rồi, thí dụ vậy – hoặc lồng vào trong đó, những nhà thơ đương đại. Lẽ dĩ nhiên, có những rủi ro, nhưng phải như vậy thôi, nếu người ta hy vọng nhận ra nét đặc thù trong cái đa dạng, trong sự giầu sang của thơ bây giờ.

Quả là giầu sang: nào là thơ đọc, thơ nghe… cùng với những phương tiện kỹ thuật hiện đại: videos, samplers. Máy điện toán… chúng hầu như đáp ứng tất cả những đòi hỏi của công chúng thưởng ngoạn: trữ tình, siêu văn bản, có mùi vị, mầu sắc, trầm bổng…

Bởi vì, vượt lên trên những đòi hỏi mang tính mỹ học, còn một thách đố quan trọng hơn nhiều đối với thơ bi giờ: làm sao cho công chúng thưởng ngoạn cưỡng lại cái vô vị, tầm thường của cuộc sống.

*
Trong bài viết “Câu thơ đi về đâu” (Où va le vers), nhà thơ Philippe Beck đã cho rằng, một số nhà thơ đương thời đã tìm lại con đường của câu thơ (le vers). Đây là làm mới một thể loại cũ, mà chính sự hàm hồ nói lên tương lai của thể loại này; ở Việt Nam, có Cung Trầm Tưởng với những vần thơ lục bát nổi tiếng thập niên 1960, hay Du Tử Lê cắt câu thơ, và nhịp sáu tám của chúng, bằng những nhát “chém treo ngành”: tưởng là đứt mà không, tưởng đoạn mà tục…
Theo tác giả bài viết, câu thơ cứ đường ta ta cứ đi, xấu tốt thây kệ. Sự hiện hữu của câu thơ, khi nó cắt những dòng chữ, theo nhịp này kiểu nọ như trên, chứng tỏ một điều: không có cái gọi là thơ xuôi (la prose).

Nói một cách khác, thơ xuôi chính là thơ.

Nhưng một tác giả khác trong số báo, Jean-Marie Gleize, qua bài viết “Sự chọn lựa thơ xuôi”, lại cho rằng, chúng ta chưa xong với thơ xuôi (câu hỏi về thơ xuôi chưa ngã ngũ ra sao: La question de la prose n’est pas réglée). Tối thiểu, nó chưa có rõ ràng, ngô ra ngô, khoai ra khoai. Hay nói kiểu huề vốn: thơ xuôi là tiểu thuyết, còn thơ là… thơ. (La prose c’est le roman – bien sur – et la poésie, c’est la poésie). Tác giả đề nghị, hãy trở lại với Baudelaire qua những dòng thư nổi tiếng gửi cho Arsène Houssaye, mà người ta đọc được ké trong bài tựa “Những bài thơ nhỏ dạng thơ xuôi” (Petits Poèmes en prose). Nhà thơ đặt thơ xuôi “ở phía trước” (en avant), không phải như một dụng cụ, hay một hình thức, cứ thế mà xài, nhưng như một đòi hỏi, không phải đòi hỏi giản dị, mang tính nội tâm, riêng tư, mà là đòi hỏi khách quan (une exigence objective): “Trong những ngày đầy ắp tham vọng, ai trong số chúng ta mà chẳng ao ước một phép lạ, về một thứ thơ xuôi đầy chất thơ, thoát ra khỏi vần điệu (có lần, nhà thơ nói khác đi: một thứ thơ xuôi đặc biệt).

***
Jérôme Game (thi sĩ, giảng viên-nghiên cứu viên về triết học và văn chương Pháp đương thời tại đại học Cambridge), tác giả bài “Actualité du moderne” (Thời sự tính của hiện đại) trong số báo trên, đưa ra nhận xét: Từ “Tôi là kẻ khác” (Je est un autre), của Rimbaud tới tính vô ngã của Mallarmé, rất nhiều con đường đã được vạch ra, chỉ để đăng quang hai gốc thơ lớn: Thơ ca về chủ thể và thơ ca về biến động. Thời đại thi ca - mở ra với Baudelaire, và sau đó, được đặt trên cái kiềng thơ, gồm ba ông táo: Rimbaud-Lautréamont-Mallarmé – cho thấy một điều: hiện đại thẩm mỹ (la modernité esthétique), là một quan niệm xấu (un mauvais concept), theo triết gia Jacques Rancière. Nó không nói lên được tính đặc thù của một thời kỳ nhất định nào. Nếu coi chủ nghĩa hiện đại là “cắt bào đoạn nghĩa” thẳng thừng, với trước cũng như sau, như vậy là coi nó như một tư duy về ‘cái sẽ trở nên’ của những thể dạng (une modernité comme pensée du devenir des formes). Phát hiện bằng nhặt nhạnh, bằng buông thả (Inventer en reprenant, en abandonnant), đó là vận động bất động (mouvement immobile) nói lên chủ nghĩa hiện đại, và đây là “cái trục” của nó, bởi vì chúng ta không thể chia thơ ra thành thời kỳ, hoặc theo danh mục. Ở mỗi thời kỳ đặc biệt, câu hỏi về hiện đại tính đều được đặt ra, xoáy vào điều kiện và thể thức của cái cử chỉ “ngón tay chỉ mặt trăng” (le geste d’invention poétique): Tại sao thơ mới, tại sao thơ tự do, thơ trắng, thơ tân hình thức…; tại sao nếp gấp này, vết cắt nọ… Thi sĩ, ai thế nhỉ, bài thơ, bài thơ nào" Ở đâu ra cái lực thơ, cái hơi thở nóng bỏng đó, cái chất sexy Hồ Xuân Hương hiện đại đó"…

Jennifer Tran

***
1. Cơ hội của Chúa
Trong cuốn tiểu thuyết gây dư luận của mình, Nguyễn Việt Hà có nói rất đúng rằng “Không có người viết nào lại tuyên bố chỉ viết cho mình. Muốn là một tác phẩm phải có đông người đọc”.
Dòng cuối của cuốn tiểu thuyết này cho ta thấy anh đã viết nó trong tám năm, nhưng tôi tin rằng đại bộ phận cuốn sách đã được viết từ năm 1989. Đó là thời điểm mà những thành quả đầu tiên của công cuộc đổi mới, và cùng với nó là một biển thông tin, một biển kiến thức tràn vào, cuốn đi những giáo điều lỗi thời. Đó cũng là thời điểm văn học Việt Nam thăng hoa với những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài hay Trần Trung Chính.

Nếu xét theo những thăng trầm trong số phận của Hoàng - Tâm - Nhã - Thuỷ, những bước đi trên đường đời của những giám đốc năng động, những chàng Don Juan hào hoa và những sinh viên thất nghiệp, những trí thức tốt bụng bị cơ chế đè bẹp, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà không phản ánh được nhiều những biến đổi của thời kỳ đó, nhưng nó phản ánh rất rõ nét trạng thái lưỡng lự của người cầm bút cách đây gần mười năm. Cơ chế thị trường, trong khi có tác dụng to lớn trong việc ổn định kinh tế và nâng cao đời sống thì cũng tiến hành một cuộc định giá thay đổi lại cách nhìn nhận về địa vị con người. Các nhà văn cay đắng khi bị đẩy xuống hàng thứ yếu, hầu hết trong thời kỳ đầu bị gạt ra khỏi sự phát triển kinh tế của xã hội, và vì thế không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của họ đều ít nhiều tập trung vào khai thác nét tiêu cực của cơ chế mới. Giống như con cáo trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine, họ cũng nhìn chùm nho kinh tế thị trường và bĩu môi nho hãy còn xanh lắm.

Điều đáng tiếc nhất cho Cơ hội của Chúa là sự chậm trễ trong tám năm không đến được với người đọc. Giá như nó ra đời vào năm 1989, anh đã có thể nhập cùng với cái tạm gọi là dòng văn học thị dân thời kỳ đó, sánh ngang cùng những truyện ngắn của Hồ Anh Thái hay những tác phẩm tuổi xanh rất được công chúng trẻ tuổi ưa chuộng.

Tuy vậy, tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, mặc dù ra đời chậm mất gần mười năm, vẫn còn giữ nguyên được cái cách làm dáng cho “sang trọng” của truyện ngắn Hồ Anh Thái (những Chàng trai ở bến đợi xe, Người và xe chạy dưới ánh trăng) và các cuộc thi tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền phong, với những nhân vật pha trộn tiếng mẹ đẻ với tiếng Anh một cách hoàn toàn không cần thiết và sai chính tả văn phạm một cách cẩu thả, với những mô tả bằng cách hình dung ngô nghê của tác giả về thương trường và cuộc sống của các nhà doanh nghiệp như trong những phim video mì ăn liền rẻ tiền, với cái nhàm chán trong những mối tình tay ba, trong cái mô típ cũ rích về yêu - phụ bạc - vươn lên - giầu có đang ngự trị trong ba phần tư các tác phẩm văn học và điện ảnh hiện nay, trong những nhân vật tốt một cách vô lý, cứng cỏi một cách vô lý và đê tiện một cách vô lý. Có chăng, anh chỉ thêm vào đó cái giọng điệu mỉa mai chế diễu kiểu Phạm Thị Hoài, nhưng khác với Phạm Thị Hoài, người vừa có kiến thức thông tuệ hơn vừa có thể vượt lên trên những thứ tầm thường, Nguyễn Việt Hà cứ loay hoay trong những vụn vặt thị dân để rồi mãi không rút chân ra được. Ngay cả tên gọi và dòng đề từ của anh, dù đã viện dẫn đến những cái thiêng liêng nhất (mặc dù ta không thấy một liên hệ gì với tác phẩm) để làm tăng thêm trọng lượng cho tiểu thuyết, cũng không cứu được tác phẩm... Dấu ấn ảnh hưởng của những năm tháng sau chỉ có ở trường đoạn độn vào hơi dối về tiệc rượu của Thượng sĩ Tuệ Trung và Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng với Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư (xin nói thêm là theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khánh Dư bị tội vì lăng nhăng với vợ của Quốc Tảng, nên cái không khí dựng lại của tiệc rượu này rất giả tạo - nhưng có lẽ điều đó cũng không thật quan trọng).

Có những con người viết cứ như họ chôn sâu trong lòng một tình yêu vô bờ với nhân loại, một nhân loại mà họ đau xót, đôi lúc khinh ghét, nhưng không bao giờ nguôi ngoai một tình thương xa xót.

Có những người viết cứ như họ nuôi mãi một mối căm hờn với nơi chốn sinh ra, căm hờn vì họ trót là người Việt, giận dữ vì thân phận nhược tiểu, để rồi thốt lên những lời lẽ cay độc nhất và cũng ngu ngốc nhất.

Cơ hội của Chúa cho ta thấy một cách viết khác, phổ biến hơn trong những người viết trẻ, đó là viết như trong lòng họ có một nỗi khát khao không được giải thoát đối với những cái phù phiếm của cuộc đời, khát khao vì những gì họ thèm muốn nhưng chưa bao giờ có được trong cuộc đời thực. Không thể thoả mãn trong cuộc sống thực, họ vẽ nên những thiên đường màu mè giả tạo trên trang sách. Cũng giống như những tác phẩm “mãi mãi đầu tay” khác, chính vì viết cốt để cho sướng ngòi bút, cho thoả mãn cái ego của mình, Nguyễn Việt Hà không thể kết thúc được câu chuyện. Vì vậy mà đọc Cơ hội của Chúa rất mệt, không phải là cái mệt về tinh thần khi phải đối mặt với những ưu tư của cuộc sống, mà mệt vì không hiểu tác giả rồi sẽ đi về đâu trong cái mớ bòng bong những chuyện vụn vặt này. Câu chuyện dừng lại một cách hết sức ơ hờ, có lẽ vì tác giả đã mệt sau gần năm trăm trang sách hơn là vì câu chuyện đã đến hồi kết thúc.

Rất hiếm có ai trở nên chuyên nghiệp ngay từ những tác phẩm đầu, và việc viết ra cho thoả mãn cái tôi của mình hơn là viết ra từ cái tôi là một nhu cầu có tính bản năng của các nhà văn trẻ. Hi vọng rằng sau khi đã trút đi gánh nặng của những thứ phù phiếm được tải trên gần năm trăm trang sách, Nguyễn Việt Hà có thể thanh thản để bắt tay vào tác phẩm đích thực của mình.

Hà Nội 8.1999
Nguyễn Thanh Sơn

***
2. “Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì… tội nghiệp quá.”
Câu văn trên, trích từ “Một Thời Gió Bụi”, tập truyện ngắn của Nguyễn Khải (nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 1993). Tác giả không định nói về một miền đất, mà là một khí hậu văn chương, khi so sánh anh nhà văn hiện nay với người dân làm cói ở xã N.

Nguyễn Thanh Sơn, qua bài viết về cuốn Cơ hội của Chúa mà Jennifer tôi mạn phép tác giả đăng trên Tin Văn kỳ này, có đưa ra nhận xét:

“Có những người viết cứ như họ nuôi mãi một mối căm hờn với nơi chốn sinh ra, căm hờn vì họ trót là người Việt, giận dữ vì thân phận nhược tiểu, để rồi thốt lên những lời lẽ cay độc nhất và cũng ngu ngốc nhất.”

Đọc Một Thời Gió Bụi, Jennifer nghĩ, còn cóù một số nhà văn cứ nuối tiếc mãi một thời đại văn chương đã qua để rồi than rằng xưa sao lẫm liệt nay sao tội nghiệp.

***
Một Thời Gió Bụi mở ra bằng câu chuyện một làng làm cói. Thuở lẫm liệt, “vào thập niên 1970 có năm họ thu được 9 triệu tiền hàng. Tiền thu đã nhiều mà làm cói lại dễ hơn trồng lúa. Một lần cấy mống cói thu hoạch từ bẩy đến mười năm… Mọi người tin rằng sự ổn định ấy là bất di bất dịch… Vậy mà cái yên tĩnh bây giờ [không còn lo chiến tranh], cái mở ra của bây giờ… đang dồn xã anh hùng vào ngõ cụt…”. Thế rồi tác giả bèn quay qua chuyện viết văn, “cũng như những người làm cói, tôi tin tưởng cái nghề viết của bọn tôi sẽ không có gì thay đổi, sẽ mãi mãi vẫn như thế. Nền văn học trong tương lai là nền văn học xã hội chủ nghĩa, làm sao nghi ngờ được… Vậy mà bỗng chốc… bỗng chốc bản thảo đưa tới nhà xuất bản từ nửa năm bị trả lại. Tại sao vậy" -Anh viết chính trị quá, cao siêu quá, bạn đọc sẽ khó mua. –Bạn đọc nào" Bạn đọc của tôi vẫn trung thành với tôi mà! –Bạn đọc quen thuộc của anh đã tới tuổi về hưu rồi, đã về hưu tiền ăn còn chả đủ lấy tiền đâu mua sách.”

“Nhưng người có tiền là những người đang làm việc, họ còn trẻ, rất trẻ. Hãy viết cho tuổi trẻ đi! Khốn nỗi cái tuổi trẻ hôm nay với tuổi trẻ của bọn tôi lại khác nhau quá nhiều vì thời thế đã thay đổi… Chân lý vĩnh cửu không còn nữa… Tiêu chuẩn bây giờ là tiền. Nó là bản vị của mọi giá trị. Chẳng hạn một nhà văn mà không kiếm ra tiền là nhà văn tồi… Nên ví thân phận anh nhà văn với ai nhỉ" Chắc là phải xếp dưới thầy cúng với thầy bói. Nghề này đang hái ra tiền, vì còn rất cần thiết cho những cái mộng tỉ phú. Chỉ có thể so sánh anh nhà văn hiện nay với người dân làm cói ở xã N mà thôi. Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì… tội nghiệp quá!”
Ấy chỉ vì “chân lý vĩnh cửu không còn nữa!”

***
Bất cứ một so sánh nào cũng khập khễnh. Đôi khi khập khễnh “cần thiết” hơn cân đối, hoàn chỉnh, ít ra là trong trường hợp ở đây.

Jennifer đã từng nghe “hơn một nhà văn” ở trong nước chê Nguyễn Tuân. “Những tùy bút sau này của ông dở quá! Thua xa Võ Phiến!”, một nhà văn ở trong nước đã nói với tôi như vậy. Anh kể, kỷ niệm lần đầu đụng đầu với văn chương miền nam trước 1975, “Tôi đọc câu thơ của Nguyên Sa, hình như là thế này, ‘Sáng hôm nay Nga buồn như một con mèo ốm…’, vàsướng điên lên. Làm sao ở miền bắc lại có một câu thơ ngu ngơ dại khờ tuyệt vời đến như vậy! Làm thơ như thế thì còn quá phản động!”

Ấy là tôi diễn ý của tôi, khi nhìn anh bồi hồi với “nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang” (thơ Thanh Tâm Tuyền): thì cứ coi như anh lần đầu tương tư Nga, và tiện thể, tương tư câu thơ đi, có chết ai!

Tôi lạc đề như vậy, là để nói ra điều này: không thể có một thứ văn chương lẫm liệt, và nếu có một thứ văn chương lẫm liệt, thì cái hậu quả tội nghiệp bây giờ là tất nhiên!

(Tội nghiệp, là may mắn lắm đó! Trong Tin Văn kỳ tới Jennifer sẽ trình bầy số phận của những điệp viên Liên Xô, phải ăn nằm với cả hai ông trùm tư bản và Cộng Sản, chỉ vì một niềm tin lẫm liệt về ngày mai ca hát).

Và nếu Nguyễn Tuân sau này dở quá, cũng là lẽ tất nhiên, theo nghĩa, có thể ông thừa sức để viết hay hơn, thừa sức kiếm ra những đề tài xứng với ông hơn, nhưng ông biết rất rõ: viết hay là bỏ mẹ!

Bởi vì hãy nhớ lại câu cảnh cáo của Adorno: Sau Lò Thiêu mà còn làm thơ thì thật là … “tội nghiệp”! (ông dùng chữ “dã man”).

Hay là mượn ngay một câu chuyện ngụ ngôn của Đông phương, về một con chó chuyên săn hùm beo, bị đánh què chân, chỉ để dùng vào việc săn chuột! Ở đây, Nguyễn Tuân đánh què chính mình, tự tay ném tác phẩm của mình vào thùng rác, vì sợ rằng sau này thiên hạ sẽ hỏi, tại sao một thời đại khốn kiếp như thế mà lại có một thằng viết văn hay như vậy"

Liệu có thể coi nhà văn đó hèn nhát" Và cái thái độ chê bai Nguyễn Tuân, có phải do quá ghen với tài năng của ông, hay là vì họ Nguyễn phải đợi ba trăm năm sau mới tìm được kẻ khóc mình"

Liệu chúng ta có thể đi đến một kết luận vội vã: lẫm liệt cho lắm vào, bây giờ tội nghiệp cho đáng kiếp!

***
Cũng một trường hợp như vậy, nếu chúng ta đọc truyện ngắn “Huyền thoại phố phường” của Nguyễn Huy Thiệp.

Đây là một câu chuyện mô phỏng “Con đầm bích” của Pushkin. Nghe nói ở trong nước có người “quá ghen” hoặc “quá ngu” đến độ chê họ Nguyễn là đạo văn! Bản thân tôi, lần đầu đọc truyện này, cũng ngạc nhiên, tự hỏi tại sao Nguyễn Huy Thiệp “viết lại” Pushkin, bằng cách đẩy cái không khí huyền hoặc của “Con đầm bích”ù - bạn đọc chắc còn nhớ cảnh tượng “nụ cười” của bà đầm già “bước ra khỏi lá bài” khiến tay sĩ quan phát điên… - vào trong “thực tại” phố phường"

Một cách nào đó, Nguyễn Huy Thiệp đã nhận ra nhu cầu phải viết khác đi, nếu không muốn làm nhục văn chương, nghệ thuật. Nên nhớ, một khi văn chương phải hạ mình xuống để làm những công chuyện như “phản kháng, ly khai, chống cộng, hợp lưu, giao lưu hoà giải…” một cách nào đó, nó đã bị tổn thương (nếu văn chương có một lương tâm, chắc là nó cũng cảm thấy hổ thẹn!). Theo nghĩa đó, Cao Hành Kiện đã cho rằng, đây chỉ là chuyện tri âm tri kỷ mà thôi! Cũng vẫn theo nghĩa đó, những người chê thơ Nguyễn Chí Thiện (không phải là thơ!), đáng lẽ họ phải đặt ngược vấn đề và tự hỏi, nếu mà Nguyễn Chí Thiện ở trong tù mà làm thơ thì… tội nghiệp thực!

Đây chính là lý do tại sao, khi thiên hạ khen “Bác sĩ Zhivago” của Pasternak, Nabokov đã “bực mình”, qua một số câu trả lời phỏng vấn mà Jennifer tôi trích dịch sau đây.

Khi được hỏi, ông tiên đoán ra sao, về sức khoẻ của văn chương Nga, Nabokov trả lời:
Thật khó mà có một câu trả lời giản dị cho một câu hỏi như thế. Vấn đề là, không có một chính quyền nào, cho dù thông minh tới đâu, nhân bản tới đâu, có thể đẻ ra những nghệ sĩ lớn; ngược lại, một chính quyền tồi tệ nào cũng dư sức để mà hành hạ, làm tình làm tội, và hơn thế nữa, bách hại, làm thịt nghệ sĩ. Nên nhớ điều này, vì nó thật là quan trọng: chỉ đám thiếu thẫm mỹ (philistins), mắt mù tai điếc trước nghệ thuật, mới ăn nên làm ra trong mọi chế độ. Bởi vậy tôi chẳng có thể nào tiên đoán gì hết, nhưng hy vọng, lẽ dĩ nhiên, rồi chế độ công an trị ở Liên xô sụp dần rồi biến mất. Trong khi chờ đợi, tôi lấy làm thương hại cho mấy tên ngu đần đã lầm lẫn Staline với McCarthy, Lò Thiêu Auschwitz với bom nguyên tử…

Khi được hỏi, ông viết cho ai, Nabokov trả lời:
Tôi không tin một nghệ sĩ lại phải lo lắng đến độc giả của mình. Độc giả số một của ông ta, là cái kẻ mà mọi buổi sáng ông ta nhìn thấy trong gương, khi cạo râu. Tôi cho rằng, khán thính giả độc giả của một nghệ sĩ, mà ông ta tưởng tượng ra được, là những người làm đầy một căn phòng, và tất cả đều mang mặt nạ của ông ta.

Về cuốn Dr Zhivago, khi Robert Bingham, của tạp chí Reporter, New York, muốn biết ý kiến của ông, Nabokov đã từ chối đưa ra một lời phê bình, sợ có hại cho tác giả. Theo ông, đây là một cuốn sách ủng hộ (pro) Bôn sê vích, và sai lầm về lịch sử (historiquement faux), bởi vì đã vờ đi cuộc cách mạng tự do (révolution libérale) mùa xuân 1917; hơn nữa vị bác sĩ đã mừng đến phát điên, khi cú đảo chánh của bôn sê vích xẩy ra bẩy tháng sau đó. Tuy nhiên, ông đánh giá cao Pasternak như là một thi sĩ trữ tình (poète lyrique). Ông chào mừng Pasternak được giải Nobel, chỉ vì những câu thơ của ông ta. Trong Dr Zhivago, văn đã không tới được tầm cao của thơ ông. Ông nói thêm, tầng lớp trí thức Nga không ăn ý với Đảng đã không mặn mà với cuốn sách như là độc giả Mỹ. Khi cuốn sách xuất hiện ở Hoa Kỳ, đám lý tưởng tả phái đã mừng rỡ đến phát điên lên: đây là một bằng chứng cho thấy “một đại tác phẩm” đã được đẻ ra, từ chế độ Xô viết.

(Về những trích dẫn trên đây, là từ “Strong Opinions”; Jennifer tôi sử dụng bản dịch tiếng Pháp: Partis Pris, tủ sách 10/18, nhà xb Julliard, ấn bản 2001)

Với riêng Jennifer tôi, chính cái tình trạng tội nghiệp kia, là một dấu hiệu hết sức đáng mừng của văn chương ở trong nước, giống như những nhận xét “khá nặng nề” của Nguyễn Thanh Sơn, đối với cuốn “Cơ hội của Chúa”. Chính những thất bại của cuốn sách làm cho chúng ta hy vọng, đúng như Nguyễn Thanh Sơn đã kết luận:

“Hi vọng rằng sau khi đã trút đi gánh nặng của những thứ phù phiếm được tải trên gần năm trăm trang sách, Nguyễn Việt Hà có thể thanh thản để bắt tay vào tác phẩm đích thực của mình.”

***
Chính cái tình trạng tội nghiệp kia là một dấu hiệu đáng mừng, nếu như người ta nhận ra cái thông điệp mà nhà văn Nam Phi Coetzee nhắn gửi, qua bài viết “Những Kỳ Tích về Benjamin”, đã dăng trên VHNT:

Cuốn “Thương Xá”, cho dù chúng ta đánh giá nó như thế nào – điêu tàn, thất bại, một dự án bất khả, impossible project – đề nghị một đường lối mới, để viết về một nền văn minh: sử dụng những rác rưởi làm chất liệu, thay vì những nghệ phẩm của cái nền văn minh đóù; lịch sử từ đáy thay vì lịch sử từ đỉnh. Và lời kêu gọi của Benjamin (trong “Những luận đề” - “Theses”), cho một lịch sử xoáy vào đau khổ của những người thua, thay vì thành tựu của những kẻ thắng: lời kêu gọi này mang đầy tính tiên tri, về cung cách mà việc viết sử bắt đầu nghĩ về chính nó, trong quãng đời [còn lại ngắn ngủi của chúng] ta.

Jennifer Tran

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.