Hôm nay,  

Báo VN Nhìn Lại Năm 2012: Cạnh Tranh Gay Gắt, Co Cụm; Nhiều Báo Giảm Số In 30%, Cắt 30% Nhân Viên; Blog Lề Trái Gây Sóng Gió...

01/01/201300:00:00(Xem: 4706)
HANOI -- Đã tới lúc bước sang năm mới, và khi nhìn lại, truyền thông trong nước ngậm ngùi rằng năm 2012 lĩnh vực báo chí chẳng bao nhiêu niềm vui. Đặc biệt số lượng ấn bản nhiều báo đã giảm 20%-30%, trong khi nhân sự giảm 30%, trong khi một số báo phải giảm lương, nợ lương nhân viên...

Nhà phân tích Bảo Dân trên tờ Petrotimes hôm 30-12-2012 đã nêu hẳn trên tưạ đề “Báo chí 2012 - Một năm buồn” ghi nhận:

“Theo một thống kê, hiện nước ta có tới 786 cơ quan báo chí, 194 báo in, 592 tạp chí, 61 báo điện tử, 67 đài phát thanh - truyền hình, gần 200 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử, với đội ngũ hơn 17.000 nhà báo chuyên nghiệp được cấp thẻ hành nghề...

Và năm 2012 cũng là thời điểm mà giới doanh nhân và các doanh nghiệp rất cần, thân thiết và cả “ngại ngần”, “né tránh”, “đối phó” với báo chí như hiện nay!

Quá trình đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi báo chí cũng phải được đổi mới, tái cấu trúc toàn diện và sâu sắc hơn, từ nội dung đến hình thức, vượt qua khó khăn suy giảm nghiêm trọng với báo in. Có một câu chuyện không biết nên vui hay nên buồn khi hỏi nhiều tổng biên tập về số lượng bản báo phát hành đều nhận được câu trả lời “tế nhị” rằng, ai lại hỏi tuổi phụ nữ!? Tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu lượng phát hành đang rơi tự do. Đừng hỏi các ông bà tổng biên tập, hãy ra các sạp báo sẽ thấy những “anh cả đỏ” từng ở đỉnh cao chói lọi trên 70 vạn, 60 vạn và nửa triệu bản/kỳ, chí ít cũng vài chục vạn bản/kỳ… nay chỉ còn 20%, 30%. Nhiều tờ báo trở nên thưa thớt trên sạp chỉ phục vụ bạn đọc ruột trót nghiện báo. Các sạp bây giờ chỉ nhận ký gửi mà không mua đứt bán đoạn nữa.

Ôi, bao giờ cho đến ngày xưa? Danh sách các tờ báo lượng phát hành có 4 con số cứ dài ra dài ra và đã có những tờ báo giảm kỳ, thôi không ra báo ngày mà cầm cự với báo cuối tuần, phụ bản liên kết mà thực chất là “bán cái” cho một nhóm đầu nậu , nhà báo “chân ngoài dài hơn chân trong” giỏi lách luật làm báo thị trường. Trong khi đó đã có không ít những tờ báo giảm 30% “quân”, động viên anh chị em tự nguyện nghỉ không lương, khất nợ lương, nợ nhà in, nợ tiền nộp phạt, cúp thưởng…”

Cũng cần ghi nhận rằng trước đây, báo An Ninh Thủ Đô đã ghi nhận về Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc tổ chức ngày 30-3-2012 tại tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày "Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2011 và một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012", trong đó có đưa ra cái nhìn từ phía nhà nước về nhiều báo:

“... Thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép... Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin. Đây là dạng sai phạm có tác động xấu đến dư luận xã hội, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc... Thông tin bịa đặt hoàn toàn đã diễn ra ở một số tờ báo. Như bịa đặt bài phỏng vấn khi không phỏng vấn. Từ tin đồn, tin từ mạng xã hội không được kiểm chứng biến thành tin chính thức trên báo chí.”

Cụ thể, nhà nước không hài lòng khi báo chí ghi nhận trung thực về các vụ cưỡng chế đất. Ông Doãn quy tội cho một số báo bênh vực người bị cướp đất cho các nhóm lợi ích qua lời đánh giá:

“Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng...”

Sự thật có cần phải định hướng? Khi kể chuyện xảy ra, rằng công an tấn công “đánh đẹp, đáng quay phim, làm bài học cho công an” như lời một sếp công an Hài Phòng... thì báo chí tường thuật chuyện xảy ra làm sao cần phải định hướng? Không lẽ viết rằng nông dân bị cướp đất đã khởi nghĩa ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho đúng ngôn phong của Đảng CSVN thời Pháp thuộc?

Tuy nhiên, đặc biệt của 2012 là truyền thông lề trái đã xuất hiện tuyệt vời.

Bên đài BBC, nhà báo Nguyễn Hùng qua tổng kết “10 chuyện nổi bật ở Việt Nam năm 2012” đã chọn nổi bật thứ tư là giới viết blog:

“Năm 2012 chứng kiến sự phát triển của một số blog chỉ trích chính quyền mà các nhà lãnh đạo Việt Nam gọi là "phản động". Trong số các trang này có Quan làm báo và Dân làm báo, hai trang bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cấm đọc. Con gái ông Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng, cũng chỉ trích những ' Bấm blog phản động' trong một cuộc phỏng vấn. Sự xuất hiện của Bấm Quan làm báo được xem là biểu hiện của những 'căng thẳng cung đình' bị 'bật mí' ra tại Việt Nam. Cho tới giờ danh tính của các tác giả trên Quan làm báo vẫn còn là điều bí ấn.

Một trong những người bị cáo buộc đứng đằng sau trang web này, cựu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến, nói với BBC rằng bà và em trai, Đặng Thành Tâm, Bấm không có liên quan gì tới Quan làm báo.”

Quả nhiên, báo nhà nước khác hẳn báo dân, báo quan. Nhưng báo nhà nước mà giảm 30% ấn bản, cắt 30% nhân viên... trong khi dân số Việt ngày mỗi đông hơn, thì hẳn là có những khoảng trống tinh thần đáng sợ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.