Hôm nay,  

Một Chuyến Đăng Trình Một Hóa Thân

23/06/200100:00:00(Xem: 5055)
Tưởng Nhớ Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm

Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ
(Quang Dũng)

Cách đây ngót mười năm, chứng kiến những xúc động sâu xa của tôi khi tôi xem những bức ảnh của cụ Nguyễn Cao Đàm, được triển lãm tại thư viện Bankstown, anh Tống Ngọc đã có nhã ý đưa tôi đến gặp cụ, tại một căn chung cư nghèo ở vùng Lakemba. Tôi nhớ hôm đó là ngày Chủ nhật, trời nóng, gió lộng, ánh nắng gay gắt, không gian đầy ắp những tiếng động ồn ào sô bồ, điển hình của một vùng ngoại ô Sydney. Tâm trạng tôi lúc đó cũng bồn chồn, nôn nóng về những chuyện phải làm cho số báo tuần kế... Vậy mà chỉ sau mấy phút được hầu chuyện cụ, được xem những bức ảnh cụ chụp trải dài gần nửa thế kỷ, tôi đã thực sự quên hết tất cả, để rồi tất cả tâm trí tôi chìm đắm vô một thế giới, trong đó có quê hương tôi, có những kỷ niệm của tôi thời thơ ấu, và có cả những người thân yêu của tôi nữa... Chính trong buổi gặp gỡ đầu tiên với những xúc động tuyệt vời dành cho cụ, tôi chợt nhận ra, mình đã tìm lại được những gì tưởng chừng như đã mất. Lúc đó tôi mới thấm thía nhớ tới một ai đó đã nói, "I love you not only for what you are, but for what I am when I am with you"...

Kể từ buổi gặp gỡ kỳ diệu đó, suốt thời gian ngót 10 năm trời, hình ảnh, tiếng nói, nụ cười của cụ luôn luôn ám ảnh tôi trong cả con tim lẫn khối óc. Suốt thời gian ngót 10 năm, những khi tết nhất, hay lễ lạt, hoặc những khi gặp chuyện vui hay buồn, thành công hay thất bại, may mắn hay rủi ro... tôi đều ghé thăm cụ để được tâm sự với cụ, được nghe cụ dậy bảo, và được thấy mình hồi sinh, được cảm nhận trong im lặng, những đường nét non dại, ngây thơ, hồn nhiên của chính mình thấp thoáng hiện về như trong một giấc mơ...

Suốt thời gian ngót 10 năm qua, nếu lâu lâu không được đến thăm cụ, tôi luôn luôn cảm thấy thấp thỏm, bâng khuâng... như một người đã hẹn nhưng chưa thấy tới, đã hứa nhưng chưa kịp làm...

Là người có một cặp mắt tinh anh của một nhiếp ảnh gia tài hoa, một tâm hồn đa cảm, giầu lòng nhân ái, cụ Nguyễn Cao Đàm còn có một sự thông tuệ đặc biệt về mối liên quan kỳ diệu giữa sự sống và cái chết, nghệ thuật và khoa học, tình yêu và thời gian... Tôi nhớ có lần cụ nói, sự tưởng tượng của con người quan trọng hơn sự hiểu biết. Một lần khác, cụ đăm chiêu giải thích cho tôi hiểu: "Mỗi người khi sinh ra đều mang trong người dòng máu nghệ sĩ. Khó ở chỗ, làm sao duy trì dòng máu nghệ sĩ khi người đó lớn lên cùng với bản năng trong một xã hội vật chất".

Mặc dù tuổi tác cao, ít đi đây đi đó, nhưng phần nhờ học trò của cụ thường xuyên lui tới, phần cụ chịu khó đọc báo, nghe đài, nên cụ rất am tường những chuyện xảy ra trong cộng đồng, ngoài xã hội. Thậm chí, ngay cả những chuyện mới xảy ra ở Mỹ, Pháp, Việt Nam, cụ cũng biết, và mỗi khi đề cập tới, cụ thường đưa ra những nhận xét vừa dí dỏm, vừa thâm thúy, tinh túy.

Một lần, đưa tôi xem bức ảnh chụp tre trúc, cụ nói một câu tôi thấy thật thấm thía: "Chụp hình trắng đen, vậy mà nhìn tre trúc vẫn thấy xanh xanh". Câu nói đó chứng tỏ nghệ thuật chụp hình của cụ đã nắm bắt được cái tinh túy nhất, tức cái hồn của vật, của cảnh, của người...

Nhìn vào những bức ảnh cụ chụp, đông đảo mọi người đều thừa nhận nghệ thuật nhiếp ảnh cao siêu của cụ. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng mười năm, tình cờ bước vào thư viện Bankstown vào một buổi sáng đẹp trời, tôi bàng hoàng khi được cái hân hạnh chiêm ngưỡng những bức ảnh của cụ. Lúc đó, tôi đâu có còn trẻ trung gì. Đã già nửa đời người phiêu bạt mang trong người bao nhiêu nỗi đau đớn chất ngất của mình, của người thân, những phẫn uất, những dang dở, những tiếc nối, những giận hờn phù phiếm, những chao đảo đi tìm một lẽ sống...

Tâm giao mấy kẻ thì phương bắc Ly tán vì cơn gió bụi này... Người ơi buồn lắm mà không khóc Mà vẫn cười qua chén rượu đầy... (Nguyễn Bính)

Lúc đó, trong cái cuộc đời xô lệnh trăm ngả mà thân phận mỗi người trôi nổi trăm nơi, chuyện tan hợp, hợp tan, vinh nhục, sang giầu với tôi, tất cả chỉ là chuyện Trang Châu hóa bướm mà thôi. Vậy mà không hiểu sao, buổi sáng hôm đó, sau khi ngắm xong mấy bức tranh của cụ trở về, tôi lại thấy thèm một điếu thuốc, thèm được đi dưới mưa, thèm được suy tư trong khói thuốc lan tỏa như sương như khói... Tôi cảm thấy nhớ quê nhà da diết. Nhớ đến độ rưng rưng nước mắt... Những hình ảnh quê nhà được cụ ghi lại qua ống kính đã đánh thức trong tôi cả một trời dĩ vãng khiến kỷ niệm lũ lượt đổ về về... thổn thức cả hiện tại.

Thì ra là như vậy đấy. Trong cuộc sống của mỗi con người tầm thường chúng ta, ai cũng thấy cảnh hoàng hôn ở một triền đồi nào đó, hay cảnh bình minh ở một con sông hay bờ biển quê hương; ai cũng hơn một lần nhìn thấy bóng tre, bóng trúc, cũng nhìn, cũng nghe muôn vạn âm thanh của sự sống tại quê nhà... Nhưng trong cuộc sống bận rộn cơm áo gạo tiền cùng vạn thứ phải lo, phải bon chen đã khiến mỗi người chúng ta hối hả, không biết nhận ra những đường nét tuyệt vời của quê hương, của con người, của nụ cười người mẹ, tiếng khóc trẻ thơ...

May mắn, trong cuộc sống của nhân thế còn có những người như cụ Nguyễn Cao Đàm, những người với tài năng thiên phú, với tâm hồn bát ngát biết rung động trước những vẻ đẹp của con người và tự nhiên, nên cụ đã biết thu vào ống kính những đường nét, những góc độ, những mảng khối sáng tối chỉ có thể có trong khoảnh khắc, không sớm một giây mà cũng không muộn một giây, vậy mà thiên thu bất diệt trong lòng người thưởng ngoạn...

*

Nhiếp ảnh là một nghệ thuật không phải chỉ ghi lại cái tích tắc phù du của sự sống mà còn thể hiện qua bức ảnh góc độ, chỗ đứng của người nghệ sĩ, đối với sự sống và qua đó, tác phẩm có thể mang đến cho người thưởng ngoạn những triết lý mà bình thường con người khó có thể lĩnh hội.

Giá trị của một bức ảnh nghệ thuật chính là khả năng đánh thức trong tâm hồn của người thưởng ngoạn những bản năng tốt lành, những đam mê hướng thượng, những chân, thiện, mỹ vốn từng say ngủ trong cuộc sống bon chen thường nhật.

Nhìn vào những hình ảnh được cụ Nguyễn Cao Đàm ghi lại qua ống kính, nhiều người thưởng ngoạn thừa nhận giá trị nghệ thuật cao độ cụ đã đạt. Ảnh của cụ là một kết hợp tuyệt vời giữa sự mộc mạc giản dị, chân thành của đời sống quê hương thường nhật tại Việt Nam với những triết lý cao siêu được tiềm ẩn một cách khéo léo khiến người xem vừa có những rung động, những xao xuyến trong tâm hồn lại vừa có những cảm giác lý thú khi trí tuệ của mình nhận ra những triết lý được cụ gửi gắm.

Một trong những bức ảnh của cụ khiến tôi cảm thấy bồi hồi, rung động và cũng rất lý thú là bức ảnh có tên "Ánh Sáng Và Bóng Tối". Cái giản dị, mộc mạc, chân thành của bức ảnh chính là cụ đã thành công ghi lại một hình ảnh rất Việt Nam: Một người chị đang bế em đi vào trong những ống cống được xếp thành một hàng dài dọc theo một con đường nào đó ở quê hương...

Góc độ của ống kính, vị thế của những ống cống và ánh sáng khi chụp đã tạo cho bức ảnh những mảng sáng tối tưởng như không đều đặn mà thực ra lại đều đặn, khiến người coi có cảm giác như đang đứng trước một biểu tượng có tính cách ước lệ của thời gian, tương đối của không gian.

Chính ánh sáng và bóng tối trong một bối cảnh đặc biệt như vậy đã tạo cho người thưởng lãm cảm giác một cái gì bất tận, mãi mãi không đâu là tận cùng và cũng không đâu là khởi thủy. Chính trong cái hành trình không có khởi thủy mà cũng không thấy chỗ tận cùng đó, ánh sáng và bóng tối sẽ luôn luôn là biểu tượng cho hai thái cực và là người bạn đồng hành như thánh thiện và tội lỗi, niềm vui và nỗi buồn, được và mất, hạnh phúc và khổ đau...

Qua bức ảnh "Ánh sáng và bóng tối" người xem, nhất là người Việt Nam đã trải qua những ngày tháng nô đùa chơi trò ú tim trong những ống cống khổng lồ xếp dọc theo đường xa lộ, đều không thể không bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Để rồi từ những kỷ niệm đó, bỗnh nhớ đến bao nhiêu chuyện vui buồn, được mất, tốt xấu của một đời người...

Một bức hình khác nhan đề, "Bàn Tay Nối Tiếp Bàn Tay" , cũng là một sáng tạo tuyệt vời kết hợp giữa sự giản dị, mộc mạc và những ý tưởng sâu xa, xứng đáng là "ảnh dĩ tải đạo".

Bức tranh chỉ ghi lại một cách giản dị hình ảnh một đứa trẻ mũm mĩm, đang hạnh phúc cười đùa trong khi hai bàn tay đang nắm, đang bấu víu, đang níu kéo lấy một bàn tay già nua, nhăn nheo. Đây là hình ảnh chúng ta thường thấy trong cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam. Vậy mà trước đây hàng ngàn lần, thậm chí hàng vạn lần, cũng nhìn những hình ảnh tương tự, còn linh động nóng hổi của sự sống, chúng ta lại không có những rung động tuyệt vời như khi nhìn vào bức hình "Bàn Tay Nối Tiếp Bàn Tay" của cụ Nguyễn Cao Đàm. Tại sao lại như vậy" Tại sao một bức ảnh bình thường, đơn giản, mộc mạc ghi lại một hình ảnh lại có thể đánh thức trong con tim, khối óc chúng ta những ý tưởng, những rung động tuyệt vời mà chúng ta không thể có khi ta vẫn nhìn thấy những hình đó trước đây mỗi ngày"

Phải chăng cái hay của cụ Nguyễn Cao Đàm chính là cụ đã không để cho người xem nhìn thấy khuôn mặt và hình hài của cụ già đang bồng cháu. Trái lại cụ chỉ cho người xem thấy có hai bàn tay. Điều này khiến tâm trí người xem được tập trung vào một vật thể cụ muốn gửi gắm đó là bàn tay. Sự tập trung này đã thực sự đánh thức trí tuệ cùng kiến thức mà người xem đã tích lũy trong cuộc sống khiến người xem lãnh hội được ý nghĩa tuyệt vời của bức ảnh.

Điều tuyệt vời hơn nữa là sự tương phản mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tạo dựng và sự tạo dựng đó đã khéo léo đến mức nghệ thuật khiến người xem không hề thấy sự gượng ép. Sự tương phản đó là sự thụ động gần như bất động, tưởng chừng như đã hết sinh khí của bàn tay già nua trong khi hai bàn tay của đứa bé là bàn tay năng động, tràn trề sự sống.

Mới nhìn bức ảnh "Bàn Tay Nối Tiếp Bàn Tay" người xem, qua hình ảnh bàn tay già nua mất hết sinh khí, đã cảm thấy có những bâng khuâng trước viễn ảnh một kiếp người, thân cát bụi sắp trở về với cát bụi. Nhưng ngay sau đó, người xem sẽ cảm thấy toàn bộ tâm hồn và tình cảm của mình bị cuốn hút vào sự sống đang tràn trề một cách linh động trong bàn tay trẻ thơ.

Khi đó, người xem sẽ đột nhiên nhận ra sự tiếp nối của sự sống. Thì ra chết chưa phải là hết. Và cái "chưa phải là hết" được tác giả gửi gắm ở đây không phải là thế giới vĩnh cửu con người sẽ đạt đến sau khi chết. Cái "chưa phải là hết" được gói ghém trong bức ảnh chính là sự sống được tiếp nối một cách cụ thể, bằng xương bằng thịt của con người. Và chính sự hiện hữu đầy linh động có tính cách huyết nhục nối tiếp giữa người già và người trẻ, đã khiến người xem nhận thức được, sự sống là một dòng sông bất tận không có khởi thủy và cũng không có tận cùng trong đó mỗi con người, mỗi thế hệ chỉ đóng vai trò tiếp nhận và phát huy những di sản của thế hệ trước để rồi truyền lại cho thế hệ sau... Và cứ như vậy, sự sống luân lưu bất tận không bao giờ có tử, có diệt mà chỉ có sinh, có chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác. Phải chăng, cũng từ quan niệm này nên ngót một thế kỷ trước, triết gia Kahlil Gibran đã nói: Con cái không phải thuộc về các ngươi mà thuộc về sự sống. Chúng sinh ra từ các ngươi nhưng không hề khởi thủy từ các ngươi mà chỉ đi qua các ngươi. Và dù chúng ở cùng các ngươi, chúng chẳng thuộc về các ngươi mà thuộc về sự sống...

Viết đến đây, bỗng nhiên tôi thấy thấp thoáng hình ảnh cụ hiện về, thanh bạch ung dung trong bộ quần áo trắng, với mái tóc bạc minh triết, ánh mắt tinh anh, tài hoa, và nụ cười của cụ thật gần gũi, khiến âm dương chẳng còn cách biệt, sinh tử chẳng còn ghê gớm như xưa nay tôi vẫn tưởng... Trong giây phút bâng khuâng đến xuất hồn, tự dưng tôi nhớ tới mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảnh phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trình một hóa thân
(Vũ Hoàng Chương)

Tôi biết, đã đến lúc phải dừng bút, vì dù có viết mấy chăng nữa, tôi cũng không thể nào diễn tả được một trong muôn một những xúc động chân thành, lòng biết ơn sâu xa và những nhớ nhung tha thiết của tôi dành cho cụ trong suốt 10 năm qua...

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm cổ lục đã ai ghi.
(Tô Thùy Yên)

Và tôi biết, trong những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi, tôi sẽ mãi mãi nhớ đến cụ, một người qua phong thái, nhân cách và những bức ảnh, đã giúp tôi tìm lại những gì tưởng chừng như đã mất, trong đó có quê hương tôi, có những người thân yêu của tôi và có cả hình ảnh của thân phụ tôi...

Hữu Nguyên
Bankstown 20.6.01

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.