Hôm nay,  

Nỗi Bất Hạnh Của Một Người Tù Vô Tội

22/04/200000:00:00(Xem: 5481)
John Button đã bị kêu án tù 10 năm vì tội ngộ sát một người bạn gái của ông vào năm 1963, mặc dầu một tên sát nhân hàng loạt đã thú nhận tội ác của hắn trước giờ bị hành hình. Mãi cho đến gần đây John Button mới có cơ hội để được hoàn toàn minh oan. Vì sao"

Ngày 26.10.1964 John Button đang ngồi buồn rầu trong sân tập thể dục của nhà tù Fremantle ở Perth. Cũng trong giờ phút đó những tay đao phủ thủ của Tây Úc đang chuẩn bị cho trường hợp bị treo cổ cuối cùng trong lịch sử tòa án và tội phạm của tiểu bang này. Tử tội chính là Eric Edgar Cooke, đã dùng những giây phút cuối cùng của cuộc đời để cứu thoát John Button người đã từng bị truy tố tội giết chết cô tình nhân tên là Rosemary Anderson. Chính Cooke cũng là người đã giết chết một cô gái tên là Jillian Brewer vào năm 1959 và giờ đây hắn sắp bị treo cổ cho tội ác năm đó. Trước khi chiếc thòng lọng được tròng vào cổ hắn, Cooke khẳng định rằng chính hắn đã giết cả Anderson. Thế rồi ngoài kia một đàn bồ câu trên nóc nhà tù hoảng sợ vỗ cánh bay lên khi hệ thống treo cổ tên Cooke sập xuống gây nên một tiếng động khủng khiếp trong phòng hành hình.

Sau vụ xử tử tên Cooke, John Button cho rằng ngày mình được trả tự do đã đến gần. Chính những viên cai ngục cũng từng đến xà lim và bảo với ông rằng ông sẽ được trả tự do ngay lập tức. Tuy nhiên thời gian thắm thoát trôi qua, đến bây giờ đã 56 tuổi,bản án tù phạm sát nhân năm xưa vẫn còn treo lơ lửng trên đầu của Button. Ngày 29.2 vừa qua bộ trưởng tư pháp Tây Úc là Peter Foss cho phép Button được tạm tha để làm thủ tục kháng cáo 37 năm sau vụ án. Lý do chính làm Button không được trả tự do là vì người ta không tin vào lời thú tội của tên sát nhân Cooke. Theo ý kiến của cảnh sát và công tố viện hồi đó thì trước khi chết tên Cooke còn muốn cười vào mặt cảnh sát khi tuyên bố nhận những tội ác mà hắn không hề phạm phải. Thêm vào đó chính Button đã ký tờ nhận tội giết người trong cuộc điều tra trước đó.

John Button không thể không ngỏ lời cám ơn một nữ phóng viên tội phạm của Tây Úc là Estelle Blackburn người đã đưa ra những bằng chứng mới nhất trong khi tìm hiểu và viết một cuốn sách về cuộc đời của tên tội phạm Cooke. Button cho biết tâm hồn ông bây giờ bình lặng không còn phẫn uất, không hận thù và chỉ có một nguyện vọng duy nhất là công lý phải được thực hiện và nỗi oan ức của ông phải được giải tỏa. Vấn đề bồi thường cho Button vì bị ngồi tù oan 10 năm chưa được đặt ra tuy nhiên gia đình của Button đã bị những thiệt hại về vật chất nghiêm trọng sau khi Button bị kết án sát nhân.

Chính nữ phóng viên Blackburn cũng tiêu tốn nhiều tiền của để thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn để tái hiện lại cuộc đời gian hùng và những tội ác tày trời của tên tội phạm ngoan cố và hung ác Eric Cooke. Mặc dầu chỉ bị tử hình về một tội sát nhân duy nhất, nhưng thật ra Cooke chính là thủ phạm của năm vụ sát nhân khác bằng súng và dao găm. Thêm vào đó hắn còn là thủ phạm của vô số vụ hành hung, cướp giật, ăn trộm xe tông chết người bỏ chạy. Nội dung chính của cuốn sách là tiết lộ một bí mật mà cảnh sát muốn che dấu, đó chính là tiền tích của Cooke trong tội lái xe ăn trộm tông người và bỏ chạy. Sở dĩ cảnh sát không muốn dư luận được biết đến chi tiết này là vì không muốn công nhận rằng John Button là một người vô tội trong vụ cô gái Anderson bị đụng chết.

Cùng với một nhà xuất bản của Tây Úc là Bret Christian, nữ phóng viên Blackburn đã tiến hành giảo nghiệm bằng kỹ thuật hiện đại tai nạn đụng xe với ba chiếc Simca. Loại xe Simca này vào năm 1963 chính là loại xe mà công tố viện Tây Úc cho rằng John Button đã lái và đụng chết cô tình nhân tuổi thiếu niên của anh ta. Lúc ấy John Button chỉ mới 19 tuổi và là một người Úc di dân gốc Anh đang hành nghề thợ xây để kiếm sống. Mặc dầu những cuộc giảo nghiệm cuối cùng chưa hoàn thành, tuy nhiên đã có nhiều bằng chứng từ cuộc xét nghiệm cho thấy chiếc xe tông chết Anderson chắc phải là một chiếc Holden chứ không phải là một chiếc Simca như cảnh sát đã từng tuyên bố.

Sự phát hiện này khiến chính vợ của tên tử tội Eric Cooke năm xưa là bà Sally Cooke cũng lấy làm vui mừng mà lên tiếng công nhận rằng từ trong tâm thức bà ta không bao giờ tin rằng chính John Button là thủ phạm giết chết Anderson. Bà Sally cho rằng bà tin với lương tâm của bà rằng chính thằng chồng tội phạm của bà ta là thủ phạm. Một cựu tù nhân khác là Michael Chamberlain, từng bị tù oan vì bị nghi ngờ thủ phạm giết chết đứa con gái Azaria của mình ở Ayers Rock vào năm 1980 cũng cho rằng sự vụ phải được làm sáng tỏ đối với trường hợp có nhiều nghi vấn của John Button.

Luật sư của Button là John Davies tin rằng một cuộc điều tra mới về vụ án năm xưa là chuyện không thể nào tránh khỏi được. Theo ông Davies nếu tòa kháng án hình sự đồng ý với quan điểm chung là những bằng chứng của vụ án năm xưa đã được xem xét một cách sai lạc và quyết định tuyên bố cựu phạm nhân John Button được trắng án và được bồi thường danh dự, thì sẽ nảy sinh ra một câu hỏi làm sao cảnh sát Tây Úc năm xưa đào đâu ra một bản khai nhận tội của một nghi can chưa bao giờ phạm tội ác đó. Câu hỏi đó là một câu hỏi mà toàn thể nước Úc sẽ muốn hỏi và muốn nghe cảnh sát và công tố viện Tây Úc phải trả lời nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên cha mẹ của nạn nhân Rosemary Anderson thì lại không đồng ý. Cả hai người từ chối trả lời những cuộc phỏng vấn có liên quan đến vấn đề nêu trên. Nhưng cô ruột của nạn nhân Anderson là Joy Thompson cho phóng viên biết những tình cảm độc địa và thành kiến mà bố của Anderson luôn luôn hướng về phía John Button. Chính Joan bố của Anderson từng phát biểu một cách nặng nề rằng không có gì trên cuộc đời này có thể làm ông ta thay đổi quan niệm rằng John Button đã không hề giết con gái ông ta. Bà Joy tỏ thái độ lừng khừng về việc quả thực John Button có tội hay không, tuy nhiên vô cùng giận dữ vì thời gian qua John Button còn dám đến mộ phần của Anderson để chụp hình. Một người bà con khác của Anderson thì nói thẳng rằng John Button là một tên đồ tể đểu cáng và đáng ra phải bị treo cổ cùng với tên Cooke năm xưa.

Đêm ngày 9.2.1963 Button đón Anderson 17 tuổi trên chiếc Simca của anh ta và chở cô bé về nhà cha mẹ ruột của mình ở Subiaco để mừng sinh nhật 19 tuổi. Sau đó cả hai chở nhau ra tiệm mua thêm cá chiên và khoai rán. Trên đường về đôi tình nhân tạt vào một lề đường và ái ân với nhau. Khi về đến nhà họ cùng ngồi xem tivi và ăn cá chiên khoai rán. Vừa xem ti vi Button thấy có bàn tay ai vươn ra bốc một miếng cá rán của anh ta, tưởng rằng là đứa em trai mất nết của mình, Button la làng tỏ ý không bằng lòng. Không ngờ bàn tay đó chính là của Anderson và cô bé lập tức giận dỗi, khóc lóc và bỏ đi bộ về nhà. Hoảng hồn Button leo lên chiếc xe Simca của mình, đang bị móp méo vì một tai nạn trước đó, để đi tìm Anderson. Khi tìm thấy Anderson Button nhận ra người yêu nằm bên đường thân thể nát bét và đầm đìa máu me. Button mang người yêu lên xe và chạy đi tìm một bác sĩ có phòng mạch gần nhà nàng.

Khi đến gặp Button ở phòng mạch vị bác sĩ, cảnh sát tỏ ra hung tợn và không lắng nghe lời trình bày của Button. Họ chỉ nhấn mạnh rằng xe của Button bị móp méo phía trước. Khi bị mang về đồn thái độ của cảnh sát càng thêm đáng sợ và có lúc Button đã lo lắng cho sự an toàn về thể xác của mình trong suốt 6 tiếng đồng hồ bị hỏi cung liên tục. Vì quá lo sợ, Button ký tờ nhận tội và lập tức bị truy tố tội cố ý sát nhân. Sau đó tòa kết án John Button giảm khinh với tội danh ngộ sát. Trong số bồi thẩm đoàn có hai người một là thợ làm đồng xe hơi đã nhiều lần khẳng định rằng dấu móp méo của chiếc xe không phải là dấu đụng người vì anh ta là một thợ làm đồng xe chuyên nghiệp. Nhưng không ai lắng nghe ý kiến của anh thợ này. Mọi người đều tin rằng Button giết chết Anderson vì cô gái từ chối làm tình với anh ta đêm hôm đó.

Theo Button cảnh sống trong nhà tù thật là khủng khiếp. Chỉ cần vào cửa trước nhà tù và ra được cửa sau đã thấy mình thành anh hùng rồi chứ chưa nói sống nhiều năm trong đó. Vào ngày 20.12.1967 Button được tha có điều kiện. Những vết thương của đời sống tù tội không hằn lên da thịt của người tù mà hằn sâu trong tâm khảm thành một vết thương tâm lý không hề phai nhạt. Một năm sau khi ra tù Button kết hôn với một người bạn gái cũ là Helen Featherstone, con gái của một viên cảnh sát. Theo Helen nàng tin Button vô tội và đem lòng yêu anh khi anh rời khỏi nhà tù. Trong vòng sáu năm sau Helen là chỗ dựa tinh thần cho Button khi ông dần dần hồi phục từ cơn ác mộng tù tội. Thậm chí việc trở thành bố cũng không làm cho Button vui thú trong cuộc sống. Hai con của Button nay một là bác sĩ thú y, một là nhân viên xã hội.

Tuy nhiên phép màu đã đến khi Button bị một tai nạn xe hơi suýt chết vào năm 1976. Ông cho biết đúng ra ông nên chết phứt đi cho nhẹ nhõm tâm hồn, ít ra ông cũng được tìm thấy sự an ủi khi được kề cận bên Thiên Chúa. Hiện nay Button là một trong những trưởng lão của giáo hội tin lành Westminster Presbyterian và thỉnh thoảng cũng làm nghề thợ hồ để kiếm chút tiền còm. Thường khi trước bàn thờ Chúa, Button cầu xin Ngài vì thương xót cho cuộc đời không may của ông, một lúc nào đó xin cho ông thấy được công lý được thực hiện.

Trong khi những lời cầu xin đó của ông có lẽ đang dần dần được Thiên Chúa thực hiện qua sự nỗ lực nghiên cứu của nữ phóng viên Blackburn và việc mở lại hồ sơ vụ án năm xưa của tòa án, Button cho biết ông cũng còn một nguyện vọng sau cùng nữa là tiến đến việc hòa giải hoàn toàn với gia đình của nạn nhân Anderson. Button cho biết ông và Anderson đã từng đề cập đến chuyện hôn nhân và nếu không có gì xảy ra bây giờ ông cũng gọi cha mẹ của Anderson là cha mẹ vợ của ông.

Theo Button thì điều hạnh phúc nhất trong đời ông trong giai đoạn cuối cùng này là được ngồi lại với gia đình Anderson, ôm nhau trong đôi tay thân ái và cùng khóc mùi mẫn để nhớ lại một người con gái xinh đẹp và thơ ngây đã chết thảm một đêm năm xưa trên một con đường làng nhỏ bé.

Đoan Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.