Hôm nay,  

Hồi Ức Từ Địa Ngục

21/08/200100:00:00(Xem: 4634)
Sau những chứng nhân như Primo Levi, Jean Améry, Bruno Bettelheim, hay những sử gia như Raul Hilberg, Omer Bartov, Michael Marrus... người ta thấy thật khó mà viết thêm về Lò Thiêu. Tuy nhiên hàng ngàn cuốn sách vẫn tiếp tục được in ra, chỉ tính từ thập niên 1970, trong số tác giả, nhiều người sống sót từ những trại tử thần. Giới sử gia, phê bình nhận thấy chúng thường được lập lại, thiếu điểm nổi bật. Những câu chuyện gần như có cùng một mẫu mã: cuộc sống khá dễ chịu trước khi xẩy ra Lò Thiêu, thường là ở Ba Lan, được mô tả như là cực kỳ bài Do Thái. "Những người Nazi hiểu rất rõ điều này, và khi chiếm đóng Ba Lan, họ đã lợi dụng nó, như là một khí giới để tiêu diệt chúng tôi", một tác giả đã viết. Mặc dù gần như mọi người trong gia đình bị hủy diệt, tác giả, do giữ được phẩm giá, do sẵn sàng giúp đỡ những người khác, nhờ vậy, nên còn sống. Sau chiến tranh, họ ra nước ngoài, thường là Hoa Kỳ, nơi sau cùng họ có được một gia đình mới, trở nên khá giả, nhưng vẫn bị ác mộng ám ảnh; trong những cơn ác mộng ghê rợn như thế, vẫn lóe lên những niềm an ủi, nhờ nói lên được với giới trẻ, về Lò Thiêu, và nhờ những đóng góp cao thượng, khi ở địa ngục.

Những câu chuyện không hẳn là ngụy tạo, nhưng những chi tiết đã được 'làm đẹp' do sự lọc lựa của hồi ức. Chắc chắn là phải có một người nào đó, có khi chính tác giả, đôi lần đã làm mất phẩm cách khi ăn cắp một mẩu bánh của bạn tù; hoặc một người nào đó sống sót nhờ đẩy người khác, thế chỗ mình, vào phòng hơi độc. Cho dù tác giả của những cuốn sách thành thực, làm sao bảo đảm, ký ức của họ là tuyệt hảo, khi nhớ lại địa ngục, và viết ra, nửa thế kỷ sau đó" Rõ ràng là, không phải tất cả những người sống sót đều là những anh hùng, càng không phải, những nhà văn, nghĩa là biết phải viết một cuốn sách ra sao.

Cho tới nay, giới kinh viện cũng không làm sao đồng ý với nhau, về những điều cơ bản, khi nhìn lại Lò Thiêu. Nhất là về "Giải pháp cuối cùng, huỷ diệt Do Thái", đã được "lên kế hoạch" như thế nào. Daniel Goldhagen, sử gia Harvard coi tất cả những người Đức bình thường, đều tự nguyện tham gia huỷ diệt Do Thái. Ông còn tố thêm, những tội ác huỷ diệt Do Thái, do những sắc dân không phải người Đức, như người Ukrainians, Romanians, Croats... đều là "phó sản phẩm" từ Lò Thiêu của Nazi; cho dù Nazi giết cả những người không phải là Do Thái, những nạn nhân này cũng khác hẳn, so với Do Thái.

Trong số những cuốn sách mới xuất bản, "Đối Diện Cực Điểm: Cuộc Sống Đạo Đức trong những Trại Cải Tạo" (bản Anh ngữ, nhà xb Metropolitan Books, 307 trang) của Tzvetan Todorov, nhà văn, phê bình Pháp gốc Bulgarie, có lẽ là tác phẩm có tham vọng lớn lao nhất, khi tác giả cố gắng tìm hiểu con người đối xử với nhau ra sao, ở cả hai địa ngục: Lò Thiêu của Nazi, và Gulag của Xô-viết. Đối Diện Cực Điểm được coi là trung thực một cách thông minh, không có định kiến, tắm đẫm tinh thần lạc quan - nói rõ hơn, cuốn sách có trong nó niềm tin, bắt nguồn từ tôn giáo, rằng cái tốt vẫn hiện hữu, ở giữa cái ác độc tồi tệ; vào những thời điểm, khi cái ác trở nên đốn mạt nhất, cái tốt vươn lên như một câu trả lời, một phản ứng của con người, trước nguy cơ huỷ diệt.

Theo Todorov, "ngọn cờ đầu của giai cấp vô sản", nói rõ hơn, những xã hội toàn trị, với hệ thống trại cải tạo, là "xét nghiệm tối hậu", tinh thần nhân loại: Liệu có chăng, cái gọi là đạo đức, ở trong đó"
Một số những người chứng nhân nổi tiếng như Jean Améry, Primo Levi, Tadeusz Borowski, và Eugenia Ginzburg (đã trải qua 20 năm tại trại Kolyma, Liên Bang Xô-viết), đều cho rằng, trong trại tù, một cương vị đạo đức là chuyện không thể. Levi viết: "Đây là một cuộc sống Hobbesian, một cuộc chiến thường trực, liên tục, của mọi người chống lại mọi người".

Trong cuốn sách Sống sót tại Treblinka (Trap with a Green Fence: Survival in Treblinka), bản Anh ngữ của Roslyn Theobald, nhà xb Northwestern University Press,196 trang) Richard Glazar, một trong những người Do Thái tới trại tù Treblinka như là công nhân trong nhà máy của tử thần, đã "ghê sợ" thừa nhận luận cứ này. Công việc của ông là thu gom đồ đạc, thực phẩm của những nạn nhân phòng hơi độc. Một công việc thảm đạm, nhưng "lợi nhuận" khác thường. Những món đồ, thực phẩm có giá được đánh cắp, và trao đổi với người dân Ukrainian, hoặc lính SS. Nhờ vậy, ông và "đồng sự" là những người "béo tốt, lành lặn" nhất trong những nạn nhân Do Thái. Hơn thế nữa, chế độ 'trợ cấp xã hội' (welfare) của đám thợ như ông, tùy thuộc trực tiếp vào con số những chuyến tầu của thần chết. Khi ít hàng, họ đói dài, và khi những chuyến tầu dồn dập tới, họ la lên: "Hurrah, Hurrah!". Trong những nạn nhân mới tới đó, nhiều khi có cả thân nhân, bạn bè của họ. Ở những trại tù khác, nhiều khi mẹ làm ra vẻ không nhận ra con, vì mạng sống của chính mình.
Todorov, tuy nhiên, đã lọc ra rất nhiều ngoại lệ, trong cuộc chiến dã man, rừng rú đó. Ông chỉ cho thấy, chính những người như Primo Levi, và nhiều người khác nữa, mặc dù tỏ ra bi quan cùng cực như vậy, nhưng bản thân họ đã có những hành động anh hùng, hoặc tỏ ra thông cảm, ngay cả với những con người đã hết còn là người. Không phải mọi người đều trở nên bại hoại, thoái hoá, và vấn đề sống còn tuỳ thuộc vào sự giúp đỡ lẫn nhau, hoặc cảm thông. Sự sống còn của Levi chẳng hạn, đã do sự giúp đỡ của những bạn tốt như là công nhân người Ý, Lorenzo, hàng ngày mang cháo cho ông. Todorov cũng viết về trường hợp Magarete Buber-Neumann, một Cộng Sản Đức không phải gốc Do Thái đã trốn qua Liên bang Xô viết. Cả bà và chồng là Heinz Neumann, một thủ lãnh Cộng Sản Đức, khi tới được 'thiên đường vô sản', đều bị bắt. Heinz ở lại vĩnh viễn, đâu đó, trong Gulag. Bà vợ trải qua hai năm trong trại tù Kazakhtan, tới 1940, công an Xô viết trao lại cho Gestapo. Năm năm tiếp theo, là trại tập trung Ravensbruck. Tại đây, bà xả thân lo cứu người thoát khỏi phòng hơi độc. Hay là trường hợp nữ thi sĩ, kháng chiến quân người Pháp không phải gốc Do Thái, Charlotte Delbo. Bà viết, trong nhóm đàn bà Pháp, mọi người đều hiểu rằng, một kẻ trở về là biết bao người nằm lại, và nếu không có sự giúp đỡ của họ, sẽ chẳng có ai trở về.

Todorov rất thận trọng khi phân biệt, giữa hành động nhân bản bộc phát, và sự đoàn kết của từng nhóm người. Đoàn kết thành nhóm là bảo đảm nhất đưa đến chuyện sống sót. Nhưng thường thường, nó chỉ hữu hiệu, với tổn thất của những người không thuộc nhóm của họ. Do Thái Pháp chống lại những người Do Thái khác. Do Thái chính thống chống tân tòng; tù nhân chính trị Pháp không chia sẻ phẩm vật cứu trợ Hồng Thập Tự với tù nhân Nga, tù nhân Cộng Sản tố cáo tù không Cộng Sản, và tỏ ra hết sức thù nghịch với những người mà Đảng đóng dấu Đệ Tứ (Trotskyites). Đâu là đường ranh giữa nhóm đoàn kết và băng đảng sát nhân do chủ nghĩa vị kỷ"

Trong hồi tưởng đã được giả tưởng hoá, nhà văn Hungary, Imre Kertész, bị tống vào Auschwitz khi còn là một đứa trẻ, vào năm 1944, đã miêu tả tâm trạng cô đơn cùng cực, như là một Do Thái Hungary "yêu nước, vô tôn giáo, bị đồng hoá," giữa những người Do Thái Ba Lan, nói tiếng Yddish, Chính thống giáo. Chẳng những bị đánh đập, tước đoạt, và bị đẩy vào Auschwitz, ngay cả ở nơi chốn đầy ải này, cậu vẫn bị những tù nhân khác xua đuổi, như một "Gentile" [một từ người Do-thái dùng để chỉ những người theo Thiên chúa giáo], hay một tên Hungary. Todorov kể trường hợp tiêu biểu của Maximilian Kolbe, một tu sĩ Ba Lan đã hy sinh thân mình, thế chỗ cho một tù nhân chính trị bị hành quyết tại Auschwitz. Nhưng Kolbe, gần đây mới được phong thánh, đã hy sinh cho một người bạn Ba Lan, không phải cho một Do Thái, hay một người Nga. Sự thực, tu sĩ này là một người bài-Do Thái nổi tiếng.

Trong trại tập trung, Todorov khẳng định, đạo đức cá nhân luôn đụng độ với nhu cầu sống còn của mỗi cá nhân, và sự đau khổ mà người này can đảm chịu đựng có khi là nguyên nhân thoái hóa của kẻ khác. Đối Diện Cực Điểm cũng cảnh cáo, cái gọi là "trí thức đáng khen không có gì để phê phán", hay "hành động sáng tạo"; giản dị một điều là, chuyện như vậy đã xẩy ra trong những tình huống thê lương của trại tù. Một vài nghệ sĩ đã lợi dụng những tù nhân chung quanh, như một nhạc trưởng ở Auschwitz chỉ lo đạt tới sự toàn thiện toàn mỹ của âm nhạc của bà, thay vì lo lắng đến những người nhạc sĩ tù nhân trong dàn nhạc. Vả chăng lính Đức rất mê âm nhạc. Và khi bà ta chết, đám sĩ quan SS đã phủ kín quan tài bà bằng hoa trắng: "Họ cúi đầu khóc thương hài cốt người tù Do Thái của họ."

Có một khác biệt căn bản, giữa Todorov, và Daniel Goldgahen, về "người Đức bình thường". Trong khi Goldhagen coi sự thù hận Do Thái tích luỹ qua bao thời đại, một hậu quả tất nhiên của một nền văn hóa bài Do Thái, ở những người như cảnh sát, công nhân, những bà nội trợ. Todorov cho rằng, thái độ của những người lính gác ở trong trại tập trung, là tuân theo mệnh lệnh, của thể chế toàn trị. Những chế độ toàn trị, ông khẳng định, đã cố gắng làm cho người dân tin rằng, đâu đâu cũng có kẻ thù, và kẻ thù là phải tiêu diệt (Jennifer tôi nhấn mạnh). Mà kẻ nào đã bị coi như là kẻ thù thì kẻ đó không phải là người. Đây là niềm tin tưởng không phải của riêng người Đức, mà luôn cả công an Xô viết, theo Todorov.

Có thể có những độc giả không chia sẻ quan điểm của Todorov, khi ông coi Nazi và Xô viết là cùng một giuộc. Todorov trích dẫn Gustaw Herling, nhà văn Ba Lan: Tôi ghê sợ, và tủi nhục, khi nghĩ rằng, Âu Châu đã được phân chia, bằng hai bờ (sông) Bug; một bên là hằng hà những nô lệ Xô viết cầu khẩn quân đội Hitler tới giải phóng, một bên là lớp lớp những nạn nhân trại tập trung Đức, mong mỏi Hồng quân, hy vọng cuối cùng của họ.

Liệu có gì tương tự giữa hai địa ngục"

Những người không ưa so sánh như vậy, khẳng định, Stalin không hề cố gắng tiêu diệt sạch sẽ một sắc dân, và phương thức giết người của ông 'kém gọn ghẽ', không kỹ nghệ hóa, kém hiện đại, so với Hitler.

Trong một phỏng vấn truyền hình, Goldhagen khẳng định, đao thủ phủ của Stalin đều là dân chuyên nghiệp, được huấn luyện, và được tuyển chọn, trong khi, lính gác Đức là thường dân. Điều này có nghĩa, theo ông, (từ những tàn nhẫn của dân chuyên nghiệp như thế), chúng ta chẳng suy ra được một điều gì về xã hội Xô viết; không như đồng nghiệp Đức của họ, thuộc diện "không chuyên". Có những người khác cho rằng, khi chính quyền Stalin tống đi đầy, hoặc bắn bỏ trẻ con, hoặc những người được gọi là kulak, chỉ vì mỗi tội họ là chủ một khu vườn, một mảnh đất, do tổ tiên để lại, như vậy là đã phán đoán con người trên căn bản sinh vật học, "y chang" Nazi. Mặc dù họ không có phòng hơi độc như Nazi, nhưng lại có những phòng đông lạnh thiên nhiên, bao la, bát ngát nơi Bắc Nga, Siberia, mồ chôn bao tù nhân chính trị, chết vì lạnh và đói. Chẳng thua gì Nazi, chế độ Stalin cũng đã từng thủ tiêu sạch sẽ cả một nhóm sắc dân, như tầng lớp trí thức Ba Lan.

Bởi vậy, những lý do tại sao thường dân không được huấn luyện để giết người, lại giết những con người vô tội, phải được truy tìm, không phải chỉ dựa theo truyền thống quốc gia.

Đặc quyền, đẳng cấp, sức mạnh là những "tiếng nói" rất quan trọng, trong trại cải tạo, cho dù là Auschwitz hay ở Siberia, nơi người ta sống, hoặc chết, tất cả đều tuỳ thuộc vào một vài từ gọn nhẹ đó. Những hệ thống chợ đen đã xum xuê nẩy nở, cũng nhờ nó. Đôi khi, đôi chỗ, còn có cả một "thị trường chứng khoán" với những cổ phần viên, y chang một Wall Street thu nhỏ lại. Trong một nghiên cứu quan trọng về hệ thống chức sắc trong trại tập trung, The Order of Terror: The Concentration Camp, (bản Anh ngữ của Wolfgang Templer, nhà xb Princeton University Press, 356 trang), Wolfgang Sofsky cho thấy quyền lực ở trong trại tù đã được thành lập ra sao, dựa trên đám chức sắc cao cấp, tư cách chính trị, và sắc dân. Ăn trên ngồi chốc, hay là giai cấp quí tộc, gồm những tù hình sự, hoặc chính trị người Đức. Dưới họ, là giai cấp trung lưu gồm những tín đồ Jehovah, Tiệp, Bắc Âu, và một số, không phải tất cả, những tị nạn Cộng hòa Tây Ban Nha. Những người Nazi hoàn toàn có lý do, khi ban cho những tầng lớp kể trên, những đặc quyền so với những tù nhân còn lại. Những người Bắc Âu, nếu nói về sắc dân, có thể chấp nhận được (tức là cho phép sống), tín đồ Jehovah: tỏ ra chịu hợp tác, ưa giúp đỡ lẫn nhau, và không tha thiết gì lắm đến chính trị. Tới giai cấp hạ lưu: người Bỉ, Hòa Lan, Pháp, Ba Lan, Ý. Giai cấp cùng đinh: những người đồng tình luyến ái, thường dân, tù binh chiến tranh Xô viết, dân bô-hê-miêng, và Do Thái. Nhưng nấc thang xã hội này không ổn định: có những tín đồ Jehovah bị đối xử một cách hết sức dã man, hàng ngàn người Spaniards bị giết, ngay lúc đầu. Trong một xã hội đã được sắp xếp như vậy, tác giả cuốn sách cho biết, đám SS chảng mấy khi phải đích thân ra tay. Chỉ có chừng hai chục cho tới bốn chục sĩ quan SS; chín chục tới một trăm hai lính gác Đức, là đủ trông coi một trại tử thần như Treblinka, nơi gần một triệu Do Thái đã bị giết. Đặc quyền, đặc lợi là những chìa khóa vàng để mở cửa địa ngục, để được sống sót. Những con người chẳng bao giờ biết đến những chiếc chìa khóa thần như vậy, đều đã bỏ thân nơi địa ngục, làm sao họ kể cho cho chúng ta nghe, chuyện gì đã xẩy ra cho họ. Cụ thể là những hớp cháo mà Levi đã được hưởng từ người bếp: đặc quyền, đặc lợi kéo dài mạng sống. Nhưng khổ một nỗi, nó có thể mất đi, nhanh hơn là có được.

Trong mảng văn chương viết về địa ngục, phần dễ gây hiểu lầm, tốn nhiều giấy mực, thật khó mà đồng ý với nhau, đó là những mối liên hệ Ba Lan-Do Thái trong thời Đệ Nhị Chiến. Todorov đặt câu hỏi, tại sao đạo quân dưới hầm 'Polish Home Army' làm ngơ trước cuộc nổi dậy vào năm 1943 của Warsaw Ghetto Uprising" Lý do theo ông, không hẳn chỉ vì thái độ bài Do Thái của tầng lớp sĩ quan Ba Lan, mà là do sự cô lập truyền thống giữa hai cộng đồng; và còn do thái độ hoan hô Xô viết ở những chiến đấu quân Do Thái. Đạo quân Home Army tỏ ra thù nghịch với cả Stalin và Hitler, Todorov viết; và tổ chức Hashomer, hạt nhân của cuộc nổi dậy Ghetto vào năm 1943, đã tỏ ra ủng hộ Xô viết vô điều kiện. Vì những biến cố trong và sau chiến tranh, rất nhiều người Ba Lan đã coi tất cả Do Thái là "Cộng Sản Do-thái'. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, Do Thái-Ba Lan không phải là Cộng Sản. Một trăm hai chục ngàn người trong số họ đã chiến đấu trong quân đội Ba Lan vào năm 1939, và chừng ba chục ngàn đã tử trận. Chừng tám trăm Do Thái trong số những sĩ quan trừ bị Ba Lan đã bị sát hại ở Katýn, và ở nhiều nơi khác, do lệnh của Stalin. Rất nhiều người Do Thái đã coi thái độ bài-Do Thái của người Ba Lan là không thể cứu chuộc được, mặc dù sự kiện tổ tiên họ đã được mời đến Ba Lan và được ban cho rất nhiều đặc quyền khác thường. Có nhiều cây trồng để tưởng nhớ những người Ba Lan đã giúp đỡ Do Thái tại Vad Yashem, Jerusalem, nhiều hơn là tất cả những hàng cây tưởng niệm khác cộng lại.

Sử gia Richard C. Lukas, người Mỹ gốc Ba Lan đã bỏ ra gần như cả đời để chứng minh cho thế giới thấy rằng con số người Ba Lan, nạn nhân của Nazi, chẳng thua gì Do Thái, và cả hai nhóm nạn nhân nên cố gắng hiểu nhau hơn. Mặc dù ông có hơi "cường điệu" khi nói về những đau khổ của trẻ con Ba Lan, trong cuốn sách của ông 'Trẻ con đã khóc phải không" Cuộc chiến của Hitler chống lại Trẻ con Ba Lan và Do Thái thời kỳ 1935-45' (Did the Children Cry" Hitler's War Against Jewish and Polish Children, 1939-45; nhà xb Hippocrene Books, 263 trang); những cố gắng của ông đã được tán thưởng trong những cộng đồng Do Thái, và tổ chức "the Anti-Defamation League" đã bỏ phiếu đồng ý ban cho ông giải thưởng hàng năm của hội, vào năm 1996. Khó khăn mà tác giả gặp phải, là Nazi không phân biệt con nít với người lớn, và con nít Ba Lan với trẻ con Do Thái. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ, đó là việc bắt cóc hàng ngàn trẻ con Ba Lan, cho chương trình có tên là Đức hóa (Germanization). Lukas rất thận trọng khi giải thích, việc sát hại trẻ con Do Thái thì "hệ thống" hơn, so với trẻ con Ba Lan, nhưng ông đưa ra kết luận trong số 1,800,000 trẻ con Do Thái và "gentile", lớn nhất là 16 tuổi, đã bị huỷ diệt tại Ba Lan thời kỳ Đệ Nhị Chiến, có 1,200,000 là Ba Lan, và 600,000 là trẻ con Do Thái gốc Ba Lan. Trẻ con Do Thái hầu hết là bị đưa vào phòng hơi độc, trong khi trẻ con Ba Lan chết là do thiếu ăn, bịnh hoạn, hoặc là do chiến đấu, hoặc chết vì đạn lạc, trong cuộc nổi dậy Warsaw Uprising.

Liền sau khi bỏ phiếu quyết định trao giải thưởng, chẳng hiểu sao hội ADL đổi ý, và thông báo cho Lukas, đã có lầm lẫn hành chánh, và ông không được trao tặng giải thưởng! Tác giả bực quá, phản đối, cuối cùng họ "mail" giải thưởng, nhưng không tổ chức lễ trao giải, và cũng chẳng thông báo cho công chúng hay. Báo chí cho biết, hội đã khám phá ra rất nhiều lầm lẫn trong cuốn sách của Lukas, trong số đó là tác giả đã đánh giá sai chủ nghĩa bài-Do Thái.

Nếu những liên hệ Do Thái-Ba Lan là một đề tài "khó thương, vô hy vọng giải đáp", đề tài diệt chủng cũng y chang như vậy. Một số tác giả có vẻ tỏ ra thích thú, khi chứng minh rằng, Lò Thiêu là hành động độc nhất vô nhị, thực trăm phần trăm, trong lịch sử nhân loại. Một số khác muốn chứng minh ngược lại. Hầu hết đã cẩn trọng tránh né nó. Todorov gần như không nói gì về những cuộc sát hại người Armenian tại Turkey vào năm 1915, những cánh đồng chết Cambodia, hay những cuộc sát hại thổ dân da đỏ, American Indians. Goldhagen chỉ nhắc tới vụ diệt chủng Armenian một lần, trong cuốn sách của ông, và cũng chỉ để đưa ra ý kiến, không như Do Thái, những người Armenians có thể cải đạo. Mặc dù ông viết, người Đức đã giết 200,000 dân Gypsies, và ông cũng biết rất rõ, chẳng có một người nào trong số đó, dù gốc Roma, hay Sinti, có thể toàn mạng, cho dù "cải đạo", tác giả cũng chỉ dành cho những nạn nhân "hai-nửa câu", và một tiểu chú độc nhất, trong đề tài gồm 471 trang.

Tuy nhiên, ít ra đã có một cuốn sách dành trọn cho đề tài diệt chủng: 'Liệu Lò Thiêu là độc nhất vô nhị', (Is the Holocaust Unique" Perspectives on Comparative Genocide nhà xb Westview Press, 222 trang) tác giả Alan S. Rosenbaum, giáo sư triết Ohio. Ngoài hai essays về Lò Thiêu Do Thái, phần còn lại là về Lò Thiêu Romani, diệt chủng Armenian, công cuộc buôn bán nô lệ xuyên qua Atlantic, Khủng bố Stalin, và Chính trị học của giới Kinh viện về Diệt chủng. Thái độ người thường, cách hành sử của họ, trong những trường hợp "cực điểm" như trên, là một đề tài thật khó giải thích một lần rồi thôi, và càng nói càng buồn thêm. Làm sao những điều được đánh giá như là truyền thống, nhân chi sơ tính bản thiện, văn hoá, ý thức hệ... lại tỏ ra "bất lực", khi đưa con người "bình thường" đến những hành động ghê rợn như thế" Biến họ thành những đao phủ ghê tởm như vậy"

Qua những tác phẩm mới mẻ như trên, khi nghiên cứu văn hóa, cùng truyền thống bài Do Thái ở Âu Châu, người ta có thể đồng ý với nhau ở một vài điều: Không nghi ngờ chi, Lò Thiêu tại Âu Châu không xẩy ra nếu không có Nazi. Cũng chẳng nghi ngờ chi, những hành động của Nazi đã được sự chấp thuận của một phần trong số hàng triệu con người Đức, và các sắc dân Âu Châu khác. Còn lại là vấn đề mức độ tham gia chương trình huỷ diệt, về phương pháp huỷ diệt, về cung cách đối xử: có người muốn diệt sạch, có người muốn chừa lại bạn bè Do Thái, những người đã được đồng hóa... Tất cả nằm trong tiến trình diệt chủng, vốn đã bắt đầu tại Âu Châu vào thế kỷ 19 và vẫn còn tiếp tục cho tới nay.

Jennifer Tran

(Theo bài viết của István Deák, Memories of Hell, tạp chí Điểm Sách New York, NYR June 26, 1997)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.