Hôm nay,  

S.đ 1 Không Kỵ, Trận Chiến Ở Pleiku & Phía Bắc Bình Định

28/09/199900:00:00(Xem: 5125)
* Sư đoàn 1 Không Kỵ tại phòng tuyến An Khê:
Là một trong những đại đơn vị Hoa Kỳ đầu tiên có mặt tại chiến trường Việt Nam, Sư đoàn 1 Không Kỵ là một sư đoàn thiện chiến và là sư đoàn tổng trừ bị của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đây cũng là một sư đoàn được hình thành theo đề nghị của đại tướng Westmoreland trong kế hoạch “44 tiểu đoàn bộ chiến” cho chiến trường Việt Nam.
Theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, Sư đoàn 1 Không Kỵ chính thức hình thành vào ngày 1 tháng 7/1965, với lực lượng ban đầu gồm 8 tiểu đoàn bộ chiến, 6 tiểu đoàn Pháo binh, 5 tiểu đoàn yểm trợ thuộc các ngành Công binh, Truyền tin, Tiếp vận, Quân vận, Quân y, và 1 không đoàn trực thăng. Sau gần 1 tháng tổ chức và huấn luyện bổ sung, ngày 28 tháng 7/1965, sư đoàn nhận được lệnh của Tổng thống Johnson, tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Hoa Kỳ, lên đường sang Việt Nam tham chiến ngăn chận CSBV.
Trước khi toàn bộ tư lệnh và các đơn vị rời Hoa Kỳ, một thành phần tiền phương do tướng 1 sao John M. Wright Jr., tư lệnh phó Sư đoàn chỉ huy được gửi sang Việt Nam trước để thiết lập một căn cứ có thể chứa được hơn 400 phi cơ và khoảng 15 ngàn quân của Sư đoàn. Khi đến Sài Gòn, vị tư lệnh phó Sư đoàn nhận được lệnh của đại tướng Westmoreland là phải chọn 1 khu vực để phối trí quân ngăn chận các cuộc tấn công của CSBV xuyên qua vùng núi gồ ghề của vùng Tây nguyên. Trên đường bay thị sát, tướng Wright đã dừng lại tại phi trường quân sự dã chiến của quân đội Pháp ngày xưa tại An Khê, nằm trên Quốc lộ 19, nối liền Bình Định và thị xã Pleiku, nơi mà 12 năm trước các đơn vị Việt Minh (CQ) đã phục kích và gây tổn thất nặng binh đoàn lưu động số 100 của quân đội Liên Hiệp Pháp, địa điểm phục kích chính là đèo Măng Giang.
Trong giai đoạn đầu tại An Khê, từ ngày 27 tháng 8/1965, sĩ quan và binh sĩ thuộc thành phần tiền phương đã cùng nhau khởi sự khai quang khu vực, tất cả hùng hục đục khoét cắt xẻo đất đai để tạo thành một bãi trực thăng lớn nhất thế giới, có kích thước như sau: 2 km chiều ngang và 3 km chiều dài, tạo thành hình chữ nhật được đặt tên là sân bay Golf.
Một tháng sau đó, phần lớn các thành phần tác chiến của Sư đoàn đã đến và ngay tức khắc đảm nhận nhiệm vụ an ninh vùng An Khê và toàn Quốc lộ 19. Trong những tuần lễ đầu các cuộc chạm trán với CQ tương đối nhẹ khi các đơn vị bộ chiến chỉ mới tiến hành các cuộc hành quân nhỏ để thăm dò phản ứng đối phương trong khu trách nhiệm chiến thuật (TAOR= Tactical Area of Respnsibility) theo quyết định của bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại VN. Vào thời gian này, thiếu tướng Kinnard-tư lệnh Sư đoàn, lại mong có những trận giao tranh lớn. Ông đã báo cáo với cấp chỉ huy trực tiếp của ông là trung tướng Larsen-tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Vùng 2, rằng: Tôi không hiểu làm cách nào để chiến đấu như vậy. Rồi ông báo cáo tiếp: Trung tướng chỉ cần cho tôi một mệnh lệnh hành quân theo loại nào, đến một tỉnh nào, khai triển tình hình địch để tiêu diệt khi các đơn vị của chúng tôi phát giác được, tôi tin là sẽ làm được.

* Trận chiến tại Cao nguyên tháng 11/1965:
Cơ hội mà thiếu tướng Kinnard mong đợi đã đến ngay sau đó không lâu. Ngày 19 tháng 10/1965, lực lượng CQ tung ra các cuộc tấn công liên tiếp mùa khô của địch tại Cao nguyên với cấp Sư đoàn vào trại biên phòng Pleime ở phía Tây tỉnh Pleiku. Cuối cùng, dù CQ đã rút lui, nhưng đại tướng Westmoreland muốn tiêu diệt không cho đối phương thoát. Ông ra lệnh cho trung tướng Larsen-tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Vùng 2 rằng: hãy để cho thiếu tướng Kinnard sử dụng bộ óc của ông ta và ra lệnh cho Sư đoàn 1 Không kỵ tìm, cầm chân và tiêu diệt trung đoàn 32 và trung đoàn 33 CSBV khi các trung đoàn này rút lui xuyên qua cánh rừng già không lối mòn hướng về biên giới Căm Bốt.
Nhận được lệnh, vị tư lệnh Sư đoàn 1 Không Kỵ lập tức giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 1/9 Không kỵ thám sát các con đường CQ có thể rút lui trong khu vực hành quân vừa mới trải rộng thêm vào khoảng 2,500 cây số vuông. Dưới quyền chỉ huy của trung tá John B. có biệt danh “Roi gân bò mộng”-một phi công xông xáo nổi tiếng về tài bay nhanh, các trực thăng trinh sát nhẹ 0H-13 thuộc các phân đội Trinh sát của tiểu đoàn 1/9 được gọi là “Đội Trắng” đã để ra nhiều ngày sau đó “cào” các vùng cao địa để tìm dấu vết các toán quân địch trốn chạy. Dù nhiều toán địch lẻ tẻ được phát hiện từng lúc thế nhưng không có cuộc giao tranh nào đáng kể xảy ra cho đến ngày 1/11/1965. Vào ngày này, tiểu đoàn 1/9 Không kỵ đã tình cờ gặp 1 trạm cứu thương cấp trung đoàn đang được 1 tiểu đoàn CSBV bảo vệ.


Ngay sau đó, từng tiểu đội bộ chiến thuộc tiểu đoàn 1/9 được trực thăng vận vào khu vực này dưới sự yểm trợ hỏa lực của các trực thăng võ trang. Các trực thăng này được trang bị đầy đủ về không-hỏa-lực. Cộng quân đã bám sát tuyến phòng thủ của đơn vị Hoa Kỳ để gây khó khăn cho hoạt động không yểm. Khi các đơn vị bộ chiến của lữ đoàn 3 đến tăng cường thì Cộng quân bắt đầu đoạn chiến và rút lui.
Cho ràng CQ đã rút lui về hướng căn cứ của CSBV ở vùng núi Chu Pong, tướng Kinnard đã tung lực lượng để truy kích và tiêu diệt địch. Các trận giao tranh đẩm máu đã diễn ra tại Ia Drang trong 3 tuần lễ từ 3 tháng 11 đến 24/11/1965. Trận chiến đã kết thúc vào ngày 27 tháng 11/65 sau 30 ngày kịch chiến và truy đuổi CQ với kết quả được ghi nhận như sau: hơn 300 chiến binh Hoa Kỳ tử trận, phía Cộng quân hơn 1,300 chết tại chỗ.
Khi bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN loan báo tin chiến thắng của Sư đoàn 1 Không Kỵ tại thung lũng Ia Drang, thiếu tướng Kinnard vui mừng hơn hết do kết quả rút ra được từ chiến dịch này hơn là chính chiến thắng to lớn này, đó là thiết lập được giá trị của một quan niệm mới về chiến tranh trên bộ. Trong suốt 30 ngày của cuộc hành quân, toàn thể các tiểu đoàn bộ chiến và pháo đội đã được chở đến trận địa bằng trực thăng và được chèn vào các địa thế khó có thể lên được. Các phi cơ của Sư đoàn đã cung cấp hơn 5 ngàn tấn tiếp liệu cho các đơn vị ngoài mặt trận và chuyển an toàn gần 2,700 dân tỵ nạn ra khỏi vùng giao tranh. Điều nổi bật nhất gần 50,000 phi xuất trực thăng chỉ có 59 phi xuất trực thăng bị trúng đạn, 4 chiếc bị hạ và 1 chiếc thất lạc.

* Sư đoàn 1 Không Kỵ tại mặt trận Bình Định
Sau chiến dịch Ia Drang, Sư đoàn 1 Không Kỵ điều động các đơn vị thống thuộc đến các vùng xa xôi hướng Tây Cao nguyên và bắt đầu đặt một kế hoạch hành quân tảo thanh quy mô lớn tại phía Bắc tỉnh Bình Định sẽ tiến hành sau đó. Đây là khu vực đông dân cư, có các cánh đồng lúa phì nhiêu, cũng chính tại khu vực này, Cộng quân đã xây dựng một căn cứ địa lớn tại An Lão. Cuối năm 1965, lực lượng Cộng quân tại Bắc Bình Định có sư đoàn Sao Vàng và trung đoàn chủ lực do bộ tư lệnh CQ tại khu 5 tăng phái.
Đầu năm 1966, Sư đoàn 1 Không Kỵ khởi động chiến dịch mang tên Masker với hai cuộc hành quân tảo thanh Cộng quân tại duyên hải Trung nguyên Trung phần. Ngay trong cuộc hành quân đầu, một lữ đoàn của Sư đoàn đã kịch chiến với 1 trung đoàn CQ tại gần Bồng Sơn, Bình Định. Sau đó, một trận ác chiến đã diễn ra khu vực phía Tây của địa giới Bình Định-Quảng Ngãi, giữa 3 tiểu đoàn bộ chiến Sư đoàn 1 Không Kỵ và 1 trung đoàn chủ lực của CQ tại khu 5. Trận chiến đã kéo dài trong gần 1 tuần lễ, cuối cùng CQ đã rút về tuyến sau.
Theo lời kể của đại tướng Westmoreland, khi Sư đoàn 1 Không kỵ khởi sự chiến dịch Masker, thì tổng thống Johnson không đồng ý với tên này, có lẽ vì cái tên gọi có vẻ hung bạo, dễ trở thành đề tài cho những người công kích. Hiểu được ý của Tổng thống Hoa Kỳ, thiếu tướng Kinnard liền sửa thành chiến dịch White Wind.
Nhận định về sự hình thành về những trận đánh đầu tiên của Sư đoàn 1 Không Kỵ, đại tướng Westmoreland đã ghi lại như sau trong hồi ký của ông: Lần đầu tiên Sư đoàn mang phù hiệu đầu ngựa màu đen trên nền vàng từng nổi danh trên mặt trận Thái Bình Dương trong thế chiến thứ hai và tại Triều Tiên. Quan niệm mới về phương cách di chuyển quân bằng phi cơ cơ hữu của Sư đoàn này mới được áp dụng thử, và kết quả cho thấy rất khả quan, tuy nhiên cũng cần thêm thời gian để thử lửa. Trong một tháng hoạt động tại thung lũng Ia Drang, Sư đoàn 1 Không Kỵ đã mất 300 binh sĩ. Chết một người là một mất mát lớn, vậy cho nên con số này là một tổn thất lớn vô cùng nghiêm trọng đối với sư đoàn này. Tuy nhiên từ trận Ba Làng An đến trận này, đã chứng minh được rằng các chiến binh và cấp chỉ huy trong lực lượng Hoa Kỳ đã hoàn thành nhiệm vụ với tất cả dũng cảm, đáng tuyên dương công đầu.

Kỳ sau: Trận chiến tại thung lũng An Hậu của liên quân Việt Mỹ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.