Hôm nay,  

Đỗ Long Vân: Vô Kỵ Giữa Chúng Ta Hay Là Hiện Tượng Kim Dung (8)

12/11/200100:00:00(Xem: 3703)
V. Nghệ thuật kể truyện trong Kim Dung.

… Cái gì chàng sẽ làm sống lại là cả một giai đoạn của lịch sử võ lâm, và chính trong lịch sử ấy mà chàng sẽ tìm ra lý do đã làm võ lâm ly tán, nghĩa là sự mạch lạc trong cảnh ly tán ấy của võ lâm, để sau cùng trả lại cho võ lâm sự thống nhất của nó.

VI. Thế giới Kim Dung.

"There is therefore a poetics of blood. It is a poetics of tragedy and pain, for blood is never happy"
Gaston Bachelard

("Từ đó, có một thi học về máu. Đó là một thi học về bi thảm và đau đớn, bởi máu là chẳng thể nào hạnh phúc." J.M. Coetzee trích dẫn, trong "White Writing: On the Culture of Letters in South Africa", nhà xuất bản Yale University Press).

"Truyện ông như muốn quật ngã cái ý chí anh hùng và cái đạo lý của ông không giống cái đạo lý của người thống trị. Hay đúng hơn ấy chính là sự thống trị. Khi uy quyền đã vững và tới bậc cuối cùng của tham vọng người ta có thể bước sang giai đoạn của ăn năn. Còn những kẻ muốn tiếp tục truyền thống nghĩa hiệp"…"

"Và có lẽ cũng như tác giả 'Don Quichotte', ở cái thời mà vàng của Mỹ châu tràn ngập những thị trường Địa Trung Hải làm sống lại sự giao thương, tao loạn và những thuyết nhân bản, xóa nhòa trong trí nhớ mọi người sự nghiệp oai hùng của những chàng nghĩa sĩ của Charlemagne, Kim Dung đã viết những truyện võ hiệp để vừa tiếc chúng vừa mua một cuộc 'Tiếu Ngạo Giang Hồ'. Những anh hùng của ông sẽ biết sự thất bại. Nhưng còn đâu nữa những anh hùng" Chỉ có những cá nhân."

"Và lẽ dĩ nhiên cái chết nào, dù là cái chết xứng đáng của một Dương Khang cũng đủ thảm khốc để có vẻ oan uổng. Cái gì tác giả muốn là gây cho người đọc một cảm động mạnh. Cảm động trên hết, cảm động trước đã, và cảm động sẽ thắng."

"Ông sẽ cho người ta thấy trong mỗi tên đại ma đầu có một người cha muôn thuở đang ngủ."

"Nhưng dưới tác phong tàn bạo của họ, nhân vật nào trong Kim Dung mà không đa sầu, đa cảm, đa tình""

"Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu."

"Nhưng không bao giờ, không bao giờ Kiều Phong sẽ được trở về Nhạn Môn Quan cùng A Chu chăn cừu."

ĐLV

"A fiction, a dream of passion"
Shakespeare (Hamlet)
(Giả tưởng, một giấc mơ của đam mê)

Nhưng trước khi chắp xong những mảnh vụn ấy, thu tất cả những đầu dây vào một mối và tìm ra cái chốt của mọi sự kiện thì chàng đã trải qua những rừng nghi vấn. Hơn một lần những bất ngờ đã vồ lấy chàng. Và cuộc phiêu lưu của chàng đã là một thất lạc giữa những đe dọa chập trùng. Không có ai trong truyện cổ điển để nghi ngờ cái ý nghĩa sẵn có của mọi vật. Nhưng người anh hùng của Kim Dung trái lại vào đời để ngạc nhiên và khám phá rằng thế giới to, rộng và phức tạp hơn người ta đã dạy chàng. Ấy thường là một thiếu niên thật thà, võ công chẳng có mấy cũng như chẳng có mấy kinh nghiệm giang hồ. Khác hẳn những anh hùng cổ điển khi xuống núi là đã sẵn có những võ công trác tuyệt và chỉ có việc mang cái đạo sẵn có ra thi hành để tiếp tục một truyền thống đã gần trở thành tự nhiên, thì chàng, chàng phải học tất cả từ đầu. Những tình cờ của cuộc đời sẽ dạy chàng võ công cũng như đạo lý. Theo chàng, người ta tham dự vào sự khám phá một thế giới mới lạ và bí mật. Và đồng thời chuyện của sự khám phá ấy cũng là chuyện trở thành của người anh hùng. Không thuộc một môn phái nào cố định, nhưng học ở khắp nơi, người anh hùng Kim Dung là con của kinh nghiệm và tình cờ. Ấy là con người của những thuở giao thời khi truyền thống sụp đổ mà những giá trị mới vẫn chưa xuất hiện một cách rõ ràng. Con người ấy do cuộc đời làm ra, và có khi cuộc đời biến chàng thành một cái gì khác hẳn những tham vọng nguyên thủy của chàng. Truyện võ hiệp cổ điển trình bày những giai đoạn của sự thực hiện theo một đường thẳng của một dự định từ đầu tới cuối vẫn là một. Khi cuộc phiêu lưu của Vô Kỵ chấm dứt thì còn gì ý chí phục thù của chàng" Hình như chàng đã quên nó từ bao giờ không biết.

Con người bị thế giới thay đổi. Ấy là tại thế giới lớn hơn con người. Người anh hùng Kim Dung thường xuyên bị vây giữa cái chưa biết. Tương lai thì mịt mù, hiện tại khó hiểu, sau lưng chàng còn cả một dĩ vãng mà chàng không hề tham dự, nhưng đôi khi một võ công thất truyền như nhắc lại tiếng vọng của một cái gì thần bí và hoang đường. Chàng phải khám phá ra thế giới từng bước một. Nhưng thế giới như không có giới hạn. Hết sự lạ này lại đến sự lạ khác, hết võ công này lại có võ công khác cao hơn, và như người ta nói, ngoài trời lại có trời. Kinh nghiệm của người anh hùng là kinh nghiệm của cái vô cùng, cái bên kia, cái khác. Từ cái phồn hoa của những đô thị đến những cơ quan ác hiểm, tất cả, trong truyện võ hiệp cổ điển, đều làm chứng cho sự nhân loại hóa của thế giới. Cảnh trí trong truyện võ hiệp mới khác hẳn. Hang sâu, vực thẳm, rừng hoang, đảo vắng, sa mạc mênh mông, một thiên nhiên dữ tợn vây con người ở khắp nơi. Khắp nơi xao xác tiếng gọi của Huyền bí và Vô cùng.

Tà đạo trong Kim Dung cũng có lưỡng tính ấy. Vừa đe dọa vừa cám dỗ. Như người của Chính phái, khi lâm sự, người của Tà đạo cũng mười phần ác độc, và đôi khi những đòn của họ còn thâm hiểm gấp bội. Chỉ có người Tà đạo, chẳng hạn, mới nuôi rắn trong túi để phòng khi họ bị thua, kẻ thù có lục xác sẽ bị rắn cắn chết. Nhưng họ không bao giờ tìm cách cho sự ác độc ấy một minh chứng. Hơn thế nữa, họ còn cười đạo lý của những môn phái khác là ngây thơ, giả dối và hủ lậu. Cám dỗ đầu tiên họ mang lại là sự tự do không biên giới. Người lương thiện trước họ sửng sốt tự hỏi tại sao trên đời lại có những người như thế" Làm sao có thể vô tình trước sự thông minh của Hoàng Dung, nhan sắc của Hân Tố Tố, sự uyên bác của Tạ Tốn, tính ngạo mạn của Hoàng Dược Sư" Những đức tính ấy tuy nhiên chỉ là những cám dỗ bề ngoài. Xa hơn nữa, Kim Dung sẽ làm cho người ta thấy rằng Tội Ác tự nó có một sức thu hút lạ thường. Ai có thể đoan trang hơn Mục Niệm Từ" Nhưng người con gái suốt đời giữ thủy chung với Dương Khang, một con người ung thối, gian sảo và ngoài danh vọng ra thì chẳng thiết gì. Cũng như thế, Kỷ Hiểu Phù thà chịu chết chứ không chịu phản bội Dương Tiêu, người mà sư phụ nàng gọi là tên dâm tặc và cũng là người tình phụ bạc của chính nàng. Trong những mối tình ấy có một cái gì người ta không thể hiểu hết và người ta tự hỏi khi tả chúng thì Kim Dung muốn nói lên cái gì" Sự thôi miên của tội ác, sự phi lý của tình yêu, hay là cái thiêng liêng mà người ta muốn xác định trong những con người sa đọa nhất" Tất cả những ý tưởng ấy có lẽ cùng một lúc đã thoáng qua trong đầu người ta, khi, cái xác của Dương Khang phơi ở ngoài tòa miếu vắng, đàn quạ no nê chỉ để lại một mớ xương hoang. Con người gian xảo ấy đã đền tội một cách xứng đáng. Nhưng trong một ngôi chùa xa, ít người lai vãng, Mục Niệm Từ vẫn giữ nguyên dưới đáy lòng ảnh tượng của một người yêu.

Cái chí của Dương Khang không cao. Tham vọng duy nhất của chàng là thừa kế cái địa vị của người cha nuôi của chàng để có thể tận hưởng phú quí. Nhưng để thực hiện tham vọng ấy chàng đã phản bội tất cả: quê hương, cha mẹ, anh em, bằng hữu, và sau cùng trở thành một kẻ sát nhân. Cái họa ấy là tâm hồn chàng vẫn còn có chỗ bị cái đạo lý truyền thống uy hiếp, và cứ gặp cái nhìn của Mục Niệm Từ là chàng lại như thấy sự oán trách của lương tri. Tội ác chàng làm tự chàng lại coi là tội ác, và đứa con sa đọa ấy của một dòng nghĩa hiệp sẽ không bao giờ biết gót chân nhẹ nhàng của những người đi chinh phục những vùng đất cấm. Xã hội lên án những con người ấy là Tà đạo. Nhưng họ có làm gì hơn là muốn vượt khỏi giới hạn của cuộc sống tầm thường" Giới hạn của đạo lý lẽ dĩ nhiên, nhưng cả giới hạn tự nhiên của con người, họ cũng muốn vượt qua, và không vượt qua được thì đến Trời họ cũng chửi. Nhưng trong sự nổi loạn ấy, người ta đã nhận ra người anh hùng của văn học lãng mạn. Cơn thịnh nộ của Tạ Tốn, trong cơn bão đánh bạt thuyền ông lên Băng Hỏa Đảo, chống lại cái mà ông nguyền rủa là Lão Tạo Thiên làm người ta nghĩ đến thuyền trưởng Achab của Melville và không phải ngẫu nhiên mà đã hai lần Kim Dung lấy cái tên Phá Thiên để đặt cho nhân vật của mình. Tà đạo trong ông không phải chỉ gồm những quân đầu trộm đuôi cướp mà những người mang cái chí muốn đoạt quyền tạo hóa. Họ đã ly khai khỏi cái đạo lý của tất cả mọi người. Lẽ dĩ nhiên họ bị mọi người nguyền rủa. Tham vọng điên cuồng của họ trong khi ấy chỉ có thể đưa họ đến thất bại và sự thất bại ấy lại xuất hiện như một nguyền rủa lớn hơn nữa, là của định mệnh. Họ là những người đã thách đố Thần linh. Và như trong truyện cổ Hy Lạp, Thần linh đã trừng phạt sự kiêu ngạo của họ và làm cho họ hóa điên. Hơn là tham vọng của họ, hơn là cái tài của họ, sự thất bại của họ làm cho người ta sợ hãi, tại trong sự thất bại ấy người ta đã không gặp gì hơn là cái bất nhân. Ấy là ấn tượng của người ta trước định mệnh của một Hoàng Dược Sư, một Tạ Tốn, một Kiều Phong. Lại có những nhân vật như Dương Khang, Chu Chỉ Nhược, Du Thản Chi chẳng có gì vượt bực. Nhưng thảm kịch của đời họ đặt cho người ta những nghi vấn. Sao lại có thể có một Du Thản Chi, từ thể xác tới tinh thần, như tụ hội tất cả những tật nguyền" Những nhân vật như thế tuy nhiên, trong Kim Dung, không phải chỉ giữ một vai bàn đạp để tuyên dương cái tích cực rực rỡ chuyên chở trong những nhân vật chính. Tai họa mà họ phải gánh chịu ông còn cho người ta biết như một điều oan uổng. Người ta chạm trán trong họ với cái phi lí của định mệnh.

Định mệnh, Thần linh, Thiên nhiên, Thế giới, tất cả đều lớn hơn con người như sa mạc lớn hơn ý chí của Thiết Mộc Chân. Và cái gì ông hoàng Mông Cổ, sau khi đã khuất phục cái mênh mông của sa mạc, sẽ gặp lại trước giờ nhắm mắt là một cô độc không thể vãn hồi. Sự thất bại sau cùng ấy Kim Dung cũng sẽ dành cho những Vô Kỵ, Mộ Dung, Kiều Phong, Tạ Tốn. Truyện ông như muốn quật ngã cái ý chí anh hùng và cái đạo lý của ông không giống cái đạo lý của người thống trị. Hay đúng hơn ấy chính là sự thống trị. Khi uy quyền đã vững và tới bậc cuối cùng của tham vọng người ta có thể bước sang giai đoạn của ăn năn. Còn những kẻ muốn tiếp tục truyền thống nghĩa hiệp" Người ta sẵn sàng dành cho họ cái dễ thương của sự nhẹ dạ và ngu đần! Và có lẽ như tác giả "Don Quichotte", ở cái thời mà vàng của Mỹ châu tràn ngập những thị trường Địa Trung hải, làm sống lại sự giao thương, tao loạn, và những thuyết nhân bản, xóa nhòa trong trí nhớ mọi người sự nghiệp oai hùng của những chàng nghĩa sĩ của Charlemagne, Kim Dung đã viết những truyện võ hiệp để vừa tiếc chúng vừa mua một cuộc "Tiếu Ngạo Giang Hồ". Những anh hùng của ông sẽ biết sự thất bại. Nhưng còn đâu nữa những anh hùng" Chỉ có những cá nhân.

Cái gì người ta chiêm ngưỡng trong những nhân vật cổ điển không phải cá nhân họ mà là những giá trị họ tượng trưng. Nhưng sự sụp đổ của những giá trị trước một thế giới của vật lực cũng làm rơi những mặt nạ, và con người trong Kim Dung xuất hiện như một mớ đam mê. Khi Trương Thúy Sơn ôm cái xác của Dư Đại Nham về Võ Đương thì cái gì sư huynh đệ chàng chợt giác ngộ là sự thật đơn giản, rằng họ không phải là những thiên thần. Họ có một thân thể để mang bệnh, trúng thương và chết, không phải cái chết vinh quang mà người ta thường đợi ở những người anh hùng mà là cái chết tăm tối, ô nhục, và khả nghi không biết tại sao chết và chết dưới tay ai, có thể xảy ra cho bất cứ kẻ vô danh nào lạc bước trên giang hồ. Sinh ra ở đời ai mà không chết! Tiếng thở dài của Trương Tam Phong trước cảnh hấp hối của đứa học trò yêu của mình như cáo chung cho một giai đoạn trong lịch sử võ hiệp. Những người anh hùng giờ sẽ biết sự đau khổ. Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, tâm hồn họ sẽ là nơi dao động của thất tình. Và những biến cố tâm lý cũng có một trọng lực không kém gì những biến cố ngoại tại. Tương quan giữa người đọc và truyện cũng đổi hẳn. Từ địa vị khán giả của một buổi trình diễn, người ta phải chia sẻ tâm sự của nhân vật: vui buồn, thắc mắc cùng nhân vật, nói tóm lại, tham dự trực tiếp vào cuộc phiêu lưu.

Xa cái vui mắt của những đô thị, người ta theo người anh hùng tiếp xúc với cái trữ tình của những mặt hồ man mác, những chuyến đi thuyền đêm dưới trăng, những cảnh rừng hoang xào xạc lá rụng. Ấy là những cảnh để nói với lòng người, và trong truyện, chúng là một yếu tố dẫn cảm. Cũng như thế, quan trọng của biến cố không còn ở ý nghĩa đạo lý chúng có thể trình diễn mà ở tiếng dội tâm lý của chúng. Khi thì chúng làm người sửng sốt và trông chờ, lại có khi chúng gây ra những tình cảm nhân loại hơn: lãng mạn như cuộc tương ngộ đầu tiên giữa một đôi tri kỷ, nhưng thương tâm cũng có - như cái chết của một nhân vật mà người ta đã theo như một người bạn đường. Ai có thể nghĩ rằng những Hân Tố Tố, Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Chu, Kiều Phong, A Tỷ… lại có thể bị hy sinh" Nhưng Kim Dung sẽ đi rất xa. Ông sẵn sàng cho chết ngang xương những nhân vật được cảm tình của người đọc nhất. Và lẽ dĩ nhiên cái chết nào, dù là cái chết xứng đáng của một Dương Khang, cũng đủ thảm khốc để có vẻ oan uổng. Cái gì tác giả muốn là gây cho người đọc một cảm động mạnh. Cảm động trên hết, cảm động trước đã, và cảm động sẽ thắng. Những giá trị của truyện võ hiệp mới là những giá trị của tâm hồn. Ai có thể chờ gì hơn ở một truyện kể khi ngay những nhân vật của truyện cũng không còn thiết đến ý nghĩa đạo lý của nó" Tất cả là làm thế nào cho người ta động lòng. Xưa thế giới chia đôi: một Tà, một Chính. Giờ thì những tiêu chuẩn tình cảm sẽ thay thế những tiêu chuẩn đạo lý: sẽ có những nhân vật để người ta có cảm tình với, và những nhân vật để nhận tất cả ác cảm của người ta. Cho nên, để gợi sự thương tâm trong độc giả, anh hùng giờ sẽ là người anh hùng lâm nạn, và truyện sẽ không kể lại những chiến công mà là những tai họa kế tiếp nhau trong đời chàng. Ấy là Dương Quá trong tay những ông thầy bất công và nghiệt ngã; ấy là Thạch Phá Thiên ở với một người mẹ nuôi thù hằn; ấy là Vô Kỵ suốt thiếu thời mang một thứ bệnh nan y. Nhỏ thì chịu tất cả những tủi nhục của một đứa trẻ vô thừa nhận, lớn lên họ lại bị xã hội nghi ngờ, xua đuổi, nguyền rủa, uy hiếp. Ngoài ra còn đủ thứ cảnh ngộ éo le mà cái tình cờ của phiêu lưu thường xô họ vào để họ phải chọn giữa những tình cảm đối nghịch. Không có gì trong thế giới là minh định như xưa. Họ thường xuyên phải ngạc nhiên, tự tra vấn, xét lại những thành kiến và những ước định của mình. Cho nên người nào cũng có một cuộc sống bên trong cực kỳ sôi động. Hơn thế nữa, chẳng mấy người lại chẳng từng trải qua những cay đắng của giang hồ và đeo trong mình một quá khứ nặng nề. Kinh nghiệm ấy cho họ một tâm hồn đầy uẩn khúc, và mỗi nhân vật giờ xuất hiện như một sự sâu xa thần bí. Ấy là nguồn của cái tâm lý phức tạp mà người ta thường ca tụng Kim Dung là đã mang vào truyện võ hiệp. Tâm lý trong truyện Kim Dung có lẽ cũng không phức tạp như người ta tưởng. Nhưng ít nhất thì những nhân vật của ông cũng không phải là những vai trò mang những nhãn hiệu cố định. Sau những nhãn hiệu như thế là một thế giới riêng tư, sau những vai trò còn có con người, và con người đích thực, theo Kim Dung, là con người của năng tính. Ông sẽ cho người ta thấy trong mỗi tên đại ma đầu có một người cha muôn thuở đang ngủ. Tiếng khóc của một đứa trẻ thơ thức tỉnh Tạ Tốn khỏi cơn mê sảng đẫm máu từ bao lâu đã vùi ông trong một cuộc tàn sát tưởng không bao giờ thôi. Và cái sướng nhất đời của Âu Dương Phong, có ai ngờ, là được một thằng bé con gọi là cha. Mất con, Diệp Nhị Nương bắt trẻ của người để ăn tim uống máu. Nhưng chỉ cần nhìn thấy đứa con mụ mong trộm là mụ chợt giác ngộ và tự lên án cả quá khứ của mình. Cũng như thế, một Lý Mạc Thu có thể nhảy vào lửa để cứu một đứa trẻ thơ. Nhưng dưới tác phong tàn bạo của họ, nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm, đa tình" Người ta chỉ cần nhớ đến sự thủy chung của Hoàng Dược Sư với người vợ sớm qua đời, và tiếng sáo của ông trên nước biếc, khi, một mình một chiếc thuyền, ông đi khắp bốn bể tìm con.

Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu xa nhất trong mỗi con người. Không có tình giữa những vai trò xã hội. Nhưng khi hai nhân vật khám phá ra nhau như những con người, nghĩa là khi Trương Thúy Sơn thấy rằng Hân Tố Tố không giống hẳn cái ảnh tượng mà ba tiếng nữ ma đầu gợi ra trong đầu chàng thì cái tình giữa hai người đã bắt đầu. Nhân vật của truyện võ hiệp cổ điển cũng biết yêu nhau. Nhưng trong thế giới của họ chữ Tình chỉ định một tương quan ngoại tại, ước lệ và trừu tượng, qui định bởi thứ bậc xã hội và những tiêu chuẩn đạo lý. Không thể tưởng tượng được chẳng hạn một cuộc yêu đương giữa người của Tà môn và của Chính giáo. Nhưng trong Kim Dung, cái tình là cái tinh hoa của năng tính. Nó sẽ thắng những giới hạn giả tạo ấy và làm cho Dương Quá chẳng hạn suốt đời thương nhớ một người cha sa đọa. Tình cha mẹ con cái, tình thầy trò, tình đồng môn, tình bằng hữu, không tình nào mà Kim Dung không mô tả qua. Và lẽ dĩ nhiên phải kể đến tất cả những sắc thái của tình yêu: tri kỷ như giữa Hoàng Dung và Quách Tĩnh, thần tiên như giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ, ác độc như giữa Du Thản Chi và A Tỷ. Có những mối tình trưởng thành trong sự chia sẻ những nguy hiểm và gian khổ chung và những mối tình, như của Hân Ly với Vô Kỵ kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét đánh, như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như những nhan sắc khác đều bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần, thờ phụng như Đoàn Dự, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng như A Chu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu một cái gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời. Cho nên A Chu có chết đi nhưng ảnh tượng nàng vẫn còn thao thức mãi trong lòng Kiều Phong. Hai tâm hồn gặp nhau, tương đắc, giao hội và không có gì có thể chia rẽ họ. Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Chu nhận cái chết để khỏi phải lên án người yêu của họ, và Mục Niệm Từ giữ thủy chung với Dương Khang cho tới cùng. Tình yêu không kể tới đạo lý. Nó không thể giải thích được. Ai biết đâu sự sa đọa của Dương Khang là cái đã cám dỗ Mục Niệm Từ, cái ngây thơ của Quách Tĩnh là cái cám dỗ Hoàng Dung, sự lơ đãng của Mộ Dung Phục là cái cám dỗ Vương Ngọc Yến" Tham vọng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không bao giờ biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu.

Sự giá trị hóa cái Tình trong Kim Dung, tuy nhiên, chỉ là tỉ dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn. Tâm hồn của nhân vật võ hiệp cổ điển có thể đọc trên mặt họ. Ấy không phải là một tâm hồn mà là một vai trò, một nhãn hiệu, nhiều lắm là một cá tính. Tất cả những cử chỉ của nhân vật đều mang sắc thái của cá tính ấy mà mục đích của chúng là trình diễn cho ai cũng có thể thấy rõ. Nhưng Kim Dung biết rằng sự thật cuối cùng của một con người không bao giờ có thể đạt tới. Nhân vật của ông thường là những nhân vật đa diện, và trong họ lúc nào cũng có thể xuất hiện một con người khác hẳn con người vẫn thường biết. Hơn thế nữa, trong Kim Dung, người ta vào đời là để tự khám phá, tự đào luyện, tự xây dựng. Cho nên cái vô định tính thường là đặc tính đầu tiên của nhân vật - và nhân vật nào cũng chỉ dần dần người ta mới có thể nhận rõ. Thoạt tiên ở họ người ta chỉ biết có những cử chỉ. Nhưng cử chỉ, diện mạo, ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được sự thực của người ta" Cái vỏ ngoài ấy trái lại thường ẩn những nội dung khác hẳn. Sự chất phác ở sau cái cục mịch, sự tàn nhẫn ở sau cái dịu dàng, sự thủy chung ở sau cái ương ngạnh. Tác phong của nhân vật Kim Dung không diễn tả cái tâm hồn của họ. Nó giấu cái tâm hồn ấy đi và tâm hồn ấy lại xuất hiện như một cái gì rất sâu xa. Giông tố nào sau cái mặt nạ lạnh như tiền của Hoàng Dược Sư" Tham vọng nào trong con mắt lơ đãng của Mộ Dung Phục" Tuyệt vọng nào trong cơn say phá trời của Hoàng Dung" Nhân vật võ hiệp cổ điển ngược lại, cảm ra sao thì tình cảm ấy xuất hiện ra ngoài, nghĩa là được diễn tả một cách trực tiếp và minh bạch qua những cử chỉ ước lệ và cố định. Không ai có thể hiểu lầm một tiếng cười, một điệu khóc, một cơn giận dữ của họ. Nhưng cũng vì thế mà càng cố làm ra như thực, những tình cảm của họ lại càng có vẻ ngoại tại và giả tạo. Chợt bùng lên, chúng lại chợt tắt đi, và những nhân vật sau một lúc ồn ào, lại tiếp tục như không có gì xảy ra. Nhưng trong Kim Dung, những tình cảm đích thực thường ít nói. Khi biết rằng không còn cách nào để chữa cho Dư Đại Nham thì Trương Tam Phong chỉ yên lặng thở dài quay lại nhìn các môn đệ của mình và nói một câu chạm chạp: làm người ai chẳng chết một lần. Để rồi suốt đêm ngồi một mình suy nghĩ trên mấy câu thơ đang tàng trữ cái bí mật về tai nạn đã xảy ra cho đứa học trò yêu của mình và sáng tạo ra bộ Đồ Long Công. Nỗi buồn không được nói ra, nhưng nó đè nặng trên mỗi cử chỉ. Ấy là một nỗi buồn đã ngấm vào thân thể, một nỗi buồn để người ta nghiền ngẫm, một nỗi buồn đã hóa ra chất liệu của cuộc đời. Sự kín đáo của nhân vật cho nó một sự sâu xa mà không ngôn ngữ nào đạt tới. Hay là ngôn ngữ, trong một thế giới mà đối thoại duy nhất có thể có là của vũ lực, chỉ còn là một thứ xa hoa" Cho nên mới có một Hoàng Dược Sư mặc cho người đời nguyền rủa và nghi ngờ, vẫn thản nhiên tiếp tục con đường của mình mà không bao giờ tìm cách tự minh chứng. Hình như ông cho rằng ai cũng có lý do riêng để làm cái việc mình làm, và tất cả những cố gắng để thuyết phục cũng như giải thích đều thừa. Khi thật tức giận ông cũng chỉ "hừ" một tiếng ngắn ngủi. Nhưng càng ít nói thì những tình cảm càng nói nhiều. Và ở sau cái mặt nạ của Hoàng Dược Sư là một tâm hồn đầy bão tố. Người ta bước vào từ chương của những yên lặng đầy ý nghĩa, và cái gì Kim Dung mang vào truyện võ hiệp là một ngôn ngữ cho tâm hồn, khi tâm hồn của mỗi người là một tâm sự không thể nào chia sẻ. Và có lẽ cũng tại thế mà trong Kim Dung, người ta thích trá hình - theo nghĩa bón theo cả nghĩa đen của chữ ấy - như người ta chỉ thấy trong cái hàm hồ của những cử chỉ, một cơ hội cho sự lường đảo và cái nguồn của ngộ nhận.

Mình Trương Thuý Sơn biết rằng chàng không có tội. Nhưng làm thế nào chàng có thể tự minh oan khi tất cả những sự kiện kiểm soát được đều lên án chàng là một kẻ sát nhân" Quả Hân Tố Tố có đả thương Dư Đại Nham. Theo qui củ trong giang hồ thế chẳng có gì là trái đạo. Huống chi nàng đã tìm mọi cách để cứu chữa thương thế cho chàng. Nhưng ngờ đâu sự ân cần ấy lại gây thêm tai vạ, và con người đã bị nàng biến thành một phế nhân ấy sẽ là bạn của chồng nàng. Chủ quan mà xét thì nàng không có tội. Nhưng sự thật của những chứng nhân đâu có giống sự thật của những tác nhân. Hơn ai hết, Kim Dung đã dùng cái mâu thuẫn ấy để xây dựng một tâm sự, sửa soạn một thảm kịch, dẫn đường cho một bất ngờ và không đợi những lý thuyết gia mới của tiểu thuyết khai thác trong truyện ông sự tương đối của những quan điểm. Khi nghe Hân Ly kể lại mối tình của nàng với Vô Kỵ thì có ai, kể cả Vô Kỵ, có thể nhận ra những gì đã xảy ra" Trong thực tế thì chỉ có một cuộc cãi lộn giữa hai đứa trẻ trong một chốc tình cờ gặp nhau. Nhưng trong trí nhớ của Hân Ly câu chuyện ấy biến thành một thiên tình sử đẫm nước mắt. Cũng một sự kiện ấy nhưng tùy nhân vật, người ta có thể có nhiều chuyện khác nhau, và ngược lại những chuyện tưởng là khác nhau sau cùng chỉ là những mặt khác nhau của một chuyện duy nhất. Cái khéo của Kim Dung là bao giờ cũng trình bày những biến cố từ quan điểm đặc biệt của một nhân vật. Người đọc nhìn bằng cái nhìn của nhân vật, không biết gì hơn nhân vật và lẽ dĩ nhiên sẽ tham dự vào cuộc phiêu lưu của nhân vật như nhân vật. Sự tham dự ấy cho truyện một sức hấp dẫn cảm gia tăng. Nhưng nếu có sự tham dự ấy thì không những tại chủ quan đã được trả lại cho nhân vật để người đọc có thể cùng nhân vật đồng hóa, nghĩa là có cùng một ý nghĩ, một tình cảm, một xúc động, mà ngược lại thì những xúc động, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật cũng là những xúc động, tình cảm, suy nghĩ mà người đọc, nghĩa là bất cứ một người tầm thường nào cũng có thể có. Nhân vật võ hiệp của Kim Dung là những nhân vật đã được nhân loại hóa.

Không những có một thân thể, họ còn có một tâm hồn. Hơn một tâm hồn, họ có một tâm sự. Những ý tưởng đại cương sụp đổ. Và giá trị của nhân vật giờ là ở cái phần độc đáo nhất của nó. Những khác biệt thi nhau đua nở và người ta ngạc nhiên trước cảnh đa sắc ấy của nhân loại. Sức sáng tạo tâm lý của Kim Dung, người ta sẽ công nhận là phi thường và có thể gọi ông là một thứ Shakespeare của truyện võ hiệp. Suốt mấy cuốn truyện, số nhân vật của ông không sao kể hết. Không nhân vật nào giống nhân vật nào. Ấy là những tổ hợp phức tạp, theo những tỷ lệ biến đổi giữa sự thông minh, sự ác độc, sự thùy mị, sự thanh cao, sự quật cường, sự kiêu ngạo, sự ngây ngô. Một cố gắng để phân loại những nhân vật của Kim Dung theo cá tính và những đam mê của họ có lẽ sẽ có ích trong việc tìm hiểu tư tưởng Kim Dung hơn là những lý luận dài dòng. Nhưng điều quan trọng giờ không phải là nội dung của sự khác biệt giữa những nhân vật, mà là chính sự khác biệt ấy, nghĩa là sự giá trị hóa những nhân vật như những cá nhân. Nhân vật Kim Dung có một trọng lực khác thường. Có nhân vật như Hà Túc Đạo chỉ xuất hiện một lần mà ấn tượng để lại tưởng không thể nào phai. Mà đặc biệt là đã xuất hiện thì mỗi nhân vật Kim Dung, dù nhỏ tới đâu, khi truyện kết thúc, người ta cũng biết là nó đã trở nên cái gì. Không những đã cho nó một tâm hồn, Kim Dung còn cho nó một tiểu sử. Và đôi khi tiểu sử ấy sẽ giải thích tâm hồn của nhân vật như những tai biến trong đời Tạ Tốn sẽ giúp người ta hiểu sự tàn bạo của ông. Sự khác biệt mà thoạt tiên Kim Dung xác định trong nhân vật của ông như một điều huyền bí sau cùng ông cho người ta thấy rằng nó không phải là không có nguyên do. Và đào sự khác biệt ấy sâu hơn một tí, cái gì người ta gặp cũng chỉ là một người như tất cả mọi người; không giống ai, nhưng, như bất cứ ai, một nửa do mình tạo ra, một nửa do cuộc đời làm thành, nói tóm lại, một cá nhân. Nhân vật cổ điển cũng có những đặc tính để người ta phân biệt họ lẫn nhau. Hơn thế nữa, những đặc tính ấy được phóng đại một cách quá đáng. Làm thế nào thì nó cũng chỉ có một tính cách ngoại tại. Trong căn bản, nhân vật vẫn chỉ là tương thân cho những ý tưởng. Nhưng nốt ruồi đỏ trên mép A Chu, khuôn mặt chữ điền của Vô Kỵ, dáng đi cục mịch của Quách Tĩnh, những chi tiết kín đáo ấy, trái lại, không để tách nhân vật ra khỏi cái nhân loại thường ngày mà để mang họ lại gần người ta hơn. Ý nghĩa của chúng là câu chuyện giờ không xảy ra giữa những thiên thần và ác quỉ mà giữa người và người, không phải những nhân vật nhưng là những cá nhân - nghĩa là những người, giống bất cứ người nào người ta có thể gặp ngoài đường, chỉ có một trên đời và không ai có thể thay thế.

Nhưng nhân vật Kim Dung như chỉ xác định sự khác biệt của họ để trở về cái vô danh của tất cả mọi người. Sự kín đáo ấy, trên bộ mặt, ngôn ngữ, cử chỉ, người ta lại thấy trong tên họ. Truyện võ hiệp cổ điển thường cho nhân vật những cái tên thật kêu, thoạt nghe tưởng họ đều là thần tiên, ma quái. Nhưng Quách Tĩnh, Dương Quá, Vô Kỵ, những tên ấy có gợi gì cho người ta hơn là nhân loại tầm thường" Có khi Kim Dung lại cố ý tìm cho nhân vật những cái tên thật xấu như Vô Phúc, Vô Lộc, Vọ Thọ. Xét trên phương diện ấy thì truyện ông thực là những phản anh hùng và chúng mở đường cho sự đột nhập của cái nôm na vào cái trời tưởng ["] của truyện võ hiệp cổ điển. Cái tên sang trọng nhất trong Kim Dung là Vương Ngọc Yến. Nhưng người ta nhớ rằng Đoàn Dự đã coi nó như khuyết điểm duy nhất trong con người thần tiên ấy, và chàng chỉ tiếc sao người ta không gọi nàng một cách mộc mạc là A Bích, A Tỷ, A Chu… Nói tóm lại, sau khi đã xác định sự khác biệt của cá nhân chống cái trừu tượng của những nhãn hiệu xã hội, Kim Dung, để chống cái lãng mạn của sự khác biệt, lại xác định sự khác biệt ấy như một sự tầm thường và tìm cách giá trị hóa cái tầm thường, cái nôm na, cái vô danh. Ấy là giai đoạn thứ hai trong cái biến trình quen thuộc của mọi thứ văn học trưởng giả.

Nhân vật được nhân loại hóa, và, như người ta đã thấy, người đọc có thể tham dự vào truyện một cách dễ dàng hơn. Xưa mục đích của truyện là trình diễn một ý nghĩa đạo lý. Người ta kể truyện theo quan điểm của Chính nghĩa. Hay đúng hơn thì trong những truyện ấy chỉ có Chính nghĩa là có thực, chứ Tà đạo chỉ có như một đồ phụ thuộc, một thứ ký sinh, một bóng tối cốt làm nổi sự rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng khi Tà và Chính không còn minh định thì lẽ dĩ nhiên không có quan điểm nào được coi là ưu tiên. Quan điểm tốt nhất là quan điểm người đọc có thể đồng hóa với một cách dễ dàng nhất. Mà người đọc, nhất là người đọc truyện võ hiệp thường không có máu anh hùng. Cho nên người anh hùng Kim Dung cũng không còn gì của những thiên thần giáng thế để ra oai và tác phúc nữa mà là một người, như thường thấy, đầy thiện chí, lương thiện, và ngu đốt bị lôi vào những xung đột mà chàng không thể hiểu lý do. Làm thế nào một Dư Đại Nham có thể hiểu tại sao người ta có thể giết nhau vì một võ công kỳ thư" Người anh hùng của Kim Dung trước hết là một người xa lạ với võ lâm và những qui luật của nó. Xét những cách mở đầu của truyện ông thì người ta thấy ngay rằng phiêu lưu thường đến cho họ bất ngờ. Giữa một ngày đẹp trời, khi người ta nghĩ rằng cuộc đời đáng sống hơn bao giờ hết và người ta chỉ có việc tiếp tục cuộc sống đã thành nếp từ trước đến giờ, thì tất cả xảy ra. Tất cả xảy ra khi, dưới bầu trời mưa tuyết êm đềm, Dương và Quách hai nhà đang ngồi uống rượu, tính chuyện vợ đẻ và ước định tương lai của con; khi Quách Tường thơ thẩn ngao du bên bờ núi Thiếu Thất; khi trên núi Võ Đương người ta tưng bừng sửa soạn như thường lệ sinh nhật của Trương Tam Phong. Truyện võ hiệp cổ điển thường bắt đầu, khi trong cái lâm ly của đêm khuya, cảnh vắng, gió khóc từng cơn; khi giữa cái ồn ào của những đô thị là chỗ những anh hùng tứ chiếng đến tìm nhau kiếm chuyện, nhưng bao giờ cũng là trong không khí và môi trường của phiêu lưu. Phiêu lưu trong Kim Dung xuất hiện như một điểm bất tường giữa cái trưởng giả của cuộc sống thanh bình và có ngăn nắp. Võ Đương Thất Hiệp là những người cuối cùng còn muốn tiếp tục truyền thống của người anh hùng thế thiên hành đạo. Nhưng ở một thời Thiên đạo đã suy, can thiệp vào những xung đột của giang hồ chỉ mang lại cho họ phiền lụy, tai họa và những thù oán không đâu. Có khi họ không tìm đến người ta mà người ta cũng đến họ gây sự. Mới đặt chân đến Trung Nguyên thì vợ chồng Trương Thúy Sơn đã bị võ lâm đuổi theo chận đường, tróc nã. Vô Kỵ có làm gì ai đâu mà ai cũng muốn hại" Nếu ở lại Băng Hỏa Đảo thì đâu xảy ra chuyện gia đình tan nát, để kẻ bị bức tử và người thì lưu vong! Cho nên người anh hùng Kim Dung sẽ đầy nghi kỵ với những chuyện của võ lâm mà đôi khi còn coi võ học như độc vật. Một Đoàn Dự bỏ nhà đi để khỏi phải học võ. Nhưng sự mai mỉa là chính con người ngoài cuộc ấy giờ người ta muốn lôi vào cuộc; chính con người phản anh hùng ấy người ta muốn bắt làm anh hùng; chính con người vô tội ấy người ta bắt phải trình những minh chứng về sự vô tội của mình. Ôi! Cuộc đời sao mà đẹp trên Băng Hỏa Đảo với một con vượn lông đỏ! Nhưng không bao giờ, không bao giờ Kiều Phong sẽ được trở về Nhạn Môn Quan cùng A Chu chăn cừu.

(còn tiếp).

Ghi chú:
"Chiến thắng" của Kim Dung ở Việt Nam, theo tôi, không có nghĩa là nhà nước Cộng Sản, và nhất là những nhà văn của họ đã nhận ra giá trị của ông, và nói theo Đỗ Long Vân: nghi vấn này - việc in lại những tác phẩm đã một thời bị coi là đồi trụy, trong đó có chưởng Kim Dung - người đời sau sẽ giải quyết. Ngay cả việc in lại những tác phẩm văn học miền nam trước 1975 cũng có vấn đề: nhà nước đã cắt bỏ những đoạn mà họ nghĩ là có hại cho chế độ. Những dịch phẩm từ những tác giả nổi tiếng thế giới cũng gặp trường hợp tương tự.

Nhưng ít ra, có một nhận xét thật tuyệt vời về chưởng Kim Dung, của một tác giả ở trong nước, qua bài viết của Vương Trí Nhàn. Đó là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, "một nhà hoạt động sân khấu nhưng lại rất mê văn học, và cũng mê chưởng, mới đây kể với tôi rằng ông đã phải suy nghĩ nhiều, khi có lần nghe một người lái xe nhận xét: Đọc chưởng của Kim Dung, thấy cái gì cũng bịa, song cuối cùng lại thực, trong khi xem vở kịch của anh A. đọc truyện của anh B. viết bây giờ, biết thêm nhiều chi tiết thực mà toàn bộ cứ như giả khượt." (Vương Trí Nhàn: "Ngoài trời lại có trời", in trong "Kim Dung, tác phẩm và dư luận", nhà xb Văn Học, Hà Nội).

Một "chân lý văn chương" mà lại do một anh lái xe đưa ra thì thật thú vị!

Trên tờ Điểm Sách Paris (The Paris Review interviews, Writers at Work, 6th Series), khi được hỏi bắt đầu viết như thế nào, Gabriel Garcia Marquez cho biết, khi học ở đại học Bogota, ông có quen một số bạn bè, và họ giới thiệu ông một số nhà văn đương thời. "Một đêm, một người bạn cho tôi mượn tập truyện ngắn của Franz Kafka. Khi về nơi trọ, tôi mở ra, bắt đầu đọc 'Hóa Thân', và dòng đầu tiên gần như đánh văng tôi ra khỏi giường. (The first line almost knocked me off the bed). Tôi quá đỗi ngạc nhiên. Dòng đầu như sau: 'Buổi sáng đó, Gregor Samsa thức giấc và thấy mình biến thành một con bọ ở trên giường.' Khi tôi đọc dòng đó, tôi nói với tôi, mình chưa từng gặp một con người nào được phép viết một điều như vậy. Nếu biết, tôi đã khởi sự viết từ đời nảo đời nào rồi."

Nhận xét của anh chàng lái xe và của nhà văn Nobel văn chương, theo tôi, có một chút gì "tâm đầu ý hợp".

Nếu độc giả nào đã từng đọc "Cội Rễ Nhà Trời" (Les Racines du ciel) của nhà văn người Pháp Romain Gary, chắc nhận ra một điều: chuyện phịa. Làm gì có một thằng khùng chui rúc mãi tít nơi rừng sâu nước độc, ở tận trái tim của bóng đen, là xứ Phi Châu, để bảo vệ loài voi, sợ nó bị diệt chủng, là hết cột chống trời, là trời sập! Nhưng càng đọc, càng thấy, tất cả là giả, nhưng cuối cùng là thực. Và chuyện trời sập không phải là chuyện hoang tưởng. "Cội Rễ Nhà Trời" được coi là cuốn "tiểu thuyết sinh thái" đầu tiên, khi cái từ "sinh thái" chưa được biết tới, khi thảm họa môi sinh còn là chuyện "bịa khướt". Thú thật, bản thân người viết cũng không làm sao chịu nổi hình thức văn chương có tên là "tiểu thuyết tài liệu" (roman documentaire). Và càng sợ hơn nữa, thứ tiểu thuyết tư tưởng! Còn nhớ có lần được nghe một nhà văn hải ngoại "tâm sự", cứ mỗi lần ông muốn để cho nhân vật của mình nói lên một tư tưởng gì đó, là thấy như ngường ngượng! Có vẻ như nhân vật tiểu thuyết mũi tẹt không chịu nổi món này! Mũi tẹt hay không tẹt, thì cũng rứa. Không phải là không có tiểu thuyết tư tưởng, nhưng thứ này hiếm, theo G. Steiner. Đâu có phải ai cũng có thể viết được một cuốn như "Bóng Đêm Giữa Ban Ngày", như Koestler! Và đây có lẽ cũng là lý do, Kundera coi "1984" của Orwell không phải là tiểu thuyết, mà chỉ là chính trị giả danh văn chương. Ông cho rằng lỗi ở tác giả, đã quá "nghiêm trọng" khi viết văn. Ông khuyên, "đừng nghiêm trọng, cho dù đang viết về những chuyện chết người."

Nhìn rộng ra một chút nữa, tất cả mọi hình thức văn chương, một khi muốn "nhân danh", (hoặc muốn nhét vào miệng nhân vật mình một tư tưởng nào đó), là hỏng! Hỏng ở đây, một phần nào đó, không mắc mớ gì đến tài năng của người viết, đề tài người đó chọn… mà chính là do người viết đã tự trói, hoặc đã thui chột trí tưởng tượng của mình, rồi mới bắt đầu loay hoay tìm cách viết viết văn!

Có một câu chuyện ngụ ngôn, về một con hổ chịu cho người cày ruộng trói lại, chỉ vì muốn biết trí khôn của con người ra sao. Một khi bạn muốn "chụp một cái mũ cho văn chương", như vậy là đã cố tình "bỏ quên trí khôn ở nhà". Trong trường hợp đó, tốt nhất là để cho hổ ăn thịt, cả trâu lẫn người!

Mô phỏng Kim Dung, chúng ta có thể nói: có hai bí kíp Cửu Âm chân kinh ở đây: một, từ ảo qua thực (tiểu thuyết) và một, từ thực qua ảo (tiểu thuyết dởm). Có điều, với Kim Dung, tập luyện thứ nào thì cũng đưa đến kết quả. Nói rõ hơn, có tư tưởng, và là thứ xịn, ở trong chưởng Kim Dung,

***
Cũng cùng một trường hợp như vậy, nếu chúng ta để ý tới những lời phẩm bình Lê Minh Hà, của Y Ban, một nữ tác giả ở trong nước, trong một dịp ngao du hải ngoại. Nếu bỏ qua cụm từ "nhà văn gì gì đó", những nhận xét còn lại của Y Ban, theo tôi, có điều gì hết sức thành thực, và là do cách đọc, cách hiểu văn chương của bà; nới rộng ra, của đa số nhà văn ở trong nước.

Y Ban coi những truyện của Lê Minh Hà giống như của những học sinh tập viết văn. Và những truyện như thế "chẳng tải gì cả".

Đúng như vậy! Những truyện ngắn của Lê Minh Hà chẳng tải gì cả, và đây là một điều thật là tuyệt vời! Bà không hề có ý nhét vào miệng nhân vật của mình một tư tưởng. Thành thử những "gì gì đó", nào là sau một thời văn chương vết thương, tới một thời văn chương vết rạn, sau phản kháng tới ly khai, sau chống cộng tới hợp lưu… là toàn những chuyện giả danh văn chương ráo trọi!

Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.