Hôm nay,  

Vấn Đề Cộng Sản Việt Nam Bị Liệt Kê Trên Danh Sách Cpc

26/10/200400:00:00(Xem: 5054)
Từ nhiều tuần lễ nay, Hà Nội đã mãnh liệt phản đối bản phúc trình về tình hình Tự Do Tôn Giáo trên thế giới năm 2004 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kèm theo danh sách một số quốc gia được kể như những nước đàn áp quyền tự do này thậm tệ nhất. Việt Nam đã bị đưa vào bản danh sách này. Phản ứng mạnh mẽ của Hà Nội chứng tỏ đây là một biến cố quan trọng có thể đưa đến nhiều hậu quả bất lợi cho chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam. Để có ít nhiều dữ kiện về chính sách của Hoa Kỳ đối với CSVN, thiết tưỏng cũng nên tìm hiểu về bản báo cáo thường niên về Tự Do Tôn Giáo trên thế giới của Bộ Ngoại Giao Mỹ trình lên Quốc Hội và chính phủ của họ, về bản danh sách những quốc gia cần đặc biệt lưu tâm, về tiến trình đưa CSVN vào danh sách này và những hệ quả của nó đối với Hà Nội.
Báo Cáo Thường Niên Về Tự Do Tôn Giáo năm 2004
Năm 1998, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo (International Religious Freedom Act - IRFA). Chiếu theo điều 102b của đạo luật này, mỗi năm Bộ Ngoại Giao phải đệ trình Quốc Hội lưỡng viện một bản phúc trình thường niên, bổ túc cho bản báo cáo mới nhất về Nhân Quyền với những thông tin chi tiết liên quan đến quyền Tự Do Tôn Giáo trên thế giới. Đạo luật cũng ấn định là bản phúc trình này phải được đệ trình vào ngày 1 tháng 9 mỗi năm, hoặc ngày thứ nhất sau ngày khai mạc nếu Quốc Hội có khóa họp.
Bản phúc trình về Tự Do Tôn Giáo được soạn thảo bởi Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động thuộc thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, bà Paula J. Dobriansky, đặc trách về Thế Giới Vụ. Hiện Văn Phòng này được đặt dưới sự chỉ huy của Phụ Tá Ngoại Trưởng Michael G. Kozak. Hai cơ quan này của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ được giao trách nhiệm điều hành các mối quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ liên quan đến những vấn đề thế giới như dân chủ, nhân quyền, lao động, môi sinh, đại dương, khoa học, kiểm soát buôn bán ma túy, dân số, tỵ nạn, di dân, các vấn đề phụ nữ và nạn buôn bán con người.
Hoa Kỳ đã đưa lý do có những cơ quan nêu trên như sau: "Hơn một phần tư thế kỷ qua, cuộc cách mạng dân chủ, được xây dựng trên những nguyên tắc của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đã sắp xếp lại trật tự chính trị thế giới giúp ổn định sự phồn thịnh về kinh tế. Dân chủ, Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo, Quyền Lợi Công Nhân đã được nâng lên hàng đầu của những giá trị căn bản của Hoa Kỳ... Nhưng Dân Chủ, Nhân Quyền không phải là những quan niệm riêng của Hoa Kỳ. Đó là những giá trị thực sự toàn cầu có khả năng làm thay đổi cả Trái Đất. Bằng cách cổ vũ Dân Chủ và Nhân Quyền, chúng ta xây dựng một thế giới giàu mạnh hơn và tự do hơn. Nếu chúng ta hành động một cách sáng suốt, các nhà viết sử tương lai khi nhìn lại thiên kỷ này sẽ có thể thấy được sự tăng trưởng và củng cố của Dân Chủ và Nhân Quyền là hai thành công vĩ đại nhất của chúng ta".
Bản báo cáo năm 2004 là bản báo cáo thường niên lần thứ 6, không nhằm riêng Việt Nam hay những quốc gia Á Châu, mà đã đưa ra những thông tin được kiểm chứng về những vi phạm quyền tự do tôn giáo ở những mức độ khác nhau của 195 nước trên thế giới, kể cả những nước dân chủ Tây Phương. Ví dụ các nước Bỉ, Pháp, Đức bị tố cáo là đã liệt một số tôn giáo vào với các giáo phái nguy hiểm và có biện pháp kỳ thị, đàn áp. Các nước khác như Pakistan, Turkmenistan, Uzbekistan bị tố cáo là có chính sách kỳ thị một số tôn giáo không được Nhà Nước công nhận; Bangladesh, Ai Cập, Georgia, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Sri Lanka, Azerbaijan, Belarus, Brunei, Do Thái, Malaysia, Moldava, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... đều là những nước bị tố cáo là có chính sách và hành động vi phạm Tự Do Tôn Giáo.
Trong bản phúc trình về Tự Do Tôn Giáo, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lựa ra trên một số tiêu chuẩn, những quốc gia vi phạm thô bạo nhất quyền tự do này và liệt kê trong một danh sách gọi là danh sách các nước cần đặc biệt lưu tâm (Countries of Particular Concern - CPC). Ngày 15/09/2004, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp báo với sự có mặt của Ngoại Trưởng Colin Powell và Đặc sứ về Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo John Hanford, để công bố và giải thích về bản báo cáo cũng như danh sách các quốc gia bị đặc biệt lưu tâm vì vi phạm quyền Tự Do Tôn Giáo.
Bản Danh Sách CPC
Bản danh sách các nước cần phải đặc biệt lưu tâm về tự do tôn giáo năm ngoái, 2003, gồm có 5 quốc gia là: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Iran và Sudan. Trong bản báo cáo năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn duy trì 5 quốc gia này và đã ghi thêm 3 quốc gia nữa là: Ả Rập Saudi, Eritrea và Việt Nam. Đối với Hà Nội và cộng đồng hải ngoại chúng ta, việc đưa Việt Nam vào danh sách này là một điều đáng chú ý. Nhưng đối với báo chí và dư luận thế giới thì việc liệt kê Ả Rập Saudi vào danh sách các nước đàn áp thậm tệ nhất quyền tự do tôn giáo mới là biến cố. Lý do là Ả Rập Saudi từ nhiều năm qua đã là đồng minh thân thiện với Hoa Kỳ. Không phải vì ngẫu nhiên hay thù nghịch mà Hoa Kỳ đã liệt các nước như Việt Nam và Ả Rập Saudi vào danh sách CPC. Việc đưa một quốc gia vào danh sách này đòi hỏi một quá trình thâu thập dữ liệu, thông tin, quá trình điều tra và quá trình thương thuyết trực tiếp với các chính quyền liên hệ. Chỉ sau những quá trình thận trọng này, danh sách CPC mới được thiết lập để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đệ trình Quốc Hội và công bố trên thế giới.
Trung Quốc là một nước cộng sản độc tài, có chính sách bài trừ tôn giáo một cách hiển nhiên và có hệ thống từ nhiều thập niên nay. Ngoại Trưởng Colin Powell cho biết, chính quyền Trung Quốc bị tố cáo đã đàn áp các giáo hội Phật Giáo Tây Tạng, Hồi Giáo Uighur, Công Giáo thống thuộc Vatican, Tin Lành và môn phái Pháp Luân Công. Theo đặc sứ Hanford thì tại Trung Quốc "nhiều tín đồ đã bị giam cầm vì tín ngưỡng của họ, và những người khác còn phải đối phó với tù đày, đánh đập, tra tấn và cảnh nơi thờ tự bị đập phá". Ông còn tiết lộ, nhiều quan sát viên trong những tháng gần đây nghĩ rằng Trung Quốc đang khởi sự đàn áp những nhóm tôn giáo độc lập khác.
Đặc sứ Hanford cho biết, Bắc Triều Tiên còn áp dụng chính sách của Stalin và ở đó "không có tự do tôn giáo". Theo ông, Bắc Triều Tiên có thể là nơi có nhiều tù nhân tôn giáo nhất thế giới. Ông nói : "Những phúc trình đáng tin tưởng cho biết tín đồ các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo, phải đối phó với tù đày, tra tấn và có khi tử hình vì tín ngưỡng của họ..."
Theo bản phúc trình thì chế độ quân phiệt tại Miến Điện đã hạn chế một cách có hệ thống mọi nỗ lực của các chức sắc Phật Giáo nhằm cổ vũ nhân quyền và tự do chính trị đồng thời cấm đoán các tôn giáo nhỏ không được xây dựng đền thờ mới. Tại một số địa phương của người thiểu số, họ đã tìm cách gây chia rẽ tôn giáo bằng cách cổ suý Phật Giáo và đàn áp Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo.
Riêng đối với Việt Nam, để trả lời câu hỏi của ký giả nêu lên là: "Chuyện gì đã đặc biệt xảy ra trong năm nay để phải đẩy Việt Nam qua lằn ranh " Tại sao trong năm nay mà không năm ngoái " Và nay Việt Nam đã bị đưa vào danh sách CPC, liệu họ có bị trừng phạt không "... ", đặc sứ Hanford đã giải thích rất chi tiết như sau: "Việt Nam là quốc gia mà chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất sôi nổi trong một thời gian dài. Cá nhân tôi đã tới Việt Nam 2 lần. Ban tham mưu của tôi cũng đã nhiều lần tới Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc rất căng để tránh việc phải chỉ định Việt Nam là nước cần đặc biệt lưu tâm. Mục đích của chúng tôi không phải là làm sao cho có một danh sách CPC dài mà là cổ vũ tự do tôn giáo. Đó là tâm nguyện, là đam mê của chúng tôi. Đó là điều mà theo chúng tôi nghĩ, dân tộc Hoa Kỳ muốn chúng tôi làm". Ông nói thêm : "Nhưng, những điều khiến chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam đáng bị chỉ trích là con số tù nhân tôn giáo thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài. Có tất cả 45 trường hợp bị giam giữ mà hiện nay chúng tôi biết được. Cũng có hàng trăm nhà thờ đã bị đóng cửa, nhà nguyện gia đình, nơi thờ phượng đã bị nhà cầm quyền từ chối không cho mở lại. Và những trường hợp này đặc biệt xảy ra tại các vùng cao nguyên miền Trung và miền Bắc. Chúng tôi đặc biệt bối rối bởi chính quyền đã ép buộc các tín đồ phải bỏ đạo. Điều này rất phổ biến và có liên quan đến cán bộ trung ương cũng như địa phương. Các cán bộ này đã tập trung tín đồ và dưới sức ép tinh thần, kể cả xâm phạm thể xác để bắt tín đồ từ bỏ tín ngưỡng của họ". Về những nỗ lực thương thuyết với nhà cầm quyền Hà Nội, ông Hanford tiết lộ: "Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ, mà chính phủ thì cứ nói là đó không phải là chính sách của chính phủ, chỉ cần công khai hóa những vụ đàn áp nói trên, chỉ cần ra một thông cáo, một chính sách công khai, minh bạch cho mọi người trong nước biết rằng những điều trên không được chấp nhận. Và họ đã không muốn làm như thế". Ông còn cho biết thêm : "Và rồi đã có những báo cáo về những vụ đánh đập, thậm chí hãm hiếp hay thủ tiêu các tín đồ".
Hậu Quả Của Việc Có Tên Trong Danh Sách CPC
Theo tinh thần bộ luật Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo (IRFA) thì chính quyền Bush có thời hạn từ 90 đến 180 ngày kể từ ngày công bố bản danh sách các nước cần được đặc biệt lưu tâm để đưa ra một chương trình hành động đối với các quốc gia này. Những hành động này, theo luật định, có thể bao gồm một chính sách kín đáo hoặc công khai; một sự lên án; một sự chấm dứt hoặc hạn chế những trao đổi khoa học, văn hóa; một sự trì hoãn hoặc hủy bỏ mọi cuộc công du chính thức, hay hạn chế hoặc tạm ngưng các khoản viện trợ phát triển. Ông Hanford cho biết, quá trình ấn định hình thức hành động rất "phức tạp". Ông nói: "Bộ Trưởng Ngoại Giao được trao nhiều quyền hạn trong tiến trình này".
Trong diễn văn đọc trong cuộc họp báo tại Washington ngày 15/09/2004, công bố bản Phúc Trình Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Colin Powell đã phát biểu: "Như Tổng Thống Bush đã nói, Tự Do Tôn Giáo là quyền tự do số 1 của tâm linh con người; "Nước Mỹ cương quyết thực hiện quyền tự do đó trên xứ sở chúng tôi và lên tiếng về quyền tự do này tới toàn thế giới". Ông nói tiếp : "Với sự công bố bản phúc trình ngày hôm nay, chúng tôi tái xác nhận rằng chính quyền hiện hữu là để bảo vệ Nhân Quyền, chứ không phải là để hạn chế Nhân Quyền; và chúng tôi đứng liên kết với các dân tộc ở khắp mọi nơi muốn được thờ phượng mà không bị bức bách". Tuy nhiên ông cũng cho biết là theo luật định thì những biện pháp trừng phạt phải được áp dụng đối với những chính quyền có tên trong danh sách CPC; nhưng chính phủ Mỹ sẽ sử dụng phương thức ngoại giao đối với Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm rằng: "Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với các nước bị đặc biệt lưu tâm mà chúng tôi có những quan hệ song phương. Chúng tôi sẽ tìm cách thuyết phục những nước bạn này để họ chấp nhận một thái độ bao dung hơn mà không còn kỳ thị hay đàn áp người dân trên cơ sở tôn giáo của họ".

Cũng nên nhắc lại là hồi đầu năm, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Nhân Quyền cho Việt Nam, trong đó có quy định việc hạn chế viện trợ cho Hà Nội nếu chính quyền không có những tiến bộ trên lãnh vực Nhân Quyền. Bản dự luật còn chờ được Thượng Viện thông qua. Nếu trở thành luật thì những khoản trợ giúp ngoài nhân đạo, tức là khoảng 40 triệu Mỹ kim sẽ bị cắt đứt, ngoại trừ trường hợp Việt Nam có tiến bộ về Nhân Quyền.
Phản ứng Của CSVN
Ngày 16/09/2004, tức là một ngày sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo trên thế giới, kèm theo bản danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm, trong đó Việt Nam bị xếp vào bên cạnh 7 nước khét tiếng về chà đạp tự do tôn giáo, Hà Nội đã lập tức lên tiếng phản đối. Qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Hà Nội, Lê Dũng, thì Việt Nam bác bỏ những lời cáo buộc ghi trong bản phúc trình và nói rằng "không hề có tù nhân tôn giáo tại Việt Nam" cũng như "không hề có việc ép buộc tín đồ bỏ đạo". Họ cũng tố ngược Hoa Kỳ đã phá hoại mối quan hệ song phương giữa hai nước. Lê Dũng tuyên bố "quyết định xếp Việt Nam vào danh sách CPC là một quyết định sai trái dựa trên những thông tin sai lạc và những phản ánh không chính xác về tình hình Việt Nam". Bộ Ngoại Giao CSVN còn cho rằng quyết định trên không có ích lợi gì cho những nỗ lực chung của chính phủ và nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ để xây dựng quan hệ và hợp tác ổn định và lâu dài.
Thông tấn xã AP cũng loan báo rằng vào ngày 20/09/2004, trong một cuộc tiếp xúc với ông John S. Broadman, Phó Trưởng Phái Bộ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ngoại trưởng CSVN Nguyễn Dy Niên đã chính thức bác bỏ việc xếp Việt Nam vào danh sách CPC và tuyên bố rằng quyết định này hoàn toàn dựa trên những thông tin bị bóp méo. Cũng theo nguồn tin trên, Nguyễn Dy Niên đã gửi một công hàm "cực lực phản đối của Hà Nội" cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Colin Powell, trong đó CSVN cảnh giác là hành động này của Mỹ có thể mang đến hậu quả tai hại cho việc phát triển mối quan hệ đôi bên.
Song song với những lời phản đối chính thức, Hà Nội đã tìm cách xuống nước với Hoa Kỳ khi cử thứ trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng sang Hoa Thịnh Đốn tiếp xúc với Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo để vận động Hoa Kỳ lấy tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần phải đặc biệt lưu tâm. Đại diện ủy ban đã từ chối thỉnh cầu của ông Phụng và nhấn mạnh việc chế độ tiếp tục áp dụng Pháp Lệnh về Tín Ngưỡng Tôn Giáo cho thấy tình trạng vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Từ sau ngày 15/09/2004 đến nay, ngày nào Hà Nội cũng huy động các chức sắc thuộc những tôn giáo chính trong nước phát biểu chống lại bản phúc trình về tự do tôn giáo trên thế giới và nhất là quyết định xếp CSVN vào danh sách CPC. Ngoài những vị chức sắc người Việt Nam, họ còn vận động các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc các giáo hội Tin Lành ngoại quốc lên tiếng ủng hộ lập trường của họ. Những phát biểu của những tổ chức hay cá nhân này, trước mắt của chính quyền Hoa Kỳ đều không có giá trị mang lại sự thật về tự do tôn giáo trong nước. Trước hết, các tôn giáo chính như Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài vv... đang nằm dưới sự kềm tỏa của chế độ. Những lời họ nói ra, nếu không đúng ý với chế độ sẽ gây khó khăn cho họ. Tiếp đến, các tổ chức thiện nguyện, phi chính phủ đều chỉ có thể hoạt động được nếu có ngân sách đến từ viện trợ quốc tế cho Việt Nam. Mất đi nguồn tài chính này trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến họ gặp khó khăn. Vì thế đã có NGO phát biểu rằng : "Việc hủy bỏ các chương trình trao đổi, rút lại viện trợ phát triển hoặc từ chối cho vay của Hoa Kỳ sẽ hạn chế xu hướng cải cách và có thể làm giảm các tự do mà những người theo tôn giáo ở Việt Nam đang được hưởng". Điều đáng chú ý nữa trong phản ứng của CSVN là trong tất cả những tuyên bố, dù là chính thức của chế độ hay của những cá nhân đoàn thể, không thấy xuất hiện lời tố cáo "Hoa Kỳ xen vào công việc nội bộ của Việt Nam". Họ chỉ nói đến mối quan hệ, hợp tác song phương có thể bị tổn hại.
Sự kiện Hà Nội tố cáo Hoa Kỳ làm tổn hại đến nền bang giao song phương qua hành động liệt CSVN và sổ đen những nước đàn áp tôn giáo thô bạo nhất khiến người ta nhớ đến chuyến viếng thăm Việt Nam của cựu Tổng Thống Bill Clinton. Trong cuốn hồi ký "Cuộc Đời Tôi", ông Clinton dành 1 trang để viết về chuyến viếng thăm này. Ông viết : "Tôi đã gặp người đứng đầu Đảng cộng sản, ông chủ tịch nước, ông thủ tướng và ông chủ tịch UBND thành phố HCM. Chức vụ họ càng cao thì họ càng ăn nói bảo thủ. Lãnh đạo đảng, Lê Khả Phiêu đã muốn lợi dụng lập trường chống chiến tranh Việt Nam để bắt tôi phải nói Hoa Kỳ đã có hành động đế quốc. Tôi giận quá vì ông ta nói điều này trước mặt đại sứ Pete Peterson, người đã từng là tù binh trong chiến tranh Việt Nam...". Chính những lời phát biểu của Lê Khả Phiêu mới đúng là những lời lẽ có thể phá hoại mối quan hệ giữa hai nước. Mời quốc khách tới nhà mà còn gọi thẳng người ta là Đế Quốc. Trong lịch sử, đã có nhiều cuộc chiến tranh xảy ra vì những câu nói nhẹ nhàng hơn thế này nữa...
Đấu tranh cho tự do tôn giáo
Quan sát sự kiện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản Phúc Trình Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo với bản danh sách CPC trong đó có CSVN và phản ứng của Hà Nội, chúng ta có thể thấy rằng Hoa Kỳ đã nắm được những dữ kiện chính xác về việc CSVN vi phạm thô bạo quyền tự do tôn giáo. Ngọn lửa đấu tranh cho tự do tôn giáo đã được linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý và giáo dân Nguyệt Biều, An Truyền thắp lên từ mấy năm nay. Ngọn lửa đó, CSVN tưởng đã dập tắt được khi họ bắt giam linh mục Lý và nhiều giáo dân của cha; nhưng nó vẫn còn cháy và cháy lớn, không những ở Thừa Thiên, Huế mà lan ra cả nước và đến tận Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ. Ngọn lửa này không nhờ phép lạ mà lan rộng, lan nhanh như thế, đến độ mà 4 chữ Tự Do Tôn Giáo ghi vội trên những miếng tôn, miếng vải bị công an và chính quyền vứt bỏ dưới ruộng, ngày nay đang đập lên đầu những người đàn áp tự do tôn giáo, khiến họ nhức nhối, lo sợ. Nhờ đâu mà Văn Phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có được những thông tin, bằng chứng chính xác buộc tội CSVN vi phạm Tự Do Tôn Giáo, nhất là ở vùng Cao Nguyên miền Trung Thượng Du và miền Tây Bắc " Hai nơi mà người ngoại quốc khó mà đặt chân tới điều tra.
Sở dĩ quốc tế biết đến những cuộc đấu tranh ở trong nước cho Tự Do Tôn Giáo, cho Nhân Quyền, dân sinh, cho công bằng xã hội... là nhờ ở một sự liên kết, hỗ tương giữa người dân trong nước và đồng bào tỵ nạn ở hải ngoại. Chính sự hỗ tương, kết hợp đấu tranh này đã phá vỡ bức màn bưng bít thông tin do cộng sản Hà Nội chủ trương. Ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam, những người dân chủ đã bất chấp an nguy, tìm cách đưa lên mạng internet những tin tức về vi phạm Nhân Quyền, những tham nhũng thối nát. Nhiều người vì làm như thế mà đã bị quy kết là "gián điệp" và đang bị tù tội. Tiếp được những thông tin này, các tổ chức đấu tranh, các tổ chức chính trị, các cộng đồng, có bổn phận phải tiếp sức cho những kêu cứu của đồng bào ta trong nước, bằng cách phổ biến rộng rãi cho các cơ quan chuyên trách quốc tế, cho đồng bào ta trong và ngoài nước. Bạo lực chỉ có thể hoành hành nếu con người khiếp sợ vì cô đơn không ai bênh vực. Nó sẽ phải thối lui, nếu người dân can đảm, dám đương đầu và có sự hậu thuẫn của đông đảo đồng bào cũng như quốc tế.
Từ tháng 4/2004 là thời điểm xảy ra những vụ đàn áp đẫm máu đồng bào Thượng trên Cao Nguyên miền Trung, trước những phản đối quốc tế với bằng chứng, cộng sản Hà Nội đã phải chùn tay và hiện đang ve vuốt đồng bào Thượng. Nhưng bản chất độc tài, độc ác của CSVN sẽ còn khiến họ có những âm mưu đàn áp tự do, nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo. Họ tự biện hộ, cho rằng họ có tự do tôn giáo, bằng chứng là họ có "Pháp Lệnh về Tự do tín ngưỡng và tôn giáo". Họ có biết đâu là sự kiện họ đưa ra cái pháp lệnh này, cũng đủ để chứng minh không có tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi đọc kỹ thì lại càng rõ ràng hơn, pháp lệnh này là một bằng chứng hiển nhiên là chế độ đã tước đoạt hết các quyền tự do căn bản của các tôn giáo. Không một chuyện gì của tôn giáo mà không phải xin với chính quyền cộng sản. Mà cho hay không là quyền của chính quyền. Cộng đồng hải ngoại, qua các tổ chức, hội đoàn đã tố cáo trước quốc tế và dư luận đồng bào sự kiện mượn danh pháp luật để kềm kẹp tôn giáo. Đây quả là những việc làm tích cực nhằm tiếp tay cho đồng bào đấu tranh trước bạo lực của chế độ CSVN.
Nhưng, có điều khiến cộng đồng hải ngoại phải suy nghĩ trong vụ đưa tên CSVN vào sổ đen vi phạm tự do tôn giáo. Như đã trình bày ở trên, hậu quả của việc này có thể dẫn đến một sự trừng phạt về kinh tế nào đó đối với chế độ CSVN. Dự luật Nhân Quyền được Thượng Viện Hoa Kỳ nếu được thông qua thì các biện pháp trừng phạt cũng chỉ lên tới khoảng 40 triệu đô la tiền viện trợ hàng năm. Nếu không kèm theo những biện pháp kinh tế khác thì CSVN không sợ mất 40 triệu đô la viện trợ vì họ biết chắc mỗi năm cộng đồng người Việt Hải Ngoại gửi về cho họ số tiền lớn gấp 100 lần viện trợ ngoài nhân đạo của Mỹ.
Chúng ta kêu gọi quốc tế ủng hộ đồng bào trong nước đòi tự do, nhân quyền. Thế giới không thể mang quân đến Việt Nam trừng phạt chế độ CSVN. Thế giới chỉ có cách dùng sức ép chính trị, ngoại giao và kinh tế để buộc Hà Nội phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người. Thế giới sẽ nghĩ gì " Nếu họ thấy rằng trong lúc họ dồn áp lực lên chế độ, thì chính người Việt Nam ở hải ngoại lại làm "xì hơi" sức ép đó " Đây là lãnh vực công việc của các cộng đồng. Nếu quốc tế có thể dùng viện trợ làm sức ép đối với CSVN để giúp dân mình đòi hỏi tự do, công bằng thì tại sao cộng đồng không thể dùng "kiều hối" hàng năm gần 4 tỷ đô la, lớn hơn viện trợ quốc tế rất nhiều, để tạo áp lực đối với cộng sản Hà Nội " Nêu vấn đề này để chúng ta cùng suy nghĩ, để không thẹn với thế giới là đã tiếp tay cho chế độ độc tài cộng sản đàn áp dân mình.
Trách Nhiệm
Hoa Kỳ, vì lý tưởng tự do, dân chủ của họ, đã không ngần ngại cổ vũ những giá trị tinh thần này đến khắp mọi nơi trên thế giới. Hơn nữa, bằng những phương tiện ngoại giao, kinh tế, họ đã thể hiện lý tưởng của họ bằng hành động cụ thể. Họ đã tự nhận lấy trách nhiệm trong việc hàng năm đưa ra một bản phúc trình về tự do nhân quyền hay tự do tôn giáo vv... để chính quyền của họ dựa theo đó mà hành xử với những quốc gia đối tượng. Công việc này của họ rất cao quý vì nó bênh vực kẻ yếu, kẻ bị đàn áp. Nó sẽ trở nên vô ích, thậm chí vô duyên nếu chính đồng bào của những kẻ bị đàn áp lại trực tiếp hay gián tiếp giúp cho kẻ cường quyền đàn áp có phương tiện chống lại sức ép của quốc tế. Quốc tế đã lấy trách nhiệm của quốc tế. Người Việt Nam mình cũng có trách nhiệm, không phải chỉ với gia đình thân thuộc của mình, mà còn với cả bao nhiêu đồng bào khác đang bị nghèo khổ, bị đàn áp, bị bóc lột bởi chế độ độc tài CSVN.
Nêu lên vấn đề Trách Nhiệm để chúng ta cùng suy nghĩ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.