Hôm nay,  

Iraq Và Bầu Cử Mỹ

21/10/200400:00:00(Xem: 5013)
Chiến tranh Iraq sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, người ta sẽ biết sau ngày 2-11. Nhưng dù ông George W. Bush hay ông John Kerry lên làm Tổng Thống trong 4 năm tới, vấn đề bức thiết đặt cho nước Mỹ là làm thế nào giải quyết vấn đề Iraq" Một điều đáng chú ý, cả hai ứng cử viên đều gạt bỏ việc rút quân ngay ra khỏi Iraq. Đó là một điều dễ hiểu. Năm xưa Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam dễ dàng và có danh dự vì nhờ có Hiệp định Paris mà căn bản đặt trên chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh. Nhưng hiện nay Mỹ không có đối tượng để ký hiệp ước đình chiến và dù có “Iraq hóa chiến tranh”, nghĩa là để người Iraq giết người Iraq, hậu quả sẽ khủng khiếp vì nội chiến sẽ bùng nổ dữ dội giữa những phe phái sắc tộc như người Kurd và người Ả rập và giữa các phe phái tôn giáo như Sun-ni và Shi-a, lôi cuốn các nước lân cận như Iran, Syria, Ả rập Saudi, Jordan và Thổ Nhĩ kỳ trực tiếp hay gián tiếp vào vòng chiến. Toàn bộ Trung Đông sẽ rực lửa, lúc đó cũng đừng nên hỏi đến giá dầu thô, mạch sống cho toàn bộ kinh tế thế giới. Nếu Mỹ rút quân theo kiểu bỏ ngang xương, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ xa xuống vực thẳm vì không còn ai tin lời cam kết của siêu cường Mỹ và chủ trương “tiên hạ thủ vi cường” sẽ bị cả thế giới chính thức lên án gắt gao tại LHQ. Hơn nữa việc Mỹ rút quân bỏ cuộc sẽ là một khích lệ lớn cho khủng bố toàn cầu.

Bởi vậy đã đâm lao thì phải theo lao, quân Mỹ phải ở lại Iraq một thời gian chưa biết bao lâu, và chính phủ Mỹ đứng trước một số lựa chọn mà bất cứ cách nào cũng không mấy sáng sủa. Trước hết Mỹ có thể rút quân từ từ và trao lại sự kiểm soát đất nước cho chính quyền Baghdad với lực lượng cảnh sát và quân đội Iraq mới thành lập. Nhưng trước thế bạo loạn gia tăng không có viễn tượng ổn định mau lẹ, nhất là mới đây bọn khủng bố khủng khiếp nhất ở Iraq dưới quyền chỉ huy của Abu Musab al-Zarqawi đã tuyên bố trung thành với Osama bin Ladin vì cần đoàn kết “chống kẻ thù của Hồi giáo”, Mỹ lại càng không thể rút quân dù từng phần. Với quân số hiện nay giữ nguyên, Mỹ phải diệt phiến loạn và tìm cách xây dựng Iraq với hy vọng cuộc bầu cử ở Iraq đầu năm tới sẽ làm ngọn gió chính trị đổi chiều chống lại bọn phiến loạn, quân đội cảnh sát Iraq mới tuyển có thể tự lo lấy việc phòng thủ và an ninh đất nước. Tuy nhiên tiến trình này không thể mau lẹ. Theo lời ông James Dobbins, một chuyên gia về xây dựng quốc gia cho nước ngoài, trước đã từng là phái viên của chính phủ Bush ở Afghanistan, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq sẽ nuôi dưỡng thêm cho ngọn lửa tinh thần quốc gia bài Mỹ của người dân Iraq. Nhưng nếu không có quân đội Mỹ, Iraq sẽ rơi vào hỗn loạn. Mỹ còn phải đóng quân lâu, nhiều nhất đến cả chục năm. Để tránh tình trạng này, Mỹ cần phải đánh mau đánh mạnh và phải có thêm hàng chục ngàn quân nữa để bảo hộ chính quyền mới. Dư luận Mỹ chống lại việc gọi quân dịch, nên việc tăng quân sẽ đặt gánh nặng lên quân đội hiện dịch, kể cả Vệ binh quốc gia và quân trừ bị hiện đã có mặt tại Iraq. Về liên quân, chưa có một nước lớn nào cam kết tăng quân ở Iraq, trong khi nhiều nước nhỏ đã rút quân về, tuy sự rút quân này không ảnh hưởng bao nhiêu, vì mỗi nước chỉ có một vài trăm quân lo việc bảo vệ xây dựng hay tiếp viện nhân đạo.

Cho đến nay sau 19 tháng chiến tranh, hơn 1,000 lính Mỹ đã tử trận, chiến phí lên đến 119 tỷ đô-la, một câu hỏi gay gắt đặt ra: Mỹ tốn người tốn của để xây dựng một chính quyền như thế nào ở Iraq" Nếu chiến tranh chống du kích phản loạn và khủng bố tiếp diễn dài dài theo kiểu trường kỳ kháng chiến, chính quyền mới của Iraq, dù thành lập sau cuộc bầu cử đầu năm 2005 như đã dự liệu, cũng không thể là một chính quyền hoàn toàn dân chủ mà là một chính phủ chiến tranh với nhiều quyền tự do dân sự bị loại bỏ. Thế nhưng sau nhiều năm chiến đấu và xây dựng, rút cuộc Iraq có ổn định và hòa bình thực sự và Mỹ rút hết quân về, liệu chính quyền tương lai của nước này có thực sự dân chủ hay không" Nhìn quá trình lịch sử rất phức tạp của Iraq, không ai có thể trả lời dứt khoát câu hỏi này. Bởi vì một chính quyền thực sự dân chủ Iraq chỉ là miếng mồi ngon cho các cuộc đảo chính lật đổ và rút cuộc một chính quyền độc tài lại sẽ thành hình. Chỉ có một chế độ độc tài với bàn tay sắt đẫm máu mới có hy vọng sống lâu ở Iraq. Thành ra kết quả cuộc chiến Iraq sẽ khác hẳn khải tượng tiên khởi của Tổng Thống Bush là tạo cho Iraq một nền dân chủ kiểu mẫu để làm gương cho toàn thể phần còn lại của Trung Đông.

Theo lời ông Yoni Fighel, một đại tá Israel hồi hưu và đã từng làm Thống đốc quân sự Tây Ngạn từ 1987 đến 1996, điều tốt nhất Mỹ có thể hy vọng thành đạt là có một chính quyền “nửa dân chủ” thân thiện với Tây phương ở Iraq. Nhưng tệ hại nhất, nếu chẳng may Iraq lại có một chế độ giáo quyền đạo Hồi khắt khe như Iran chống lại mọi quyền lợi của Mỹ. Quân Mỹ không thể rút sớm, vì Iraq với những căng thẳng về sắc tộc tôn giáo và những kho dự trữ đầy ắp súng đạn, sẽ mau lẹ trở thành một nơi xuất cảng khủng bố, gây họa cho những nước lân cận. Sau sự chiến thắng mau lẹ của quân đội tháng 4-2003, chính phủ Mỹ đã phạm phải một số sai lầm, như giải tán quân đội cũ của Iraq có đến 400,000 người mà phần lớn lại là người Hồi giáo Shi-a. Mỹ khai trừ hàng chục ngàn viên chức cũ của đảng Baath chỉ đi làm để lấy lương nuôi gia đình, không phải thiểu số tay sai tận trung với Saddam. Ông Ghazi al-Yawer, một người Sun-ni được chọn làm Tổng Thống lâm thời của Iraq, nói: “Chúng tôi thấy Mỹ có lỗi 100% về an ninh của Iraq vì đã giải tán các cơ quan an ninh cũ và trong 10 tháng trời để biên giới Iraq ngỏ cửa cho bất cứ kẻ nào muốn vào Iraq mà không cần phải chiếu khán hay thông hành”.

Bất cứ ai cũng có lúc phạm phải lỗi lầm, nếu có sai thì cần nỗ lực sửa sai. Nhưng lớp người đi trước phạm sai lầm để lớp người đi sau lãnh đủ hậu quả, thật chuyện đáng buồn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.