Hôm nay,  

Kỷ Niệm 55 Năm Âm Nhạc Lam Phương

20/10/200400:00:00(Xem: 5706)

Virginia.- Để kỷ niệm quá trình 55 năm sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương, nhóm gia đình và thân hữu vùng Hoa Thịnh Đốn đã trang trọng tổ chức một chương trình ca nhạc thính phòng mang tên "Một Lần Cho Một Đời" vào lúc 2 giờ chiều ngày 17 tháng 10, 2004 tại thính đường của Northern Virginia Community College thuộc thành phố Alexandria, VA.
Có thể nói đây là một chương trình nhạc thính phòng quy mô nhất từ trước tới nay, được tổ chức ở một thính đường rộng một ngàn chỗ ngồi, với sáu ca sĩ nổi tiếng từ Cali sang trình diễn cùng với giàn nhạc thính phòng vùng Hoa Thịnh Đốn gồm những nhạc sĩ tài danh như: nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Việt Anh; nhạc sĩ vĩ cầm Phạm Dương Hiển và Julia Chang; nhạc sĩ thổi sáo Đào Công Minh; nhạc sĩ trung hồ cầm Jennese Estes, nhạc sĩ contrabass Kyle Augustine, nhạc sĩ tây ban cầm Patrick Fritz. Hai MC điều khiển chương trình là Nhà báo Đỗ Hồng Anh và Cô Lâm Đình Aùnh Hằng , aí nữ của nhạc sĩ Lam Phương.
Bên ngoài thính phòng trước giờ trình diễn, đồng hương chen nhau mua sách nhạc, CD của Lam Phương, người nào cũng náo nức chờ đợi thưởng thức một chương văn nghệ thật đặc sắc với ba mươi mốt nhạc phẩm do chính tác giả chọn lọc. Sở dĩ chương trình mang tên "Một Lần Cho Một Đời" là vì nhạc sĩ Lam Phương vốn tính khiêm tốn, chỉ muốn thực hiện một chương trình duy nhất, đánh dấu 55 năm sinh hoạt với âm nhạc của ông.
Trong hàng ghế danh dự chúng tôi nhận thấy có ông bà Phạm Ngọc Lũy, thuyền trưởng tàu Trường Xuân, bà Trần Đình Trường, chủ nhân tàu Trường Xuân, nhà thơ kiêm họa sĩ Vũ Hối, nhà thơ Hà Bỉnh Trung, Hội trưởng Hội Văn Học Nghệ Thuật vùng HTĐ, nhạc sĩ Lê Dinh (từ Canada), nhà văn Lê Văn Phúc..., cùng các đại diện giới truyền thông báo chí. Với khoảng một ngàn khán thính giả, hội trường không còn một chỗ trống. Điều này cho thấy đồng hương vùng Hoa Thịnh Đốn chẳng những đã dành cho nhạc sĩ Lam Phương nhiều cảm tình đặc biệt, mà còn thể hiện lòng thiết tha, gắn bó với âm nhạc và văn hóa dân tộc.
Chương trình được bắt đầu bằng nghi thức chào Quốc kỳ Mỹ , Việt. Quốc ca Hoa Kỳ do ca sĩ Nguyệt Ánh trình bày và toàn thể cử tọa cùng hát quốc ca VNCH. Sau đó Luật sư Phạm Đức Tiến đại diện cho ban tổ chức có lời chào mừng quan khách va giới thiệu sơ qua về giòng nhạc của nhạc sĩ Lam Phương với hơn 200 ca khúc được sáng tác trong hơn năm mươi năm qua. Ông nói, nhạc sĩ Lam Phương trưởng thành trên một quê hương nhiều biến động, cùng những thăng trầm của đất nước, nhạc của ông đã song hành với lịch sử, từ những ngày yên bình, qua giai đoạn chiến tranh tới những năm tháng lưu vong. Trong mỗi giai đoạn lịch sử nhạc sĩ Lam Phương đều nói lên tâm tình của mình qua âm nhạc. Nhạc của ông trải rộng bát ngát trên đồng bằng Cửu Long, vượt qua những núi đồi để tới với trái tim mọi người, ở mọi nơi, trong mọi tầng lớp. Mỗi người đều có thể tìm thấy hình ảnh, tâm tình của mình trong lời ca tiếng nhạc của ông. Nhạc sĩ Lam Phương chia sẻ với những người vượt tuyến bằng nhạc phẩm "Chuyến Đò Vĩ Tuyến", với người cầm súng bằng nhạc phẩm "Chiều Hành Quân", với nỗi buồn học trò qua nhạc phẩm "Ngày Tạm Biệt". Ông chia sẻ với người đang yêu bằng nhạc phẩm "Duyên Kiếp", với người nông dân bằng nhạc phẩm "Khúc Ca Ngày Mùa"... Còn biết bao ca khúc khác, chuyên chở những tâm tình của con người trong những hoàn cảnh khác nhau trên một quê hương đầy khói lửa.
Luật sư Phạm Đức Tiến nói tiếp, dù đã thành danh với những ca khúc trữ tình và đầy hình ảnh quê hương, Lam Phương đã không ngừng lại nơi những giai điệu quen thuộc. Từ khi rời bỏ quê hương sống ở nước ngoài, ông đã khai phá những giai điệu mới lạ. Không phải chỉ mới lạ trong giai điệu mà mới lạ ngay cả trong lời ca, dường như trẻ trung hơn, nhiều tình yêu hơn, nhiều hy vọng hơn mà đặc biệt là mượt mà hơn. Tính chất đơn giản, bình dị đã làm cho dòng nhạc của ông đi vào lòng người một cách rộng rãi và nhanh chóng. Nhạc sĩ Lam Phương đã trở thành đại biểu của âm nhạc miền Nam rực rỡ và chân phương.
Chương trình văn nghệ được bắt đầu với nhạc phẩm "Bọt Biển" do Thế Sơn và Diễm Liên trình diễn, kế đến là Diễm Liên trong nhạc phẩm "Mưa Lệ". Ca sĩ Anh Dũng truyền cảm trong nhạc phẩm "Trả Lại Em" và "Như Giấc Chiêm Bao", tiếp theo là Khánh Ly trong hai nhạc phẩm "Chờ" và "Chờ Em". Khánh Ly trình bày bản "Chờ Em" rất có hồn, được khán giả dành cho những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Sau đó, Thế Sơn trở lại sân khấu với nhạc phẩm "Thành Phố Buồn" và "Lầm" (Anh đã lầm đưa em sang đây...), có lẽ bản nhạc này nói lên tâm trạng lầm lỡ của nhiều người, nên rất phổ biến trong tập thể người Việt tỵ nạn.
Trần Thái Hòa, một ca sĩ trẻ có giọng ca trầm ấm, đóng góp trong chương trình nhạc Lam Phương với các nhạc phẩm "Một Mình", "Đánh Mất Đêm Vui", đã diễn đạt được trọn vẹn cái tâm tư rất âm thầm, lặng lẽ của tác giả. Nỗi buồn riêng tư đó nhạc sĩ Lam Phương đã phải chịu đựng một thời gian không phải là ngắn ngủi.

Ý Lan tiếp nối chương trình với nhạc phẩm "Em Đi Rồi", "Thu Sầu" và "Tình Đau". Qua những bản nhạc này Ý Lan cho khán giả cơ hội thưởng thức kỹ thuật trình diễn rất điêu luyện và sinh động của cô, đồng thời cho thấy Lam Phương là một nhạc sĩ đa tài, đa dạng. Ông có thể sáng tác theo mọi thể điệu và mọi đề tài, cho mọi giới yêu nhạc. Kết thúc phần thứ nhất của chương trình, Ý Lan và Anh Dũng song ca nhạc phẩm "Trăm Nhớ Nghìn Thương". Ca khúc này được viết khi mối tình đầu của tác giả tan vỡ. Lời ca và ý nhạc tuyệt vời của Lam Phương đã được Ý Lan và Anh Dũng trân trọng trình diễn, khán giả say mê thưởng thức.
Cũng trong phần đầu chương trình này, Ban Tổ Chức đã mời tác giả Lam Phương ra sân khấu để gặp khán giả. Ông chống gậy, chậm bước ra sân khấu chào khán giả, giữa những tiếng vỗ tay chào đón rất nồng nhiệt tưởng như không bao giờ dứt. Ông vô cùng xúc động, chỉ nói được một vài lời chào, giọng nói nghẹn ngào và lệ ứa hoen mi.
Được biết nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Vì cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, năm lên mười tuổi ông được gởi lên trọ học tại nhà người bác ruột ở Tân Định. Trong buổi sáng tinh mơ, khi ôm gói quần áo ra bến xe đò tìm đường lên Saigon, ông đã không cầm được nước mắt trong vòng tay thương yêu của mẹ hiền. Ở Saigon ông theo học trường Les Lauriers. Ông được nhạc sĩ Hoàng Lan hết lòng chỉ dạy âm nhạc miễn phí, sau đó ông may mắn được gặp nhạc sĩ Lê Thương hướng dẫn thêm phương pháp soạn ca khúc phổ thông. Những giòng nhạc đầu đời của ông được sáng tác từ lúc 13 tuổi.
Hai năm sau, năm 1952 ông phát hành bản "Chiều Thu Ấy" và thành công ngay từ bước đầu. Từ đó ông liên tục sáng tác thêm những tác phẩm như "Kiếp Tha Hương", "Tình Cố Đô", "Chuyến Đò Vĩ Tuyến"...
Năm 1958 ông nhập ngũ, rồi năm 1959 giải ngũ và gia nhập Đoàn Hoa Tình Thương. Ông có dịp đi từ Bến Hải đến Hà Tiên. Những cảnh sắc, tâm tình ở mỗi địa phương đã là nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tác của ông sau này.
Năm 1975 ông và gia đình cùng hơn 4000 ngàn người lên tàu Trường Xuân vượt thoát làn sóng đỏ Cộng sản tràn vào Saigon. Sau vài tháng ở trại tị nạn, ông tới định cư ở Virginia Beach, rồi Falls Church (Virginia), rồi qua Dallas và Houston (Texas).
Năm 1981 ông ly dị vợ là kịch sĩ Túy Hồng, nỗi xót xa trong đời thể hiện trong nhạc phẩm "Tình Vẫn Chưa Yên", "Một Đời Tan Vỡ". Sau đó ông sang Pháp cùng em gái mở một nhà hàng ở Paris. Đây là thời gian ông sáng tác dồi dào nhất tại hải ngoại. Năm 1995 ông trở lại California. Ngày 13 tháng 3 năm 1999 ông bị tai biến mạch máu não ở bán cầu bên trái, liệt nửa thân người. Hiện ông đang sống ở Garden Grove, Cali, sức khỏe khả quan hơn nhiều. Bản tính lạc quan đã giúp ông đủ sức mạnh tinh thần để chịu đựng và vượt qua những nghịch cảnh.
Sau giờ nghỉ giải lao, mở đầu phần thứ hai của chương trình, Anh Dũng, Thế Sơn, Trần Thái Hòa hợp ca bản "Kiếp Nghèo", tác phẩm này được sáng tác khi Lam Phương và cả gia đình sống trong căn nhà nhỏ ở ĐaKao. Trần Thái Hòa tiếp nối với ba nhạc phẩm "Cỏ Úa", "Giòng Lệ", "Lời Yêu Cuối", và nhạc phẩm "Nghẹn Ngào" do Diễm Liên trình diễn cũng chuyên chở niềm đau không nguôi. Thế Sơn trở lại sân khấu, rất sinh động với nhạc phẩm "Con Tàu Định Mệnh" và "Say". Ý Lan, Khánh Ly, Diễm Liên trở lại sân khấu với những tình khúc dang dở, xót xa như "Yêu Thầm", "Một Đời Tan Vỡ", "Cám Ơn Tình Người", "Bài Thơ Không Đoạn Kết"...
Đặc biệt là bài "Hạnh Phúc Mang Theo", được sáng tác vào cuối năm 2002 khi nhạc sĩ đã bị bệnh, không thể ôm đàn guitar sáng tác như trước. Ông đã cố gắng tưởng tượng từng âm giai trong đầu để viết nên ca khúc này.
Không khí được thay đổi với nhạc phẩm "Khúc Ca Ngày Mùa" vui tươi, mang âm hưởng dân ca miền Nam, do Khánh Ly và Diễm Liên song ca. Trước khi chương trình chấm dứt với nhạc phẩm "Nợ Ân Tình" do sáu ca sĩ hợp xướng, ca sĩ Nguyệt Ánh có một món quà đặc biệt để tặng nhạc sĩ Lam Phương. Cô hát một liên khúc gồm nhiều bài ca nổi tiếng của Lam Phương, những ca khúc quen thuộc của nhiều thập niên qua, đã in sâu trong tiềm thức mọi người, nên mỗi khi Nguyệt Ánh cất tiếng hát một câu đầu của bản nhạc là khán giả vỗ tay vang dội, tán thưởng nồng nhiệt - tán thưởng ca sĩ đang trình diễn và tán thưởng nhạc sĩ đã sáng tác.
Mở đầu là bản tình ca "Duyên Kiếp" (Anh ơi, nếu mộng không thành thì sao...), kế đến "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" (Đêm nay trăng sáng quá anh ơi...) rồi chuyển sang nhạc lính "Chiều Hành Quân" (Một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng xuân chưa nhạc màu..), "Biết Đến Bao Giờ" (Đời là vạn ngày sầu...) rồi nỗi niềm xa quê qua nhạc phẩm "Đường Về Quê Hương" (Biết đến bao giờ trở về Việt Nam thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều ngang...). Với tiếng đàn guitar và giọng ca thật hay, thật mạnh, thật truyền cảm, ca sĩ Nguyệt Ánh đã đưa cả ngàn khán thính giả trở về quê xưa, lui về dĩ vãng, chơi vơi trong vùng trời kỷ niệm dấu yêu. Mọi người lặng thinh, lắng nghe với niềm rung cảm sâu xa tận đáy tâm can. Chắc chắn trong khán giả có nhiều người rưng rưng ngấn lệ và nhạc sĩ Lam Phương cũng đã không cầm giữ được niềm xúc động dâng trào trên mi mắt.
Chương trình được chấm dứt vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày. Khán giả không muốn về, xếp hàng dài trong hội trường, chờ xin chữ ký và chụp hình lưu niệm với nhạc sĩ Lam Phương.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.