Hôm nay,  

Y Tế Cho Toàn Dân?

16/05/200400:00:00(Xem: 4505)
Năm bầu cử nào người dân Mỹ cũng lại nghe các thống kê về số lượng người không bảo hiểm y tế, và rồi được một ứng viên tổng thống, và có khi cả hai ứng viên tổng thống, cùng hứa hẹn ra các giải pháp để tăng thêm số người được bảo hiểm y tế; con số hứa tăng thêm có khi là vài triệu, có khi là cả chục triệu người. Rồi thì năm tuyển cử nào cũng được nghe lại điệp khúc đó, có nghĩa là không có lời hứa nào trọn vẹn cả. Tại sao như thế" Và người Mỹ gốc Việt qua các cuộc tranh cãi này học được những gì"

Tất nhiên, ai cũng nói rằng bảo hiểm y tế toàn dân là một điều tốt, phước đức vô lượng, nhưng lại chẳng mấy người đồng ý về cách thực hiện. Thêm nữa, những người không bảo hiểm y tế lại không kết nổi thành một khối chính trị. Không bảo hiểm y tế tất nhiên phải là dân nghèo, nhưng lại không ở mức quá nghèo để được hưởng bảo hiểm y tế nhà nước. Trong các thành phần này, hiển nhiên là người Việt mình cũng nhiều. Chúng ta không có chính xác con số người Mỹ gốc Việt không bảo hiểm y tế, vì các thống kê nhà nước không làm chi tiết tới mức phân từng sắc tộc, hoặc có khi cũng có thống kê phân tích loại này nhưng lại không cho phổ biến vì không muốn các nhà hoạt động dân quyền có vũ khí tấn công. Nhưng bạn chỉ cần ra các chợ Việt Nam, hay buổi sáng xà vào các vỉa hè phố Việt ở Mỹ mà xem các cụ đánh cờ tướng giải khuây... thế nào cũng nghe chuyện ai đó than thở không bảo hiểm y tế, hay là khi nhổ răng, trám răng đành phải trả tiền mặt hay phải xin trả góp... và vân vân.

Tại sao quốc gia giàu nhất trên thế giới lại không cung cấp nổi bảo hiểm y tế cho toàn dân" Cuộc tranh cãi này năm tuyển cử nào cũng nghe, rồi sang năm sau đó lại quên đi. Người ta bàn về chăm sóc y tế, về bảo hiểm, bảo phí, về việc làm trong hệ thống y tế và bảo hiểm, và về đủ thứ.

Vấn đề có vẻ đơn giản: Hoa Kỳ đang có 44 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, và vị dân cử nào (và toàn dân nữa chứ) cũng đều muốn tỏ lộ từ bi, đòi hỏi bảo hiểm y tế đầy đủ hết cho họ. Chi phí như thế thực sự không bao nhiêu. Theo ước tính của ủy ban có tên Kaiser Commission on Medicaid & The Uninsured, thì làm như thế nước Mỹ chỉ cần tốn thêm 69 tỉ đô một năm, nghĩa là cộng thêm có 6% chi phí y tế hàng năm.

Nan đề chỉ là không ai đồng ý với ai về cách tốt nhất để thực hiện như thế. Chữ "ai" đây có nghĩa là công chúng, là các chính khách, là các nhà tư bản và chuyên gia, nhân viên trong ngành y tế. Và bởi vì đại đa số cử tri có bảo hiểm y tế (tuy là 85% dân số Mỹ đang có bảo hiểm, nhưng tới 92% những người đi bầu năm 2000 có bảo hiểm y tế), thế nên các chính khách không thấy nhu cầu cấp thiết giải quyết phá vỡ bế tắc.

Theo một cách giải thích, chỉ vì không có một cách bảo hiểm nào tốt cho nhóm người chưa bảo hiểm này. Robert J. Blendon, chuyên gia về thái độ công chúng và thăm dò về y tế thuộc Đại Học Y Tế Công Cộng Harvard, nhận xét, "Hầu hết người Mỹ nghĩ rằng quốc gia giàu nhất thế giới này nên quét sạch vấn đề này. Nhưng lại không có kế hoạch đơn độc nào để bảo hiểm ¼ dân số Hoa Kỳ gọi là tốt cả."


Nhiều giải pháp đề ra, tốt mặt này thì kẹt mặt kia - như các phương diện chi phí, tự do, phẩm chất và sức tăng kinh tế. Giáo sư Blendon nghĩ rằng giải pháp tối ưu thì nên là "các kế hoạch pha trộn" - nghĩa là hỗn hợp giữa các chương trình Medicaid do nhà nước điều hành cho mở rộng để bảo hiểm thêm các nhóm chưa bảo hiểm, với việc tăng ưu đãi cho các công ty để bán bảo hiểm giá rẻ cho các công nhân lương thấp, và cho ưu đãi hay miễn giảm thuế để khuyến khích cá nhân người Mỹ mua bảo hiểm.
Nói thì có vẻ dễ nhưng thật sự là dân Mỹ từ lâu đã bác bỏ các nỗ lực tìm một hệ thống đơn độc bảo hiểm y tế. Tổng Thống Harry S, Truman đã đề ra kế hoạch bảo hiểm y tế toàn dân trong cuối thập niên 1940s, nhưng lại thảm bại. Nhưng khi nhích tới chút xíu thì không sao: Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã thành công trong việc thành lập bảo hiểm nhà nước cho người già (Medicare) và cho người nghèo (Medicaid).

Gần nhất thì có nỗ lực của Tổng Thống Bill Clinton đòi cải tổ toàn bộ hệ thống bảo hiểm y tế. Clinton thúc đẩy cải tổ vào năm 1993, nhưng rồi bị thảm bại để dẫn tới việc Cộng Hòa vào chiếm đa số quốc hội Mỹ năm 1994.

Trong thập niên kế tiếp từ đó, các thay đổi chút xíu thì mới được - đưa thêm trẻ em vào Medicaid, chi trả luôn tiền thuốc có toa cho Medicare.
Bây giờ thì hầu hết dân Mỹ đều hài lòng với bảo hiểm mua qua công ty nơi họ làm việc, mặc dù lúc nào họ cũng cằn nhằn về chi phí cao và việc cắt giảm một số mục bảo hiểm. Thêm nữa, các chính khách cũng không thấy cần phải tích cực bởi vì người không bảo hiểm y tế thường ít chịu đi bầu cử.
Cuộc thăm dò của Harris hồi tháng 12 năm ngoái, tức là giữa thời khoảng 7 tháng toàn các bản báo cáo thất nghiệp bi quan, khi được hỏi một trong hai vấn đề quan trọng nhất chính phủ cần giải quyết, thì chỉ có 16% người trả lời bảo hiểm y tế trong ưu tiên đó, thua xa quan tâm về kinh tế và việc làm (tới 40% dân quan tâm) và chiến tranh và quốc phòng (32%).

Không phải là dân Mỹ không muốn bảo hiểm toàn dân. Theo cuộc thăm dò Washington Post/ABC hồi tháng 10-2003, có tới 62% dân Mỹ ủng hộ bảo hiểm toàn dân. Nhưng đó lại không phải ưu tiên quan tâm. Theo cuộc thăm dò của Đại Học Y Tế Harvard và hội Robert Wood Johnson Foundation hồi tháng 12 qua, thì việc đối phó với nguời không bảo hiểm chỉ là vấn đề liên hệ y tế có tầm quan trong thứ ba. Chi phí về y tế (36%) và vấn đề Medicare (26%) đã qua mặt nỗi lo về giúp đỡ người không bảo hiểm, vốn chỉ bằng quan tâm về chi phí tới thuốc mua toa ở mức 21%.

Thêm nữa, bản thăm dò Harvard về những người thành niên ở tiểu bang Massachusetts cho thấy 82% công chúng ủng hộ mở rộng Medicare - nhưng chỉ có 55% chấp nhận việc có thể bị tăng thuế để chi trả cho việc này. Tương tự, việc ủng hộ luật cưỡng bách công ty mua bảo hiểm cho thợ đã sụt giảm còn hơn phân nửa, từ 76% sụt còn 35%, khi người dân được báo rằng chi phí bảo hiểm có thể buộc các cơ sở kinh doanh cho thợ nghỉ bớt.

Vậy nên, bảo hiểm toàn dân là chuyện xa vời. Bởi vì đại đa số những người đi bầu nghĩ rằng điều đó không khẩn cấp. Đành phải tin rằng, chỉ tới khi nào người dân không bảo hiểm chứng tỏ được mình là một khối cử tri thuần nhất, siêng năng đi bầu, thì lúc đó mới thúc đẩy được bảo hiểm toàn dân.
Xem người, rồi nhìn lại mình. Đây cũng là bài học cho người Việt chúng ta: không siêng năng đi bầu, thì có nói gì đi nữa, cũng chẳng mấy ai nghe.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.