Hôm nay,  

Yêu Nước, Người Là Ai?

02/10/200400:00:00(Xem: 5976)
Cách đây hơn hai năm, tôi được mời tham dự và phát biểu trong một hội thảo nhân quyền tại Canada với chủ đề "Hướng đi nào cho dân tộc Việt Nam." Hội thảo quy tụ các thuyết trình viên và tham dự viên thuộc nhiều thế hệ và nhiều quá khứ trưởng thành. Thoạt đầu, khi mới nghe đến chủ đề, có vẻ là câu hỏi nhiều hơn, tôi không khỏi ngạc nhiên. Chẳng lẽ gần 30 năm rồi chúng ta đã và đang đi lạc giữa rừng già" Và chẳng lẽ gần 30 năm rồi Việt Nam, như một dân tộc, vẫn chưa tìm ra cho mình một hướng đi đích thực" Tuy nhiên, sau khi lắng nghe những thao thức, suy tư của nhiều người, từ những chú bác với mái tóc bạc phơ của thời được gọi là "Cách Mạng Mùa Thu", những vị đã dành nhiều năm trong nhà tù Cộng Sản, cho đến những bác sĩ, kỹ sư ra đời sau cuộc chiến, tôi cũng chia xẻ quan điểm với mọi người, vận nước đang trong vòng bế tắc và hơn bao giờ hết cần một hướng đi. Từ đó đến nay, câu hỏi "Hướng đi nào cho dân tộc Việt Nam"" cứ quanh quẫn hoài trong tâm thức tôi.
Ngày 3 tháng 9 vừa qua, nhân ngày giỗ của ông Hồ Chí Minh, báo chí đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam đăng bức hình ông Nông Đức Mạnh đang lâm râm khấn vái trước bàn thờ ông Hồ. Nhìn cảnh Nông Đức Mạnh đang hai tay dâng hương ngang mày và nghiêm trang khấn vái, tôi chợt nảy sinh một ý nghĩ tinh nghịch, biết đâu ông Nông Đức Mạnh cũng đang hỏi ông Hồ: "Thưa bác, hướng đi nào dành cho dân tộc Việt Nam"" bởi vì tôi thật sự không tin rằng ông Nông Đức Mạnh biết rõ con đường nào dân tộc Việt Nam đang hướng tới.
Dĩ nhiên trong mắt nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam bao giờ cũng là những người lạc quan cách mạng. Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội vẫn "đường ta rộng thênh thang tám thước" như Tố Hữu viết trong bài thơ Ta Đi Tới, tuy nhiên, nhìn vào cách họ vận dụng nhân vật Hồ Chí Minh đủ để thấy sự tuyệt vọng của họ về tương lai của đảng.
Ông Hồ, một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng Sản Pháp, một nhân viên Bộ Phương Đông của Quốc Tế Cộng Sản, sáng lập đảng Cộng Sản Đông Dương, Chủ Tịch Đảng Lao Động và nhà nước Việt Nam, một người khi chết đi chỉ mong được về với Các Mác, Lênin, nói tóm lại, là một người vô thần từ móng chân đến sợi tóc. Thế nhưng, những năm gần đây, ngày giỗ ông Hồ, ngoài những buổi mít-tinh tưởng niệm, ngợi ca ơn đức, công lao, lại có thêm phần cúng tế với hương đèn nghi ngút rất hợp với lễ nghi truyền thống Việt Nam. Điều đó có nghĩa, ông Hồ không ở với Mác Lênin nữa nhưng đã trở về với cội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Báo Tuổi Trẻ có lần đăng tin, đảng và nhà nước quan tâm đến tinh thần, đúng ra là kiểu thời trang, "Về Nguồn" đến mức đã chỉ thị mọi công sở, xí nghiệp công hay tư doanh đều phải đặt một bàn thờ tổ tiên. Ngoại trừ Việt Nam và Bắc Hàn, nơi bóng ma của những người chết còn chế ngự trong sinh hoạt của người sống, hình thức suy tôn cá nhân trong các chế độ Cộng Sản đã chết dần theo đà tiến hóa văn minh nhân loại và dòng thác dân chủ hóa thế giới.
Trong cương vị Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam hơn ai hết ông Nông Đức Mạnh biết rằng hướng đi "đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" chỉ là một trò chơi chữ mà thôi. Gần 30 qua, họ đã chơi chữ và đóng kịch trên máu xương và nước mắt của nhân dân Việt Nam.
Việt Nam trong năm 2004 được xếp hạng thứ cuối bảng về tốc độ phát triển trong vùng Đông Nam Á. Việt Nam cũng vừa bị Ngân Hàng Thế Giới xếp hạng thứ 105 trên thế giới về lợi tức hàng năm tính theo đầu người. Với con số 410 Mỹ Kim mỗi người, Việt Nam còn đứng sau cả những nước Châu Phi còn triền miên trong nội chiến như Yemen với 490 Mỹ kim, Senegal với 470 Mỹ kim. Ký giả Daniel Schwarz trong bài tường thuật chuyến đi Việt Nam và Cambodia trên báo Post-Standard của Mỹ vào ngày 8 tháng 8 năm 2004, đã viết: "Việt Nam giống như trái dưa hấu, xanh vỏ nhưng đỏ ruột." Phần phụ cấp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam là sự thu nhập từ du khách và khoản tiền do Việt kiều gởi về hay thăm nhà hàng năm. Nếu lấy hai nguồn lợi tức đó ra, Việt Nam lại phải xách gói đi ăn xin như những năm đầu thập niên 80 lần nữa.
Về mặt xã hội, con số 410 Mỹ kim chẳng những thấp nhưng đồng thời, cũng không phản ảnh một cách trung thực đời sống của đại đa số người dân Việt Nam vì mức sống chênh lệch quá xa giữa giàu và nghèo, giữa thành phố và thôn quê, giữa trong đảng và ngoài đảng, giữa cán bộ biết móc ngoặc và công nhân viên bình thường. Trong lúc một thiểu số đảng viên Cộng Sản cao cấp và gia đình họ sống trong biệt thự có máy điều hòa không khí, nghỉ ngơi trong các khách sạn bốn, năm sao, ăn uống trong nhà hàng đắt tiền, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam vẫn chưa biết chai rượu Martel màu xanh hay đỏ, chưa hề được đặt chân đến khách sạn Sofitel Plaza, Caravelle, và nhiều nơi trên đất nước, sau gần 30 năm vẫn chưa có điện để thắp sáng những căn nhà tối tăm heo hút. Bao nhiêu phần trăm trong 80 triệu dân Việt Nam có được lợi tức 400 Mỹ kim một năm" Không cần phải vào viện thống kê để tìm câu trả lời, chỉ cần bước xuống chân cầu Long Biên, hỏi những người dân đang sống chui rúc dưới gầm cầu kia lợi tức hàng năm của họ là bao nhiêu.
Tôi cũng không nghĩ ông Nông Đức Mạnh tin rằng hướng đi của dân tộc Việt Nam là tiếp tục "sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam song song với việc góp phần tích cực vào "cuộc cách mạng giải phóng giai cấp vô sản toàn thế giới" đã được đảng Cộng Sản nhiều lần nhấn mạnh trong các tuyên ngôn tuyên cáo trước đây, cũng như đã được lập lại trong di chúc của ông Hồ.
Sau cơn bão Cộng Sản kéo dài hơn 70 năm ở Châu Âu, nhân loại đã bừng tỉnh, các nhà sử học, các nhà thống kê có cơ hội đánh giá những thiệt hại của nền văn minh con người do ý thức hệ Cộng Sản gây ra. Trong tác phẩm được xếp vào loại bán chạy cấp quốc tế, Sách Đen Của Chủ Nghĩa Cộng Sản: Tội Ác, Khủng Bố, Trấn Áp (The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression) do sử gia thuộc nhiều quốc gia viết và được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp năm 1999, đã đưa ra một con số thiệt hại nhân mạng ngoài sức tưởng tượng của một người bình thường do ý thức hệ Cộng Sản trực tiếp gây ra: 20 triệu tại Nga trong kỷ nguyên Lênin và Stalin, 65 triệu tại Trung Quốc trong thời đại Mao Trạch Đông, 1 triệu tại Việt Nam, 2 triệu tại Bắc Hàn dưới chế độ Kim Nhật Thành, 2 triệu tại Cambodia trong thời kỳ Pol Pot, nhiều triệu khác ở Đông Âu, Phi Châu và Châu Mỹ Latinh. Các sử gia cũng chứng minh rằng chuyện giết người không gớm tay của các lãnh tụ Cộng Sản chẳng phải là tình cờ hay ngẫu nhiên, cũng chẳng phải phát xuất từ bản chất hung ác riêng của Stalin, Mao Trạch Đông, Nicolae Ceausescu, Kim Nhật Thành v.v. nhưng là một đặc điểm mang tính triết học trong hệ tư tưởng Cộng Sản và thực tế chính trị tại các quốc gia Cộng Sản. Các sử gia cũng so sánh một cách tinh tế phương pháp giết người tập thể dựa theo chủng tộc (race geocide) của Quốc Xã và tiêu diệt theo giai cấp (class geocide) trong quan điểm Cộng Sản, và họ kết luận ý thức hệ Cộng Sản còn dã man hơn chế độ Quốc Xã nhiều. Và tác phẩm Sách Đen Của Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng không phải do những tay sai đế quốc, cực đoan chống Cộng phát hành mà do đại học Harvard, một trong những cơ sở giáo dục có uy tín nhất thế giới phát hành tại Mỹ vào năm 2000 và đã in lại 5 lần từ đó đến nay.
Điều giống nhau giữa Cộng Sản theo kinh điển Mác-Lê trước đây và Cộng Sản ngày nay tại Việt Nam, không còn ở mục đích giải phóng giai cấp vô sản, không phải ở mục tiêu đoàn kết phong trao Cộng Sản toàn thế giới nhưng là một phương tiện sắc máu hữu hiệu để trấn áp nhân dân. Giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam biết rằng chỉ hai chữ Cộng Sản thôi đủ làm nhân dân Việt Nam mất ăn mất ngủ. Bản thân của hai chữ Cộng Sản đã là một vũ khí kinh người, một mối lo sợ ám ảnh thường trực trong tâm trí người dân Việt, nhất là dân miền Nam, gần 30 năm qua. Việc duy trì tên đảng Cộng Sản Việt Nam là cách để cảnh cáo nhân dân Việt Nam rằng nhà tù vẫn còn đó, súng đạn cũng còn đó, các biện pháp trừng phạt không thương xót, những cách trả thù ghê rợn vẫn còn đó, và sẳn sàng áp dụng nếu cần.

Tôi cũng không nghĩ ông Nông Đức Mạnh thừa nhận rằng hướng đi đích thực của dân tộc Việt Nam trong thời đại này là đảng Cộng Sản phải thực tâm nhận trách nhiệm trước quốc dân về những sai lầm của họ trong quá khứ và công bố một tiến trình dân chủ hóa song song với hiện đại hóa kinh tế đất nước rõ ràng và cụ thể. Tiến trình phục hưng Việt Nam phải bắt đầu với sự tôn trọng các quyền tự do kinh doanh, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do thành lập chính đảng, bầu cử và ứng cử không phải thông qua Mặt Trận Tổ Quốc, để cuối cùng dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử tự do, công bằng với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc bao dung và nhân hậu, vì vậy tôi tin rằng, nếu bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam thực tâm công bố trước dư luận thế giới và Việt Nam một chương trình canh tân đất nước toàn diện và triệt để như vừa nêu, nhân dân Việt Nam có thể sẽ để cho đảng Cộng Sản Việt Nam một cơ hội cuối cùng. Đó cũng là khả năng tốt đẹp và ổn định nhất cho vấn nạn Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao giới lãnh đạo Cộng Sản có thể bước xuống khi cả cuộc đời, sản nghiệp, quá khứ, tương lai của họ và của con cháu họ đã gắn liền với chế độ. Họ sẽ đi đâu và sẽ về đâu trong buổi hoàng hôn của thời đại độc tài đảng trị với một lịch sử đầy xương máu tại Việt Nam suốt bảy chục năm qua"
Mặc dù các lãnh đạo Cộng Sản thuộc thế hệ 1954, và ngay cả 1945, vẫn còn đang cầm quyền, con cái và tay chân thân tín, trung kiên đã được đào tạo và cắt cử vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước. Đặc tính kế thừa trong chế độ Cộng Sản là một tiến trình chọn lọc hết sức tinh vi và cẩn trọng. Họ có thể tranh chấp nhau, phê bình nhau, hạ bệ và thậm chí thanh trừng nhau như vụ Tổng Cục 2 đang gây nhiều sóng gió, nhưng giữa họ vẫn có một mẫu số chung căn bản đã đồng thuận từ khi đưa tay tuyên thệ và một giới hạn quyền lực phải được bảo vệ bằng mọi giá, đó là vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản Việt Nam. Vai trò của đảng ngày nay không chỉ đại diện cho ý thức hệ, cho quan điểm chính trị nhưng cụ thể hơn, đại diện cho cơm no áo ấm họ đang hưởng thụ, cho nhà cao cửa rộng họ đang sở hữu. Trong buổi phỏng vấn dành cho phái viên Laurent Malvezin của báo Asian Affair năm 2000, Lê Khả Phiêu thú nhận rằng "Cách duy nhất để phát triển là mở rộng kinh tế để thu hút đầu tư." Nhưng khi bị hỏi tiếp "Làm thế nào để có thể mở rộng kinh tế theo nguyên tắc tư bản khi chính các ông tự nhận mình là Cộng Sản"" Lê Khả Phiêu đã tỏ ra lúng túng, vừa phải thừa nhận "Thượng tầng kiến trúc chính trị sẽ thay đổi để phù hợp với phát triển", nhưng cùng lúc lại phủ nhận khi cho rằng "cơ chế chính trị do Hồ Chủ Tịch sáng lập sẽ không thay đổi." Cơ chế chính trị mà Lê Khả Phiêu muốn nói là chế độ độc tài đảng trị hiện nay tại Việt Nam. Thay đổi, theo lý luận của Lê Khả Phiêu là thay đổi để tồn tại chứ không phải thay đổi căn bản và toàn diện để thăng tiến mà đất nước đang cần.
Phân tích như vậy để chúng ta cùng thấy rằng, đất nước đến nay vẫn chưa có một hướng đi đích thực, hướng đi có thể dẫn đến một Việt Nam như cường quốc kinh tế nỗi bật vùng Đông Nam Á, một xã hội tôn trọng các quyền tư do căn bản của con người và một nền văn hóa tươi đẹp nhờ vào các giá trị đặc thù của dân tộc đồng thời phát triển hài hòa vào dòng văn minh nhân loại.
Việt Nam ngày nay, là một đất nước làm để kiếm sống, nói theo lối bình dân là đắp đổi qua ngày, chứ không phải làm để giàu mạnh. Nhân dân Việt Nam có đức tính cần cù và sáng tạo, nhưng những đức tính đó chỉ có thể đâm chồi nảy lộc trong một xã hội mở rộng và một nền kinh tế tự do. Những người Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận với sự phát triển của thế giới, tin theo lời nhà nước tuyên truyền, rằng nền kinh tế Việt Nam đã và đang đi bằng những bước thật dài. Không, kinh tế Việt Nam không đi đâu xa cả, chỉ quanh quẩn trong vòng bế tắc mà thôi. Một bản tin của báo Tuổi Trẻ tháng 8 vừa qua cho biết trong số 30 ngàn sinh viên du học nước ngoài chỉ có 170 người trở về liên hệ với cơ quan cũ. Tại sao" Bên cạnh các lý do có tính cách cá nhân, một nguyên nhân quan trọng bởi vì kiến thức đa dạng họ đã thu nhận được, xã hội dân chủ họ đã có cơ hội giao tiếp, phương pháp giáo dục khoa học thực tiễn họ học hỏi được, hoàn toàn không thích hợp với điều kiện kinh tế, với cung cách làm việc còn trong thời tiền kỹ nghệ như Việt Nam.
Không cần phải là một nhà phân tích chính trị hay một giáo sư kinh tế học, bất cứ ai với những hiểu biết căn bản đều có thể nhận ra rằng ngọn núi đang chắn ngang con đường tiến hóa của dân tộc Việt Nam không có tên nào khác hơn là ngọn núi độc tài, độc đảng. Nói một cách tương tự, ngày nào cơ chế chính trị độc đảng, độc tài, độc quyền như hiện nay tại Việt Nam chưa được thay đổi ngày đó sẽ không có một hướng đi đích thực nào dành cho dân tộc Việt Nam. Và do đó, thái độ chính trị của một người Việt Nam, trước hết, là thái độ chấp nhận hay không chấp nhận cơ chế chính trị độc tài quân phiệt hiện nay tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành hưng thịnh như Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai hay tương đối ổn định như Thái Lan, Philipine nếu nhân dân Việt Nam không đập vỡ được viếc vỏ sắt đang siết chặt họ. Các quan sát viên quốc tế biết thế. Đại đa số nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu và làm thế nào để tháo gỡ chiếc còng sắt đã ăn sâu vào xương thịt của dân tộc Việt Nam mà khỏi phải chặt bỏ, khỏi phải lóc đi chính da thịt của mình" Đó chính là trách nhiệm khó khăn, nhức nhối và một thách thức thời đại của những người Việt Nam yêu nước, và cũng chỉ có những người yêu nước bằng một tình yêu trong sáng, bao dung, vượt thoát mới làm được công việc tháo gỡ đó.
Người yêu nước là ai và họ đang làm gì"
Họ là người Việt nam. Họ có thể ở trong nước hay tại hải ngoại; họ có thể đang đấu tranh trực diện với chế độ hay vận động trong âm thầm, kín đáo; họ có thể đã từng chịu đựng hàng chục năm lao lung, cực khổ trong nhà tù Cộng Sản và cũng có thể là những đảng viên Cộng Sản đã nhận ra con đường sai trái mà họ vừa đi qua; họ có thể là những giáo sư đại học đang giảng dạy tại các đại học Quốc Gia, đại học Tổng Hợp Hà Nội, Huế, Sài gòn và cũng có thể là những trí thức Việt Nam mang quốc tịch Anh, Mỹ, Pháp đang sẵn lòng cứu giúp quê cha đất tổ; họ có thể là những nông dân lam lũ trên cánh đồng khô cháy ở Nghệ An, Hà Tĩnh và cũng có thể là những công nhân đang đổ mồ hôi trong nhà máy dệt ở khu công nghiệp Biên Hòa; họ là những thanh niên, sinh viên mang thao thức thời đại đi vào xã hội Việt Nam đầy bất công sai trái và cũng có thể là những sinh viên gốc Việt sinh ra ở hải ngoại đang mơ ước làm một điều gì tốt đẹp cho quê hương.
Như những cành hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, dù ở đâu và làm gì, những người Việt yêu nước vẫn có chung một quyết tâm vứt bỏ những công danh phù phiếm, những lợi lộc nhất thời, những giận hờn thương ghét riêng tư để lo cho cái chung lâu dài của dân tộc. Họ có thể chưa biết nhau, có thể đang hoạt động trong âm thầm nhưng họ sẽ không cảm thấy cô đơn. Trái lại, họ tin rằng, công việc họ đang làm, hàng triệu đồng bào khác cũng đang làm, và mục đích họ đang theo đuổi, hàng triệu đồng bào khác cũng đang cùng theo đuổi. Họ sống và được nuôi dưỡng bằng niềm tin tuyệt đối vào sự trường tồn của dân tộc như Lý Thường Kiệt đã tin khi đối diện với đại binh Quách Quỳ bên bờ sông Như Nguyệt, như Lê Lợi đã tin khi bị vây ba lần ở núi Chí Linh và như Nguyễn Thái Học đã tin trong giờ bước lên máy chém.
Người Việt yêu nước không cần một ngọn hải đăng của bất cứ cường quốc nào để rọi sáng đêm tối trời cho dân tộc Việt Nam nhưng ngay từ trong lòng mỗi người yêu nước đã bùng cháy lên ngọn đèn tự chủ được thắp sáng bằng tâm thức Việt Nam .
Người Việt yêu nước không chờ đợi một minh quân ra đời hay một lãnh tụ xuất hiện để dẫn dắt họ trên đường cứu nước bởi vì chính mỗi người yêu nước sẽ là một minh quân của thời đại và con đường dẫn đến điểm hẹn lịch sử được soi sáng bằng trí tuệ Việt Nam.
Người Việt yêu nước không cần vay mượn một chủ nghĩa, một ý thức hệ, một lý thuyết ngoại lai nào làm kim chỉ nam để giải phóng dân tộc bởi vì họ đã được trang bị bằng đặc tính dân tộc, nhân bản và khai phóng kết tinh và kế thừa từ hơn bốn ngàn năm lịch sử Việt Nam.
Cuộc tranh đấu ngày nay không bắt đầu từ những trận đánh lớn ngoài mặt trận, không bắt đầu từ cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương đến địa phương nhưng bắt đầu từ những việc làm nhỏ, trong phạm vi nhỏ, của mỗi người, mỗi gia đình, thôn xóm, trường học, quận huyện, thành phố và tiến dần đến phạm vi toàn xã hội Việt Nam. Mỗi người Việt Nam yêu nước tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình, chủ động tạo nên một mặt trận riêng, nhằm theo đuổi mục tiêu chung là cô lập, tẩy chay và loại bỏ cơ chế chính trị độc tài, độc đảng hiện nay, mở đường cho công cuộc phục hưng Việt Nam.
Được như thế, tôi tin, một ngày không xa, ngọn hải đăng sẽ xuất hiện, không phải từ đỉnh cao ngoài cửa biển nhưng từ trong ánh mắt, trong khuôn mặt, trong nụ cười của 80 triệu người Việt Nam trong nước và 2 triệu người Việt hải ngoại, chào vĩnh biệt hận thù, nghèo nàn, đói khổ và cùng nắm tay nhau xây dựng lại quê hương.
Trần Trung Đạo
www.trantrungdao.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.