Hôm nay,  

Bí Quyết Nuôi Dưỡng Khủng Bố...

02/10/200400:00:00(Xem: 4783)
Qua cuộc tranh luận tối 30, người ta có cảm tưởng như cả hai ông Bush và Kerry vẫn chưa đánh giá đúng nguyên do và hậu quả của khủng bố. Đáng ngại thật...
Hãy nói về vụ tranh luận đã, trước khi nhìn xa hơn vào tương lai mịt mù trước mắt.
Với nụ cười tự mãn hoặc vẻ ngao ngán ít che giấu, Tổng thống George W. Bush đã để hụt nhiều cơ hội bắt quả tang Nghị sĩ John F. Kerry trong các lập luận hoặc sai lầm hoặc có tính chất ngụy tín. Nhưng, đó là vấn đề của ông Bush với ban tham mưu tranh cử của ông. Bộ máy Cộng hoà có sản xuất ra một sản phẩm cực tốt, người bán hàng không làm nên chuyện thì họ sẽ phải tính lại, cho kỳ tranh luận kế. Kết luận ngoài da là Kerry đã thắng điểm, chưa đủ quật ngã Bush nhưng vẫn là thắng điểm.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là “sau đó sẽ ra sao"” Bush vẫn có hy vọng thắng cử nhưng điều đó chưa cho phép người ta yên tâm.
Tầm nhìn gần xa của lãnh đạo
Hãy nói chuyện gần, trước khi nói chuyện xa.
Trong cuộc tranh luận – đúng hơn là hai cuộc độc thoại song hành - Kerry nói sai nhiều chuyện mà Bush bắt không kịp, chặn không đúng: hoặc chuyện không có như “võ khí tàn sát (WMD) đang vượt biên hàng ngày” (trừ phi định nghĩa lại WMD); hoặc chuyện khó biết như “Osama bin Laden đang ở Afghanistan”. Kerry vẫn vừa muốn là ứng viên phản chiến vừa là anh hùng chống khủng bố; ông đồng ý với việc Mỹ phải ra tay trước (pre-emtive) - y như Bush - để ngăn ngừa khủng bố, nhưng ra tay trước trong một liên minh không thể có, v.v... đấy là loại nhược điểm của Kerry mà Bush không kịp khai thác.
Bush coi như bị thua một keo là đúng. Và đáng.
Nhưng, qua cuộc tranh luận này, người ta có thể thấy ra nhiều chuyện đáng lo ngại hơn cho thế giới.
Cả hai ứng cử viên đều tự nhận là giỏi chống khủng bố mà có lẽ vẫn chưa nhìn thấy cốt lõi của vấn đề. Bất chấp thực tế, Kerry vẫn đả kích Hoa Kỳ vào Iraq một mình. Lần trước, Mỹ đưa quân vào Iraq năm 1991, có 34 nước tham dự; lần này, có 30, nên không thể gọi là “một mình”. Các đơn vị Ba Lan đang bảo vệ một vùng lãnh thổ bằng 1/5 diện tích Iraq mà truyền thông không nói là dân Mỹ không biết và Kerry tiếp tục nói ẩu.
Ông vẫn còn tin vào một “trật tự quốc tế” xây dựng trên các định chế thừa hưởng từ thời Chiến tranh lạnh, trên liên minh vắt ngang Bắc Đại Tây Dương và chỉ trích Bush là phủ nhận liên minh đó. Ngược lại, Bush đã quay lưng về quá khứ ấy và nhìn vào một cục diện khác của khủng bố toàn cầu, nhưng không giải thích nổi là ông thấy gì ở đó; ông cũng không nói ra được quan điểm gần đây của Pháp và Đức, rằng Kerry có quỳ gối yêu cầu, hai xứ này vẫn không gửi quân vào Iraq. Họ dại gì"
Cả hai ứng viên đều ú ớ trước câu hỏi về nạn diệt chủng đang xảy ra tại Darfur của Sudan. Liên hiệp quốc hay Liên hiệp Âu châu và cả tổ chức của các quốc gia Phi Châu làm được gì trước thảm cảnh đó" Rất ít. Người Mỹ khỏi cần biết Sudan ở đâu, nhưng những ai lỡ chờ mong kỵ binh Mỹ sẽ kịp thời thổi kèn thúc quân cứu vớt họ sẽ phải coi chừng.
Cả hai còn có biệt tài... rất chủ quan kiểu Mỹ, làm lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn - và các lãnh tụ độc tài khác, kể cả Bắc Kinh - bật cười. Vì sao mà một đòn trí trá tầm thường của Bình Nhưỡng lại khiến hai ứng cử viên tổng thống phải long trọng tranh cãi như vậy trước gần trăm triệu khán thính giả Mỹ! Kerry đòi tiếp tục đối thoại song phương, Bush nhấn mạnh là phải nhờ tới Bắc Kinh. Giới ngoại giao của sáu nước liên hệ đến vụ võ khí nguyên tử của Bắc Hàn tất nhiên phải ngẩn người vì cuộc tranh luận.
Nói chi đến những chuyện nóng bỏng trước mắt là Iran, hay phản ứng của Israel vì mối lo nguyên tử từ Tehran"... Thắng Mỹ quả là không khó, đối phương có thể nghĩ vậy.
Và cuộc tranh cử vẫn tiếp tục, trước sự hoài nghi của thế giới.
Vấn đề sở dĩ đặt ra vì không thu hẹp vào chuyện tranh cử tại Hoa Kỳ, hoặc ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ. Vấn đề là nhân loại sẽ đi về đâu với một thế giới bạc nhược và một siêu cường còn phân vân như vậy về nạn khủng bố của các lực lượng Hồi giáo quá khích.
Câu hỏi có thể dẫn ta trở về... Việt Nam.
Bóng ma Việt Nam và làn sóng khủng bố
Hoa Kỳ sở dĩ đang gặp vấn đề khiến thế giới bất an vì chưa ra khỏi màn khói Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Bill O’Reilly tuần trước, được phát hình trong ba ngày 27 đến 29 tháng Chín, khi được O’Reilly hỏi có phải là người dân miền Nam Việt Nam không chịu đấu tranh cho tự do của họ nên ngày nay chưa có tự do hay không, ông Bush trả lời gọn là “Yes”. Người ta không đánh giá cao loại truyền thông có tên tuổi của Mỹ, kể cả ngôi sao Bill O’Reilly của Fox News, với câu hỏi đó, nhưng chờ đợi một câu trả lời thông minh hơn của Tổng thống Hoa Kỳ. Thí dụ:
“Không, người Việt Nam đã tranh đấu hết lòng cho tự do, bị tổn thất nhiều hơn chúng ta gấp bội mà cuối cùng vẫn bị hy sinh vì thời đó chúng ta đã hiểu sai sự thể Việt Nam như nhiều người đang hiểu sai sự thể Iraq, kể cả đối thủ của tôi là Nghị sĩ Kerry, thắng mà tưởng là thua và đòi tháo chạy. Chính vì vậy mà tôi không muốn tái diễn thảm kịch Việt Nam tại Iraq, vì lần này sẽ là sự cổ võ nguy hiểm cho quân khủng bố. Sự phán đoán của ta phải chính xác hơn xưa, và lời cam kết của ta phải là lời đáng tin, cho cả bạn và thù.”
Ông Bush không trả lời vậy vì bản thân ông cũng chưa hiểu được bài học Việt Nam"
Câu hỏi đó dẫn ta tới vấn đề khủng bố ngày nay. Ông Bush không nhớ là nó bắt đầu từ thất bại Việt Nam"
Sau đây là một chuỗi kiểm điểm mà lãnh đạo và truyền thông Hoa Kỳ có thể đã quên.
Vụ khủng bố 9-11 xảy ra đột ngột nhưng không thể nói là bất ngờ đối với những ai chịu khó theo dõi. Nó manh nha từ hơn 30 năm trước, thời Richard Nixon và Gerald Ford, thời cuộc chiến Việt Nam đang tàn lụi mà làm tàn lụi luôn khả năng ứng phó của Hoa Kỳ.
Đầu tiên là từ 1970 - nhiều nhà ngoại giao Mỹ đã bị sát hại hoặc bắt cóc ở Sudan, Lebanon và Israel (địa danh của những điểm nóng hiện tại). Lần đầu mà giới ngoại giao không được đặc miễn, một biến cố đáng kể. Hung thủ là đặc công của các tổ chức võ trang OLP và PFLP của Palestine. Trong suốt năm năm, từ 1970 đến 1975, Hoa Kỳ thời Nixon và Ford không có phản ứng thích đáng.
Thái độ ấy dẫn tới thảm kịch thời Jimmy Carter: vụ chính quyền “cách mạng” Iran bắt cóc 52 Mỹ kiều, kể cả nhân viên ngoại giao, trong 444 ngày, vào năm 1979. Carter nín lặng trong năm (5) tháng mới gửi quân đi giải cứu... hụt. Khi Ronald Reagan nhậm chức, các con tin được thả ngay hôm sau: sức mạnh mới có giá trị thuyết phục, chứ sự sự hiền hoà và nỗ lực thương thuyết thì không.
Hội chứng Việt Nam làm tê liệt ý niệm về sức mạnh và khả năng ứng phó của Hoa Kỳ với quân khủng bố. Đó là kết luận tưởng rằng dễ hiểu.
Tưởng rằng Reagan lên thì nước Mỹ sẽ cương quyết hơn. Đúng mà sai. Cương quyết với khối Xô viết thì có mà với nguy cơ giấu mặt là khủng bố Hồi giáo thì không.
Tháng Tư năm 1983, một nhóm đặc công Hezbullah do Iran và Syria yểm trợ đã đẩy xe tự sát - khủng bố được truyền thông vinh danh bằng chữ “cảm tử quân” - vào sứ quán Mỹ tại Beirut của Lebanon: 63 người thiệt mạng, hơn trăm người bị thương. Sáu tháng sau đó, 241 Thủy quân Lục chiến Mỹ tử vong vì vụ đánh bom tại phi trường Beirut. Lần trước, Reagan ngồi yên, lần sau, Reagan suy đi tính lại rồi ra lệnh triệt thoái. Đó là tháng 10, 1983. Đến cuối năm, Sứ quán Mỹ tại Kuweit bị đánh bom và trưởng trạm CIA tại Beirut bị bắt cóc rồi hạ sát. Mỹ vẫn rút êm.
Đã vậy, Tổng thống Reagan còn có mưu sâu là thương thảo với Iran để bán súng chuộc con tin về và lấy tiền bán súng ấy yểm trợ kháng chiến chống cộng tại Nicaragua. Vụ đi đêm làm chính quyền ông bị tai tiếng, trong khi Sứ quán Mỹ tại Beirut vẫn bị quân Hezbullah tấn công, 80 người chết. Hai tháng sau, cuối năm 1984, Hezbullah làm tới: cướp máy bay của hàng không Kuweit và giết hai nhân viên của cơ quan viện trợ USAID. Iran hứa hẹn sẽ truy tố quân khủng bố khi máy bay hạ cánh tại Tehran, rồi thôi. Và Hoa Kỳ cũng thôi.
Tháng Sáu năm sau, 1985, Hezbullah lại tái diễn trò không tặc, chuyến bay TWA 847 bị cướp và đưa qua Kuweit nằm đợi mấy tuần, một sĩ quan hải quân Mỹ bị giết. Các con tin sau đó được thả cùng lúc Israel thả một số quân khủng bố. Điều kiện ra sao không rõ, nhưng cả Mỹ và Israel đều chối là không có chuyện đổi chác gì.
Tháng 10 năm 1985 đó là vụ du thuyền Achille Lauro của Ý bị cướp, một du khách Mỹ gốc Do Thái bị giết. Hung thủ lần này là lãnh tụ khủng bố Abu Abbas của OLP, với sự yểm trợ của Lybia. Abu Abbas về sau bị chính quyền Ý bắt được, nhưng lại thả. Thấy vô hại, lãnh tụ Lybia là Muammar Khaddafi bèn thử nghiệm: tháng 12 năm 1985, hai phi trường Roma và Vienna bị đánh bom, 20 người chết trong đó có năm người Mỹ; tháng Tư năm 1986, một phòng nhạc tại Tây Bá Linh bị đánh bom, lính Mỹ chết như rạ.
Lần đầu tiên, Reagan ra đòn và không tập thủ đô Lybia, sau khi phải bay vòng để khỏi qua không phận của Pháp vì Paris từ chối! Để trả đũa, lãnh tụ khủng bố Abu Nidal của Palestine (sau này được Saddam yểm trợ và dung chứa rồi giết chết để phi tang) giết ba Mỹ kiều làm việc tại American University ở Beirut. Khaddafi có chột dạ vì vụ Reagan không tập nên nghe ngóng vài năm mới lại ra tay: chuyến bay Pan Am 103 bị nổ trên không phận Lockerbie của xứ Scotland, toàn thể 270 người bên trong đều thiệt mạng. Hai điệp viên Lybia bị tố cáo là chủ mưu vụ thảm sát.
Đến đây, truyện dài khủng bố vẫn còn nhiều chương hồi bất tận, nhưng việc nhân viên ngoại giao hay thường dân bị chết đã được “bình thường hoá”. Chế độ Khaddafi đã tấn công máy bay Pháp và Mỹ theo phương pháp của khủng bố mà vẫn không sao. Không ai, kể cả các định chế quốc tế, tỏ ý công phẫn về lối tấn công phi quy ước và vô nhân đạo này nữa.
Qua đến triều đại George H. Bush (Bush 41), thế giới và cả chính quyền Mỹ đang theo dõi sự sụp đổ của Liên xô nên coi việc kiều dân Mỹ bị tấn công tại Turkey, Saudi Arabia, Egypt hay Kuweit, Lebanon là chuyện nhỏ. Chính quyền Bush 41 không trả đũa. Ông Bush cầm quyền có bốn năm là bị Bill Clinton đánh bại. Từ đây là thời điểm xuất hiện của al-Qaeda.
Vừa nhậm chức chưa đầy 40 ngày, ông Clinton thấy tòa cao ốc World Trade Center tại New York bị đánh bom, ngày 26 tháng Hai, 1993. Cũng chỉ là truyện nhỏ vì... chỉ có sáu người Mỹ bị chết thôi! Mọi sự vẫn bị bình thường hoá. Lần đó, giới tình báo đã thấy ra bóng mờ của al Qaeda và bàn tay của Osama bin Laden, đang ẩn nấp tại Sudan. Nhưng Giám đốc CIA đành từ chức vì thấy Clinton không dứt khoát diệt trừ khủng bố: ông James Woolsey này về sau là diều hâu và hết lòng ủng hộ Tổng thống George W. Bush! Hai tháng sau vụ đánh trung tâm World Trade Center, tháng Tư 1993, nguyên Tổng thống Bush (41) qua Kuweit và bị đặc vụ của Saddam Hussein mưu sát mà thoát hiểm. Ông Clinton trả đòn, với mấy hoả tiễn phóng vào Baghdah lúc nửa đêm, và không gây thiệt hại gì.

Rồi cứ vậy, các nhóm khủng bố mọc lên như nấm trong thế giới Hồi giáo, ra tay khắp nơi: Saudi Arabia, Pakistan, Turkey, Lebanon, Yemen và Israel. Dân Mỹ, dù là giới ngoại giao, có bị sát hại cũng chả làm chính quyền Mỹ giật mình hay trả đũa. Qua năm 1996, cao ốc Khobar Towers tại Dhahran ở Saudi bị đánh bom, 19 lính không quân Mỹ bị chết, 120 người bị thương. Đó là thành tích khủng bố trong nhiệm kỳ đầu của Clinton. Qua nhiệm kỳ hai, bản danh trạng còn u ám hơn: tháng Tám 1998, hai Sứ quán Mỹ tại Nairobi (xứ Kenya) và Dar el Salam (xứ Tanzania) bị đánh bom cùng lúc, 200 người chết, trong số đó 12 Mỹ kiều. Trận đó, al Qaeda nhận công trạng mà không bị gì: Mỹ bắn vào một trại huấn luyện trống trơn ở Afghanistan và một cao ốc ở Sudan, bị tình nghi là lò bào chế võ khí hoá học, có khi chỉ là một xưởng dược phẩm vô hại. Không thấy Quốc hội Mỹ nêu vấn đề về sự mù lòa của tình báo.
Bị chỉ trích là bắn súng xuống nước, có khi chỉ để khoả lấp chuyện Monica Lewinsky thời đó, ông Clinton nhét súng vào bao. Và quên luôn chuyện khủng bố lẫn al Qaeda. Khi hữu sự thì ra vẻ có phản ứng, cho xong rồi thôi. Vụ chiến hạm USS Cole bị đánh bom tại Yemen cũng không gây chấn động hơn trước, “chỉ” có 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng mà may thay chiến hạm chưa chìm! Bàn tay al Qaeda ngày càng rõ và chuyện Osama bin Laden đã từ Sudan dời bộ chỉ huy về Afghanistan dưới sự yểm trợ của chế độ Taliban cũng không còn là điều bí mật. Lúc đó, Clinton đang muốn hòa giải Israel với Palestine, để lại một thành tích xứng giải Nobel.
Được khuyến khích, các xu hướng cực đoan bạo động nhất của Palestine bằt đầu học theo bin Laden và al Qaeda, cho tới ngày nay.
Sau khi kiểm lại một chuỗi dài các hoạt động khủng bố nhắm vào thường dân và giới ngoại giao trong gần ba chục năm liền như vậy thì Osama bin Laden và các thủ lãnh khác trong thế giới Hồi giáo tất nhiên phải kết luận, rằng đánh Hoa Kỳ không khó. Thường dân Iraq và Israel chết là thường, người Mỹ không xúc động, lãnh đạo Mỹ coi là “thà vậy còn hơn dân Mỹ bị thiệt mạng”.
Nước Mỹ đã hùng hổ đổ nửa triệu quân vào Việt Nam, với lời tuyên bố dõng dạc lúc ban đầu của John Kennedy là “hy sinh nào cũng chấp nhận, trở ngại nào cũng vượt qua”, mà 10 năm sau lại tháo chạy nhục nhã thì quả là cọp giấy. Đã vậy, sau Việt Nam, trong ba chục năm liền, bị đánh phủ đầu bằng lối thô bạo phi quy ước mà Mỹ vẫn chẳng làm gì ra hồn, cớ sao ta không đánh tiếp" Liên xô đã vào Afghanistan mà 10 năm sau phải rút và quân về tới nhà là chế độ tan rã, Hoa Kỳ cũng sẽ như vậy mà thôi.... Đấy là kết luận hợp lý của quân khủng bố.
Sự nhu nhược là một cám dỗ lớn cho bạo lực. Sự nhu nhược đó của Hoa Kỳ không hẳn là vì thất trận tại Việt Nam nhưng trùng hợp với sự triệt thoái khỏi Việt Nam và toàn vùng Đông Á, nên là một cám dỗ mà các lực lượng Hồi giáo cực đoan không thể cưỡng nổi. Ông Clinton có trách nhiệm khi al Qaeda nổi lên trong tám năm cầm quyền của ông, nhưng các vị tiền nhiệm cũng có trách nhiệm vì khủng bố đã nổi lên từ đầu thập niên 70. Vụ 9-11 xảy ra từ đấy và sẽ còn tiếp tục, trong khi các định chế hay liên minh quốc tế vẫn dửng dưng.
Khi Tổng thống Bush khơi khơi đồng ý rằng người dân miền Nam không dám hy sinh cho tự do nên không có tự do, thì nhẹ lắm ông cũng mắc tội là quên hẳn hiện tượng thuyền nhân tỵ nạn sau năm 1975. Tệ hơn thế, dường như ông chưa hiểu gì về hiện tượng khủng bố. Và các lãnh tụ khác của thế giới văn minh cũng chẳng hơn. Chẳng lẽ như vậy"
Kẻ thù không chỉ là khủng bố
Kẻ thù là những người cuồng tín bất chấp mọi quy ước về tín ngưỡng và nhân đạo. Khủng bố chỉ là phương pháp, được khuyến khích bởi sự nhu nhược của Mỹ và thế giới.
Chúng ta sẽ phải đi lại từ đầu để nhìn ra điều đó.
Giết thường dân, kể cả giới ngoại giao, nhà báo lẫn trẻ em, không còn là điều hãn hữu và đáng lên án. Giết thường dân ngay trước ống kính truyền hình để phô trương sự man rợ cho truyền thông sốt sắng loan tải - mà không có một lời phán xét của quốc tế lẫn các lãnh tụ tôn giáo khác - là một thành tích mới của quân khủng bố, cũng đã được bình thường hoá. Đây là một sự tụt hậu của văn minh nhân loại.
Đạo Hồi có cho phép điều đó chăng"
Đạo Hồi xuất hiện trong thế giới Ả Rập vào thế kỷ thứ bảy. Thời đó, trong những xung đột giữa các giáo phái, việc sát hại con tin và bêu đầu thị uy trước công luận là điều được chấp nhận, với điều kiện là Hồi giáo không bắt đồng đạo làm con tin và không sát hại đồng đạo theo lối phô diễn như vậy. Hành vi đó chỉ được dành cho kẻ ngoại đạo. So với tập quán chiến tranh của nhiều nền văn hoá khác thì đấy là một bước tiến bộ. Ít ra còn có quy ước, có phân biệt đối xử! Nói vậy nhiều người sẽ khó chịu, nhưng nhớ đến Đông phương chúng ta và trò đem gia đình đối phương ra doạ chém trên thành thì ta sẽ thấy.
Cũng theo tập quán ta gọi là Trung cổ vì thiếu văn minh, tù binh ngoại đạo có thể được tha chết nếu cải đạo và có khi được trao đổi để chuộc lại chiến binh Hồi giáo. Nhưng vợ con của họ là chiến lợi phẩm, là nô tỳ nô lệ của kẻ chiến thắng. Chúng ta cư xử không khác với đối phương, thí dụ nên nhắc lại dù làm nhiều người phật ý là cách ta cư xử với Chiêm Thành, từ quốc vương tới thường dân hay tù binh trong sáu thế kỷ giao tranh.
Nhưng, loài người dù sao cũng tiến hoá. Đạo Hồi cũng vậy. Qua thế kỷ thứ tám, Jaafar al-Sadiq, thuộc giáo phái Shiite, vị giáo chủ thứ sáu sau đấng Tiên tri khai đạo, đã quy định rằng ai theo đạo Hồi là sẽ được bảo vệ và kẻ ngoại đạo mà chịu trả tiền sưu “jiziyah” thì cũng được chấp nhận và bảo vệ.
Những quy ước dù chưa tiến bộ gì lắm cách đây hơn ngàn năm, ngày nay hết được các lãnh tụ Hồi giáo cực đoan tôn trọng.
Hãy trở lại thời sự hiện đại mà xem.
Còn gì đáng kinh tởm hơn là việc học sinh Nga bị sát hại ở Beslan" Một số lãnh tụ Hồi giáo có kết án hành động này của quân khủng bố Chechen: “sao lại vậy khi Liên bang Nga ủng hộ dân Palestine”" Quan điểm này xuất phát từ Iran và nhiều nơi khác, một quan điểm dựa trên lập trường chính trị hơn là đạo lý con người. Tiêu chuẩn chính trị quyết định lẽ đúng sai của tội sát nhân. Nếu Tổng thống Vladimir Putin không ủng hộ Palestine thì hơn 200 trẻ em Nga mới đáng chết" Đúng thế. Một học giả Hồi giáo theo hệ phái Sunni tại Qatar còn cho biết rằng vụ tấn công ở Beslan là sai, chứ ở Israel mới là chính đáng. Học sinh Do Thái mà không bị giết thì tất sẽ thành chiến binh Do Thái! Đối với xu hướng độc ác này thì giết hại trẻ em, cả những thai nhi chưa thành hình, cũng là điều chính đáng.
Dân Chechen theo đạo Hồi đáng trách vì đánh vào đồng minh của Palestine, chứ không phải vì tội đặt bom giết trẻ em. Nghị hội Hồi giáo OIC, một tổ chức quy tụ gần sáu chục quốc gia theo đạo Hồi đã kết án như vậy, qua lời vị Tổng thư ký Nghị hội, Abdelouahed Belkeziz.
Cũng vậy, khi quân khủng bố tại Iraq bắt giữ hai nhà báo Pháp làm con tin từ tháng Tám, họ bị Tổng thư ký Amr Moussa của Liên đoàn Ả Rập quy tụ 22 quốc gia than phiền là “nước Pháp là bạn chúng ta, không thể cư xử với bạn như vậy được.” Lãnh tụ tinh thần của lực lượng Hezbullah là Mohammed Hussein Fadlallah có lời phê phán tương tự, mà còn thua Yasset Arafat: “các nhà báo đó ủng hộ cuộc đấu tranh của Iraq và Palestine, phải bảo vệ an ninh cho họ”. Trong tinh thần cảm thông hai chiều, Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin khẳng định rằng quân phiến loạn tại Iraq là “kháng chiến quân” và Ngoại trưởng Pháp Michel Barnier còn đòi phải mời các lực lượng “kháng chiến” ấy tham dự hội nghị quốc tế về Iraq do chính quyền Bush đề nghị.
Nghĩa là sát hại thường dân vô tội - kể cả trẻ em - chỉ đáng trách khi nạn nhân là công dân của một nước thân hữu. Ngoại giả thì được! Vì vậy, xứ nào cũng phải đi tìm bảo hiểm ở một tờ giấy chứng nhận: bạn với Palestine, thông cảm với quân khủng bố thì may ra.
Nào có phải là chỉ có Hoa Kỳ mới mắc bệnh nhu nhược với quân khủng bố Hồi giáo vì hội chứng Việt Nam" Thế giới văn minh cũng có cùng chứng bệnh. Trong hoàn cảnh đó, trông đợi ở sự dũng cảm và vô tư của Liên hiệp quốc để giải trừ khủng bố là chuyện sừng thỏ lông rùa. Không thể có được.
Cho nên vấn đề ở đây không đơn giản là hành vi khủng bố vô nhân đạo, nó nằm trong não trạng của những người không còn biết đúng sai về đạo lý.
Họ khuyến khích bọn khủng bố trong thế giới Hồi giáo, miễn là các nhóm vô nhân đạo này tìm ra lý do chính trị (tự cho là) chính đáng. Nhân danh tư tưởng cao đẹp mà xoá tội cho kẻ sát nhân. Mà nào có phải chỉ có người ngoại đạo mới bị giết. Trẻ em Iraq cũng cùng chung số phận, ngày Thứ Năm, khi quân khủng bố đánh bom vào giữa lễ khánh thành một nhà máy lọc nước tại Baghdad. Các lãnh tụ Hồi giáo cực đoan đã có lời biện giải thật... phải đạo: “Trong số con tin nếu có kẻ vô tội bị giết thì Allah sẽ dẫn họ lên Thiên đàng”. Lời của vị trưởng giáo Sadiq Khalkhali, một trong các sáng lập viên cùa Cộng hoà Hồi giáo Iran ngày nay. Allah nào mà lại có nền công lý quái dị như vậy"
Nó cũng tàn nhẫn như câu nói lạnh người vào thời mà kẻ ngoại đạo còn lên dàn hỏa trước sự chứng kiến của mọi người: “Hãy cứ giết hết, Thiên Chúa sẽ nhận ra con của mình”. Nhân loại đang đi giật lùi vào thời Trung Cổ, thời mà phô trương sự giết người để thị uy - định nghĩa nguyên thủy của khủng bố - là điều phải đạo.
Ba năm qua, chính quyền Bush có lẽ đã hiểu nhưng ông lại không trình bày sự thể đó cho rõ nên giờ đây không giải thích được cho hợp lý vì sao trận chiến chống Hồi giáo cực đoan phải từ Afghanistan vòng qua Iraq và vì sao ông chủ trương dân Palestine phải có một quốc gia, miễn là lãnh đạo của họ (Arafat) phải chấm dứt yểm trợ khủng bố. Iraq, Palestine và khủng bố là cùng một loại vấn đề.
Về phần Kerry, những chuyện này còn lờ mờ hơn nữa, nên ông mới điểm quân tính số xem bao nhiêu lính vào Afghanistan là đúng, bao nhiêu lính vào Iraq là sai. Ông chưa hiểu gì cả mà chỉ muốn làm tổng thống. Công lao duy nhất của ông là nối được chuyện Việt Nam với Iraq, trong đó có thành tích phỉ nhổ lên cuộc chiến đã làm nước Mỹ bị tê dại phản ứng trong ba chục năm, cho khủng bố nổi lên như nấm gặp mưa.
Cho nên, bất cứ ai trong hai người lên cầm quyền, người ta cũng đều sợ: hai ông không thấy hoặc không làm cho thế giới thấy, rằng kẻ thù là rất nhiều nhóm quá khích trong khối Hồi giáo, và đồng lõa là các lãnh tụ khôn ngoan đến bạc nhược của Tây phương.
Bin Laden còn sống hay chết thì chuyện khủng bố vẫn chưa hết. Không lo sao được"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.