Hôm nay,  

Con Đường Vào Bạch Ốc 2004 (4)

07/09/200400:00:00(Xem: 4965)
Lời nói đầu: Dưới nhan đề "Con Đường Vào Bạch Ốc 2004" tôi chuyển ngữ nguyên văn 4 bài diễn văn: hai bài diễn văn của hai ứng cử viên tổng thống, George W. Bush (ngày 2/9/2004), John F. Kerry ( ngày 29/7/2004) và của của hai vị phu nhân, Laura L. Bush (ngày 31/8/2004) và Teresa Heinz Kerry (ngày 27/7/2004) đọc tại đại hội của hai đảng.
Tôi không chuyển ngữ hai bản Cương Lĩnh tranh cử của hai đảng, vì Cương Lĩnh thông thường phản ảnh triết lý của mỗi đảng mà chung chung ai cũng biết, và thường chứa đựng ý kiến của nhiều khuynh hướng trong đảng. Các bài diễn văn nhận sự đề cử của đảng của các ứng cử viên và người hôn phối, trái lại, thường có tính cách đặc thù để qua đó cử tri - nhất là cử tri độc lập - phán xét về giá trị, chính sách và tầm nhìn của mỗi ứng cử viên.
Trần Bình Nam
Sept. 6, 2004
BinhNam@sbcglobal.net
http://www.vnet.org/tbn
*
Diễn văn của tổng thống George W. Bush ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đọc tại New York ngày 2/9/2004.
Kính thưa ông Chủ tịch đảng, quý vị đại biểu, cùng đồng bào. Tôi vinh dự được sự ủng hộ của quý vị, và tôi chấp nhận sự đề cử đại diện đảng ra ứng cử tổng thống của quý vị.
Bốn năm trước khi ngỏ lời chấp nhận như vậy không ai trong chúng ta hình dung được 4 năm đó sẽ như thế nào. Thế rồi, trong một buổi sáng đẹp trời, chúng ta đã chứng kiến thảm trạng rơi xuống trên đất nước chúng ta. Chúng ta thấy sự can đảm của những người hy sinh mình để cứu đồng bào và chúng ta đã thấy sự can đảm của hành khách trên chuyến bay định mệnh đã làm cho những tên khủng bố phải giật mình.
Cũng trong 4 năm qua chúng ta thấy kinh tế quốc gia thay da đổi thịt. Chúng ta thấy binh sĩ Hoa Kỳ tấn công những cứ địa nằm sâu trong những vùng núi non hiểm trở, hoặc qua những đồng cát bao la để giải phóng những người không có tự do, những hành động làm cho những chiến binh từng tham dự cuộc đổ bộ Normandie phải thán phục.
Từ năm 2001 Hoa Kỳ bị thử thách và chúng đã kiên cường đáp ứng sự thử thách đó.
Và nhờ can đảm trèo đèo vượt suối, chúng ta đã thấy được cảnh tượng huy hoàng dưới chân đồi. Và nhờ đã quyết tâm hành động chúng ta thấy được thành quả và tương lai rạng rỡ trong tầm tay.
Chúng ta sẽ xây dựng một thế giới an toàn hơn và một nước Mỹ nhiều hứa hẹn, và không gì làm chúng ta do dự.
Tôi thật may mắn có một vị Phó tổng thống giỏi. Dick Cheney đã ở bên tôi trong những giây phút khó khăn và giúp tôi bằng sự bình tĩnh và xét đoán sâu sắc của ông.
Tôi cũng cám ơn người bạn đời Laura. Nhân dân Hoa Kỳ đã thấy nơi Laura sự mềm dịu và sức mạnh tôi thấy trong 26 năm qua, và ai cũng yêu mến vị đệ nhất phu nhân. Tôi may mắn có hai người con gái thông minh và can đảm. Và tôi vui mừng có một người chị và mấy người anh em đối đãi với tôi như những người bạn chí thiết. Và tôi cũng rất vinh dự là con trai của George và Barbara Bush.
Cha tôi từng phụ tá cho một người Mỹ vĩ đại, đó là tổng thống Ronald Reagan. Tinh thần lạc quan và thiện chí của tổng thống Reagan xác định đường lối của đảng Cộng hòa và vẫn còn lẫn quất đâu đây trong sảnh đường này và trong trái tim ta.
Trong hai tháng nữa cử tri toàn quốc sẽ lựa chọn người lãnh đạo quốc gia dựa vào thành tích, quyết tâm và sự nhìn xa của mỗi ứng cử viên. Mỗi cuộc bầu cử tổng thống là một cuộc thử thách cho tương lai. Hôm nay tôi sẽ nói với quý vị lập trường của tôi, sự tin tưởng của tôi và tôi sẽ dẫn dắt quốc gia này đi đâu trong 4 năm tới.
Tôi tin trẻ em nào cũng có khả năng học hỏi và trường học phải dạy dỗ chúng đàng hoàng. Vì vậy chúng ta đã thông qua luật cải tổ giáo dục và trẻ em hôm nay đọc và làm toán khá hơn trước. Chúng ta sẽ tiếp tục như vậy.
Tôi cũng nghĩ chúng ta có bổn phận với những vị cao niên, vì vậy tôi đã làm việc với cả hai đảng để tạo điều kiện cho những vị cao niên có thể mua thuốc theo toa rẻ hơn. Chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy.
Tôi tin vào năng lực làm việc của mọi tầng lớp thợ thuyền và nông dân và đã khuyếnh khích năng lực này bằng một chế độ giảm thuế chưa từng thấy. Nhờ đó kinh tế của Hoa Kỳ đã khởi sắc và chúng ta có thêm công ăn việc làm. Chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy.
Tôi tin rằng nhiệm vụ tối thượng của một vị tổng thống Hoa Kỳ là bảo vệ nhân dân. Nếu chúng ta tỏ ra yếu đuối trong thập niên này, thế giới sẽ nằm bên bờ vực thẳm. Nếu tôi còn làm tổng thống chuyện đó sẽ không xẩy ra.
Tôi tranh cử tổng thống kỳ này với một chương trình mang lại an toàn cho thế giới và hy vọng cho Mỹ quốc. Tôi tranh cử với triết lý bảo thủ với tình thương (compassionate convervative phylosophy), rằng chính phủ giúp dân cải thiện đời sống của mình chứ không sắp xếp cuộc đời của mỗi người dân.
Tôi tin đất nước này cần một sự lãnh đạo có nguyên tắc, hợp lý và có định hướng. Và đó là lý do - với sự ủng hộ của quý vị - chúng ta sẽ thắng cuộc tranh cử này.
Câu chuyện của nước Mỹ là câu chuyện một vòng tròn tự do cứ lớn dần ra, càng ngày càng có nhiều người nằm trong vòng phúc lợi. Sứ mệnh của chúng ta từ ngày lập quốc là nới rộng biên cương của tự do.
Cuộc sống của chúng ta có nhiều thay đổi. Cha mẹ chúng ta thường có một nghề, làm một việc, đa số người đi làm việc là đàn ông và thường làm một sở vừa cung cấp bảo hiểm sức khỏe vừa trả tiền hưu bổng. Hôm nay người thợ có khi đổi công việc làm nhiều lần trong đời sống của họ, và hai phần ba các bà mẹ đi làm việc. Nhờ vậy gia đình người Mỹ sung túc hơn, và chính phủ phải giúp người dân trong nỗ lực này.
Luật thuế, bảo hiểm sức khỏe, hệ thống hưu bổng, chương trình huấn nghệ của chúng ta hiện nay đã lỗi thời. Chúng ta cần thay đổi cho hợp thời để người công nhân được chuẩn bị và có tự do chọn lựa cái gì thích hợp cho mình.
Tôi sẽ chọn một chương trình bảo đảm an ninh và giúp tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu giúp chúng ta có nhiều khách hàng nhưng cũng có nhiều ganh đua quốc tế. Và để tạo thêm công ăn việc làm chúng ta phải chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là nơi tốt nhất để đầu tư. Để tạo công ăn việc làm chương trình của tôi là khuyến khích đầu tư bằng cách giảm chi tiêu của chính phủ liên bang, đơn giản điều lệ và giảm thuế. Ngoài ra cần làm thế nào để chúng ta bớt lệ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài, mở rộng mậu dịch với luật lệ công bình đối với hàng hóa và dịch vụ của chúng ta.
Chúng ta phải bảo vệ chủ nhân các cơ sở tiểu thương và người chuyên viên tránh những sự kiện tụng phi lý. Luật thuế khóa của chúng ta hiện nay quá phức tạp, và đầy kẽ hở, mỗi năm làm mất 6 tỉ giờ đồng hồ của người dân để khai thuế. Chúng ta cần một luật thuế đơn giản hơn, hợp lý hơn giúp cho kinh tế phát triển. Trong nhiệm kỳ mới tôi sẽ cùng quốc hội làm lại luật thuế liên bang. Tôi sẽ giúp người thợ kiếm việc cao lương hơn trong một nền kinh tế sung mãn. Nhiều người thợ muốn trở lại trường để học nghề thêm, cho nên tôi sẽ tăng gấp đôi số chỗ huấn nghệ và thêm ngân sách cho các đại học cộng đồng. Tôi biết rằng nếu được trang bị người thợ Mỹ sẽ không thua một người thợ lành nghề nào trên thế giới.
Hiện nay trên nước Mỹ có nhiều nơi kinh tế suy yếu hơn nơi khác. Để giúp người dân trong những vùng kém may mắn này tôi sẽ tạo những vùng đặc biệt, tại đó thuế được giảm, nhà cửa phòng ốc rẻ hơn, điều kiện huấn nghệ tốt hơn để khuyến khích đầu tư.
Khi đi đây đi đó tôi nghe nhiều người thợ và chủ các cơ sở tiểu thương than phiền họ không có bảo hiểm sức khỏe, vì hơn một nửa những người không có bảo hiểm nằm trong giới tiểu thương và gia đình của họ. Trong nhiệm kỳ mới tôi sẽ giúp các cơ sơ tiểu thương họp nhau lại để có thể mua bảo hiểm như công nhân các hãng xưởng lớn. Tôi sẽ giảm thuế để khuyến khích giới tiểu thương thành lập chương mục đặc biệt cho sức khỏe và giúp những ai lương thấp để họ có khả năng lập những chương mục này. Các chương mục này bảo vệ người thợ và thân nhân trong trường hợp bị bệnh ngặc nghèo hoặc giúp trả chi phí y khoa hằng ngày và có thể mang đi khi đổi sở làm. Trong nhiệm kỳ mới tôi sẽ thiết lập tại mỗi quận nghèo trên nước Mỹ ít nhất một trung tâm y khoa để săn sóc sức khỏe những ai lương thấp. Tôi từng gặp nhiều chuyên viên y tế nhất là trong ngành OB/GYNs giải nghệ vì bị kiện nhiều quá. Tôi nghĩ đã đến lúc cần xem lại luật lệ kiện tụng y khoa để ai cũng được săn sóc sức khỏe một cách an toàn. Điều quan trọng là làm thế nào để cho bác sĩ và bệnh nhân quyết định những gì cần làm cho bệnh nhân hơn là để cho các nhà hành chánh tại Hoa Thịnh Đốn quyết định. Chúng ta cần thay đổi những luật lệ lỗi thời về giờ làm phụ trội và giúp người dân có thêm sở hữu.
Nhờ chính sách của chúng ta hiện nay số người Mỹ có nhà riêng cao nhất. Đêm nay tôi hứa rằng tôi sẽ tạo thêm 7 triệu ngôi nhà nữa trong vòng 10 năm tới. Quyền sở hữu còn có nghĩa sở hữu chương trình bảo hiểm sức khỏe của mình và sở hữu một phần chương tình hưu bổng của mình nữa.
Chúng ta sẽ tôn trọng quỹ An Sinh cho người thợ lớn tuổi. Lớp người đông đảo được sinh ra sau chiến tranh (baby boomers) sắp đến tuổi nghỉ hưu tự hỏi tiền An Sinh của họ còn đó không"
Chúng ta cũng phải bảo vệ quyền An Sinh của người thợ trẻ tuổi bằng cách để cho họ có quyền để dành một ít tiền thuế trong một chương mục của riêng họ mà chính phủ không có quyền đụng tới.
Trường học là môi trường quan trọng nhất. Tôi xin nhắc với phụ huynh và quý thầy cô tôi từng nói với các em học sinh rằng: dù các em ở đâu, trong hoàn cảnh nào, trường học cũng sẽ là con đường giúp các em thực hiện giấc mộng lớn của Mỹ quốc. Chúng ta cải tổ chương trình và trường ốc để mang lại nhiều kết quả hơn. Bố mẹ và thầy cô có quyền hơn, có trách nhiệm hơn và người dân địa phương sẽ lo cho trường ốc của con em mình. Chúng ta đã có thêm ngân sách để đo lường khả năng mỗi học sinh và giúp các em chỗ nào các em yếu kém. Tại trường tiểu học Gainesville ở đông bắc Georgia, đa số học sinh gốc Mễ Tây cơ và 90% nghèo, kỳ thi vừa qua cho thấy 90% các em qua được kỳ thi thử sức về toán và đọc Anh ngữ. Ông hiệu trưởng trường đó miêu tả chính sách của ông ta là: "Chúng tôi ráng làm những gì chúng tôi có thể làm và bảo đảm rằng các em học sinh vượt qua được kỳ thi" . Ông ta là cái gương chống sự bi quan. Và đó là tinh thần cải tổ giáo dục. Không một em bé nào bị để lại sau. Chúng ta đã thành công. Và chúng ta sẽ ráng làm hơn nữa.
Hiện nay những ai có hai năm đại học dễ kiếm việc hơn, thế nhưng chỉ có một trong bốn sinh viên học hết hai năm. Vì vậy chúng ta sẽ giúp các trường trung học có phương tiện thiết lập những chương trình giúp sinh viên học thêm về toán và khoa học, và làm cho điều kiện ra trường đòi hỏi hơn. Nếu vừa tăng cường nội dung huấn luyện vừa nới rộng trợ cấp Pell cho những gia đình có lợi tức trung bình và thấp chúng ta sẽ giúp nhiều sinh viên có bằng đại học khi bước vào đời.
Các em học sinh phải có sức khỏe tốt. Trong nhiệm kỳ mới tôi sẽ tìm cách giúp cho hằng triệu học sinh nghèo đủ điều kiện nhưng lại không ghi tên vào chương trình bảo hiểm sức khỏe học đường. Chúng ta sẽ không lơ là trong việc nhắc nhỡ các em về chương trình này.
Những ai muốn biết thêm các chương trình tôi dự định làm xin vào thăm trang nhà georgewbush.com
Đây là thời điểm của một cơ hội tốt. Và quý vị phải biết lựa chọn vì đối thủ của tôi có một chương trình khác.
Thượng nghị sĩ Kerry chống sự cải tổ Medicare và sự thiết lập chương mục bảo hiểm sức khỏe. Sau khi đã bỏ phiếu ủng hộ chương trình cải tổ giáo dục của tôi, bây giờ ông ta muốn giảm sự quan trọng của nó. Ông ta chống việc cải tổ luật kiện tụng về y khoa, ông ta chống việc giảm thuế cho những cặp vợ chồng, chống việc tăng gấp đôi số tiền giảm thuế trẻ em (child credit), và chống việc giảm thuế lợi tức.
Nhưng để cho công bình tôi phải nói thêm rằng ông ta đề nghị một khoản chi tiêu 2 ngàn tỉ mỹ kim cho chính phủ liên bang, một khoản tiền lớn ngay đối với một thượng nghị sĩ của bang Massachusett. Và để có tiền chi tiêu ông đề nghị tăng thuế. Đó là lời hứa dễ thực hiện cho bất cứ chính trị gia nào.
Chi tiêu và đánh thuế, nới rộng bàn tay của chính phủ thay vì phát huy cơ hội thăng tiến cho người dân là những chính sách lỗi thời. Chúng ta đang hướng về tương lai. Chúng ta không trở lui con đường cũ.
Tuy nhiên có nhiều điều không thay đổi với chúng ta. Đó là những giá trị căn bản, những định chế làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa. Xã hội chúng ta phải được xây dựng trên tinh thần trách nhiệm, đức tính và nền tảng gia đình.
Và vì gia đình và sự làm việc là căn bản của sự bền vững và tư cách của xã hội, tôi ủng hộ sự cải tổ luật trợ cấp theo hướng bảo vệ gia đình và sự làm việc. Và vì một xã hội biết yêu thương là một xã hội biết chăm sóc người yếu kém, chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ những bé chưa sinh ra đời. Và vì các tổ chức từ thiện tôn giáo là một cái lưới an toàn xã hội cho nên chính phủ không nên kỳ thị đối với họ. Và vì sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà có một vị trí thanh cao trong xã hội, tôi bảo vệ hôn nhân cao quý chống lại mọi hình thức kết hợp hôn nhân dễ dãi của những ông quan tòa cấp tiến đi quá lố. Tôi sẽ tiếp tục bổ nhiệm những quan tòa biết phân biệt đâu là ý kiến cá nhân đâu là luật.
Người đối thủ của tôi mới tuyên bố một điều mà chính những người ủng hộ ông ta cũng phải ngạc nhiên rằng ông ta bảo vệ những giá trị cổ truyền (conservative values). Thật khó giải thích lời tuyên bố này. Vì khi anh nói quả tim và linh hồn của nước Mỹ nằm ở Hollywood thì anh không thể là người bảo vệ những giá trị cổ truyền.

Nếu anh bỏ phiếu chống luật Bảo vệ Hôn nhân (Defense of Marriage Act) mà sau đó tổng thống Clinton ký ban hành, thì anh không thể là người bảo vệ những giá trị cổ truyền.
Nếu trong một diễn văn anh miêu tả 8 năm tổng thống của Reagan là những năm luân lý suy đồi (moral darkness) thì gọi anh là người thế nào cũng được nhưng không phải là người bảo vệ những giá trị cổ truyền.
Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ quyết định cách Hoa Kỳ chống khủng bố, và quý vị đã biết cách của tôi.
Ba ngày sau ngày 11/9 tôi đứng tại nơi nhiều người Mỹ đã chết, trên đống gạch đá vụn của hai tòa lầu đài vừa sụp đổ. Những công nhân đội nón sắt hét bên tai tôi "Hãy làm bất cứ gì cần thiết" Một người cầm cánh tay tôi và nó i: "Xin đừng bỏ tôi". Từ hôm đó mỗi buổi sáng thức giấc tôi không ngừng suy nghĩ cách bảo vệ quốc gia. Tôi sẽ làm bất cứ gì cần thiết. Vậy đó, chúng ta chống những tên khủng bố ở bất cứ nơi nào trên trái đất này không phải vì tự hào, vì quyền lực mà vì an ninh của đồng bào. Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng. Chúng ta tăng gấp ba ngân sách an ninh nội địa và huấn luyện nửa triệu nhân viên an ninh vì chúng ta cương quyết bảo vệ xứ sở này. Chúng ta chỉnh đốn lực lượng quân sự và tình báo. Chúng ta đánh khủng bố tại nước ngoài để cho chúng không thể đánh chúng ta tại đây. Chúng ta đẩy mạnh tự do tại Trung đông, vì tự do sẽ mang lại hy vọng và hòa bình.
Sách lược của chúng ta đang có kết quả. Bốn năm trước Afghanistan là căn cứ địa của al Qaeda. Pakistan là một trạm dừng chân của quân khủng bố, Saudi Arabia là đất kinh tài màu mỡ của khủng bố, Lybia là nơi khủng bố lén lút chế tạo vũ khí nguyên tử, Iraq là vùng đất có nhiều đe dọa. Và al Qaeda chuẩn bị tấn công mà chúng ta không làm gì cả. Hôm nay Afghanistan là một nước tự do và cùng với Pakistan, Saudi Arabia đang tấn công khủng bố. Lybia ngưng chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Quân đội Iraq đang chiến đấu cho tự do, và ba phần tư quân al Qaeda đã bị bắt hay bị giết.
Chúng ta lãnh đạo, nhiều nước theo chúng ta, và Hoa Kỳ cũng như thế giới được an toàn hơn. Để được vậy chúng ta đã theo đuổi một chính sách ngoại giao thận trọng, có mục đích đúng đắn và đã lấy những quyết định khó khăn.

Quyết định khó khăn nhất liên quan đến Iraq. Chúng ta biết Saddam Hussein là một kẻ ưa gây hấn và ủng hộ khủng bố. Ông ta từng xử dụng vũ khí giết người tập thể. Vụ 11/9 bắt buộc chúng ta thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta phải đương đầu với đe dọa trước khi nó đổ xuống trên đầu chúng ta.
Ai cũng đồng ý rằng Saddam Hussein là một đe dọa. Cộng hòa cũng như Dân chủ, kể cả hai vị chánh phó đang ra tranh chức với tôi cũng thấy vậy và đã bỏ phiếu cho phép dùng vũ lực. Chúng ta đã đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an, và Hội đồng nhất trí yêu cầu ông ta giải trang bằng không sẽ chịu hậu quả. Lãnh tụ các nước A Rập cũng đã yêu cầu ông ta tuân hành nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Sau 10 năm dùng đường lối ngoại giao, chúng ta lại một lần nữa cho ông ta cơ hội cuối cùng, nhưng ông ta vẫn từ chối không làm. Tôi bị buộc đứng trước một quyết định: "Quên bài học 11/9 và tin vào lời hứa của một thằng điên ... hay phải hành động để bảo vệ quốc gia". Tôi đã lấy quyết định bảo vệ quốc gia.
Nhờ quyết định đó hai chế độ Taliban và Saddam Hussein đã bị gạt ra ngoài lịch sử, mang tự do đến cho 50 triệu người và dân chủ đang đến gần các nước A Rập khác. Tại Afghanistan quân khủng bố dùng mọi hình thức đe dọa dân chúng. Thế nhưng hơn 10 triệu cử tri đã ghi danh đi bầu tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 10 tới. Và tại Iraq, dù còn bạo động, đã có một ông thủ tướng mạnh, một hội đồng quốc gia và một cuộc bầu cử được dự trù vào tháng Giêng năm tới. Nhân dân Hoa Kỳ đang sát cánh với nhân dân Afghanistan và Iraq, vì khi Hoa Kỳ đã hứa Hoa Kỳ sẽ giữ lời. Quan trọng không kém là, và điều này làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn, là các nước tại Trung đông sẽ không còn là những quốc gia bất mãn, họ sẽ chống khủng bố thay vì nuôi dưỡng khủng bố.
Nhiệm vụ của chúng ta tại Afghanistan và Iraq rất minh bạch. Chúng ta giúp những người lãnh đạo tại đó huấn luyện quân đội, tổ chức bầu cử để tạo ổn định càng sớm càng tốt. Xong việc quân đội Hoa Kỳ sẽ hồi hương trong danh dự.
Quân đội Hoa Kỳ hiểu nhiệm vụ lịch sử này. Một quân nhân viết thư về nhà rằng: "Chúng tôi đang biến một nước bệnh hoạn thành một nơi đầy hy vọng. Quân khủng bố chúng tôi gặp ở đây chính là những tên khủng bố đang rình đánh sau lưng chúng ta trong nước. Đây là phút thử thách. Chúng tôi, những người quân nhân đang vinh dự phục vụ đất nước."
Người quân nhân đó nói đúng. Binh sĩ của chúng ta đang làm công tác huy hoàng phục vụ đất nước.
Đêm nay tôi muốn nói với các binh sĩ đang chiến đấu và gia đình của họ rằng: Các anh đang đánh một trận đánh lịch sử. Nhờ sự hy sinh của các anh chúng ta đang đánh bại khủng bố làm cho nước Mỹ được an toàn hơn.
Nhờ các anh, phụ nữ Afghanistan không còn bị bắn như một trò thể thao, và nhờ các anh người dân Iraq không còn bị giết và chôn trong những mồ tập thể.
Nhờ các anh thế giới có được một nền hòa bình công chính.
Chúng tôi cám ơn các anh. Và, hơn thế nữa, chúng tôi sẽ cung cấp cho các anh bất cứ gì các anh cần để chiến thắng.
Ở đây tôi cần nói một điều, rằng người đối thủ của tôi có một chương trình khác. Khi tôi đề nghị 87 tỉ mỹ kim cho ngân sách chiến tranh tại Afghanistan và Iraq thì đối thủ của tôi bỏ phiếu chống. Khi được hỏi tại sao, ông ta nói: "Tôi đã bỏ phiếu ủng hộ trước khi bỏ phiếu chống." Sau đó ông ta nói thêm, ông "tự hào" đã bỏ phiếu như vậy, và khi được gặng hỏi ông nói, chuyện này "phức tạp" lắm.
Theo tôi không có gì phức tạp khi bỏ phiếu ủng hộ quân đội đang chiến đấu của chúng ta.
Đồng minh của chúng ta hiểu tầm quan trọng lịch sử của công việc chúng ta đang làm. Gần 40 nước tại Afghanistan và 30 nước tại Iraq ủng hộ chúng ta. Tôi không quên những lời khuyên và khuyến khích của thủ tướng Howard, tổng thống Kwasniewski, thủ tướng Berlusconi và thủ tướng Tony Blair.
Người đối thủ của tôi nói rằng các đồng minh của chúng ta chỉ là "một tập hợp bị thúc bách và bị mua chuộc." Tôi nghĩ các quốc gia như Anh, Ba Lan, Ý, Nhật, Hòa Lan, Đan Mạch, El Salvador, Úc, v.v... cần sự kính nể của nhân dân Hoa Kỳ hơn là lời chê bai của một chính khách.
Tôi kính trọng những quân nhân đồng minh đang chiến đấu bên cạnh chúng ta. Hoa Kỳ biết ơn họ, và Hoa Kỳ sẽ không quên ơn.
Những người được giải phóng cũng không quên chúng ta. Cách đây không lâu 7 công dân Iraq đến phòng làm việc tại Bạch ốc thăm tôi. Cả bảy người từng bị mật vụ của Saddam Hussein khắc chữ X trước trán và chặt một cánh tay vì một tội nào đó. Một trong 7 người đã dùng cánh tay giả viết bằng chữ A Rập lời cầu nguyện cho Hoa Kỳ. Tôi vinh dự thấy đất nước chúng ta vẫn còn là niềm hy vọng của những kẻ bị áp bức và đại diện cho điều Thiện trên trái đất này.
Những tên khủng bố hiểu rằng nền dân chủ đang bừng nở tại Trung đông sẽ gạt bỏ chủ thuyết hận thù của họ. Chúng biết rằng những ai sống với hy vọng, sống có mục đích và sống xứng đáng sẽ không mang bộc phá vào người để giết những kẻ vô tội khác. Những tên khủng bố đang chống lại sự tự do với tất cả mưu mô thâm độc và tàn nhẫn vì chúng sợ sự tự do hơn bất cứ cái gì khác. Chúng sợ là phải vì tự do đang tiến bước.
Tôi tin tưởng vào sức mạnh biến cải của tự do. Và cách dùng sức mạnh khôn ngoan nhất của Hoa Kỳ là thúc đẩy tự do. Trong khi những người dân Afghanistan và Iraq nắm bắt cơ hội tự do họ làm gương cho toàn vùng. Những người Palestines sẽ hiểu rằng dân chủ và tiến bộ cũng đang ở trong tầm tay,và sự tái lập hòa bình với những người bạn Do Thái của chúng ta cũng vậy.
Nhân dân sống tại Trung đông biết rằng cái ngày có bình đẳng và công lý không xa. Những người trẻ tuổi sẽ hiểu rằng tiến bộ của quốc gia nằm ở sự tự do chứ không bằng con đường độc tài và khủng bố.
Những nhà chủ trương cải cách, những tù nhân chính trị, những kẻ bỏ xứ ra đi hiểu rằng giấc mộng tự do đã gần kề. Và khi có tự do trong tim từng người, trong từng quốc gia thì Hoa Kỳ và thế giới càng được an ninh.
Hoa Kỳ từng làm công việc này. Và thời nào cũng có kẻ nghi ngờ. Năm 1946, 18 tháng sau khi đồng minh giải phóng Bá Linh, một ký giả của New York Times viết: "Nưóc Đức đang bị khủng hoảng kinh tế, chính trị và tinh thần. Các thủ đô tại Âu châu đang run sợ. Tại các bộ chỉ huy quân sự, người ta thấy giới chức có trách nhiệm đang sốt vó giải quyết những vấn đề do sự chiếm đóng tạo ra"
Có thể vẫn còn nhà báo đó quanh đây và đang viết bình luận.
Rất may hồi đó chúng ta có tổng thống Truman cương quyết tin rằng dân chủ sẽ mang hòa bình và ổn định đến cho Âu châu. Nhờ thế hệ đó tin vào tự do chúng ta mới sống được trong một thế giới tốt hơn và an ninh hơn như hôm nay.
Những gì chúng ta và đồng minh muốn có tại Trung đông không thể có trong một sớm một chiều. Nhưng đừng nghi ngờ sức mạnh của tự do. Sức mạnh đó đã dẫn dắt bao người vượt qua những hành trình gian khổ, tạo nên bao nhiêu đất định cư mới, chấm dứt bao nhiêu cảnh sống nô lệ và dọn đường cho chúng ta chống lại độc tài toàn trị của thế kỷ 20.
Chúng có vinh dự xây dựng dân chủ tại Đức, tại Nhật, Nicaragua, Trung Âu và Baltics, và còn nữa ...
Tôi tin rằng Hoa Kỳ có sứ mệnh lãnh đạo cuộc đấu tranh cho tự do trong thế kỷ này. Tôi tin rằng hằng triệu người dân Trung đông đang im lặng chờ đợi tự do. Tôi tin nếu có cơ hội họ sẽ chọn hình thức chính quyền tốt nhất.
Tôi tin vậy vì sự tự do không phải là cái quà nước Mỹ mang đến cho thế giới. Đó là cái quà Thượng đế ban cho con người.
Thời điểm lịch sử này của đất nước sẽ được ghi vào sử sách. Thế hệ mai sau sẽ biết có thời điểm này nếu chúng ta giữ lời hứa và giữ niềm tin. Thế hệ mai sau cũng sẽ nhớ mãi nếu chúng ta biết nắm bắt giây phút lịch sử này để xây dựng một tương lai hòa bình và ổn định. Sự tự do của nhiều người và sự an toàn của Mỹ quốc đang nằm trong tay chúng ta.
Và đêm nay, tôi xin đồng bào cùng đứng bên tôi.
Trong 4 năm qua, chúng ta đã hiểu nhau. Dù có khi không đồng ý với nhau quý vị cũng biết tôi là người giữ vững lập trường.
Tôi có những vấp váp. Có người đã sửa lỗi Anh ngữ cho tôi. Và khi thấy dáng đi của Arnold Schwarzenegger tôi mới biết tôi cũng làm như ông ta. Nhiều người thấy tôi có dáng đi như làm bộ làm tịch, thật ra chỉ là một cách đi của người dân Texas.
Thỉnh thoảng tôi ăn nói hơi thẳng thừng, đó là do tôi thừa hưởng Mẹ tôi bà tóc bạc ngồi kia kìa.
Làm tổng thống tôi biết được rằng vấp váp chút xíu ai cũng thấy, nhưng có ưu điểm gì anh cũng đều cần đến.
Bốn năm qua có những việc tôi không chờ đợi và sẽ không bao giờ quên. Tôi đã an ủi nhiều người có thân nhân chết trong cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, tôi thấy được những tấm hình, nghe được những mẫu chuyện ngắn và thấm thía được nỗi mất mát của người đối thoại.
Tôi biết được rằng ra lệnh cho binh sĩ ra chiến trường là một quyết định khó khăn nhất, dù cần phải ra lệnh. Tôi đã chào những chiến sĩ bị thương sắp trải qua thời kỳ chữa trị khó khăn. Họ nói với tôi họ đã làm nhiệm vụ. Tôi đã ôm trong tay những đứa trẻ mất cha hay mẹ, chúng nói với tôi bố hay mẹ chúng là một người anh hùng. Tôi đã gặp cha, mẹ, chồng, vợ của những chiến sĩ tử trận đang dang tay nhận chiếc quốc kỳ xếp tréo vừa ngỏ lời vĩnh biệt thân nhân. Tôi sững sốt khi nghe nhiều người trong số họ nói với tôi họ cầu nguyện cho tôi có đủ can đảm tinh thần.
Sức mạnh tinh thần đó từ đâu đến" Tại làm sao trong đau thương họ giữ được niềm tự hào như vậy" Vì họ biết thân nhân vừa mất đã làm việc tốt và vì họ biết người chết cũng trân trọng sự tự do.
Qua phong thái gia đình các quân nhân tôi thấy được đặc tính của một cường quốc: trang trọng, lý tưởng và có sức mạnh tinh thần.
Thế giới đã chứng kiến sức mạnh đó cách đây 3 dặm đường, khi dân sống trong thành phố này không ngại hiểm nguy đã kéo quốc kỳ lên trên đống gạch vụn.
Cùng đồng bào! chừng nào quốc gia chúng ta còn đây, mọi người sẽ nhìn vào sự hưng thịnh của thành phố New York và nói rằng: Nơi đây có lâu đài sụp đổ, nhưng có một đất nước vươn lên.
Chúng ta thấy đặc tính của Mỹ quốc nơi quân đội. Chúng ta thấy đặc tính của Mỹ quốc nơi những cựu chiến binh luôn luôn ủng hộ và nâng đỡ những gia đình quân nhân gặp khó khăn. Chúng ta thấy tinh thần đó nơi những người anh hùng trẻ tuổi.
Chúng ta thấy đặc tính đó nơi những người thợ, những người làm ăn nhỏ đã tiếp tay làm hưng thịnh nền kinh tế quốc gia bằng sự làm việc và sự lạc quan.
Tất cả nói lên một điều từng được chứng minh: Đất nước được thử thách của chúng ta có thể làm bất cứ việc gì.
Mỗi việc có từng mùa có lúc đau buồn, có lúc chiến đấu, có lúc xây dựng.
Và lúc này là lúc hy vọng. Thế kỷ mới mở trước mắt là thế kỷ của tự do. Xây dựng tự do ở bên ngoài chúng ta xây dựng một thế giới an toàn. Xây dựng tự do bên trong chúng ta xây dựng một nước Mỹ đầy ắp hy vọng.
Cũng như những thế hệ trước, từ các vì sao xa xăm kia có tiếng mời gọi chúng ta đấu tranh cho tự do. Đó là giấc mộng vĩnh cửu của Hoa Kỳ. Đêm nay, tại đây, giấc mộng đó đang thành hiện thực.
Hãy cùng nhau tiến tới, cám ơn trời đất đã cho chúng ta sự tự do, đặt niềm tin vào lý tưởng, và tin tưởng vào tương lai của đất nước này.
Thượng đế phù hộ quý vị. Và Thượng đế sẽ phù hộ đất nước vĩ đại này.
George W. Bush
2 Sept. 2004 - New York

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.