Hôm nay,  

Rủ Nhau Nuôi, Huấn Luyện Chim Bồ Câu Để Đua

07/05/201200:00:00(Xem: 11723)
SAIGON (VB) -- Lâu nay, cứ đầu buổi sáng hay giữa giờ chiều, người dân ở chung cư Lam Sơn (số 9 Công Trường Lam Sơn, quận 1) đã quen với hình ảnh hàng trăm con bồ câu từ khắp nơi bay về đậu kín các dây điện phía trước chung cư và xà xuống mặt đường ăn thóc do một người đàn ông rải ra.

Ở quãng trường Mê Linh (chỗ đặt tượng Đức Mẹ) và công viên 23- 9 (gần chợ Bến Thành) cũng thế, vào những lúc trời mát thường có rất nhiều chim bồ câu cứ bay đến, tụ tập trên các vỉa hè để ăn thóc, gạo, đậu, bánh mì bẻ vụn… rải xuống từ tay những người yêu chim chóc. Đám bồ câu rất dạn dĩ và thân thiện, nhiều con mổ thóc luôn trên tay các cô gái, các em bé còn thử cho chim ăn một cách ngại ngần.

Một số du khách nước ngoài đi ngang qua cũng thích thú đứng lại quay phim, chụp ảnh và xin thóc để tự tay cho chim ăn. Riêng trong khuôn viên chùa Ngọc Hoàng (ở phường Đa Kao, cũng thuộc quận 1), khi cho bồ câu ăn, khách thập phương có thể thoái mái ngồi trên băng đá để ngắm nhìn, chụp ảnh cả đàn chim tề tựu trước mặt mình…

Về lý lịch của những đàn bồ câu được những người ta cho ăn miễn phí ngoài đường phố như trên thì không rõ là chúng được ai nuôi, nuôi để bán chim thịt hay chim giống…, nhưng theo một bài viết trên báo TT, vài năm gần đây đã có khá đông bạn trẻ ở Sài Gòn gây phong trào nuôi và huấn luyện chim bồ câu để… đua.

Bài báo viết:

“Căn cứ là nơi nuôi, đào tạo những “chiến binh” (chim bồ câu đua). Anh Lễ - dân trong nghề hay gọi là Lễ “quận 8”, năm nay 28 tuổi, có thâm niên 5 năm đào tạo những “chiến binh” và hiện sở hữu một căn cứ khá hoành tráng. Mỗi ngày, anh dành thời gian gần 4 giờ đồng hồ để chăm sóc, đào tạo chúng. “Mỗi căn cứ đều có bí mật riêng trong huấn luyện, ví như bí mật quân sự vậy”, Lễ bộc bạch, “Bí mật này nằm ở việc chọn chim, chọn thức ăn, phương pháp huấn luyện...”.

Lê Khai Đông - Hội trưởng Hội Bồ câu đua quận 8 - cho biết: “Để có được những “chiến binh” giỏi, người nuôi phải dành ra rất nhiều công sức và tiền của. Đầu tiên là việc chọn bổn chim (giống chim), phải chọn những bổn tốt, có sức dẻo dai, khỏe mạnh. Kế đến là việc chọn thức ăn, bổ sung đủ chất béo, chất xơ cho chim, không được thiếu hoặc thừa, và quan trọng nhất là phương pháp tập luyện. Thông thường, chim từ 2,5 - 3 tháng tuổi là bắt đầu quá trình huấn luyện. Bước đầu sẽ thả chim xa căn cứ chừng 20 km để chim bay về, sau tăng dần khoảng cách”.

Khi chim trưởng thành sẽ cho tham gia các cuộc thi. Ở Sài Gòn hiện có khá nhiều cuộc đua chim bồ câu, nên các “chiến binh” có nhiều cơ hội để cọ xát. Khi tham gia đua, mỗi “chiến binh” sẽ được dán một con tem bí mật trên kiềng chân (chủ nuôi chim không biết mã số), đồng thời đóng dấu giáp lai cánh chim vào hồ sơ lưu của ban tổ chức (BTC). Khi chim đua về tới căn cứ, chủ cào tem, ghi số bí mật rồi nhắn tin hay điện thoại cho BTC, nếu mất tem thì chủ nuôi mang chim đến BTC để so dấu giáp lai. Căn cứ vào đó BTC sẽ phân định chiến binh nào về nhất, nhì, ba…

vb_chim_bo_cau_sai_gon__2__medium

Cho chim bồ câu ăn trong sân chùa Ngọc Hoàng, quận 1. (Photo VB)
Mỗi cuộc đua, một căn cứ sẽ cử 2 hay nhiều “chiến binh” tham gia. Khi xuất quân, người nuôi chim nào cũng mong “chiến binh” của mình an toàn trở về và chiến thắng. Thế nhưng có những chiến binh đã “ngã ngựa” trên đường đua do bị chim khác ăn thịt, bị bắn hay bay lạc, cũng có khi do bão đẩy đi, chết do mất sức...

Hiện ở Sài Gòn có trên 150 căn cứ với hàng trăm bồ câu đua. Mỗi năm, có hơn 10 cuộc đua bồ câu lớn, nhỏ được tổ chức. Ngày 15-4 vừa qua, tại Hội Sinh vật cảnh Tân Phú (Q. Tân Phú, Sài Gòn) đã diễn ra lễ trao giải thưởng cuộc đua chim bồ câu đường dài Sài Gòn - Đà Nẵng 600km, là đường đua xa nhất được tổ chức tại VN từ trước đến nay. Trong số 40 con chim bồ câu đã được thả ra cùng một lúc vào 6g50 ngày 6-4 từ Đà Nẵng, chú bồ câu đầu tiên đã về đến đích tại Sài Gòn lúc 16 giờ 32 phút 2 giây cùng ngày,“chiến binh” về trễ nhất là ngày 14-4. Tổng cộng có 13/40 chim bồ câu về đến đích. Những “chiến binh” đoạt giải sẽ được mua với giá khá cao, từ 10 - 30 triệu đồng/con.

Bài báo ghi nhận thêm ý kiến của anh Đặng Quốc Bình, một chuyên gia huấn luyện bồ câu đua: “Đua chim bồ câu đã có từ lâu tại Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Đài Loan, Thái Lan…

Ở Việt Nam, chủ yếu là TP. Sài Gòn, nuôi chim đua có cách đây gần 20 năm, đầu tiên là khu vực Chợ Lớn do người Hoa sang công tác hay du lịch mang chim theo và truyền lại. Giống chim đua ngày xưa chủ yếu là chim Trung Quốc, Đài Loan. Qua quá trình nuôi, lai tạo giống, hiện nay chúng ta tự hào đã có giống chim đua Việt Nam. Hy vọng trong vòng 3 năm tới, với điều kiện thuận lợi, anh em trong hội sẽ cố gắng đưa giống chim Việt Nam tham dự cuộc thi One Loft tại Thái Lan.

Cuộc thi này thu thập giống chim từ khắp nơi trên thế giới, nuôi cùng một địa điểm, khi trưởng thành sẽ cho tham gia đua, thả cùng một điểm, về cùng một điểm (không về từng căn cứ như ở ta). Và chắc chắn, các chiến binh của Việt Nam cũng sẽ tham gia các cuộc đua quốc tế trong thời gian sắp đến”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.