Hôm nay,  

Mang Tiếng ‘phản Đồng Chí’, Csvn Trách Báo Chí Nam Hàn

24/08/200400:00:00(Xem: 4363)
HANOI -- Việt Nam thất vọng về vụ người tị nạn Bắc Hàn, theo tin của BBC hôm thứ hai như sau.
Việt Nam đã bày tỏ sự không hài lòng về việc phương tiện truyền thông Nam Hàn công khai tên Việt Nam trong vụ đào tẩu của người Bắc Hàn.
Đoàn nghị sĩ của đảng đương quyền Uri tại Nam Hàn cho hay như vậy sau chuyến thăm Việt Nam tuần rồi.
Tháng trước, hơn 400 người tị nạn Bắc Hàn được đưa đến Nam Hàn sau khi họ đào thoát qua một nước thứ ba.
Báo chí quốc tế khi đó cho hay nhiều khả năng nước thứ ba này là Việt Nam, và sau đó Bộ ngoại giao Bắc Hàn cũng lên án Việt Nam là đã đồng lõa trong điều mà họ gọi là một vụ “bắt cóc”.
Khi vụ việc xảy ra, về mặt chính thức, chính phủ Nam Hàn không xác nhận tên của nước ở Đông Nam Á mà từ đó, 460 người tị nạn Bắc Hàn đã được đưa tới Nam Hàn tháng trước.
Việt Nam cũng không xác nhận vai trò của mình trong vụ việc.
Nhưng Bắc Hàn sau đó đã chính thức cáo buộc Việt Nam giúp đỡ trong vụ việc và đe dọa có hành động trả đũa Seoul và Hà Nội.
Ông Ryu Jin là phóng viên chuyên về ngoại giao của báo Korea Times tại Seoul nói với BBC Việt ngữ:
“Đó gần như là một bí mật mà ai cũng biết, mặc dù chính phủ Nam Hàn không xác nhận nước thứ ba đó là Việt Nam, lý do là vì quan hệ ngoại giao giữa hai nước.”
Chuyến thăm Việt Nam
Cuối tuần rồi, một nhóm nghị sĩ của đảng cầm quyền Uri tại Nam Hàn có chuyến thăm tới Việt Nam. Mục đích chuyến thăm bàn chuyện hợp tác song phương, chứ không liên quan vụ việc người tị nạn Bắc Hàn.
Nhưng nói chuyện với các phóng viên Nam Hàn ngày hôm chủ nhật sau khi trở về từ Việt Nam, ông Im Jong-Seok, phát ngôn nhân của đảng Uri, cho hay các quan chức Việt Nam đã bày tỏ sự không hài lòng vì báo chí Nam Hàn đã loan tin rộng rãi và nêu vai trò Việt Nam trong vụ giúp người tị nạn bắc Hàn.

Được trích lời trên tờ Korea Times, ông Im Jong-Seok nói Bắc Hàn đã gửi ba thư phản đối Việt Nam và đặt họ vào tình trạng khó xử.
Ông cũng nói vì sự việc này, mà tuyến đường đào thoát cho người trốn khỏi Bắc Hàn đã bị đóng lại và chính phủ Việt Nam không còn có thể làm gì để giúp người trốn từ Bắc Hàn.
Cho đến gần đây, đa số người Bắc Hàn đào thoát đến Nam Hàn qua ngả Trung Quốc, nước có đường biên giới chung với nước láng giềng cộng sản.
Nhưng một số lượng ngày càng tăng người Bắc Hàn đã qua Trung Quốc để rồi vào một số nước Đông Nam Á và từ đó xin tị nạn ở Nam Hàn.
Ông Im Jong-Seok, phát ngôn nhân của đảng Uri nói thêm các quan chức Việt Nam nói với phái đoàn của ông rằng họ vẫn thân thiện với Nam Hàn, nhà đầu tư lớn thứ tư ở Việt Nam, nhưng do vụ việc vừa qua, sẽ mất một thời gian trước khi quan hệ hai nước có thể phục hồi đầy đủ.
Nam Hàn đã duy trì chính sách không tiết lộ ra ngoài tin tức về các vụ đào tẩu nhằm tránh làm Bình Nhưỡng tức giận.
Theo ông Ông Ryu Jin là phóng viên báo Korea Times tại Seoul, thì những diễn biến vừa qua đang khiến cho các nước liên quan phải có những đối sách đằng sau hậu trường:
"Hoàn cảnh hiện nay có thể có những tác động tiêu cực đối với các đàm phán tương lai trong việc đưa người miền Bắc sang miền Nam. Bởi vì những việc thế này vốn được xem là phải thực hiện một cách bí mật. Nên tôi nghĩ đằng sau hậu trường, mỗi quốc gia đang cố gắng hạn chế tối đa tác động tiêu cực của tình hình hiện thời."
Năm ngoái, số người đào tẩu từ miền Bắc đến Nam Hàn đã đạt con số hơn 1200 người, tăng hơn so với năm trước đó.
Biên giới hai nước tiếp tục đóng kín và được gần hai triệu binh lính từ cả hai phía bố phòng dày đặc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.