Hôm nay,  

Chuyển Hoá Bộ Máy Chiến Tranh

21/08/200400:00:00(Xem: 4841)
Khi đả kích kế hoạch triệt thoái bảy vạn binh lính từ Á châu và Âu châu về Hoa Kỳ của ông Bush, đảng Dân chủ chứng tỏ mình có tầm nhìn rất ngắn. Và trí nhớ quá mỏng.
Ngay sau khi Tổng thống Bush loan báo việc tổ chức lại bộ máy quốc phòng và đưa 70.000 lính Mỹ từ hai lục địa Âu-Á về nước, các nhân vật tên tuổi trong đảng Dân chủ, từ Nghị sĩ John Kerry tới Tướng Wesley Clark hay cựu Đại sứ Richard Holbrook, lập tức công kích kế hoạch ấy. Họ quên hẳn một người đã từng suy nghĩ về việc đó từ hơn chục năm trước, Les Aspin, Tổng trưởng Quốc phòng đầu tiên của nội các Bill Clinton.
Hoa Kỳ thất trận tại Việt Nam vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do bất ngờ và ít ai tin, là lý do quân sự. Hai chính quyền Dân chủ - Kennedy và Johnson - đã tham chiến tại Việt Nam mà không có chủ trương rõ rệt về hình thái chiến tranh. Bắc Việt có hậu phương lớn là Trung Quốc, các đơn vị của họ ở trong Nam có hậu cứ lớn là miền Bắc. Hai cây cầu lớn nhất cho việc tiếp vận của Bắc Việt là cầu Long Biên tại Hà Nội và cầu Hàm Rồng tại Thanh Hoá. Mỹ tốn kém phương tiện, và mất dần chính nghĩa vì vận dụng một sức mạnh quân sự cực lớn, mà không vô hiệu hoá được hai cây cầu đó. Hàng trăm phi vụ với tổn thất trung bình mỗi năm là 250 máy bay vẫn không thanh toán được hai mục tiêu này. Nói gì đến chuyện hàm hồ như hàng rào điện tử của McNamara!
Mười năm sau khi tham chiến, cuối tháng Tư 1972, hai cây cầu đó mới bị đánh xập cùng lúc. Biến cố quân sự này bị nhận chìm bên dưới những chấn động chính trị: bộ máy chiến tranh của Mỹ đã đạt một bước tiến quan trọng, với loại "bom khôn", trước khi người ta tìm ra tên mới cho loại võ khí này. Lúc đó, cục diện chính trị đã thay đổi và Mỹ phải triệt thoái, rồi tháo chạy nhục nhã.
Kể từ năm 1972 đó đến nay, qua hơn ba thập niên, kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ còn đạt nhiều tiến bộ hơn nữa, và điều đó thực tế làm thay đổi hình thái chiến tranh.
Nhưng, như thông lệ, một tiến bộ về kỹ thuật chưa thể đảo ngược nổi tình hình nếu chưa có thay đổi về tổ chức, trước hết là thay đổi về nhận thức. Rút tỉa kinh nghiệm cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi Hoa Kỳ mất sáu tháng chuẩn bị mới đủ quân số cho việc tấn công Iraq để giải phóng Kuweit, Tổng trưởng Quốc phòng Les Aspin đã khởi xướng việc duyệt xét lại từ căn bản việc Hoa Kỳ tung quân tham chiến bên ngoài. Làm sao nâng phẩm để giảm lượng, dùng ít quân hơn, võ khí gọn nhẹ hơn, mà vẫn đạt mục tiêu. Phẩm ở đây là tốc độ và tầm hủy diệt, lượng ở đây là quân số và quân cụ.
Mười năm sau đó, khi lên cầm quyền, Tổng thống Bush đã bổ nhiệm Donald Rumsfeld làm Tổng trưởng Quốc phòng, cũng với nhiệm vụ đã được cố Tổng trưởng Les Aspin khởi đầu. Đó là chuyển hoá bộ máy chiến tranh cho hình thái chiến tranh mới, của thế kỷ 21, khi đối thủ là khối Xô viết, đã tan rã. Kẻ thù mới từ nay là những gì đó còn mù mờ: không phải là một quốc gia, có lãnh thổ, tổ chức và quân đội, mà là những lực lượng khủng bố tự phát, có phương tiện hủy diệt phi quy ước, với khả năng tàn sát rất cao. Biến cố 9-11 không làm thay đổi sự kiện ấy mà còn thúc đẩy bộ Quốc phòng Mỹ phải cấp tốc xúc tiến việc chuyển hoá đó.
Rumsfeld có câu phát biểu đáng ngẫm: "Trong một thời đại mà quân khủng bố chuyển giao thông tin với tốc độ của điện thư (e-mail), chuyển ngân tiền bạc với tốc độ điện tử (wire transfer) và đưa người xâm nhập bằng hàng không dân sự mà bộ Quốc phòng còn loay hoay với thủ tục thư lại của thời kỹ nghệ, thay vì thời tín học, chúng ta tự gieo họa cho mình...."
Việc chuyển hoá ấy được tiến hành trên nhiều bình diện.
Tổ chức lại quân đội, khả năng tác chiến, việc huấn luyện, việc phối hợp hành quân với phương tiện kỹ thuật mới. Tinh thần chung là nâng khả năng cơ động của các đơn vị tác chiến, được trang bị võ khí gọn nhẹ và chính xác, có sức hủy diệt cao hơn mà không gây tổn thất ngoại phụ (cho dân chúng). Bên trong thì vậy, bên ngoài, phải quan niệm lại vai trò của các căn cứ quân sự, những đầu cầu can thiệp ngoài lãnh thổ Mỹ.
Hoa Kỳ hiện có quân số trên một triệu tư, với gần 160 ngàn đang trú đóng bên ngoài, từ các căn cứ lớn nhỏ đến các sứ quán. Ở đây, ta chưa kể đến lực lượng viễn chinh đang tác chiến tại Afghanistan và Iraq.
Trong các căn cứ, ta có loại "lưu niên", với các đơn vị phải phục vụ nhiều năm và đòi hỏi lực lượng yểm trợ dân sự rất lớn (gia đình, gia binh, tiếp vận, giáo dục, v.v...). Đó là trường hợp các căn cứ tại Đức. Ta cũng có loại ngắn hạn hơn, binh lính tại chỗ không đem theo gia đình, hết hạn là được thay thế, như tại Nam Hàn. Mỗi trường hợp lại có nguyên nhân và hậu quả khác nhau, về mặt ngoại giao, xã hội và cả kinh tế.

Hệ thống căn cứ đó được thiết trí từ hơn nửa thế kỷ để đối phó với nguy cơ xung đột thời Chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu mà Hoa Kỳ chưa tái phối trí lại. Nay kế hoạch chuyển hoá bộ máy quân sự tất nhiên phải giải quyết vấn đề này. Tinh thần chung là Hoa Kỳ cần loại căn cứ gọn nhẹ, có thể chỉ là trung tâm thám báo, huấn luyện hay kho dự trữ, khi hữu sự thì mới dùng làm đầu cầu chuyển quân, tiếp vận, để đánh nhanh và rút gọn.
Từ nhiều năm nay, nhất là từ năm ngoái trở đi, các giới chức lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã nói chuyện tái phối trí như vậy, khởi sự từ Đông Á, và việc giảm quân từ Nam Hàn thì được thông báo từ tháng Sáu. Không có lý do gì để 34 ngàn lính Mỹ nằm dưới tầm hỏa tiễn và hoả lực của hơn một triệu quân Bắc Hàn trong khi Hoa Kỳ có những phuơng tiện gián chỉ hoặc ngăn ngừa khác.
Tại Âu châu cũng vậy. Cả trăm ngàn người Mỹ, trong và ngoài quân đội, cứ trú đóng bên Đức để xứ này khỏi bị Liên xô hay Đông Âu Cộng sản tấn công. Trường hợp đó không xảy ra nữa mà đồng minh thời Chiến tranh lạnh là nước Đức ngày nay lại gây khá nhiều vấn đề cho Hoa Kỳ. Âu châu đã thay đổi, toàn lục địa Âu-Á cũng đã thay đổi, các đồng minh thời xưa nay đã thành đối thủ về ngoại giao và kinh tế, những đối thủ thời xưa, từ Liên bang Nga đến các nước Âu châu "mới" (Đông Âu cũ) lẫn các xứ Cộng hoà Trung Á, nay lại là đồng minh của Mỹ trên trận tuyến chống khủng bố.
Vì vậy, việc bố trí lại các căn cứ là điều tất yếu, nhưng không thể giải quyết gọn trong vài tháng. Ông Bush nói đến viễn ảnh một chục năm, sau khi ông mãn nhiệm từ lâu.
Đảng Dân chủ không thể không biết sự thể ấy, nhưng vào mùa tranh cử, lập luận mị dân là món hàng phổ biến trên thị trường chính trị, bất chấp mâu thuẫn trong từng lập luận. Triệt thoái lính Mỹ khỏi Đức là gây thiệt hại kinh tế cho họ, làm mất hoà khí đồng minh! Không phải vì đa số dân Tây Âu, nhất là Đức, có thiện cảm với đảng Dân chủ mà cử tri và dân thọ thuế tại Mỹ lại phải chiều lòng họ trong từng quyết định sinh tử của mình.

Vấn đề mà đảng Dân chủ cần nêu ra, dù là trong mùa tranh cử, phải nằm ở chỗ khác.
Ngày xưa, khi Tokyo hay Berlin đầu hàng là lực lượng bảo vệ của "đồng minh" có thể yên tâm góp phần tái thiết Nhật Bản và Tây Đức đồng thời bảo vệ toàn cõi Đông Á và Tây Âu. Ngày nay, lực lượng đó tại các nước Hồi giáo bị gọi là quân chiếm đóng, và phải làm nhiệm vụ bảo an trong một môi trường thù nghịch, gặp cả chiến tranh phá hoại, khủng bố lẫn du kích.
Nếu so với các cuộc chiến đã qua, Hoa Kỳ ngày nay có khả năng giải quyết chiến tranh nhanh gọn, với tối thiểu tổn thất nhân mạng (cả dân lẫn lính). Nhưng, kết thúc chiến tranh là một chuyện, vãn hồi hòa bình lại là chuyện khác. Xây dựng dân chủ hay xây dựng quốc gia lại là chuyện khác nữa, còn nhiêu khê rắc rối hơn. Mỹ có thể lật đổ chế độ Baghdad như trở bàn tay, nhưng sau đó bị phỏng nặng khi muốn giúp Iraq trở thành một xứ Hồi giáo dân chủ, đa nguyên. Bộ máy chiến tranh của Mỹ chưa có khả năng đó.
Các đơn vị tinh binh, từ Biệt kích, Lực lượng Đặc biệt, Nhảy dù hay Thủy quân Lục chiến có thể thanh toán các mục tiêu quân sự với tốc độ cao, nhưng không thể làm ông phỗng canh gác chợ búa đền đài để bị bắn sẻ, trong khi chờ đợi xã hội Hồi giáo nẩy mầm dân chủ và chấp nhận đa nguyên. Donald Rumsfeld có thể là đại anh hùng khi kết thúc chế độ Saddam Hussein nhưng sau đó là kẻ bị nguyền rủa về cả trăm chuyện trong giai đoạn "hậu Saddam" ở Iraq. Bộ máy chiến tranh của ông không được tổ chức cho mục tiêu vừa xoá vừa xây như vậy. Nói cho đơn giản - vì vậy mà thành cực đoan - Mỹ cần Lực lượng Đặc biệt và... Cán bộ Xây dựng Nông thôn có võ trang, được siêu vệ tinh hướng dẫn với sức không yểm của máy bay! Đơn giản mà phức tạp chừng nào.
Đã thế, quân lực Mỹ ngày nay đang bị căng mỏng, nhất là khi chiếm đóng và bảo vệ hai xứ một lúc là Afghanistan và Iraq đồng thời phải canh chừng hai xứ hung đồ có thể sử dụng võ khí nguyên tử là Bắc Hàn và Iran. Nhiệm vụ bảo an vì vậy đang trút dần cho Lục quân và cả Vệ binh Quốc gia, mà quân số lại không tăng so với yêu cầu trước mắt, chưa nói đến chuyện lâu dài của trận chiến chống khủng bố. Đó là nhược điểm rất lớn của chính quyền Bush khi không thuyết phục được dư luận về những thách đố sinh tử truớc mắt, nói chi đến chuyện ra lệnh "tổng động viên".
Vấn đề vì vậy không nằm ở chỗ chuyển dịch 70.000 quân từ Âu hay Á về Mỹ trong dăm bảy năm tới, mà là tìm ra giải pháp về quân số và chủ trương về quốc phòng và đối ngoại ngay cho hiện tại, trong thế giới Hồi giáo. Đảng Dân chủ không xoi vào góc tối ấy mà đả kích chuyện chưa xảy ra và quên bẵng vai trò năm xưa của Les Aspin.
Vì vậy, người ta nên chờ đợi nhưng lỗi lầm cũ, như tại Việt Nam 40 năm trước, nếu như đảng này nắm quyền lãnh đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.