Hôm nay,  

Truyện Ngắn Theo Yêu Cầu Độc Giả: Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông (phần I)

28/07/200100:00:00(Xem: 4979)
Trong số báo đề ngày 1 tháng 6, chúng tôi đã giới thiệu cùng qúy độc giả truyện ngắn Loài Hoa Biến Sắc của Dương Thu Hương, và trong bài viết Dương Thu Hương Là Ai, tác giả Hữu Nguyên có đề cập đến một truyện ngắn thứ hai được Dương Thu Hương sáng tác vào năm 1983 nhan đề "Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông".

Từ đó đến nay, trong thời gian hai tuần lễ, nhiều độc giả đã gửi thư, email, gọi điện thoại và trực tiếp trò chuyện, trình bầy những ý kiến khác nhau quanh truyện ngắn "Loài Hoa Biến Sắc" cùng những tình cảm dị biệt dành cho nữ văn sĩ Dương Thu Hương. Một số độc giả ngạc nhiên trước lối nhìn nhận và đánh giá của tác giả Dương Thu Hương, một số khác thừa nhận bản sắc đặc biệt mang "tính Dương Thu Hương" đã hé lộ trong câu truyện, và một số (nhất là nữ độc giả) đã tỏ ra bất mãn trước lối mô tả "gái Sàigòn" một cách "cay độc và ghen tỵ ti tiện kiểu đỉnh cao trí tuệ" (nguyên văn lời của một nữ độc giả vùng Campsie) của Dương Thu Hương.

Có điều lạ lùng là mặc dù có những dị biệt, nhìn chung tất cả các độc giả đều muốn được đọc tiếp những truyện khác của Dương Thu Hương, nhất là "Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông" mà tác giả Hữu Nguyên đã đề cập.

Thể theo yêu cầu của qúy độc giả, và cũng là để qúy độc giả có dịp đánh giá tài năng và quá trình chuyển biến tư tưởng của nhà văn Dương Thu Hương một cách gần gũi và chính xác, chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn thứ hai của Dương Thu Hương nhan đề "Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông".

Đây là một truyện ngắn được Dương Thu Hương sáng tác vào thời điểm bà được chế độ cộng sản biệt đãi nhất. Vì vậy, nhiều đoạn đối thoại, nhiều sự kiện, tình tiết trong truyện đều mang nặng dấu ấn của tuyên truyền và được tác giả nhào nặn qua "lăng kính màu hồng" của một nhà văn cộng sản. Tuy nhiên, qua thái độ Vũ Sinh kiên quyết ly dị người vợ "được huyện đoàn cưới mà anh cứ tưởng là mình yêu", để đi tìm hạnh phúc đích thực cho chính anh, người đọc dễ dàng nhìn thấy mầm mống nổi loạn, mầm mống ly khai khỏi tư tưởng được mệnh danh là "chính thống" của chủ nghĩa cộng sản, đã nảy nở trong tâm trí của nhà văn nữ Dương Thu Hương, dọn đường cho những bất mãn, những phản kháng òa vỡ trong tâm hồn bà sau này.

Mặc dù bố cục của truyện không chặt, cá tính của nhân vật không được thống nhất, sự phát triển tâm lý nhân vật nhiều lúc không được tự nhiên, và câu truyện tuy được sáng tác sau năm 1975 trong khi bối cảnh câu truyện lại trải dài từ thời trước 1954 đến sau 1975, nhưng qua câu truyện, qúy độc giả sẽ có dịp thấy được phần nào cuộc sống nghèo khổ, cách ăn nói, suy nghĩ đầy khuôn sáo, cứng nhắc, đậm đà màu sắc tuyên truyền, của người dân miền Bắc trong chế độ cộng sản ở giai đoạn trước 1975.

*

Những chùm qủa soan còn đeo lại trên cành vì lá đã rụng hết. Chim không ăn quả soan. Nên các chùm soan cứ phơi ra trên những cành cây trần trụi, từ màu xanh ngả sang vàng hườm, vàng sậm rồi hóa nâu. Người làng bảo nhau hái qủa soan xuống đốt cùng rơm nếp và vài thứ lá khác lấy tro. Tro đó khuấy nước gạn kỹ được một thứ nước trong như lọc, bốc mùi thơm ngát. Đổ nước vào chum, đậy lại. Chờ tới Tết Nguyên đán ngâm gạo gói bánh tro. Đó là món qùa được chuộng nhất trong ngày Tết vì ăn bánh không ngấy, không đầy bụng, vừa ngọt thanh vừa dễ tiêu. Những tấm bánh nhỏ, trong suốt, màu xanh vàng hoặc hổ phách đặt lên đĩa sứ trắng ăn với đường cát mịn hoa mai hoặc mật đố thì tuyệt. Tết năm nào, mẹ đại úy Vũ Sinh cũng gói tới năm cân gạo bánh tro và anh rất thích ăn món bánh dân giả đó.

Năm nay, bà cũng gói năm cân, nhưng gói từ trước Tết. Gửi người mang lên trường huấn luyện cho con cùng bánh ngũ vị và chè lam vì đứa con trai báo tin sẽ không về.

Cả hai ông bà đều hiểu nguyên do sự vắng mặt của anh là vì có Lựu. Từ buổi ở tòa án tỉnh về, anh lên trường huấn luyện luôn cho tới tận ngày bà ngâm gạo gói bánh, rang bỏng làm chè lam. Mấy đứa trẻ vui thêm vì có mẹ thì lại vắng bóng bố. Hai ông bà buồn vì không được gặp con. Dẫu sao, người già cũng quen chịu đựng. Nhất là những người vốn có lòng khoan dung và nhân ái như bố mẹ Vũ Sinh. Con dâu đi vắng, hai vợ chồng già ngồi thì thầm, than thở với nhau. Họ không hiểu vì sao cô con dâu bỗng dưng dở chứng từ bỏ người sắp lấy chị mà quay lại phá án. Anh chàng Mộc đó chất phát, cù mì và hợp với Lựu. Còn Vũ Sinh, giọt máu duy nhất của hai ông bà, lại khác. Dẫu là một sĩ quan, quanh năm quen với thao trường và súng đạn, anh vẫn mang trái tim đa cảm của một ông đồ hay thơ, nhiều tâm sự, anh vẫn mang dòng máu hào hoa của mẹ, một thôn nữ xinh đẹp, nổi tiếng hát hay và dệt cửi giỏi. Trước khi lấy chồng, phải làm hàng xay hàng xáo để nuôi chồng nuôi con, bà đã từng khiến trai cả tổng phải thay áo, đổi quần, đeo khăn gói tới xem mặt, thầm thương trộm nhớ...

Ngay từ khi mang cau trầu tới hỏi Lựu về cho Sinh theo sự bố trí của tổ chức, hai ông bà đã biết sự chênh lệch sẽ dẫn tới nỗi bất hạnh trong cuộc sống của họ, sau này cặp vợ chồng ly hôn, ông bà buồn một chút theo thói thường con người bùi ngùi trước những cuộc chia tay, nhưng trong thâm tâm hai người cùng vui mừng vì con trai họ sẽ kiếm tìm được hạnh phúc. Sự tình xoay chuyển, họ không có cách gì giúp được con ngoài việc chăm sóc dìu dắt mấy đứa cháu. Tuy bất bình trước hành động của Lựu, khi có mặt con dâu, hai ông bà vẫn đối xử nhẹ nhàng, chu tất. Nhưng ngay cả cử chỉ đó cũng không đủ cho Lựu bớt nỗi tủi nhục. Càng ngày, chị càng thấy mình lạc lõng trong cảnh cô đơn giữa gia đình chồng. Niềm vui được gần gũi con trở thành nhạt nhẽo trước những nỗi căm giận ngấm ngầm đối với Vũ Sinh. Anh đã đi thẳng, ngay cả về thăm con ba tuần một lần như trước anh cũng không còn giữ. Anh không dửng dưng với chị mà trở lên thù địch với chị. Trước đây, dẫu ơ hờ, đôi khi anh còn kéo tay chị, gọi:

- Lựu ơi, ra xem con nó tắm kìa.

Hoặc:

- Lựu làm gì trong bếp đấy" Ra sân giúp tôi một tay...

Bây giờ, anh không buồn nhìn mặt chị. Và khi chị hỏi, anh đáp lại rõ ràng:

- Chị hỏi gì tôi nhỉ" Tôi không biết... Tốt hơn cả là chị đừng hỏi gì tôi nữa...

Tết Nguyên đán anh không về. Tới ngày tết mồng ba tháng ba, anh cũng không về. Lần này cũng như lần trước, bà mẹ anh lại lụi hụi làm bánh, nấu xôi gửi người mang lên cho con. Mười hai cây số, nhiều nhặn gì đâu"... Nhưng anh quyết không thèm gặp mặt chị. Lựu biết mình trở thành vật chướng ngại trong tình cảm của bố mẹ chồng với đứa con duy nhất. Điều đó vừa khiến chị vừa ân hận vừa thỏa mãn ý muốn trả thù: Chị biết chồng rất yêu bố mẹ và ngược lại, ông bà cụ rất thương anh. Chị hằn học nghĩ: "Đáng kiếp. Lý ra, ông bà cụ phải dạy bảo anh ấy chứ. Anh ấy vẫn là chồng mình cơ mà"... Pháp luật quy định trên giấy trắng mực đen... Mình có theo không anh ấy đâu""

Ông bà già chắc không biết ý nghĩ tối tăm của chị. Mà giá có biết, họ cũng chẳng chấp. Chíng chị, là kẻ khổ nhất, tủi nhục nhất. Lựu biết thế. Bố mẹ chồng chị cũng biết thế và đó là lý do khiến họ nương nhẹ với chị trong mọi cử chỉ cũng như lời ăn tiếng nói. Mặc dù, đôi khi, vì lòng căm hận không chút ra được, chị ăn nói cạnh khóe, xấc xược và vô cớ đánh đập chửi bới những đứa con.

*

Làn gió xuân xanh ngăn ngắt cứ thổi qua cánh đồng. Tết bánh trôi bánh chay vừa xong, ngoảnh đi nhoảnh lại đã đến tháng tư, ngày phật đản, bà nội đưa hai đứa cháu lên lễ chùa. Lựu cũng được nghỉ. Ngồi nhà một mình, nghĩ ngợi chán, chị lấy xe đạp tông tốc lên trường huấn luyện tìm anh. Chưa đầy một giờ, đã tới nơi. Người gác cửa hôm đó là hạ sĩ Đỏ. Đỏ biết hết mọi chuyện của Vũ Sinh. Anh ta không cho Lựu vào ngay mà bảo chị đứng chờ rồi nhắn một hạ sĩ khác vào thông báo cho thủ trưởng biết.

- Thủ trưởng mời chị vào.

Anh học viên trở ra, nghiêm trang nói với chị như vậy. Nói xong, anh đợi Lựu dắt xe đạp, đưa chị vào. Vũ Sinh chờ chị trong phòng khách. Anh ngồi sau chiếc bàn rộng, phủ khăn ni lông hoa. Một bình thủy tinh cắm hoa sim núi mẫu đơn đỏ chót. Bốn chén nước trên bàn đều rót đầy. Chiếc ấm pha chè sẵn đặt bên cạnh. Cảnh tượng lạnh lùng. Gương mặt anh lạnh lùng hơn. Chờ người học viên dẫn Lựu vô chào, quay đi, anh mới cất tiếng hỏi:

- Chị lên tìm tôi có việc gì"

Lựu tấm tức như muốn òa khóc. Nhưng chị không thể mất thể diện trước mặt anh, chị cất tiếng hỏi lại hách dịch như giọng nữ công tố viên buộc tội anh ở tòa án:

- Sao ngày nghỉ anh không về"

Vũ Sinh đáp:

- Tôi bận.

Lựu nói:

- Hôm nay là chủ nhật. Trước đây cứ hai tuần anh về một lần cơ mà"

Người chồng đáp:

- Trước khác, bây giờ khác,

Lựu căng thẳng:

- Trước đây anh là chồng tôi, bây giờ cũng thế, không thể khác được.

Anh đáp lại chậm rãi:

- Chị nhầm rồi.

Người đàn bà gặng:

- Nhầm cái gì"

Người đàn ông không nhìn vợ, mà nhìn một con ruồi bay vo ve trong nắng:

- Những điều chị làm đều nhầm lẫn.

Anh nói với chị một cách thờ ơ, như sự chiếu cố. Người đàn bà thấy cơn tức dâng lên nghẹn họng, nhưng chị không biết diễn tả nó ra sao. Bất thình lình chị quát lên:

- Tôi lên đây mà anh bắt tôi ngồi uống nước xuông thế này sao" phải có chỗ nghỉ chứ"

Vũ Sinh đáp:

- Không có chỗ nghỉ. Đây là trường huấn luyện quân nhân chứ không phải trại an dưỡng.

Cửa vào phòng khách họ ngồi chạy thẳng ra cuối sân. Nơi đó, có mấy dãy nhà lá năm gian, phía trước trồng hoa lý leo giàn và một luống hoa mào gà lẫn hoa đồng hồ tím đỏ. Ấy là khu nhà hạnh phúc của trường. Vợ các học viên, các sĩ quan lên thăm chồng ở các căn phòng đó. Phòng nọ cách phòng kia một bức tường mỏng, có dán hình những đứa bé bụ bẫm, những cô vũ nữ đang nhảy múa và treo lẵng hoa giấy. Vợ hạ sĩ Đỏ tuần trước lên thăm chồng. Đối với cặp uyên ương đó thì căn phòng nhỏ là thiên đường của họ. Vũ Sinh nghĩ như vậy. Lựu cũng biết khu nhà hạnh phúc. Nhưng không lẽ chị lại bảo anh: "Anh phải dẫn tôi vào đó, anh phải làm bổn phận của một người chồng..." Cổ họng nghẹn lại, nỗi uất hận và nhục nhã dâng lên. Người đàn bà òa khóc. Đại úy Sinh đứng dậy bỏ ra ngoài.

Mười lăm phút sau, anh quay vào, ngồi xuống, nói nhẹ nhàng:

- Chị biết cho, những điều xảy ra không phải do lỗi của tôi.

Măt đỏ hoe, căm hận. Lựu mím môi lau mặt rồi đứng dậy, dắt xe đạp ra cổng, không thèm chào Sinh một tiếng...

Ngay hôm sau, lên cơ quan, chị nhận được thư của Hồng Thắm:

Lựu thân mến.

Mình vẫn khỏe. Được thông báo luôn luôn của ông xã về tình hình gia đình nên cũng yên tâm học tập. Chị phó chánh án tòa án tỉnh đã gặp mình cách đây hai tháng, cho biết kết qủa vụ xét đơn kháng án của cậu khiến mình vô cùng vui sướng. Chúng ta đã thắng lợi. Khi nào mình về, chúng ta phải tổ chức một bữa liên hoan mừng. Cậu đã bảo vệ được hạnh phúc. Cần phải cho các chị em khác biết điều đó, học tập và quyết tâm giữ gìn hạnh phúc của từng gia đình. Chúc cậu khỏe, công tác thật tốt.

Chào thân mến và bắt tay cậu thật chặt.

Lựu lẳng lặng ném lá thư vào cái ngăn kéo bàn làm việc của chị. Trong đó lăn lóc mấy chiếc lõi giấy cuốn chỉ, vài tờ giấy viết hỏng xé làm đôi, mấy chiếc cúc áo đứt ai đã nhặt nhạnh và tiện tay cất...

Người đàn bà quanh quẩn với những toan tính. Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Dẫu sao, chị cũng không thể chịu thua một cách nhục nhã như vậy. Chị phải giáp mặt Vũ Sinh, phải thúc ép anh nói với chị những điều cần nói. Không lẽ chị bày trận ra rồi bó giáo quy hàng. Lựu nghĩ được một cách...

Sắp tới mồng một tháng sáu dương lịch, chị báo cho bố mẹ chồng sẽ xuống các xã xa tổ chức Tết thiếu nhi. Như vậy, khoảng ba bốn hôm chị sẽ vắng nhà. Ngày kia, mồng một tháng sáu, chủ nhật, bố mẹ Vũ Sinh tất phải nhờ mấy đứa cháu đạp xe lên trường thông báo cho anh về thăm con và ăn một bữa cơm với gia đình. Hẳn bà cụ phải thịt gà, nấu xôi, gói bánh tro vì vừa nghe chị báo tin bà đã xuống bếp đổ nước ra chậu sành ngâm gạo nếp... Lựu thầm đoán như vậy, với một nỗi buồn xen lẫn lòng căm tức. Sớm tinh mơ hôm sau, ngày ba mươi tháng năm dương lịch, chị lấy vài bộ quần áo, bỏ vào túi, đeo lên ghi-đông xe đạp, lên cơ quan.

Chị ở cơ quan hai ngày, hai đêm. Qua ngày thứ ba, khoảng non trưa chị về nhà. Điều chị đoán hoàn toàn là sự thực. Gia đình Vũ Sinh đang ngồi quây quanh phản. Chiếc mâm đồng lớn được đánh sáng chóe bày ngồn ngộn thịt gà luộc rắc lá chanh, miến nấu, chả xương xông, xôi vò, bánh tro với đường cát... Toàn là những món ăn chồng chị ưa thích từ khi anh còn là đứa bé chạy long nhong thả diều cho tới bây giờ.

Lựu bước vào, không khí trở nên gượng gạo. Vừa cầm đũa bát, mọi người bỏ cả xuống. Hai đứa bé ngơ ngác quay ra nhìn mẹ. Cả chúng cũng không mừng rỡ reo gọi mẹ như ngày thường. Bà mẹ chồng đứng lên nói:

- Mẹ nó ngồi vào mâm đi, tôi lấy thêm bát đũa.

Người con dâu chua chát trả lời:

- Thôi bà ạ, bà khỏi lo cho con.

Câu trả lời của chị như một bó lửa ném vào bầu không khí đang nóng bỏng. Bà mẹ chồng, không thể nói gì thêm, cứ đứng ngẩn ngơ nơi bực cửa. Chồng bà lặng lẽ nhìn xuống mâm. Hai đứa trẻ lè miếng thịt gà đang ngậm trong miệng ra bát, lơ láo nhìn...

Vũ Sinh đứng dậy, đội mũ, xách xe đạp xuống sân. Lựu hùng hổ chặn anh lại:

- Anh đi đâu bây giờ" Anh ở nhà đã chứ... Tôi có câu chuyện muốn nói với anh...

Người đàn ông đáp lại:

- Tôi không có thời gian, chị cho tôi đi...

Anh nâng bổng chiếc xe đạp lên, tránh lối người vợ đứng.

Lựu ném chiếc nón cầm tay xuống, kêu to:

- Anh không thể đối xử như thế được. Anh là chồng của tôi, luật pháp đã quy định như vậy...

Để trả lời tiếng kêu giận dữ nhưng tuyệt vọng của chị, anh đáp lạnh lùng:

- Vâng. Chị lên tòa án tìm người đó.

Rồi anh dắt xe qua sân, đạp thẳng.

Bà mẹ Vũ Sinh lật đật chạy theo con trai, gọi. Nhưng anh không quay lại. Người mẹ buồn rầu nhìn mâm cơm ngon lành còn đầy ứ trên phản, đứa con chưa kịp ăn một miếng nào. Mất công bà xoay xỏa, làm lụng, ngong ngóng đợi chờ hai hôm nay...

Lựu ngồi thụp xuống bậc cửa. Chị biết, tuy không nói ra, nhưng từ giờ phút này, bố mẹ chồng ghét mình. Chị sẽ cứ ở đây, như một chướng ngại vật trước mắt họ, chọc cây kim vào tâm can họ cho tới khi nào Vũ Sinh phải quay về với chị, từ bỏ người đàn bà kia.

Càng mất thể diện trước mặt bố mẹ chồng. Lựu càng lì lợm, quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Chị nghĩ đến cách trả thù khiến cho chồng phải rời bỏ cô văn công kia. Chị sẽ rủ người lên tận Đoàn đánh cho cô ta một trận ê chề. Chị sẽ kiện tới tận chi bộ Vũ Sinh đang sinh hoạt, cho anh bị đuổi khỏi Đảng. Chị sẽ làm đơn gửi lên tòa án quân sự v.v.... Tất cả những gì chị nghĩ được không ngoài những điều chị nghe thấy người ta kể lại. Trước chị vốn là một người đàn bà ít học, hơi đần nhưng chịu thương chịu khó. Giờ, chị phản ứng và trở thành một kẻ lì lợm, khiêu khích, lỗ mãng. Đường đi tắt dẫn tới sự thay đổi như vậy. Tuy nhiên, Lựu chưa thể hành động. Chị chờ Hồng Thắm về. Đó là chỗ dựa cuối cùng của chị trong hoàn cảnh này.

Cuối tháng sáu, Thắm từ Hà Nội trở về.

Ngay từ ngày đầu tiên, chưa tới cơ quan, chị đã bảo chồng gọi Lựu tới nhà chơi, hai người nói chuyện. Người đau khổ là Lựu nhưng người tức giận là Thắm. Chị đi vòng quanh phòng, nhắc đi nhắc lại một câu:

- Không thể như thế được, không thể như thế được...

Sớm hôm sau, chị mượn Huyện đội chiếc com-măng-ca mui tròn, đi thẳng tới trường huấn luyện. Chị lý lẽ đanh thép, hùng hồn đến mức độ, dù biết rõ sự tình và thương Vũ Sinh, Hiệu trưởng đành báo cáo tình hình lên cấp trên và người ta ngừng việc chuẩn y phong cấp tá cho anh. Hồng Thắm nói về tư cách đảng viên, về danh dự của quân nhân trong lĩnh vực cư xử với những người thân, trách nhiệm của một người đàn ông đối với vợ con và tương lai, hạnh phúc của một gia đình. Gia đình, thành viên của xã hội mới, phải bảo vệ bằng mọi giá. Chị nói mạnh mẽ, thuyết phục với lý lẽ cộng những quy kết luận tội từ cá nhân tới tổ chức liên đới chịu trách nhiệm về cá nhân đó... Hồng Thắm đã buộc bí thư đảng ủy trường chấp nhận kiểm thảo Vũ Sinh trước bí thư chi bộ và xét kỷ luật anh. Xong xuôi, Thắm trở về huyện, chuẩn bị cho chuyến đi khác.

Ba hôm nữa, cũng vẫn chiếc xe mui tròn mượn của cơ quan chồng, Hồng Thắm đưa Lựu tới thẳng đoàn văn công quân khu, nơi Hạnh Hoa cùng các đồng nghiệp tập rượt chương trình mới. Hạnh Hoa đang ngây ngất vì hạnh phúc mới, vì thành công trong nghệ thuật. Chị được chọn đi dự liên hoan thanh niên thế giới tại Mát-xcơ-va. Hai tháng nữa sẽ bay. Khung trời xanh rộng mở trước mắt người đàn bà trẻ, đầy hứa hẹn. Việc hai cán bộ phụ nữ huyện đánh xe tới tận ban chỉ huy Đoàn kiện tội chị phá hoại hạnh phúc người khác hoàn toàn bất ngờ. Khi chấp thuận yêu Vũ Sinh, chị đã cùng anh tới tổ chức báo cáo rành mạch, đàng hoàng. Hoàn cảnh của hai người không có gì đáng phải suy nghĩ. Anh là người tự do. Và chị cũng là người tự do...

Thế nên, khi ban chỉ huy Đoàn mời Hạnh Hoa lên, chị lại ngỡ cấp trên thông báo tin tức về chuyến bay xa sắp tới của mình. Vào phòng, nhìn hai người đàn bà lạ, một người lạnh tanh, một người mặt hết đỏ bừng lại tái mét nhìn mình, Hạnh Hoa mới rõ.

- Tôi không biết gì hết, tôi hoàn toàn không biết... - Chị kêu lên.

Vẻ thành thật của chị khiến hai người đàn bà kia không có cách cư xử nào khác hơn là im lặng. Trưởng đoàn nói:

- Rất tiếc là chúng tôi không biết được sự thay đổi trong quan hệ của đồng chí Vũ Sinh, chính đồng chí Hoa cũng không biết, phải không"

- Báo cáo, đúng.

Hạnh Hoa đáp lại, hơi thở nghẹn lại trong cổ.

Cuối cùng, người đàn bà mặt lạnh tanh nói:

- Chúng tôi đã thông báo toàn bộ tình hình cho các đồng chí rõ. Đề nghị các đồng chí giúp đỡ cho. Chúng ta phải kết hợp với nhau để bảo vệ hạnh phúc các gia đình, làm nền tảng chắc chắn cho xã hội.

Nói xong, chị ta đứng dậy, bắt tay người trưởng Đoàn rồi đi ra. Người đàn bà mắt to, đỏ tía lia đi theo sau. Chiếc xe mui tròn nổ máy, chạy khỏi sân bóng chuyền, để lại làn bụi trắng. Người nữ diễn viên đứng ngây ra giữa căn phòng. Trong cuộc đời, chị là một kẻ chất phác, dại khờ nên khó tìm được điệu bộ thích nghi cho hoàn cảnh trớ trêu đó. Nhìn cặp mắt rưng rưng của Hạnh Hoa. Đoàn trưởng nói:

- Ngồi xuống đây... Lại một lần nữa em không may mắn rồi. Trước kia cảnh thuận tiện thì gặp đứa chẳng ra gì. Bây giờ, được người tốt, cảnh lại trớ trêu... anh chẳng duy tâm, thế mà phải tin vào duyên kiếp và số mệnh...


* * *

Một buổi tối, Vũ Sinh ngồi đọc tài liệu của nước ngoài trong phòng chợt có người vào báo anh ra tiếp khách:

- Ai vậy" Cậu biết không"

Vũ Sinh hỏi người lính thường trực, tim đập dồn dập. Linh tính báo cho anh biết rằng Hạnh Hoa đã tới. Và chuyến đi thăm đầu tiên của chị đối với anh không phải là một cuộc gặp gỡ vui vẻ, bình thường:

Người lính vừa báo tin đứng ngây ra, ấp úng:

- Báo cáo thủ trưởng, phụ nữ ạ... Mà em trông quen quen như đã gặp ở đâu rồi...

Đại úy đứng dậy, với tay lấy áo khoác treo lên mắc:

- Tôi ra phòng khách đây. Cậu dẫn cô ta vào.

Nói vậy, nhưng anh không ra phòng khách mà đi thẳng tới cổng. Người lính thường trực đang dẫn Hạnh Hoa vào. Cậu ta đi trước, người đàn bà đi sau, dáng người nhỏ bé, mảnh khảnh.

- Hạnh Hoa.

Anh cất tiếng gọi.

Chị dừng lại, ngỡ ngàng một lúc mới nhận được anh. Những vệt đèn sáng từ trong các khung cửa hắt ra, xen lẫn những khoảng đồi khiến chị không thể nhìn mọi vật một cách rõ ràng:

- Anh đấy à... - Chị cất tiếng hỏi, run rẩy, hồ nghi.

Người lính thường trực đứng nghiêm trước đại úy:

- Báo cáo, tôi trở lại phòng trực.

Đại úy Vũ Sinh gật đầu. Cậu ta quay đi, nhanh như sóc biến vào bóng tối của các mái nhà hắt xuống. Vũ Sinh đáp lời người đàn bà yêu dấu:

- Anh đây, Hoa ạ...

Hai người đứng sững trước mặt nhau, trong bóng tối. Cách họ vài bước chân, vệt sáng từ mọi khuôn cửa rọi tới, cùng với tiếng hò hét của đám người đánh cờ: "Lên mã, lên mã đi... Chặn con pháo lại, lót thẳng tốt hỉn kia cho rồi..."

Người đàn ông nghe rõ nhịp thở gấp gáp, dồn dập của người đàn bà. Và người đàn bà nghe rõ tiếng nuốt nước bọt khan trong họng người yêu. Dường như anh đang cố nuốt đi cái rằm nhức nhối mắc trong đó mà không sao nuốt được.

-Anh có biết em khổ nhường nào không" - Hạnh Hoa cất tiếng hỏi.

- Anh biết, anh biết... Anh cũng đang bị hành hạ đây. Cả tuần nay, anh ngồi viết kiểm thảo. Và...

Anh buông lửng câu nói. Người đàn bà hiểu rằng anh không muốn chị nghe anh kể lể về nỗi đau của mình. Nhưng bằng con mắt yêu thương, chị vẫn nhìn thấy trong bóng tối, gương mặt hốc hác của anh, hai quầng thâm dưới mắt vì những đêm mất ngủ, nếp nhăn đau đớn hằn trên mép, đám râu xanh trên má... Nỗi đau của anh làm nhẹ nỗi đau của chị.

Đại úy Vũ Sinh khẽ nói:

- Anh biết anh có lỗi với em... Cái câu chuyện kỳ cục ấy xảy ra, chẳng ai lường trước, chẳng ai chống đỡ được. Nhưng anh chỉ là của em thôi, dù có đi đến cái chết cũng vậy.

Giọng anh nói giống như những viên đá ném vào mặt trống. Mỗi lời, khiến trái tim người đàn bà run lên. Anh nói từ tốn, chậm rãi, không giống như bất cứ lời thề thốt nào, nhưng chị biết đó là sự thực.

Chị quên hết những lời day dứt, chua cay mà chị đã dành sẵn cho anh dọc đường đi. Đưa bàn tay lên, chị lần tìm khuy áo khoác của anh, luồn vào trong đó. Bàn tay lạnh giá của chị ấm dần vì hơi ấm của anh. Vì dưới bàn tay đó, chị thấy tim anh đập liên hồi, như một con cá giãy giụa khi vừa mắc lưới...

- Vào nhà đi em.

Anh nói, rồi đưa chị vào phòng khách. Phòng khách lạnh ngắt ngơ, không có gì ngoài một phích nước sôi. Anh pha chè cho chị uống, rồi bọc ấm chè nóng bỏng bằng một khăn bông lớn, chườm đôi chân lạnh giá của người yêu. Chị ngả người ra sau ghế, nhắm mắt lại vì mệt mỏi, vì đau khổ và vì thương yêu anh.

Hạnh Hoa phải trở lại Đoàn ngay ngày mai nên hai người không thể ngủ. Họ cứ ngồi trong phòng khách, để đèn sáng, để cửa thật rộng để tránh những điều nghi kỵ. Ngọn đèn dầu khêu hết bấc cháy rừng rực như ngọn đuốc, sáng một cách bất thường. Và hai kẻ yêu nhau ngồi đối diện qua chiếc bàn rộng thênh thang cũng là một cảnh tượng bất thường. Vẻ mặt họ căng thẳng như đang ngồi trước pháo đài chuẩn bi nổ súng chứ không phải ngồi tâm sự cùng nhau. Bốn giờ sáng, đại úy Vũ Sinh khoác áo khoác, lấy xe đạp đưa người yêu ra bến xe.

Dọc đường, trời bỗng đổ mưa. Hai người trú tạm vào một căn lều bán nước. Nhưng chiếc lều cũng dột và mưa cứ tuôn chảy tong tong xuống đầu họ. Đại úy Vũ Sinh mở hai vạt áo khoác, ôm tấm thân mảnh khảnh của Hạnh Hoa vào. Anh khép kín hai vạt áo lại, để hơi ấm của mình sưởi cho người yêu. Nước mưa nhỏ từ đầu anh xuống má, xuống cổ, theo những món tóc ướt đẫm. Hạnh Hoa ép mình vào bộ ngực rộng lớn của Vũ Sinh. Chị ngước mắt lên tìm môi anh. Họ hôn nhau. Khi dứt khỏi cặp môi xinh ấm áp của Hạnh Hoa, đại úy Vũ Sinh nhìn mưa đang rãi nước trắng xóa mặt đất và chính lúc đó, anh thấy nỗi buồn thấm thía trong lòng: Anh chỉ có thể giang vòng tay chở che ấp ủ cho người yêu trong cơn mưa này. Anh không thể chở che khi tai ương của cuộc đời dội xuống và ngay cả anh, chính anh, cũng có ai che chở được cho anh khỏi tai ương đó đâu"... Cái cuộc tình duyên bất hạnh của qúa khứ, sẽ còn treo thanh gươm trên cổ anh mãi, tới khi nào anh mới tránh được tai họa đó" Anh không biết được. Tương lai anh là một lớp sương mù.

- Anh...

Người đàn bà hiểu những suy nghĩ của anh. Cô cũng chung một ý nghĩ đó:

- Mình sẽ ra sao bây giờ hở anh"

Người đàn ông lập lại câu hỏi của người yêu như cái máy:

- Ra sao bây giờ"

Hạnh Hoa luồn bàn tay lên vai anh, nói:

- Thôi, chúng mình chia tay nhau vậy.

Người đàn ông bật lên:

- Không, không đời nào... không đời nào...

Anh cúi xuống, lập cập, hối hả hôn lên gương mặt Hạnh Hoa, lên mắt cô, lên môi cô, những nụ hôn điên cuồng như giông bão.

- Em cũng vậy, em cũng nghĩ như vậy... Không đời nào...

Người đàn bà thì thầm, giọng ngắt quãng giữa những nụ hôn dài, mãnh liệt tới ngạt thở. Bàn tay nóng ấm của cô níu sau cổ anh. Cổ áo anh ướt đẫm nước mưa, cả mái tóc dày cũng vậy.

Trên thế gian có những người đàn ông sinh ra để cho những người đàn bà yêu thương. Chỉ những người đàn bà đó thôi, không thể là kẻ nào khác. Khi họ đã gặp người đàn bà của họ, dẫu sét đánh họ cũng không thể buông rời. Tình yêu của đại úy Vũ Sinh với Hạnh Hoa như vậy, những phút ngắn ngủi gặp gỡ là những phút họ sống hối hả cuộc sống ái tình bị dồn nén trong khoảng cách xa. Ngoài những phút đó, họ chỉ bị đam mê của công việc lôi kéo. Một mối tình như vậy nếu thành công ngay thì sau đó, có thể còn có giây phút phai lạt, nhưng khi gặp trắc trở, nó kết thành một khối rắn chắc, không thể lay chuyển, không thể phá vỡ. Người đàn ông lỡ làng, và người đàn bà qua một lần thất vọng cùng lao vào mối tình say đắm, chân thực và mãnh liệt với tất cả sinh lực của họ. Từ buổi đưa Hạnh Hoa ra ga Vũ Sinh không gửi thư trực tiếp về Đoàn cho cô mà gửi về bà dì ruột của Hoa ở Hà Nội. Còn anh, anh không thể nhận thư của Hoa nên những điều muốn nói với anh, cô ghi cả vào nhật ký. Khi hai người gặp nhau, Hạnh Hoa đưa cuốn sổ cho người yêu xem.

Địa điểm họ gặp gỡ thường phải thay đổi luôn luôn. Những cuộc hẹn hò luôn luôn gặp khó khăn. Khi thì chuyến tàu đưa Hạnh Hoa lên với anh bị trễ ba giờ liền. Khi thì mô tô của Vũ Sinh mượn của trường dọc đường bị hỏng... Cả hai người đều phải tập thói quen kiên nhẫn. Không nỡ nào giận dỗi, trách móc nhau. Hoàn cảnh khắc nghiệt của mối tình khiến cả hai đều phải từ bỏ những nhu cầu bình dị nhất của những cặp tình nhân: một giây phút hờn dỗi, một buổi xem phim, nghe hòa nhạc, một món qùa tặng, những cử chỉ săn sóc thông thường như đơm chiếc khuy áo đứt, khâu lại đường chỉ may bị sứt hay đóng lại một bên guốc mất đế. Thời gian đối với họ là vàng ròng. Trong mỗi nụ hôn, đọng lại chất muối của nỗi gian truân và ý chí giành giật cuộc đời. Và trong mỗi ve vuốt êm dịu họ mang tới cho nhau, phải trả giá bằng những đêm trằn trọc, những giờ phút chờ đợi mỏi mòn trên bến xe đầy bụi, hoặc những nẻo đường hun hút gió... Đại úy Vũ Sinh thường ủ bàn chân nhỏ bé của người yêu trong tay mình, như người ta ấp ủ một con sẻ non. Anh nhìn chị với đôi mắt vời vợi mong ước:

Giá như họ có một khoảnh trời riêng. Giá như họ có một mảnh đất riêng và một mái nhà riêng. Không một ai, không một người nào tới được để gây phiền nhiễu. Không có ai ngoài gió...

Khi Hạnh Hoa hỏi anh đang nghĩ gì. Người đàn ông liền kể những ao ước của anh cho chị nghe. Người đàn bà cười, đặt tay lên vầng trán rộng của anh:

- Chẳng có chuyện ấy đâu. Chẳng bao giờ... Và tụi mình cứ khổ ải như thế này mãi thôi. Trừ phi...

- Sao cơ"

- Trừ khi bà vợ anh kiếm được một tấm chồng và làm đơn xin ly hôn lần thứ hai.

- Lần trước cô ta cũng kiếm được một anh chàng tên là Mộc. Đã hẹn cưới rồi mà không hiểu sao bỗng dưng lại trở cờ"...

- Vì chị ấy còn tiếc anh. Có thể còn tiếc cả cơ ngơi nhà cửa và hai đứa con.

- Vậy mình cứ bó tay chịu mãi"

- Em chắc là như vậy. Khi nào vợ anh biết giữ sĩ diện hoặc tìm được hạnh phúc thật của chị ấy, lúc đó chúng ta mới hết bị đầy ải...

Đại úy Vũ Sinh thở dài. Trong thâm tâm, anh cũng chắc chắn như vậy và mong ngày đó sẽ đến. Nhưng ngày lại ngày, tháng qua tháng, thời gian trôi trước mặt họ như dòng nước cuồn cuộn của con sông. Và cặp tình nhân cứ khắc khoải thương nhớ nhau, chờ đợi nhau. Chờ đợi một sự may mắn nào đó mà số phận run rủi, trao cho họ. Niềm hy vọng mong manh như những gợn mây the, chúng thoắt hiện rồi thoắt biến mất trên khung trời. Còn họ, tháng này qua năm khác, giữa những khoảng thời gian dài biền biệt xa cách, họ hối hả uống ngụm nước yêu thương cho đỡ cơn khát. Và hạnh phúc hiếm hoi tội nghiệp của họ, hiện lên nơi những cuộc hẹn gặp nhau trong chốc lát.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.