Hôm nay,  

Thư Phúc Đáp Của Tổng Trưởng Di Trú Úc & Quan Điểm Của Sàigòn Times

28/07/200100:00:00(Xem: 4180)
Trong loạt bài nhiều kỳ trình bầy về 10 điểm bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Sàigòn Times, hai tuần qua, chúng tôi đã viết bài nêu lên những điểm bất đồng của mình đối với bộ di trú cũng như ông tổng trưởng di trú Philip Ruddock quanh việc bộ di trú cấp chiếu khán nhập cảnh cho văn công Việt cộng vô Úc trình diễn, bất chấp sự phản đối hoàn toàn chính đáng của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc. Kết quả, ngày 18 tháng 7 vừa qua, tòa soạn Sàigòn Times đã nhận được thư của tổng trưởng Philip Ruddock, nêu lên những quan điểm dị biệt của ông đối với bài viết của báo Sàigòn Times.

Việc lên tiếng một cách mau lẹ của chính ông tổng trưởng Philip Ruddock đã chứng tỏ, bản thân ông cũng như bộ di trú Úc luôn luôn quan tâm một cách sâu xa và kịp thời giải thích đối với những thắc mắc, những suy tư, quan điểm, nguyện vọng của các tầng lớp, các cơ quan ngôn luận trong xã hội Úc, bất kể tầng lớp đó đông hay ít, cơ quan ngôn luận đó to hay nhỏ.

Sàigòn Times chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu xa và nhanh chóng của tổng trưởng Philip Ruddock, và sau đây, theo yêu cầu của ông tổng trưởng, chúng tôi xin dịch nguyên văn lá thư của ông để qúy độc giả cùng chia xẻ. Sau đó, chúng tôi cũng xin được mạnh dạn trình bầy cùng độc giả một số suy nghĩ về nội dung được nêu trong thư.

NGUYÊN VĂN BẢN DỊCH THƯ GỬI SÀIGÒN TIMES CỦA TỔNG TRƯỞNG DI TRÚ PHILIP RUDDOCK

Đề cập đến bài viết về những cuộc trình diễn tại Úc của văn nghệ sĩ hải ngoại được đăng trên báo Sàigòn Times số ra ngày 12 tháng 7, tôi thấy:

Úc Đại Lợi là một xã hội đa văn hóa trong đó nhiều người đã tìm đến như là một vùng đất hứa để thoát khỏi những xung đột, những rối loạn xã hội; và bắt đầu một cuộc sống mới, thoát khỏi những căng thẳng, những cơ cực mà họ phải gánh chịu trong giai đoạn trước khi tới Úc.

Úc Đại Lợi hậu thuẫn cho quyền tự do ngôn luận, tự do cá nhân, tự do tôn giáo và tự do chính trị. Nhưng hành xử những quyền tự do này không phải chỉ gói gọn trong việc không làm những điều có thể gây mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng, mà còn phải có tinh thần bao dung, lòng nhẫn nại, đối với quan điểm và niềm tin của những người khác.

Những cuộc thảo luận sôi nổi và lành mạnh trong phạm vi riêng cũng như công về những vấn đề liên quan đến lịch sử, kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn chương, trình diễn nghệ thuật, không những là đặc trưng của đời sống Úc Đại Lợi mà còn là phương thức nhằm hóa giải những ngộ nhận và xung đột.

Trong khi kỳ vọng, những khán giả khi đi coi biết rõ nội dung và nghệ thuật của buổi trình diễn, sẽ thưởng thức buổi trình diễn một cách thích thú, mọi người cũng vô cùng lo ngại nếu những cuộc trình diễn đó tuyên truyền cho sự phỉ báng hay kích thích sự xung đột trong khán giả tới mức độ dẫn đến sự rối loạn nghiêm trọng và đầy nguy hiểm.

Hiển nhiên, không phải bất cứ ai cũng thích tất cả những cuộc trình diễn tại Úc, dù là của nghệ sĩ trong nước hay ngoài nước. Tuy nhiên, ở một xã hội tự do dân chủ như Úc, tất cả mọi người đều có quyền phản đối và tảy chay những cuộc trình diễn mà họ không thích hoặc không chấp nhận bằng cách: không đi coi những cuộc trình diễn đó!

Trân trọng

The Hon. Philip Ruddock MP

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ LÁ THƯ CỦA TỔNG TRƯỞNG PHILIP RUDDOCK

Sau khi đọc thư của tổng trưởng Philip Ruddock, chúng tôi hiểu rõ hơn quan điểm của ông cùng những quan tâm của ông tổng trưởng và bộ di trú Úc. Nhưng bên cạnh một số điểm đồng ý với ông tổng trưởng, cũng có một số điểm, chúng tôi không hẳn đồng ý. Những điểm đó như sau.

1. Tinh thần khoan dung và lòng nhẫn nại, chấp nhận quan điểm và tư tưởng của người khác

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với tổng trưởng, hành xử những quyền tự do cá nhân như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, không phải chỉ gói gọn trong việc không làm những điều có thể gây mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng, mà còn phải có tinh thần bao dung, lòng nhẫn nại, đối với quan điểm và niềm tin của những người khác. Tuy nhiên, tinh thần bao dung và lòng nhẫn nại của cộng đồng Úc gốc Việt đối với quan điểm và việc làm của những người cộng sản Việt Nam bao giờ cũng phải có mức độ, và tùy thuộc vào một số yếu tố như sau.

Thứ nhất, quan điểm đấu tranh giai cấp bằng vũ lực, giành chính quyền bằng bạo lực, và lãnh đạo chính quyền bằng một thể chế độc tài, chà đạp mọi quyền tự do cá nhân, của chế độ cộng sản, hoàn toàn trái ngược với lòng yêu tự do của người Úc nói chung và cộng đồng Úc gốc Việt nói riêng. Đây là sự trái ngược giữa hai thái cực, và là sự trái ngược mà không thể khoan nhượng đối với cộng đồng người Việt tại Úc. Chính vì không thể khoan nhượng, không thể chấp nhận được những người cộng sản nên 200 ngàn người Việt đã phải lìa bỏ quê hương, đến Úc tỵ nạn cộng sản. Còn như nếu chúng tôi có thể khoan dung và chấp nhận được quan điểm của người cộng sản, có lẽ chúng tôi đã không phải lìa bỏ quê hương, của cải để vượt biển đến Úc tỵ nạn.

Chính phủ Úc đã khoan dung chấp nhận cho 200 ngàn người Việt tỵ nạn cộng sản định cư tại Úc, nay tổng trưởng lại khuyên 200 ngàn người đó phải có tinh thần bao dung, chấp nhận cộng sản trong khi trên thực tế, cộng sản Việt Nam không hề thay đổi bản chất, vẫn tiếp tục chà đạp các quyền tự do cá nhân, tiếp tục bắt bớ các vị tu sĩ, đóng cửa nhà thờ, chùa chiền, thiết tưởng lời khuyên đó rất khó lọt tai những người Úc gốc Việt.

Thứ hai, tinh thần bao dung và nhẫn nại của cộng đồng người Úc gốc Việt tùy thuộc vào bản chất tội ác mà người cộng sản đã gây ra cho đất nước, dân tộc VN và cho bản thân họ. Bao dung với một người ăn cắp, đốt nhà là điều có thể. Còn bảo bao dung với kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh thì sự bao dung đó đồng lõa với tự sát, đồng lõa với tội ác.

Lịch sử tang thương đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ qua, nhất là con số trên dưới 4 triệu người Việt Nam bị thảm sát trong cuộc chiến tranh VN, và thực trạng tham nhũng hối lộ, tụt hậu của Việt Nam hiện nay, rõ ràng là tội ác của những người cộng sản Việt Nam. Trong số 200 ngàn Việt hiện sinh sống tại Úc, nhiều người bị mất nhà cửa, của cải, thậm chí có cả thân nhân bị cộng sản giết trong thời cải cách ruộng đất, trong thời chiến tranh Việt Nam, trong thời đánh tư sản mại bản sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nhiều gia đình, số người thân đã chết trong tay cộng sản, trải dài suốt nửa thế kỷ. Bảo người Việt khoan dung và tha thứ đối với những tội ác khiến họ mất nhà cửa, của cải là điều có thể chấp nhận. Còn bảo người Việt khoan dung và tha thứ đối với những tội ác cộng sản giết chết những người thân yêu nhất của họ, chắc chắn là điều không có dễ dàng.

Lịch sử tư pháp tại Úc, tại mỗi quốc gia, cũng như thế giới cho thấy, nếu những tội phạm chiến tranh, như Himler, Goebel, Pol Pot, Pinochet, Milosevic... đã và đang phải đền tội, thì trong tương lai, những lãnh tụ cộng sản Việt Nam có tội ác đối với dân tộc Việt Nam cũng sẽ phải đền tội đối với lịch sử. Thực tế bất khả thực thi sự trừng phạt của công lý đối với những tội phạm cộng sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại thuần túy bắt nguồn từ sự bất lực tạm thời của dân tộc Việt Nam và quốc tế, tuyệt nhiên, không phải vì dân tộc Việt Nam và quốc tế quá sa xỉ và mù quáng trong sự bao dung và lòng tha thứ.

Thứ ba, tinh thần khoan dung lòng tha thứ của người Việt đối với cộng sản Việt Nam phải tùy thuộc thái độ hối cải và lòng ăn năn của người cộng sản trong hiện tại và tương lai.

Trong quan hệ xã hội cũng như trên căn bản luật pháp, sự tha thứ khoan dung bao giờ cũng đặt trên nền tảng bản chất của tội phạm nặng hay nhẹ; và thái độ của người phạm tội có chịu hối cải hay không. Như tôi đã trình bầy ở trên, tội lỗi của cộng sản Việt Nam vô cùng nặng nề, bất khả khoan dung. Vậy những tội lỗi đó có thể được khoan dung trên căn bản sự hối cả ăn năn của người cộng sản hay không" Câu trả lời ở đây chắc chắn là không. Nhìn vào những gì đang xảy ra tại Việt Nam hiện nay, ta sẽ thấy cộng sản Việt Nam vẫn không những không chịu hối cải mà còn tiếp tục gây nên những tội lỗi mới cho dân tộc Việt Nam. Trong khi cả thế giới lên án cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền, chà đạp quyền tự do tôn giáo, thì tại Việt Nam cộng sản vẫn tiếp tục bắt bớ, cầm tù, quản thúc các vị linh mục, hòa thượng, nghiêm cấm quyền thờ phụng, tế tự của người Việt Nam, bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của người dân.

Hiển nhiên, với tội ác ghê tởm của cộng sản trong quá khứ, cộng thái độ ngoan cố không chịu hối cả của cộng sản trong hiện tại, cộng đồng người Việt tại Úc khó có thể khoan dung và tha thứ. Chắc chắn ngài tổng trưởng cũng phải đồng ý, nếu những người cộng sản với những tội ác tày trời và thái độ ngoan cố bất khả hối cải mà còn được khoan dung, tha thứ, thì e rằng, chẳng có tội ác nào trên thế giới đáng bị trừng phạt, và như vậy thì thế giới này chẳng cần đến tòa án, nhà tù, cảnh sát... làm gì.

2. Sự lo ngại lớn lao nếu các cuộc trình diễn kích thích sự xung đột và mâu thuẫn trong cộng đồng

Trong lá thư, ở đoạn 4 tổng trưởng Philip Ruddock cho rằng, sẽ có "sự lo ngại lớn lao nếu những cuộc trình diễn đó khuyến khích sự khích bác, kích thích sự mâu thuẫn trong một bộ phận của khán giả tới mức độ dẫn đến những xung đột nghiêm trọng và đầy nguy hiểm" (it would be of great concern if such presentations promoted vilification or incitement of discord in a segment of the audience to the point where a significant and potentially dangerous disturbance resulted).

Thực tế, qua những buổi trình diễn của các đoàn văn nghệ sĩ tự Việt Nam sang, ta đều thấy sự hiện diện của cán bộ, công an cộng sản các cấp. Thậm chí, nhiều đảng viên cộng sản cao cấp trà trộn trong hàng ngũ văn nghệ sĩ. Sự hiện diện của cán bộ, đảng viên cộng sản vừa là để theo dõi văn nghệ sĩ, ngăn chặn không cho họ tiếp xúc với người Việt hải ngoại, hoặc xin tỵ nạn chính trị, vừa là để theo dõi, hù dọa cộng đồng người Việt tại Úc.

Ngoài ra, trong suốt thời gian qua, xung đột giữa người biểu tình và nhân viên trong đoàn văn công cộng sản cũng đã xảy ra. Thậm chí, tại Sydney, Melbourne, đã nhiều lần, nhân viên an ninh được cộng sản thuê mướn ngang nhiên hành hung đoàn biểu tình, và dẫn tới đổ máu. Trước thực tế này, chắc chắn các vị tổng trưởng di trú và nhân viên hữu trách trong bộ di trú phải có những lo ngại đặc biệt và phải có những sửa đổi thích ứng để giảm thiểu hoặc hóa giải những xung đột nguy hiểm đó.

Có điều, chúng tôi không hiểu, tại sao, trong thư, tổng trưởng Philip Ruddock lại cho rằng, một cuộc trình diễn "khuyến khích sự khích bác, kích thích sự mâu thuẫn trong khán giả" phải "tới mức độ dẫn đến những xung đột nghiêm trọng và đầy nguy hiểm"thì mới đủ để tạo nên sự lo ngại lớn lao"

Theo chúng tôi nghĩ, bất cứ cuộc trình diễn nào, chỉ cần có bằng cớ chứng tỏ có sự "khuyến khích sự khích bác, kích thích sự mâu thuẫn trong khán giả" là đủ để cho mọi người trong cộng đồng, trong đó có tổng trưởng, lo ngại. Nhất là trong mối tương quan như nước với lửa giữa cộng sản Việt Nam và cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc, thì sự quan tâm và lo ngại của bộ di trú và ông tổng trưởng càng phải đặc biệt hơn, có tính dự phòng nhiều hơn, chứ không thể đợi "tới mức độ dẫn đến những xung đột nghiêm trọng và đầy nguy hiểm" thì mới can thiệp thì e rằng quá muộn.

Thực tế, trong suốt thời gian ngót hai chục năm qua, bộ di trú Úc đã cho nhiều đoàn văn công cộng sản sang Úc trình diễn. Nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức, nhiều xung đột đã xảy ra, thậm chí có cả chuyện hành hung, đổ máu. Tuy nhiên, các vị tổng trưởng cũng như bộ di trú đã không theo dõi thường xuyên và sâu sát nên có lẽ không hề biết đến những biến cố đáng tiếc này. Nếu điều này là đúng sự thật thì trách nhiệm phải thuộc về bộ di trú.

Đồng ý, việc cho phép những đoàn văn công cộng sản sang trình diễn cho cộng đồng tỵ nạn cộng sản coi, trên phương diện nào đó, theo quan điểm của ông tổng trưởng được nêu trong thư, là tạo điều kiện hóa giải những dị biệt, xung đột. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện với 4 yếu tố. Thứ nhất, bản chất của cuộc trình diễn phải thuần túy văn học nghệ thuật. Thứ hai, cộng sản Việt Nam phải thực sự hối cải. Thứ ba, các quyền tự do căn bản của con người tại Việt Nam phải được cộng sản Việt Nam tôn trọng. Và thứ tư, phải có sự theo dõi của giới chức hữu trách trong bộ di trú và sự tham vấn giữa bộ di trú Úc với đại diện của cộng đồng người Úc gốc Việt ở cấp tiểu bang cũng như liên bang.

Việc tham khảo ý kiến cộng đồng, song song với việc theo dõi kịp thời những diễn biến của các buổi trình diễn, sẽ giúp cho ngài tổng trưởng có những quyết định thích hợp về nội dung trình diễn, thành phần nhập cảnh, và số lần trình diễn trong một năm nhiều hay ít.

3. Nếu không thích coi thì tốt nhất là đừng đi coi (The ultimate sanction against performances they do not like or approve: do not attend the performance)

Ở đoạn cuối của lá thư, ông tổng trưởng viết, "Hiển nhiên, không phải bất cứ ai cũng thích tất cả những cuộc trình diễn tại Úc, dù là của nghệ sĩ trong nước hay ngoài nước. Tuy nhiên, ở một xã hội tự do dân chủ như Úc, tất cả mọi người đều có quyền phản đối và tảy chay những cuộc trình diễn mà họ không thích hoặc không chấp nhận bằng cách: không đi coi những cuộc trình diễn đó!"

Theo chúng tôi nghĩ, trong một xã hội tự do dân chủ như Úc, quyền phản đối và tảy chay của mọi người đối với những cuộc trình diễn mà họ không thích hoặc không chấp nhận không phải chỉ gói gọn trong việc làm thụ động "không đi coi những cuộc trình diễn đó", mà còn có nhiều cách chủ động và tích cực hơn như biểu tình trong ôn hòa, viết thư tới những người hữu trách hoặc tới các quan ngôn luận trình bầy quan điểm, hoặc đến gặp các vị dân biểu đại diện cho dân nói lên tiếng nói bất mãn của mình, hoặc trực tiếp đối thoại với những người đứng ra tổ chức các cuộc trình diễn...

Phản đối những gì mình không thích, không chấp nhận bằng cách "không đi coi những cuộc trình diễn đó" là một việc vừa thụ động, lại vừa không giải quyết được vấn đề. Bên cạnh trách nhiệm lên tiếng phản đối, trình bầy nguyện vọng để giới hữu trách biết rõ lập trường của người Việt tỵ nạn cộng sản, chúng ta còn có bổn phận bảo vệ thế hệ trẻ Việt Nam, những người chưa có kinh nghiệm đau thương đối với cộng sản, tránh khỏi những nọc độc văn hóa mà cộng sản tuyên truyền trên đất Úc.

Sự phản đối của người Việt tỵ nạn cũng hợp lý không khác gì phản ứng của dân chúng Úc trước những phim ảnh đồi trụy trình chiếu tại rạp hoặc trên tivi. Rõ ràng, trước việc trình chiếu những phim ảnh khích động bạo lực, khêu gợi thị hiếu thấp hèn, dân chúng Úc không thể chọn giải pháp "không thích thì đừng coi".

Trong cương vị của một vị tổng trưởng đồng thời là một người đại diện cho dân, chắc chắn ông Philip Ruddock cũng không muốn cộng đồng người Úc gốc Việt có những phản ứng hoàn toàn thụ động "không thích thì đừng đi coi" đối với những cuộc trình diễn hậu quả từ những quyết định do ông phê chuẩn. Những phản ứng chủ động và tích cực của công dân Úc, trong đó có những người Úc gốc Việt, không những là yếu tố quan trọng góp phần duy trì và phát triển tinh thần tự do dân chủ của công dân trong xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng giúp giới chức hữu trách thực thi bổn phận của mình trong tinh thần trách nhiệm và liên đới.

Hữu Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.