HANOI (VB) - Bản văn sau đây do báo chui Đối Thoại từ Hà Nội gửi ra, do hai nhà trí thức thúc giục nhà nước canh tân gấp, chứ không sẽ mang tội với đất nước vì cơ hội có thể sớm mất.
***Nối kết tiếp tay tán phát cho đến khi tự do dân chủ thực sự có ở Việt Nam***
ĐỐI THOẠI - ĐỐI THOẠI - ĐỐI THOẠI (1 tháng 2 năm 2001) Đất nước Việt Nam ta đang ở đâu " và sẽ đi về đâu " Với tư cách với tư cách những người chủ đất nước có ít nhiều hiểu biết, sẵn sàng đối thoại, bàn bạc với những ai có ý thức trách nhiệm về những việc lớn của Dân tộc và Đất nước, hai nhà trí thức Trần Văn Khuê và Nguyễn thị Thanh Xuân đã viết và phổ biến tác phẩm "Đối thoại 2000" và "Đối thoại 2001" rộng rãi nhằm trao đổi thảo luận những vấn đề liên quan đến sống còn đất nước dân tộc một cách trung thực, Đối thoại số tháng này xin được trich đăng lại đây . Đừng "để lỡ chuyến tàu văn minh trí tuệ" để mang tội với đất nước, và nhớ rằng "không có sự dối trá nào qua nổi mắt của Nhân dân". Xin nhân dân và các bạn tiếp tay tán phát.
CHỚ ĐỂ LỠ CHUYẾN TÀU VĂN MINH TRÍ TUỆ !
Trần khuê - nguyễn thị thanh xuân
Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam ta đã bỏ lỡ mất chuyến tàu văn minh công nghiệp. Trung Quốc cũng lỡ, hầu như cả phương Đông bị lỡ, chỉ trừ có Nhật Bản. Minh Trị Thiên Hoàng cùng với tầng lớp trí thức và tầng lớp thương nhân Nhật đã đưa Nhật Bản kịp nhẩy lên chuyến tầu thế kỷ. Và Nhật Bản phát triển như thế nào ta đã thấy, cả mặt hay và mặt dở. Chẳng việc gì phải chúi vào mặt dở rồi quên việc học cái hay của thiên hạ. Họ cũng chẳng có phát minh sáng chế gì nhiều, cứ chăm chăm đi bắt chước cái hay của thiên hạ mà sau Thế chiến II trở thành siêu cường về kinh tế. Thua trận đến bại hoại gân cốt, thế mà lại vươn lên thành một siêu cường kinh tế, dám ngang ngửa với siêu cường Mỹ. Cùng là chịu ảnh hưởng văn hoá nho giáo Trung Hoa nhưng Nhật Bản thì biết tụng Vương Dương Minh "tri hành hợp nhất". Trí thức Nhật Bản có hẳn một trường phái gọi là Vương học, hễ gặp nhau thì đặt tượng Vương Dương Minh trước mặt một cách trang trọng, chắp tay vái rồi mới cùng nhau bàn chuyện quốc sự. Sau Vương học có Lan học, Fukuzawa học . . . các trường phái tán thành nhau, phản đối nhau trong một phong trào sôi nổi về học thuật để tìm ra một hướng đi cho dân tộc và đất nước Nhật Bản.
Trong khi đó vua Tự Đức và triều đình Huế nhà ta vẫn rung đùi xướng họa thơ đường luật, khuyến khích làm văn bát cổ, tụng rất kỹ những điều thi vân, tử viết, chỉ lo làm chệch Khổng Mạnh, Tống nho, Thanh nho; đưa Đổng Trọng Thư và Nhị Trình lên hàng chuẩn mực; chê bọn Tây dương là man di mọi rợ, trước sau vẫn giữ đạo thần phục Thanh triều, bỏ ngoài tai những lời trung thực, những kế sách cải cách đầy tâm huyết của những Bùi Viện, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ. Do đó triều Nguyễn đã đẩy đất nước vào con đường tụt hậu, nô lệ. Đến nỗi phải mất 117 năm bi tráng (1858-1975) với bao lớp người vùng lên ngã xuống mới giành lại được cơ đồ của ông bà tổ tiên nghìn xưa để lại.
Đến chuyến tầu văn minh trí tuệ của thế kỷ XXI này mà lại còn dùng dằng để lỡ thì hẳn giới lãnh đạo mang tội với đất nước ít nhất cũng ngang bằng triều Nguyễn.
Việt Nam Ta đang ở đâu " và sẽ đi về đâu "
Những câu hỏi có vẻ thừa nhưng vẫn không thể không đặt ra . Chẳng phải thế sao, từ vài ba ngàn năm nay nhân loại cứ vừa đi vừa băn khoăn tự hỏi: Ta là ai " Ta từ đâu tới " và Ta sẽ đi về đâu "
Không hề là triết gia hay các đấng bậc hiền triết, luôn luôn đau đời, đau đạo; cũng chẳng hề học thói Sào Phủ, nghe đến việc trị nước lại vội vã đi rửa tai; chúng tôi - cũng như các bạn - may mắn được sống trong buổi giao thời của thế kỷ và thiên niên kỷ, với tư cách những người chủ đất nước có ít nhiều hiểu biết, sẵn sàng đối thoại, bàn bạc với những ai có ý thức trách nhiệm về những việc lớn của Dân tộc và Đất nước.
Mấy chục năm liền, hồi còn sinh thời, Cụ Hồ không ngừng nhắc mọi người chớ quên rằng: nước ta là một nước sản xuất nhỏ. ấy thế mà rất nhiều người cứ quên cái đặc điểm rất to này .
Đến nay, vào cuối năm 2000, còn có ai không hiểu rằng nước ta vẫn là một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, xếp hàng thứ 8/13 nước nghèo nhất hành tinh. Một thời quanh ta là một phe XHCN hùng mạnh, đứng đầu là anh cả Liên Xô siêu cường, kế bên là anh hai Trung Quốc vĩ đại . Ta được tham gia KOMECOM và, theo đúng lời Lênin dạy ta yên trí rằng vì đã có các nước anh em trong phe giúp đỡ, ta có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không cần qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa . Đại hội IV và Đại hội V của Đảng ta thời đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ, mọi chuyện của đất nước đều được bàn thảo theo tinh thần này . Và đất nước rơi vào tình trạng trì trệ khủng hoảng như thế nào ta đều biết cả, miễn nhắc lại . Nhiều người nói không thể qui riêng trách nhiệm cho anh Ba vì chính Bác Hồ cũng đã lựa chọn con đường này .
Nhầm to! Họ không hiểu hết cái thâm ý của Cụ Hồ. Vào những năm cuối thập kỷ 50, thấy các đồng chí anh Cả, anh Hai lớn tiếng đả kích nhau là "xét lại", là "giáo điều", lo ảnh hưởng xấu đến công cuộc chống Mỹ Diệm, thống nhất Tổ quốc, Cụ đã hạ lệnh cắt tiếp vận hai đài Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Sau hai hội nghị quốc tế 81 Đảng và 12 Đảng ở Mạc Tư Khoa và sự kiện hai ông anh dàn quân bắn nhau ở biên giới, cộng với các sự biến Ba lan và Hunggari, thế là Cụ hiểu cả. Toàn phe rầm rập xã hội chủ nghĩa thì mình cũng xã hội chủ nghĩa . Chẳng kể "giáo điều" hay "xét lại", thế giới tư bản hay thế giới thứ ba, cứ ủng hộ Việt Nam chống Mỹ thì đều là bạn thiết của Việt Nam. Không phải vì kính yêu Cụ mà cố thanh minh, biện bác để tránh hoàn toàn mọi trách nhiệm cho Cụ.
Khi đất nước bị xâm lăng, Dân tộc bị nô lệ, Cụ phải rời quê hương để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi đọc luận cương của Lênin, Cụ rất mừng và nhận thức ra rằng muốn giải phóng dân tộc thì phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
Đây là một điểm nhiều người dễ nhận thức nhầm lẫn. Cụ Hồ có làm cách mạng vô sản cũng là nhằm mục đích giải phóng dân tộc. Như vậy con đường cách mạng vô sản hay ta thường gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa là phương tiện hay cứu cánh"
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và mạch chính của tư tưởng Hồ Chí Minh thì đối với Cụ lúc bấy giờ con đường cách mạng vô sản hay cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn chỉ là phương tiện để Cụ và toàn dân đạt tới mục đích giải phóng dân tộc. Với cụ Hồ, Cụ phải làm tất cả những gì cần làm, sử dụng tất cả phương tiện nào có trong tay, miễn là đạt được mục đích độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chẳng lẽ khi đã hoàn thành được sự nghiệp độc lập thống nhất rồi tất yếu phải xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà Cụ lại viết nhầm và dặn nhầm con cháu phải xây dựng một nước Việt Nam hoà bình độc lập thống nhất, dân chủ và giàu mạnh"
Trước 30/4/1975, ta phải giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đúng, hợp với tình thế. Từ 1960 đến 1975, miền Bắc ta đã làm cách mạng xã hội chủ nghĩa rồi, nghĩa là ta đã công hữu hoá, tập thể hoá, xoá sổ quyền tư hữu đúng như Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Mác và Ănghen. Và tình hình kinh tế, xã hội xấu đi như thế nào thì Đại hội VI của ta đã thừa nhận sai lầm và quyết định đường lối ĐỔI MỚI .
ĐỔI MỚI của Việt Nam ta thực chất là dân chủ hoá đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh để tránh sự trì trệ, sụp đổ và tạo ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước. Thực tiễn 15 năm đổi mới vừa qua đã xác nhận có dân chủ thì có phát triển. Lĩnh vực nào dân chủ nhiều thì phát triển nhanh, dân chủ ít thì phát triển chậm và mất dân chủ thì trì trệ, suy thoái .
Cho nên nói độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội cũng không sai nhưng lại dễ gây ra những sự ngộ nhận. Nhiều cán bộ, đảng viên cứ lo đổi mới mạnh mẽ thì mất chủ nghĩa xã hội . Họ đâu có hiểu rằng chính đổi mới một cách chập chờn sẽ làm cho lực lượng sản xuất phát triển chậm chạp, vô tình đã triệt tiêu những động lực khiến ta có thể tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội . Họ tưởng cứ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm chạp, đánh thuế nặng vào các trang trại, các doanh nghiệp tư nhân, tiếp tục bù lỗ cho các xí nghiệp quốc doanh, tiếp tục độc quyền về báo chí và xuất bản . . . là giữ vững được chủ nghĩa xã hội . Thực tế họ chỉ làm cho nhân dân thêm chán ghét chủ nghĩa xã hội . Mà nhân dân chán ghét chủ nghĩa xã hội là đúng! Chủ nghĩa xã hội gì mà lạ thế! Hợp tác xã thì có làm mà không có hưởng, phương án nổi phương án chìm, chỉ béo các vị quản trị tham ô . Xí nghiệp quốc doanh không sản xuất đủ hàng tiêu dùng, tư doanh sản xuất thì lại "kiểm tra hành chính", tịch thu gia sản rồi cho đi tù. Mậu dịch thì quầy hàng rỗng không, hỏi hàng gì cũng phải có tiêu chuẩn phân phối, cung cấp. Chế độ tem phiếu một thời đã sinh ra bao bất công, tệ nạn:
Tôn Đản là chợ vua quan
Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần
Chợ giời là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng.
(Ca dao mới)
Văn nghệ thì đua nhau minh họa chính sách. Báo chí thì tuyên truyền "ngô bổ hơn gạo", hướng dẫn bà con nông dân trồng khoai ụ, nuôi lợn bằng phân trâu . . . Phát biểu phê bình thủ trưởng thì bị chụp ngay cái mũ chống lãnh đạo .. Còn đã bị vu là "xét lại chống Đảng" thì đi tù, tù vô thời hạn, không cần xét xử.
Kể mãi cũng chẳng hết nhưng phải thấy rằng đó là những trò làm sai rồi đổ tiếng xấu cho chủ nghĩa xã hội . Chủ nghĩa xã hội mà Mác dự báo đâu có thấp kém, tồi tệ và dối trá như thế.
Bản thân chủ nghĩa xã hội Stalin đã là sai lầm và không thích hợp với Liên Xô . Khi được vận dụng vào một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta, nó càng không thích hợp và sai lầm thảm hại hơn. Do đó, trong tập "Đối thoại năm 2000", chúng tôi khẳng định chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Mác là tốt đẹp, đáng mong ước và nó chỉ có thể xẩy ra ở những nước thuộc trình độ G7. Còn ta hiện nay thì phải thực thi chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh không hề đối lập mà nó là một giai đoạn tất yếu phải trải qua trước khi tiến đến chủ nghĩa xã hội Các Mác. Tóm lại, Việt Nam ta vẫn đang là dân chủ cộng hoà chứ chưa phải cộng hoà xã hội chủ nghĩa . Ta vẫn đang tiếp tục làm cách mạng dân tộcđân chủ chứ chưa phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa . Ta phải nắm vững chuyên chính dân chủ nhân dân chứ không phải chuyên chính vô sản. Trong thực tế ta cũng chưa hề có giai cấp vô sản - một giai cấp công nhân đại công nghiệp đúng như khái niệm trong lý luận Mácxit. Ta thấy chủ nghĩa Mác-Lênin có nhiều cái hay, ta cứ học, cứ theo nhưng không được phép quên rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh tức là tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XX này mới đúng là nền tảng để chúng ta xây dựng, chúng ta suy nghĩ và hành động. Hơn nửa thế kỷ vừa qua xuất phát từ Hồ Chí Minh, theo Hồ Chí Minh và phải đến với Hồ Chí Minh. Như thế mới đúng là Việt Nam, mới đúng là: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!".
Chúng tôi tán thành ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu là cần phải giải thích rõ thế nào là chủ nghĩa xã hội và thế nào là định hướng XHCN"
Và thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa " Đây là một thuật ngữ mới được đặt ra từ sau Đại hội VI, nó không có tính chất khoa học. Một vài hội thảo đã thảo luận nhưng không có nhà nghiên cứu nào trình bầy có sức thuyết phục về vấn đề này, cũng không đi đến một kết luận nào rõ ràng dứt khoát mà dứt khoát và thuyết phục sao được khi bản thân thuật ngữ đó chứa đựng sự xung khắc như nước với lửa . Lâu nay các nhà lý luận của ta không dám dùng cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa nữa chính là vì lẽ này . Vì cơ chế thị trường là cơ chế thị trường chứ không thể dính thêm cái đuôi tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa . Nói một cách nôm na, đơn giản: thị trường có nghĩa là tự do mua bán, thị trường vận động theo những qui luật của nó (qui luật giá trị, qui luật cung cầu, qui luật cạnh tranh..v...v..) không thể can thiệp một cách thô bạo được. Ngay giai cấp tư sản vốn ham lợi nhuận và siêu lợi nhuận, muốn can thiệp mà cũng phải dừng lại . Họ muốn huỷ bỏ tự do cạnh tranh để tạo ra độc quyền kinh doanh. Độc quyền có hại cho người tiêu thụ và toàn bộ nền kinh tế tư bản, nghĩa là hại cho cả người kinh doanh. Do đó họ phải ra những đạo luật chống độc quyền. Chính sự sửa chữa sai lầm này đã cứu chủ nghĩa tư bản thoát khỏi tình trạng giãy chết, rồi tiếp tục phát triển. Còn một số nước trong phe ta vì không biết tuân theo qui luật, không biết tự điều chỉnh nên đã rơi vào tình trạng sụp đổ, sụp đổ với nhịp độ thần tốc nghĩa là chết không kịp giãy . Việt Nam ta vì đổi mới kịp thời nên thoát hiểm. Nhìn mặt tích cực, có cạnh tranh và phát triển thì ta mừng. Nhưng thấy mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, ta lại lo . Lo quá hoá ra dụt dè, nên ra tay can thiệp khiến cho nhiều mặt đang phát triển lại ngưng trệ. Lĩnh vực kinh doanh nào có sự độc quyền là y như người tiêu thụ kêu ca và lĩnh vực đó bị ngưng trệ. Do đó nhà nước ta mới đang lo chuyện phải soạn thảo và ban bố luật chống độc quyền. Làm như thế là hoàn toàn đúng qui luật. Tất nhiên ta phải lo tạo ra một môi trường pháp lý bảo đảm cho sự tự do cạnh tranh lành mạnh, chống sự chụp giật lừa đảo, trốn thuế, trốn sự kiểm soát của Nhà nước và người tiêu thụ. Đây đó lác đác thấy một vài bài báo tỏ ý lo ngại luật chống độc quyền sẽ ảnh hưởng đến sự chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước nghĩa là lo chệch hướng xã hội chủ nghĩa . Cũng chính những người suy nghĩ kiều này đã một thời lo "khoán" sẽ mất chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế đã chứng minh rằng "khi khoán hộ thì thấy chủ nghĩa xã hội không những không mất mà đi lên nhanh hơn" (Lê Khả Phiêu - Báo Tuổi trẻ chủ nhật số 2-1999). Thử hỏi có tới 67% giám đốc và tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước (nguồn: Bộ Tài chính) không biết đọc bản kết toán thì đáng sợ như thế nào " Vậy cứ ôm lấy các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn kém cỏi để tiếp tục bù lỗ cho đến bao giờ" Đó là chưa kể những trường hợp lãi vẫn cứ khai lỗ. Điển hình là công ty Điện lực, bao nhiêu năm được phép phụ thu rồi lại xin phép chính phủ cho tăng giá điện mà vẫn kêu lỗ. Điều tra ra mới thấy rằng các vị lỗ giả lãi thật. Vậy tiền lãi ấy đi đâu " Rõ ràng định hướng xã hội chủ nghĩa kiểu này thì chỉ béo bở cho một số người nào đó, còn nhà nước và người tiêu thụ đều bị thiệt hại .
Còn nói cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, mới nghe qua là rất hợp lý nhưng thực tế cho thấy một số rất đông vợ con các vị lãnh đạo, một mặt liên doanh, liên kết với các tư doanh trong nước và ngoài nước, mặt khác lại móc ngoặc với các cơ quan tổ chức ở Vụ này, Bộ khác để lũng đoạn thị trường và làm xáo trộn đời sống. Có chuyện nghe như bịa mà có thật: nhiều loại tân dược bị cấm sản xuất ở Pháp, công ty dược của họ phải chạy sang sản xuất ở ý nhưng không được phép tiêu thụ ở ý. Vậy mà Bộ Y tế của ta lại cho phép nhập các dược phẩm đó vào Việt Nam với số lượng lớn để cho dân ta có thể tiêu thụ thoải mái bắt chấp sức khỏe bị ảnh hưởng như thế nào " Nhiều thứ hàng khác cũng thế. Kinh hoàng hơn nữa là Tổng công ty xuất nhập khẩu sách báo dưới sự quản lý của Bộ Văn hoá lại độc quyền nhập khẩu luôn hàng chục công-ten-nơ sách báo phế thải, trong đó có cả những truyện tranh thiếu nhi cổ động cho tình dục và bạo lực. Cùng lắm là mấy cán bộ thừa hành ra toà, còn Bộ trưởng Văn hoá, Bộ trưởng Y tế vẫn vô can. Giá cả tăng vô tội vạ. Thuốc thang, sách báo độc hại nhập vô tội vạ, thế mà người ta vẫn lớn tiếng chủ trương quốc doanh phải giữ vai trò chủ đạo .