Hôm nay,  

Luật Pháp - Quốc Tế Công Pháp & Vụ Lý Tống Rải Truyền Đơn Tại Vn

13/01/200100:00:00(Xem: 9180)
Lời Giới Thiệu: Ngày 16 tháng 11 vừa qua, ông Lý Tống, cựu sĩ quan không quân quân lực VNCH đã thuê một chiếc máy bay tại Thái Lan, trực chỉ Việt Nam và rải truyền đơn, kêu mọi người đứng lên đấu tranh chống lại chế độ độc tài của cộng sản. Sau đó, ông bị chính quyền Thái Lan bắt giữ, và không đầy 5 ngày sau, ngày 21 tháng 11, chính quyền Thái Lan công bố sẽ đưa Lý Tống ra tòa xét xử về “tội không tặc”. Trong khi đó, cũng có những nguồn tin cho thấy, chính quyền cộng sản Việt Nam đã lợi dụng uy thế chính trị cùng mối bang giao với Thái Lan đã tìm cách đòi chính phủ Thái trao Lý Tống cho Hà Nội xét xử. Vì Lý Tống hiện là công dân Mỹ, đến Thái Lan mướn phi cơ rồi thực hiện việc rải truyền đơn chống CSVN ngay trên không phận của Việt Nam, nên vấn đề pháp lý quanh việc làm của ông Lý Tống vừa liên quan đến quốc tế công pháp, luật pháp của 3 quốc gia liên hệ, cùng những ảnh hưởng và mối liên đới về chính trị, ngoại giao giữa 3 quốc gia. Ngoài ra, cộng đồng người Việt hải ngoại, bên cạnh việc quyên góp tiền bạc cho qũy pháp lý Lý Tống, nếu biết vận động truyền thông các quốc gia sở tại, làm sáng tỏ việc làm chính nghĩa, thuần túy vì mục tiêu chính trị của ông Lý Tống, chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng quan trọng tới tiến trình xét xử Lý Tống tại Thái. Để có thể phần nào làm sáng tỏ những khía cạnh pháp lý phức tạp quanh việc làm của ông Lý Tống, mời qúy độc giả theo dõi bài phân tích sau đây của Luật sư Lê Đình Hồ.

Qua các phương tiện truyền thông tại hải ngoại, như các bạn đã biết vào ngày 16 tháng 11 năm 2000, ông Lý Tống, cựu phi công Việt Nam Cộng Hòa, đã thuê một chiếc phi cơ tại Thái Lan, bay vô Việt Nam rải truyền đơn. Sau khi thi hành sứ mạng chót lọt, ông bay trở lại Thái Lan, hạ cánh an toàn. Chẳng may, chính quyền Thái Lan biết được nên câu lưu ông ngay khi ông đặt chân xuống phi trường Thái. Mấy ngày sau, cơ quan tư pháp của Thái muốn truy tố ông Lý Tống về “tội không tặc”. Đây là một tội trạng hình sự nghiêm trọng, cả thế giới lên án. Yếu tố then chốt để cấu thành “tội không tặc” là bị cáo phải dùng võ khí, ngôn ngữ, hoặc hành động, đe dọa viên phi công, buộc viên phi công làm những việc trái ý muốn. Tuy nhiên, theo lời khai sơ khởi của ông Lý Tống, thì ông không hề cưỡng bức và cũng không hề mua chuộc viên phi công Thái. Trái lại, ông chỉ thuyết phục để viên phi công Thái tự nguyện làm theo lời yêu cầu của ông. Nếu lời khai của ông Lý Tống là đúng và luật sư của ông có thể thuyết phục tòa tin vào lời khai đó, thì “tội không tặc” mà ông bị cáo buộc sẽ bất thành.

Sau đây chúng ta thử lược sơ qua về luật pháp quốc tế đối với những hành động của ông Lý Tống cũng như thẩm quyền tư pháp của các quốc gia liên hệ theo luật pháp quốc tế hầu thấy được khía cạnh pháp lý của vấn đề.

“Thẩm quyền tư pháp” (jurisdiction) của các quốc gia được đề cập đến trong bài viết này là thẩm quyền tư pháp của Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Lý do mà chúng ta chỉ đề cập đến thẩm quyền tư pháp của 3 quốc gia vừa nêu là vì: Thứ nhất, Thái Lan là quốc gia mà trong đó ông Lý Tống đã mướn máy bay và bị cáo buộc rằng ông ta cưỡng bức vị phi công chuyển đổi đường bay để buộc đương sự bay vào không phận Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam là quốc gia mà ông Lý Tống không những chỉ vi phạm “không phận” (airspace) mà còn thực hiện những hành động đe dọa đến nền an ninh quốc gia của họ. Hành động rãi truyền đơn mà ông Lý Tống đã thực hiện là hành động mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không bao giờ muốn dung thứ vì cho rằng hành động đó đã làm phương hại và đe dọa đến nền an ninh quốc gia của họ, mặc dầu hậu quả của hành động đó đối với việc đe dọa nền an ninh quốc gia vẫn còn xa vời. Thứ ba, Hoa Kỳ là quốc gia mà ông Lý Tống mang quốc tịch.

Để có thể hiểu rõ về thẩm quyền tư pháp của các quốc gia liên hệ trong vụ Lý Tống, trong phạm vi hạn hẹp của bài này, chúng ta hãy lược sơ qua: (1) Các nguyên tắc về thẩm quyền tư pháp; (2) Lý do đòi được hành xử thẩm quyền tư pháp của các tòa án; (3) Quốc gia nào có quyền xét xử khi một người bị bắt giữ vì vi phạm luật pháp quốc tế.

1. Các nguyên tắc vềthẩm quyền tư pháp

Theo luật pháp quốc tế, bất cứ quốc gia nào cũng có “chủ quyền tối thượng về thẩm quyền tư pháp” (jurisdictional sovereignty). Chủ Quyền tối thượng về thẩm quyền tư pháp của một quốc gia tùy thuộc vào nhiều yếu tố riêng biệt của từng quốc gia chẳng hạn như phong tục, tập quán, lịch sử, địa lý, văn hóa, chế độ chính trị v.v.… để từ đó chính quyền sẽ thông qua những luật lệ thích hợp cho bối cảnh đó của quốc gia họ.

Dựa theo nguyên tắc này, một quốc gia có quyền thông qua bất cứ luật lệ nào mà quốc gia đó nhận thấy cần thiết trong việc phát triển và bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ cũng như mang lại an ninh, ấm no và hạnh phúc cho dân chúng của họ.

Vì thế, luật pháp của một quốc gia có quyền quy định bất cứ hình phạt nào đối với những cá nhân vi phạm luật pháp trên lãnh thổ của họ; thẩm quyền tư pháp này được gọi là “thẩm quyền tư pháp lãnh thổ” (territerial jurisdiction), đây là loại thẩm quyền tư pháp tuyệt đối. “Điều 2 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc” (Article 2 of the United Nations Charter 1945) cũng đã xác quyết về nguyên tắc này. Tuy nhiên, một quốc gia không thể ban hành các luật lệ cũng như các hình phạt để trừng trị những cá nhân trên lãnh thổ của một quốc gia khác, ngoại trừ có sự thỏa thuận giữa hai quốc gia liên hệ bằng một “hiệp ước dẫn độ” (a treaty of extradition).

Trong vụ SS Lotus (France kiện Turkey) 1927. Trong vụ này, chiếc tàu của Pháp (Lotus) đã đụng phải chiếc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ (Boz-Kourt) trong vùng biển “Địa Trung Hải” (the Mediterranean), chiếc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ bị chìm và 8 thủy thủ đã bị thiệt mạng. Vào lúc chiếc tàu của Pháp cập bến cảng Thổ Nhĩ Kỳ, viên thuyền trưởng đã bị bắt giữ và bị cáo buộc tội ngộ sát. Bằng sự thỏa thuận, hai bên tranh tụng đã đồng ý đưa vấn đề này ra trước “Pháp Đình Tư Pháp Quốc Tế” (Court of International Justice) để được xét xử. Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu Thổ Nhĩ Kỳ, khi hành xử thẩm quyền tư pháp về hình sự của họ để truy tố một công dân của Pháp, thì sự truy tố đó có trái nghịch với sự quy định của luật pháp quốc tế hay không" Tuy nhiên, tòa đã đưa ra phán quyết - bằng sự bỏ phiếu của vị chánh thẩm – rằng hành động truy tố của Thổ Nhĩ Kỳ không đi nghịch lại với sự quy định của luật pháp quốc tế.

Theo nguyên tắc về luật pháp quốc tế, một quốc gia không thể áp dụng luật pháp và hành xử thẩm quyền tư pháp của mình đối với những cá nhân, tài sản hoặc các hành vi xảy ra ngoài lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, việc từ chối xét xử này tùy thuộc vào thẩm quyền của quốc gia đó và tùy theo trường hợp của sự vi phạm.

Trong vụ này, vì sự kiện đã không xảy ra trên lãnh thổ của một trong 2 quốc gia tranh tụng, mà đã xảy ra trên lãnh hải quốc tế nên không một quốc gia nào có quyền hành xử thẩm quyền tư pháp mà cả hai đều có quyền xét xử.

2. Lý do đòi được hành xử thẩm quyền tư pháp của các tòa án

Thông thường, khi một sự vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra, chính phủ của các quốc gia liên hệ đều nêu ra lý do riêng biệt và cho rằng họ có quyền xét xử sự vi phạm đó. Trong một số trường hợp đặc biệt khác, bị cáo đã phản bác thẩm quyền tư pháp của quốc gia đang giam giữ đương sự, và khước từ thẩm quyền tư pháp của các tòa án đòi xét xử đương sự.

Lý do chính yếu của việc đòi được xét xử này tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên, trong phạm vi của bài nàychúng ta hãy xét đến hai yếu tố: (a) lãnh thổ; và (b) quốc tịch.

(a). Lãnh thổ: Theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bất cứ một quốc gia nào cũng có chủ quyền tối thượng về thẩm quyền tư pháp, vì thế tòa án của một quốc gia có quyền xét xử mọi vi phạm luật pháp xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia đó.

Trong vụ “Chính quyền truy tố Quản Đốc Nhà Tù BelMarsh” (R v Governor of Belmarsh Prison 1995). Trong vụ này, Hoa kỳ đòi dẫn độ Martin về Mỹ để xét xử đương sự về các tội khủng bố. Bằng chứng mà chính phủ Hoa Kỳ đã trưng dẫn là những lời đối thoại trong các cuộc điện đàm giữa những người đồng lõa tại Hoa Kỳ, trong các vụ khủng bố đó, và Martin tại Eire đã được nghe lén tại Florida. Martin khiếu nại rằng các bằng chứng đó không thể được chấp nhận trong việc thụ lý tại Anh Quốc liên hệ đến thủ tục dẫn đo đương sự về Mỹä, vì sự nghe lén các cuộc điện đàm là một sự vi phạm theo sự quy định của “Đạo Luật Nghe Lén về Truyền Thông” (The Interception of Communications Act 1985) ngoại trừ trước khi nghe lén cơ quan trách nhiệm phải theo đúng các thủ tục được yêu cầu, và cho rằng các nhân viên phụ trách về việc nghe lén các cuộc điện đàm tại Florida đã vi phạm luật pháp của Anh Quốc được quy định trong Đạo Luật vừa nêu. Tuy nhiên, tòa đã xử rằng ngôn từ được dùng trong Đạo Luật không thể được giải thích là các nhà lập pháp có ý định áp dụng các nguyên tắc luật pháp này để xét xử các cá nhân, không phải là thần dân của Anh Quốc, đã vi phạm các quy định của Đạo Luật khi các cá nhân này cư ngụ tại hải ngoại, vàsự vi phạm này xảy ra ngoài lãnh thổ của Anh Quốc.

(b) Quốc Tịch: “Quy Ước Hague” (Hague Convention), Điều 1 quy định rằng mỗi quốc gia có quyền quyết định theo luật pháp của chính mình ai là công dân của mình. Luật lệ này sẽ được thừa nhận bởi các quốc gia khác nếu phù hợp với các quy ước quốc tế, tập quán quốc tế, và các nguyên tắc được thừa nhận liên hệ đến quốc tịch. Điều 2 quy định rằng bất cứ vấn đề nào liên hệ đến việc liệu một cá nhân có thủ đắc quốc tịch của một quốc gia nào đó hay không sẽ được quyết định theo luật pháp của quốc gia đó.

Trong vụ Nottebohm (Leichtenstein Kiện Guatemala) 1955, Tòa Aùn Quốc Tế đã đưa ra ý kiến rằng các quốc gia có chủ quyền sẽ tự ấn định bằng đạo luật về các nguyên tắc liên hệ đến việc thủ đắc quốc tịch và việc cho một người nhập tịch quốc gia mình. Trong lãnh vực này luật pháp quốc tế không can thiệp vào. Vì thế, quốc gia có thể hành xử thẩm quyền tư pháp đối với các công dân của mình bất luận là hành vi phạm pháp đó xảy ra ở đâu như đã được xét xử trong vụ Earl Russel [1901], khi các yếu tố của sự vi phạm đã xảy ra tại hải ngoại.

Thực ra, các quốc gia có khuynh hướng hành xử “thẩm quyền tư pháp ngoại biên” (extraterritorial jurisdiction) này chỉ khi nào sự vi phạm có tính cách trầm trọng. Sự nới rộng thẩm quyền tư pháp này đã căn cứ vào quốc tịch của bị cáo trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như đã được xét xử trong vụ Joyce v Director of Public Prosecutions [1946]. Trong vụ này, bị cáo tuyên bố rằng đương sự đã tuyên thệ trung thành với Hoàng Đế của Anh Quốc, mặc dầu đương sự đã làm sổ thông hành của mình một cách bất hợp pháp và đã giao nộp lại cho chính quyền vào năm 1940.

Thực tế, các quốc gia thường để các tòa án của chính quyền sở tại xét xử các công dân của mình khi họ vi phạm luật pháp trên lãnh thổ của các quốc gia đó.

Trong vụ Liangsiriprasert v United States Government [1990], nhân viên mật vụ Hoa Kỳ đã thuyết phục một người Thái buôn lậu bạch phiến tham dự phiên họp tại HongKong. Vào lúc đến tham dự người Thái này đã bị bắt, và chính quyền Hương Cảng đã đồng ý về việc Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ người Thái này về Mỹ để xét xử. Bị cáo đã tranh cãi rằng việc Hong Kong bắt giữ bị cáo là bất hợp pháp vì tội đồng lõa về việc buôn bán bạch phiến đã xảy ra ngoài lãnh thổ của Hương Cảng và không có hành động công khai nào đã xảy ra tại HongKong, vì thế đương sự không vi phạm luật pháp HongKong và HongKong không có thẩm quyền bắt giữ và đểù cho Hoa Kỳ dẫn độ đương sự.

Tuy nhiên, tòa đã đưa ra phán quyết giờ đây tội hình sự đã được thiết lập trên tầm mức quốc tế, mặc dầu sự đồng lõa đã được thực hiện tại Thái Lan với ý định vi phạm hình sự về việc buôn bán bạch phiến tại HồngKông, vì thế Hồng Kông có thẩm quyền tư pháp về tội đồng lõa đo,ù dù chưa có hành động công khai nào về tội đồng lõa đó xảy ra tại Hồng Kông.

3. Quốc gia nào có quyền xét xử khi một người bị bắt vì phạm luật quốc tế

Ngoại trừ sự xét xử khuyết tịch, việc hành xử thẩm quyền tư pháp tùy thuộc hoàn toàn vào sự có mặt của bị cáo trên lãnh thổ của quốc gia có quyền xét xử. Có nhiều vụ kiện mà trong đó bị cáo đã bị cưỡng buộc chuyển từ một quốc gia này đến một quốc gia khác để được xét xử. Việc này có thể xảy ra ngoài ý muốn của quốc gia đang giam giữ bị cáo, hoặc có thể xảy ra do sự lạm dụng hiệp ước dẫn độ đã được ký kết giữa 2 quốc gia.

Trong những trường hợp này, vấn đề được đặt ra là liệu tòa án của quốc gia đang giam giữ bị cáo có phản đối quốc gia kia về sự vi phạm thẩm quyền tư pháp lãnh thổ hay không, hoặc liệu tòa án của quốc gia đang giam giữ bị cáo có biết được rằng quốc gia kia đã không làm đúng theo những quy định trong hiệp ước dẫn độ hay không.

Trong vụ State v Ebrahim (1991), bị can là công dân Nam Phi bị cáo buộc về “tội mưu phản” (treason). Đương sự đã bị bắt cóc từ Swaziland và được chuyển đến Nam Phi bởi các nhân viên tình báo của chính quyền Nam Phi. Hành động này đã vi phạm luật pháp quốc tế, vì đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Swaziland, mặc dầu Swaziland không đưa ra lời phản đối chính thức nào. Bị can đã kháng án chống lại sự kết tội với lý do là các tòa án của Nam Phi không có thẩm quyền để xét xử vì đương sự đã bị đưa ra trước tòa do bởi sự vi phạm luật pháp quốc tế. Tối Cao Pháp Viện Nam Phi đồng ý với sự tranh cãi này và tha bổng bị cáo.

Trong vụ United States v Alvarez- Machain (1992), bị cáo là một công dân Mễ Tây Cơ. Đương sự bị bắt cóc tại Mễ và được chuyển đến Hoa Kỳ. Đương sự bị cáo buộc về tội bắt cóc và giết một nhân viên của “Sở Bài Trừ Bạch Phiến” (US Drug Enforcement Agency). Vụ truy tố đã bị bác bỏ bởi tòa sơ thẩm với lý do là việc bắt cóc bị can là vi phạm hiệp ước dẫn độ giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện đã cho rằng việc bắt cóc đã không vi phạm hiệp ước dẫn độ đó, và rằng mặc dầu sự bắt cóc có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế – “sự vẹn toàn lãnh thổ của Mễ Tây Cơ” (the territerial integrity of Mexico) – nhưng tòa án của Hoa Kỳ vẫn có quyền xét xử bị cáo.

Trong vụ R v Horseferry Road Magistrates’ Court, ex parte Bennett [1993]. Trong vụ đó, Bennett là một công dân của New Zealand đang bị truy lùng tại Anh về tội lường gạt. Bennett đang ở tại Nam Phi và cảnh sát Anh Quốc đã yêu cầu cảnh sát Nam Phi dùng võ lực và đưa Bennett sang Anh Quốc. Điều này đã được thực hiện. Giữa Anh Quốc và Nam Phi không có một hiệp ước dẫn độ nào cả, mặc dầu theo Đạo Luật về việc Dẫn Độ của Anh Quốc 1989 thì giữa 2 chính phủ có thể sắp xếp sự dẫn độ đặc biệt. Tối Cao Pháp Viện của Anh Quốc đã xử rằng việc cưỡng buộc bị cáo ra hầu tòa bằng võ lực, trong trường hợp này, là một việc làm vi phạm luật pháp quốc tế vì thế tòa đã bác bỏ sự truy tố.

Dựa theo các nguyên tắc về luật pháp quốc tế cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn, chúng ta có thể suy đoán được rằng ông Lý Tống sẽ bị xét xử tại các tòa án của Thái Lan về tội không tặc, vì Thái Lan sẽ hành xử thẩm quyền tư pháp lãnh thổ của họ để xét xử vụ nàyï. Tuy nhiên, theo lời khai thì ông đã được viên phi công giúp đỡ để thực hiện công việc rải truyền đơn trên lãnh thổ của Việt Nam, và rằng ông hoàn toàn không hề cưỡng bức viên phi công người Thái thay đổi đường bay để vào rải truyền đơn trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu viên phi công người Thái khai đương sự bị ông Lý Tống cưỡng bức và buộc phải thay đổi hướng bay thì bồi thẩm đoàn hoặc vị chánh thẩm phải xét xem nên tin vào lời khai nào trong hai lời khai trái nghịch này.

Thẩm phán tọa xử hoặc bồi thẩm đoàn sẽ xét xem liệu một viên phi công bình thường có thể làm những công việc xuẩn động đó hay không" Để có thể xét nghiệm điều này tòa sẽ xét xem tình trạng gia đình, tuổi tác cùng những sinh hoạt chính trị và xã hội của viên phi công đó trong hiện tại cũng như trong quá khứ cùng những yếu tố khác.

Riêng luật sư của ông Lý Tống, để có thể chống lại tội trạng ông Lý Tống bị cáo buộc, luật sư phải trưng dẫn được bằng chứng để thuyết phục được vị thẩm phán tọa xử hoặc bồi thẩm đoàn rằng việc bay vào không phận Việt Nam là một việc làm tự nguyện của viên phi công người Thái. Nếu viên phi công người Thái này là một thanh niên trẻ có lý tưởng, cảm thông cho nỗi thống khổ và lý tưởng của một đồng nghiệp đã và đang theo đuổi v.v. là một trong những lý do để biện minh cho sự vô tội của ông Lý Tống.

Chính quyền Việt Nam không thể yêu cầu Thái Lan trao Lý Tống cho họ để họ xét xử được, dù giữa 2 quốc gia đã ký kết hiệp ước dẫn độ. Việc này chỉ có thể xảy ra nếu ông Lý Tống đột nhập vào Việt Nam bằng đường bộ qua ngả Thái Lan để thực hiện các vi phạm hình sự nghiêm trọng rồi sau đó trở về Thái Lan để ẩn náu, và rằng giữa Thái Lan và Việt Nam có những quan hệ ngoại giao và kinh tế quan trọng mà cả 2 nước nhận thức được rằng không thể để đổ vỡ hậu quả từ những việc làm của Lý Tống.

Riêng chính phủ Hoa Kỳ chỉ lên tiếng là sẽ can thiệp để ông Lý Tống được thụ hình tại Hoa Kỳ sau khi được tòa án Thái Lan xét xử. Lời thỉnh cầu này chắc chắn sẽ được thỏa mãn.

Tạm thời, vì sự việc còn quá mới mẻ nên tòa án Thái Lan chưa thể đưa vụ này ra xét xử, vì một hình phạt không thích hợp sẽ làm mất lòng cho một trong hai quốc gia – Hoa Kỳ hoặc VN. Hy vọng thời gian sẽ làm cho dư luận lắng đọng và chắc chắn rằng ông Lý Tống sẽ sớm được phóng thích để trở về Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.