Hôm nay,  

Hệ Thống Học Vị Và Học Hàm Khoa Học Ở Vài Nước Tây Phương - Phần I

13/01/200100:00:00(Xem: 6945)
Đối với sinh viên và giới khoa bảng, bằng cấp đại học hay học vị vừa là cứu cánh vừa là phương tiện. Là sinh viên đang miệt mài trong các trường đại học hay cao đẳng, mục tiêu và cũng là ước mơ thực tế nhất là được tốt nghiệp, được cấp mảnh giấy có ghi tên mình kèm theo một cụm từ phản ánh tầm cỡ học lực mà mình mới hoàn tất. Vì thế, bằng cấp là một phần thưởng cho sự học tập, một bằng chứng về khả năng chuyên môn. Hơn nữa, bằng cấp còn là một "giấy giới thiệu" để được kếp nạp vào các đoàn thể của những người có học (learned people), một "giấy thông hành" để được thu nhận vào nghiên cứu khoa học. Đối với người đang làm việc, bằng cấp là một phương tiện để tiến thân trong các nấc thang sự nghiệp. Đối với một quốc gia, số lượng dân với bằng cấp đại học là một chỉ số về trình độ dân trí, và một thước đo về sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Chưa có ai làm thống kê để biết có bao nhiêu loại bằng cấp trên thế giới, nhưng ai cũng đồng ý một điều là bằng cấp, đặc biệt là ở bậc đại học, cực kỳ phức tạp và phong phú. Chỉ riêng ở Mỹ, đã có ước đoán cho rằng các đại học Mỹ hàng năm cấp hơn 3000 loại bằng cấp khác nhau! Ngày nay, hàng năm chỉ riêng các trường đại học ở Mỹ cho ra trường khoảng 1,14 triệu cử nhân, 420 ngàn cao học và 18 ngàn tiến sĩ.

Với một số lượng bằng cấp khổng lồ và đa dạng như thế, chẳng trách nhiều người trong chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn về tên gọi của chúng. Cộng thêm vào đó là những quảng cáo của nhiều người trên báo chí Việt ngữ, hoặc vô tình hoặc cố ý, làm cho vàng thau lẫn lộn. Nhiều tên bằng cấp đã xuất hiện trên mặt báo như "Cao học I", "Cao học II" (ở hải ngoại), "Tiến sĩ đệ tam cấp", "Phó tiến sĩ" và "Thạc sĩ" (ở trong nước). Vậy, những văn bằng này khác nhau như thế nào và chương trình huấn luyện ra sao" Bài viết này sẽ trình bày một cách khái quát hệ thống bằng cấp và chức vụ khoa bảng ở một vài nước Tây phương mà người viết đã có kinh nghiệm làm việc thực tế hay có tìm hiểu, với hy vọng là sẽ làm, hay góp phần làm, sáng tỏ được vài thắc mắc thầm kín mà tôi tin là nhiều đồng hương đã và đang có. Cố nhiên, vì tôi được đào tạo hay làm việc khoa học trong hệ thống giáo dục Anh, Úc và Mỹ, những bằng cấp của các nước này sẽ được bàn kỹ hơn những bằng cấp ở các nước khác. Qua bài viết này, tôi hy vọng bạn đọc sẽ bổ sung thêm hệ thống bằng cấp ở các nước Âu châu cho hoàn chỉnh và đầy đủ hơn.

Ngược dòng lịch sử

Hệ thống bằng cấp đại học ngày nay được bắt nguồn và mô phỏng từ hệ thống văn bằng của hai trường đại học cổ kính ở Âu châu vào thế kỷ 13: Trường Đại học Paris ở Pháp (thành lập vào năm 1170) và Trường Đại học Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158). Theo bộ luật La Mã (Roman Law), vào thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là Magistrates (mà tôi tạm dịch là "Thầy"). Vào thời kỳ này, người được nhận vào phụ giảng được gọi là Bachalari. Vào cuối thế kỷ 13, Trường Đại học Paris thay đổi học vị này thành Baccalauréat. Lúc bấy giờ, văn bằng Baccalauréate hay Bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã (i)thi đỗ khóa thi do các các "Thầy" đặt ra; và (ii) đã học xong một chương trình giáo khoa 4 năm về ngữ pháp (grammar), tu từ học (rhetoric) và logic. Sau khi xong văn bằng Bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình Master hay Doctor. Và sau khi đã xong chương trình học Master hay Doctor (khoảng 8 năm học), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors.(1) Sự kếp nạp này cũng là một "chứng chỉ" cho người nhận được hành nghề dạy đại học.

Lúc bấy giờ, những danh xưng như Master, Doctor và Professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: họ hành nghề dạy học. Vào thế kỷ 13, những người dạy học tại Trường Đại học Bologna, lúc đó là trung tâm huấn luyện về luật pháp bên Âu châu, được gọi là Doctor. Trong khi đó ở Trường Đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là Master.

Sự bình đẳng giữa Master và Doctor bị chấm dứt ở Anh và Mỹ, nơi mà văn bằng Doctor sau này được đánh giá cao hơn văn bằng Master. Ở Anh, hai trường Đại học Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge (thành lập vào khoảng 1209) được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của Trường Đại học Paris; do đó, các nhà khoa bảng các môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là "Master", trong khi các đồng nghiệp của họ trong các môn học như triết lý, thần học, y học, và luật được gọi là "Doctor". Ngày nay, các tên bằng cấp như "Master of Arts" và "Doctor of Philosophy" có nguồn gốc từ sự phân chia này.

Ở Mỹ, Trường Đại học Harvard được thành lập vào năm 1636, với cơ cấu tổ chức được mô phỏng hoàn toàn theo hệ thống đại học ở Anh Quốc. Lúc đó, văn bằng Baccalaureate là văn bằng duy nhất được cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Sau đó vài năm, văn bằng Bachelor of Arts (B.A.) được cấp cho sinh viên sau khi đã hoàn tất 4 năm theo học và qua một kỳ thi tốt nghiệp. Năm 1831, trường Harvard cho mở thêm chương trình học dẫn tới văn bằng Bachelor of Science (B.S.). Một năm sau đó (1852), trường đại học Yale cho ra đời chương trình học 3 năm dẫn đến văn bằng Bachelor of Philosophy (B.Phil.).

Đầu thế kỷ 19, bốn sinh viên của Mỹ là Edward Everett, George Ticknor, George Bancroft và Joseph Green Cogswell được cử sang du học tại Trường Đại học Gottingen (Đức), và sau khi trở về Mỹ họ trở thành giáo sư ở Trường Đại học Harvard. Bốn người này đã có nhiều ảnh hưởng trong việc hình thành một hệ thống giáo dục sau đại học tại Mỹ. Ôạng Everett sau này được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Đại học Harvard. Năm 1853, Trường Đại học Michigan, với cơ cấu tổ chức theo mô hình của Đức, đã quyết định đưa vào chương trình Master of Arts (M.A.). Sau đó 7 năm, Trường Đại học Yale (thành lập năm 1701) bắt đầu cấp văn bằng Doctor of Philosophy (Ph.D.). Nhưng hệ thống sau đại học thực sự mang tính "Mỹ" được bắt đầu khi hai Trường Đại học John Hopkins được thành lập vào năm 1876, và Chicago vào năm 1890, với chủ trương chỉ dạy chương trình sau đại học.

Hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học hiện đại

Có thể nói phần lớn hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học trên thế giới ngày nay được hình thành theo mô hình tổ chức của bốn nước (theo thứ tự): Pháp, Đức, Anh, và Mỹ. Các nước này có ảnh hưởng lớn đến nền giáo dục hiện đại ở các nước khác trên thế giới, kể cả Việt Nam, hoặc qua các chính phủ thuộc địa, chinh phục bằng quân sự và kinh tế, hoặc qua truyền giáo.

Nói một cách khái quát, sau 5 năm ở bậc tiểu học và 7 năm ở bậc trung học, học sinh có khả năng hay thích theo đuổi tiếp sự nghiệp học hành có thể ghi danh hay thi vào các trường cao đẳng hay đại học để học thêm. Dù có sự khác biệt về quy mô, tổ chức, quy định, và tiêu chuẩn giữa các quốc gia, nhưng nói chung hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học có thể chia làm ba hình thức chính mà tôi tạm đặt tên là: cao đẳng, đại học, và sau đại học.

Ở bậc "cao đẳng" (có khi được dịch là đại học cộng đồng) gồm các trường và cơ sở có chương trình huấn luyện thực tiễn, nhắm vào mục đích đào tạo thợ hay cán sự có tay nghề cao, hay chuyên viên kỹ thuật lành nghề. Các chương trình này thường kéo dài trong vòng 2 tới 3 năm. Chương trình dạy học ở các trường này đã bị nhiều nhà giáo dục chỉ trích gay gắt là quá thực tế và thiếu tiêu chuẩn khoa bảng. Tuy vậy, các trường này cũng được sự ủng hộ của nhiều người vì nó đem lại cơ hội cho những học sinh không đủ khả năng theo đuổi các chương trình ở bậc đại học. Hệ thống giáo dục cao đẳng của Mỹ đã được một số nước như Úc, Gia Nã Đại, Nhật và Phi Luật Tân mô phỏng theo. Ở Mỹ, các trường đảm nhận các chương trình huấn luyện hệ cao đẳng thường được gọi là "Community College" (hay còn được gọi là "Junior College")(2), và ở Úc, các trường này thường được gọi là "Technical College".


Cao hơn hệ cao đẳng là hệ thống giáo dục đại học (Undergraduate university education) nhằm mục tiêu đào tạo các chuyên viên có trình độ lý thuyết căn bản tương đối cao trong mọi lĩnh vực, như kỹ sư, luật sư, bác sĩ, kinh tế gia, nghệ sĩ, v.v... Tùy theo môn học, để theo học các chương trình này, học sinh thường phải mất từ 3 đến 6 năm.

Sau cùng là chương trình giáo dục sau đại học nhắm vào mục tiêu đào tạo những nhà khoa học và kỹ thuật có trình độ chuyên môn vừa sâu vừa cao, và những giáo sư, những nhà nghiên cứu tương lai cho các trường đại học hay cơ sở nghiên cứu. Trong các chương trình sau đại học này, học sinh phải vừa học tập, vừa nghiên cứu từ 2 năm đến 10 năm, tùy theo ngành nghề chuyên môn.

Phần đông các cơ sở huấn luyện bậc đại học và sau đại học thường mang tên "University". Tuy nhiên, một số trường danh tiếng, do truyền thống và lịch sử khi thành lập, vẫn duy trì những tên gọi cũ như College (chẳng hạn như Darmouth College, Mỹ), Institute (như Massachusetts Institute of Technology, Mỹ), hay thậm chí School (như London School of Economics, Anh).

Vấn đề tên gọi trở nên khá rắc rối khi chữ "College" được dùng để gọi một phân khoa trong đại học và thậm chí một trường trung học. Thật vậy, trong một số (không nhỏ) các trường đại học ở Mỹ, Anh và Úc, một số phân khoa được gọi là "College" (thay vì "Faculty"). Các trường đại học lớn và lâu đời như Oxford và Cambridge (Anh) có nhiều trường "Colleges" như là những phân khoa chuyên môn trong hệ thống tổ chức nội bộ. Ở Anh, một số trường tuy đào tạo chương trình đại học, nhưng không có quyền cấp bằng, được gọi là "University College"(3).

Ở Anh và Úc, một số trường trung học tư thục (như Eton và Winchester) cũng có tên là "College"! Điều này đã gây ra một hiểu lầm sự khác biệt giữa College là một trường trung học và College là một trường đại học trên mặt báo gần đây ở trong nước(4).

Càng phức tạp hơn, khi chữ "College" còn dùng để chỉ một số cơ sở huấn luyện sau đại học (phần lớn là y khoa), tuy không chính thức cấp văn bằng, nhưng là những trung tâm đào tạo và chứng nhận trình độ kỹ năng nghề nghiệp, như Royal College of Surgeons, Royal College of Radiologists, Royal College of General Practitioners, v.v... Những "trường" này thực ra chỉ là những đoàn thể chuyên môn (hoàn toàn độc lập với các trường đại học), nhưng thí sinh muốn trở thành thành viên của các trường này đều phải trải qua một kỳ thi tuyển rất khó khăn và có tính cạnh tranh cao.

Hệ thống bằng cấp bậc cao đẳng và đại học

Ở mỗi bậc cao đẳng, đại học và sau đại học, có nhiều văn bằng khác nhau được cấp cho các học sinh tốt nghiệp hay đã đạt được một số tiêu chuẩn được đề ra trong một số ngành nghề. Ở hệ thống cao đẳng ("Community College"), sau hai năm học và đủ điểm tốt nghiệp, học sinh được cấp văn bằng "Associate" (5), như Associate in Arts, Associate in Applied Science, Associate in Business Adminstration, v. v...

Ở hệ thống đại học, văn bằng "Bachelor" (tức "Cử nhân") thường được cấp cho học sinh sau khi đã hoàn tất chương trình học. Hai bằng Bachelor of Arts (B.A.) và Bachelor of Science (B.S. ở Mỹ hay B.Sc. ở Anh) vẫn là hai bằng cấp thông dụng nhất(6). Ngoài hai văn bằng chung này ra, còn có nhiều văn bằng với những tên rất cụ thể như Bachelor of Engineering (Cử nhân Kỹ thuật), Bachelor of Architecture (Cử nhân Kiến trúc), Bachelor of Medicine (Cử nhân Y khoa), Bachelor of Nursing (Cử nhân Điều dưỡng), Bachelor of Economics (Cử nhân Kinh tế), Bachelor of Jurisprudence (Cử nhân Luật học), v.v... Ngày nay, với đà tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, đã có hơn 600 loại bằng cử nhân trong các môn học khác nhau được cấp bởi các trường đại học ở Mỹ!

Hệ thống bằng cấp bậc sau đại học

Ở hệ thống cao đẳng và đại học, hệ thống văn bằng khá đơn giản, nhưng ở bậc hậu đại học thì hệ thống văn bằng rất phức tạp và có sự khác nhau giữa các quốc gia, không những về tên gọi, danh xưng, mà còn ở tiêu chuẩn và phương cách đào tạo.

Graduate Diploma: Đây là một loại văn bằng chỉ phổ biến ở Anh và một số nước còn chịu ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Anh. Như tên gọi của văn bằng ám chỉ (Diploma có gốc Hy Lạp, "Diplous" có nghĩa là "gấp đôi"), Graduate Diploma(7) là một văn bằng học thêm. Thực vậy, Graduate Diploma thường dành cho (i) những người muốn theo học các môn học mà không cùng môn học ở bậc cử nhân mà họ đã có (chẳng hạn như sinh viên đã có bằng cử nhân về toán, nhưng muốn theo học hậu đại học nghành quản lý); và (ii) những người không đủ khả năng hay điều kiện học bậc Master. Thời gian học Graduate Diploma thường từ 1 tới 2 năm. Sinh viên không cần làm luận án tốt nghiệp. Ngày nay, với sự cạnh tranh giữa các trường đại học càng ngày càng gay gắt, số lượng sinh viên theo học Graduate Diploma ít đi dần, vì phần đông họ tìm cách học chương trình Master. Thật ra, khoảng phân nửa các môn học của chương trình Graduate Diploma là nằm trong chương trình học Master.

Master: Chữ "Master" có gốc từ tiếng Anh cổ, "maegester"; và chữ này tự nó được vay mượn từ tiếng Pháp cổ, "maistre" có nghĩa là "thầy". Cũng như ở bậc cử nhân, hai văn bằng Master of Science (M.Sc. hay M.S.) và Master of Arts (M.A.) là hai văn bằng thông dụng nhất ở bậc hậu đại học. Tuy nhiên cũng có những văn bằng chuyên môn cho các ngành chuyên môn khác như kinh tế (Master of Economics), luật (Master of Law), kỹ thuật (Master of Engineering), v. v... Riêng tại Mỹ, có khoảng 500 văn bằng Master khác nhau! Theo thống kê ở Mỹ, vào đầu thế kỷ 20, các trường đại học Mỹ đã cấp 1015 văn bằng master; cho đến năm 1960, con số này tăng lên khoảng 141 ngàn, và đến năm 1998, khoảng 420 ngàn.

Chương trình học Master, cũng giống như chương trình Graduate Diploma, là nhằm vào mục tiêu đào tạo những chuyên viên kỹ thuật cho các cơ quan chính phủ và công ty. Sau khi tốt nghiệp, những người này phải có một khả năng chuyên môn vừa sâu, vừa vững vàng, có thể đáp ứng cho nhu cầu thực tế của một cơ quan hay công ty. Chương trình Master thường dành cho những sinh viên đã có bằng cử nhân cùng nghành. Tuy nhiên, tùy theo trường hợp cá nhân và kinh nghiệm, các sinh viên cũng có thể theo học các nghành chuyên môn khác với văn bằng căn bản cử nhân mà họ đã có. Ngày nay, sinh viên trong các nghành khoa học thuần túy cũng có thể được nhận vào học bên các nghành kinh tế hay xã hội học. Chương trình master thường kéo dài từ 1 tới 2 năm. Nhưng cũng có trường dạy M.B.A. Ở (Master of Business Administration) trong vòng 1 năm, với một chương trình học rất nặng và đòi hỏi sinh viên phải học ngày học đêm.

Doctorate: Chương trình học Doctorate (9) là nhằm mục đích đào tạo những khoa học gia chuyên nghiệp (professional scientists), những chuyên viên nghiên cứu cấp cao cho các công ty kỹ nghệ và các cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ. Những người này đóng vai trò then chốt cho nền khoa học của một nước và là nguồn cung cấp nhân lực giảng dạy cho các trường đại học. Thời gian học thông thường từ 3 tới 6 năm. Trong thời gian nghiên cứu, sinh viên phải công bố ít nhất là 3 bài báo khoa học trên các tạp chí có "peer-review" (tức được duyệt bởi các nhà khoa học làm cùng ngành) để có thể bảo vệ luận án. Luận án thường được hai khoa học gia có uy tín trong nước (thông thường từ các trường đại học khác) và một hoặc hai khoa học gia uy tín ngoài nước duyệt xét và phê chuẩn. Thời gian duyệt xét luận án có thể từ 6 tháng tới 1 năm.

Nói chung ở các nước Tây phương như Mỹ, Canada, Úc, và Anh quốc, văn bằng tiến sĩ là văn bằng cao nhất trong hệ thống giáo dục hậu đại học. Tuy nhiên, có vài khác biệt về tên gọi các văn bằng doctorate này giữa các nước, và nếu không để ý, sẽ gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

Ở các nước như Anh và Úc, có ba dạng tiến sĩ riêng biệt: Ph.D. (Doctor of Philosophy) cho tất cả các nghành (kể cả y khoa), M.D. (Doctor of Medicine) riêng cho y khoa, và D.Sc. (Doctor of Science) cho tất cả các nghành khoa học. Ở các nước này, học vị D.Sc., trên lý thuyết, được xem cao hơn học vị Ph.D. và M.D., vì một trong những điều kiện được theo học D.Sc. là thí sinh phải có học vị Ph.D. hay M.D. ít nhất là 10 năm và đã có đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế.

Không nên nhầm lẫn giữa văn bằng D.Sc. của Úc/Anh và của Mỹ. Ở Mỹ, văn bằng cao nhất là Ph.D. hay tương đương. Những văn bằng tương đương Ph.D. ở Mỹ thường gặp là D.Sc. (còn được viết tắt là "Sc.D."), Ed.D. (Doctor of Education, Tiến sĩ Giáo dục), Dr. P.H. (Doctor of Public Health, Tiến sĩ Y tế Công cộng), Dr. Eng. (Doctor of Engineering, Tiến sĩ Kỹ thuật). Một số trường, chẳng hạn như Trường Đại học Harvard, học vị doctorate của nghành Y tế Công cộng (Public Health) là D.Sc., trong khi đó ở các trường khác lại gọi là Dr. P.H. hay Ph.D. Tương tự, ở Trường Đại học Boston, những học sinh tốt nghiệp doctorate ngành sư phạm được gọi là Ed.D., nhưng phần lớn ở các trường khác thì lại được gọi là Ph.D. Văn bằng Ph.D. cũng được cấp cho các học sinh trong các ngành kỹ thuật, nhưng có trường ở Mỹ lại gọi là Dr. Eng. Vì thế văn bằng D.Sc. của Mỹ không tương đương với bằng D. Sc. của Úc hay Anh Quốc.

Tiến sĩ và Bác sĩ: Tiếng Việt ta phân biệt Tiến sĩ và Bác sĩ; nhưng trong tiếng Anh, những người có học vị Ph.D. , D.Sc. và M.D. đều được gọi là "Doctor". Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa văn bằng M.D. của Úc/Anh Quốc và M.D. của Mỹ. Không giống như ở Mỹ, nơi mà y khoa được dạy như một chương trình hậu đại học ("Graduate study", tức sau khi sinh viên đã xong chương trình Cử nhân); ở Úc và Anh, các sinh viên học y khoa được tuyển thẳng từ các trường trung học, và do đó, chương trình y khoa được xem là bậc đại học ("Undergraduate"), mặc dù thời gian huấn luyện tương đương. Trong khi các sinh viên y khoa ở Mỹ ra trường với văn bằng M.D. (Doctor of Medicine, Tiến sĩ Y khoa), các đồng nghiệp của họ ở Úc ra trường với hai bằng cử nhân M.B. và B.S. (Bachelor of Medicine và Bachelor of Surgery, Cử nhân Y khoa và Cử nhân Giải phẫu). Cần được nói thêm là mặc dù văn bằng là cử nhân, nhưng danh xưng của họ là "Bác sĩ" (Doctor).

Ở Úc, các bác sĩ đã có văn bằng M.B. B.S. có thể ghi danh theo học tiếp chương trình Ph.D. hay M.D. Chương trình Ph. D. có mục đích đào tạo các bác sĩ thành những nhà khoa học chuyên nghiệp, có khả năng nghiên cứu độc lập. Chương trình M.D. có mục đích đào tạo các bác sĩ thành những chuyên gia lâm sàng (clinical science) hơn là khoa học cơ bản (basic science). Thông thường, sinh viên phải làm một hay hai cuộc nghiên cứu lâm sàng (clinical studies) và viết luận án dựa trên các nghiên cứu này. Chương trình học M.D. thông thường là 2 cho tới 3 năm (ngắn hạn hơn Ph. D.). Do đó, văn bằng M. D. của Úc và Anh không có cùng nghĩa với văn bằng M.D. của Mỹ.

Post-doctorate (Hậu tiến sĩ): Khi học sinh hoàn tất chương trình doctorate, học sinh còn phải trải qua một giai đoạn "thực tập" thông thường kéo dài khoảng 1 tới 5 năm. Người nghiên cứu trong giai đoạn này thường được gọi là "Post-doctoral fellow" (tạm dịch là "nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ"). Thực ra, trong giai đoạn này, thí sinh không được cấp văn bằng gì cả, vì đây là giai đoạn mà nghiên cứu sinh phải làm việc dưới sự hướng dẫn của một giáo sư kinh nghiệm, và qua đó dần dần tự mình phát triển một chương trình nghiên cứu của riêng mình. Đây cũng là thời gian mà nghiên cứu sinh có cơ hội để "trưởng thành" một nhà nghiên cứu độc lập. Vì thế, "Postdoctoral fellow" không phải là một văn bằng, và không nên hiểu như là một "tiến sĩ cao cấp" (10).

Học vị ở Pháp, Đức và Nga

Ở Pháp, hệ thống giáo dục đại học trực thuộc sự quản lý của chính phủ. Do đó, việc phân chia bằng cấp và học vị được định đoạt bởi chính phủ. Kể từ năm 1968 (thời gian của cuộc "cách mạng giáo dục"), bằng cấp ở Pháp đã trở thành khá phức tạp và có khi khó mà so sánh được. Thông thường, sau 7 năm học trung học và thi đỗ tú tài, học sinh được cấp bằng Baccalauréat. Từ đây, học sinh có hai lựa chọn: một là thi vào các trường chuyên môn gọi là Grandes Écoles; và hai là thi vào các trường đại học "chính qui".

Nhưng trước khi thi vào các trường Grandes Écoles, học sinh cần phải học thêm khoảng một năm về toán bổ xung và một năm về toán chuyên môn. Sau đó, các học sinh sẽ phải qua một kỳ thi tuyển toàn quốc để được nhận vào các trường như École Normale Supérieure (ENS hay Sư phạm), École Nationale d'Administration (ENA hay Quốc gia Hành chính), École Polytechnique, v.v...

Tuy nhiên, nếu học sinh chọn thi vào các trường chính qui thì không phải học thêm hai năm ở trung học. Theo chương trình của các đại học chính qui, khi đã học xong chương trình đầu tiên đại học (hai năm), sinh viên có thể ra trường với bằng Diplôme Universitaire d'Études des Literature (DUEL) hay d'Études Scientifiques (DUES). Nếu muốn theo học ngành sư phạm để ra dạy trung học, sinh viên cần phải học thêm một năm (hoặc lâu hơn) nữa với mục tiêu lấy văn bằng Lisence (tương đương cử nhân) và các chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên, sau khi có DUEL hay DUES, sinh viên có thể theo học [cao hơn] khoảng 2 tới 3 năm để lấy văn bằng Maitrise (tương đương Master trong hệ thống giáo dục Anh, Mỹ, Úc, v.v.).

Sau khi sinh viên đã có bằng Maitrise, sinh viên muốn học doctorate cần phải trước hết học qua một đến hai năm học để lấy văn bằng Diplôme d'Études Approdondies (DEA) hay Diplôme d'Études Supérieures (DES). Sau khi đã có DEA hay DES, sinh viên có thể xin vào nghiên cứu để viết luận án tiến sĩ. Năm 1964, ba văn bằng được đưa vào hệ thống bằng cấp sau đại học ở Pháp: Doctorat du Troisième Cycle, Doctorat Université và Doctorat d'Etat (11). Thời gian học cho bằng Doctorat du Troisième thường từ hai năm rưỡi tới bốn năm. Đây cũng là một văn bằng cần thiết để dạy đại học. Học vị Doctorat Université thường được cấp cho người nước ngoài, sau khi đã qua một đến hai năm học ở bậc hậu đại học. Người có bằng Doctorat Université không có quyền dạy đại học ở Pháp. Văn bằng Doctorat d'Etat là một học vị cao nhất ở Pháp, và được cấp cho những nhà khoa học xuất sắc, đã qua ít nhất là 2 năm (thường là từ 4 tới 12 năm) nghiên cứu sau văn bằng Doctorat du Troisième Cycle. Bằng cấp này là một điều kiện được bổ nhiệm vào chức vụ "Professeur" (Giáo sư) đại học.

Sinh viên có văn bằng Diplôme Universitaire, License, hay Maitrise có thể dự thi lấy chứng chỉ Agrégation (thường dịch là Thạc sĩ vào thời trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam). Cần nói thêm rằng Agrégation không phải là một học vị hay bằng cấp, mà chỉ là một "giấy hành nghề" giảng dạy ở vài trường hợp như giáo sư y khoa hay dược khoa (ở Pháp sinh viên học y khoa vô thẳng sau khi thi tú tài), và giáo sư trung học (sau khi ra trường ENS, sinh viên sẽ phải thi để được trao danh hiệu Agrégé vào tên mình).

Hệ thống học vị ở Đức rất khác biệt so với các nước như Anh, Úc và Mỹ. Vào độ 10 tuổi, sau khi đã qua 4 năm tiểu học, học sinh bước vào ngưỡng cửa của một loại trường Gymnasium để học các môn như toán, ngôn ngữ và khoa học tự nhiên. Sau 9 năm học ở cấp bậc Gymnasium, khoảng 25% trong số học sinh tốt nghiệp sẽ vào trường Mittelschule và học thêm khoảng 6 năm. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 50% tới 60% học sinh tốt nghiệp Abitur (tương đương với trung học phổ thông) và có quyền thi vào học đại học. Văn bằng đầu tiên ở bậc đại học là một học vị Doktor, sau khi đã qua ít nhất là 10 tới 13 năm sau khi tốt nghiệp Abitur. Tuy nhiên, phần đông sinh viên không theo đuổi học lâu dài như thế, nhưng họ lại chọn "ra trường" bằng một văn bằng Diplom sau khi đã qua 4 năm đại học. Khoảng mười năm trước, Đức bắt đầu cấp bằng Magister Artium (hay Master of Arts) cho các sinh viên. Bằng cấp này thường cấp cho sinh viên ngoại quốc, những người không muốn qua kỳ thi Staatsexamen để trở thành giáo viên học. Trên lý thuyết, ba văn bằng Diplom, Staatsexamen và Magister là ngang hàng với nhau, nhưng trên thực tế thì khác nhau xa và còn tùy thuộc theo nghành học. Chẳng hạn như trong nghành hóa học, Staatsexamen được xem là thấp hơn Magister. Nhưng trong ngành sử học, người có bằng Staatsexamen được quí trọng và xem cao cấp hơn người có bằng Magister.

Như đề cập trên, trên lý thuyết văn bằng Doktor là học vị đầu tiên của đại học Đức. Sau khi đã tốt nghiệp Doktor, thí sinh phải làm phụ tá nghiên cứu hay giảng dạy một thời gian để thu thập kinh nghiệm tiếp tục theo học văn bằng Habilitation, một học vị cao nhất ở Đức.

Ở Nga và Liên Xô cũ, sau khi xong trung học, học sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển vào đại học. Sau 4 hoặc 5 năm theo học và đủ điểm, thí sinh được cấp bằng "diploma". Sau khi đã có bằng diploma, sinh viên phải cạnh tranh vào chương trình hậu đại học. Sau ba năm học và nghiên cứu, thí sinh có thể tốt nghiệp với bằng Kandidat Nauk (Candidate in Science)(12). Sau một thời gian dài nghiên cứu và có thành tích xuất sắc, nhà khoa học có thể trình luận án để được xét cấp văn bằng Doktor Nauk (Doctor of Science)(12). Cũng như ở Đức và Pháp, chỉ có những ngừơi có văn bằng Habilitation hay Doctor d'État mới được bổ nhiệm chức vụ giáo sư đại học, văn bằng Doktor Nauk này là một điều kiện cần thiết để được bổ nhiệm vào chức vụ giáo sư đại học ở Nga.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.