Hôm nay,  

Bài Dự Thi - Mùa Xuân Trên Xứ Úc

10/03/200100:00:00(Xem: 4659)
Tình cờ tôi gặp ông Bính tại ga xe lửa Cabramatta thuộc tiểu bang NSW. Thoạt đầu tôi vẫn giữ vẽ lạnh lùng như bao nhiêu người khác, vì không đoán được ông là người Việt hay người Tàu. Bởi nước da vàng nào cũng giống nhau, chỉ có khi nói chuyện phát âm mới phân biệt được mà thôi. Nhưng đến khi ông đi lại đứng gần tôi mới biết là ông muốn ngồi, nên vội nhích sang bên để có chỗ cho ông ngồi xuống đụi xe.

Thái độ co ro sợ sệt đó cũng giống tôi như cách nay 5 năm về trước, cái ngày mà lần đầu tiên tôi mới tập đón xe lửa để đi đến trường. Nó buồn vui lẫn lộn, rồi còn sợ mình đi lạc, sợ những tên du thủ du thực hiếp đáp trên xe. Cái lo sợ đó nó cứ kéo dài theo tôi, cho đến một ngày tôi học nói được vài câu xã giao tiếng Úc thông thường. Thì lúc đó mới dần dần bớt sợ, và cảm thấy đây là một xã hội tràn ngập tình thương với kẻ tha nhân, vì đi đến bất cứ một cơ quan công quyền nào cũng được đối xử rất là tử tế.

Ngồi làm thinh như vậy một hơi. Ông Bính nhìn tôi hỏi:

- Cậu em đây là người Việt Nam phải không"

Tôi nhìn ông một thoáng rồi trả lời:

- Dạ phải. Còn ông chắc có lẽ bên đảo mới qua, nên dáng ông còn hơi bỡ ngỡ.

Ông Bính nhìn tôi cười rồi nói:

- Không. Tôi đi diện bảo lãnh ODP cậu ơi.

Tôi cũng cười lại rồi nói tiếp:

- Như vậy thì sướng quá. Chớ còn đi vượt biển như tôi. Lớp sợ sóng gió biển khơi, lớp sợ hải tặc đục chìm thuyền. Chỉ có khi nào được tàu vớt, hay đi đến Mã Lai hoặc Indo mới là biết chắc mình còn sống sót.

Nhưng ông Bính nhìn tôi cãi lại:

- Chấp nhận đi vượt biển, nếu được bình yên như vậy mà khỏe. Còn đi diện ODP như tôi, Bộ Xã Hội không có cho trợ cấp an sinh cũng là mệt lắm!

Tôi nhìn ông rồi phụ hoạ:

- Hình như phải chờ tới 2 năm mới xin được tiền trợ cấp phải không"

Ông Bính nhìn tôi nói như mếu:

- Cũng chính vì sẽ chờ đợi 2 năm trời đó, mà gia đình tôi sanh ra lục đục. Bởi trong đời sống mà không có đồng tiền thì như chết chưa chôn. Nếu mình ở với con trai thì gặp con dâu. Còn ở với con gái thì gặp thằng rể. Đằng nào mình cũng khổ, chỉ khi nào mình có được đời sống riêng mình, thì mới được thoải mái tự do mà thôi. Nhưng tôi vẫn còn đang thắc mắc, là chánh phủ Úc đã biết tụi tôi tuổi tác đã già, mà còn để ra cái luật lệ đó mần chi. Vì hiện nay đâu có hãng xưởng nào muốn nhận một công nhân trên 60 tuổi...

Câu chuyện không đầu không đuôi đó rồi bị chấm dứt nửa chừng. Bởi chiếc xe lửa từ hướng Liverpool lù lù chạy tới. Tôi và ông Bính phải vội vã leo lên để giành chỗ, nên câu chuyện cũng không còn hào hứng như lúc ban đầu. Vì tôi không muốn nói chuyện nhiều trên xe, sợ người Úc cho rằng mình không lịch sự. Nhưng ông Bính dường như không hiểu được điều thầm kín đó, mà ông cứ tưởng còn như ở bên Việt Nam, cho nên ông cứ tự nhiên xà bầu tâm sự. Đến chừng tôi hỏi thăm qua chỗ ở, thì được biết ông Bính ở cách nhà tôi chừng 1,000m. Tôi bèn dặn ông Bính khi nào rỗi rảnh ghé lại tôi chơi, vì lúc này đang thất nghiệp nên ở nhà thường cũng buồn lắm.

Bẵng đi cũng vài tháng. Tôi cứ ngỡ rằng ông Bính đã quên tôi, cũng như bao nhiêu người khác đã quên tôi trên chuyến xe lửa vội vàng. Thế nhưng vào một buổi trưa chủ nhựt. Tôi đang làm đất để vô mấy chậu bông vạn thọ, để cho kịp ngày tết trổ hoa cắt cúng ông bà, thì bất ngờ có tiếng chuông cửa reo vang làm cho tôi hơi ngờ ngợ. Bởi sống ở cái xứ này lâu ngày rồi thành nếp, muốn đi đến thăm ai cũng phải gọi điện thoại hỏi xin trước, chớ không phải như còn ở bên Việt Nam bạn bè cứ việc chạy đến kêu cửa với nhau.

Tôi vội vàng phủi tay rồi đi vô nhà mở cửa, thì thấy ông Bính đang đứng đợi miệng nở nụ cười, để lộ vài cái răng vàng trông thật có duyên, mà trên xứ Úc Châu này ít khi gặp phải. Qua vài giây bối rối, tôi mới nhận ra ông Bính mà tôi đã làm quen trên chuyến xe lửa hôm nào.

Sau khi mời ông vô nhà tôi lo đi pha trà đãi khách, và lấy đem ra một cái gạt tàn thuốc để mời ông. Nhưng ông khoát tay nói:

- Tôi không hút thuốc. Còn cậu có bận gì không" Nếu bận thì cứ việc đi làm, để khi khác tôi đến chơi cũng được. Hôm nay đi cắt chỉ ở hãng may về, tiện đường sực nhớ tới cậu nên ghé chơi, chớ giờ này về đẳng nằm buồn không chịu được.

Tôi nhìn ông lần nữa, rồi mỉm cười nói:

- Ngồi chơi với tôi đi ông. Việc vô mấy chậu đất khi nào làm hổng được.

Qua vài ly trà. Tôi mới nhận thấy ông Bính đang có vài nét suy tư thầm lặng, pha lẫn nét tủi hờn của một kiếp người đầu bạc tha hương. Bởi cái vầng trán của ông đã có nhiều vết cắt đường ngang để nói lên nhiều đêm mất ngủ, làm cho tôi liên tưởng đến những điều phiền muộn mưu sinh, mà tuổi già đã lỡ sống nơi xứ lạ quê người không bao giờ thích hợp.

Tôi bèn mời ông Bính bước ra sân trước, chỉ cho ông xem một vài chậu bông mà tôi mới gây được hôm tháng rồi, và một hàng cúc vàng đại đóa đang đơm nụ, khiến cho ông Bính nhìn tôi cười rồi khen rối rít:

- Cậu cũng có bộ óc thẩm mỹ lắm đó. Vườn trước đã có cây cảnh để ngắm đỡ buồn, còn vườn sau thì lại trồng nào rau muống, khổ qua, mướp hương làm cho tôi nhớ về Việt Nam quá đỗi.

Tôi quay nhìn ông rồi hỏi nhỏ:

- Bộ bên nhà ông không có trồng món gì hay sao"

Ông Bính nhìn tôi buồn buồn rồi nói:

- Con dâu tôi nó không cho. Nó sụ hao tiền nước cậu à ...

Tôi và ông Bính đi lòng vòng theo mấy hàng bông, như hai người bạn già vong niên lâu ngày gặp lại. Bất ngờ ông Bính day qua nói:

- Cũng có thể bông vạn thọ của cậu sẽ nở sớm trước tết. Nếu cậu muốn cho tụi nó nở đúng ngày tết thì phải có phân ô-rê nung vô gốc một chút.

Tôi thắc mắc hởi vặn:

- Sao kì vậy ông" Lẽ ra vô phân tốt nó sẽ trổ bông sớm mới phải chớ...

Ông Bính cười cười rồi giải thích:

- Cây gặp phân nó mê tốt chỉ ra lá thôi, nên nụ và đài hoa của nó cũng do đó chậm phát triển lại, thành thử nhà vườn nào cũng có bí quyết để làm bông, nhưng có đời nào họ chịu chỉ lại cho ai đâu, đó cũng là một cái bản tánh ích kỷ cố hữu muôn đời của người Việt Nam ít ai sánh kịp.

Tôi cũng không ngờ mình đang gặp được một người đồng hương rành rẽ trong việc trồng hoa, còn am tường rất rộng rãi về cái thú tiêu khiển của tuổi già. Những chậu bông của tôi mua từ nơi Garden Flower đem về trồng, trên thân cây còn treo lủng lẳng những Labels bằng tiếng Anh. Có cây thì hình thù giống như cây bình linh, có cây thì lá giống như lá mít, có cây thì giống như cây bùm sụm để làm hàng rào mà tôi không chủ ý để tra tự điển xem coi nó thuộc họ nào, mà việc trồng bông của tôi chỉ cốt làm cho huê cảnh được xanh tươi. Vậy mà ông Bính nhìn qua một lượt, rồi nói ra từng tên nghe thật là quen thuộc. Rồi ông than phiền tiếp:

- Tụi Úc ở đây phần đông chỉ biết trồng hoa thôi, chớ không biết chơi cây cảnh như ở bên mình. Vì thế mà họ rất dốt về nghệ thuật chơi cây kiểng...

Tôi hởi vặn:

- Vậy chớ hai cái thứ đó nó khác nhau ở chỗ nào"

Ông Bính từ tốn nói:

- Khác nhau nhiều lắm chớ. Bông thì chỉ có trổ hoa thôi. Còn cây cảnh thì phải có gốc, nó đòi hỏi con người phải săn sóc công phu như là tác phẩm. Ngoài những hình dáng ra, nó còn tượng trưng cho đạo đức và tánh khí của con người.

Tôi ngắt lời ông nói:

- Ở đây cũng có cây Bonsai đó chớ. Nhưng ... mà mắc và hiếm lắm, mình mua về chăm sóc không đúng kỹ thuật thì nó chết kể như đi đứt một tuần lương!

Ông Bính chậm rãi trả lời:

- Đồng ý giống Bonsai thì qúy. Vì nó thuộc giống cây núi mọc cheo leo ở giữa sườn đồi. Nhưng còn nhiều loại cây khác mình cũng có thể làm cây cảnh được. Chẳng hạn cái chậu Bách Niên này. Cậu cho nó xuống đất, rồi đắp đất xốp lên tưới nước, chừng vài năm sau mấy rễ cái sẽ lồi lên già thành gốc. Cây cảnh đẹp cốt là cái gốc phải khẳng khiu trơ trọi, để diễn tả được cảnh thiên nhiên, và sự sinh tồn trong vũ trụ. Chớ không phải như bông, chỉ cản khoe sắc và thoảng nhẹ mùi hương.

Ông Bính bở lửng câu nói đó, rồi cùng tôi lững thững vô nhà. Đã uống hết mấy chung trà, vậy mà tôi cũng vẫn còn bồi hồi cảm động, khi nghe ông Bính giải thích về nghệ thuật của sự chơi cây cảnh. Hình như hiểu được điều ấy. Ông Bính nhìn tôi nói:

- Cậu muốn có một cây cảnh đẹp, thì cậu phải bỏ công ra uốn nắn, chớ không thể bỏ tiền ra mua. Vì người ta làm sẵn cho cậu nhìn, thì cậu đâu có có thấy được hết những gì độc đáo của những chồi non, mà nó phải tự tồn tại khi bị con người sắp đặt vào trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Cũng như con người có nghèo khổ mới thấy được giá trị của sự sinh tồn. Chớ còn giàu có thì làm sao hiểu được sự vất vả của hạt cơm hạt gạo mà người nông dân đã dang nắng làm ra, cho nên có bao giờ người giàu có họ biết qúy trọng đến hột cơm nguội...

Sự cây cảnh đó nó đã gợi lên cho khung cảnh của ba ngày tết, làm cho ông Bính nói miên man về cái thú chơi gà nòi. Ông mô tả về những con gà nòi một cách say sưa, như một người lính sau khi giải ngũ rồi có dịp nhắc lại đồng đội của mình. Rồi ông nói về bánh chưng với cách làm khuôn bánh, nó cầu kì và sang trọng như một đứa con gái nhà giàu, chớ không phải như bánh ít, bánh trần ở trong Nam bạ ai cũng có thể gói được. Vì trước khi gói bánh chưng có người phải tắm gội trước đó một ngày, có khi phải sắp một mâm hương quả đi ra xin cúng trời đất. Bây giờ cái tục lệ đó chắc đã hết rồi, bởi lẽ thời đại bây giờ con người quá bận rộn để mưu sinh, nên đâu có ai còn thời giờ giữ gìn phong tục.

Tôi nhìn ông Bính tò mò hỏi nữa:

- Vậy chớ ai bảo lãnh ông sang đây" Con trai hay con gái ...

Ông Bính trả lời mà mắt ngó mong lung:

- Con trai.

Tôi hỏi thêm:

- Được bao lâu rồi. Có xin được tiền trợ cấp chưa"

Ông Bính mân mê tách nước trà một hồi rồi nói:

- Chưa cậu à. Cái khổ của con người là sống mà không có đồng tiền...

Câu nói của ông Bính vô tình làm cho tôi nhớ lại cách nay không bao lâu, tôi đã gặp một người đồng hương ở trong Bịnh Viện Westmead, cũng than thở với tôi như ông Bính hiện giờ. Chính những sự kiện ích kỷ mưu sinh vật lộn hằng ngày, đã làm cho con người không còn hiếu thảo, mà chỉ thay vào đó bằng những sự lạnh lùng, đã khiến cho cha mẹ phải tủi thân thầm lặng mà chẳng dám nói ra.

Rồi giòng đời cứ tiếp tục trôi qua, những sự giàu sang ở xứ người không còn tồn tại nữa. Bởi đến khi đó thì cái tuổi già nua của con người lại nhớ đến quê hương, nhớ đến mồ mả ông bà quạnh hiu không ai săn sóc. Cũng như một con trâu già lúc nào cũng muốn nằm chết ở dưới gốc rơm, trong lúc đó thì đàn nghé đang chạy giỡn tung tăng dưới một cánh đồng, đâu có khi nào bọn nó nghĩ sẽ có ngày già nua bệ rạc.

Nhìn đôi mắt của ông Bính chớp nhanh mấy cái, dường như đang cố níu lại một thời dý vãng xa xưa, khi nghe ngọn gió chướng đang thổi về lồng lộng giữa đất trời, là khi đó con người rộn lên với những niềm vui thảm kín. Tôi nhìn ông Bính nói:

- Tết năm nay ở nhà ông có gói bánh Chưng không"

Ông Bính trả lời buồn bã:

- Hôm tuần rồi tôi và nhà tôi có bàn với vợ chồng tụi nó, là tết này để cho Cha Mẹ nấu một nồi bánh Chưng trước cúng ông bà, sau nữa là mình giữ gìn truyền thống luôn thể. Nhưng đứa con dâu tôi nó lại gạt ngang, bảo có muốn ăn thì để nó đi ra ngoài shop mua cho nó tiện. Đó cậu có thấy hôn. Cái văn hoá và tập quán của người mình rồi đây sẽ mất dần vào mấy chỗ đó, thì trách làm sao mấy đứa nhở không nói được tiếng mẹ đẻ bây giờ. Bởi cái quan trọng của ba ngày tết, không phải là để ẩn sao cho tiện, cho nhiều. Mà phải thật sỹ chuẩn bị cái khung cảnh để tống cựu nghinh tân, có làm như vậy mới đánh dấu được sỹ trưởng thành trong đời sống.

Tôi nhìn ông ướm thử:

- Hay là tết này ông đi lại đằng tui mình hùn với nhau để nấu một nồi bánh chưng đi, đặng cho tôi học cách gói bánh luôn. Chớ từ hồi nào tới giờ tôi là người Nam, chỉ biết có bánh ít với bánh tét trong ba ngày tết mà thôi. Vì người Nam của chúng tôi ít có phong tục cúng quảy rườm rà, chắc có lẽ vì vậy mà sự tích bánh Chưng bánh Dày tôi đây bù trớt!

Ông Bính tươi ngay nét mặt rồi nói:

- Phải đó. Phần mụ với cậu ở đây lo nếp tẻ, còn tôi ở đẳng thì lo dây lạc với đóng khuôn. Bởi bánh Chưng ngon hay dở là do khi gói, chớ còn nhưn nhụy ở bên trong không nhứt thiết phải có thứ gì...

Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một lát nữa rồi ông Bính đứng dậy xin phép ra về. Tôi tiễn ông đi ra cửa, khi nhìn thấy dáng ông ngập ngừng băng qua con lộ. Tôi thầm thương cho ông quá đỗi, bởi ở cái xứ này xe cộ cứ nối đuôi nhau mà chạy, theo một luật lệ nhứt định của bộ Giao Thông. Vì vậy phần đông mấy ông già Việt Nam khi mới qua đây, chỉ cần nhìn có giòng xe thì cũng đủ chóng mặt rồi, chớ làm sao dám nói đến chuyện rành đường đi nước bước.

Trở vô nhà tự dưng tôi thấy căn nhà của tôi hoàn toàn xa lạ, hình như những tiếng thở dài của ông Bính còn phảng phất đâu đây, làm cho tôi nhìn mấy căn phòng có cửa đóng then cài, rồi liên tưởng đến mỗi căn phòng là một thế giới riêng tư, nếu có sự buồn phiền chắc cũng không làm sao chia xẻ.

Trong phút giây buồn bã đó, tôi đi lại tì tay lên thành cửa sổ nhìn ra khoảng trời rộng vườn sau. Tôi đã thấy vợ tôi lom khom nhổ cỏ, hai bàn tay đang bươi xới dưới lớp đất ải bùn đã ngả màu đen, tự dưng làm cho tôi thương đôi bàn tay của vợ tôi quá đỗi, hình như gần suốt một cuộc đời vợ tôi chưa biết đến son phấn là gì, chỉ biết lo lao khổ mưu sinh trong đạo đức. Còn riêng phần vợ tôi hình như chưa quên được nỗi buồn xa xứ, vì tôi mới bảo lãnh qua Úc có hơn một năm. Ngoài những giờ đi học Anh văn ra, vợ tôi chỉ biết ở trong bếp tủng mủng lo lau chùi soong chảo, còn không thì đi ra sau vườn chăm sóc mấy thứ rau, mà vợ tôi đã đi ra ngoài tiệm mua rồi đi về lo ngắt gốc ra gây lại.

Tất cả sự cực khổ đó, làm cho tôi thường hay liên tưởng đến những ngày vất vả ở quê nhà, một miếng vườn đầy dẫy đạn bom khi chiến tranh vừa chấm dứt, mà tất cả con người phải lao vào khai phá bất chấp hiểm nguy. Nhưng rồi cũng chính những con người đó phải bỏ nước trốn ra đi, vì không thể sống được dưới một chế độ gông cùm, và hôm nay trôi giạt đến xứ người dường như là định mệnh.

Nhưng rồi những dự định của tôi và ông Bính không kịp thực hành, bởi vì gia đình của ông đã gặp nhiều phiền muộn. Chỉ còn một tuần lễ nữa là tết đến, thì vào một buổi trưa tôi đang cào lá cây dâu gió rụng đầy trước sân nhà. Ông Bính đến thăm tôi mà trên nét mặt còn hằn lại dấu tủi hờn vì mất ngủ. Sau khi chào hỏi tôi mời ông Bính bước lên phòng khách ngồi chơi, bất chợt tôi nhìn lên thấy đôi mắt của ông Bính còn hơi mộng đỏ, chứng tở rằng ông vừa trải qua một cuộc khóc thảm. Tôi không biết mở lời bằng cách nào. Nên nhìn ông nói bâng quơ:

- Củi lửa tôi đã lo xong hết rồi. Nồi bánh Chưng năm nay thì phải biết, vì cái món bánh này phải là dân Bắc chánh thống nấu nó mới ngon.

Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông Bính nhìn tôi tở ra bối rối, rồi qua vài giây yên lặng ông Bính nhìn tôi nói nhỏ:

- Hôm nay tôi đi qua cậu để xin lỗi về cái chuyện đó đây.

Tôi ngạc nhiên hởi lại:

- Bộ có chuyện gì bất ngờ lắm sao"

Ngập ngừng một hơi rồi ông Bính từ tốn nói:

- Bà nhà tôi với con dâu mới rảy một trận như đám giặc, cho nên chắc tết nhứt này đâu ai còn lòng dạ nào mà để sửa soạn nữa đây!

Tôi tò mò hởi tiếp:

- Còn thằng con trai của ông nó có phản ứng gì không"

Ông Bính buồn bã nói:

- Cũng có. Nhưng không qua nổi con vợ. Vì hình như ở đây xã hội đã tập cho người đàn bà Việt Nam quen thói ương ngạnh mất rồi. Chớ không phải như hồi còn ở Việt Nam, người vợ lúc nào cũng đi sau chồng một bước ...

Những câu nói vô tình của Bính như xoáy vào tâm can tôi tê điếng, khiến cho cõi lòng tôi se thắt, mà cũng không biết làm sao để an ủi được ông. Bởi tất cả những hệ lụy ở đời dường như có căn có quả. Cũng chính vì lẽ đó mà khi còn ở trong nước, dù ít dù nhiều cũng phải chịu cảnh làm dâu, ngày hôm nay tình cờ do thời cơ đưa đẩy đến đây, thì mọi tôn ty trật tự của gia đình bị đảo lộn. Cho nên giữa nàng dâu với mẹ chồng đã có một khoảng cách vô hình, chỉ chờ dịp là bùng lên cho hả giận.

Đợi cho ông Bính qua cơn xúc động. Tôi nói:

- Hay là để tôi dắt ông đi ra phòng Xã Hội xin tiền trợ cấp thất nghiệp.

Ông Bính lắc đầu:

- Đừng cậu. Tôi có hỏi rồi, rắc rối lắm không có dễ gì đâu. Vì trước khi bão lãnh tôi sang đây, con tôi có làm tờ cam kết là sẽ nuôi nấng vợ chồng tôi đúng 2 năm, rồi sau đó mới có quyền xin tiền trợ cấp!

Tôi hởi nhỏ:

- Hoàn cảnh như vậy rồi bây giờ ông tính làm sao"

Ông Bính chậm rãi đáp:

- Cũng may. Nhờ có người bạn giới thiệu tôi đi làm bánh mì ở tuốt dưới miệt Wollongong lận cậu à. Mọi việc đã liên hệ xong. Năm giờ chiều nay là người ta đến rước, chắc tết năm nay tôi phải ăn tết tại lò bánh mì đó quá ...

Tôi khuyên:

- Tuổi già làm bánh mì thức khuya quá biết ông có chịu nổi không. Hay là để chậm lại mình đi tìm việc khác.

Ông Bính nói với vẻ cương quyết:

- Họ làm được thì mình làm được. Có tận nhơn lực mới tri thiên mạng cậu à. Chớ hổng lẽ mình cứ ngồi đây ăn chực của con, rồi mỗi bữa ăn sanh ra tiếng chì tiếng bấc, như vậy gẫm lại cuộc sống có ích gì.

Tôi nhìn ông rồi khuyên thêm một lần nữa:

- Hay là ông nói lại với họ qua tết rồi đi có được không. Chớ tập quán của người Việt Nam mình, cho dầu có đi đâu xa ngày tết cũng phải quay về đoàn tụ.

Ông Bính lắc đầu nói nhỏ:

- Không được đâu. Để lỡ họ mướn người khác thế rồi mình biết xin ở đâu, vả lại gia đình của tôi như vậy rồi thì có vui vẻ gì mà lo ăn tết. Thà là mình đi khuất mắt còn hơn, chớ còn mỗi ngày nhìn thấy con dâu mặt sưng mày xỉa rồi nó cứ chửi chó mắng mèo, cậu thử nghĩ coi tôi làm sao chịu đựng thêm được nữa!

Tôi nhìn ông Bính thấy thấp thoáng bao nỗi đoạn trường ở cái tuổi về già. Bởi châm ngôn Việt Nam có câu ở xa mỏi chưn, ở gần mỏi miệng. Cho dù cha với con mà lớn lên sống chung với nhau trong một gia đình cũng thật là rắc rối, huống hồ ngày nay lại có thêm một nàng dâu đang cai quản cả gia đình, thì việc sứt mẻ tình cảm thiêng liêng không thể nào tránh khởi. Ngần ngừ một lát rồi tôi hỏi tiếp:

- Ông đi làm bánh mì. Còn bà ở nhà hay có chuyện gì làm chưa"

Ông Bính nhìn ra khung cửa sổ, dường như ao ước được trở thành một cánh chim bay. Một hồi rồi ông quay qua tôi nói nhỏ:

- Bà nhà tôi. Bả đi giữ em kiêm luôn giữ nhà cho người ta nay cũng được một tuần rồi cậu à. Như vậy mà bả khỏe, chẳng những đã có cơm ăn, mà lại có đồng lương để gởi về Việt Nam cho mấy đứa nhỏ còn kẹt lại ở bển.

Nói xong một câu với đầy trắc ẩn, rồi ông Bính đưa tay lên dụi mắt mấy lần, dường thể có vài hạt lệ khô đang rơi trên đó. Chính những thái độ dứt khoát của ông Bính làm cho tôi hơi hoảng hốt. Bởi tôi đã nghĩ rằng sợi dây máu mủ đâu có dễ gì mà bứt nó đứt ra, vậy mà ngày hôm nay vì chuyện hờn trách của gia đình, ông Bính lại xử sự rất ư là dứt khoát. Rồi ông Bính kể tiếp:

- Cậu có biết không. Hôm tháng trước đứa cháu nội tôi nó nói. Sao nội không ở bên Việt Nam mà đi qua bên Úc làm chi, mỗi lần thấy nội ho làm cho con gớm quá ...

Tôi ngạc nhiên ngó ông hỏi lại:

- Trời đất! Nó mấy tuổi mà nói được câu đó"

Giọng ông Bính buồn buồn:

- Bảy tuổi rồi cậu. Giận quá tôi bèn la lên: "Cái thằng cha con gái mẹ mày xúi nói như vậy phải hôn". Bây giờ nhiều khi nhớ lại làm cho tôi đây mắc cở. Bởi no quá mất ngon, còn giận quá thì mất khôn. Phải chi hồi đó tôi dằn lại đừng thốt ra những lời lẽ cộc cằn đó, thì sự việc chắc cũng chẳng đến nỗi nghiêm trọng như ngày hôm nay. Thôi thì mọi việc bây giờ đã do hoàn cảnh sắp đặt trước hết trơn rồi, tôi có muốn cưỡng lại cũng không được nữa.

Lần này ông Bính ngồi chơi với tôi cũng khá lâu, dường như ông muốn níu kéo lại một khoảnh khắc của tình thân thuộc gia đình, để rồi ngày mai đây khi ông vừa đặt chân lên tới lò bánh mì, thì ở đó sẽ có một lằn ranh để phân biệt chủ tớ thật là đặc biệt, mà thông thường thì ít có người chủ nào biết thương xót cho những kẻ làm công, mà họ chỉ muốn vắt hết xương cốt của công nhân ra cũng chưa vừa bụng.

Nhưng rồi ông Bính cũng vén tay áo lên để xem giờ. Biết ý tôi đành nói tiếp:

- Nếu khi nào có rảnh về đây. Xin ông cứ ghé lại tôi chơi. Tôi sẽ đãi cho ông ăn một chầu rau muống bóp gỏi chao, bảo đảm khi ăn xong ông sẽ thấy cả một bầu trời Bắc Kì ẩn hiện.

Ông Bính lại cười khà lên rồi nói:

- Bởi vậy người ta mới dám nói xâm. Là hễ xe đụng chết muốn biết thằng nào Bắc Kì thì trật quần nó xuồng sẽ biết ngay. Nếu lòi cọng rau muống ra, thì chắc chắn là anh Bắc Kì thứ thiệt!

Rồi chúng tôi lại chia tay trong lặng lẽ. Tôi cũng đứng nhìn bóng ông Bính đi qua khuất hết mấy nẻo đường, đến khi đó tôi mới thấm thía đến hai chữ cô đơn. Một lát nữa đây ông Bính sẽ được chiếc xe hơi đến đón, để đi làm một việc chắc hẳn lắm nỗi nhọc nhằn. Vì làm bánh mì thuộc loại về đêm, nhưng phải nhào bột cho thật nhuyễn ổ bánh mì mới nổi, còn không thì ông chủ sẽ nhăn nhó khi ngó thấy ổ bánh mì, vì đó là một việc làm được khoán trắng bất thành văn, mà bất cứ người thợ làm bánh mì nào cũng phải đành ngấm ngầm hiểu lấy!

Còn bà vợ của ông đáng lẽ ra tới từng tuổi ấy, phải ở nhà vui chơi với đàn con đàn cháu để hưởng cái lộc hạnh phúc của tuổi già. Nhưng vì sinh kế phải đành đi ở mướn cho người ta, để tắm rửa bồng ẵm những đứa bé không có một chút xíu tình máu mủ gia đình, đôi khi nó là những đứa trẻ con thật là ngỗ nghịch. Vậy mà cũng phải giả bộ thương yêu như là cháu ruột của mình. Ôi mỗi đời sống là một cuộc bi hài không đoạn kết, mà con người ai cũng có lúc phải trải qua nhưng không biết làm sao than thở.

Phùng Nhân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.