Hôm nay,  

Văn Chương Và Chính Trị

06/02/200100:00:00(Xem: 4124)

Có nên đem chính trị vào văn chương hay không" Vấn đề này đã gây tranh cãi khi văn hào Cao Hành Kiện, giải thưởng Nobel Văn chương, đến thăm Hong Kong tuần trước. Riêng tôi nghĩ văn chương tự nó đã là siêu chính trị. Khi Cao tiên sinh mới đặt chân đến Hong Kong lần đầu tiên từ ngày lãnh giải Nobel, các thế lực thân Bắc Kinh ở lãnh thổ này đã cảnh cáo ông “chỉ được nói đến văn chương, không được nói đến chính trị”. Với lời cảnh cáo đó, các phe thân Bắc Kinh đã vi phạm một điều ước chính Bắc Kinh đã ký kết khi tiếp thu chủ quyền Hong Kong từ tay người Anh năm 1997: đó là điều khoản tiếp tục tôn trọng quyền tự do ngôn luận ở nơi này.
Làm thế nào nói đến văn chương mà không nói đến chính trị" Câu hỏi này cũng giống như vấn đề nghệ thuật vì nghệ thuật hay nghệ thuật vì nhân sinh. Nghệ thuật tự nó đã có một nhân sinh quan. Văn học là cái học về văn chương và văn chương là một ngành quan trọng của nghệ thuật bởi vì văn chương có ngôn ngữ văn tự, tiếng nói riêng của một dân tộc phổ biến nền văn hóa của mình. Nghệ thuật bắt buộc phải có đạo lý, nếu không nó sẽ không tồn tại. Các nấc thang giá trị đạo đức có thể hơn kém khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi thời đại, mỗi dân tộc, nhưng chung quy vẫn chỉ có một gốc đạo lý là nhân bản. Nghệ thuật phát sinh từ con người, nó chỉ phục vụ con người, vì con người mà phục vụ. Chữ “nghệ nhân” còn hàm ý người có tài và có đức. Bởi vậy nghệ thuật có nhân sinh quan nặng về đạo lý, nêu lên cái đẹp tinh thần trong tư tưởng con người.
Như vậy bảo Cao Hành Kiện chỉ được đến các trường Đai học ở Hong Kong để dạy cách viết văn thì thật khôi hài. Học viết cho đúng chính tả, văn phạm là môn học thông thường ở các lớp tiểu và trung học. Lên đến đại học là học các áng văn chương thi ca từ cổ điển cho đến hiện đại của các bậc thầy. Ở đây cách hành văn mỗi người một vẻ, nhưng vẫn có một cái chung phải học là nhìn xem nội dung và tư tưởng được toát ra từ những áng văn hay bài thơ lưu truyền kim cổ như thế nào để rút kinh nghiệm. Tóm lại, ở trường người ta chỉ có thể dạy “kiếm chiêu”, còn “kiếm ý” là phải nhìn ông thày trình diễn mà lãnh hội. Học nghề văn, nghề báo cũng tương tự. Nguời ta có thể dạy kỹ thuật viết báo và nguyên tắc làm báo chớ không thể đào luyện một nhà báo có tài mà không cho học trò nhìn thấy bài báo để hiểu thế nào là “kiếm ý”.
Bây giờ muốn Giải Nobel Cao Hành Kiện làm bài giảng ở Đại học Hong Kong mà không được nói đến nội dung những tác phẩm của ông, Bắc Kinh đã sợ và cấm những tác phẩm đó, kể cả cuốn tiểu thuyết ông được tặng giải Nobel. Cao Hành Kiện là nhà văn lưu vong, hiện sống ở Paris và mang quốc tịch Pháp. Ông đã sinh ra và trưởng thành trong chế độ Cộng sản, là đảng viên Cộng sản nhưng ông đã bị lưu đầy trong 5 năm để “cải tạo tư tưởng”. Ông cũng đã từng phải đốt hết những bản thảo của ông trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản của Mao Trạch Đông để những bản thảo đó khỏi lọt vào tay Hồng vệ binh. Năm 1987 ông đã trốn thoát khỏi Hoa lục và năm 1989, sau khi xẩy ra vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên an môn, ông đã gửi trả thẻ đảng.


Trong bài diễn giảng của trước các sinh viên đại học Hong Kong, ông chỉ nói đến đạo lý văn chương và nghệ thuật. Nhưng khi trả lời những câu hỏi về tư tưởng cá nhân, ông nói người dân Trung Quốc gập phải những khó khăn rất lớn khi phải tìm cách dung hòa nghĩa vụ đối với đất nước với những giá trị đạo lý cá nhân của mình nếu những giá trị đó đi ngược lại chính sách của nhà nước. Người nào đi sai đường lối là “bị vùi dập cho đến chết”. Trong chính trị có nhiều hệ tư tưởng, chủ trương, chính sách và chế độ khác nhau. Cao Hành Kiện nói văn chương không thể phục vụ những chủ trương chính sách đó mà phải đứng trên tất cả. Ông nói” Một nhà văn có thể có lập trường chính trị của mình, cũng như mọi người đều có chính kiến riêng. Cố nhiên tôi có những ý kiến riêng của tôi. Nhưng hôm nay không phải lúc nói về tư tưởng chính trị của riêng tôi”.
Dù vậy ông đã có một câu nói rất có ý nghĩa thế nào là văn chương và chính trị: “Trong thế kỷ vừa qua, người ta đã đem quyền lực chính trị xen vào văn chương. Thành ra bây giờ tách rời ra để chỉ nói đến văn chương thì thật khó. Nhưng lúc này chúng ta đã đi vào thế kỷ mới, sự can thiệp của quyền lực chính trị vào văn chương đã đi đến giai đoạn chót của nó”. Ai đã đem quyền lực chính trị can thiệp vào văn chương" Điều này các các cán bộ văn, báo của Bắc Kinh và Hà Nội hẳn phải thấy thấm thía hơn ai hết. Trong thế kỷ qua, khi văn chương bị dùng làm phương tiện tuyên truyền chính trị, đã có biết bao bài văn, báo, thi ca, ca tụng bác, đảng kể cả bài thơ khóc “cha” Stalin của Tố Hữu. Chính đảng Cộng sản đã đem chính trị phe đảng đầu độc văn chương.
Bây giờ một giải văn chương Nobel được cả thế giới công nhận, đã về Hong Kong dùng một diễn đàn văn chương để nói lên sự đầu độc đó. Tiếp đó khi đến Đài Loan để lưu lại hai tuần so với hai ngày ở Hong Kong, Cao tiên sinh đã có lời bình gọn nhẹ. Ông nói cảm thấy tự do hơn ở Đài Loan và tiếp: “Thế mới biết một nước hai chế độ là thế nào”. Ông đã nhắn nhủ dân Đài Loan về chiêu bài “Nhất quốc lưỡng chế” của Bắc Kinh. Tôi muốn dùng một câu chữ Hán để bình luận cho hợp thời hợp cảnh. Đó là “dĩ bỉ chi đạo hoàn chi bỉ thân”. Dân Việt Nam nôm na gọi là “lấy gậy ông đập lưng ông”.
Ở Việt Nam, chế độ cộng sản đã đem chính trị vào tôn giáo để đầu độc khi lập ra những ban “quốc doanh” tôn giáo. Nếu bây giờ họ bị tôn giáo lấy “gậy chính trị” đập vào lưng, thiết tưởng cũng đừng nên trách ai hết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.