Hôm nay,  

Nạn ‘Đút Lót Cho Thần Linh’: Đầu Năm Nhang Khói Mịt Mù

05/02/201200:00:00(Xem: 7444)
Nạn ‘Đút Lót Cho Thần Linh’: Đầu Năm Nhang Khói Mịt Mù

vb_chua_ba_thien_hau_q_5-large-contentĐếm tiền cúng gởi để cầu tài lộc ở chùa Bà Thiên Hậu, nhang khói mịt mù.(Photo VB)

SAIGON (VB) -- Chỉ trong nửa đầu tháng giêng âm lịch, trong nước đã diễn ra rất nhiều lễ hội dân gian suốt từ Bắc chí Nam, náo nhiệt nhất là các lễ hội chùa Hương, Yên Tử, đền Gióng, hội Xoan, chùa Phật Tích… ở phía Bắc và lễ chùa Bà Bình Dương, núi Bà Tây Ninh, Tết nguyên tiêu người Hoa… ở phía Nam. Và cũng như những năm trước, dư luận xã hội lại lên tiếng về tình trạng bát nháo, “chặt chém” bóc lột khách thập phương, tệ nạn mê tín, buôn thần bán thánh, đốt nhang và vàng mã quá nhiều … ở tất cả các đền, chùa – nhất là trong những lễ hội ở phía Bắc. 
Đặc biệt về tệ nạn “đút lót cho thần linh” để cầu tài lộc, giáo sư Ngô Đức Thịnh – nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, đã phát biểu trên báo TT, với những ý chính như sau:
“Tính thương mại trong các lễ hội của Việt Nam tồn tại từ rất lâu đời - buôn bán đồ lưu niệm, hàng ăn uống... đó là hoạt động đương nhiên. Nhưng tính thương mại đó khác hẳn với vấn đề thương mại trong hoạt động lễ hội hiện nay. Những người tổ chức đang tìm mọi cách để “trấn lột” khách đến lễ hội thông qua các hình thức: gửi xe, bày hòm công đức khắp nơi.Thậm chí một số nơi tôi còn thấy người ta đưa cả két sắt làm hòm công đức để có thể thu được nhiều nhất. Và cũng chính vì việc “trấn lột” này hiệu quả nên mới xảy ra tình trạng giữa các làng tranh nhau tổ chức lễ hội và ở đây động cơ vụ lợi rất rõ ràng.
Mỗi người đến với lễ hội, đình đền đều có một mục đích rõ ràng, đó là đến để cầu tài, cầu lộc dù điều đó hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, bằng cách thông qua lễ vật, mang tiền đến mà người ta gọi là “đút lót cho thần linh” để có thể mang về nguồn lợi. Đó chính là sự thiếu hiểu biết về văn hóa và lễ hội.

vb_chua_ba_thien_hau_q_5__2_-large-contentTôi nhận thấy rất nhiều quan chức bây giờ mê tín, khi quan chức còn không tin được vào bản thân mình và phải dựa vào một thế lực siêu nhiên thì người dân cũng sẽ khủng hoảng niềm tin, như vậy chuyện bói toán sẽ tràn lan khắp nơi và tín ngưỡng trở nên vô độ”.
“…Bây giờ người dân có thể đổ xô đến các đền, miếu, phủ nhưng lại không hiểu rõ nơi đó thờ ai, ơn ai, tôn vinh ai... mà họ chỉ biết đến nơi nào cũng xin tiền tài, bổng lộc.
Một điều chắc chắn rằng ở chùa không thể xin quan tước và bổng lộc, nhưng các chùa vẫn chật cứng người chiêm bái cầu xin đủ thứ trên đời.
Công đức tiền vào chùa chiền xưa kia được gọi là tiền giọt dầu và người ta cung tiến với một thái độ rất thành kính chứ không bằng cách vứt cả đống tiền lẻ vào chùa, đền, phủ. Đó là thái độ cung tiến vô văn hóa nhất mà không hề có sự thành kính đối với thánh thần, những người mà họ cúi đầu cầu xin những điều lành cho bản thân và gia đình”.
Do thái độ “vô văn hóa” như GS Ngô Đức Thịnh đã chua chát nhận xét, đến Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của Việt Nam - ở Hà Nội, là nơi thờ các danh nhân văn hóa – giáo dục của nước Việt xưa, chứ không thờ thần thánh nào cả, cũng ngập trong rác thải và tiền lẻ. Tiền lẻ của những người đến cầu cho con cái học giỏi, thi đỗ, du học trót lọt… cứ được vất bừa trên đầu rùa, bàn thờ và phủ trắng mái nhà Thái Học (như ảnh chụp của một cậu bé mới chỉ học lớp 3).
Với ý đồ mua chuộc thần linh, nhiều người vừa bỏ ra một ít tiền thật, vừa “xài” cả xấp tiền giả, tức đốt đồ vàng mã, sau khi đã đốt hàng bó nhang lớn tướng, khiến không khí ngày xuân ở các chùa chiền, đền miếu nào cũng đều bị ô nhiễm trầm trọng. Hài hước hơn là hình ảnh một phụ nữ trẻ cùng cô con gái ngang nhiên đốt vàng mã ngay trong nhà Thái Học. Người mẹ cứ hồn nhiên đốt, cô con gái đứng “canh” bảo vệ. Bảo vệ cũng chỉ xuất hiện, nhắc nhở và...đứng xem!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.