Hôm nay,  

Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Qk I Trị-thiên Năm 1972

17/03/200100:00:00(Xem: 5286)
* Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân đoàn I/Quân khu I tại chiến trường Trị Thiên năm 1972
Trong những ngày cuối của tháng 4 và đầu tháng 5/1972, tình hình chiến sự tại Quảng Trị trở nên nguy kịch. Trong khi đó tại phía Tây và Tây Nam Huế, áp lực Cộng quân gia tăng sau khi tiểu đoàn 2 Trung đoàn 54 thuộc Sư đoàn 1 BB triệt thoái khỏi căn cứ Bastongne và tiểu đoàn 1 của trung đoàn này rút khỏi cao điểm 342 (căn cứ Checkmate). Ngày 2 tháng 5/1972, tiếp nhận quyền chỉ huy Quân đoàn I từ trung tướng Hoàng Xuân Lãm vào những giờ phút nguy biến của lịch sử, trung tướng Ngô Quang Trưởng, tân tư lệnh Quân đoàn I/Quân khu I, khẩn cấp tái tổ chức các cơ cấu chỉ huy và tham mưu. Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I/Quân khu I được thành lập tại Huế và được điều hành bởi các sĩ quan thâm niên giàu kinh nghiệm chiến trường và công tác tham mưu. Cũng cần ghi nhận rằng trong những ngày đầu của tháng 5/1972, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã điều động một số tướng lãnh, sĩ quan cao cấp đảm trách các chức vụ trọng yếu tại các mặt trận Trị Thiên, Nam Ngãi và Cao nguyên.

Tại Quân khu I, trung tướng Lâm Quang Thi, nguyên chỉ huy trưởng Trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, được bổ nhiệm làm tư lệnh phó Quân đoàn I (từ tháng 5 đến tháng 9/1972, tướng Thi được tướng Trưởng ủy nhiệm phụ trách chiến trường Nam-Ngãi, và sau khi lực lượng VNCH tái chiếm Quảng Trị, ông được tướng Trưởng giao chỉ huy bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I đặt bản doanh tại Mang Cá Huế); chuẩn tướng Nguyễn Duy Hinh, nguyên tư lệnh phó Quân khu 4, được điều động ra Huế giữ chức tham mưu trưởng Hành quân bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I/Quân khu I (hơn 1 tháng sau, tướng Hinh được cử giữ chức tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, và được thăng thiếu tướng vào năm 1973).

Sau khi nhận chức tư lệnh Quân đoàn I/Quân khu I, trong hai ngày kế tiếp, tướng Trưởng đã đến tận các đơn vị đang phòng thủ tại các vị trí trọng yếu từ bờ Nam sông Mỹ Chánh đến Tây Nam Thừa Thiên để thị sát chiến trường và kiểm tra tại chỗ tình hình của các đơn vị. Kiểm tra lại khả năng tham chiến của các đại đơn vị trực thuộc và tăng phái, vị tư lệnh Quân đoàn I/Quân khu I được báo cáo: Sư đoàn 1 Bộ binh còn lại 2 trung đoàn nguyên vẹn là Trung đoàn 1 BB và Trung đoàn 3 BB, còn Trung đoàn 54 BB tổn thất gần 40%; Sư đoàn 3 Bộ binh tổn thất nặng tại Quảng Trị cần một thời gian dể tái chính trang và tái huấn luyện. Lực lượng Thiết giáp và Pháo binh tăng phái cho Sư đoàn 3 Bộ binh cũng bị thiệt hại ở mức độ phải tái trang bị gần 100%.

* Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I/Quân khu I và kế hoạch phòng thủ Huế và chương trình tái chỉnh trang các đơn vị
Về cuộc diện chiến trường, sau khi Quảng Trị thất thủ, áp lực của CQ đã chuyển hướng vào Huế, một mục tiêu trọng điểm mà CQ cố nhắm đánh chiếm. Ngày 4 tháng 5/1972, trung tướng Trưởng đã khởi động một kế hoạch tổng quát cho công cuộc phòng thủ bảo vệ cố đô Huế: Sư đoàn TQLC với 3 lữ đoàn trách nhiệm vùng Bắc và Tây Bắc Thừa Thiên, với tuyến đầu là bờ sông Mỹ Chánh, gần địa giới hai tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên, cách Huế khoảng 30 km đường chim bay, nhiệm vụ của lực lượng TQLC là ngăn chận tất cả các nỗ lực xâm nhập của các đơn vị CSBV vào Huế. Sư đoàn 1 Bộ binh nhận trách nhiệm vùng Tây và Tây Nam Huế, phòng thủ và ngăn chận hướng xâm nhập của địch quân từ thung lũng A-Shau (An Hậu), Ngoài các nhiệm vụ chính yếu, cả hai sư đoàn được toàn quyền mở các cuộc hành quân tấn công giới hạn để triệt hạ các đơn vị CQ hoạt động trong vùng trách nhiệm.

Trong sự liên kết với các nỗ lực để phòng thủ vòng đai Huế, một chương trình khẩn cấp được tiến hành để kịp thời tái trang bị và huấn luyện cho những đơn vị đã bị tổn thất nặng nề hoặc bị tan rã trong cuộc chiến tháng 4/1972 vừa qua. Bộ Tổng tham mưu chưa kịp có một kế hoạch dự trù nào để tái tạo những đơn vị này trở thành những đơn vị thiện chiến như trước khi trận chiến xảy ra. Trong phạm vi Quân khu I, đây là trách vụ ưu tiên mà bộ Tư lệnh Quân đoàn I đã nổ lực thực hiện để kịp thời có cường lực vượt qua các thử thách để tái chiếm những vùng bị CQ tạm chiếm.

Trong cuộc chiến 32 ngày tại Quảng Trị, mức tổn thất rất cao. Nhiều đơn vị phải xây dựng lại từ đầu như Lữ đoàn 1 Kỵ binh, lực lượng Thiết giáp hùng mạnh thống thuộc Quân đoàn I đã phải bỏ lại chiến trường 43 chiến xa M-48, 66 chiến xa M-41 và 103 thiết vận xa 113, phần lớn do khô cạn nhiên liệu, về nhân mạng có 1,171 quân sĩ bị tử trận, thương vong, mất tích. Về pháo binh tổng cộng có 140 khẩu pháo đã được phá hủy hay bõ lại ở bên bờ Bắc sông Thạch hãn hoặc tại các căn cứ khi triệt thoái. Sư đoàn 3 BB chỉ còn lại bộ tham mưu và những thành phần còn lại của 2 trung đoàn 2 và 57 Bộ binh, tổng quân số còn khoảng 2,700 quân sĩ, thiệt hại đến 75%. (Tổng quân số một Sư đoàn Bộ binh kể cả các đơn vị binh chủng cơ hữu theo bảng cấp số lý thuyết vào khoảng 11 ngàn quân sĩ. Mỗi trung đoàn Bộ binh có quân số lý thuyết hơn 2 ngàn 600). Ba liên đoàn Biệt động quân tham chiến cũng bị thiệt hại nặng, mất trên 50% cường lực tác chiến.

Các nỗ lực tái trang bị được tiến hành liên tục và hữu hiệu nhờ vào khả năng cung ứng và yểm trợ của các đơn vị Tiếp vận qua sự điều động của Tổng cục Tiếp vận và các phản ứng nhanh chóng và rất hiệu quả của hệ thống Tiếp vận Hoa Kỳ dưới sự giám sát của bộ Tư lệnh Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Những chiến cụ khẩn thiết cho nhu cầu chiến trường đã được bổ sung kịp thời như đại bác 105 ly, thiết vận xa, quân xa, vũ khí cộng đồng và cá nhân, mặt nạ phòng hơi độc, ngòi nổ, mình định hướng. Tất cả các quân khí này được vận chuyển cấp tốc đến Đà Nẵng bằng các vận tải cơ khổng lồ hay bằng các hải vận hạm. Nhờ có sự yểm trợ kịp thời và đầy đủ, trong những tháng nghiêm trọng sau đó, không có một đơn vị chiến đấu nào thiếu thốn đạn dược, đặc biệt là các tiểu đoàn Pháo binh 105 và 155 ly.

Về thời gian, các chương trình đã được rút ngắn. Một chương trình cấp tốc 2 tuần lễ huấn luyện bổ túc đã được thực hiện cho các đơn vị do các toán huấn luyện lưu động Việt-Mỹ phụ trách. Đặc biệt trong chương trình này có phần huấn luyện quân sĩ sử dụng các vũ khí chống chiến xa địch, đặc biệt là loại hỏa tiễn có giây điều khiển TOW (Tube-launched, Optical-tracked, Wire-guided), lần đầu tiên được đưa vào chiến trường Việt Nam ngày 21 tháng 5/1972. Khởi đầu các lớp huấn luyện này do lữ đoàn 196 Bộ binh Hoa Kỳ đảm trách, khi lữ đoàn này triệt thoái khỏi Đà Nẵng, các chương trình được tái huấn luyện tại trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm ở phía Tây vùng ngoại ô Đà Nẵng.

Các đơn vị như Thiết đoàn 20 Kỵ binh, Trung đoàn 56 BB và các tiểu đoàn Địa phương quân bắt buộc phải trải qua một chương trình đầy đủ thời lượng để tái trang bị và huấn luyện. Các đơn vị được tập trung tại trung tâm Huấn luyện Đống Đa ở Phú Bài và tại trại Văn Thánh (doanh trại cũ của trung tâm Huấn luyện Sư đoàn 1 Bộ binh). Riêng bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 BB tạm thời đóng tại một khu vực ở Phú Bài của Quân đội Hoa Kỳ để lại.

* Sư đoàn 3 BB tái chỉnh trang
Cũng cần ghi nhận rằng sau khi Sư đoàn 3 triệt thoái khỏi Quảng Trị, Tổng thống Thiệu cũng muốn xóa đi khỏi Quân Lực danh hiệu của Sư đoàn này và tái tổ chức sư đoàn này thành Sư đoàn 27 Bộ binh, vì Tổng thống Thiệu cho rằng con số 3 xui xẻo, cần phải xóa đi.

Trung tướng Trưởng cho biết ông đã nhận được nhiều cú điện thoại của trung tướng Nguyễn Văn Mạnh, tham mưu trưởng Liên quân, thông báo ý định của Tổng thống Thiệu về việc xóa danh hiệu Sư đoàn 3 Bộ binh. Ông đã phải tranh đấu và giải trình rất nhiều lần để giữ lại danh hiệu của sư đoàn này. Cuối cùng Tổng thống Thiệu đã đồng ý. Trở lại với trường hợp của tướng Giai, như đã trình bày, ông đã bị tạm giữ vào ngày 5 tháng 5/1972, tư lệnh phó Sư đoàn là đại tá Ngô Văn Chung được cử xử lý thường vụ chức vụ tư lệnh Sư đoàn.

Ghi nhận về những khó khăn mà tướng Giai đã gặp phải trong khi điều động các đơn vị tăng phái, tướng Trưởng cho biết như sau: Vị tư lệnh tiền nhiệm Quân đoàn I và Quân khu I là trung tướng Hoàng Xuân Lãm đã gây khó khăn cho tướng Giai trong kế hoạch điều quân khi tướng Lãm “tự mình thường xuyên ra chỉ thị bằng cách điện thoại hay gọi qua máy truyền tin thẳng với trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, nhất là với vị chỉ huy Lữ đoàn 1 Kỵ Binh,người cùng binh chủng với tướng Lãm”. Tướng Giai chỉ biết được nội dung các chỉ thị của tướng Lãm, sau khi các chỉ thị này đã được các đơn vị trưởng (nhận lệnh của tướng Lãm) thi hành xong xuôi. Tướng Trưởng nhận xét rằng việc làm của tướng Lãm đã làm thương tổn đến quyền chỉ huy của tướng Giai.

Chính sự bất tin của vị tư lệnh Quân đoàn I đối với tướng Giai và sự bất tuân lệnh tướng Giai của các đơn vị trưởng tăng phái (do tướng Lãm đã ra lệnh trực tiếp cho các vị này), đã đưa đến kết quả cuối cùng của việc sụp đổ toàn diện hệ thống chỉ huy và kiểm soát tại chiến trường giới tuyến vào cuối tháng 4/1972.

(Biên soạn dựa theo hồi ký của cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, tài liệu của tác giả Trần Phan Anh, hồi ký của cựu thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh và tài liệu riêng của VB)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.