Hôm nay,  

Người Bạn Bên Kia Bờ Đại Dương

27/04/199900:00:00(Xem: 15312)

Tôi cầm thư Hòa, và thật chậm, rọc mép thư, đọc từng dòng chữ một. Nhiều năm rồi, tôi mới được thư anh. Hàng tem in ở góc với con số hơn tám ngàn đồng Việt <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam, tôi biết đây là một hy sinh lớn; anh không nhiều tiền. Anh thuộc loại người xông xáo làm đủ mọi chuyện để kiếm sống và nuôi gia đình, nhưng định mệnh thường phá vỡ mọi mưu tính của anh và cứ buộc anh ngồi nhà đọc sách.<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />


“Trời đã định sẵn Hòa phải làm người trí thức thì phải thua thôi. Cứ bình tĩnh ngồi nhà đọc sách đi, may ra, tới một ngày học được phép chỉ sách hóa tiền thì được.” Tôi thường nói vậy sau mỗi lần anh dẹp một việc làm nào đó.


“Vợ mình may đâu đủ sống. Rồi làm sao... Phải chi độc thân như Hưng.”


Tôi biết anh không có khả năng sống được trong bất kỳ thế giới nào, vì anh quá ngây thơ, và vì không một xã hội nào, nhất là xã hội cộng sản, cần tới lòng trẻ dại đó.

Bì thư xanh xanh đỏ đỏ, giấy xơ cứng, loại này hình như chỉ còn một nơi duy nhất trên thế giới sản xuất. Giấy thư kiểu học trò, vàng màu tái sinh nhiều lần. Anh viết hỏi thăm tôi đủ chuyện. Tôi đoán cũng là hỏi cho có thôi, vì Hòa có thể biết qua các em tôi còn ở Sài Gòn. Thư chẳng văn chương gì hết, anh và tôi không thích viết kiểu văn chương. Cách nhiều năm rồi, một lần tôi gửi anh năm mươi đô la. Anh viết vài dòng cảm ơn, chỉ vài dòng thôi, và cuối thư dặn dò lúc nào có tiền cứ gửi thêm. Từ đó tới giờ, tôi lờ đi. Bởi vì tôi không mấy khi nhiều tiền, và khi có thì lại không biết giữ, kiểu này anh đã biết quá rõ.


Lần anh bỏ chỗ chợ Gò Vấp, dọn đồ nghề làm và sửa giày dép về chợ Tân Phú, tôi đã băn khoăn tự hỏi, không biết chỗ sau nữa của anh sẽ ở đâu. Dù vậy, tôi cũng ngồi hết một ngày để tiễn đưa, kiểu chúng tôi nói, khu chợ Gò Vấp, nơi anh gần một năm bày thùng đồ nghề sửa giày. Chỉ ngồi thôi, Hòa nói, ngồi nhìn cuộc đời chung quanh, trước mắt mình, chờ giao hết giày người ta đặt sửa, hôm nay lấy, rồi mai về nơi khác làm ăn, cũng vui rồi. Kiểu anh nói có khi hơi lắp, tôi ghi nhận, đi kèm với gọng kính dày trên mắt thế kia thì làm ăn cái gì. Ừ, thì cũng vui, tôi ậm ừ và kiếm chuyện tào lao để nói.


Chuyện tào lao của chúng tôi thì thật nhiều. Nói về nhóm nghiên cứu của chúng tôi năm xưa, về những ngày còn đi học, về sách vở, về những người bạn còn ngồi tù, về Thiền, về Công giáo thần bí, và đủ thứ chuyện. Tôi đoán là thư anh không nói về những chuyện đó. Không ai gửi thư qua Mỹ chỉ để nhắc lại những kỷ niệm, có lẽ chỉ trừ những tình nhân.

Dòng tái bút, anh cho biết cần tôi gửi các sách tiếng Anh hoặc Pháp về các khuynh hướng Công giáo thần bí để anh nghiên cứu viết lách — tôi còn nhớ, trước kia khi còn ở trường, anh làm luận án Cao học dưới sự bảo trợ của linh mục Nguyễn Khắc Dương. Tôi đoán là anh cũng muốn hỏi xin tiền nhưng ngại, và có lẽ anh hy vọng tôi hiểu ngầm được điều này.


Vậy là nghề làm giày của anh đi đời rồi. Không biết sau chỗ ngồi ở chợ Tân Phú có phải dời tới chỗ nào khác không.
Tayanh vụng về thế kia thì khách nào chịu cho nổi. Còn lũ bạn có thương thì thỉnh thoảng mang vài đôi dép da tới nhờ anh vá hoặc dán lại thôi. Bây giờ lại nghiên cứu hay dịch thuật những thứ này thì làm sao sống được. Không rõ anh muốn vào nghề xuất bản, hay là viết cho Giáo Hội Công Giáo. Các nhà thờ có bao giờ chơi hào sảng với anh không, tôi cũng thắc mắc về điểm này lắm, vì kinh nghiệm sống chết với Phật giáo của tôi chỉ dạy cách sống bằng thiền định chứ không bằng cơm — kiểu mà tôi gọi là để chuẩn bị cho những ngày ngồi tù sắp tới. Vậy còn người vợ với năm đứa con, thu nhập với nghề may, biết có mở tiệm được chưa, không thấy anh nhắc trong thư.


Phải đưa thư này cho thằng Tường coi, tôi nghĩ vậy. Tường là bạn học cùng làm báo với Hòa và tôi từ ngày đi học. Dòng họ tên này làm lớn chức ở
Vatican, có thể hắn cũng nhận được một thư tương tự. Và nếu vậy thì tôi cũng nhẹ phần trách nhiệm. Trước giờ tôi cũng gửi nhiều sách Phật giáo vào nước, có lẽ Hòa biết và đó là lý do anh muốn tôi tìm sách Công giáo cho anh. Nhưng dính nhiều quá lại rắc rối, và không chắc gì những bản dịch của anh có thể phổ biến được.

Khi Hòa về ở Tân Phú, thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm. Ngôi nhà anh ở, nơi vợ anh đặt bàn máy may và một góc là nơi anh đặt bàn sửa giày, không đủ chỗ cho mấy đứa con đùa nghịch. Bất tiện nữa, lại không gần chợ. Vậy thì làm sao làm ăn, tôi hỏi ngay lần đầu tới đây thăm. Hòa dẹp những đôi giày cũ sang bên, phủi tay cho đám bụi đen rơi khắp người và đứng dậy kéo tôi ra quán cà phê bên kia đường. Vợ Hòa chỉ ngẩng đầu lên, mỉm cười chào tôi rồi lại cúi người xuống bàn máy, chân đạp liên tục những đường chỉ. Hòa đưa tay sửa gọng kính cho ngay ngắn, nói giọng lắp bắp, thì cũng phải làm ăn chứ, không thì chết.


Quán cà phê bên kia đường thật vắng. Buổi trưa nắng gay gắt. Chúng tôi ngồi chỉ là cho có chỗ nói chuyện. Lúc đó anh hỏi tôi về tình hình Phật giáo và dòng Thiền của Thầy tôi. Tôi kể là anh tôi vừa bị trục xuất khỏi chùa và đang lang thang tìm một trú xứ mới ở miền Đông. Tôi lại nói về ông Bồ Đề Đạt Ma, Lâm Tế và Sư Ông của tôi — những điều anh cứ tò mò. Và anh lại kể về dòng Tiểu Huynh Tiểu Muội của Công giáo thiết lập ở sa mạc thế nào — cũng là những điều tôi thích nghe. Tôi nói, phải chi đất nước bình yên, tụi mình kiếm sách vở đọc đầy đủ về mấy chuyện này nhỉ. Lúc bấy giờ, sách vở ở Sài Gòn không có gì để đọc. Chúng tôi chia sẻ cho nhau những kiến thức bằng trí nhớ giới hạn của chúng tôi. Anh hỏi về cuốn sách bí mật ở ngôi chùa Thầy tôi. Tôi nói, đi làm ruộng cũng ngất ngư rồi, thứ nữa ông Thầy bảo tôi cần ngưng đọc sách nhiều năm. Vậy thì chán chết, anh cười. Tiếng cười cũng lắp bắp như kiểu nói. Tôi bảo, sống thôi cũng đã rồi. Ừ, anh gật gù, cũng đã rồi. Mà phải sống cho thật đã, đó mới là Thiền, tôi giải thích thêm...

Nhà Tường ở Westminster, ngay giữa khu trung tâm của người Việt. Tôi bước lên lầu hai, đập đập cánh cửa căn chung cư của hắn. Tường mở cửa cho tôi vào. Đứa con hắn chỉa khẩu súng nhựa vào tôi, miệng bắn pằng pằng. Tôi đưa tay lên trời ra dáng đầu hàng, bắn nhẹ thôi, không chú lăn ra chết giờ. Đứa nhỏ vẫn chưa nói sõi, cười cười hạ mũi súng xuống.


Tường hỏi tôi có gì lạ không. Tôi bảo chẳng có gì, chỉ trừ thư của Hòa mới gửi sang, Tường đọc đi. Hắn hỏi tôi ăn cơm không. Tôi đáp không. Ba năm nay, hắn thất nghiệp và ăn bám vợ, nhưng cứ thấy mặt tôi là hỏi ăn cơm không, như dường tôi đói kinh niên. Tôi ngồi nhìn nắng ngoài cửa sổ và nghĩ tới những trưa nắng quê nhà, và tới Hòa.


Tường cầm thư Hòa trầm ngâm, sao vậy được, hẳn là Hòa nó làm việc cho một tờ báo quốc doanh nào đấy. Tôi im lặng hồi lâu. Tôi cũng đoán được câu hỏi như vậy. Tường không biết là lòng tôi vui biết bao nhiêu khi thấy Hòa xin những cuốn sách như vậy. Còn hơn là xin những cuốn sách về kinh tế thị trường với quản trị tài chánh. Nhưng tôi đã cố ý tránh nghĩ tới việc Hòa đang làm cho một cơ quan nào đấy về xuất bản hoặc in ấn.


“Hòa xin sách đó. Tường kiếm được không" Mình không có tiền mua sách.”
Mặt Tường quạu lại, cái sẹo trên mi mắt đỏ lên.
“Mình đoán được chỗ nó đang làm việc rồi.”
“Tường thư qua Pháp hỏi anh Tường coi gửi các loại sách Công giáo cho hắn được không. Về Therèse de Lisieux, về dòng Tiểu Huynh Tiểu Muội, hay về Gabriel Marcel cũng được. Nói chung cái gì cũng được.”
“Nhưng thời buổi này thì viết làm gì"”


Tôi biết Tường bị tổn thương nhiều. Hắn nghĩ là nhóm chúng tôi lúc nào cũng phải ngon lành, nghĩa là không bao giờ quỵ lụy nhà nước. Nhưng thư Hòa có nói gì đâu. Tôi cũng không thích ở nơi chốn bình an mà bàn về những nơi hung hiểm. Tôi cầm thư Hòa nhét vào túi, gấp vội vã.


Tường nói, không gửi gì hết, tuyệt nhiên không gửi gì hết. Tôi bảo, Tường không gửi thì rồi mình cũng sẽ gửi, nhưng sao lại quạu như vậy.


“Thằng Hiệp nó lang thang ngoài đường đâu cần làm gì đâu. Hiệp là chuyên gia về thần học Ky Tô, bao nhiêu ông cha gọi làm việc mà nhất định không làm.”


Tôi không nói gì về chuyện đó nữa, hắn có quyền nói về bất cứ điều gì. Tôi hỏi Tường về chuyện ông anh hắn. Hắn lại hỏi tôi về vận động của Phật giáo. Chúng tôi nói dăm ba chuyện. Tôi ngáp rồi đứng dậy. Đứa con Tường lại chỉa súng nhựa vào tôi, miệng pằng pằng. Tôi lại đưa tay giả đầu hàng, bảo Tường là tôi lúc nào cũng sợ súng, thành phản xạ rồi. Khi tôi xuống đường, nắng rực rỡ và cháy bỏng. Tôi thọc tay vào túi để kiểm xem thư Hòa có nằm đó không. Lưỡi tôi tự nhiên có vị đắng.

Từ chợ Gò Vấp, nơi Hòa đặt bàn may vá giày dép, cách nhà anh cũng năm, bảy cây số. Có những chiều tôi ngồi bên anh cả ngày, đùa giỡn, chờ tới khi chiều xuống, anh dẹp hàng rồi cùng đạp xe về nhà anh ăn cơm. Tấm bạt che nắng được chăng vụng về bên lề đường. Tôi cứ bảo, chẳng ngay ngắn gì hết, cứ thụng thụng xuống làm phiền khách qua lại, làm sao người ta tin là những đường chỉ của Hòa có thể thẳng được. Trước mặt là ngôi chợ ồn ào, tường vôi cũ, kiến trúc thời Pháp. Cũng không dễ làm ăn vào lúc đó, cả nước đều đang đói rách, và chính quyền thì cứ nằm mơ tới thiên đường.


Nhà anh ở giữa một khu tràn ngập gái giang hồ. Tác phong trí thức của anh, đôi kính dày, nói lắp bắp thường là những điều khó hiểu, không có vẻ thích nghi chi ở vùng này. Anh được hàng xóm nể trọng nhờ vào nghề giáo trước 75 của anh, dạy Triết cho một trường Trung học ở tận Phan Thiết. Đôi khi tôi cũng đùa anh, cái xóm này có mùi gì lạ ha, lần đó giữa khi chúng tôi về nhà anh ăn cơm. Anh hỏi, mũi hích hích, mùi gì kìa. Tôi bảo, mùi của những cuộc làm tình chứ gì nữa. Hòa cười chịu đựng, rồi phải kiếm cách dọn đi, để con nít ở đây hư hết. Tôi biết tìm được một nơi ở khác cũng là một nan đề giữa thời buổi này. Tôi đã bảo, tôi ngại đi vào đây một mình vì cứ bị mấy cô níu áo hoài, mặt mũi tôi lại có vẻ nhà quê dễ dụ dỗ mới khổ.

Hôm trước khi tôi vượt biên, Hòa vào Chợ Lớn rủ tôi lang thang dạo phố. Chúng tôi đi bộ trên các phố Nguyễn Trãi, Tổng Đốc Phương, Đồng Khánh. Tôi vẫn thích gọi đường phố bằng các tên cũ. Giữa cảnh tiêu điều của thời sau các trận đánh tư sản, Chợ Lớn vẫn âm thầm, kiên nhẫn gượng dậy trong những cách riêng. Nhà tôi trên lầu hai của một quãng phố Đồng Khánh.


Khi qua trước sân Tinh Võ, nhìn những tiệm sách cũ của Tàu, tôi nói với Hòa là ước mơ của tôi thật đơn giản, khi về già tôi sẽ làm chủ một tiệm sách cũ để sống qua ngày. Còn gì nữa nhỉ, tôi cắn môi suy nghĩ thêm khi chợt thấy ý nghĩ đó có vẻ hơi khiêm tốn, ừa chủ yếu phải là đọc sách và tụng kinh, còn có tiền thì đi lang thang thế giới chẳng hạn. Ừ quên, tôi còn muốn sau này sẽ dịch toàn bộ các sách của Krishnamurti ra tiếng Việt. Hòa chẳng nói gì nhiều, chỉ trầm ngâm thỉnh thoảng cười. Hôm đó, sau khi đi tới mỏi nhừ chân, chúng tôi lại về lấy xe đạp đi thêm. Tôi theo Hòa tới tận một lò da và keo gần nghĩa địa Quảng Đông, để anh mua thêm mớ đồ nghề làm việc. Khi nhìn anh đứng lắp bắp mặc cả từng đồng một với tay Ba Tàu chủ lò, trong căn nhà tôn nóng đổ mồ hôi, về những tấm da cắt sẵn và các hũ keo vá giày, tôi nghĩ sau này mình sẽ gửi tiền về cho Hòa làm ăn đàng hoàng.


Nhiều năm sau, tôi vẫn chưa gửi được cho anh quá năm mươi đô la. Và bây giờ thì anh hỏi tôi những quyển sách nước ngoài viết về Ky Tô thần bí. Không biết rồi Hòa sẽ làm gì với những thứ này. Có bao giờ, như trước kia tôi từng nói với Hòa, anh cần phải học phép chỉ sách hóa tiền. Nhưng cả anh và tôi, dù biết giá trị đồng tiền, vẫn chưa bao giờ bỏ hết tâm lực vào việc này.

Còn phải kiếm cách gửi nữa chứ, tôi nghĩ, cứ theo đường Bưu điện nhiều phần là mất. Tôi nhìn lên tủ sách của tôi, cũng vài trăm cuốn nhưng không có quyển nào Hòa cần. Vậy là cuối tuần phải đi lùng sục ở những tiệm sách cũ. Có bao giờ Hòa đang nói chuyện với những thanh niên về đam mê của anh, tại sao Ky Tô thần bí chẳng hạn, cũng như một thời tôi đi khắp nơi để nói, nghe và tranh luận về Thiền.


Tôi suy nghĩ xem mình có thể nhờ thêm người bạn nào lo cho Hòa. Sau Tường thì tôi không thể nghĩ tới ai. Đã có những người bạn hiện không bao giờ đọc sách nữa, và cũng không bao giờ cần biết chuyện gì đang xảy ra ở quê nhà. Tôi hiểu Hòa, và tôi tin Hòa, mặc cho bây giờ anh đang làm gì và ở đâu. Nơi đó, ở quê nhà bên kia bờ đại dương, người ta đang lấn nhau từng dòng chữ một, và đang trấn áp nhau từng tư tưởng một. Nơi đó, Hòa đang cúi đầu trên những trang sách, hoặc đang viết lên những dòng chữ cẩn trọng cho tôn giáo của anh.


Ngoài trời, tiếng mưa bắt đầu đập vào cửa sổ và gió ào ạt xô vào phòng. Tôi đứng dậy, vặn lại kính cửa sổ. Gió hắt mạnh vào mặt tôi. Trên lưỡi, tôi vẫn còn thấy vị đắng buổi chiều chưa qua.

CHÀNG, NÀNG VÀ BUỔI CHIỀU
PHAN TẤN HẢI

Có một sợi tóc bạc lấp lánh bên trái màng tang của nàng. Chàng đoán nàng không nhìn thấy khi soi gương sáng nay. Chàng cũng không muốn nói, nhưng tự nhiên thấy hơi xót xa. Có thể chàng cũng có vài sợi bạc mà nàng nhìn thấy và chẳng hề hở môi. Đôi mắt nàng cúi xuống, tay vẫn cầm muỗng khuấy ly cà phê. Chàng ngả người ra, chân chạm chiếc va ly nhỏ của nàng. Còn hai giờ nữa mới tới chuyến bay của nàng.
“Anh lúc nào cũng tôn trọng em. Trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này.”

Chàng đốt điếu thuốc, nhìn ra cửa kính phi trường. Trời tối âm u và hàng ngàn đèn sáng gần xa bên ngoài soi những thân máy bay lấp loáng. Nàng cười nghiêng đầu qua trái. Cái kiểu bao giờ cũng vậy. Trước kia có lần chàng bảo nàng hãy tập kiểu cười mà giữ cổ cho thẳng và nàng lại càng rũ rượi cười phá lên và bò hẳn người qua trái.

“Anh biết em luôn luôn thích làm trái ý anh. Có điều gì vui đó trong cái ngang ngược. Nhưng như vậy làm chi nhỉ... Vài năm nữa, mươi năm nữa, nhìn lại những ngày qua rồi sẽ thấy là chúng ta đã từng yêu thương nhau biết bao. Cuộc đời vui không kể gì. Nhưng hôm nay em đi rồi biết tới bao giờ gặp lại.”
Chàng xiết chặt tay nàng, úp hẳn tay nàng xuống mặt bàn. Những đường gân xanh lộ ra trên cổ tay nàng. Bàn tay nàng mềm mại và ấm, mặc dù chàng thường gọi chúng là hai nắm gân và xương.

“Thôi mình giả bộ khóc một tí đi cho giống xi nê. Bao nhiêu lần mình chia tay rồi mà anh chưa bao giờ thấy em khóc cả. Cứ nấc lên vài tiếng hích... hích... chẳng hạn. Không lẽ anh lại phải đạo diễn cho mọi chuỵện nó lãng mạn một tí. Nếu không thì cải lương một tí cũng được. Có sao đâu. Như hồi ở Nha Trang đấy, anh nhớ suýt tí nữa em khóc thì phải...Nhưng hồi ấy tụi mình còn học trò quá.”

Nàng vẫn nhìn thẳng vào mắt chàng. Vẫn cái kiểu cố ý nghiêng đầu qua trái. Lâu rồi chàng không phê bình điều đó nữa. Và cũng lâu rồi chàng đã tập không phê bình bất cứ điều gì trên đời.

“Em kỳ dị như chưa bao giờ lớn cả. Bao nhiêu năm rồi đấy. Phải chi bây giờ anh bảo em phải cười cho thật to thì anh có thể đoán là em sẽ khóc hù hụ ngay cho xem.”
Chàng đưa tay xuống gầm bàn bóp nhẹ đầu gối nàng. Chiếc váy xám vừa chấm đầu gối. Chàng nhớ từng nói với nàng cách gần hai mươi năm, chỗ nào của nàng cũng toàn xương là xương. “Chưa từng có ai trên thế giới gầy như em vậy. Phải chi em nặng thêm bốn kí lô. Chẳng hạn như hai kí trước ngực và hai kí sau mông đi.” Lúc đó thì nàng mỉm cười, vòng hai tay xiết chàng thật chặt. Đó là lần đầu tiên trong đời, họ ôm nhau.

“Anh chán cái kiểu này lắm rồi. Cứ chia tay rồi gặp lại rồi cãi nhau rồi ra đi. Cũng gần hai trăm năm rồi...”

Chàng có linh cảm lần chia tay này là lần cuối nhưng không nỡ nói ra. Lần đầu ở Nha Trang. Lúc đó nàng còn là học trò để tóc quá vai, mặc áo dài trắng. Đêm từ biệt chàng theo đơn vị về Saigon, chàng đưa nàng ra bờ biển ngồi nghe sóng xô dạt lao xao. Họ ôm nhau nhìn ra trời đêm mặc bao nhiêu người chung quanh. Và những lần tìm nhau và xa nhau sau đó, bên này và bên kia bờ đại dương. Họ đều có những vết thương riêng, không kể cho nhau và cũng tránh không hỏi về nhau.

“Phải chi mình sống được với nhau luôn nhỉ. Tới một góc nào đó của thế giới, quên hết mọi chuyện đời, nghiêm chỉnh có với nhau một hai đứa con.”

Nàng vẫn im lặng, đốt thêm điếu thuốc khác. Chàng vuốt ve bắp đùi nàng. Đôi vớ lưới hồng nhạt màu da. Nàng khép đùi lại và nghiêng qua một bên và vẫn giữ câm lặng.

Chàng đùa, “Anh biết em đang cắn chặt môi, không dám hở ra một lời. Hở môi ra thì có thể bật khóc được. Thử coi, hở môi ra đi nào. Bây giờ em mà khóc được thì sẽ ở lại đây luôn đấy. Tại sao không cho một cái happy ending trong câu chuyện của tụi mình ha. Nếu không thì phải chi đêm qua chết luôn trên giường cho rồi.”

Người hầu bàn nữ tới gần. Chàng vẫy tay xin thêm cà phê. Chàng nới cổ cà vạt cho lỏng ra một tí. Tiệm sách báo và quà tặng kế bên vắng lạ. Những chồng sách báo chen chúc bên nhau đủ màu sắc. Người bán hàng đứng sau quầy kính cầm bút tính toán. Chàng nghĩ, tí nữa phải vào mua báo cho nàng đọc.

“Em có muốn anh mua cái gì cho em lên máy bay đọc không. Báo chẳng hạn. Hay truyện của Duras đi. Anh mê bà ta từ hồi mới đọc sách đấy,” tay chàng vẫn xoa nắn đùi nàng.

Chàng thấy mệt mỏi, như muốn buồn ngủ. Nàng vẫn thường than phiền cái nết buồn ngủ của chàng sau mỗi lần làm tình, “Rồi anh sẽ lăn ra ngủ cho coi, em biết mà.” Những lúc ấy chàng luôn luôn chống chọi giấc ngủ bằng cách hít những hơi thở dài vào đan điền và đưa tay vuốt ve khắp người nàng. Những lúc ấy nàng lại càng đùa thêm, “Để coi em đếm từ một tới mười nha. Lần này đếm tới tám thế nào anh cũng ngủ quên trời đất.”

Đêm qua chàng đưa nàng lang thang tới ba giờ sáng ở phố Georgetown. Chen chúc giữa những đám đông trên hè phố, chàng đã say gần chết. Chàng ôm vai nàng đi qua những ngã tư, ngã ba, vào những tiệm sách và ngồi ăn khuya trong một quán cà phê dưới ánh nến. Đêm về trời thật lạnh. Nàng phải lái xe. Chàng ngủ ngay khi vừa ngồi xuống và nói líu ríu lời xin lỗi, “Em lái giùm anh. Anh hết thấy đường rồi. Nếu em không nhớ đường thì mở bản đồ mà xem. Nhớ nha. Qua cầu Key cứ thẳng vào đường 50 là gần nhất.” Chàng ngả nệm lưng ra ngủ. Thỉnh thoảng chàng lầu bầu, “Anh quên nói là anh thích em để tóc ngắn như vầy lắm... Ba năm rồi nhỉ, nhớ em kinh khủng...”

“Hình như đêm qua anh say quá. Sức anh xuống rồi. Không chịu được bao nhiêu rượu nữa. Đáng lý ra tụi mình vui hơn nếu anh không uống. Anh nhớ hình như hồi sáng anh cũng xin lỗi em rồi. Cho anh xin lỗi nữa nha.”

Đêm qua khi về phòng chàng đã lăn ra ngủ ngay lập tức, tới gần sáng mới tỉnh dậy. Chàng đã lay nhẹ nàng dậy và làm tình trong lúc nàng còn ngái ngủ. “Chuyện chẳng lãng mạn tí nào,” chàng đã xin lỗi nàng như vậy khi đưa tay kéo quần lót nàng xuống. “Trời ơi, anh thương em biết là bao nhiêu.” Chàng lập đi lập lại cả trăm lần câu nói đó. “Làm sao anh sống nổi nếu chiều nay em đi,” chàng đã thủ thỉ như vậy trong lúc vẫn liên tục làm tình.

Nàng mỉm cười. Chàng thấy bồi hồi. Lần nào chia tay cũng vậy, chàng muốn khóc được còn nàng thì cứ có vẻ tỉnh như sáo.

“Em cứ đến rồi đi như một giấc mơ. Sao vậy nhỉ. Hồi gặp lại em ở Saigon không ngờ lại chậm rồi. Phải chi anh ra tù sớm một tí. Lúc ấy anh có làm mấy bài thơ cho em sau rồi mất cả. Hồi đó anh cũng còn ngây thơ biết là bao nhiêu. Cứ nghĩ mình sẽ làm được biết bao nhiêu chuyện lớn trên đời.”

Chàng gục đầu xuống bàn, và nói thật nhỏ, “Nếu anh ngủ quên em có thể đánh thức anh dậy lúc nào cũng được. Anh sợ cuộc đời, sợ cô đơn. Phải chi có em trong đời nhỉ, bây giờ và mãi mãi. Tụi mình tuổi cũng lớn rồi.” Chàng nhắm mắt lại trong khi vẫn nói thì thầm như với riêng chàng, “Cảm ơn em biết bao nhiêu. Cảm ơn em vô chừng. Anh tin là sau em, anh không có thể yêu thương ai được nữa.” Chàng biết chàng đang nói dối. Chàng biết chàng có khả năng yêu thương nhiều người.

Đêm qua chàng đã nói ở quán ăn bên kia cầu Key, “Tụi mình sẽ thức suốt đêm nay đi. Chứ mai em đi rồi biết tới bao giờ lại gặp nhau.” Nhưng khi ra cửa tiệm chàng đã đi nghiêng ngả rồi. Và khi tới xe thì chàng gục hẳn đầu vào mũi xe. “Không phải anh say đâu. Chỉ vì anh buồn thôi. Buồn kinh khủng, buồn vô cùng.”

“Anh mệt lắm. Em có muốn nghe anh đọc mấy bài thơ mới không. Trong này có một bài anh nói về cái nết vừa cười vừa nghiêng đầu của em...” Chàng gục đầu hẳn xuống bàn.

Khi chàng tỉnh dậy, nàng đã đi. Trên bàn có mẩu giấy dằn dưới ly. Nét chữ của nàng nghệch ngoạc, “Em biết mà. Lần này thì anh ngủ được cả ở ngoài quán mà không cần em đếm. Thương anh.”

(Hết)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.