Hôm nay,  

Hành Hạ Tù Binh Iraq

11/05/200400:00:00(Xem: 4843)
Vụ hành hạ tù binh Iraq nổ bùng ra từ hơn một tuần lễ nay, và càng ngày nó càng khiến cho dư luận phải quan tâm thêm, mặc dù các nhà lãnh đạo cao cấp trong giới hành pháp của Hoa Kỳ, kể cả tổng thống Bush đã phải nhiều lần lên tiếng xin lỗi và biện bạch. Những cố gắng để cố làm chủ tình hình đang tỏ ra vô ích. Thiếu tướng Geoffrey Miller, người được giao nhiệm vụ đến kiểm tra và giải quyết tình trạng tù binh Iraq tại các nhà tù của Mỹ, hôm nay công bố rằng tổng số tù binh Iraq bị giam giữ tại nhà tù tàn bạo Abu Ghurayb sẽ được giảm xuống hơn một nửa. Đồng thời nhằm mục đích giảm bớt tai tiếng, ông công bố lệnh cấm sử dụng mũ trùm đầu che mặt tù nhân trong quá trình chuyển trại giam, thay vào đó là một dải băng bịt mắt hoặc kính đen.
Tướng Miller nguyên là người chịu trách nhiệm chỉ huy các nhà tù tại vịnh Guantanamo, nhận nhiệm vụ cai quản 14 nhà tù dã chiến tại Iraq vào tháng trước, kể từ sau sự kiện quân Mỹ đối xử tàn tệ với tù nhân tại Iraq khiến cho ít nhất 5 cuộc điều tra đã phải tiến hành. Tuy vậy, ông còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn xoá bỏ vết nhơ hiện tại. Nhiều người Iraq rùng mình hoảng sợ khi nghe nói đến chữ "Abu Ghurayb". Đây chính là nhà tù tàn bạo nhất trong thời Saddam Hussein, biểu tượng cho một chế độ cai trị tối tăm, rộng lớn, thậm chí cho đến nay người dân Iraq vẫn đang tiếp tục phân loại và sắp xếp các bộ xương vô danh tại những hố chôn tập thể của nhà tù này, cũng như tìm kiếm những người sau khi bị giam đã mất tích không để lại dấu vết gì. Vào năm ngoái, cùng lúc quân Mỹ tiến vào Baghdad, lực lượng vệ binh của Saddam rút đi, trước khi triệt thoái, chúng thanh trừng toàn bộ nhà tù, đem một vài tù nhân theo chúng đồng thời giết sạch những người còn lại.
Khi những phóng viên báo chí Hoa Kỳ đến Abu Ghurayb vào tháng 4 năm ngoái, người dân Iraq địa phương đã đưa họ đến một pháp trường vẫn còn phảng phất một mùi khó ngửi từ những gì còn lại của gần nửa tá xác tù. Họ bị bắn chết vài ngày trước và xác bị phân huỷ dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời. Trong phòng giảo hình, hai sợi dây thòng lọng vẫn còn đu đưa. Những sợi dây to bản này được kết lại từ vải muslin nhằm mục đích khiến cho nước bọt và những gì tử tội nôn mửa không ảnh hưởng đến sợi dây, do đó đao phủ có thể tiếp tục tái sử dụng những sợi dây này, ngày này qua tháng nọ.
Người Iraq đã đòi đóng cửa nhà tù Abu Ghurayb sau khi chính quyền Saddam sụp đổ. Nhưng quân đội liên minh không có thời gian để xây dựng nhà tù khác, họ cần gấp nhiều nhà tù, rất nhiều nhà tù, khi mà số lượng tù binh bị xếp vào loại "tội phạm nguy hiểm" và có khả năng đe doạ đến quân liên minh lên đến con số 8000 người. Một nửa con số này bị giam tại nhà tù Abu Ghurayb.
Giờ đây một lần nữa nhà tù này trở thành biểu tượng của sự đàn áp tù binh - bây giờ là dưới bàn tay của người Mỹ. Những tiết lộ về việc hành hạ tù nhân tại Abu Ghurayb làm dâng lên một làn sóng phẫn nộ tại Iraq, Wissam Ali, chủ một tiệm rửa ảnh 31 tuổi tại Baghdad nói rằng: "Cách mà người Mỹ đối xử với tù nhân thật là vô nhân đạo, họ cũng chẳng khác gì Saddam".
Dĩ nhiên quy mô của sự bạo hành tại Abu Ghurayb chưa thể so sánh với sự khủng khiếp trong thời kỳ Saddam. Nhưng những tấm ảnh tù nhân Iraq trần truồng, bị ép buộc phải quan hệ tình dục đồng tính cho lính canh giải trí, khiến cho uy tín của quân Mỹ dưới mắt người dân Iraq giảm sút nghiêm trọng.
Mỗi bức ảnh được công bố trên các kênh truyền hình vệ tinh Arab lại gây ra hàng tá cơn ác mộng cho người dân Iraq. Cô Sahah Ja'far, một nữ kỹ sư phát biểu: "Thật đáng xấu hổ cho những người chỉ trích chính quyền Saddam là có quá nhiều mồ chôn tập thể và đối xử tàn tệ với tù nhân, trong khi người Mỹ còn làm nhiều chuyện kinh khủng hơn thế, nếu đây thật sự là những gì họ dành cho nam tù binh, vậy thì họ sẽ làm gì đối với nữ tù binh""
Trong khi đó Ngũ Giác Đài phản đối một cách yếu ớt. Họ tuyên bố: "Không có bằng chứng rõ rệt về việc binh sĩ Mỹ đối xử tàn bạo với tù nhân" theo như lời tướng Richard Myers, tham mưu trưởng bộ tổng tham mưu phát biểu. Còn tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng họ đã nhận được hàng đống báo cáo về tình hình ngược đãi tù nhân do quân đội Liên minh gây ra. Tổ chức bảo vệ nhân quyền tại London báo cáo rằng trong tháng ba vừa qua, nhiều cựu tù nhân cho biết họ đã bị đánh đập, bị tước đi giấc ngủ trong một thời gian dài, bị tra tấn bằng âm thanh tần số cao, và nhiều hình thức tra tấn về tâm lý. Thượng nghị sĩ Ted Kennedy vào thứ ba vừa qua, sau khi tham dự buổi điều trần vắn tắt tại Thượng viện về vấn đề Abu Ghurayb đã nói: "Rõ ràng đây không phải là một vài trường hợp cá biệt".
Ít nhất những tù nhân khi được phỏng vấn bởi báo chí đã khai báo rằng tình trạng ngược đãi tại nhà tù Abu Ghurayb không hề có giới hạn. Câu chuyện họ kể lại về cái gọi là "Điều kiện miễn truy tố" khiến cho binh sĩ Liên minh tha hồ hành hạ và làm nhục tù binh, hoặc bày trò để những người Iraq làm hại lẫn nhau, mà không hề lo ngại về chuyện bị kết án hoặc xử phạt.
Ahmed Makki al-Obeidi là một trường hợp đáng chú ý. Bị bắt vào tháng giêng, nhưng ông không hề lấy làm ngạc nhiên lắm. Vợ của ông ta, Huda Ammash, có biệt danh là "Mrs Antharax" là phụ nữ có địa vị cao nhất trong đảng Baath của Saddam, bà cũng là người được cho là chuyên viên về vũ khí sinh học (Nhiệm vụ mà Obeidi đã từ chối). Bà bị bắt vào tháng năm năm 2003. Obeidi nói ông bị tống giam trong tám ngày trong một nhà giam gần phi trường Baghdad mà ông miêu tả là "Như một nấm mồ". Quân Mỹ mở nhạc Rap liên tục và ầm ỹ, những bản nhạc sử dụng ngôn ngữ thô tục và bẩn thỉu. Ông diễn tả suy nghĩ của mình: "Tôi cho rằng họ mở nhạc như thế nhằm khỏa lấp các âm thanh tra tấn".
Obeidi, người đã từng sống và học ở Hoa Kỳ, nói rằng những nhân viên thẩm vấn đã buộc ông ta phải cởi sạch quần áo, chỉ trừ lại quần lót, xối nước lạnh lên người ông ta và buộc ông ta đứng cạnh một chiếc máy điều hoà nhiệt độ. Sau một thời gian, ông ta được phép sưởi ấm lại trong vài phút. Rồi những người thẩm vấn tiếp tục lặp lại việc này liên tục trong khoảng sáu tiếng đồng hồ. Ông ta kể: Họ liên tục la lối "Khai sự thật đi", nhưng tôi chẳng biết họ muốn sự thật nào nữa. Cực hình chấm dứt khi một sĩ quan Mỹ cho dừng "kiểu thẩm vấn ướp lạnh" và giam ông ta trở lại nhà giam cùng với một lời xin lỗi. Các viên chức liên minh nói rằng họ sẽ nghiên cứu kỹ về trường hợp của ông ta.

Cư dân Baghdad Akeel Hassan, 31 tuổi, thậm chí chưa bao giờ được thẩm vấn. Anh ta nói đã bị một xe tuần cảnh Mỹ bắt giữ khi đang cãi nhau với người láng giềng của mình. Người Mỹ đánh đập và đấm đá Hassan, sau đó đẩy anh ta vào một chiếc xe vận tải. Anh ta bị đưa đến một nhà giam tại miền nam, nơi mà anh ta lần đầu tiên nhìn thấy sự tàn bạo của cuộc đời tù nhân: Một nam tù nhân Iraq bị một nhóm 7 tù nhân khác cưỡng bức quan hệ đồng tính, một trong số họ đe dọa buộc nạn nhân phải câm lặng không được tố cáo nếu không muốn bị "băm nát mặt".
Sau mười tuần lễ, Hassan được chuyển tới Abu Ghurayb. Thoạt tiên anh ta bị giam vào một lều giam ngoài trời, nơi tù nhân xem như là "đã nhận án tử hình" vì những lều giam này nằm tại vị trí rất dễ bị súng cối và hoả tiễn tấn công (Chỉ hai tuần trước đó, đợt pháo cối dữ đội dập xuống nhắm vào một vụ phá phách của các tù nhân, giết chết 22 người và làm bị thương gần 100 người khác).
Sau vài ngày, Hassan được chuyển vào trong một phòng giam rộng 50 bộ vuông cùng với 37 người khác. Mặc dầu trại tù Abu Ghurayb được điều hành bởi người Mỹ, nhưng những người mà anh ta gọi là "Nhân viên người Iraq" - có lẽ là những cơ quan điều tra tư nhân - đã nhanh chóng tiếp nhận trách nhiệm điều tra. "Kể từ lúc đó mọi việc trở nên hỗn loạn, tội phạm có thể đi khắp nơi, thậm chí từ phòng giam này sang phòng giam khác, đánh nhau hoặc hăm doạ người khác". Một ngày nọ, nổ ra một vụ đánh nhau khi một nhóm tội phạm người Nasiriya cố gắng ép buộc một tù nhân phải quan hệ tình dục với chúng. Lực lượng trật tự Mỹ phạt tất cả mọi người xung quanh khu vực đánh nhau phải cởi hết quần áo ngồi trần truồng, và bị trùm mặt kín mít trong 6 giờ đồng hồ liên tục. Hassan nói: "Bất kỳ ai cử động đều bị đánh". Khi Hassan bị hành hạ bởi căn bệnh tiêu chảy, cố gắng kéo bao trùm đầu xuống khỏi mắt, anh ta bị một nữ quân nhân Mỹ chụp lấy bao trùm và dộng đầu anh ta vào tường.
Điều kiện trong trại giam Abu Ghurayb là như vậy, Hassan nói, đã khiến cho tù nhân trong trại nổi loạn vào tháng 12 vừa qua. "Người Mỹ xả súng vào chúng tôi, và một người đã bị bắn chết" - Hassan kể. "Sự việc bắt đầu khi một tù nhân đốt cháy tấm chăn của mình để phản đối tình trạng hỗn loạn hiện tại, khi mà có những tù nhân được phép hành hạ tù nhân khác. (Câu chuyện này của Hassan không thể kiểm chứng một cách riêng biệt). Anh ta nói phòng giam của anh nằm gần một phòng điều tra có gắn máy điều hoà nhiệt độ, nơi mà mặc dù tiếng máy phát điện chạy ầm ầm nhưng Hassan vẫn có thể nghe thấy tiếng hét đau đớn của tội nhân bị thẩm vấn. Nhờ được gia đình bảo lãnh, anh ta được thả ra vào ngày 7 tháng 4. Những người có thẩm quyền trong quân đội liên minh không hề đưa ra một bình luận gì về trường hợp này.
Mazin Khalid thì tự xem mình là một người được may mắn sống sót. Anh ta nói khi anh đang chờ đổ xăng vào tháng bảy vừa qua thì một lính Mỹ gõ vào cửa kính xe. Sau đó họ hò reo và kéo anh ta ra khỏi xe. Khalid, một cựu lữ đoàn trưởng vệ binh cộng hoà, nói: "Một trong số họ đã đạp giày vào đầu tôi, điều này khiến tôi cảm thấy bị lăng nhục. Cổ tay và cổ chân bị xích, anh ta bị ném vào một chiếc xe vận tải chở đến một cánh đồng rộng. Ngoài anh ta ra còn có khoảng 50 người khác phải ngồi trong suốt 6 giờ đồng hồ dưới ánh nắng chói chang. Cuối cùng họ bị chuyển tới một nhà giam tại phi trường Baghdad. Khalid kể lại: "Những người thẩm vấn liên tục hỏi đi hỏi lại các câu hỏi đại loại như 'Saddam Hussein đang ở đâu" Saddam Fedayeen đang ở đâu" Trong khi tôi chẳng hề biết gì cả".
Khalid lại bị chuyển đến một nhà tù khác tại miền nam Iraq. Ở đó, những tù nhân Iraq nghênh ngang - thường là bọn tội phạm hình sự nguy hiểm - giống như những cảnh vệ nhà tù. Lực lượng cảnh vệ giao cho chúng việc phân phát thức ăn một cách nhỏ giọt cho tù nhân hai lần một ngày, mỗi bữa có thêm ba điếu thuốc lá. Khalid nói: "Tuy nhiên chúng giữ lại tất cả những gì tốt nhất cho chúng, chúng sống như những ông hoàng, chúng có đồ ăn ngon nhất, thậm chí có cả trái cây tươi". Những điếu thuốc lá được sử dụng như một loại tiền tệ: hai gói thuốc đổi được một cái gối, một cái chăn trị giá mười gói thuốc. Một trong những tên này, vốn là một tên cướp tại Baghdad, mời Khalid sống chung trong lều của hắn. "bởi vì tôi nói được một ít tiếng Anh, và nó muốn tôi nói tốt về nó cho người Mỹ". Tùy tùng của hắn là một thanh niên Iraq trẻ tuổi, có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu tình dục cho hắn và làm công việc giặt giũ quần áo để đổi lại sự che chở của hắn.
Khalid tự xem mình là may mắn khi có thể sử dụng khả năng Anh ngữ lắp bắp của mình như một công cụ để tồn tại. Anh ta cũng tỏ vẻ hợp tác với những người thẩm vấn mình khi nhận nhiệm vụ phiên dịch cho các tù nhân khác - dù rằng anh ta nói không biết gì về một âm mưu chống lại quân Liên minh. Khi anh được thả vào tháng 10, một nữ sĩ quan cho anh ta một lá thư giới thiệu với sĩ quan chỉ huy nhà tù Abu Ghurayb, đề nghị anh ta đến làm thông dịch viên.
Khalid đã nghe nói nhiều đến sự tối tăm tại nhà tù Abu Ghurayb. Các tù nhân khác nói rằng đó là một thế giới hoang tưởng nơi mà cả tù nhân Iraq lẫn cảnh vệ Mỹ bị tấn công hằng ngày bởi những đợt pháo kích và hoả tiễn của quân nổi loạn. Khalid nói: "Các vụ tấn công này làm cho lính canh bị kích động, và họ trút những cơn kích động này xuống tù nhân". Dù ở bất kỳ địa vị nào, Khalid cũng không hề muốn sống trong một nhà tù, dù là trong vai trò thông dịch viên được trả lương hậu hĩnh cho quân đội Mỹ. Anh nói: "Đó là một thế giới lạ lùng nhất mà tôi từng được thấy. Tôi cố gắng quên đi những chuyện đã qua, nhưng chúng vẫn liên tục quay lại và cháy bỏng trong kí ức của tôi". Và không hề nghi ngờ rằng những điều này cũng cháy bỏng trong kí ức của các tù nhân khác.
(Theo Newsweek)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.