Hôm nay,  

Vinashin Bị Kiện Ra London: Elliott Đòi Nợ 600 Triệu Đô

10/11/201100:00:00(Xem: 5493)
Vinashin Bị Kiện Ra London: Elliott Đòi Nợ 600 Triệu Đô; Nếu Elliott thắng kiện, nhiều hãng khác sẽ kiện theo để đòi gói nợ 4 tỷ đô

HANOI -- Công ty nổi tiếng Vinashin sau khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái cấu trúc nhằm chạy nợ, bây giờ lại bị lôi ra tòa quốc tế, theo bản tin đài RFI hôm Thứ Tư 9-11-2011.
RFI nói hồ sơ kiện này do công ty tài chánh Elliott của Hà Lan đưa ra tòa London để đòi khoản nợ 600 triệu đôla, và người ta tiên đoán nếu VN thua kiện thì sẽ có thêm nhiều hãng khác thưa kiện tiếp, vì tổng số nợ quốc tế của Vinashin là 4 tỷ đôla Mỹ.
Cũng cần nhắc rằng, bản tin nhà nước TTXVN mới mấy tuần trước còn nói rằng Vinashin đã cho đóng cửa chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Vinashin nhằm trốn thuế còn nợ 40 tỷ đồng, tương đương 1.92 triệu đôla Mỹ.
Bản tin RFI có nhan đề “Tập đoàn Việt Nam Vinashin bị Hà Lan khởi kiện đòi nợ” ghi nhận như sau.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin cùng hơn 20 tổng công ty con tại Việt Nam vừa bị công ty tài chính Elliott của Hà Lan, một trong số các chủ nợ của Vinashin khởi kiện tại tòa án Luân Đôn. Đơn kiện liên quan tới khoản 600 triệu đô la Mỹ mà Vinashin vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, trong đó khoản trả lần đầu 60 triệu đô la đã đáo hạn hồi tháng 12 nhưng Vinashin chưa thể thanh toán.
Tập đoàn tàu thủy Việt Nam Vinashin hiện mắc nợ khoảng 4 tỷ đô la. Nhiều khoản nợ của tập đoàn đã đến hạn trả nợ, hiện tại chính phủ đang cố gắng tìm giải pháp khắc phục hậu quả mà trước mắt là giãn nợ và tiếp đó là tiến hành tái cơ cấu tập đoàn.
Việc công ty Elliott đưa Vinashin và các công ty con ra tòa án ở nước ngoài phân xử nợ nần có thể trở thành tiền lệ đề các chủ nợ khác của Vinashin làm theo. Những vụ kiện như vậy có thể sẽ làm ảnh hưởng tới kế hoạch tái cơ cấu nhằm vực dậy một tập đoàn nhà nước đã gần như phá sản.
Bản tin RFI ghi nhận rằng, từ Luân Đôn thông tín viên Lê Hải tóm lược lại sự việc :
“Cuối cùng tập đoàn tài chính Elliott của Hà Lan đã quyết định đưa vụ việc ra tòa án Anh quốc và đánh động dư luận quốc tế. Hiện tại, theo nguyên tắc thì tòa không thể thông báo gì nhều hơn là chuyện xác nhận đã nhận đơn và thông báo số hồ sơ, mà trong trường hợp này là 11-1296. Vụ việc được nộp lên tòa cao (High Court) của nước Anh, và được phân việc cho một trong ba cơ quan của tòa này tên là Queen's Bench, nơi có trách nhiệm phân xử các tranh chấp quốc tế trong đó có công ước La-Hay về thương mại và dân sự.
Về mặt nguyên tắc thì bên đơn là công ty ở Hà Lan và bị đơn là công ty ở Việt Nam có thể dàn xếp tại tòa hay trọng tài kinh tế ở một trong hai nước đó. Tuy nhiên đa số các hợp đồng kinh tế tại Việt Nam đều lấy mẫu nội dung có một điều khoản qui định là trong điều kiện tranh chấp thì sẽ sử dụng văn bản tiếng Anh và theo các qui định quốc tế, cho nên bên đơn có thể đã dùng quyền lợi đó để nộp hồ sơ ra tòa án nước Anh.

Vụ việc này chắc chắn có lợi thế cho Elliott vì họ có chi nhánh ở Anh và thủ tục kiện tụng ở đây không phải là điều lạ lẫm, trong khi phía Việt Nam và đặc biệt là chính phủ Việt Nam hầu như không có kinh nghiệm về định chế tài phán kinh tế ở Anh hay của Anh đối với các tranh chấp quốc tế. Trước mắt là các công ty Việt Nam sẽ phải tốn nhiều tiền cho hệ thống luật sư và chi phí tòa án tại Luân Đôn, mà mức giá khởi đầu có thể là vài chục ngàn USD, lên đến vài trăm ngàn USD cho một vụ trung bình, tính ra là một khoản tiền vô cùng lớn tại Việt Nam, nơi những người dân nghèo đóng thuế vào ngân sách không chỉ để cho các tập đoàn như Vinashin vỡ nợ, mà cả chi phí trả nợ như trong vụ việc này nữa. Việc tòa Thượng thẩm của Anh nhận hồ sơ này sẽ mở đường cho nhiều công ty khác trên thế giới cân nhắc đến phương án này khi đòi nợ Việt Nam.”
Bản tin RFI còn ghi nhận tác động dây chuyền của vụ kiện:
“...Giới thạo tin trên trang Debwire nói các chủ nợ khác của Vinashin nay quay sang nghiên cứu trường hợp nếu Elliott đòi được số tiền nợ 600 triệu USD Mỹ hoặc một phần số tiền đó thì họ có thể khởi kiện luôn ở tòa này để yêu cầu Elliott chia bớt một ít tiền đòi được hay không. Nếu như vậy thì vụ án Vinashi ở London sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Trước mắt, nội dung hồ sơ chưa được các bên công bố. Tòa giữ kín, tập đoàn Elliott chưa bình luận, và 22 công ty Việt Nam bị kiện mà đứng đầu là Vinashin và trên đó là chính phủ Việt Nam chưa tỏ thái độ gì. Thế nhưng Elliott có vẻ như đã đi trước một bước và có lợi thế cả trên báo chí quốc tế lẫn báo chí tiếng Việt ở London. Gần 1 tháng trước họ đã có tin trên tờ nhật báo tài chính thuộc loại lớn nhất thế giới là tờ Financial Times, với nội dung chi tiết do hãng tin chuyên về nợ là Debwire.com cung cấp...”
Tác hại của vụ kiện này được RFI mô tả là: “Nhận định của giới chuyên gia tài chính cũng cho rằng quyết định khởi kiện của Elliott sẽ làm tiêu tan kế hoạch tái cơ cấu để giãn nợ của chính phủ Việt Nam mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đưa ra gần đây.”
Cũng cần nhắc rằng thông tấn nhà nước TTXVN hồi cuối tháng 9-2011 có bản tin cho biết, “Vinashin quyết định chấm dứt hoạt động Công ty Xuất nhập khẩu Vinashin một đơn vị thành viên của tập đoàn này. Tại thời điểm "khai tử" số thuế mà doanh nghiệp này còn nợ là hơn 40 tỷ đồng.”
Con số naỳ tương đương 1.92 triệu đôla Mỹ. Cú đấm thép đầy tự hào Vinashin của chính phủ hiển nhiên là chỉ làm giaù cho một số cán bộ cao cấp, khi tiền bạc cứ tự nhiên biến mất và rồi lại được cho trốn nợ.

Ý kiến bạn đọc
11/11/201104:04:21
Khách
cho đám tư bản Thuỵ Sĩ chúng mày chết, ai bảo ngu dại, tham lam tí lợi lộc nhỏ mà đem tiền đi làm ăn với đám CSVN chẳng khác nào chơi với lửa
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.