Hôm nay,  

Mỗi Tuần Một Điệu Khiêu Vũ: Điệu Slow

04/11/201100:00:00(Xem: 23953)
Mỗi Tuần Một Điệu Khiêu Vũ: Điệu Slow

quocduong-1-large-contentVũ sư Quốc Dương trong điệu slow.

Đối với dân khiêu vũ Việt Nam, điệu slow thường được gọi là “slow mùi”, có lẽ vì tính chất tình tứ của nó. Nhưng cũng có người thì cho rằng slow là một điệu dành cho những người… không biết nhảy! Bởi vì quá dễ để nhảy slow. Còn đối Tây Phương, điệu slow là điệu của các học sinh ở bậc trung học. Slow còn được dùng như biểu tượng của sự vụng về của tuổi mới lớn.
Điệu slow đúng là một điệu nhảy đơn giản và “mùi mẫn”. Nhạc Slow thường được viết ở nhịp 4/4 hoặc 2/4, với tiết điệu chậm, và hầu như không có tiết tấu. Điệu nhảy Slow truyền thống vì thế cũng không có chuyển động nào đặc thù. Tư thế tiêu biểu nhất cho một cặp nhảy Slow là “kép” đặt tay vào hông nàng, còn “đào” thì ôm vai chàng, cứ thế chàng và nàng dìu nhau đi chầm chậm theo tiếng nhạc du dương. Bước chân chuyển động ở mức tối thiểu, tuy nhiên cặp nhảy vẫn có thể xoay chầm chậm tùy ý. Điệu slow cũng là lúc mà các cặp tình nhân có dịp tâm tình trên sàn nhảy.
Các ca khúc Slow thì nhiều vô kể, và cũng khó mà đưa ra được một ca khúc tiêu biểu nhất. Vào thập niên 50, Unchained Melody là một trong những bài tình ca Slow để lại nhiều kỷ niệm cho người yêu nhạc, một phần vì giai điệu rất đẹp, một phần vì lời ca quá lãng mạn. Unchained Melody là một trong những ca khúc được ghi âm nhiều nhất của thế kỷ 20, có đến hơn 500 version và hát bằng trên 100 ngôn ngữ khác nhau! Ca khúc này còn nổi tiếng thêm một lần nữa sau khi phim Ghost trình chiếu vào năm 1990, trong đó có đoạn nhảy slow rất “mùi” trên nền nhạc Unchained Melody của cặp tài tử Patrick Swayze và Demi Moore.

Trong nền ca khúc Việt Nam, nhiều ca khúc “ướt át” được viết ở điệu Slow. Cô Láng Giềng của nhạc sĩ Hoàng Quí thời tiền chiến, Tôi Đưa Em Sang Sông của nhạc sĩ Nhật Ngân, Tình Khúc Thứ Nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An… là một số ca khúc slow tiêu biểu.
Cũng cần nhắc đến điệu Slow Rock, một điệu cũng phổ biến không kém Slow trong nền ca khúc Việt Nam. Về căn bản, Slow Rock là điệu Slow ở nhịp nhanh hơn, nên trong khiêu vũ thường cũng bước giống như Slow.
Theo vũ sư Quốc Dương, quả đúng là rất nhiều người Việt chỉ biết nhảy slow “Mông-Cổ” truyền thống thôi. Tuy nhiên, điều này không đúng ở vũ trường của anh. Nhận thấy slow là một trong những điệu có nhiều bài hát nhất nhưng bước nhảy lại đơn giản nhất, vũ sư Quốc Dương đã sáng tạo ra một bộ sưu tầm gồm nhiều bước nhảy slow khác nhau. Về căn bản, anh đã phát triển thành điệu Slow 03 bước tương tự như điệu Boston, điểm khác chính là 03 bước của Boston thì đều, còn 03 bước slow của Quốc Dương thì có nhanh có chậm. Đến nay vũ sư Quốc Dương đã có 2 DVD ghi lại 14 bước nhảy slow khác nhau của riêng mình. Vũ sư Quốc Dương cũng là người đã sáng tác cho hàng trăm cặp cô dâu-chú rể ở khu vực Quận Cam những bước nhảy slow riêng của mình trong ngày cưới, một món quà cưới hết sức độc đáo cho tân lang tân giai nhân.
Điệu Slow là điệu nhảy có nhiều cảm xúc, do người nhảy thả hồn vào âm nhạc. Hạn chế của điệu slow là có quá ít tài liệu, hình ảnh để hướng dẫn về cách nhảy. Do sự gần gũi trong lúc nhảy, cặp nhảy Slow thường khó xoay chuyển, đó là lý do dẫn đến sự hơi “nhàm chán” của điệu Slow truyền thống. Do đó, những người nhảy Slow giỏi, với những bước Slow biến tấu lả lướt như bộ sưu tập của vũ sư Quốc Dương thường lập tức nổi bật trên sản nhảy giữa những cặp nhảy Slow truyền thống.(VB)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.