Hôm nay,  

Tin Úc Châu - Phần I

25/03/200000:00:00(Xem: 5348)
GÍAO SƯ BỊ TRỤC XUẤT VÌ QUAN HỆ VỚI TỘI PHẠM

CANBERRA: Một nữ giáo sư chuyên khoa tội phạm học người Úc tên là Suzanne Hatty hiện đang sống tại Hoa kỳ đã bị bắt giữ và chuẩn bị trục xuất khỏi Hoa kỳ vì có quan hệ tình dục với một tên tội phạm sát nhân. Công tố viện Úc cho biết họ đã nghiên cứu việc truy tố giáo sư Hatty vì bà này đã có những mưu toan lèo lái công lý trước tòa. Công tố viện đã dựa trên bằng chứng là những cuốn băng ghi âm những cuộc đàm thoại giữa Hatty và một tên tội phạm sát nhân được gắn ngay trong tổ uyên ương của hai người. Cuộc tình ma quỷ này bắt đầu từ năm 1986 khi Hatty phỏng vấn một tên tội phạm giết người trong nhà tù Bathurst.

Án lệnh yêu cầu trục xuất nữ giáo sư Hatty còn dựa trên hai tội danh có liên quan đến bà này trước đó. Năm 1997 cảnh sát đã tìm thấy một số tiền mặt và ma túy trong túi xách của Hatty khi bà này vào nhà tù. Được biết Hatty đã có quan hệ lâu dài với một tên tội phạm chuyên mua bán ma túy và từng nhúng tay vào máu giết người. Năm 1981 một người đàn ông bị một tên tội phạm giết chết vì túng tiền xài ma túy và đã được bà Hatty thẩm vấn trong tù với tư cách một nhà nghiên cứu tội phạm học. Sau khi ra tù tên này sống với bà Hatty và tiến hành một vụ cướp khác trong thời gian này.

BIỂU TÌNH BẠO ĐỘNG TẠI THÀNH PHỐ SYDNEY

SYDNEY: Hai cảnh sát viên bị thương phải đưa vào bệnh viện cứu chữa sau khi can thiệp vào một cuộc biểu tình bạo động tại Sydney hồi tuần trước. Được biết cuộc biểu tình này là của những cư dân Sydney chống lại việc điều hòa giao thông bất hợp lý của tuyến đường Eastern Distrubutor. Cảnh sát đã dùng hơi cay, dùi cui và cảnh sát kỵ mã để cố gắng giải tán chừng 300 người biểu tình đã nổi nóng biến thành bạo động dữ dội. Nhiều cảnh sát viên đã bị những thương tích khắp người do bị những người biểu tình tấn công bằng gạch đá và chai lọ.

Cuộc biểu tình khởi sự rất ôn hòa từ tòa thị chính thành phố tuy nhiên khi cảnh sát bao vây đoàn biểu tình vì họ không chịu rời khỏi lòng đường để cho xe cộ lưu thông thì bạo động bắt đầu xảy ra. Nhiều người mang theo bia để uống và dùng những chai bia đập vỡ làm vũ khí chống lại cảnh sát. Tuy nhiên những người tổ chức cuộc biểu tình cho rằng bạo động xảy ra vì cảnh sát đã phản ứng quá sức thô bạo hành hung những thanh niên tham gia biểu tình ôn hòa. Những cảnh sát bị thương đã được mang vào bệnh viện St Vincents để cứu chữa trong khi sáu người biểu tình bị bắt đưa về đồn cảnh sát Central. Hiện chưa biết những người này có bị truy tố hay không.

NGÁY LÀ MỘT TRIỆU CHỨNG NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI

CANBERRA: Hàng triệu người khi ngủ ngáy vang như bò rống làm cho hàng triệu người khác mất ngủ hàng đêm. Những người ngủ ngáy này thường không biết rằng ngáy là một triệu chứng nghiêm trọng của nhiều chứng bệnh nguy hiểm có thể báo trước những nguy cơ chết người. Hiện 60% đàn ông Úc, 30% phụ nữ và 20% trẻ em Úc ngáy ào ào trong khi ngủ. Theo các chuyên gia y tế thì ngáy là một triệu chứng của bệnh ngủ không thở. Ngáy còn là triệu chứng của những người béo phì, nghiện rượu, hút thuốc và có thể dẫn đến việc tăng huyết áp và suy tim.

Một giáo sư nhi khoa người New Zealand đã cho rằng việc trẻ em sơ sinh chết đột ngột có liên quan đến chứng ngủ không thở. Các bác sĩ Úc cũng cho biết 60% những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ là những người bị chứng ngủ không thở. Sau những giai đoạn ngừng thở này, bệnh nhân thở lại rất mạnh và tạo ra những tiếng ngáy ồn ào làm kinh động đến người khác, nhưng bản thân của bệnh nhân lại không biết gì cả. Nhiều bệnh nhân cho biết họ đến gặp nhiều bác sĩ và các ông này cho biết ngáy là một chuyện bình thường. Thật ra ngáy là biểu hiện của nhiều rối loạn hô hấp và tim mạch. Nếu không kịp thời điều trị bệnh nhân có thể chết bất đắc kỳ tử.

PHỤ NỮ MANG THAI THƯỜNG BỊ ĐUỔI VIỆC

SYDNEY: Một trong năm trường hợp kiện cáo được ủy hội nhân quyền và cơ hội bình đẳng phân xử là do những người phụ nữ có thai đề đạt. Những người phụ nữ này than phiền rằng họ bị đối xử phân biệt tại nơi làm việc vì lý do có thai. Hàng trăm phụ nữ rất bất mãn vì thái độ của chủ nhân đến nỗi họ tứ ý xin nghỉ việc hay là chọn giải pháp phá thai.Chính phủ liên bang hiện đang bị phê phán vì đã tỏ thái độ lơ là đối với vấn nạn kỳ thị phụ nữ có thai tại các nơi làm việc. Vài tháng trước đây một phụ nữ làm việc cho sòng bài Crown ở Melbourne đã bị đuổi việc vì có thai, khiến bà ta cuối cùng phải phá thai vì không có tiền để sinh nở.

Nhiều người phụ nữ khác cũng đưa lên những lời than phiền tương tự. Thêm vào đó tỷ lệ sẩy thai rất cao trong một số ngành công nghiệp nơi phụ nữ có thai không được phép ngồi trong khi làm việc, những phụ nữ có thai cũng bị cấp trên than phiền về ngoại hình xấu xí và không cho làm việc tại những nơi cần có sự giao tiếp xã giao. Những tổ chức tranh đấu cho phụ nữ cho biết chính phủ cần phải có những chương trình giáo dục cho phụ nữ nhận thức rõ về quyền có thai nghén và bảo vệ công ăn việc làm, chống thái độ kỳ thị với phụ nữ có thai. Một số chủ nhân nói thẳng với nữ nhân viên rằng nếu họ có thai thì nên tự ý nghỉ việc nếu không cũng sẽ bị đuổi.

VŨ KHÍ MỚI CHỐNG TỘI PHẠM THAY SÚNG

CANBERRA: Cảnh sát liên bang và tiểu bang Úc hiện đang nghiên cứu việc trang bị cho cảnh sát viên một loại vũ khí mới nhằm khống chế tội phạm mà không cần phải nổ súng gây thương tích hay chết người. Cảnh sát NSW hiện đang thử nghiệm loại vũ khí gọi là súng bắn điện 50 ngàn volt có tên là Advanced Taser M 26. Theo các nhà chế tạo của Hoa kỳ thì vũ khí này được xem là thứ khí giới cầm tay công hiệu nhất trong lịch sử. Thay vì bắn đạn, vũ khí này bắn ra hai điện cực làm đối tượng bị một dòng điện cực mạnh giật làm tê liệt ngay hệ thống thần kinh trung ương.

Cảnh sát NSW cũng như cảnh sát Victoria hiện đang nghiên cứu vũ khí này của công ty Mỹ Taser International. Theo nhiều chuyên viên về vũ khí của cảnh sát thì vũ khí này tiện dụng và an toàn hơn hơi cay hay bình xịt ớt vì nạn nhân không cần phải đưa vào bênh viện để chăm sóc sau khi bị khống chế. Súng bắn điện này không gây ra những di chứng tổn thương não hay thần kinh lâu dài mặc dầu lúc bị điện giật các cơ bắp của cơ thể sẽ bị co giật dữ dội làm tội phạm ngã gục ngay. Được biết hai điện cực được hơi ép bắn ra và nối liền với súng bằng hai dây dẫn có bọc vật liệu cách điện.

HAI CHA CON CHẾT ĐUỐI TẠI HỒ CHIPPING NORTON

SYDNEY: Hai cha con một gia đình người Úc gốc Việt được cho là đã bị chết đuối trên hồ Chipping Norton hồi tuần trước. Tin tức này đã được đưa ra sau một cuộc tìm kiếm tuyệt vọng tung tích của hai nạn nhân Nguyễn Văn Sanh và con trai là Michael 15 tuổi. Gia đình của nạn nhân đã thiết lập một bàn thờ Phật ngay trên bờ hồ để cầu nguyện và chờ đợi kết quả của cuộc tìm kiếm. Những thân nhân trong gia đình cho hay họ không biết chuyện gì đã xảy ra. Sanh là một tay bơi lội rất giỏi, nhưng có lẽ vì Michael gặp nạn nên Sanh nhào ra cứu và cũng bị tai nạn luôn.

Theo những người trong gia đình thì Sanh đang bị một bệnh tim mạch. Hai cha con nhà họ Nguyễn đã lái xe từ ngôi nhà mới của họ ở vùng Hinchinbrook đến hồ Chipping Norton để hút trùng đi câu cá. Cả hai dùng một cái bơm và một chiếc chậu lội ra mép hồ để hút trùng. Kết quả tìm kiếm chỉ phát hiện được một đôi dép của Michael để lại gần sát bờ hồ. Các nhân viên của dịch vụ khẩn cấp đã kết hợp với thủy cảnh và trực thăng của cảnh sát tìm kiếm khắp vùng hồ nhưng thất bại không tìm ra được hai nạn nhân. Nhiều chuyên viên cho hay cả hai đã không may bị lún xuống và chết kẹt dưới bùn.

ĐƯỜNG PHỐ TELOPEA LÀ HANG Ổ CỦA BỌN TỘI PHẠM

SYDNEY: Khi màn đêm buông xuống con đường mang tên Telopea này lập tức biến thành một nơi nguy hiểm nhất của thành phố Sydney. Những cư dân của con đường này đều ở kín trong nhà cửa đóng then cài và không muốn nghe, không muốn biết đến những hoạt động tội phạm đang diễn ra bên ngoài nhà ở của họ. Gần đây những vụ nổ súng, những bắt bớ có liên quan đến ma túy, băng đảng lộng hành đã biến con đường nhỏ này của thành phố Punchbowl biến thành một khu vực tội ác nổi tiếng của thành phố Sydney. Cư dân vùng này hiện đã mất hết lòng tin vào tính hiệu quả của lực lượng cảnh sát.

Bọn du côn trên đường Telopea công khai bắn vào cảnh sát và chọc ghẹo cảnh sát tuần tiễu coi như con đường chính là thánh địa bất khả xâm phạm của bọn chúng. Cư dân cũng cho rằng bọn tội phạm đang sống trong những căn nhà nằm ở gần cuối con đường.Nhiều người khác lo ngại cho rằng trị giá bất động sản trên con đường này sẽ bị giảm đi nghiêm trọng do bọn băng đảng lộng hành. Ban đêm trên đường phố chỉ có bọn du côn đàng đúm với nhau. Đại diện cộng đồng Lebanon cho biết từ lâu đường Telopea đã là một tụ điểm của bọn tội phạm và đó là trách nhiệm của cảnh sát chứ không phải trách nhiệm của cộng đồng.

NỮ HOÀNG ELIZABETH ĐỆ NHỊ VIẾNG THĂM ÚC

CANBERRA: Nữ hoàng Elizabeth II đã đến đặt chân đến Úc vào tối ngày thứ sáu 17.3.00 và được đón tiếp bởi thủ tướng John Howard và một số nhân vật bảo hoàng khác của Úc. Chuyến viếng thăm này của nữ hoàng xảy ra chỉ bốn tháng sau khi dân chúng Úc bỏ phiếu quyết định giữ vững chế độ quân chủ lập hiến và trung thành với nữ hoàng. Cùng ra phi trường Canberra đón nữ hoàng có vợ chồng tổng toàn quyền William Deanne và vợ chồng thủ tướng John Howard. Khi nữ hoàng viếng thăm Úc vào năm 1992 vợ của thủ tướng Keating là Anita đã từ chối không chịu nhún chân chào nữ hoàng.

Nữ hoàng đã từ Anh đến Úc trên một chuyến bay của hãng Qantas đến Sydney,sau đó một máy bay của không quân Úc đã đưa bà đến Canberra. Sau đó chiếc xe Roll Royce của toàn quyền William Deanne đã đưa nữ hoàng về cư ngụ tại dinh Yarralumia. Trong khi đó quận công Philip đến Úc từ Hoa kỳ trên một chuyến bay khác sau khi kết thúc công tác của ông tại Hoa kỳ. Có chừng 400 dân chúng tụ tập thành từng nhóm nhỏ dọc theo hai bên đường để chào mừng nữ hoàng. Trong chuyến đi này nữ hoàng sẽ viếng thăm Úc 16 ngày với 60 cuộc gặp mặt chính thức khác nhau. Cùng với những người chào mừng là những người theo chủ nghĩa cộng hòa cùng tụ tập và phản đối trong im lặng.

THUỐC ĐAU ĐẦU HERRON BỊ THU HỒI HÀNG LOẠT

CANBERRA: Sau khi hai nạn nhân bị trúng độc vì dùng thuốc đau đầu hiệu Herron, đã có nhiều cú điện thoại gọi về trung tâm kiểm tra độc chất liên bang để tỏ sự lo ngại rằng có lẽ nhiều người khác cũng đang bị ngộ độc. Chất độc Strychnine trong thuốc Herron có tác dụng 30 phút sau khi uống, tác động lên hệ thần kinh trung ương làm nạn nhân nôn mửa và đau cơ bắp. Strychnine là một loại độc chất không màu, có vị đắng và nếu nuốt chừng 100 mg nạn nhân có thể sẽ bị tử vong.

Những vụ bỏ thuốc độc trong các sản phẩm và tống tiền các công ty đã xuất hiện tại Úc trong nhiều thập niên qua và đã làm cho nhiều công ty hao tốn nhiều triệu đô la để thu hồi và hủy bỏ những sản phẩm này. Vụ tống tiền và bỏ thuốc độc lớn nhất tại Úc xảy ra vào năm 1997 với công ty sản xuất bánh ngọt Arnott. Một bà già 69 tuổi đã bị bắt sau khi cảnh sát tìm thấy phân tử di truyền của bà ta trong nước miếng dùng để dán tem khi gửi thư hăm dọa đến công ty Arnott. Vụ này làm công ty Arnott mất 10 triệu đô la. Năm 1993 bốn lon dứa nhập cảng cũng bị bỏ chất độc thạch tín vào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.