Hôm nay,  

Bush Đấu Với Gore

11/03/200000:00:00(Xem: 5894)
Kết quả cuộc đại sơ cử “thứ ba siêu” tuần này là đã có hai “chuẩn tướng” chờ lãnh ấn của Cộng Hòa và Dân Chủ ra quyết đấu với nhau vào Bạch Cung ngày 7 tháng 11 năm nay.
Trong đảng Dân Chủ, Gore đã thắng lớn trên hơn 10 tiểu bang từ Đông chí Tây và đối thủ Bradley đã rút lui với lời cam kết sẽ ủng hộ Gore trong cuộc chạy đua. Như vậy Phó Tổng Thống Al Gore đã chắc lãnh ấn nguyên soái của đảng Dân Chủ. Còn về phía đảng Cộng Hòa, Bush hầu như chắc lãnh ấn vì đến cuộc sơ cử ở 6 tiểu bang miền Nam thứ ba tới, McCain cũng không có hy vọng thắng. McCain chính thức rút lui vào cuối tuần này. Và hiển nhiên là, Bush và Gore đã lãnh ấn đại diện hai đảng và bắt đầu quay mũi dùi tấn công vào nhau.

Tình hình cuộc đại sơ cử vừa qua đã cho thấy phần nào sự mạnh yếu và khí thế của hai đảng trong trận đấu chung cuộc. Trong đảng Dân Chủ, cựu thượng nghị sĩ Bill Bradley đã ra quân với thế mạnh ngay từ đầu các vòng sơ cử. Là một học giả Rhodes và cựu ngôi sao cầu thủ bóng rổ, ông Bradley đã ra tranh ứng cử viên Tổng Thống với lập trường cải cách, nêu ra chủ trương mở rộng bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người dân và đòi phải cải cách chế độ quyên tiền tranh cử. Nỗ lực của ông đã đem lại thắng lợi lúc đầu vì đã thu được tiền quyên tranh cử ngang ngửa với Gore và đã có lần các poll thăm dò cho thấy ông trội hơn Gore ở các tiểu bang miền Tây Bắc. Tại New Hampshire, ông chỉ còn thiếu có 4 điểm nữa là đã thắng Gore. Nhưng cuộc vận động của Bradley tàn lụi dần sau đó.

Tuy đã rút khỏi cuộc đua và nhường chỗ cho Gore, Bradley vẫn nói ông tạo được thắng lợi vì cuộc vận động của ông đã làm nổi bật những mục tiêu đấu tranh nòng cốt của đảng Dân Chủ. Về phần mình Gore đã vùng lên được sau một giai đoạn yếu kém lúc đầu. Nhờ cuộc đấu trong nội bộ đảng, ông đã thay đổi hẳn phương pháp tranh cử và tạo được những mũi dùi sắc bén trong khí thế đấu tranh. Sau khi đắc thắng, Gore đã có lời nồng ấm với Bradley, nhìn nhận địch thủ của ông đã làm ông trở thành một ứng cử viên giỏi hơn, và gọi cuộc đấu trong nội bộ là “một sự yểm trợ ngầm” cho ông. Sự rút lui của Bradley kèm theo lập trường ủng hộ Gore cho thấy rõ trong đảng Dân Chủ có sự đoàn kết mạnh hơn và thống nhất được chính sách trong những vấn đề nóng bỏng của đất nước.

Về phần đảng Cộng Hòa, mặc dù Bush sẽ lãnh ấn nhưng còn một số vấn đề. Trước hết là sự nổi bật của một ứng viên đưa ra lập trường “làm cách mạng” trong đảng. Sau cuộc đại sơ cử, người ta đã có thể làm một sự so sánh. Dù Gore và Bush đều đứng hàng đầu trong hai đảng, nhưng Gore đã bỏ Bradley rất xa (81% so với 18%), còn Bush vuợt trên McCain không xa (60% so với 36%). Nếu cho đến nay trong đảng Dân Chủ, Gore đã thắng Bradley trong tất cả các cuộc sơ cử, trong đảng Cộng Hòa Bush lại thua McCain ở 4 tiểu bang Massachusetts, Connecticut, Rhode Island và Vermont. Khi McCain đưa ra chủ trương canh tân đảng, thay đổi một số chủ trương cho bớt cực đoan, nhất là đòi thay đổi chế độ quyền tiền tranh cử - trong lãnh vực tiền mềm mà đảng Cộng Hòa có lợi nhất - và được sự ủng hộ của một số khá đông đảng viên Cộng Hòa, người ta đã thấy hình ảnh một sự rạn nứt trong đảng. Nó không có lợi chút nào cho cuộc đấu của đảng vào cuối năm nay.

Liệu McCain có rút lui để ra tuyên bố ủng hộ Bush không" Điều này cũng có thể có, nhưng không phải chuyện dễ. Bởi vì McCain sẽ ra các điều kiện. McCain chỉ ủng hộ Bush nếu Bush chịu cam kết sẽ cải cách chế độ quyên tiền tranh cử và thực hiện một cuộc vận động sạch sẽ trong khi tranh cử. Nếu Bush chịu theo các điều kiện này, McCain có thể hài lòng, tuy thua nhưng vẫn làm được một việc có ích. Còn nếu Bush không chịu, rất có thể một số những người Cộng Hòa thuộc khuynh hướng ôn hòa và những người độc lập hài lòng với nền kinh tế hiện nay của chính quyền Clinton-Gore sẽ bỏ Bush mà dồn phiếu cho Gore.

Nhiều nhà khoa học chính trị đã tiên đoán cuộc bầu cử Tổng Thống cuối năm 2000 sẽ gắt gao, hai ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ tranh nhau nghiêng ngửa và kết quả sẽ sát nút, nhưng họ tin Gore sẽ thắng. Trong 8 nhà khoa học chính trị trên toàn quốc được Reuters phỏng vấn, tất cả 8 người đều tiên đoán Gore sẽ thắng Bush. Gore có thể thắng trên căn bản tình trạng hòa bình, thịnh vượng và an bình trong nước. Bush không phải là một ứng cử viên có khả năng làm cái gì siêu việt hơn để thuyết phục là cần phải thay đổi những cái đó. Bush chỉ có một chút xíu lợi thế vì Gore bị mang tiếng về một vài vụ bê bối trong chính quyền Clinton, nhưng rút cuộc, kinh tế vẫn là điểm then chốt.

Gore nhắn nhủ với cử tri “hãy để thời kỳ tốt đẹp này tiếp tục”. Ông sẽ biện luận rằng không ai dại mà thay ngựa trong lúc này nếu không có lý do gì thúc bách. Sự thách thức cho Bush là phải làm cho cử tri thấy có lý do thúc bách. Phần Bush, ông đã bị cột vào một chương trình giảm thuế đầy tham vọng là cắt giảm thuế 483 tỷ đô la trong 5 năm, đây có thể là điểm chính của cuộc tranh cử. Nhưng Gore sẽ nói sự thặng dư ngân sách là để dùng vào việc tiếp tục chương trình đang thành công về an sinh xã hội, đầu tư vào học đường và giảm bớt số nợ quốc gia.

Riêng tại California, tiểu bang nhiều phiếu cử tri đoàn nhất và cũng được coi như tiêu biểu hơn hết, kết quả cuộc đại sơ cử vừa qua tính chung cho hai đảng là Gore được 34% và Bush 28%. Mặc dù những dự đoán và con số nói trên, chúng tôi nghĩ còn phải chờ xem vì thời gian còn dài và cuộc đấu còn vô cùng ác liệt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.