Hôm nay,  

Bài Dự Thi Người Việt Trên Đất Úc - Mãi Mãi Nhớ Vợ!

02/06/200100:00:00(Xem: 4656)
Kính tặng hương hồn Em Yêu


Hưởng ứng cuộc thi "Người Việt Trên Đất Úc" do qúy báo tổ chức, tôi xin gửi tới qúy vị bài viết ghi lại sự nhớ nhung tha thiết và lòng biết ơn chân thành của tôi dành cho vợ. Tôi viết bài này vì tôi nghĩ, người Việt mình sống trên đất Úc chẳng phải chỉ có chuyện ăn học, sinh sống, hội nhập, làm ăn thành tài, mà còn có một đời sống tinh thần và nội tâm rất phức tạp. Đây là một khía cạnh quan trọng trong đời sống người Việt mà rất ít người nói ra và cũng rất ít được sự quan tâm của giới truyền thông Việt ngữ. Tôi nghĩ rằng, hầu hết những người Việt tỵ nạn ở lứa tuổi từ 30 trở đi đều thường xuyên nghĩ đến những người thân còn ở Việt Nam và nhất là những người thân đã chẳng may bỏ mình trong biển cả, chết trong tay hải tặc, hoặc vĩnh viễn bị mất tích, không biết còn sống hay đã chết, còn sống thì sống ở đâu, và đã chết thì chết lúc nào.

Cũng giống như tất cả những người tỵ nạn Việt Nam trên toàn thế giới, khi được định cư tại quốc gia đệ tam, trong trái tim và khối óc của tôi luôn luôn có hình ảnh quê nhà và những người thân thương tôi đã phải lìa bỏ họ. Trong số đó, hình ảnh người vợ thân thương của tôi đã làm tôi hao tâm tổn trí và tổn thọ rất nhiều. Biết vậy, nhưng tôi không thể không nhớ tới hình ảnh của vợ... Và đó chính là tâm trạng của một người Việt sống trên đất Úc tôi muốn giãi bầy trong bài viết này...

Trước năm 1975, tôi làm nghề dậy học. Tôi lấy vợ năm tôi tốt nghiệp sư phạm. Chuyện hai đứa lấy nhau trải qua không biết bao nhiêu điều gian nan, bi đát, nên bây giờ mỗi khi nghĩ tới, tôi vẫn bồi hồi xúc động, tuy năm nay tôi đã bước vào tuổi ngoài 50.

Tôi là một người đàn ông xấu trai. Đó là sự thực mặc dù điều đó chẳng xấu xa gì. Nhưng bất hạnh cho tôi là gia đình tôi lại thuộc loại giầu có. Mới nghe vậy thì vô lý, nhưng từ từ tôi sẽ trình bầy cái hữu lý trong cái vô lý của nó. Cuối thập niên 1960, mẹ tôi làm chủ một tiệm vàng. Người chị cả của tôi trước khi lấy chồng cũng có một tiệm vàng làm vốn. Tôi đoán, có lẽ tại nhan sắc bà chị tôi cũng không "chim sa cá lặn gì" nên mẹ tôi đã cho chị tôi tiệm vàng để kiếm chồng cho chị. Quả nhiên, nhờ có tiệm vàng nên chẳng bao lâu sau, chị tôi lấy được một ông đẹp trai lại có tài, dậy học ở trường trung học Nguyễn Bá Tòng. Ông này có cái tật rất lập dị khiến nữ sinh ai cũng mê là suốt năm suốt tháng chỉ mặc một bộ đồ màu trắng và đi xích lô đạp tới lớp, nhất quyết không bao giờ đi xe máy, xe taxi hay bất cứ phương tiện nào khác. Ông nói hay, dậy giỏi, văn thơ một bụng, hễ mở miệng là Khổng Tử dậy, Trang Tử nói, Tuân Tử có lời... Nên ai ai trong họ hàng nhà tôi cũng kính nể khiến chị tôi lúc nào cũng đỏ mặt vì sung sướng.

Nhưng ông anh rể tôi chỉ vì ngó tiệm vàng mà lấy chị tôi nên năm 1975, khi cộng sản vô, mọi người bỏ của chạy lấy người, tiệm vàng mất thì ông anh rể tôi cũng lặng lẽ ra đi không kèm không trống, để lại cho bà chị tôi một bàn tay thì đầy hai bàn tay thì vơi, phải nuôi 4 đứa con vừa trai vừa gái. Cho đến nay, tôi cũng chẳng biết ông anh rể tôi ở đâu, đang làm gì, có bao giờ nghĩ đến người chị gái của tôi đã sống cảnh "góa bụa nuôi con" suốt 25 năm qua nhưng vẫn một lòng một dạ yêu chồng hay không"...

Tôi lẩn thẩn, đang nói chuyện của mình lại nhảy qua chuyện của bà chị. Như tôi đã thưa cùng qúy độc giả, tôi xấu trai nhưng nhờ gia đình có bát ăn bát để nên gia đình tôi đã lo liệu chuyện trăm năm cho tôi ngay từ khi tôi còn đang đi học. Vợ tôi là một cô gái xinh đẹp, nói tiếng Pháp rất giỏi, từng là xương ngôn viên chương trình Pháp ngữ của đài phát thanh Sàigòn khi bà Đàm Chi Lan còn sống. Sau này, vợ tôi học sư phạm, rồi đi dậy học giống như tôi nên cả hai vợ chồng sống hạnh phúc. Khi hai vợ chồng chúng tôi sinh hạ được đứa con thứ hai thì cộng sản chiếm Sàigòn. Vì vợ tôi dậy toán và cả Pháp văn nên sau 1975, cộng sản cho vợ tôi tiếp tục dậy. Còn tôi, dậy văn sử lại thêm tay gác dan ở trường tôi dậy cũ nguyên là thành phần nằm vùng nên ngay khi giáo chức của nhà trường phải đi trình diện, tụi "giáo chức đỏ" đã báo cho tôi biết, tôi không được phép tiếp tục "giảng dậy loại văn chương xuyên tạc phản cách mạng". Từ ngày đó, tôi phải ngồi nhà trông con và ăn bám vợ cho đến ngày vượt biển tìm tự do.

Trên đường vượt biển, chẳng may chiếc thuyền của chúng tôi gặp sóng to gió lớn suốt hai ngày hai đêm, và cuối cùng, khi thuyền sắp cập bến một giàn khoan dầu thì tàu bị đắm (sau này tôi nghe nói là chính người tài công đã cố ý đánh đắm tàu để được vô dàn khoan xin tỵ nạn). Trời lúc đó là buổi trưa mà mù mịt như sắp tối. Giữa lúc một ngọn sóng lớn như mái nhà đổ ụp xuống thuyền, vợ tôi chỉ kịp dúi đứa con vào tay tôi rồi hét lạc cả giọng, "Anh... cứu con!..." Sau đó, mỗi người mỗi nơi... Trong lúc nghìn phần hiểm nguy, tôi cố gắng vật lộn cứu được hai đứa con, còn vợ tôi, tôi chỉ nắm được một vạt áo bà ba, trong đó vợ tôi buộc một cây vàng và chiếc nhẫn cưới. Sau này, cứ nhìn đến vạt áo rách là tôi lại rưng rưng lệ... Tôi đoán, có lẽ lúc đó, vợ tôi đã cố gắng xé rách vạt áo để cho tôi rảnh rang lo cứu hai đứa con. Thì ra, vợ tôi đã chấp nhận hy sinh cho tôi và hai con tôi được sống. Âu đó cũng là định mệnh là số phận gia đình tôi phải gánh chịu...

Đầu năm 1982, tôi được Úc nhận, có lẽ vì hoàn cảnh của tôi gà trống nuôi con, muôn phần bi đát nên phái đoàn Úc thương. Sống ở trại, thiếu thốn đủ thứ, lại nhớ vợ, con thì còn nhỏ, nên nhiều lúc muốn khùng điên. Mà những lúc khùng điên, hai đứa nhỏ làm trái ý tôi chuyện gì là tôi đánh liền. Riết rồi chúng cũng sợ tôi luôn, nên tình cha con xem ra có phần kém thắm thiết. Thấy chúng có vẻ xa cách, tôi lại càng buồn, càng đau khổ. Cứ chiều đến, hai đứa cắp sách đi học Anh văn là tôi lại nằm ngửa, hai mắt mở thao láo nhìn lên trần, rồi nhớ đến hình ảnh người vợ hiền lành ngày xưa và tôi khóc âm thầm... Có buổi, thao thức vật vã cho đến khi hai đứa nhỏ đi học về. Có buổi mệt quá, ngủ thiếp lúc nào không biết...

Khi đến Úc, ba cha con chúng tôi ở Cabramatta, trong một khu vực dành riêng cho người di dân. Khu này cách thị trấn Cabramatta không bao xa. Tôi có thể đi bộ khoảng 15 phút là có thể mua đủ thứ đồ ăn thức uống giống hệt ở Việt Nam. Thiệt đúng là chúng tôi phải cảm ơn những người Việt tỵ nạn đi trước, họ chỉ mới tới Úc được có vài năm mà đã tạo lập được cả một giang sơn đặc sản của quê nhà. Nhờ vậy, những người đến sau như tụi tôi mới tìm thấy được hương vị của quê hương và khuây khỏa phần nào nỗi nhung nhớ.

Trong những tháng đầu tiên, tôi được đi học Anh văn. Có đi học mới biết, trình độ giáo viên dậy Anh văn cho người di dân ở Úc không có giỏi như mình tưởng. Đa số họ không có bằng cấp sư phạm, chỉ có trình độ trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó và có thiện chí, chấp thuận tình nguyện là được bộ di trú tuyển dụng. Với họ, nói tiếng Anh thì rất giỏi, nhưng về văn phạm cũng như kiến thức, tôi thấy rất sơ sài. Do vậy, khi đi học, tôi là người hay tranh luận với họ về văn phạm, và phần thua thường là về phía họ. Tôi thì cũng chẳng giỏi gì về văn phạm tiếng Anh, nhưng nhờ học chương trình Pháp nên nắm văn phạm rất vững. Mà văn phạm Anh cũng như Pháp đều giống nhau. Vả lại, tôi thường chăm chú đọc sách văn phạm Anh văn của một số tác giả nổi tiếng Việt Nam như ông Lê Bá Kông chẳng hạn, nên mỗi khi tranh luận, tôi nói có sách liền. Tôi còn nhớ, lúc đó có cô giáo tên Jane, xinh đẹp, eo co coi được ra phết, lại trẻ, con nhà giầu. Theo lời của cô kể thì tổ tiên cô đã đến Úc từ thời Úc có dịch đào vàng (Gold Rush) cách đây khoảng 150 năm. Ông cố nội cô ta là người Đức, còn bà cố nội là người Ái Nhĩ Lan nhưng gốc tội phạm.

Một ngày nọ, đi du ngoạn một số thắng cảnh ở Sydney, cô Jane nghe tôi tâm sự chuyện gia đình, chuyện về người vợ thân thương đã chìm trong biển cả, cô rất xúc động nên qúy tôi một cách đặc biệt. Có lần, cô mời tôi đến nhà cô ở vùng North Sydney chơi. Tôi và hai đứa con cùng đến nhà cô, ở lại cả một ngày trời, đi về đều do cô lái xe rất tận tình. Phải nói nhìn chung, người Úc rất tốt, rất tận tình giúp đỡ di dân và người tỵ nạn. Bảo người Úc kỳ thị là không đúng. Dĩ nhiên, có đôi khi mình bị khinh bỉ, miệt thị, nhưng đó là những trường hợp cá biệt do mình làm sai, hoặc do trình độ Anh văn mình kém, nói năng không gẫy gọn mà ra. Chuyện này cũng giống như người Việt mình khi nghe một người Việt khác nói tiếng Việt không gẫy gọn thì mình có thái độ coi thường. Thế thôi. Chẳng qua chỉ vì chênh lệch trình độ ngôn ngữ, kiến thức, cộng với mặc cảm tự ti, động chút là cho mình bị kỳ thị. Nếu nói đó là kỳ thị, thì tôi thấy người Việt mình ở Sàigòn còn kỳ thị người Hoa gấp bội so với Úc.

Cũng vì hoàn cảnh vợ chết, lại phải nuôi hai con nhỏ, nên tôi được mấy người bạn học trong lớp thông cảm, giúp đỡ rất nhiều. Nhất là mấy cô và mấy bà nạ dòng. Thời đó, đàn bà con gái Việt ở Úc còn khan hiếm, nên họ có giá lắm. Đi vượt biên thì phần đông là đàn ông con trai. Nhiều người đi có gia đình, nhưng bị sóng biển vùi dập, sống sót cũng toàn là đàn ông. Sang đến Úc vào giai đoạn đầu thập kỷ 1980, chỉ thấy đàn ông tóc đen nhan nhản ở Cabramatta. Ai cũng bơ vơ, lạc lõng, thất thần, muốn tìm một người đàn bà để bầu bạn thật khó khăn vô cùng. Có được người con gái nào có nhan sắc một chút là mấy anh chàng sinh viên Colombo nẫng tay trên liền à.

Tôi còn nhớ thời đó, mỗi ngày cứ chiều chiều, hoặc mỗi tuần cứ từ chiều Thứ Sáu cho đến sáng Chủ Nhật, là lúc nào cũng có mấy ông sinh viên Colombo lò dò chui vào nhà ăn của Hostel để coi xem cô nào có nhan sắc là tìm cách làm quen với gia đình và ngỏ lời giúp đỡ. Vì họ ở Úc lâu năm, lại chỉ có việc ăn học nên thông thuộc ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đường đi nước bước. Vì thế, hai lá bài căn bản của họ lúc đó là thuê mướn nhà cho gia đình cô gái dọn ra ngoài ở, và hứa hẹn tìm việc làm cho họ. Chỉ nguyên cái khoản đưa xe đến chuyên chở đồ đạc cũng đủ để cho gia đình cô gái mang ơn mang huệ. Sau đó là chuyện nộp phom thất nghiệp, xin vé xe lửa giảm giá, chở đi đến các hội thiện nguyện xin quần áo, đồ đạc hoặc xin trợ cấp thuê nhà lúc ban đầu từ các hội thiện nguyện... Tất cả những thứ đó đều được lo tận tình, nên nhiều cô dù chẳng yêu đương gì mấy chàng, nhưng vì tình nghĩa nặng như núi Thái đối với cha mẹ nên cũng đành phải cắn răng nghe lời cha mẹ làm đám cưới với mấy ổng. Đây cũng là một bi kịch cho người con gái tỵ nạn Việt Nam da vàng.

Tôi phải dài dòng kể về chuyện này vì vào thời đó, có một cô gái xinh đẹp tên Vân cùng học Anh văn với tôi. Chỉ quen nhau sơ sơ, đi chơi với nhau một vài buổi khi cả lớp tổ chức đi du ngoạn, vậy mà bỗng nhiên, một ngày nọ, tôi vừa từ phòng ăn bước ra là đụng ngay anh chàng Colombo đứng ở cửa, mặt mày bặm trợn một đống. Thoạt đầu, ảnh nói năng lịch sự, xin phép được gặp tôi để thưa với tôi một đôi điều. Tôi đồng ý. Hai người dắt nhau ra bụi cây ngay bên ngoài phòng ăn. Đến gốc cây, anh chàng quay lại, quắc mắt nhìn tôi rồi lắp bắp nói lộn xộn đầu đuôi, chả đâu vào đâu, nhưng đại khái tôi hiểu ý anh nói, Vân là vợ chưa cưới của ảnh, bố mẹ Vân đã đồng ý cho hai người cưới nhau trong nay mai, anh đã bỏ cả đống tiền giúp gia đình Vân dọn ra ngoài Cabramatta, tốn kém rất nhiều, hiện anh đang lo kèm cặp Anh văn để Vân tiếp tục theo học đại học, nếu tôi quả thực yêu qúy Vân thiệt tình thì nên tôn trọng hạnh phúc Vân đang có, nên tìm mọi cách lánh xa Vân... và cái ngữ của tôi nếu có ôm mộng với nàng thì chỉ khổ cho cả hai.

Nghe anh ta nói bằng một giọng lắp bắp, từ ngữ lộn xộn, đoạn nọ trùng lặp với đoạn kia, trong khi ánh mắt thì đầy ghen tuông, tức giận, hơi thở của ảnh phì phò hệt như heo nọc, nên tôi vừa ái ngại, vừa ngạc nhiên thương hại lại vừa tức cười. Thú thực, hoàn cảnh tôi lúc đó, một thằng đàn ông góa vợ có hai con cần phải chăm sóc, nuôi nấng lại còn trách nhiệm đối với gia đình bên nội bên ngoại ở Việt Nam, tôi đâu có bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương với bất cứ ai. Nhất là Vân thì còn quá trẻ và quá đẹp, làm sao tôi dám có những mộng tưởng rồ dại, kéo cô ta vào con đường làm mẹ kế cho hai đứa con của tôi. Điểm quan trọng nữa là kể từ khi người vợ tôi bị sóng cuốn đi, để lại trong bàn tay tôi mảnh áo bà ba duy nhất, tôi đã thầm nguyện với lòng mình, sẽ vĩnh viễn ở vậy nuôi con cho đến khi chúng khôn lớn, nên vợ nên chồng, chứ có bao giờ nghĩ đến chuyện yêu ai, lấy ai bao giờ.

Nhưng vào thời điểm đó, có một điều tôi biết mà tôi biết chắc anh chàng sinh viên Colombo đó không thể biết, là Vân không hề yêu hắn. Vân đã hơn một lần nói với tôi điều đó và Vân cũng nói với cả lớp điều đó. Từ khi Vân dọn nhà ra ngoài Cabramatta ở cùng với cha mẹ, sáng nào Vân đi học cũng do anh chàng lái xe chở vô tận lớp. Nhưng lúc về học, bao giờ Vân cũng tìm cách về sớm hoặc đi quá giang xe cô giáo ra Cabramatta, nhất định không chịu đi xe của vị hôn phu. Nếu tôi nhớ không lầm thì xe của anh chàng hồi đó là chiếc Sigma mới cáu cạnh.

Từ ngày gia đình của Vân chịu ơn huệ của anh chàng Colombo phải dọn ra ngoài Cabramatta ở, Vân buồn lắm. Tôi biết, trong lớp học của tôi lúc đó, chả có ai xứng đáng làm người yêu hay làm chồng của Vân. Với nhan sắc xinh đẹp, tính nết thùy mỵ, nết na lại cộng với sự hiểu biết và trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp của Vân, tôi biết, cuộc đời của người con gái tỵ nạn, sẽ khiến Vân đi vào một ngõ cụt của tình cảm. Ở mảnh đất "ít thầy nhiều ma" như nước Úc vào thời buổi đó, đàn ông con trai tuy nhiều, nhưng kiếm được người chồng xứng đáng, có tâm hồn, có tài, đâu phải là chuyện dễ dàng.

Hình như cũng nhận rõ được nỗi đau khổ và sự éo le của cuộc đời dành cho mình nên Vân đã có lần tâm sự với tôi, Vân sẵn sàng ở vậy cho đến chết, chứ nhất định không chịu lấy người chồng không ra gì. Tôi tuy không quen biết anh chàng Colombo, nhưng tôi không nghĩ, bình thường trong cuộc sống anh ta là người xấu xa đê tiện. Nhưng trong hoàn cảnh ở tuổi xế chiều, cần phải tìm kiếm gấp cho mình một người vợ, trong khi anh lại có trong tay một mảnh bằng, chút ít kiến thức Anh văn và vài chục ngàn đô trong băng, thì anh ta dễ phạm phải cái sai lầm cố hữu, lợi dụng những thứ rẻ tiền mình có làm công cụ chinh phục người đẹp. Khổ cho anh ta hơn là Vân không phải là loại người bị lóa mắt bởi những thứ phù phiếm đó. Biết như vậy nên anh phải "cách sơn đả ngưu" dùng bả vật chất đánh vào gia đình ba má của Vân, khiến gia đình Vân chịu ơn chịu nghĩa rồi phải gả con gái cho anh.

Sau khi nghe anh hổn hển lắp bắp một hồi, tôi nhìn anh thương hại, nói gọn một câu: Anh yên tâm đi. Chả có ai cướp cô Vân của anh đâu. Chỉ sợ anh không giữ nổi cô ta mà thôi! Nói xong, tôi lạnh lùng quay đi, và thấy lòng mình xót xa khi nghĩ tới Vân, và cả những người con gái tỵ nạn như Vân... Khi viết những dòng này, tôi chẳng hiểu sau này Vân có lấy anh chàng Colombo đần độn hệt như thằng trọc phú nhà quê đó hay không. Nhưng dù không hay dù có, tôi cũng chân thành cầu mong Vân được hạnh phúc...

Cũng trong thời gian ở Cabramatta Hostel, tôi có quen chị T., trước ở Quận 1, Sàigòn. Gia đình thuộc loại giầu có, nên cả 5 chị em đều được gửi gắm tử tế khi vượt biên. Không may, tàu của họ bị cướp, cả 5 chị em bị hải tặc Thái cưỡng hiếp. Đến đảo, quá đau khổ và tủi nhục nên cả 5 chị em đồng ý, mỗi người đi mỗi nơi để khỏi phải nhìn thấy nhau, gặp mặt nhau. Chị T. là chị cả, đến Úc trước tôi hai tháng, nhưng lúc đó khóa học Anh văn chưa mở nên khi chúng tôi tới, chị học cùng lớp với tôi. Có lẽ thấy hoàn cảnh đáng thương của tôi nên chị tỏ ra quan tâm hơn với tôi và hai cháu. Quen nhau không lâu, chị kể cho tôi nghe tất cả những thảm cảnh 5 chị em phải gánh chịu trong suốt thời gian gian hai tuần lễ sống trong chiếc tàu của mình mà bị tàu Thái kéo lênh đênh giống như một chiếc nhà thổ di động trên biển cả.

Nghe chuyện của chị, chứng kiến những giọt nước mắt của chị, tôi thấy vừa đau khổ, vừa thương xót chị vô cùng. Đã nhiều lần, tôi bịt tai, van xin chị đừng kể, nhưng chị vẫn lạnh lùng thản nhiên, mắt nhìn vào hư vô, miệng đều đều kể... Chị kể bằng một giọng dửng dưng, vô cảm, như kể chuyện về một bi kịch của một sinh vật nào đó ở một thế giới không phải thế giới của loài người... Nghe chuyện của chị, bỗng dưng tôi thấy vợ tôi chết tuy là một bất hạnh nhưng xem ra có lẽ còn may mắn hơn chị. Chỉ nghĩ đến cảnh tấm thân ngà ngọc của vợ bị tụi cướp biển giầy vò, cả người tôi đã run bắn trong đau đớn và phẫn uất...

Chị T. rất thương yêu hai đứa con của tôi. Người đàn bà có bản năng thiêng liêng của tình mẫu tử. Hai đứa con tôi cũng yêu thương chị vô cùng. Chúng tôi đã có những giờ phút hạnh phúc đi chơi biển, lên rừng, vô sở thú... Nhưng ngay cả trong những lúc hạnh phúc như vậy, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh người vợ thân yêu của tôi bị sóng cuốn đi, tiếng gào thét của vợ tôi trong tích tắc cuối cùng, và những hình ảnh bi thảm mà 5 chị em T. phải gánh chịu trong vòng tay những tên cướp biển...

Cuối năm 1983, qua báo chí, tôi được tin một người bạn cũ, trước dậy học ở Chánh Tâm, Sàigòn, đang làm chủ một nhà hàng nhỏ ở Perth. Lập tức, tôi khăn gói cùng với hai đứa con sang thăm bạn cũ, nào ngờ hoàn cảnh thuận lợi, nên tôi ở lại đây cho đến ngày nay. Hiện tại, cả hai đứa con tôi đều khôn lớn. Đứa con trai đã có gia đình và tôi đã có cháu nội. Còn đứa con gái có gương mặt giống hệt như mẹ, đã có bạn trai nhưng nó nhất định không chịu làm đám cưới khi nào tôi còn chưa chịu lấy cô T.

Tuổi trẻ như nó đâu có hiểu được, thế hệ của những người đàn ông, đàn bà như cha nó, như cô T. đã được hấp thụ một nền giáo dục đặc biệt tại quê nhà, nên sau khi trải qua những đau đớn, những bi kịch, họ sẽ sống mãi với những hình ảnh xưa, những bi kịch cũ. Với họ, hạnh phúc là ở đó và đau khổ cũng ở đó. Đi thêm bước nữa, chắp vá một mối tình mới là điều không có khó. Nhưng khó ở chỗ, làm sao tạo dựng được hạnh phúc khi những hình ảnh xưa, những kỷ vật cũ đã trở thành máu huyết của một đời người xuyên suốt bao nhiêu năm tháng...

Cũng giống như tôi, cô T. không lập gia đình. Thỉnh thoảng, chúng tôi có trao đổi thư từ, nhưng rất ít khi nhắc lại chuyện cũ. Mới đây, cô có hỏi ý kiến tôi về dự định tìm lại mấy người em xưa đã chia tay. Tôi băn khoăn không biết trả lời cô như thế nào...

Nhìn lên tấm hình vợ trên bàn thờ, tôi xúc động nhớ lại những kỷ niệm êm đềm ở mái trường xưa. Đó là tấm hình vợ tôi chụp bán thân trong chiếc áo bà ba, dưới dàn khổ qua khi hai đứa chúng tôi sang bên nội đón đứa con trai đầu lòng. Lúc đó, vợ tôi hơi gầy, mái tóc buông xõa, gương mặt không son phấn, quần áo không sửa soạn, nhưng ánh nắng chiếu xuyên qua kẽ lá để lại trên gương mặt của nàng những mảng tối sáng không đều, khiến nàng thật gần gũi với cảnh vật, cây nhà lá vườn...

Trước tấm ảnh của vợ tôi là miếng áo bà ba rách được gấp gọn gàng, để trên chiếc đĩa men trắng... Đó là di vật cuối cùng còn mang hơi hướng da thịt của vợ tôi. Mỗi lần nhìn ảnh vợ, nhìn miếng áo bà ba rách, chẳng hiểu sao tôi thấy âm dương thật gần gũi, sinh tử chẳng hề cách biệt... Ngắm ảnh vợ, trong cảm xúc thoát tục đó, tôi lại bâng khuâng nhớ đến mấy câu thơ của ông Tô Thùy Yên:

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao...

Sờ lên hàm râu lởm chởm, tôi biết tôi đã già. Tuổi ngoài 50 của một người đàn ông sống trong nhung lụa là tuổi đang hưởng thụ tới sự tận cùng của sinh lực chín muồi và kinh nghiệm chất chứa. Với tôi, một người đàn ông góa bụa hơn 20 năm, lại thích sống trong hệ lụy khổ đau, thích gậm nhấm những hình ảnh xưa, những kỷ niệm cũ, nên tôi biết tôi đã già trước tuổi... Nhưng tôi dửng dưng trước bước đi của thời gian. Với tôi bây giờ, đời người dài hay ngắn chẳng còn là chuyện quan trọng. Yêu thương cả một kiếp người dành cho một người con gái, đến khi người con gái đó ra đi, thì hạnh phúc lớn nhất đối với tôi chính là giây phút tôi được giã biệt trần gian để thân xác trở về với cát bụi, vong linh được đoàn tụ với người con gái tôi yêu.

Tôi không biết, sau khi chết, tôi có được gặp lại vợ tôi ở thế giới bên kia hay không, nhưng chắc chắn, đó là thế giới vợ tôi hiện đang cư ngụ. Và dù mỏng manh, dù siêu thực, dù hoang tưởng, tôi cũng tin rằng, chỉ có sự ra đi vĩnh viễn khỏi dương thế, tôi mới có hy vọng được đoàn tụ với người vợ tôi thương...

Trần Văn Khởi - Perth WA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.