Hôm nay,  

The Hollow Miracle (1959) - Phép Lạ Hổng, George Steiner - Phần Ii

12/03/200100:00:00(Xem: 4112)
Một nhà văn khác đã biến lưu vong thành giầu có, là Hermann Broch. Cái Chết của Virgil không chỉ là một trong những cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất mà văn học Âu châu đã sản sinh ra được, kể từ Joyce và Proust; nó còn là một chữa trị đặc thù cho thân phận bi đát của con người có chữ nghĩa (man of words), trong một thời đại mà quyền uy thuộc về loài thú. Cuốn tiểu thuyết xoáy vào quyết định của Virgil, vào giờ chết của mình: huỷ bỏ bản thảo [được đặt tên là] Aeneid. Vào lúc đó, anh ta nhận ra rằng cái đẹp và sự thực của ngôn ngữ không làm sao đi đôi với nỗi đau khổ của con người và cái đà tiến lên của chủ nghĩa man rợ. Con người phải tìm ra một [thứ] thi ca tức thời hơn, hữu ích hơn (more helpful), cho con người, so với thứ thi ca bằng từ ngữ: một thi ca của hành động. Hơn thế nữa, Broch đưa văn phạm và lời nói/chữ viết vượt quá những câu thúc mang tính truyền thống, như thể chúng đã trở nên quá nhỏ bé, để có thể chứa đựng được nỗi khổ đau đè nặng, và tia chớp sáng tạo lóe lên, ở nhà văn, khi đối diện với phi nhân, là thời đại của chúng ta. Vào lúc gần chót của cuộc đời khá cô quạnh (ông mất ở New Haven, gần như không ai biết tới), Broch càng cảm thấy rõ một điều, rằng cảm thông có thể nằm ở trong những cách thức (modes), hơn là trong ngôn ngữ, có lẽ là ở trong toán học, một bộ mặt khác của câm lặng.

Trong tất cả những nhà văn lưu vong, “ngon lành nhất” (fared best), là Thomas Mann. Ông luôn luôn là một công dân của thế giới, [luôn sẵn sàng] đón nhận thiên tài, của những ngôn ngữ và những nền văn hóa khác. Trong phần cuối của toàn bộ Joseph, những âm tiết tiếng Anh - thứ ngôn ngữ mà Mann đang sống ở trong nó - hình như đã nhập vào văn phong của ông. Tiếng Đức vẫn là chủ, nhưng ở đây và lại một lần nữa, một ánh sáng ngoại lai loé lên qua ngôn ngữ chủ đó. Trong Bác sĩ (Doctor) Faustus, Mann đích thân nói chuyện thẳng với cơn điêu tàn, là tinh thần Đức. Cuốn tiểu thuyết tạo nên vóc dáng của nó, qua sự tương phản giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và những biến cố mà người đó kể lại. Ngôn ngữ mang tính nhân bản cổ điển, với bút pháp cần mẫn, tuy lỗi thời, nhưng luôn mở ra những giọng nói của lẽ phải, của nỗi bi quan và lòng bao dung. Mặt khác, câu chuyện về cuộc đời Leverkuhn là một dụ ngôn về phi lý (unreason) và thảm họa. Bi kịch cá nhân của Leverkuhn dọn đường cho cơn khùng điên lớn lao của dân tộc Đức. Ngay cả khi người kể chuyện soạn thảo lời chứng của mình – mang tính nhân bản tuy có phần mô phạm – đưa tới cuộc hủy diệt hung bạo của một con người thiên tài: có những dấu hiệu cho thấy chế độ Reich đang ngập vào cơn hỗn mang đẫm máu. Trong Doctor Faustus, cũng là một quan tâm trực tiếp tới những vai trò của ngôn ngữ và âm nhạc ở trong linh hồn Đức. Mann hình như muốn nói, những nội lực sâu thẳm nhất của linh hồn Đức luôn luôn được diễn tả bằng âm nhạc hơn là bằng những con chữ. Và câu chuyện về Adrian Leverkuhn đề nghị một điều: đó là một sự kiện đầy hung hiểm. Rằng, trong âm nhạc có những khả thể, về một chủ nghĩa hoàn toàn phi lý và cơn hớp hồn đưa đến hôn mê. Không có thói quen tìm kiếm, ở trong ngôn ngữ bất cứ một tiêu chuẩn tối hậu nào, về cái nghĩa (meaning), người Đức đã sẵn sàng [chờ đón] những chí choé chưa ra tiếng người (the sub-human jargon), của chủ nghĩa Nazi. Và đằng sau những chí chóe bắng nhắng này, vọng lên những cung bậc u tối của cơn mê ly lịm người: những nốt nhạc Wagner. Trong Kẻ Tội Lỗi Thánh Thiện (The Holy Sinner), một trong những tác phẩm chót, Mann trở lại với vấn đề ngôn ngữ Đức bằng con đường nhạo nhại, và mô phỏng. Câu chuyện được viết ra, bằng cách bắt chước thật tỉ mỉ tiếng Đức thời trung cổ, như muốn tách biệt nó, càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, với tiếng Đức thời hiện tại.

Nhưng với tất cả những thành tựu, những nhà văn Đức lưu vong đã không thể cứu vớt được gia tài của họ, trước cơn tự huỷ diệt. Bằng cách rời khỏi nước Đức, họ có thể bảo vệ sự vẹn toàn của riêng họ. Họ chứng kiến những khởi đầu của thảm họa, chứ không phải những lớp lang đầy đủ sau đó. Như một người ở lại, nói, “Bạn đã không nhập cuộc, với cái giá là tất cả phẩm cách của mình. Làm sao bạn có thể nói chuyện với những kẻ đã làm [chuyện đó]"” Những cuốn sách Mann, Hesse, và Broch viết ở Thụy Sĩ hay ở California hay ở Princeton, bây giờ được đọc ở Đức, nhưng chủ yếu như là bằng chứng, về một thế giới đặc quyền “nối dài”, ”ở đâu đó”, bên ngoài tầm tay của Hitler.

Còn những nhà văn ở lại, thì sao" Một vài người trở thành những kẻ điếu đóm, trong ổ điếm chính thức, của “văn hoá Aryan”, “Reichsschrifttumskammer, (Viện văn chương thuộc về đế chế, Chambre impériale de littérature). Một số khác chơi trò lập lờ, cho tới khi mất luôn khả năng nói rành rọt, về bất cứ một điều gì, ngay đối với chính họ. Klaus Mann đã khái quát về chuyện, làm thế nào mà Gerhart Hauptmann, con sư tử già của chủ nghĩa hiện thực, trở nên “ăn khớp” (in terms), với những thực tại mới:

“Hitler…. sau hết… Các bạn thân mến của tôi ơi!… cũng không nhức nhối lắm đâu, đừng quá cứng rắn như thế chứ!… Hãy cố là… Không đâu, nếu bạn cho phép tôi… khách quan…. Tôi có thể châm thêm rượu cho ly của tôi" Ôi chao, thứ sâm banh này mới tuyệt vời làm sao! Rượu sâm banh hả" Thì cũng vậy thôi, về vấn đề này… Cuộc phát triển khác thường nhất… Tuổi trẻ Đức… Về bẩy triệu lá phiếu… Như tôi thường nói với những bạn bè Do Thái của tôi… Những người Đức này… một quốc gia không thể tính toán được… rất bí hiểm, thực vậy… những xung động vũ trụ… Goethe… Câu chuyện nhiều tập về những Nibelunge (Nibelungen Saga)… Hitler, theo một nghĩa nào đó, diễn tả… Như tôi cố giải thích cho những người bạn Do Thái của tôi… những khuynh hướng năng động…. Mang tính cơ sở, không thể cưỡng chống lại được…”

Một vài người, như Gottfried Benn và Ernst Junger, tìm nơi trú ẩn, trong điều mà Benn gọi là “hình thức quí tộc của [hiện tượng] thiên di” (“the aristocratic form of emigration”). Họ gia nhập Quân đội Đức, nghĩ rằng có thể chạy trốn ngọn triều ô nhiễm, và phục vụ tổ quốc của họ theo “những đường lối cổ xưa, đáng kính trọng” của tầng lớp sĩ quan. Junger đã viết một bản báo cáo về chiến thắng ở mặt trận Pháp. Đây là một cuốn sách nhỏ, mang chất trữ tình, duyên dáng, có tựa là Garten und Strassen (Những vườn cây và Những con đường). Không một ghi nhận cộc cằn nào ở trong đó. Một sĩ quan kiểu cổ (an old-style officer), lo lắng như một người cha, cho những tù binh người Pháp, và giữ những liên hệ “đúng đắn” (correct) và cởi mở với những đối tượng mới mẻ của mình. Đằng sau chiếc xe thuộc bộ chỉ huy hành quân của anh ta, mới từ Warsaw chuyển tới là một dẫy những chiếc xe cam nhông của Gestapo, và những đội quân tinh nhuệ. Junger không để ý tới đám này: ông nói về những khu vườn.

Benn nhìn ra liền, và, trước tiên, rút vào cõi âm u của văn phong, rồi sau đó, vào câm lặng. Nhưng chỉ nội sự kiện, ông có mặt [ở đó], ở nước Đức của Nazi, hình như cũng đủ để tiêu hủy [cái điều gọi là] bám vào thực tại của ông. Sau chiến tranh, ông viết ra một vài hồi tưởng (recollections), về thời kỳ của bóng đêm. Trong đó, chúng ta kiếm thấy một câu thật lạ kỳ. Về sức ép mà chế độ đè lên ông, Benn nói: “Điều tôi diễn tả, không phải là do phẫn nộ đối với Chủ nghĩa Quốc xã. Nó bây giờ đã bị lật đổ, và tôi không phải là người kéo cái xác của Hector vào cát bụi.” Chỉ một khi trí tưởng tượng bị chao đảo trước bao điều rối ren mơ hồ, mới khiến cho một nhà văn đàng hoàng (a decent writer) viết ra một câu như vậy. Dùng một hình ảnh mang tính hàn lâm nhưng đã sáo mòn, ông coi chủ nghĩa Nazi tương đương với những nhân vật phong nhã nhất của Homer. Một khi chết, ngôn ngữ quay qua những lời dối trá.

Một dúm nhà văn ở lại Đức nhằm dấy lên cuộc kháng chiến bí mật. Một trong những nhà văn hiếm hoi này là Ernst Wiechert. Ông trải qua một thời gian trong trại tù Buchenwald, rồi sau đó tạm lui vào ẩn dật (partial reclusion), trong suốt cuộc chiến. Viết được tí nào, ông đem chôn tí đó, ở trong vườn nhà. Luôn trong tình trạng hiểm nguy, nhưng bởi vì ông hiểu rằng, không thể để cho nước Đức trầm luân trong nỗi đau câm nghẹn (Germany should not be allowed to perish in voiceless suffering). Ông ở lại, bởi vì cần một con người chân thật như thế, để ghi lại, cho những kẻ đã phải bỏ chạy, và cho những kẻ may ra sống sót, rằng chuyện xẩy ra là như vậy đấy. Trong Khu Rừng của những Người Chết, ông đưa ra một bản báo cáo ngắn gọn, trầm lắng, về những gì ông nhìn thấy ở trong trại tập trung. Trầm lắng, bởi vì ông mong muốn: điều ghê rợn của sự kiện [sẽ] gào lên, cái trần trụi của sự thực. Ông nhìn thấy những người Do Thái bị tra tấn tới chết, dưới sức nặng của những lớp đá hoặc gỗ, (bị quất roi mỗi khi ngưng để thở, cho tới khi họ rũ xuống chết). Khi cánh tay Wiechert bị làm độc, ông được băng bó, và sống sót. Viên quân y sĩ ở trong trại không muốn chạm vô đám Do Thái hay Gypsies, ngay cả bằng bao tay, sợ rằng “mùi da thịt của họ làm độc anh ta.” Và cứ thế họ chết, rên la gào thét do cơ thể ung độc sưng tấy, hoại thư, hoặc bị chó săn đuổi. Wiechert nhìn và nhớ. Cuối cuộc chiến, ông đào bản thảo lên, và vào năm 1948, in nó. Nhưng đã quá trễ rôài.

Trong ba năm ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, nhiều người Đức cố gắng có được một cái nhìn thực, về những biến cố xẩy ra dưới thời Hitler. Dưới cái bóng của những điêu tàn và của sự khốn cùng về kinh tế, họ xem xét cái ác quỉ ma là chủ nghĩa Nazi đã được tháo cũi xổ lồng, hoành hành trên đầu họï, và trên thế giới. Hàng hàng những đàn ông đàn bà đi qua những đống xương người, trong những trại tử thần. Những binh lính trở về, thừa nhận một điều, ở những vùng bị chiếm đóng như Na Uy, Ba Lan, hay Pháp hay Nam Tư đã xẩy ra những chuyện gì: sử bắn tập thể những con tin, tra tấn, cướp bóc. Nhà thờ lên tiếng. Đây là một giai đoạn nhìn lại mang tính đạo đức, và đau thương nhức nhối. Những lời nói – chưa từng được nói trong mười hai năm – được nói ra. Nhưng thời điểm của sự thực sao mà “khá” ngắn ngủi.

Điểm ngoặt có thể là vào năm 1948. Với sự thành lập đồng Đức Mác mới, nước Đức bắt đầu vươn lên như một phép lạ, trở thành một thế lực kinh tế tái hồi (renewed). Nói theo đúng nghĩa đen, xứ sở tự biến nó thành ghiền, bằng lao động nặng. Đó là những năm tháng người ta ngủ nửa buổi đêm ở nhà máy đang được tái xây cất, bởi vì nhà của họ chưa thể ở được. Cùng với bước nhẩy vọt năng lượng vật chất, một huyền thoại mới xuất hiện. Hàng triệu người Đức bắt đầu nói, với chính họ và với bất kỳ một người ngoại quốc nào có đủ ngây thơ để mà lắng nghe họ, rằng, nói gì thì nói, quá khứ đã không xẩy ra, rằng những điều ghê gớm tởm lợm là cường điệu, do tuyên truyền của Đồng minh và những ký giả khoái tin giật gân. Vâng, có một vài trại tập trung, và theo như báo cáo, có một số người Do Thái và một số những kẻ không may khác bị sát hại. “Nhưng làm gì tới sáu triệu, lieber Freund, (Bạn thân mến), không cách chi tới con số đó. Chỉ là tuyên truyền, bạn biết đấy.” Không nghi ngờ chi, có đôi điều tàn bạo do những đơn vị S.S. và S.A. gây ra tại lãnh thổ ngoài. “Nhưng họ đều là những Lumpenhundle, đám trộm cắp thuộc tầng lớp thứ dân. Lính chính qui đâu làm ba chuyện đó. Không đâu, với Quân đội Đức đáng kính. Thực sự, tại Mặt trận phía Đông, những đứa trẻ của chúng ta đâu có đối mặt với những con người bình thường. Tụi Nga đều là những chó điên, Bạn thân mến ơi, những con chó điên! Thế còn chuyện dội bom thành phố Dresden, thì sao"” Đi bất cứ nơi đâu, tại bất cứ xó xỉnh nào thuộc nước Đức, khách du lịch đều được nghe cùng một luận điệu như vậy. Những người Đức bắt đầu tin hết mình về những điều kể trên. Nhưng tiếp theo đó, là những điều tồi tệ hơn.

Người Đức, từ đứa trẻ chập chững biết đi cho tới những ông già lụ khụ (Germans in every walk of life), bắt đầu tuyên bố, rằng họ không biết về những trò ác độc của chế độ Nazi. “Chúng tôi không biết chuyện gì xẩy ra. Chẳng ai nói với chúng tôi về [trại tù] Dachau, Belsen, hay là Auschwitz. Làm sao chúng tôi khám phá ra" Đừng đổ vạ cho chúng tôi.” Hiển nhiên, thật khó khăn, khi phản bác một lời biện hộ thật “vô tri” (ignorance) như vậy. Cũng không phải ít ỏi: đã có nhiều người Đức chỉ có một chút xíu quan niệm, về điều có thể xẩy ra, ở bên ngoài sân sau nhà, của riêng họ. Những quận lỵ nhà quê, những cộng đồng nhỏ hơn, ở xa xôi hơn, chỉ ý thức tới thực tại, của những tháng sau cùng của cuộc chiến, khi những trận đánh tới sát bên họ. Nhưng bao la hằng hà, là con số những người đã biết. Wiechert miêu tả chuyến đi dài của ông, tới trại tù Buchenwlad, trong những ngày tương đối thanh bình vào năm 1938. Ông tả quang cảnh, ở những trạm ngưng nghỉ: đân chúng xúm lại, để chế giễu, nhổ nước miếng vào những người Do Thái và những tù nhân chính trị bị xiềng, trong những chiếc xe “van” của Gestapo. Khi những chuyến xe lửa của tử thần bắt đầu băng qua nước Đức trong thời kỳ chiến tranh, không khí đầy ứ âm thanh và mùi vị, của cơn hấp hối. Những chuyến xe lửa tại sân ga Munich, đợi giờ chuyển bánh tới trại tù Dachau, chỉ cách đó một khoảng đường. Bên trong những toa xe được đóng dấu địa ngục, đàn ông, đàn bà, trẻ con phát điên phát khùng, vì sợ và khát. Họ kêu gào không khí và nước uống. Họ kêu gào trọn đêm. Dân chúng ở Munich nghe, và nói cho người khác. Trên đường tới Dachau, chuyến tầu ngưng lại, đâu đó tại phía nam nước Đức. Những tù nhân bị bắt phải chạy lên chạy xuống, ở sân ga, và một tên Gestapo thả chó chạy theo họ, la lên: “Người ơi, hãy tóm lấy lũ chó này!” (“Man, get those dogs!”) Một đám đông người Đức đứng coi trận thể thao. Những trường hợp không làm sao đếm được như thế, đều được ghi nhận vào hồ sơ.

Có thể hầu hết người Đức đã không biết những chi tiết cụ thể, về cuộc thanh toán, tiêu diệt. Họ có thể không biết về “cơ chế” những lò thiêu (một sử gia Nazi gọi những lò này là “hậu môn của thế giới” - “the anus of the world”). Nhưng khi căn nhà kế bên, hồi đêm, bị hốt sạch người ở, hay là khi những người Do Thái, với ngôi sao vàng trên áo, bị xô ra khỏi những hầm trú ẩn tránh phi cơ oanh tạc, và đành co rúm lại, giữa đường phố bốc cháy, ngay giữa trời: chỉ một tên vừa ngu vừa mù mới có thể thốt ra, rằng tôi không biết.

Tuy nhiên, huyền thoại vẫn ăn khách! Cũng rất thực, là điều này: những khán thính giả Đức đã xúc động, chẳng lâu la gì trước đó, bởi sự trình diễn [vở kịch] Nhật ký của Anne Frank. Nhưng ngay sự khủng khiếp trong Nhật ký cũng chỉ là một kỷ niệm ngoại lệ. Và nó đâu cho thấy chuyện gì đã xẩy ra cho Anne ở bên trong trại tù. Thị trường chữ nghĩa ở Đức lại tỏ ra rất ư là “hẹp hòi” với mấy thứ này. Hãy quên quá khứ. Hãy làm việc. Hãy giầu có thịnh vượng. Nước Đức mới thuộc về tương lai. Mới gần đây, khi được hỏi cái tên Hitler nghĩa là gì đối với họ: một con số rất đông những học sinh Đức trả lời rằng ông ta là một người xây cất đường cho ô tô chạy (Autobahnen) và đã thanh toán được nạn thất nghiệp. Có khi nào họ được biết, rằng đây là một người đàn ông xấu" Có, nhưng họ thực sự không hiểu tại sao. Thầy cô nào cố nói với học sinh về lịch sử thời kỳ Nazi, họ sẽ được “bên trên” nhắc nhở, rằng những đề tài như vậy không hợp với trẻ con. Một số ít thầy cô cố tình không biết điều, sẽ bị cho về vườn, hay bị cha mẹ con em học sinh, và đồng nghiệp, làm tình làm tội. Tại sao cứ đào bới quá khứ"

Thực sự, những khuôn mặt cũ đã thập thò ló mặt, ở chỗ này hay chỗ nọ. Trên băng ghế ở pháp đình, bắt đầu xuất hiện một vài ông tòa trước kia đã từng phê chuẩn luật lệ máu của Hitler. Trên rất nhiều ghế giảng sư, lại chễm chệ những chuyên gia đã từng được thăng cấp, đúng vào lúc những sư phụ của chính họ, người Do Thái hay theo Chủ nghĩa Xã hội, được cho đi gặp tử thần. Trong một số đại học Đức hay Áo, đám côn đồ lại vênh váo với những chiếc nón cát-két, những dải ruy-băng, những vết sẹo đâm chém, và những lý tưởng “thuần chủng Đức” của chúng. “Chúng ta hãy quên đi!”, là “kinh cầu nguyện” của thời đại Đức mới. Ngay cả những kẻ không thể quên, vậy mà cũng cố ép buộc những người khác: hãy quên đi! Một trong số ít ỏi, thuộc loại văn chương cao cấp, tự trầm mình vào tất cả nỗi ghê rợn của quá khứ, là vở kịch The Burnt Offering (Đồ Cúng Tế) của Albrecht Goes. Được một viên chức Gestapo cho biết, ở nơi chốn “bà” (she) sẽ tới đó, sẽ chẳng có thì giờ mà dành cho đứa bé đâu, người đàn bà Do Thái đã để lại chiếc xe trẻ con, cho bà vợ một người giữ tiệm tốt bụng, thuộc dòng giống Aryan. Ngày hôm sau, bà bị đưa tới lò thiêu. Chiếc xe trống trơn làm cho người kể chuyện hiểu toàn bộ những gì xẩy ra. Người đàn bà quyết định từ bỏ cuộc sống của riêng bà, để hiến dâng cho Thượng Đế như là đồ cúng tế. Đây là một câu chuyện tuyệt vời. Nhưng ngay đầu chuyện, Goes đã ngần ngại, có nên nói ra hay là không: “Con người quên. Và phải quên thôi, bởi vì làm sao sống, nếu không quên"” (One has forgotten. And there must be forgetting, for how could a man live who had not forgotten"”) Tốt hơn thật, biết đâu đấy.

Mọi chuyện quên. Nhưng ngôn ngữ, không. Khi nó bị tiêm tẩm điều giả trá, chỉ mỗi sự thực, thuộc thứ dữ dằn nhất, mới có thể tẩy rửa cho nó được thôi. Thay vì vậy, lịch sử hậu-chiến của ngôn ngữ Đức là một ngôn ngữ giả trá, quên thoải mái. Hồi nhớ quá khứ, về những điều ghê rợn đang được khui quật, khá nhiều. Nhưng với một cái giá thật cao. Và văn chương Đức hiện đang trả, cái giá mắc mỏ đó. Có những nhà văn trẻ có tài và một số nhỏ thi sĩ đáng trân trọng. Nhưng phần lớn những gì được xuất bản - như là văn chương nghiêm túc - thì nhạt nhẽo, kém cỏi. Chẳng có ngọn lửa của cuộc sống ở trong đó (1). So sánh thứ tuyệt hảo của văn chương báo chí hiện thời, với thứ “thường thường bậc trung” của tờ Franfurt Zeitung những ngày tiền-Hitler: nhiều lúc thật khó mà hiểu nổi, cả hai đều được viết bằng tiếng Đức.

Như vậy không có nghĩa là thiên tài Đức câm nín. Có một cuộc sống âm nhạc sáng ngời; ngoài nước Đức ra, không ở đâu âm nhạc hiện đại có được một tầng lớp thính giả tốt như vậy. Lại một lần nữa, người ta nhận ra, sự sống động trong toán học, và trong những ngành khoa học tự nhiên. Nhưng âm nhạc và toán học là “những ngôn ngữ” khác, so với ngôn ngữ. Tinh khiết hơn, có lẽ vậy; không bị sói mòn bởi những hàm ý của quá khứ; có khả năng hơn, có thể vậy, để đương đầu với thời đại mới về tự động và kiểm tra điện tử. Nhưng ngôn ngữ: không. Trong lịch sử, cho tới nay, đó là ngôn ngữ: chiếc xe ân sủng của con người, phương tiện chuyên chở số một của văn minh.

Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ.

*
Chú thích của tác giả:
Thật cũng dễ hiểu, bài tiểu luận này, được viết năm 1959, đã gây nhiều đau thương, và giận dữ. Bàn luận, và trích dẫn sai về nó, đã tiếp tục tại Đức cho tới nay. Báo Sprache im technischen Zeialter đã làm một số đặc biệt về cuộc tranh luận, và nó lại bùng lên ở Mỹ, trong một cuộc gặp gỡ vào mùa xuân năm 1966, giữa những nhà văn Đức, thuộc Nhóm 47 (Gruppe 47). Giới hàn lâm, mà tôi miễn cưỡng là một thành viên, đã có một quan niệm thù nghịch về trường hợp này.

Nếu tôi cho in lại Phép Lạ Hổng trong cuốn sách này (Ngôn ngữ và Câm lặng. CTND), bởi vì tôi tin rằng, liên hệ giữa ngôn ngữ và phi nhân mang tính chính trị, là một vấn đề rất quan trọng; và bởi vì tôi tin rằng, đây là một vấn đề thật cấp bách, do tính đặc thù và bi đát: việc sử dụng tiếng Đức trong thời kỳ Nazi và trong những trò nhào lộn [nhằm đưa đến] lãng quên, tiếp theo sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Nazi. De Maistre và George Orwell đã viết về chính trị học của ngôn ngữ, về vấn đề, bằng cách nào, con chữ có thể mất những ý nghĩa nhân bản của nó, dưới sức ép của trò thú vật chính trị và sự giả trá. Chúng ta hình như chưa áp dụng được những soi sáng như vậy, vào lịch sử hiện thời của ngôn ngữ và cảm nghĩ. Ở đây, hầu như mọi chuyện đều còn bỏ ngỏ.

Tôi cho in lại bài tiểu luận này, còn là do tôi tin rằng, nó còn có giá trị, về nét đại cương của vấn đề được bàn luận. Khi viết nó, tôi chưa được biết một cuốn sách rất đáng kể, của Victor Klemperer, Aus dem Notizbuch eines Philologen, xuất bản tại Đông Bá Linh vào năm 1946 (bây giờ được Joseph Melzer Verlag, Darmstadt tái bản dưới tựa đề Die unbewaltigte Sprache). Nhiều chi tiết hơn so với của tôi; Klemperer, một nhà ngữ học chuyên ngành, đã ghi lại dấu vết sự sụp đổ của tiếng Đức, và trở thành một thứ biệt ngữù Nazi (Nazi jargon). Ông còn chỉ ra cái nền mang tính ngữ học-lịch sử đưa đến sự sụp đổ đó. Vào năm 1957 xuất hiện một cuốn từ điển nhỏ, theo kiểu sơ thảo về tiếng Đức Nazi: Aus dem Worterbuch des Unmenschen, những người soạn thảo là Sternberger, Storz, và Suskind. Năm 1954, những đề nghị của tôi về một nghiên cứu chi tiết hơn đã được đưa vô cuốn Vom “Abstammungsnachweis” zum “Zuchtwart” của Cornelia Berning. Dolf Sternberger đã trở lại với trọn câu hỏi, trong một tiểu luận về “Mass/sabe der Sprachkriik” ở trong Kriteren (Frankfurt, 1965). Trong The Deputy của Hochhuth, đặc biệt là những cảnh liên quan tới Eichmann và đám bạn bè làm ăn của ông ta, tiếng Đức của Nazi đã được sử dụng một cách thật chính xác, làm lộn mửa. Cũng như vậy, là tác phẩm Investigation của Peter Weiss, và như trong bài viết Ghi nhận về Gunter Grass, của tôi, in trong cùng cuốn sách, tiếp theo bài viết này.

Hơn thế nữa, trong 10 năm qua, một chương mới đã bắt đầu, trong lịch sử rối rắm và đa dạng, là ngôn ngữ Đức và những âm sắc của nó, trong thực tại chính trị. Lại một lần nữa, Đông Đức phát triển mạnh, thứ văn phạm của những lời rối trá, của những giản lược mang tính toàn trị. Chúng cũng chẳng thua gì đỉnh cao thời đại Nazi. Những bức tường có thể được dựng lên, tách đôi một thành phố. Không chỉ vậy: chúng còn tách đôi, một bên là những con chữ, và một bên là nội dung nhân bản của chúng.

(1) Nhận định này có giá trị vào năm 1959, bây giờ thì không. Chính vì dám nhìn thẳng vào quá khứ, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn của Đức đã lại có một sức mạnh đời sống, hung bạo, không thể chối bỏ được, tuy còn nhiều chất báo chí.

Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.