Hôm nay,  

NHÂN DỊP TRUNG TÂM ASIA PHÁT HÀNH DVD THEO BƯỚC CHÂN PHẬT, NGHE KỂ LẠI NHỮNG CHUYẾN PHIÊU LƯU CỦA VŨ TRẦN

05/04/201100:00:00(Xem: 11480)

NHÂN DỊP TRUNG TÂM ASIA PHÁT HÀNH DVD THEO BƯỚC CHÂN PHẬT, NGHE KỂ LẠI NHỮNG CHUYẾN PHIÊU LƯU CỦA VŨ TRẦN

vu_tran_giac_ngo-large-contentVũ Trần ở Angkor (Xiêm Riệp- Cam BỐt)

Tượng Phật trong hạng động ở Lạc Dương- Trung Quốcbuddha_statue-large-content


tibetmonk_1_-large-contentCác nhà sư ở Tây Tạng

Poster DVD Theo Bước Chân Phậtgiacngo_poster-large-content

Vào dịp cuối tháng Ba vừa qua, Trung Tâm Asia vừa cho phát hành bộ phim tài liệu DVD mang tên Giác Ngộ- Theo Bước Chân Phật. Đạo Diễn cũng là người quay phim của bộ phim này là Vũ Trần. Nhiều người trong cộng đồng chúng ta đã biết đến chàng quay phim trẻ tuổi này qua bộ phim DVD Hành Trình Xuyên Việt. Đây là hai bộ phim tài liệu đầu tay của Vũ, một thực hiện trong nước Việt Nam, một quay ở 14 quốc gia Châu Á khác nhau. Đối với Vũ, mỗi bộ phim đầu tiên chỉ là một cuộc phiêu lưu của bản thân mình. Mời quí độc giả nghe Vũ Trần kể lại hành trình của những chuyến phiêu lưu kỳ thú này.

Vũ Trần đi vượt biên năm 91, năm đó mới 09 tuổi. Từ nhỏ đã thích vẽ, nặn tượng, cho nên khi sang Mỹ, Vũ chọn học ngành Visual Art ở Minnesota. Năm 2005 ra trường. Năm 2006 về Cali làm việc cho đài SBTN cho đến ngày hôm nay.

Về đầu quân cho SBTN một thời gian, Vũ nói với nhạc sĩ Trúc Hồ rằng mình rất thích phong cảnh, lịch sử Việt Nam, và xin được thực hiện một bộ phim về lịch sử, địa lý Việt Nam. Đề nghị được chấp thuận, Vũ về Việt Nam để thực hiện bộ phim Hành Trình Xuyên VIệt vào năm 2008. Chuyến đi thâu hình của nhà dựng phim trẻ tuổi này giống như một chuyến đi du lịch của một anh chàng “Tây Ba Lô” hơn. Hành trình gọn nhẹ; di chuyển bằng mọi phương tiện xe lửa, xe đò, xe ôm, máy bay, tàu thủy; ăn bờ ngủ bụi… Vũ kể lại do ít kinh nghiệm, cho nên Vũ gặp một số khó khăn trên chuyến đi. Khi tự nghiên cứu bản đồ, chọn hành trình, Vũ không tưởng tượng hết những khó khăn trên những nẻo đường Việt Nam. Bởi vì đường xá Việt Nam đâu có tiêu chuẩn như kiểu Mỹ. Thí dụ như lúc ở miền Bắc, khi lên kế hoạch đi Tây Bắc, Vũ đâu có biết là đèo Fadin là một trong những ngọn đèo khó đi nhất của Việt Nam, đến tài xế chuyên nghiệp “còn phải run chân” nữa là… Vào đến miền Trung và miền Nam thì mọi chuyện mới dễ dàng hơn. Khi được hỏi thích địa danh nào nhất trên chuyến đi, Vũ trả lời rằng những chuyến ra đảo khơi. Vũ đi hầu như đầy đủ các hòn đảo của Việt Nam, chỉ trừ Hoàng Sa và Trường Sa thôi! Đảo Vĩnh Thực ở Quảng Ninh (sát biên giới Trung Quốc) thì người Hoa ở còn động hơn người Việt! Điểm đặc sắc của đảo có lẽ là người dân. Sống ở đảo tách khỏi đất liền, người dân đảo vẫn giữ được bản chất trung hậu, thật thà hiếm có. Ngày ngày ra khơi từ lúc 3-4 giờ sáng, chỉ lo cho tôm cá đầy thuyền đem về bán để sinh sống, rồi lại về với xóm chài, người ngư dân có một cuộc đời thật hiền hòa, dễ mến.

Theo Bước Chân Phật là cuộc phiêu lưu thứ nhì của Vũ Trần. Lần này kéo dài đến hai tháng, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2009. Hành trình đi qua 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giải thích về lý do chọn đề tài này, Vũ cho biết mình theo đạo của cha là dân Công Giáo, trong khi đó mẹ là người Phật Giáo. Tiếng gọi của tâm linh đã thúc đẩy Vũ thực hiện chuyến đi này để tìm hiểu thêm về Phật Giáo thông qua phương tiện là đi du lịch. Vì lý do đó, Vũ không quá đặt nặng về phần giáo lý, không dựng kịch bản dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử Phật Giáo, mà xem đó như là một chuyến du hành, thăm viếng những nơi có Phật tích. Tài liệu thu thập chủ yếu qua internet. Hành trình là những nơi mà Đạo Phật đã lan tỏa từ Ấn Độ ra các quốc gia Châu Á lân cận. Ai cũng biết là Đạo Phật truyền bá theo con đường Bắc Tông qua ngả Tây Tạng, sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn; còn con đường Nam Tông truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt… Việt Nam là một trong những nơi Phật Giáo có sự giao thoa rõ rệt giữa Nam và Bắc Tông. Chùa Bắc Tông có ở khắp ba miền, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung. Chùa Nam Tông có thể thấy nhiều ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long như Sóc Trăng, Châu Đốc, Trà Vinh… Vũ chọn điểm khởi hành là Việt Nam, từ cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tĩnh, từ đó thuận theo lộ trình mà đi tiếp. Vũ qua Vạn Tượng (Lào), đi xuống Xiêm Riệp để thăm Angkor (Cam Bốt). Sau đó ghé Bangkok, nơi xứ sở mà Đạo Phật là Quốc Giáo. Từ Thái Lan xin qua Miến Điện nhưng không được phép vì lý do bất ổn chính trị, Vũ đi thăm đảo quốc TÍch Lan rồi bay sang Indonesia. Thật là ngạc nhiên khi biết ở Indonesia có ngọn tháp Borobudur là một trong những tháp Phật giáo lớn nhất ở Châu Á. Ở cái xứ mà 90% người dân theo Hồi Giáo này, nghe nói Phật Tích này từng bị đe dọa phá sập!

Từ Indonesia, Vũ bay sang Hồng Kông để bắt đầu chuyến đi tìm hiểu Bắc Tông, rồi ghé Nhật Bản, Đại Hàn. Kế tiếp là Mông Cổ, nơi mà Phật Giáo chịu ảnh hưởng mạnh bởi Mật Tông. Tương truyền khi Phật Giáo Tây Tạng truyền bá và bám rễ mạnh mẽ tại đây, đã có vài đời Đạt Lai Lạt Ma là người Mông Cổ. Từ Mông Cổ Vũ sang Trung Hoa, ghé thăm chùa Tây An nơi mà Đường Tam Tạng bắt đầu chuyến Tây Du Ký lịch sử. Dĩ nhiên là không thể bỏ qua Thiếu Lâm Tự rồi, một địa danh nổi tiếng không chỉ vì Phật Giáo, mà còn qua… truyện chưởng của Kim Dung nữa. Vũ còn ghi lại được hình ảnh của Bạch Mã Tự, nơi mà hai vị cao tăng Ấn Độ sang Trung Hoa lần đầu tiên để dịch kinh Phật ra tiếng Hán. Từ Trung Quốc, Vũ xin visa để vào Tây Tạng, cái nôi của Mật Tông, quê hương của nền Phật Giáo có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa Âu Mỹ. Nghĩ mà thương cho dân tộc Tây Tạng, hơn 60 năm rồi dưới ách cai trị của Trung Quốc. Vũ cho biết việc đi thăm Tây Tạng rất khó khăn. Chính Quyền Trung Quốc chỉ cho phép anh đi lại ở Lalsa, thủ đô Tây Tạng. Thật là đáng buồn khi hầu hết các ngôi chùa lớn mà Vũ ghé thăm đều không có sư ở đó. Chùa giống như là một viện bảo tàng để du khách thăm viếng. Công an, quân đội Trung Quốc có mặt khắp nơi. Tuy nhiên, người dân Tây Tạng thì vẫn còn súng bái Đạo Phật lắm. Có những người đi hành hương cả năm mới tới Lalsa.

Từ Tây Tạng, Vũ bay sang Nepal, ghé thăm Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh. Tương truyền rằng nếu vua A Dục không dựng trụ đá đánh dấu nơi Đức Phật ra đời, thánh địa này đã có thể bị quên lãng trong quá khứ. Điểm đặc biệt ở Lâm Tì Ni là rất nhiều quốc gia đến xây Phật Quốc Tự. Việt Nam có tới hai ngôi chùa ở đây. Cuộc hành trình của Vũ kết thúc ở Ấn Độ, quê hương của Phật Giáo. Vũ ghi hình Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo dưới gốc cây bồ đề, và Kusinaga là nơi Đức Phật nhập niết bàn. Tận mắt chiêm ngưỡng được những địa danh này là ước mơ của biết bao nhiêu Phật tử!

Một hành trình dài và đơn độc như vậy, chỉ có những người có máu phiêu lưu mạo hiểm mới dám thực hiện. Vũ còn nhớ lại một kinh nghiệm khi mới đến Tây Tạng, nóc nhà của thế giới, người hướng dẫn khuyên nên nghỉ ngơi một ngày rồi hãy bắt đầu đi, nhưng anh không nghe vì muốn đi được nhiều chỗ. Kết quả là tối hôm đó, Vũ cảm thấy xây xẩm mặt mày, khát nước, khó thở đến muốn ngất xỉu. May mà Vũ cũng vượt qua được. Đó là do ở độ cao của Tây Tạng, không khí rất loãng. Đã có nhiều du khách chết vì hiện tượng cơ thể thiếu oxy đột ngột này!

Sau chuyến đi, ngoài cảm giác mãn nguyện đã hoàn thành một cuộc phiêu lưu, Vũ cảm giác mình tỉnh ngộ ra nhiều, thấy trí mình có sáng lên, tâm mình có lắng xuống. Cho dù không trang bị nhiều kiến thức về lịch sử Phật Giáo, Vũ thấy rõ chuyến đi cũng đã làm chuyển biến tâm linh của mình theo một chiều hướng tích cực. Chắc là Phật độ "

Vậy thì chuyến phiêu lưu kế tiếp của Vũ Trần sẽ là gì" Có thể là hành trình về với những thánh tích của Đức Ki Tô. Cũng có thể là trở lại với những con đường Việt Nam, nhưng với những chủ đề chọn lọc, sâu sắc hơn. Hãy chào đón Vũ Trần với những chuyến du hành của mình qua những bộ phim tài liệu sống động, qua những hình ảnh ghi lại trên khắp nẻo đường phiêu lãng…

Đoàn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.