Hôm nay,  

Tội Ác Bùi Đình Thi Tại Trại Tù Thanh Cẩm - Phần I

21/04/200100:00:00(Xem: 8008)
2 vụ án bi thảm trong trại tù Thanh Cẩm hay Một vấn đề của lương tâm

*

Theo tin tức của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện Sở Di Trú Hoa Kỳ đang tiến hành thủ tục trục xuất Ông Bùi Đình Thi, một cựu tù cải tạo, vì tội đã hợp tác với chính quyền Việt cộng, ngược đãi các bạn tù tại trại Thanh Cẩm trong những năm 1978 và 1979. Trong trại cải tạo, Thi đã đánh chết cựu dân biểu Đặng Văn Tiếp và ông Lâm Thành Văn, và đã tra tấn nhiều tù nhân khác như đại tá Trịnh Tiếu, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, ông Nguyễn Sỹ Thuyên và nhiều người khác. Nhiều nạn nhân sau này đã đi định cư Hoa Kỳ trong chương trình HO dành cho cựu tù cải tạo. Ông Thi cũng đã đến Hoa Kỳ cuối năm 1994 theo chương trình tị nạn này và hiện định cư ở Quận Cam.

Theo luật tị nạn quốc tế, những ai đã vi phạm nhân quyền của người khác thì không được hưởng quyền tị nạn. Chính phủ Hoa Kỳ đã không biết về việc làm của Ông Thi thời gian trong tù cải tạo khi chấp nhận cho ông nhập cảnh Hoa Kỳ. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều nhân chứng, tháng 12 năm 1999, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã cung cấp tài liệu, hình ảnh, và danh sách nhân chứng cho văn phòng Cố Vấn Pháp Lý của Sở Di Trú và yêu cầu tiến hành điều tra sự vụ. Hồ sơ sau đó được chuyển về Văn Phòng Di Trú tại Los Angeles để xử lý. Văn phòng này đã liên lạc với nhiều nhân chứng để phối kiểm và tuần qua đã được lệnh của văn phòng trung ương tiến hành thủ tục trục xuất. Bước đầu của thủ tục này là thu hồi thẻ xanh. Hồ sơ của ông Thi sẽ được đưa ra toà án di dân vào tháng 5 tới đây. Ngoài trường hợp của ông Thi ra, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đang quan tâm đến đường dây đánh tráo hồ sơ để gài cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo các chương trình tị nạn. Nếu bị phát hiện, những trường hợp này cũng sẽ bị thu hồi thẻ xanh hay quốc tịch Hoa Kỳ và bị trục xuất.

Việc gài cán bộ cộng sản qua con đường tỵ nạn là việc làm được chính phủ CS Hà Nội theo đuổi trong suốt nhiều thập niên không riêng với quốc gia Hoa Kỳ mà còn nhiều quốc gia khác trong đó có Úc Đại Lợi. Hy vọng, việc Bùi Đình Thi bị Mỹ trục xuất và sự quan tâm của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển tại Mỹ đối với các cán bộ cộng sản xâm nhập Hoa Kỳ theo chương trình tỵ nạn, sẽ là bài học qúy giá giúp cộng đồng người Việt tại Úc có những việc làm cầp thiết tương tự.

Sau đây, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy qúy độc giả bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một nạn nhân từng bị Bùi Đình Thi đánh đập vô cùng dã man, đồng thời là nhân chứng, chứng kiến Bùi Đình Thi giết chết thiếu tá dân biểu Đặng Văn Tiếp và ông Lâm Thành Văn tại trại cải tạo Thanh Cẩm, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã viết bài viết này từ năm 1995, và chúng tôi đã nhận được bài viết vào năm 1996. Thời điểm đó, sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy việc gợi lại một bi kịch thương tâm trong lòng độc giả là điều không cần thiết, nên đã không đăng tải. Nay, trước sự việc Bùi Đình Thi bị Mỹ trục xuất, chúng tôi thấy tội ác của Thi cần phải được bạch hóa để có thể đạt ba mục đích:

Thứ nhất, những ai trong quá khứ đã chứng kiến những tội ác của cộng sản, dù ít, dù nhiều đều có trách nhiệm làm sáng tỏ sự thưởng phạt của công lý.

Thứ hai, những người cộng sản đã gây tội ác, hoặc đang ở vị thế quyền lực có thể gây tội ác, hãy lấy Bùi Đình Thi làm gương. Thời đại hôm nay, cùng với những phát triển về khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí thế giới về tự do dân chủ gia tăng, và khả năng thực thi công lý có tính toàn cầu, chắc chắn những hành động độc tài, những tội ác phi nhân, cụ thể như Milosevic, Pinochet, Bùi Đình Thi... không sớm thì muộn đều phải đền tội. Lãnh tụ Nelson Mandela, khi trở thành tổng thống Cộng Hòa Nam Phi đã chấp thuận cho thành lập tòa án công lý, xét xử những cá nhân vi phạm những tội ác diệt chủng, đã tuyên bố: Một tội ác, dù xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất cứ giai đoạn nào, núp dưới bất cứ danh nghĩa nào, cũng vẫn là tội ác. Chỉ khi nào tội ác đó được xét xử và trừng phạt một cách quang minh, khi đó, kẻ phạm tội và người bị tội mới thực sự thoát khỏi những ràng buộc ân oán, hận thù truyền kiếp, và trật tự xã hội, phúc lợi của những thế hệ tương lai mới được bảo đảm.

Thứ ba, Bùi Đình Thi là người đã có những hành động tàn nhẫn, vi phạm nhân quyền, nhưng đã núp dưới danh nghĩa tỵ nạn chính trị, để được nhập cảnh Hoa Kỳ. Sự tỵ nạn thành công của Bùi Đình Thi trong thời gian qua đã khiến những người cộng sản Việt Nam hy vọng, tương lai, một khi tình hình chính trị tại VN có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, họ sẽ đào thoát khỏi VN, và xin tỵ nạn chính trị tại các quốc gia tự do trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người cộng sản nên hiểu, ngay cả trường hợp Bùi Đình Thi không phải là gián điệp cộng sản, tư cách tỵ nạn của Thi cũng bị bác bỏ. Bằng chứng, Thi đang bị chính phủ Mỹ trục xuất. Những người cộng sản nên nhớ, tỵ nạn chính trị là đặc quyền dành riêng cho những người vì lý do chính trị mà bị bạc đãi, bị hành hạ. Tuyệt nhiên không dành cho những kẻ như Milosevic, như Bùi Đình Thi, hoặc những người cộng sản có tội ác khác. Vì vậy, mọi mưu toan của cộng sản Việt Nam, coi "tỵ nạn chính trị" như là một giải pháp trốn tránh công lý một khi tình hình trị và xã hội tại Việt Nam có những biến chuyển bất lợi cho cộng sản, đều là ảo tưởng.

Sau đây, mời qúy độc giả theo dõi phần một bài viết của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ.

*

Trong suốt 17 năm qua, nhiều lần tôi định ngồi ghi lại một vụ sát nhân dã man đã làm nhiều người phải kinh ngạc, mà tôi vừa là một nhân chứng vừa là một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót. Nhưng mỗi lần cầm bút để ghi lại, tôi vẫn phân vân tự hỏi: Có ích lợi gì đâu việc khơi lại đống tro tàn của quá khứ" Việc ghi lại này sẽ có tác dụng như thế nào đối với thủ phạm, đối với các bạn tù, đối với thân nhân và những người quen biết tôi, đối với thân nhân và những người quen biết thủ phạm..., và cả đối với những người sẽ đọc câu chuyện này" Với tư cách là một linh mục, tôi có nên ghi lại những điều mà tôi biết sẽ gây nên những sự đau xót hay công phẫn nơi nhiều người hay không" Tuy nhiên, mỗi khi nhớ tới câu chuyện kinh hoàng này là tim tôi đau nhói như có ai đang rạch lại vết thương lòng tuy đã lâu năm nhưng còn rướm máu của tôi.

Sau nhiều năm tháng suy nghĩ và nói chuyện với nhiều người quen thân, tôi thấy đã đến lúc phải nói lên tất cả sự thật của vụ sát nhân đó để làm sáng tỏ những khúc mắc đang âm ỉ làm nhức nhối tâm hồn của nhiều người, trong số đó có tôi, và để rút ra một bài học cho những người vì những suy nghĩ nông nổi đã hành động bất chấp lương tri để mưu cầu những lợi ích thấp hèn. Đây là câu chuyện về vụ giết người thật dã man trong nhà tù CS mà thủ phạm không phải là cán bộ CS hay một can phạm hình sự, mà là một chiến hữu đã từng chiến đấu trong QLVNCH, sau đó là một người bạn tù trước khi trở thành kẻ sát hại người đồng cảnh ngộ như mình. Điều đau lòng hơn nữa đối với tôi, thủ phạm lại là một tín đồ Công giáo.

Khi phải ngồi viết lại những dòng này, lòng tôi đau đớn vô cùng. Tôi dùng chữ "phải ngồi viết lại" vì trước đây tôi đã cố chôn vùi câu chuyện kinh hoàng này vào dĩ vãng. Tôi nghĩ rằng người chết thì đã chết rồi, còn thủ phạm thì ung dung sống dưới sự che chở của chế độ CS, nên viết lại cũng chẳng ích lợi gì. Nay thủ phạm đã được đến Hoa Kỳ theo chương trình HO và hiện đang sống ung dung tại một đất nước tự do, ở ngay bên cạnh những nạn nhân của mình, những người thân yêu của nạn nhân và những đồng bào đã phải bỏ nước ra đi để thoát khỏi chế độ bạo tàn của CS. Sự có mặt của thủ phạm đã khơi lại nỗi đau đớn cho nhiều người, trong đó có tôi. Nhiều anh em bạn tù đã thúc giục tôi phải nói lên sự thật để xác định một thái độ, dù đó là một thái độ bao dung, vì đây là vấn đề của lương tâm.

Thủ phạm là Bùi Đình Thi, một cựu Đại úy của QLVNCH. Khi được chuyển đến trại Thanh Cẩm, một trại nằm sát biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bùi Đình Thi đã lập nhiều "công trạng" với ban giám thị trại nên đã được ban giám thị cho giữ chức Trật Tự, một chức có nhiệm vụ canh chừng và theo dõi mọi hoạt động của các tù nhân trong trại. Với trách vụ này, Bùi Đình Thi đã không từ chối bất cứ hành động nào, kể cả đánh đập và giết chết người đồng cảnh, để lấy lòng Công an VC với hy vọng được về sớm. Nạn nhân của Bùi Đình Thi rất nhiều, trong đó có một cựu Thiếu tá phi công và là Dân Biểu của VNCH ngày trước. Anh đã bị đánh đập dã man cho đến chết. Một nạn nhân khác là một bạn tù thuộc tổ chức Phục Quốc đã bị đánh đập và bỏ cho chết đói. Và rất nhiều nạn nhân khác, trong đó có một số linh mục, đã bị đánh đập và hành hạ bằng đủ mọi hình thức. Bùi Đình Thi và gia đình mới được đến định cư tại Hoa Kỳ theo danh sách HO trong vòng 2 năm nay (vào thời điểm 1995).

Trong chuyến đi Âu Châu tháng 7/1995, tôi có ghé qua California một thời gian để thăm các bạn bè, đa số là các bạn cựu tù nhân chính trị và những người tôi quen biết khi tôi phục vụ trong trại tị nạn tại Thái Lan. Các bạn cựu tù thuộc trại Thanh Cẩm khi vừa gặp tôi, ai cũng hỏi: "Cha đã gặp Bùi Đình Thi chưa" Bùi Đình Thi hiện ở Santa Ana". Từ đó Bùi Đình Thi trở thành đề tài chính trong các câu chuyện giữa các anh em cựu tù nhân chính trị chúng tôi. Sau đó, tôi sang Pháp và một số nước Âu Châu. Tại đây, tôi có dịp gặp một số anh em cựu tù nhân chính trị, họ cũng lôi Bùi Đình Thi ra làm đề tài khi nói chuyện, mặc dầu có người không hề ở chung trại Thanh Cẩm với tôi. Trên đường về Tân Tây Lan vào trung tuần tháng 8/95, tôi có ghé lại Orange County một lần nữa. Trong lần thăm viếng anh em này, tôi đã có dịp nói chuyện với Bùi Đình Thi qua điện thoại. Thành thật mà nói, với tâm tình và cuộc sống đời linh mục của tôi, trong thâm tâm tôi đã tha thứ cho Bùi Đình Thi. Nhưng những hậu quả mà Bùi Đình Thi đã gây ra khi còn ở trong trại Thanh Cẩm vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Tôi và một số anh em vẫn nghĩ rằng tôi có trách nhiệm phải tường thuật mọi chuyện đã xảy ra để giúp Bùi Đình Thi có sự sám hối thật sự ở trong lòng, và những người khác khi ở vào hoàn cảnh của Bùi Đình Thi, đừng vì những suy nghĩ nông cạn mà gây đau khổ cho đồng loại. Trước hết tôi muốn dùng những hàng chữ này như một nén hương lòng thắp lên trước bàn thờ 2 anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn, 2 nạn nhân đã bị Bùi Đình Thi sát hại, để cầu cho vong linh 2 anh được nhẹ nhàng nơi thế giới bên kia, nơi mà tôi nghĩ rằng không còn có hận thù hay khổ ải như cái địa ngục trần gian Thanh Cẩm mà chúng tôi đã một thời phải sống ở đó. Tiếp đến, qua bài này, tôi xin gởi đến những anh em tù nhân đã từng bị Bùi Đình Thi hành hạ, đánh đập như tôi để chia xẻ những tổn thương mà chúng ta phải gánh chịu trong suốt cả cuộc đời còn lại. Tôi cũng xin gởi đến thân nhân của các nạn nhân lời phân ưu của chúng tôi về những đau thương mà quí vị phải gánh chịu qua cái chết tức tưởi của người thân. Tôi cũng hy vọng rằng câu chuyện này sẽ góp phần vào việc làm đồng bào và thế giới biết rõ hơn cái gọi là "trại cải tạo" của CS và những phương thức bạo tàn mà CS đã xử dụng để xây dựng và củng cố quyền bính. Tôi ước mong rằng bài hồi ký này sẽ được ghép vào phần cuối của các hồi ký về trại cải tạo mà các anh em cựu tù nhân chính trị đã và đang viết ra.

Chức vụ trật tự

Như tôi đã trìng bày ở trên, Bùi Đình Thi, một tù nhân chính trị, đã lập được nhiều "công trạng" để VC tin tưởng và cho giữ chức Trật Tự ở trong trại tù Thanh Cẩm, và đã lợi dụng chức vụ đó để tiếp tục lập công bằng cách hành hạ, đánh đập và hạ sát các người tù đồng cảnh. Do đó, trước tiên tôi xin trình bày qua vài dòng về chức Trật Tự ở trong một trại tù CS.

Các trại tù do Công an quản lý thường được tổ chức như sau: Đứng đầu trại là một Ban Giám Thị gồm Trại trưởng, Trại phó và các Ban, Ngành lo về các phần vụ chuyên môn như Ban Giáo Dục, Ban An Ninh, Ban Hồ Sơ... Những người bị giam giữ được phân thành từng đội, mỗi đội do một tù nhân làm Đội trưởng và một cán bộ quản giáo trông coi. Đội trưởng do Ban Giám Thị trại chỉ định theo đề nghị của Ban An Ninh. Mỗi khi các tù nhân được di chuyển ra khỏi trại, như đi lao động sản xuất chẳng hạn, phải có 1 hoặc 2 cán bộ võ trang vác súng dài đi theo canh giữ. Ban đêm, các cán bộ võ trang này thay nhau tuần tra trong và ngoài vòng rào của trại để ngăn ngừa tù nhân trốn trại. Trực tiếp lo về sinh hoạt và đời sống của tù nhân có Ban Trưc Trại, đứng đầu là một cán bộ trực trại. Để điều hành công việc trong trại, cán bộ trực trại thường chọn một số tù nhân được trại tín nhiệm để phụ trách các công tác trật tự, y tá, văn hóa, thi đua, v.v... Những người phụ trách các công tác này cũng do Ban Giám Thị chỉ định theo đề nghị của Ban An Ninh và Ban Trực Trại. Trong các công tác nói trên, công tác trật tự được coi là quan trọng nhất, do một Trật Tự điều hành. Anh này có quyền hành nhất trong trại, chỉ sau cán bộ CS mà thôi. Muốn làm chức Trật Tự phải có nhiều công trạng với trại, được trại tín nhiệm, và cũng phải có sức mạnh. Ngoài nhiệm vụ trông coi trật tự trong trại, Trật Tự còn phụ giúp cán bộ trực trại trong coi khu kiên giam, như khoá còng các còng các tù nhân bị kỷ luật vào buổi tối và tháo ra vào buổi sáng. Những tù nhân được coi là nguy hiểm, bị cùm cả ngày lẫn đêm, có khi hết tháng này đến tháng khác, năm nọ sang năm kia. Trật tự cũng có nhiệm vụ gánh khẩu phần cho các tù nhân bị kiên giam mỗi ngày 2 lần, đi diểm danh với cán bộ trực trại mỗi buổi tối và khóa cửa buồng, mở cửa các buồng vào buổi sáng, v.v... Trật tự còn được giao cho nhiều công tác linh tinh khác. Mỗi lần Trật tự lên làm công tác trên khu kiên giam thường có cán bộ đi theo. Cũng có những người tuy không có "công trạng" nhiều đối với trại, nhưng nhờ đút lót tiền của cho cán bộ trực trại và cán bộ an ninh nên được cho làm Trật Tự, vì làm Trật Tự không phải đi lao động vất vả như các tù nhân khác và được tự do hơn.

Tôi đã sống qua nhiều trại, kể cả những trại do một phạm nhân hình sự làm Trật Tự, tôi thấy đa số các anh Trật Tự chỉ là nhiệm vụ mà Ban Trực Trại giao phó, có khi còn lợi dụng chức vụ này để giúp đỡ anh em đồng cảnh như anh Nguyễn Văn Bảy (thường được gọi là Bảy Chà) ở trại Thanh Cẩm chẳng hạn. Có những anh tù hình sự làm Trật Tự thường hống hách đối với cá tù nhân hình sự, nhưng ít khi đối xử tệ các anh em tù nhân chính trị. Cũng có những anh lợi dụng chức vụ Ban Trực Trại giao phó để sách nhiễu, chửi bới hay đánh đập anh em, nhưng hung bạo và tàn ác như Bùi Đình Thi chỉ là trường hợp họa hiếm.

Trại tù Thanh Cẩm

Đầu tháng 8/1978, khi chiến tranh biên giới giữa VN và Trung Quốc sắp sửa bùng nổ, nhóm tử tù "48 Quyết Tiến" chúng tôi được di tản khỏi trại trừng giới Quyết Tiến, thường được gọi bằng biệt danh là trại "Cổng Trời", và đến trại Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh Hoá, vì trại "Cổng Trời" nằm ở tỉnh Hà Tuyên, chỉ cách biên giới Trung Quốc có 10 km đường chim bay. Sở dĩ trại này có cái tên là trại "Cổng Trời" vì 2 lý do. Lý do thứ nhất là không mấy khi tù nhân bị đày lên trại này còn có ngày trở về. Họ thường đến đây để chờ ngày đi qua thế giới bên kia. Lý do thứ hai là trại này nằm ở độ cao hơn 2000m trên mặt biển (cao gần đụng Trời), ở đó quanh năm giá rét, mây mù che phủ, đất trời âm u, chẳng khác gì cảnh âm ty địa ngục. "Cổng Trời" là nơi VC dành riêng cho các tử tội. Có không biết bao nhiêu thành phần phản kháng chế độ CS bị chết ở đây, như linh mục Nguyễn Văn Vinh thuộc nhà thờ chánh tòa Hà Nội chẳng hạn. Chỉ sau một thời gian bị giam ở đó, chúng tôi đã thấy bóng Thần Chết lảng vảng một bên. Các linh mục già yếu càng thấy rõ hơn. Vì bị đặt vào một hoàn cảnh bi thảm như thế, nên ngày được vui mừng và sung sướng nhất trong suốt 13 năm tù tội của tôi lại là ngày được di chuyển ra khỏi trại Quyết Tiến "Cổng Trời" vào đầu tháng 8/78, sau đó mới đến ngày tôi được tuyên bố tha ra khỏi trại vào cuối năm 1988. Việc Trung Quốc chuẩn bị tấn công vào vùng biên giới Việt Bắc được coi là một cơ hội may mắn đối với các tù nhân được đưa đến lưu đày tại trại này, vì chính nhờ cơ hội đó, chúng tôi mới được chuyển về miền xuôi và nhờ vậy một số anh em chúng tôi còn được sống sót đến ngày hôm nay.

Sau 2 ngày đi đường thật vất vả, chiều tối hôm ấy, dưới cơn mưa tầm tã, nhóm 48 người chúng tôi lang thang lếch thếch, tay xách nách mang, bước vào cổng trại Thanh Cẩm, một nơi hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, nằm sâu trong vùng rừng núi của huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Chưa biết những gì đang chờ đợi trước mắt, nhưng anh em chúng tôi bảo nhau: "Bất cứ điều gì sẽ xảy ra, ở đây cũng còn tốt hơn Cổng Trời!" Vừa vào cổng trại, đang tiến tới một hội trường bằng tre lợp tranh ở giữa sân trại, một cảnh tượng lạ lùng đã đập vào mắt làm tất cả chúng tôi phải ngạc nhiên và vẫn còn nhớ mãi cho đến ngày hôm nay, đó là hình ảnh cán bộ trực trại, chân mang ủng cao gần tới đầu gối, 2 ống quần kaki vàng của Công an xắn một cách vô trật tự lên tới bẹn, để lộ một khúc đùi từ đầu gối trở lên, đen đen mốc mốc. Con người của anh ta trông bẩn thỉu và bèo nhèo như một cái nùi giẻ, loại nùi giẻ của thợ máy xe; "cái nùi giẻ" đó đang say rượu, chân nam đá chân chiêu, tay cầm một cây trúc cao quá đầu, vừa quơ lung tung vừa quát tháo ầm ĩ, như muốn dằn mặt "bọn lính" mới chúng tôi. Nhìn anh cán bộ Thượng úy trực trại này tôi liên tưởng đến một bức tranh biếm họa vẽ hình Táo quân, một Táo quân đang say rượu. Hai anh tù mặc đồng phục màu xanh đang lăng xăng chạy trước mặt và chung quanh chúng tôi, múa tay chỉ trỏ để lùa chúng tôi vào chỗ chỉ định. Chúng tôi biết ngay đây là 2 anh Trật Tự, vì khi từ trại Nam Hà đến trại "Cổng Trời" vào ngày Giáng Sinh năm 1977, chúng tôi cũng thấy có một anh tù hình sự làm Trật Tự giúp cán bộ khám xét nhóm 20 anh em chúng tôi như vậy. Nhưng anh Trật Tự ở trại "Cổng Trời" làm việc từ tốn và chậm rãi, chứ không có lăng xăng như 2 anh này.

Nhìn 2 anh Trật Tự, chúng tôi thấy 1 anh độ ngoài 40 tuổi, trông có vẽ lầm lì ít nói. Anh kia trẻ hơn, khoảng chừng 30 tuổi, mập tròn béo tốt, da mặt bóng láng, chân hơi bị tật. Anh ta mập đến nỗi mông tròn và căng lên dưới lớp quần xanh của tù trông như đàn bà, khác hẳn với những thân hình xanh xao và gầy còm của nhóm anh em chúng tôi vừa mới nhập trại. Anh này đang cố gắng làm mặt "ngầu" để thị uy bọn "lính mới" chúng tôi. Miệng anh lúc nào cũng la hét, tay anh chỉ hết bên nọ đến bên kia, nhưng không bao giờ nhìn thẳng vào mặt ai trong bọn chúng tôi. Nhóm chúng tôi di chuyển rời rạc, vì những người còn trẻ đi nhanh tới chỗ tập trung ngay, còn những người ốm yếu bệnh tật lò mò theo sau. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Sỹ Thuyên gần kiệt sức, vừa tới nơi tập trung đã vất phịch cái bao áo quần và chăn màn bẩn thỉu xuống nền hội trường, rồi nằm ngửa người trên đó. Tôi cũng quá mệt nên tới ngồi cạnh bên anh. Sau một lúc, anh Thuyên lấy lại được sức và dùng cùi chỏ thúc nhẹ vào tôi, hất mắt hướng về tên cán bộ trực trại, rồi nói nhỏ: "Mẹ ! Cái thằng trông như ở lỗ cống mới móc lên !". Tôi chưa kịp ra dấu phát biểu đồng tình thì giật mình vì một giọng quát từ sau lưng: "2 anh này không lo thu xếp dồ đạc, còn ngồi nói chuyện chi đây" Bộ muốn chống đối hả"" Tôi quay lại nhìn thì chạm ngay cặp mắt trắng dã của tên Trật Tự trẻ mà từ lúc đầu tôi đã gườm hắn. Tôi đứng dậy bỏ đi vì biết rằng đây không phải là chỗ tốt để bày tỏ một thái độ nào khác. Tôi vừa đi vừa nghĩ bụng là mình phải cẩn thận với tên này.

Tất cả chúng tôi đã bị nhốt lên khu kiên giam ngay chiều hôm sau. Khu kiên giam gồm những căn nhà xây cất rất kiên cố, được chia ra nhiều phòng nhỏ, dùng để giam các tù nhân bị coi là nguy hiểm hay bị trừng phạt vì kỷ luật. Có những tù nhân phải bị còng chân ban đêm hay suốt cả đêm ngày. Tất cả 48 anh em chúng tôi đều được xếp vào loại nguy hiểm, nên bị đưa lên giam ở đây. Hàng ngày chúng tôi không được đưa đi lao động, không được liên lạc với các tù nhân khác bên ngoài. Thông thường, 2 tuần một lần, những người ở nhà kiên giam được di tắm giặt dưới sông trước mặt trại giam một lần và bị canh gác rất cẩn thận.

Tuy bị đưa vào giam ở nhà kiên giam, nhưng nhờ một số tù nhân cũ đang bị giam tại đây, chỉ độ vài ngày sau chúng tôi đã nắm vững vị trí của trại và tình hình trong trại này. Trại Thanh Cẩm lúc đó được chia làm hai K (Khu), chúng tôi đang ở K1 gồm toàn tù nhân chính trị miền Nam khoảng 400 người, đa số là các cựu viên chức hành chánh của chế độ miền Nam cũ và một số anh em thuộc tổ chức Phục Quốc hay vượt biên bị bắt. Không có thành phần cựu quân nhân. K2 nằm cách K1 khoảng 3 km, được dùng để giam tù hình sự.

Một số anh em tù nhân chính trị đã kể lại cho chúng tôi biết, khi họ từ trại Long Thành đến đây vào tháng 12/76, trại này có đến 3 K. K1 là phân trại mà chúng tôi đang bị giam, gồm một nửa là tù chính trị miền Nam và một nửa là tù hình sự. Phân trại này trước đây là nhà tranh, có hàng rào bằng tre nhiều lớp bọc xung quanh, dùng dể giam tù hình sự. Sau khi chiếm được miền Nam, Bộ Nội Vụ ra lệnh xây cất gấp những căn nhà gạch và một vòng tường kiên cố để đón các tù chính trị miền Nam, vì tù chính trị miền Nam được coi là thành phần nguy hiểm, phải canh giữ rất cẩn thận, không cho liên hệ với bên ngoài. Khi các anh em từ trại Long Thành ở trong Nam được chuyển ra đây thì phía bên phải của trại đã có 4 căn nhà ngói, còn bên trái 3 căn nhà tranh, và một căn nhà kiên giam xây bằng đá tối om, có lỗ thông hơi rất nhỏ, được dùng dể giam những người Việt gốc Trung Hoa bị coi là gián điệp của Trung Quốc và những người bị kỷ luật. Chúng tôi thường gọi nhà kiên giam này là Nhà Đen. Khu kiên giam mà chúng tôi đang bị giam là khu mới xây cất để đón chúng tôi.

Trật Tự Bùi Đình Thi

Vào một buổi chiều, sau một cơn mưa, nước đọng thành vũng chung quanh khu nhà kiên giam, cũng được gọi là nhà vì có mái bằng, anh em chúng tôi đang ngồi bó gối trong buồng nhìn ra cửa sổ nói chuyện trên trời dưới đất như thường lệ cho qua thời giờ, bỗng nghe tiếng chìa khóa lách cách bên ngoài. Việc cửa khu kiên giam được mở vào giờ bất thường như thế này bắt buộc chúng tôi phải theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy một anh tù lạ mặt vác cuốc bước vào sân. Chúng tôi đoán với nhau rằng anh này là anh Trật Tự mới.

Chúng tôi đoán như vậy vì không một anh tù nào được vào khu vực này, trừ ra các anh có chức vụ như Trật Tự, văn hóa và y tá. Việc thay đổi một anh Trật Tự có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng tôi, nên tất cả 5 người trong phòng tôi đều dí mặt vào song cửa để quan sát. Anh tù lạ mặt này tướng tá coi bộ cao ráo, gân guốc, mạnh mẽ. Anh ta đang đào rãnh khai thông vũng nước mưa đọng ngay bên ngoài cửa sổ buồng chúng tôi (buồng 1). Anh vung những nhát cuốc trông thật "chất lượng" và thành thạo. Lúc anh quay mặt vào buồng chúng tôi, tôi quan sát kỹ lưỡng hơn. Anh ta khoảng 40 tuổi, tay chân dài lều khều, cái tướng mà người Nam chúng tôi thường gọi là "chân chòi củ loi". Mặt anh ta hơi dài, tóc thưa, cặp mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Điểm đặc biệt nhất nơi anh là cái miệng. Tôi không biết tướng số nên không biết diễn tả như thế nào, chỉ biết là có một cái gì không ổn nơi cái miệng đó. Đôi môi hình như chưa được cấu tạo đầy đủ. Môi trên và môi dưới không giáp mí nhau, đúg ra không phải là cái môi theo nghĩa thông thường mà là 2 mảng thịt mỏng lúc nào cũng nhơm nhớp nước bọt. Thỉnh thoảng anh ta ngoái lưỡi liếm nước bọt bám ở 2 bên mép. Anh mặc bộ đồng phục màu xanh của tù, cạp quần 2 bên hông được lận lên cao, chân mang dép râu. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi sau vài giây phút quan sát là tên này không phải là một tay vừa. Nếu quả thật anh ta được cử làm Trật Tự thì không dễ thở đâu. Anh ta có một cái gì khác với cả Phạm Đình Thăng lẫn Trương Văn Phát. Một "cái gì khác" đó có lẽ không hứa hẹn "một tương lai sáng sủa" nào cho anh em tù kiên giam chúng tôi.

Từ bên trong song sắt cửa sổ chúng tôi cố gợi chuyện với anh ta. Rõ ràng là anh không muốn trả lời, nhưng nhiều người hỏi quá buộc lòng phải trả lời vài câu, nhưng theo lối đáp nhát gừng. Sau một cuôc phỏng vấn chớp nhoáng và được trả lời một cách miễn cưỡng, chúng tôi được biết anh ta từ trại quân đội mới được chuyển về đây ít lâu và vừa được trại cử làm Trật Tự thay cho Phạm Đình Thăng đã được về. Anh ta là một người công giáo, ở xứ Gia Cốc, Hố Nai, gốc Địa phận Hải Phòng. Nghe tới 2 tiếng Hải Phòng, cha Chu Văn Oanh, một linh mục lớn tuổi trong buồng tôi mừng rỡ:

- Anh gốc Điạ phận Hải Phòng hả" Tôi cũng Hải Phòng nè, thế anh có biết cha nào gốc Hải Phòng không"

- Cha Bình.

Cha Oanh vội rước lời:

- Cha Bình làm Quản lý của Địa phận Hải Phòng, bây giờ thuộc Giáo phận Long Xuyên chứ gì"

- Đúng rồi.

Cha Oanh hớn hở:

- Cha Bình là bạn thân của tôi, 2 người thân nhau lắm.

Thinh lặng một lúc khá lâu như để lựa lời, một lúc sau anh nói ngắn gọn:

- Cha Bình là chú tôi.

Cha Oanh vui mừng ra mặt:

- Thế thì may quá, không ngờ được gặp cháu cha Bình ở đây. Nếu anh có viết thư nói tôi là cha Oanh, không, phải nói cha Oánh, vì lúc bấy giờ tên tôi là Oánh, gửi lời hỏi thăm người nhé. Thế anh tên là gì nhỉ"

- Thi

- Cái gì Thi"

Anh ta ngập ngừng tỏ vẻ hơi khó chịu trước cái cách "thấy sang bắt quàng làm họ" một cách quá lộ liễu của ông linh mục già này, nhưng cũng đáp gọn:

- Bùi Đình Thi

Tôi cũng có chút hơi ngượng trước thái độ cầu thân thái quá của cha Oanh, nhưng trong lòng cũng mừng thầm vì từ nay có một người công giáo làm Trật Tự, anh ta lại có chú làm linh mục bạn của cha Oanh, chắc từ nay cảnh sống kiên giam sẽ đỡ hơn, không như tên Phát "vô đạo", hỗn láo, đối xử với chúng tôi thật chẳng ra gì. Ngon đà, cha Oanh còn hỏi thêm mấy câu nữa nhưng anh ta vác cuốc bỏ đi nơi khác làm cha Oanh hơi cụt hứng.

Khi Bùi Đình Thi đi rồi, bầu không khí trong buồng chúng tôi trở nên vui vẻ lạ thường. Chúng tôi gọi sang các buồng khác để báo tin vui, vì 4 buồng kiên giam sát vách nhau nên tin tức gì một buồng biết là các buồng kia đều biết. Sau khi nghe chúng tôi thông báo về lai lịch của anh Trật Tự mới, anh em các buồng kia cũng phấn khởi và nghĩ là phen này tù kiên giam chắc sẽ dễ thở hơn. Từ mấy tháng qua, tên Phát làm mưa làm gió nên anh em chúng tôi cảm thấy cuộc sống trong tù vốn đã khổ lại càng khổ hơn. Trong buồng tôi, cha Oanh vui vẻ ra mặt, cười nói liên hồi như vừa lập được chiến công lẫy lừng, luôn miệng lập đi lập lại câu nói: "Chuyến này thì ăn thua rồi! Chuyến này thì ăn thua rồi!" Oanh đang vui vẻ nói năng, tự nhiên tôi đâm ra tự trách mình đã nhận xét không tốt về anh Bùi Đình Thi lúc nãy. Mới trông qua bộ mặt anh ta, tôi thấy có vẻ hắc ám, nhất là cái miệng trông thấy ghê sợ..., nhưng biết đâu chừng anh là người tốt, anh là một con chiên, là một giáo hữu, dân "Bắc Kỳ Hố Nai", nơi giáo dân nổi tiếng ngoan đạo. Anh ta lại là cháu của một linh mục bạn của cha Oanh, dù gì chắc cũng không đến nỗi tệ.

Đọc tới đây chắc có bạn thắc mắc tại sao lúc bấy giờ anh em kiên giam chúng tôi lại quá bận tâm về một anh tù làm Trật Tự như vậy. Xin nói ngay vì sau cán bộ, Trật Tự là người nắm giữ quyền hành trong khu vực này. Thông thường, đến giờ điểm danh hay phát khẩu phần cho khu kiên giam, cán bộ cùng đi với Trật Tư, vì Trật Tự cũng là tù nên không được hoàn toàn tin tưởng. Nhưng phát cho ai bao nhiêu, phát nhiều hay phát ít, cán bộ không hề hay biết. Trật Tự trù ai bằng cách bớt phần ăn thì người đó khốn khổ ngay. Chính vì cái quyền này, Bùi Đình Thi đã để anh Lâm Thành Văn chết đói mà chúng tôi sẽ kể dưới đây. Ngoài ra, nếu Trật Tự dễ dàng một chút, khi làm vệ sinh và lãnh khẩu phần, anh em sẽ được thoải mái hơn, có chút thời giờ trò chuyện hay thở không khí trong lành một chút. Trật Tự gắt gao thì chúng tôi làm không kịp thở. Nói một cách tổng quát, cuộc sống của nhà kiên giam và kỷ luật tùy thuộc khá nhiều vào anh Trật Tự, anh dễ dàng thì dễ thở, anh ta khó khăn thì khốn khổ. Cán bộ chỉ nghe lời Trật Tự chớ không nghe lời tù kiên giam. Xin các bạn hãy kiên nhẫn, đọc hết bài này các bạn sẽ thấy vai trò của Trật Tự quan trọng thế nào.

Giờ cho ăn chiều hôm đó, ngoài cán bộ và Phát còn có thêm anh Trật Tự mới là Bùi Đình Thi. Cửa mở, chúng tôi ra ngoài lo các việc vệ sinh như thường lệ. Cha Oanh vì lớn tuổi nên không phải làm gì, ngài ra sân quơ tay đá chân mấy cái xong vui vẻ bước lại chỗ Bùi Đình Thi đang ngồi chia thức ăn gạ chuyện. Không biết 2 người đã nói những chuyện gì, có lẽ cha Oanh muốn nối tiếp câu chuyện còn dở dang lúc nãy. Bất ngờ chúng tôi nghe Bùi Đình Thi gắt lên thật to và dứt khoát: "Đi vào buồng, đừng hỏi lôi thôi". Tội nghiệp cho cha Oanh, không kịp có phản ứng vì "cháu người bạn thân" có thái dộ quá bất ngờ, miệng ngài há hốc có vẻ sửng sốt, rồi cúi đầu lủi thủi vô buồng. Câu nói đó của Bùi Đình Thi cũng làm tan biến hy vọng của chúng tôi. Trong lúc ngồi ăn, tôi nghĩ rằng nhận xét ban đầu của tôi về Bùi Đình Thi có lẽ đúng, mặc dù lúc nào tôi cũng mong là mình đã lầm.

Mấy ngày tiếp theo sau, có mấy anh em dưới "làng" mới bị đưa lên kiên giam cho biết Bùi Đình Thi đã từng là một hung thần khi làm Trật Tự ở trại cũ, có người còn nói anh ta đã có lần tuyên bố thẳng thừng: "Tôi sẵn sàng bước qua xác chết của bất cứ ai vì hạnh phúc của vợ con tôi". Có thật anh ta đã nói câu đó hay một câu nào khác có ý tương tợ như thế hay không, tôi không biết, nhưng qua cách anh ta đối xử với chúng tôi trong thời gian sau đó, tôi nghĩ là họ nói đúng, hoặc có sai thì cũng không sai bao nhiêu.

Bùi Đình Thi làm Trật Tự vào khoảng 1979. Càng ngày anh ta càng trở nên hung ác hơn, một phần là do bản chất, phần khác muốn tỏ ra là một đầy tớ trung thành và tận tụy của VC để mua cho được 2 chữ "tiến bộ" mong được về sớm, mà cách tiến bộ nhanh nhất là phản bội anh em để tỏ ra mình đã thuộc về chế độ mới. Nhắc tới trung thành và tận tụy, tôi còn nhớ một hình ảnh trông thật khó coi.

Mỗi chiều nghe tiếng kẻng, các đội phải xếp hàng chờ điểm danh vào buồng. Dưới "làng" được điểm danh trước, kiên giam và kỷ luật sau. Trong các khu kiên giam, tất cả chúng tôi đang ở trong buồng, nên chỉ phải ngồi ngay ngắn trên bệ nằm đợi cán bộ tới phiên điểm danh. Bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng khua rỏng rẻng của các xâu chìa khóa và 2 anh Trật Tự Thi - Phát chạy vụt vào sân, lục soát các ngõ ngách. Cán bộ trực trại theo sau, tay cầm gậy khua lung tung, la hét chỉ chỏ, y như cảnh người thợ săn đang xua cặp chó săn chạy sục sạo đánh hơi tìm con mồi. Lúc ở các trại khác cũng như trại "Cổng Trời", chúng tôi đều thấy có cán bộ và Trật Tự đi điểm danh như thế, nhưng tôi chưa hề thấy có anh Trật Tự nào, kể cả các anh hình sự, chạy nháo nhác trước mặt chủ như thế bao giờ.

Khi Bùi Đình Thi được đưa lên làm Trật Tự, Trương Văn Phát vẫn được làm phụ tá. 2 tên này khi đi cặp với nhau đã gây không biết bao nhiêu kinh hoàng cho anh em chúng tôi. 4 chữ "thằng Thi thằng Phát" trở thành cách gọi quen thuộc trong trại tù Thanh Cẩm để biểu thị cho một thứ gì vừa đáng sợ vừa đáng kinh tởm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.