Hôm nay,  

Đọc Sách Mới: Bản Dịch Việt Ngữ Từ Nguyên Tác “the Chau Trial” Của Tác Giả Elizabeth Pond (iii)

14/03/201100:00:00(Xem: 7920)

Đọc Sách Mới: Bản dịch Việt ngữ từ nguyên tác "The Chau Trial" của tác giả Elizabeth Pond (III)

cIa, Tổng thống Thiệu và Trần Ngọc Châu

Tác giả

Elizabeth Pond

Là một tác giả và diễn giả danh tiếng chuyên về các vấn đề quốc tế, tên tuổi Elizabeth Pond (hình bên) được nể trọng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, trong cả hai lãnh vực báo chí và hàn lâm. Ngoài công việc giảng dạy tại các đại học Đức và Mỹø, bà còn là thành viên nhiều hội đồng tham vấùn và viện nghiên cứu chiến lược quốc tế như: The Council on Foreign Relations, the German Council on Foreign Relations, the International Institute for Strategic Studies, the US Institute of Peace... và là tác giả của 11 cuốn sách có nội dung đã đụng tới các vấn đề nóng bỏng nhất tại nhiều khu vực của thế giới như bức tường Bá Linh, Chính sách Mỹ đối với nước Đức; Biến động vùng Balcans; Nhận thức về nước Nga; Sự tái sinh của Âu châu... 

Sự nghiệp của Elizabeth Pond bắt đầu bằng "The Chau Trial". Đúng 40 năm trước đây, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, người Mỹ tìm mọi cách thu xếp để rút quân khỏi cuộc chiến. Đây là lúc Elizabeth Pond quyết định viết về khúc quanh của chiến tranh Việt Nam. Với sự tài trợ của giải thưởng báo chí "The Alicia Patterson Foundation" cô phái viên của The Christian Science Monitor xin nghỉ giả hạn luôn nửa năm để ở lại Saigon theo dõi tại chỗ. Và "The Chau Trial" trở thành tác phẩm đầu tay của Elizabeth Pond, với kết luận "Đây là bước khởi đầu sự sụp đổ của ông Thiệu."

Cho tới nay, 40 năm sau "Vụ án Trần Ngọc Châu", tác giả và nhân vật chính trong vụ án - Pond và Châu- vẫn chưa hề gặp nhau. Sau đây là bản dịch Việt ngữ "Vụ Án Trần Ngọc Châu" do THANH NGUYỄN và HOÀNG NGỌC TRÁC chuyển ngữ từ nguyên tác "The Chau Trial", với những tiểu tựa do toà báo đặt thêm.

Phần Một: Mở

(III) Tại Trung tâm Huấn luyện Bình định Nông thôn ở Vũng Tàu chẳng mấy chốc mà ông Châu lại rơi vào một cơn bão tố mới.

Do việc viên Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện trước đó chẳng có mấy đêm ngủ lại ở Trung tâm nên đã có một phe nhóm chính trị âm thầm sử dụng chương trình bình định nông thôn để tổ chức người vào một đảng chính trị, với đầy đủ các tổ tam tam chế cùng lúc với các lớp huấn luyện bí mật về khuya. 

Khi ông Châu lần ra dấu vết của phe nhóm chính trị đó, một cánh miền Nam của đảng Đại Việt (thoạt kỳ thủy là một trong các đảng phái quốc gia tại Việt Nam) ông ta lại phải đối phó với một tình thế nan giải. Ông ta hết sức tán thành mục tiêu nhắm đến việc hình thành một lực lượng thứ ba, với khuynh hướng quốc gia sâu sắc của nó là mang tính bài ngoại, bài Mỹ, chống tham nhũng và chống Tướng Kỳ. Ông Châu khinh thị tướng Kỳ, viên tư lệnh không quân nhảy lên làm Thủ tướng vào năm 1965 mà tính khí hoàn toàn khác biệt với ông Châu. 

Tuy nhiên ông Châu lại làm việc dưới quyền của chính phủ Sàigòn; do đó ông ta nhận thấy rằng khó mà dung dưỡng một cách lộ liễu các hoạt động chống chính phủ nói trên. Một là ông ta im hơi lặng tiếng và xin từ chức; hai là ông ta phải làm cho ra chuyện. Sau khi suy nghĩ kỹ ông ta đã chọn con đường thứ hai và khi làm như vậy là ông ta đã tự rước lấy những kẻ thù nghịch trong số những người Việt làm việc cho CIA.

Về phía người Mỹ, người ta cũng không rõ là CIA có ngấm ngầm yễm trợ cho các hoạt động của cánh Đại Việt nói trên hay là họ thực sự không biết gì hết về nhóm này đã len lỏi được vào trong chương trình bình định nông thôn. Nhưng dù có là thế nào đi nữa thì những hoạt động đó cũng hiển nhiên đã đi ngược lại chủ trương của Mỹ vào thời kỳ ấy là ủng hộ Thủ tướng Kỳ. Và vì vậy các sự việc trên cần phải được đem ra trước Đại sứ Hoa Kỳ để ông này tỏ rõ thái độ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam xác nhận rằng phía Hoa Kỳ không thể dung dưỡng cho một hoạt động chìm tại Trung tâm Huấn luyện Bình Định Nông thôn, cho dù là các hoạt động đó đã qua mặt được các viên chức CIA hay là do chính các viên chức này giật dây. 

Vụ Đại Việt đó cho thấy các mối quan hệ giữa ông Châu và phía người Mỹ lúc đó quả là phức tạp. Ông ta có nhiều bạn và đồng nghiệp người Mỹ rất thân mà ông ta rất ngưỡng mộ nhưng ông ta cũng cảm thấy rất xấu hổ -- như ông ta đã kêu lên trong phiên xử của mình -- về sự bất lực và sự lệ thuộc của đất nước ông vào người Mỹ. 

Ngoài ra ông Châu cũng không tránh khỏi ác cảm của một số viên chức CIA mà buộc lòng ông phải có quan hệ cộng tác tại Trung tâm. Một trong các viên chức khiếm nhã thuộc loại này đã chẳng thèm giấu giếm việc mình coi rẻ người Việt. Thường thì hắn ngồi gác chân lên bàn, răng gậm nhấm điếu xì gà và kêu tướng lên: "Ê! Châu lại đây".

Ông Châu đến nhậm chức ở Trung Tâm được vài tháng thì nhóm người Việt Nam hoạt động cho CIA thuộc lực lượng Đại Việt nằm vùng mở cuộc tấn công võ trang chiếm ba trại tại Vũng Tàu cùng với việc phái một tiểu đội ám sát đi lùng ông Châu. 

Đến giai đoạn này thì quan điểm của ông Châu và quan điểm của CIA về hiệu quả của một số các chương trình hoạt động của CIA hoàn toàn trái ngược nhau. Ông Châu thất vọng đến độ ông tiên đoán rằng toàn bộ chương trình bình định nông thôn sẽ thất bại nếu như CIA không chịu giao ngay chương trình nầy lại cho Cơ quan Phát triển Quốc tế (AID) của Mỹ. Mâu thuẫn giữa ông Châu và CIA gay gắt đến độ ông phải xin từ chức Chỉ huy trưởng Trung tâm và sau đó được giao cho một chức vụ lu mờ tại bộ Xây Dựng Nông Thôn.

Sự bất mãn của ông Châu đối với cung cách làm việc của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ càng thúc giục ông phải có thái độ tích cực hơn. Ông đã tính đến việc xin rời khỏi quân đội để ra tranh cử vào Quốc hội Lập hiến. Nhưng ông ta đã không được cấp trên cho phép.

Tuy vậy, đến khi có Hiến pháp mới, sĩ quan trong quân đội được phép ra tranh cử vào Quốc hội; do đó mà năm 1967 ông Châu, tuy vẫn còn trong quân đội, đã ra tranh cử vào Hạ Viện ở đơn vị bầu cử thuộc tỉnh Kiến Hòa. Ai nấy đều coi ông như ứng cử viên do chính phủ đưa ra, nhưng ông vẫn tích cực vận động tranh cử, chạy xe gắn máy đi từ xã này đến xã khác, cho dù là trong những thôn ấp hẻo lánh.

Kết quả ông đã thắng với 41,2% tổng số phiếu trong đám 19 ứng cử viên. Sự thắng cử vẻ vang của ông - người thứ nhì được có 12,6% số phiếu - đã tạo cho ông cái thế là người thứ nhì hoặc thứ ba gì đó đạt được số phiếu cao nhất ở trong nước để vào Hạ Viện. 

Ngay khi vào hoạt động ở Sàigòn, ông Châu được bầu làm Tổng Thư Ký Hạ Viện và sau đó lại được bầu làm Thẩm phán Tòa Án Đặc Biệt, một Tòa Án có quyền bãi nhiệm Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Vị trí ưu thắng đó không xuất phát từ các cuộc thương lượng chính trị giữa các phe nhóm trong Hạ Viện, mà là do ông Châu lúc đó còn có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền.

Vào lúc nầy Tướng Thiệu đã lấn lướt Tướng Kỳ để trở nên nhân vật số một tại Sàigòn; phần do Mỹ ủng hộ, phần do các Tướng lãnh đồng ý sắp xếp như thế.

Ông Châu và ông Thiệu

Ông Thiệu và ông Châu đã từng sống chung một nhà khi còn là sĩ quan cấp Úy ở Đà Lạt, và có người kể rằng ông Châu đã có phen cứu mạng bà Thiệu. Ông Châu gia nhập một khối thân chính phủ, gồm các tín hữu Cao Đài và các sĩ quan trúng cử vào Hạ Viện. 

Hình như hai ông Thiệu và Châu tách nhau ra mỗi người một ngả, đâu vào khoảng trong năm 1968. Cuộc tấn công của Việt Cộng vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 cùng với những biến cố tiếp theo đó đã thúc đẩy ông Châu suy nghĩ về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Góp phần cho dòng suy nghĩ đó là những nhận định ông thâu lượm được trong một chuyến công du qua Nhật Bản, Hoa Kỳ và Âu Châu, cũng trong năm 1968.

Ông Châu là một trong những người đầu tiên nhận định rằng vụ Tết Mậu Thân là giọt nước cuối cùng cho cái bình đã đầy ắp, tượng trưng cho sức chịu đựng và kiên trì của người Mỹ, và rồi thì Washington sẽ tìm cách rút khỏi Việt Nam càng nhanh càng tốt. Ông tin rằng Hoa Kỳ bây giờ chỉ còn nhắm cầm cự về mặt quân sự và chính trị trong một khoảng thời gian cần thiết, đủ để khi rút lui sẽ không bị coi như thua cuộc. Nhưng ông tin chắc rằng cái kiểu ổn định chính trị ngắn hạn đó cũng có nghĩa là về lâu về dài Miền Nam sẽ lọt vào tay Cộng Sản. Do đó ông Châu bắt đầu lập luận là ông Thiệu nên tranh thủ sự ủng hộ của các phe phái Quốc gia không Cộng sản khác, có thể là dưới hình thức thành lập một "Hội Đồng Nhân Sĩ" quy tụ các nhân vật trong hàng ngũ không Cộng sản.

Đối với ông Thiệu thì quan điểm trên, tuy xuất phát từ ông Châu, mà ông Châu thì lại rất thân với người Mỹ, nên có thể là quan điểm của chính người Mỹ qua lời của ông Châu; bởi chính những người Mỹ cũng thúc Tổng Thống Thiệu nên mở rộng căn bản chính trị của chế độ Miền Nam.

Nhưng thực tế thì ông Châu càng ngày lại càng tách xa ra khỏi đường hướng, chủ trương của Hoa Kỳ. 

Người Mỹ thì tìm cách tạo ra một cơ chế chính trị mở rộng có tính cách phiến diện tại Sàigòn để xoa dịu dư luận quần chúng tại Hoa Kỳ, vì mục tiêu chủ yếu của họ đúng là cái tình trạng ổn định ngắn hạn mà ông Châu lo sợ. Ông Thiệu nghe theo khuyến cáo của người Mỹ để xoay sở sao cho bề ngoài có vẻ phù hợp với ý người Mỹ để được sự ủng hộ của họ. Ngược lại, quan điểm của ông Châu về việc mở rộng căn bản chính trị lại nhắm vào việc chia quyền lực chính trị giữa các phe đối kháng một cách lâu dài. 

Về phần mình, ông Thiệu chưa dám đánh mất hậu thuẫn của cánh hữu ủng hộ ông ta, để đổi lấy cái thế trung dung bấp bênh, cho dù là do ông Châu, do người Mỹ hay do ai đi nữa thúc dục. Do đó mà cái hố ngăn cách giữa ông Thiệu và ông Châu ngày một sâu đậm thêm, điều mà ít người để ý đến vào thời điểm đó. Dù sao thì ông Châu lúc đó cũng chỉ là một nhân vật ít tiếng tăm trên chính trường Sàigòn, và ông ta cũng mới chỉ dọ dẫm tìm đường trên bàn cờ chính trị.

Đối với vấn đề thương lượng thì vào cuối năm 1968 và đầu năm 1969 ông Châu khởi sự kêu gọi đối thoại giữa các phe tham chiến (Sàigòn, Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng) mà không cần có sự hiện diện của người Mỹ. Để mở đầu cho các cuộc đối thoại đó, ông Châu đề nghị một cuộc gặp gỡ giữa các đại biểu quốc hội Miền Nam và các đại biểu quốc hội Miền Bắc. Đấy lại đúng vào lúc chính quyền Nixon đang dò dẫm tìm cho ra một chính sách riêng của mình đối với vấn đề Việt Nam. Đấy cũng là lúc ông Thiệu vừa miễn cưỡng chấp nhận các đề nghị thương thuyết của phía Mỹ vừa tự mình đưa ra một số đề nghị riêng. Và đấy cũng là lúc người ta thấy còn le lói hy vọng ở cuộc hòa đàm tại Paris. Do đó mà nếu như nhiều người Việt Nam cho rằng lập trường của ông Châu lúc đó chẳng qua cũng chỉ là những luận điệu thăm dò của ông Thiệu và người Mỹ hoặc của riêng người Mỹ, thì cũng chẳng có chi là lạ. 

Phải gần một năm sau sự thể mới cho thấy là cách nhìn đó hoàn toàn sai lầm.

Kỳ tới: Giải pháp chính trị sau Tết Mậu Thân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.