Hôm nay,  

Ý Thức Dân Quốc

29/11/200100:00:00(Xem: 3749)
Chế độ Taliban đã tan rã, những tàn dư của nó đang chết lần, người dân Afghanistan hiện đứng trước một thử thách lớn lao nhất trong lịch sử đất nước của họ từ nhiều thế kỷ qua: thành lập một chính quyền thống nhất và đồng thuận để sống trong hòa bình và thịnh vượng, xây dựng lại thành một quốc gia hiện đại. Cuộc họp đầu tiên để tiến đến mục tiêu trên đã khởi sự tại Bonn (Đức) tuần này, duới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế, nhưng không mấy ai lạc quan mặc dù chỉ nhằm thực hiện một bước sơ khởi là thành lập một hội đồng chấp chính lâm thời ở Kabul hiện do Liên minh Bắc quân chiếm giữ.

Những khó khăn nằm trong hoàn cảnh đất nước Afghanistan đã có sẵn từ bao thế kỷ nay. Afghanistan có nhiều sắc tộc bộ tộc sinh sống, và tất cả đã tranh chấp xung đột từ đời này qua đời khác không chỉ giữa những sắc tộc khác nhau mà ngay trong mỗi bộ tộc mỗi sắc dân, việc chém giết lẫn nhau vẫn thường có. Đến nay, sự hung bạo còn dữ dội hơn trước, chẳng hạn nếu có hai gia đình nông dân sống gần nhau, mỗi khi tranh chấp về ranh giới đồng ruộng, người ta dùng mìn chôn giết ông bạn hàng xóm cho tiện để khỏi mất công nói chuyện phải quấy. Dù vậy dưới triều đại Quốc vương Zahir Shah trị vì từ năm 1933, các sắc tộc bộ tộc đã có một giai đoạn tương đối "chung sống hòa bình". Ngày nay LHQ và Mỹ và một số sắc tộc muốn Zahir Shah, 87 tuổi, về tạm thời tượng trưng cho đoàn kết quốc gia trước khi thành lập một chính quyền dân cử có căn bản rộng rãi gồm đủ mọi thành phần sắc tộc, bộ tộc.

Ông vua này là người như thế nào" Ông trị vì trong 40 năm, cho đến năm 1973 bị lật đổ vì một cuộc đảo chính do người anh em họ của ông là Mohammed Daoud Khan cầm đầu. Zahir Shah là một ông vua không có tài trị nước, ông lên làm vua chỉ vì truyền thống cha truyền con nối. Ông đã sống xa vời thực tế và xa dân, không thực hiện nổi những cải cách cần thiết của thời thế mới. Người kế vì ông, Daoud Khan đã bị giết trong một cuộc đảo chính năm 1978 và đến năm 1979 Liên Xô xâm chiếm nước này để duy trì một chế độ chuyên chế xã hội chủ nghĩa. Dân Afghanistan chống đối, những toán dân quân nổi danh là "mujahideen" (Chiến sĩ của Thượng đế) được Mỹ cung cấp vũ khí đã làm chế độ Cộng sản thất bại. Đến năm 1989, Liên Xô phải rút ra khỏi nước này. Thế nhưng cuộc chiến đấu chống Cộng sản đã làm các nhóm "mujahideen" được Mỹ võ trang hùng hậu chiếm lãnh từng khu vực, do đó hận thù và tranh chấp truyền thống lại nổi lên mạnh hơn bao giờ hết để nhắm chiếm chính quyền cả nước. Khi kẻ thù ra đi, người trong nhà lại bóp cổ lẫn nhau.

Năm 1989 các nhóm "mujahideen" miền Bắc chiếm Kabul bầu ra một chính quyền Cộng hòa do Tổng Thống Buhanuddin Rabbani lãnh đạo. Đây là vị quốc truởng duy nhất của Afghanistan được LHQ và nhiều nước thừa nhận cho đến nay. Nhưng Rabbani là người gốc Tajiks sắc tộc phương Bắc, không được các sắc tộc khác ủng hộ, nhất là các bộ tộc Pashtun ở miền Nam. Sắc tộc Pashtun đông nhất, năm 1994 phong trào Taliban ra đời dưới quyền một Tu sĩ ở Kandahar. Nhân tình trạng chính quyền Rabbani yếu kém lại có khuynh hướng kỳ thị sắc tộc, vụ nổi loạn của Taliban đã thành công và chiếm được Kabul năm 1996. Rabbani và phần lớn các bộ trưởng của ông chạy về Tajikistan sống lưu vong, còn các tướng lãnh "mujahideen" của ông tản mát chạy về miền núi phương Bắc tiếp tục du kích chiến chống Taliban. Vậy bây giờ Taliban tan rã, các tướng Liên minh Bắc quân có đoàn kết với nhau không" Hãy nhìn những lãnh địa họ đã chiếm. Tướng gốc Uzbeks là Abdul Raschid Dostum, khét tiếng vì tàn bạo và phản bội đối với các sắc tộc khác đã đặt đại bản doanh ở Mazar -e-Sharif gần nước Uzbekistan. Tướng Ismail Khan gốc Tajiks, thân với Iran chiếm Herat. Còn tướng Haji Mohammad Muhkagik, gốc Tajiks chiếm Kunduz kế cận nước Tajikistan. Trong số các tướng lãnh Liên minh Bắc quân còn có một tướng trẻ là Ustad Atta Mohammed, gốc sắc tộc Hazaras ở miền núi trung bộ, rất thiện chiến chiếm giữ miền núi phía Tây Nam Mazar-e-Sharif.

Khi còn góp sức chiếm lại toàn thể lãnh thổ Bắc Afghanistan, các tướng lãnh Bắc quân rất đoàn kết với nhau, nhưng khi thành công mỗi người một phương xây dựng uy thế riêng khiến người ta liên tưởng đến nạn Sứ quân đã có ở nhiều nước thời xưa. Ở miền Nam, sắc dân Pashtun có nhiều bộ tộc, nhưng lớn nhất là Durranis và Ghilzais. Mullah Omar, lãnh tụ tối cao của Taliban, và những tướng lãnh của Omar đều là người Ghilzais, còn Cựu hoàng Zahir Shah là người Durannis. Phần lớn các lãnh tụ Pashtun Durranis đã chạy qua Pakistan, ủng hộ Cựu hoàng. Nhưng ở Kabul, Tổng Thống hữu danh vô thực là Rabbani nói sẵn sàng thiết lập một chính quyền rộng rãi, Cựu hoàng Zahir Shah có về nước cũng chỉ là một công dân thường.

Ngoài thế lực của kẻ có súng tại chỗ, còn có những tiếng nói khác. Đó là những tiếng nói của hai nhóm dân tị nạn Afghanistan đông nhất, một hiện ở đảo Cyprus, phần của Thổ Nhĩ Kỳ, có ảnh hưởng Hồi giáo Shiite của Iran và một ở Pakistan có ảnh hưởng Hồi giáo Sunnite. Và cũng không nên quên tiếng nói của các nước Hồi giáo lân bang, từ Iran qua Uzbekistan, Tajikistan đến Pakistan. Quá nhiều ông thầy cho một chính quyền tương lai hậu-Taliban. Dân Việt Nam vẫn có câu ngạn ngữ quen thuộc "lắm thầy nhiều ma". Không rõ LHQ với sự tiếp tay của Mỹ, nước có súng lớn nhất ở Afghanistan, làm thế nào giải quyết được mớ bòng bong này" Chúng tôi nói đến "ý thức dân quốc" chớ không phải "dân tộc". Mọi sắc dân, mọi chủng tộc ở Afginisatn đều phải ý thức rằng họ có một tổ quốc chung để hòa hợp chung sống với nhau. Nếu không có ý thức đó để tự quyết, Afghanisatan sẽ không bao giờ có hòa bình và cũng không có tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.