Hôm nay,  

Trồng Dâu Nuôi Tằm

24/02/201100:00:00(Xem: 10083)

Nghề Tằm Tang

...Thơ anh làm em hát
Tơ em dệt anh may ...

Bài hát của đôi lứa làm nghề quay tơ dệt lụa nghe thấy mà mê, nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm có nhiều nỗi vất vả lắm.
Không hiểu tại sao nghề tằm tang lại có một chữ Nôm và một chữ Hán, vì hầu như chúng ta đều biết chữ tang có nghĩa là cây dâu.
Khi một bé trai sinh ra đời thì người ta dùng cây cung làm bằng gỗ dâu mà bắn mũi tên đi bốn phương để mong đứa trẻ sau này sẽ có chí tang bồng.
Thương hải biến vi tang điền là biển kia nay đã trở thành nương dâu, ý nói cuộc đời thay đổi, ít năm sau trở về chốn cũ thì cảnh trạng đã đổi khác nhiều rồi.

Nghề dệt lụa bên Trung Quốc sử sách còn ghi lại là đã hơn hai ngàn năm, nhưng ở Việt Nam thì chừng một ngàn năm trở lại đây thôi và Nguyên Phi Ỷ Lan chính là bà tổ của nghề này.
Cây dâu nuôi tằm có rất nhiều cành nhỏ và lá mọc rất dầy, bản lá rộng chừng ba ngón tay, trái nhỏ như hột đậu đen lúc chín ăn chua chua ngọt ngọt. Mấy thầy bùa thầy phép thường lấy roi dâu

mà đánh đuổi, quất veo véo lên thân những người bị ma nhập.
Ngày trước tôi chưa nghe ai nói người ta có thể ăn lá dâu, nhưng gần đây có những nhà hàng ở VN quảng cáo món thịt bò cuốn lá dâu hay canh cá lóc nấu với lá dâu non, mong có dịp thử coi

nó ngon đến cỡ nào.
Năm ngoái tôi có mua một miếng đất ở freeway 91 và đường East, nơi góc tường có một cây dâu cổ thụ, cành lá xanh um và đến mùa hè từng bầy chim tới ăn trái chín kêu ríu rít rất vui tai.
Cây dâu có thể cao hơn 10 thước, nhưng người ta thường chặt ngang ngọn để cho cành con mọc ra nhiều, rũ xuống gần đất để dễ hái lá:
....Em níu lấy cành dâu
Che dấu mộng ban đầu ...

Gây giống tằm ra làm sao "
Người ta bắt hai con bướm ngài, con trống thì đuôi nhỏ và con mái bụng đuôi to gấp ba thân mình, úp chúng vào chung một cái tô, dưới lót giấy quyến trắng, sau khi thụ tinh thì bướm cái đẻ

trứng lên tờ giấy quyến này. Hai con ngài sẽ chết ngay sau đó.
Người ta đem trứng vào một phòng riêng không bị lộng gió nhưng đủ ánh sáng cho nó nở. Con tằm mới nở trông giống như con sâu nhỏ màu xanh đen, được thả lên những nong dâu thái mỏng

như sợi thuốc lào gọi là tằm ăn một, tuần sau thái lá dâu to hơn gọi là tằm ăn hai và tuần cuối thì thả nguyên lá dâu vào nong tằm, tiếng nhai lá nghe rào rào gọi là tằm ăn rỗi.
Tằm chỉ ăn lá vào ban ngày, đêm nó sẽ ngủ và lá dâu ăn dư hay phân tằm thải ra đều phải thu dọn sạch sẽ nếu không nó dễ bị bệnh.
Khi con tằm "chín" cả người óng lên màu vàng thì nó không ăn dâu nữa, người ta bắt nó lên một cái né tỷ như cái sọt, lấy rơm cắm vào chung quanh thì con tằm bắt đầu nhả tơ dính vào cọng

rơm mà làm tổ gọi là cái kén, kén màu óng vàng lớn bằng ngón tay cái giống như cục bông gòn, con tằm ngoẹo đầu bên nọ rồi lại bên kia, nó rút tơ ra tới đâu thì người nhỏ lại tới đó, khi ngưng

lại và nằm yên thì nó đã thành con nhộng (từ ngữ trần như nhộng là do con nhộng này).
Nếu để nguyên không luộc kén lên thì chừng vài tuần sau con nhộng sẽ cắn rách ổ kén này mà chui ra ngoài mà thành con ngài (bướm). Người ta nếu không đi mua con giống thì chỉ để lại ít ổ

kén làm giống mà thôi vì khi ổ kén đã bị cắn rách ra rồi sẽ không kéo sợi được nữa vì tơ sẽ bị đứt khúc.
Khi tằm ăn rỗi là lúc quyết định lứa tơ tốt hay không, nếu đói ăn thì con tằm nhỏ sẽ được ít tơ lắm:
-Vì tằm tôi phải chạy dâu ..
Vì chồng tôi phải trăm điều đắng cay..
Cho dù dâu có mắc đi nữa cũng phải chạy cho ra tiền mà mua.
Con tằm cũng không ưa lá dâu ướt hay héo khô, phòng nuôi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, gió lùa và nhất là người lạ vào phòng dễ mang vi trùng từ ngoài vào mà người thôn quê kêu là "phải sài".

Con tằm sẽ bỏ ăn, thân mình bị đốm đen, hay lúc đang ăn rỗi mà đầu cứ rụt vào, thân mình cương cứng bóng lưỡng vì chứa đầy tơ, mà bắt bỏ lên né, cứ rớt xuống không nhả tơ ra để làm kén

được thì thất mùa lớn, chỉ còn có nước hốt bỏ vô chảo mà rang ăn như ăn con nhộng mà thôi .
Nếu nhiều kén quá, kéo sợi không kịp, mà đã quá 12 ngày sợ con nhộng cắn rách ổ kén, người ta đem ra phơi nắng cho nhộng chết chứ không luộc được, vì nếu nó ướt là phải kéo sợi ngay.
Sợi phía ngoài bao giờ cũng có cục nên thô hơn phía trong, sợi thô để làm vải dày may quần, sợi óng mượt để dệt lụa may áo. Khi kéo hết tơ, thì chỉ còn con nhộng mà vì đã trụng kén vô nước

xôi, nên con nhộng đã chín rồi. Nhộng này phi lên với hành mỡ và một chút nước mắm tiêu, ăn ngon đáo để.

Chắc các bạn đều biết bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính:

... Nào đâu cái yếm LỤA SỒI
Cái giây lưng ĐŨI nhuộm hồi sang Xuân
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần NÁI đen

Những loại tơ lụa vải vóc ngày xa xưa gồm có mấy thứ mà thôi: The, lương, sồi, nái, đũi. Tuỳ theo lụa vải làm ra để may quần hay may áo, mà người ta kéo sợi to hay nhỏ. Thí dụ vải lương

nhuộm đen để may áo dài đàn ông, nó mỏng lắm nên phía trong còn phải mặc một áo cộc trắng. Cặp áo the của cô dâu ngày về nhà chồng cũng vậy.
Nhưng vải may yếm, dây lưng, may quần thì đều phải dệt dầy hơn.
Sợi tơ tằm mảnh như tơ nhện, nên khi quay tơ phải lấy 8 sợi trở lên mà quay với nhau cho thành sợi lớn và cuốn vào ống suốt.
Đi đến làng canh cửi ta sẽ nghe có tiếng đập đều đều của con thoi, người dệt phải dận go cho lên xuống, phải giật con thoi cho nó lao qua lao lại. Một nguời dệt được chừng vài mét trong một

ngày là đã muốn cong xương sống cóng xương sườn rồi.
Chúng ta thường nghe nói tới những cô gái giặt lụa bên sông, họ giặt làm chi vậy "
Lụa dệt ra luôn luôn có màu vàng mỡ gà, mà màu vàng chỉ có vua được mặc, như vậy phải đem đậu (lụa) ra giãi (giặt) cho nó trắng. Cứ giặt xong đem phơi, ba lần như vậy nó mới trắng. Nếu

không giặt, cứ để nguyên màu vàng như thế cũng không tốt, vì khi mặc ra nắng vài ba lần, phía có ánh nắng chiếu vào sẽ bạc thành ra màu trắng, còn phía trong nách áo, còn màu vàng nguyên

thì coi cũng chẳng ra làm sao.
Sau khi lụa trắng rồi, người ta mới nhuộm.
Ngày xưa thì chỉ nhuộm đen để may quần, thuốc nhuộm gồm tro lá bàng, phèn đen và bùn non dưới ao. Nhuộm hồng thì dùng củ nâu, mà nếu sắc nước cho đậm và nhuộm nhiều lần sẽ có màu

đỏ, nhuộm riết sẽ có màu nâu.


Hiện nay dân chúng ở Hà Đông và Lâm Đồng Bảo Lộc là còn làm nghề này nhiều nhứt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.