Hôm nay,  

CHỊ PAULINE LÊ & CAREGIVER RESOURCE CENTER: NGƯỜI LẮNG NGHE NỖI LÒNG NGƯỜI CHĂM SÓC BỆNH NHÂN

22/02/201100:00:00(Xem: 10171)
CHỊ PAULINE LÊ & CAREGIVER RESOURCE CENTER: NGƯỜI LẮNG NGHE NỖI LÒNG NGƯỜI CHĂM SÓC BỆNH NHÂN
pauline_le_crc-content
Thông thường, lòng thương xót của dân Việt mình thường được dành cho những người bệnh tật. Cảnh người bệnh nằm bẹp giường, thể trạng yếu đuối, tâm thần bất an dễ làm cho người ta động lòng trắc ẩn. Do đó, việc một người khỏe mạnh phải có bổn phận chăm sóc người thân bị bệnh là một điều đương nhiên, thuận với đạo lý.
Ở xã hội Mỹ, bên cạnh gia đình, cuộc sống của một người bình thường chịu rất nhiều áp lực từ công việc, quan hệ xã hội… Có lẽ vì thực tế này mà người ta có thêm sự thông cảm với những người chăm sóc bệnh nhân (người nuôi bệnh) nữa. Những người nuôi bệnh ở Mỹ thường bị kẹp giữa nhiều tầng trách nhiệm: đối với người thân bị bệnh, đối với bản thân mình và đối với xã hội. Không phải ai cũng có điều kiện để gánh vác những trách nhiệm này cùng một lúc.
Tổ chức Caregiver Resource Center (CRC- Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc) đã được hình thành tại California hơn 20 năm để tìm cách hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn như vậy. Hãy nghe chị Pauline Lê- nhân viên gốc Việt đầu tiên của CRC- kể lại nỗi lòng của những người nuôi bệnh trong cộng đồng chúng ta…
Chị Pauline không những là người Việt đầu tiên làm cho CRC, mà còn là người đã đem sự trợ giúp của CRC đến với cộng đồng người Việt Quận Cam. Chị tốt nghiệp Cao Học ngành Social Work vào năm 1998 tại trường Đại Học CSU Long Beach. Chị đã đi thực tập ở văn phòng CRC Quận Cam, nhận ra sự hữu ích của nó, nên khi ra trường đã xin làm lại ở đây, và phác thảo ra kế hoạch giới thiệu CRC đến với cộng đồng của mình.
Tổ chức CRC là một tổ chức phi lợi nhuận của tiểu bang Cali, được hình thành từ năm 1988. Mọi chuyện khởi đầu từ San Francisco, một nhóm người nuôi bệnh cảm thấy mình kiệt quệ đã biểu tình để xin chính phủ tìm cách giúp đỡ họ. Lời kêu gọi của họ đã được đáp ứng. Đến nay, CRC đã có 11 trung tâm trải dài trên khắp Cali. CRC Quận Cam là trung tâm cuối cùng được thành lập, và cũng là trung tâm duy nhất có nhân viên người Việt để chuyên trách cộng đồng Việt. Theo chị Pauline, hàng năm CRC Quận Cam giúp đã khoảng 700 trường hợp, trong đó có khỏang 150 gia đình Việt Nam. CRC Quận Cam được đặt dưới sự bảo trợ của Trung Tâm Y Tế St.Jude. Một nguồn tài trợ khác đến từ Bộ Cao Niên của Bang Cali. Do vậy, các dịch vụ của CRC là miễn phí, hoặc khách hàng chỉ phải đóng một chi phí tượng trưng.
Trên nguyên tắc, những người trên 21 đang phải chăm sóc người thân bị bệnh là đủ điều kiện tham gia vào chương trình. Khách hàng của chị Pauline có tuổi từ 21 đến 70. Hầu hết họ là nữ, chỉ có khoảng 5% là nam giới. Thân nhân của họ là những người mắc các chứng bệnh về não như Alzheimer, Parkinson, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ, những người trên 60 tuổi bị mắc những chứng bệnh mãn tính…Trong khi mọi nỗ lực từ bác sĩ, nhà thương, xã hội…dồn vào để chữa trị cho người bệnh, người nuôi bệnh bị bỏ quên. Không phải ai cũng có đủ kiến thức, sức khỏe để chăm người bệnh. Rồi một số người trẻ còn phải nghĩ đến chuyện công ăn việc làm của mình nữa, chứ chỉ chuyên tâm chăm người bệnh thôi thì ai nuôi mình" Nhiều thứ áp lực nữa làm cho những người nuôi bệnh bị kiệt quệ về cả thể xác lẫn tinh thần. Chị Pauline nhớ lại là 10 khách hàng đầu tiên của chị tại CRC đã có 02 người chết trước bệnh nhân!
Vai trò đầu tiên của CRC là cầu nối của người nuôi bệnh đến với những tổ chức khác nhau có thể trợ giúp họ. Khi nhận được yêu cầu từ một khách hàng mới, việc đầu tiên chị Pauline phải làm là đến nhà họ để đánh giá tình hình của người bệnh, hoàn cảnh gia đình… Dựa trên những thông tin ban đầu này, chị sẽ tư vấn cho khách hàng những dịch vụ thích hợp. Thí dụ như giới thiệu những trung tâm chăm sóc bệnh nhân vào ban ngày, có dịch vụ đưa đón, để người nuôi bệnh vẫn có thể đi làm việc. Đối với một số bệnh nhân nặng hơn, sẽ có những tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc tại gia (thường những bệnh nhân có Medi-Cal, có tiền hưu trí… dễ đủ tiêu chuẩn hưởng những dịch vụ này). Người nuôi bệnh cũng có thể được hưởng một số tiền từ chính phủ từ việc chăm sóc bệnh nhân tại gia. CRC còn có những khóa hướng dẫn cung cấp thông tin hữu ích về những căn bệnh thường gặp ở người già và phương cách chăm sóc.

Vai trò thứ hai của CRC là tạo chỗ dựa về tinh thần cho người nuôi bệnh. Thân với tâm là một. Tâm bệnh dẫn đến thân bệnh và ngược lại. Tiếp xúc với người bệnh trong một thời gian dài và liện tục, người nuôi bệnh dễ bị stress, buồn chán, thất vọng… nên dẫn đến sự suy nhược thể trạng. CRC có tổ chức đi du ngoạn cho khách hàng, giúp họ xả stress, nạp lại năng lượng cho cuộc sống (CRC sắp xếp người thay thế đến để chăm sóc cho bệnh nhân trong những ngày này). Hằng năm, vào tháng 11, CRC tổ chức ngày vinh danh người nuôi bệnh. CRC còn tổ chức các buổi gặp gỡ giữa những người nuôi bệnh với nhau, để họ có dịp hàn huyên, chia xẻ kinh nghiệm, vui buồn. “…Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…”, tâm tình giữa những người nuôi bệnh dễ tìm được sự đồng cảm hơn.
Một vai trò nữa cũng không kém phần quan trọng của CRC là nhắc nhở người nuôi bệnh về những quyền lợi phải được tôn trọng của họ. Nói chung, người nuôi bệnh có quyền có đời sống riêng tư, có quyền chọn ra một kế hoạch chăm sóc phù hợp cho mình và cho người bệnh, quyền được công nhận mình là một nhân tố quan trọng của gia đình và xã hội… Người Việt mình hay có tính cả nể. Nhiều người nuôi bệnh cảm thấy mình bị đối xử không công bằng mà không dám nói ra vì sợ mất lòng người thân. CRC khuyến khích họ thẳng thắn nói ra những suy nghĩ của mình, mạnh dạn yêu cầu được giúp đỡ, được chia xẻ trách nhiệm. Nhiều khi cánh cửa sẵn sàng mở để đón khách, chỉ tại người khách không chịu gõ cửa đó thôi.
Nhớ lại hơn 12 năm làm việc, chị Pauline kể nhiều câu chuyện đáng nhớ, vui có, buồn có về những người nuôi bệnh trong cộng đồng Người Việt Quận Cam. Có một chị một mình phải nuôi đến 04 người bệnh: chồng bị stroke, con bị chậm trí, mẹ già bị đãng trí, và bố bị gãy chân! Đây có lẽ là một kỷ lục ở xứ Mỹ rồi. Dưới sự giúp đỡ của CRC, chị đã tìm được những trợ giúp cần thiết cho từng người bệnh. Và sau hơn 10 năm quá vất vả, chị cũng đã mạnh dạn giao lại trách nhiệm chăm sóc bố mẹ cho anh chị em khác, để mình chỉ còn chăm sóc chồng và con, để còn tìm lại cuộc sống của riêng mình. Còn một trong những khách hàng nam giới của chị lại là một khách hàng… bất đắc dĩ. Anh có một người em gái đang chăm sóc người mẹ ruột chung bị Alzheimer. Một buổi sáng nọ, em gái đem mẹ đến để trước cửa, nhấn chuông và… bỏ đi mất! Kể từ đó, anh phải tự xoay sở tìm cách chăm sóc mẹ. CRC đã hướng dẫn anh đưa bác đến một trung tâm chăm sóc người già vào ban ngày, để anh vẫn còn tiếp tục đi làm. Còn một chị khách hàng khác cũng chăm sóc mẹ già bị Alzheimer, nhưng bác nhất định không chịu đi đến các trung tâm chăm sóc người già. Chị cũng không dám cãi lời mẹ vì bị mắng là… bất hiếu. Đến một ngày, mẹ chị ở nhà tự nấu ăn và làm cháy nhà! Theo lời khuyên của CRC, chị đã cương quyết đưa bác đến chăm sóc tại một trung tâm chăm sóc người già. Đi được một thời gian, bác gái lại thích ở đây hơn là ở nhà nữa. Chị cảm ơn CRC đã khuyến khích chị làm những điều chính ra đã phải làm từ lâu. Rồi có hai bác đã lớn tuổi sống riêng, bác gái chăm sóc cho bác trai đã mất trí. Có lần bác gái tắm cho bác trai và chính bác gái bị trượt té gẫy chân. CRC đã giúp tìm người đến chăm sóc tại gia cho cả hai bác. Biết được sự giới hạn trong khả năng chăm sóc của mình là một điều rất cần đối với người nuôi bệnh.
Buổi nói chuyện với chị Pauline về Caregiver Resource Center làm cho tôi nghĩ ngợi nhiều. Tôi nhớ lại ở Việt Nam, tôi có một người chú bị tai biến mạch máu não khiến cho ông bị bại liệt hoàn toàn. Người con trai của ông, ở độ tuổi 25, đã dành toàn bộ tuổi trẻ của mình cho việc chăm sóc cha mình, không một lời than vãn. Mãi đến 10 năm sau, chú tôi mới mất. Lúc đó, người con trai mới bắt đầu lại cuộc đời. Anh đi làm, lấy vợ, có con lúc đã gần 40. Công việc, gia đình của anh hiện nay đều tốt đẹp. Tôi vẫn nói Trời Phật có mắt. Đó là một tấm gương sáng cho tôi về lòng hiếu thảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khó mà đòi hỏi sự hy sinh lớn lao đến như vậy từ con cháu chúng ta trong xã hội Mỹ. Đạo nghĩa cũng có tính khế cơ, khế lý. CRC là một nguồn lực hữu dụng để giúp cộng đồng chúng ta giữ lòng hiếu nghĩa phù hợp với cuộc sống trên đất Mỹ.
Đoàn Hưng
Trung Tâm Tài Nguyên Cho Người Chăm Sóc
130 W. Bastanchury Road Fullerton CA 92835
Tel: 714 446 5030
Liên lạc để xin được hướng dẫn tại gia: Pauline Lê- Family Consultant hay Tâm Hồ- Care Coordinator


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.