Hôm nay,  

Meo Meo Tân Mão

17/02/201100:00:00(Xem: 10653)

“Cố Tổng Thống Richard Nixon, khi tới thăm Hà Nội năm 1951 với tư cách Phó Tổng Thống Mỹ, đã thăm gặp tham khảo ý kiến bà.Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngay những ngày đầucủa Đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam, đã yêu cầu bà giúp dân giúp nước.”

1-content

Hình trên: 1. Họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2002. Từ trái Nhã Ca, nhà báo Duy Sinh, và Kiều Chinh hộ tống tác giả Trùng Quang lên phát biểu.


2-content

2. Bà Trùng Quang tại một sinh hoạt văn hoá ở San Jose.


3-content

Hình bên: sáu chị em nhà họ Lê,mùa hè năm 1938. Ảnh chụp trước một góc vườn nhà tại sinh quán, làng Hạ Vĩnh, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trong ảnh, hàng ngồi là hai bà chị lớn. Hàng đứng là 4 cô em. Bên phải là cô áp út Trùng Quang sinh năm 1912, mới 26tuổi. Đầu hàng phía trái, là người chị kế sinh năm 1910, phu nhân của Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, Tổng trưởng y tế trong chínhphủ Bảo Đại, kiêm y sĩ riêng của nhà vua trong những năm 1940'.
(Ảnh riêng của gia đình. Cám ơn anh Cả Dương và chị Tuyết cho phép sử dụng.)

4-content



Chúc Mừng Năm Mới

SINH NHẬT TRÒN TUỔI 100 NỮ TÁC GIẢ TRÙNG QUANG


Ngày 1 tháng 1 năm 2011, tròn tuổi 100, vượt 5 con số 1 Việt Báo kính chúc Bà năm mới, thập niên mới vui khoẻ

Trước Tết Tân Mão, Việt Báo và các thân hữu đã có dịp trân trọng chúc mừng sinh nhật tác giả Trùng Quang vào đúng ngày đầu năm dương lịch, 1 tháng 1 năm 2011 -gồm bốn con số 1. Thêm con số 1 thứ năm: Bà chẵn tuổi 100, và vẫn mạnh khoẻ tinh tường khi bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Trong số các tác giả cao niên còn tiếp tục cầm bút, Bà Trùng Quang, chính là vị niên trưởng số một.

Không chỉ làm thơ, viết văn, viết kịch và đạo diễn, bà còn là nhà hoạt động giáo dục văn hoá xã hội được kính nể. Cố Tổng Thống Richard Nixon, khi tới thăm Hà Nội năm 1951 với tư cách Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, đã thăm gặp tham khảo ý kiến bà. Cố TổngThống Ngô Đình Diệm, ngay những ngày đầu củaĐệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam, đã yêu cầu bà giúp dân giúp nước. Các chính phủ quốc gia đã tặng bà nhiều huân chương và bội tinh cao quí. Tại Hoa Kỳ, nhiều thị trưởng tại cả hai vùng Bắc và Nam California đều đã trực tiếp vinh danh bà.

Bà Trùng Quang sinh ngày 1 tháng 1 năm 1912, tại làng Hạ Vĩnh, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, thuộc Lê tộc, dòng họ từng góp nhiều công sức cho các lãnh vực y khoa, văn học của đất nước ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam. 

Là tiểu thư thứ sáu của một đại thần triều Nguyễn trấn nhậm tại miền Bắc, ăn học và lớn lên ở Hà Nội, ngay từ thời đầu thế kỷ trước, bà đã là nhà hoạt động nữ quyền tiên phong. Đời hoạt động của bà trải dài hơn 8 thập niên, nối tiếp hai thế kỷ, ở cả trong nước và hải ngoại.

Từ những năm 1930', khi phụ nữ Việt Nam còn bị nhốt kín sau cánh cửa gia đình, bà là người đầu tiên phát động phong trào nữ sinh Hà Nội đi xe đạp, chủ động đoàn ngũ hoá phụ nữ, tham gia các hoạt động văn hoá xã hội.

Đầu thập niên 1940, thế chiến thứ hai, quân Nhật tràn vào Việt Nam, không chế thực dân Pháp, gâynạn đói năm Ất Dậu làm chết hơn một triệu dân, bà dự phần thành lập và điều hành phong trào thanh niên khất thực cứu đói. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, người bạn đời của bà -một nhà hoạt động cách mạng ở phía quốc gia- bị cộng sản giết hại. Goá bụa trước tuổi ba mươi, từ đây, bà là người phụ nữ một mình trọn đời và một mình phấn đấu.

Thập niên 1950', trong 4 năm đầu tại Hà Nội, bà là hiệu trưởng trường Việt Nư, chuyên dạy nữ công gia chánh và sinh ngữ. Năm 1951, bà thành lập Hội Phụ Nữ Tương Tế, hội đoàn phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Chiến tranh Việt Pháp lan rộng, bà tận lực tổ chức trợ giúp đồng bào hồi cư về thành phố. Chính do nỗ lực này, khi đến thăm Hà Nội vào năm 1951, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã trực tiếp gặp bà tham khảo ý kiến để trợ giúp dân chúng rời bỏ vùng cộng sản. Năm 1953, có cô học trò tại trường Việt Nữ được chọn diễn trong kịch thơ do bà viết và đạo diễn trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cô học trò của bà sau này chính là nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh.

Sau khi đất nước qua phân năm 1954, ngay trongnhững ngày đầu của Đệ Nhất Cộng Hoà tại miềnNam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã yêu cầu bà ra giúp dân giúp nước. Bà xin kiếu, nói chỉ mong có cơ hội xuất ngoại thâu thập kinh nghiệm thực tế từnước ngoài mang về giúp bà con làm ăn. Được Tổng Thống Diệm đồng ý, bà một mình lên đường sangNhật Bản, theo học tại Đại Học Quốc Tế ở Tokyo.


26-29_100-nam_trung-quang_pdf---adobe-acrobat-professional5-content

Bà Trùng Quang cười vui khi đại diện Việt Báo mang hoa tới chúc mừng sinh nhật. Bà nói đầu năm khai bút chúc vui cho Việt Báo. Trên: thủ bút ghi ngày 4 số 1, khi Bà tròn 100 tuổi. Hình bên: Tác giả coi lại bài viết về nước Mỹ của bà 10 năm trước.

Photo: Nguyễn Trần Phương Dung


Thập niên 1960', sau khi về nước, với kỹ thuật thâu thập từ Nhật và Pháp, bà khai sinh ngành nghề làm búp bê Việt Nam, mở trường Phương Chính chuyên về sinh ngữ, nữ công, dạy nghề hướng nghiệp thích hợp cho phụ nữ. Tại Saigon, nhiều chủ tiệm uốn tóc, trang điểm, mỹ nghệ... xuất thân làhọc viên của bà. Đồng thời, bà tham gia thi đàn Quỳnh Dao, khởi xướng nhiều sinh hoạt văn chương được các bậc thức giả hưởng ứng. Do những nỗ lực trên, bà đã lần lượt được chính phủ trao tặng Huân Chương Văn Hóa Giáo Dục, Kinh Tế bội Tinh vàLao Động Bội Tinh.

Thập niên 1970', bà sáng tác và ấn hành một số thi tập, trong số này có kịch thơ "Mỵ Châu-Trọng Thuỷ", được trình diễn trên đài truyền hình quốc gia và tại trụ sở Hội Việt Mỹ. Trường Phương Chính tiếp tục phát triển. Cơ sở nhà trường trên đường NguyễnĐình Chiểu, Saigon, được bà tự tay hoạch định xây cất thành một cao ốc, bề thế không kém những cơ sở kế cận nổi tiếng như Saigon Ấn Quán, trường anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh...

Tháng Tư 1975, cộng sản chiếm miền Nam, trường Phương Chính bị đóng cửa, kiểm kê. Bốn năm sau, 1979, bà cùng người thân vượt biển, tới được nước Pháp.

Năm 1980, bà rời Pháp sang Hoa Kỳ định cư. Ngay những ngày đầu đến Washington D.C. bà cầm bút trở lại, các bài viết ký tên bà Trùng Quang lần lượt xuất hiện trên báo Văn Nghệ Tiền Phong. Gia đình di chuyển về vùng Bắc California, bà liên lạc lại với các bạn văn định cư trong vùng, khôi phục các sinh hoạt văn chương nghệ thuật. Dù tuổi đã 80, bà vẫn tự mình trở lại đại học. Hình ảnh một cụ bà sinh viên trường Evergreen, San Jose, hàng ngày đi học bằng xe bus là chuyện thường được nhắc đến như tấm gương học hỏi cho lớp trẻ gốc Việt tại San Jose trong những năm 90'.

Sang thế kỷ 21, năm 2001, bà viết bài tham dự giảiViệt Báo Viết Về Nước Mỹ. "Đây là việc phải làm, để giúp con cháu chúng ta sau này biết gốc rễ của họ. Vì vậy, dù đã 90 tuổi, tôi vẫn viết bài này để cổvõ mọi người cùng viết về nước Mỹ." Bài "Tôi Đi Tìm Tự Do, Dân Chủ", ký bút danh Lê Tâm. Sau khi bài viết vào chung kết, mới biết tác giả chính là Bà Trùng Quang. Họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2002 đã trân trọng vinh danh tác giả. Các quan chức dân cử địa phương khi trực tiếp vinh danh bà đã ngạc nhiên thấy cụ bà gốc Việt 91 tuổi ứng đối đĩnh đạc bằng tiếng Anh. Từ đây, mỗi năm bà đều có bài viết mới cho báo xuân Việt Báo.

Năm 93 tuổi, 2004, bà Trùng Quang tổ chức việc biên tập, phiên dịch Anh Pháp ngữ và ấn hành sách "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi. Năm 95 tuổi, 2006, bà chủ biên và xuất bản tuyển tập "Bóng Cờ Nương Tử", gồm các truyện ngắn của 11 nữ tác giả.

Tại San Jose, các hội đoàn văn hoá đã tổ chức vinh danh bà Trùng Quang. Các vị thị trưởng San Francisco, Milpitas tặng bà bảng vinh danh của HộiĐồng Thành Phố. Trên bục sân khấu, bà mặc áo lụa vàng, tóc bạc bới cao, hiền hoà nhận lời chúc mừng của nhiều thế hệ văn chương. 

Vào đời từ tuổi đôi mươi, suốt 80 năm vận nhà vận nước đầy giông bão, bà một mình vững tâm bền chí, lấy cái đẹp và lẽ phải soi đường để góp phần phụng sự xã hội. Tấm lòng, ý chí và sức sống của bà là tấm gương chung cho con cháu.

Sau đây là tường trình của Hạnh Dương, phái viên Việt Báo từ San Jose.


Chuyện một ngày của Cụ bà 100 tuổi


Ngày đầu năm bốn số một, 1 tháng 1 năm 11 (2011) phái viên Việt Báo đã căn thêm giờ có sáu con số một (11 giờ 11 phút 11 giây) để bước vào căn chung cư trên lầu 1 ở mặt tiền trên đường SouthKing, San Jose. Đúng ngày giờ nơi chốn cộng lại thành... 11 con số 1, nữ tác giả Trùng Quang cười vui ngắm hoa rồi đọc thiệp mừng. Cụ bà 100 tuổi đọc không mang kiếng lão. Cùng có mặt lúc đó là chị Ngọc An, một nhà thơ nữ ở San Jose và cô Tường Vân, người từ 5 năm qua chăm sóc sức khỏe và miếng ăn giấc ngủ cho cụ do sở xã Hội trả lương.

Theo cô Tường Vân thì cụ bà Trùng Quang sống rất đơn giản và có tinh thần tự lập. Cụ thức dậy từ 8:00AM và tập thể dục hít thở lối 30 phút; sau đó cụ ăn sáng thường là cháo nấu từ các loại đậu. Món ăn mà cụ thích nhất là thịt kho hơi ngọt một chút. Sau khi ăn sáng xong, cụ đi tắm và tiếp theo ngồi vào bàn viết để sáng tác. Cụ sắp xếp các bản nháp rất ngăn nắp và những gì cần làm tiếp thì cụ ghi nốt rồi ghim treo lên tường phía bàn viết của cụ. Cụ bà Trùng Quang ăn trưa đều đặn 3 chén cơm vào lúc 12:30PM, sau đó là đứng vào chiếc xe guồng loại dành cho người già tập đi để di chuyển lui tới trongnhà cho khỏe chân. Đây là cách cụ tập thể dục. Đến 2:00PM thì cụ ngủ trưa cho đến 4:00PM chiều mới thức dậy và lại ngồi vào bàn viết để sáng tác văn, thơ. Khoảng 6:00PM thì cụ coi TV, đọc báo chí bằng Anh ngữ và nghe Radio các chương trình tiếng Anh để trau dồi Anh ngữ.

Cô Tường Vân nói rằng, khi căn nhà của cụ cần sửa chữa gì thì cụ tự gọi người Mỹ Quản Lý lên và cụ trao đổi thẳng bằng tiếng Anh rất lưu loát. Lúc cụ học tiếng Anh, cụ cũng bắt cô phải nói tiếng Anh, không nói bằng tiếng Việt. Cụ bà Trùng Quang còn dạy cho cô Tường Vân những danh từ tiếng lóng (Slang) trong tiếng Mỹ. Cô vừa nói chuyện vừa đan len và đưa ra khoe chiếc hài len vừa đan được theo cách truyền nghề của cụ bà 100 tuổi dạy cô.

Cụ bà Trùng Quang ăn tối vào lúc 8:00PM, rồi nghỉ ngơi xem Tivi, nghe ca nhạc lối một tiếng đồng hồ; sau đó cụ tắm rửa thay đồ sạch đẹp cho giấc ngủ tối, theo Tường Vân nói, cụ thường làm việc khuya và đi ngủ lúc 12:00AM tức Giờ nửa đêm. Cũng có khi cô nghe cụ ngâm thơ, đôi khi ngẫu hứng cụ cũng hát vài câu tân nhạc! Cô cho biết có hai nữ sĩ bạn thơ thường gọi điện thoại hay gởi thơ qua lại với cụ là nữ sĩ Tuệ Nga và nữ sĩ Cao Mỵ Nhân.

Nhắc tới thơ, cô Tường Vân nói: "Cụ làm Thơ Bẩy Bước đi cụ!" Cụ bà lắc đầu từ chối. Hỏi Thơ Bẩy Bước là sao, cô kể hai năm trước cụ Thi sĩ Hà Thượng Nhân còn khỏe đã đến thăm cụ bà. Hai vị thi nhau đềthơ. Một cụ đi 7 bước thì cụ kia phải xong một câu thơ. Hai lão ông lão bà thi sĩ cười vui như trẻ thơ. Nay cụ Hà cũng già yếu không đến được nên cụ bà cũng buồn.


Nhà thơ Ngọc An, cô Tuờng Vân và Hạnh Dương chúc cụ sống lâu. Tường Vân nói "Chúc cụ bà sống đến 120 tuổi!"; nhưng cụ bà nói "Không, phải sống tới 150 tuổi!". Cụ cười ngặt nghẽo và thêm "Phải sống tới 150 tuổi để nhận thêm hoa và thiệp củaViệt Báo!" Đi đến thăm cụ có cháu trai là Dương Tâm Anh. Cách đây 9 năm, Anh Dương mới 5 tuổi đã cùng ba "hộ tống" cụ Trùng Quang từ San Jose bay về Nam Cali dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ. Nay cháu đã hơn 14 tuổi, cụ vẫn nhớ ra và nhớ cả tên.

Cụ bà Trùng Quang rất vui vẻ tinh tế, sâu sắc trong ngày kỷ niệm 100 tuổi. Cụ nói "Tôi là người cầm bút lớn tuổi nhất ở xứ nầy!" Hạnh Dương bổ túc, "Cụ bà Trùng Quang là nhà văn, nhà thơ đệ nhất cao niên trong toàn thể người Việt khắp thế giới mọi thời đại tính cho đến hôm nay".

Cô Tường Vân hỏi bí quyết sống thọ, Cụ nói: "Trong lòng không giận hờn ai, không tỵ hiềm cay ghét ai... lúc nào cũng vui với hoàn cảnh, thảnh thơi trong tâm hồn, cố gắng học tập, làm điều phải giúp ích cho mọi người nên không ân hận, không âu lo thì sẽ sống lâu!". (Hạnh Dương, San Jose)

Một lần nữa, mừng sinh nhật tác giảTrùng Quang tròn tuổi 100, Việt Báo kính chúc bà năm mới Tân Mão an vui, thập niên mới luôn tinh tường, viết khoẻ, sống khoẻ.


Bà Trùng Quang:
Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ



6-content
Bà Trùng Quang và cô Tường Vân, nhân viên Sở Xã Hội, chăm sóc cụ bà 5 năm qua, kể chuyện về đệ nhất tác giả cao niên gốc Việt.

Trích bài viết chỉ rõ sự thật của chiến dịch hồi hương Hoa kiều ở miền Nam cuối 1970’: Công khai đưa đón, vơ vét. Mỗi giấy quốc tịch Tàu bán 15 cây,..

Photo: Hạnh Dương

Năm 1979, sau khi “hoàn thành xuất sắc” các đợt đổi tiền, đánh tư sản mại bản, tịch thu tài sản tài phiệt người Hoa... nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra đòn vơ vét mới: loan báo cho phép những người mang quốc tịch Trung Hoa “hồi hương”.

Thực chất của “chiến dịch Hoa Kiều Hồi Hương” có nghĩa là tịch thu toàn bộ tài sản rồi trục xuất bằng cách cho lên tầu ra khỏi hải phận, sau đó thì sống chết mặc bay. Chỉ khác một điều, kẻ muốn được trục xuất sau khi ký giấy kê khai, cống nạp hết tài sản còn phải hối lộ để được làm giấy tờ, nạp mãi lộ để được cho lên tầu tống xuất. Nghe nói đây là một chiến dịch toàn quốc, do chính Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng nội vụ CSVN thời ấy là Phạm Hùng trực tiếp điều hành.

Với chiến dịch được khoa trương là “chính sách nhân đạo” này, các “cơ quan chức năng” trên cả nước mặc sức hái ra tiền bằng dịch vụ bán... quốc tịch Tầu, đăng ký và tổ chức hồi hương.

Người Việt muốn mang quốc tịch Trung Hoa phải trả từ 12 đến 15 lạng vàng một nhân xuất thì được cấp thẻ căn cước mang tên Tàu để đăng ký hồi hương. Một gia đình hồi hương, trước hết là phải nạp nhà cửa, đất đai. Số vàng kể trên, nhà nước chính thức thu một phần, còn lại để cho các quan công an địa phương một phần và chủ tàu lo toan mọi việc và đối đãi với công an địa phương.


Mua giấy Hoa Kiều, ra đi

Sau bốn năm sống dưới thứ quyền hành chuyên chế mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, gia đình tôi như bao người khác, hiểu rõ chỉ còn cách ra đi.Đành là mất tất cả sản nghiệp để đổi lấy tự do. Chạy vạy bán đồ đạc lo đủ số vàng cho “tổ chức” để lấy đủ giấy tờ mang quốc tịch Tàu!

Vào một buổi sáng sớm đầu tháng Năm âm lịch, gia đình tôi gồm 5 người, em dâu, em gái, tôi và hai cháu nhỏ 6 và 5 tuổi (em trai và em rể đã di tản từ năm 1975, hiện ở Mỹ) rời bỏ căn nhà riêng và cũng là tư xưởng (tôi làm tiểu công nghệ, nhà ở đồng thời là cơ sở khá rộng) ra đi lúc vừa tan giờ giới nghiêm.

Tôi đi xe gắn máy, hai em và hai cháu có bạn thân chở giúp bằng xe Vespa. Hành trang chỉ có 3 chiếc tay nải đựng vài bộ áo quần và ít thuốc cần thiết cho trẻ con. Khóa trái cửa, rồ máy xe, tôi nhìn lại căn nhà do chính tôi xây dựng, rồi cúi đầu lên xe ra khỏi xóm.

Dù đi với diện "hồi hương", giấy tờ đầy đủ nhưng vẫn phải bí mật tuyệt đối. Khi đến bến xe đò, một người Tàu hướng dẫn nhóm tôi lên một xe vận tải sắt làm nhà, trong xe có 12 hành khách toàn là dân gốc Việt và 2 tài xế. Xe chạy đi Cà Mau.

Khi đến quận Cà Mau trình giấy, công an nói phải đợi có chuyến tàu mới đi được. Họ chỉ chúng tôi sang Hộ Phòng thuê một gian nhà tạm trú ít bữa. Cả gia đình tôi sang sông thuê một gian nhà nhỏ chờ đợi. Tại đây, chuyện công an tổ chức “hồi hương cho người Hoa” là chuyện công khai, có cả trăm gia đình hầu hết là người Việt ăn dầm nằm dề chờ đợi, ngày ngày phải chầu chực chờ lệnh công an.

Ba tuần trôi qua. Một tối công an đến báo ngày hôm sau được khởi hành. Sáng hôm sau, dưới trời mưa tầm tã, nhóm người Việt mang quốc tịch Tàu lên trên 3 chiếc xe đò đi Gành Hào để xuống tàu "hồi hương"!
Gành Hào lúc này đã biến thành cả một “cửa khẩu hồi hương”. Nơi nơi đông chen hầu hết là khách đi diện hồi hương từ mọi tỉnh đổ đến chờ ngày khởi hành.

Tới phiên chuyến chúng tôi ra đi, buổi chiều trời vẫn mưa u ám gió lạnh. Cả đoàn xếp hàng dài trên bờ sông để xuống thuyền. Chiếc tàu lớn 6 mã lực mang 200 người mở máy từ từ ra biển lúc xẩm tối. Hai bên bờ, đèn đã sáng trong làng xóm. Hai đứa trẻ ngây thơ nằm yên trong lòng mẹ. Em dâu và em gái tôi rưng rưng buồn bã. Còn tôi ngồi trong khoang tối nhìn ra ngoài cây, vườn, với ánh đèn thôn quê dần dần xa, lòng tan nát.

Ra tới biển, trời mưa nặng hạt, gió thổi mạnh, sóng lớn. Nhiều hành khách say sóng nằm ngổn ngang trên sàn thuyền. Bên cạnh thuyền có tàu biên phòng của công an theo sát. Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ “bảo vệ” thuyền nhân từ bến đến hải phận quốc tế, nhưng thấy gió bão quá lớn nên đã bỏ về vào lúc nửa đêm. Trước lúc bỏ về, có lệnh cho mọi người trên tầu gom góp tiền bạc tư trang còn lại để “tạ ơn các bộ đội biên phòng”.

Sau 2 đêm 1 ngày chống chọi với bão gió, thuyền lại phải quay về Gành Hào. Hai trăm con người trở về bến cũ với hình dạng tơi tả, thảm thương. Sau khi nhà chức trách kiểm điểm, mọi người tìm những gian nhà bỏ trống tạm trú. Không ai còn một xu nhỏ vì tối trước trên tàu đã thu góp tất cả mang tặng bộ đội. Các nạn nhân lũ lượt vào chợ bán rẻ những chiếc nhẫn kỷ niệm, chiếc lắc khắc tên người thân, sợi dây truyền đeo ảnh Phật… để lấy tiền độ nhật. Một đôi người vì cũng quẫn quá nên buồn rầu bỏ cuộc quay về.

Một tuần sau, chúng tôi lại xuống thuyền ra đi. Cũng gió bão ngất trời rồi trong 3 ngày liên tiếp, khi thuyền qua biển Thái Lan bị cướp 4 lần. Cướp biển, mặt vẽ xanh đỏ, có súng tiểu liên, bóc lột tàn tệ mọi người. Một số thiếu nữ bị hãm hiếp dã man.

Trong thuyền tiếng khóc uất ức vang dội như át cả tiếng sóng đang gầm thét dã man. Tất cả mọi người đều đau xót căm hờn, tâm thần như bại liệt trong hoàn cảnh phũ phàng. Thực phẩm hết, nước uống hạn chế, trẻ em đói khát nằm dài, những người mẹ rỏ từng giọt nước trên môi khô héo của con…

Đêm ngày thứ năm, thủy thủ trên thuyền reo lên: “Các cô, bác, ông bà yên lòng, chúng tôi đãtrông thấy ánh đèn của giàn khoan dầu rồi. Độ 2 giờ nữa sẽ tới nơi thôi” Nửa chết, nửa sống, mọi người trông về phía xa xa thấy có mờ mờ ánh sáng, đó là giàn khoan dầu ngoại quốc tại Mã Lai.

Hai cựu quân nhân VNCH gốc hải quân biết đôi chút ngoại ngữ đeo phao nhào xuống biển tìm cách liên lạc với giàn khoan dầu. Các anh trở về bằng ca nô của giàn khoan mang theo nhiều bình nước và mấy túi bánh mì và cho biết là thuyền phải rời xa giàn khoan độ nửa hải lý, sáng mai sẽ có tàu lớn đến tiếp cứu. Thế là chúng tôi có nước cầm hơi, các bà mẹ bẻ bánh mì nhúng nước lạnh bón cho các con nhỏ.

Sáng hôm sau nắng đẹp, trời xanh biếc, mặt biển vàng tươi ánh mặt trời nhưng sóng gió vẫnlớn. Độ 9 giờ, trên tàu xôn xao vui mừng vì nhìn thấy một chấm trắng từ phía xa tiến lại. Các bạn trẻ hét to: "Chuẩn bị, tàu cứu ta đã đến kia rồi". Khối trắng tiến gần, trên thuyền đã nhìn rõ lá cờ 3 sắc phấp phới "A, tàu Pháp!", họ hét vang vui vẻ. Hai thuyền nhân giỏi tiếng Pháp đeo phao vù xuống biển đến tàu liên lạc. Lát sau máy phóng thanh trên tàu gọi cho thuyền tiến đến cạnh tàu.

Trên tàu Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng) thả dây xuống buộc thuyền chúng tôi vào mạn tàu rồi cứ một lớp sóng đưa thuyền lên cao sát mạn tàu là một số thuyền nhân được nhân viên trên tàu kéo đỡ lên khoang. Khoảng sau 2 tiếng, công việc tiếp cứu đã xong. Gần 200 người tỵ nạn đã được an bình trong chiếc thủy đỉnh rộng lớn. Tất cả mọi người tắm bằng nước biển trên tàu rồi cứ mặc nguyên quần áo ướt ngồi phơi nắng gió cho khô.

Bữa ăn trưa hôm đó, người lớn được một khúc bánh mì kèm mứt ngọt. Trẻ em thêm vài bánh quy. Tối có thêm cháo, bánh mì dòn và phó mát.Đêm đến, trên boong tàu chúng tôi nằm ngồi ngổn ngang. Vừa tảng sáng máy phóng thanh rầm rã kêu gọi mọi người lên sàn tàu nghe thông điệp của Tổng Thống Pháp.

Máy phóng thanh vang vang tuyên bố là đêm qua, Tổng Thống Pháp quốc đánh điện cho các tàu Pháp vớt 1.500 người trên biển đông, và hỏi các thuyền nhân có ưng đi Pháp không. Tiếng hoan hô vang dậy, ai ai cũng đồng ý, thế là tàu trực chỉ hải cảng Singapore.

. . .

I love America

Sáng sáng, em tôi đi làm, cháu trai vào tiểu học. Tôi và em dâu thi vào Evergreen Valley College. Em học lớp trên, tôi học lớp cuối. Em có học bổng (Scholarship), còn tôi thì không, chỉ lấy có 4 units. Tôi rất ngỡ ngàng vì mỗi khóa học đều có thanh tra đến phát giấy cho học trò phê bình hạnh kiểm của cô, thầy giáo. Trong khi thanh tra đến, thầy giáo phải ra ngoài để học trò tự nhiên viết lời phê bình lên giấy. Có một câu hỏi tôi nhớrõ: “Đối với học trò thầy cô có hòa nhã, lễ độ không"” đó là cách thực thi dân quyền, dân ý của nước dân chủ tự do.

...Năm thi quốc tịch tại San Jose, khảo thí viên, một ông Mỹ trắng, hỏi tôi trên 20 câu phần chính về lịch sử từ khi lập quốc, rồi hành pháp, tư pháp, thượng viện, hạ viện, dân biểu, nghị sĩ, và hỏi tôi có bị tù không… Câu cuối cùng, ông ta hỏi: "Tại sao bà muốn làm công dân Mỹ""

Tôi đáp: "Bởi vì nước Mỹ là nước có Tự Do,Dân Chủ". Ông khảo thí đưa bút và giấy bảo tôiviết. Ông đọc: "I love America". Khi tôi viết xong, ông ta nhìn tôi mỉm cười: “Rất tốt, bà đã đỗ” (Very good. You have passed).

Sau khi ký các giấy tờ thường lệ và viết tên vào văn bằng công dân Mỹ, tôi chào ông và nói: “Tôi nhớ ơn Mỹ quốc, xin cảm ơn ông!” I am grateful to America. Thank you!


TRÙNG QUANG
Có thể đọc toàn bài trong Vietbao.com, hoặc trong trong Viết Về Về Nước Mỹ, tuyển tập III.


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.