Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Cớm, Libăng Và Nội Chiến Mới

21/02/200600:00:00(Xem: 5835)
(Tiếp theo... và hết)
Ông Kennedy không phải là người cựu cảnh sát duy nhất lên tiếng chỉ trích chính sách của lực lượng cảnh sát hiện nay. Ông Tim Priest, người đã từng thổi còi báo động trước đây về sự thoái hóa của cảnh sát, cũng cho rằng ủy Ban Hoàng Gia Wood nhằm bài trừ nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát trong thời gian từ 1994-1998 thực ra đã tạo sự nguy hiểm cực kỳ cho công việc bảo vệ an ninh công cộng. Theo ông Priest thì những cải tổ được thực hiện dưới thời tổng tư lệnh Peter Ryan có nghĩa là hệ thống tình báo về tội phạm đang hiện hữu lúc ấy bị hủy diệt trong chớp mắt, và đấy là “một sự việc hoàn toàn trái ngược hẳn với tất cả mọi lề lối thông dụng của thế giới Tây Phương trong việc cảnh sát trị an”. Và chuyện này xảy ra trong thời mà các băng đảng tội phạm Trung đông bắt đầu bộc phát, những băng đảng mà ông Priest cho là bạo động hung hãn hơn các băng đảng khác.
Mặc dù ông Priest và ông Kennedy không cùng quan niệm về vấn đề này cũng như về một số vấn đề liên hệ khác, nhưng cả hai người cùng quy trách nhiệm của những vụ rối loạn bạo động trong vài tháng qua lên những đổi thay về phương pháp cảnh sát trị an. Ông Priest tuyên bố: “Theo sự tiên đoán của tôi thì chỉ trong vòng 10 năm nữa, tại khu vực Tây Nam Sydney sẽ có nhiều vùng cấm địa (no-go areas) cho cảnh sát, tương tự như ở Ba Lê vậy. Đã có hàng trăm vụ việc mà cảnh sát đã thối lui trước bọn du côn du đãng Trung đông và không có một hành động gì cả, và cho phép những vụ việc này xảy ra mà (thủ phạm) không bị trừng trị. Tôi muốn nhấn mạnh về những áp lực kinh khủng mà giới chính trị gia địa phương cùng với lãnh đạo tôn giáo đã áp đặt để che đậy sự thật ở vùng Tây Nam Sydney”.
Chuyện này bắt đầu 30 năm về trước. Khi chính phủ liên bang của ông Malcolm Fraser mới tròn 6 tháng, vào khoảng đầu năm 1976, thì nhiều buổi họp đã được tổ chức tại văn phòng ở Sydney và Melbourne của tổng trưởng di trú lúc ấy là ông Michael MacKellar. Mục đích của những buổi họp với giới đại diện của cộng đồng Li-Băng là để xác định xem chính phủ Úc có thể làm gì để giúp đỡ cho nạn nhân của cuộc nội chiến khốc liệt đang xâu xé Li-Băng lúc bấy giờ. Những buổi họp này đã mang đến nhiều hậu quả cho xã hội Úc sau này. Từ những buổi họp này, một chương trình mới được đề ra, sau này được biết đến với danh xưng “Sự Nhân Nhượng Li-Băng” (Lebanese Concession). Chiếu theo chương trình này thì hàng chục ngàn người từ Li-Băng được phép nhập cảnh và định cư tại Úc mà không cần phải đáp ứng rất những điều kiện quan yếu theo quy định thời bấy giờ.
Đấy là một chương trình định cư nhân đạo. Ông Mackellar nói: “Cho dù người ta có ý kiến như thế nào về ông Fraser đi nữa, nhưng phải công nhận một điều rằng ông là một người rất nhân đạo đối với người tÿ nạn”. Tuy nhiên, lúc ấy cũng có một lý do thuần túy chính trị nữa. Chính phủ Fraser lúc ấy đã khá hoảng hốt khi khám phá được rằng cựu thủ tướng Gough Whitlam và tổng trưởng di trú của ông là ông Al Grassby, đã nắm giữ được một cách khá vững chắc sự yểm trợ của đông đảo người di dân mới đến Úc.
Lúc ấy, chính phủ Fraser cũng đang chuẩn bị để thành lập cơ quan truyền thông SBS, một mạng lưới truyền thanh và truyền hình quốc gia mà họ hy vọng sẽ giúp cho chính phủ giật lại được phiếu của cử tri gốc di dân từ tay Lao động.
Chương trình định cư “Sự Nhân Nhượng Li-Băng” gặp nhiều trở ngại từ buổi đầu. Trước hết, Úc phải đóng cửa tòa đại sứ ở Li-Băng, dời sang Cyprus và Syria. Và điều này có nghĩa là một chương trình di dân quan trọng đặc biệt (one-off) hàng đầu của Úc lại bị giao phó cho quân đội của Syria, vì họ có toàn quyền quyết định về việc di chuyển, nhập cảnh xuất cảnh của dân chúng Li-Băng lúc bấy giờ. Những trạm gác, đồn canh mà quân đội Syria thiết lập đưa đến việc giáo dân Hồi Giáo có thể xuyên biên giới dễ dàng trong lúc giáo dân Ki-tô giáo thường khó có lối ra. Và những băng đảng tội phạm cùng với tiền hối lộ đút lót thường dễ thuyết phục lính canh đồn hơn là những người tÿ nạn thực thụ, mình trần thân trụi.
Những người tÿ nạn chiến tranh ở Li-Băng vốn đã phải hứng chịu cuộc sống khắc nghiệt khổ ải của cuộc nội chiến lại còn phải trải qua nhiều gian nan nguy hiểm khác, chẳng hạn như nguy cơ bị bọn lính canh độc ác, say sưa bắn chết, hoặc phải vượt qua thung lũng Bekaa hiểm nghèo đầy dẫy đạo tặc cướp bóc.
Hậu quả của các trở ngại này là việc những người tÿ nạn được định cư tại Úc qua chương trình này gần như thuần túy là giáo dân Hồi Giáo, mặc dù điều kiện đòi hỏi một sự cân bằng trong việc chọn lựa người tÿ nạn. Đây là một trong những điều kiện đầu tiên bị hủy bỏ. Điều kiện thứ nhì là ngôn ngữ - phần lớn các chương trình định cư di dân đều đòi hỏi một trình độ Anh ngữ tối thiểu nào đó. Thế nhưng vì tính nhân đạo của chương trình này nên điều kiện ngôn ngữ cũng được dẹp qua bên. Vì thế, một nhóm khá đông người tÿ nạn không nói được tiếng Anh bỗng nhiên đến Úc ồ ạt (và phần lớn định cư tại Sydney) và cùng định cư trong cùng một khu vực ở Tây Nam Sydney để rồi họ không thể hội nhập được.
Thêm vào đó, điều kiện căn bản thứ ba của chương trình di trú - một khả năng chuyên môn nào đó - cũng bị xếp xó. Nhân viên bộ Di Trú thời bấy giờ, nay tiết lộ rằng chương trình này nhanh chóng bị bóp méo, lợi dụng và quá trình (duyệt xét) đầy dẫy sự hối lộ và giấy tờ giả - hoặc không có giấy tờ gì cả. Sự việc này, cộng thêm với tình trạng vô chính phủ ở Li-Băng lúc đó đã giúp cho nhiều tên tội phạm sừng sỏ dễ dàng lọt qua mạng lưới kiểm soát. Những tên này nhanh chóng tham gia vào các vụ làm ăn phạm pháp có tổ chức, đặc biệt là trong lãnh vực ma túy và đĩ điếm ở Kings Cross trong những thập niên 70 và 80.

Ông Clive Small từng nằm trong hàng ngũ sĩ quan cảnh sát cao cấp trong nhiều năm ở Sydney. Ông thẩm định tình hình các tổ chức tội phạm và lên tiếng báo động về sự phát triển của các băng đảng từ nhiều vùng khác nhau, kể cả từ Trung Đông (đặc biệt là từ Li-Băng), từ các quốc gia thuộc Nga Sô trước đó, từ Lỗ Ma Ni và từ Nam Mỹ (đặc biệt là từ Columbia). Hoạt động của những nhóm này bao gồm âm mưu lường gạt ngân hàng với tầm vóc lớn, rửa tiền, các sinh hoạt chợ đen, buôn bán vũ khí và kỹ thuật quân sự, đĩ điếm và tống tiền. Chúng cũng xâm nhập vào một số băng đảng xe gắn máy.
Ông Fraser cho phóng viên của Bulletin biết ông không hề hối tiếc gì cả. Ông nói: “Tôi không nhớ ASIO hoặc bất kỳ một ai khác đã lên tiếng cảnh cáo rằng họ là những nguy cơ về trị an”. Ông nhấn mạnh rằng có một điểm mà mọi người cần suy xét thật kỹ: rất nhiều những vấn nạn xã hội gần đây không phải do những người di dân ấy gây nên mà do con em của họ gây nên. Ông nói: “Có chuyện gì đó xảy ra sau khi bọn trẻ được sanh ra ở Úc. Một lý do có thể là vì chúng cảm thấy bị cô lập khỏi cộng đồng của chúng ở Úc”.
Ông Fraser cũng khuyên mọi người nên nhìn vụ nổi loạn ở Cronulla một cách tận tường hơn. Ông cho biết khi ông còn là tổng trưởng giáo dục thì ông nhận được vô số thư từ than phiền về các hoạt động của sinh viên Á Châu (du học tại Úc). Thế nhưng, những mối lo ngại này rồi cũng trôi đi. Ông nói: “Những hành động kỳ thị thực thụ là phản ứng của 5,000 người (gây rối) và việc chuyên chĩa mũi dùi vào người gốc Li-Băng vẫn không thể nào che giấu được bệnh hoạn đáng nhờm tởm mà những người gây rối đã thể hiện qua hành động của họ”.
Ông Mackellar cho rằng sự căng thẳng gần đây giữa các băng đảng Li-Băng và những băng khác có lẽ bắt nguồn từ sự khủng hoảng ở Trung đông. Chính sự khủng hoảng này đã làm tăng cường độ “tranh luận” giữa những người Hồi Giáo và những người không theo đạo Hồi. Ông nói: “Tôi cho rằng chuyện này đã ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của các thanh niên Hồi giáo nóng nảy. Tôi có thể thông cảm được việc những thanh niên Hồi Giáo cho rằng đồng đạo của họ đang bị áp bức”.
Rõ ràng là cộng đồng Li-Băng ở Sydney cảm thấy mình bị đóng dấu. Tại thánh đường Lakemba, sau khi cầu kinh cùng với hơn 150 nam tín đồ thì giáo sĩ Sheik Shady Suleiman nói về sự bất mãn, bực dọc của cộng đồng ông theo sau vụ tấn công 11/9, vụ công chúng phẫn nộ vì băng quỷ râu xanh gốc Li-Băng năm 2001 cũng như việc cộng đồng ả Rập bị bêu riếu trong vụ khủng hoảng tàu Tampa. Cộng đồng của ông cảm thấy bị giới truyền thông - vốn thường bêu riếu (stereotype) người gốc Li-Băng - “chĩa mũi dùi tấn công”. Ông nói: “Quả thật rất khó chịu. Theo phương cách loan tin của giới truyền thông, dường như tất cả mọi người Li-Băng đều hiếp dâm cả”.
Thế nhưng, không phải mọi người Li Băng đều tuân thủ theo lời dạy của đấng Allah để tha thứ cho những kẻ xúc phạm mình cả - chỉ có khoảng 1/3 trong số 120,000 người Li-Băng ở Sydney là tín đồ Hồi Giáo. Anh Mohamed El-Chami 29 tuổi, thường khuyên giải và cố vấn tôn giáo cho những thanh niên “gặp khó khăn”. Anh cũng thừa nhận rằng họ có khuynh hướng theo tập tục báo thù rửa hận. Anh nói: “Những người có nguồn gốc Trung đông có thể rất nóng máu. Họ hay nổi giận nhanh chóng, và đấy là một điều xấu”.
Anh cũng cho biết thêm rằng sự bực dọc vì không có cơ hội tiến thân là nguyên nhân chính. Anh nói: “90% những tên gây rối không hề đến thánh đường. Họ không có gì để làm hết và vì thế, thường có khuynh hướng du côn gây rối phá làng phá xóm”.
Ông Michael Kennedy không hề ngạc nhiên khi thấy những tên du côn ùa đến gieo khủng hoảng tại những vùng ngoại ô ven biển Sydney sau vụ bạo động đầy tính kỳ thị ở Cronulla hồi tháng Mười Hai vừa qua. Theo ông thì những kẻ cố tìm cách “đục thằng Li Băng” đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng những người Li Băng “sẽ ngoan ngoãn chui vào trong góc hộp của họ. Những kẻ này không hề ngờ được rằng anh Abdul sẽ cầm cây gậy khúc côn cầu nhảy lên và nói “tụi bây muốn chiến tranh hả" tốt thôi”.
Thanh niên và đàn ông gốc Li Băng từ nhiều năm qua vẫn thường xuyên lai vãng vùng biển Cronulla. Những hình ảnh tiêu biểu bêu riếu thường cho rằng họ dồn đống vào những chiếc xe nhỏ, như Subaru và Honda, vặn nhạc hip-hop ầm ĩ và lái xe vòng vòng tìm chỗ gây sự phá quấy. Họ đổ xô về từ những vùng ngoại ô như Bankstown và Lakemba.
Cư dân ở Cronulla từ lâu đã than phiền rằng thanh niên Li-Băng chọc ghẹo phụ nữ, dọa nạt nam giới và chuyên gây sự. Họ cho rằng cảnh sát - vốn giảm thiểu tài nguyên cho khu vực này trong thập niên 90 - thường ít khi nào can thiệp vào những vụ xách nhiễu quấy rối cả. Cuộc nổi loạn ở Cronulla bộc phát sau khi hai người gác biển bị đánh gục một tuần trước đó.
Xác định được nguồn gốc chính xác của những vụ bạo động gần đây cũng khó như xác định phương pháp giải quyết chúng. Có thể nguồn gốc từ sau khi hai tay gác biển bị đánh. Cũng có thể là từ khi đồn cảnh sát bị bắn năm 1998. Cũng có thể là từ những buổi hội họp năm 1976 và quyết định mở rộng cửa đón nhận một luồng sóng người từ Li-Băng vốn đã phải vất vả trong khó khăn ngay từ phút ban đầu. Còn các giải pháp thì vẫn còn bị trò chơi chính trị phủ che kín mít.
Ông Kenney kết luận: “Vấn nạn này rất phức tạp. Thế nhưng, đối với các tay chính trị gia thì họ không thèm đếm xỉa đến, không cần phân biệt giữa sự thật và những việc không thật. Tất cả đối với họ chỉ là những kết quả của các cuộc thăm dò dân ý mà thôi”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.