Hôm nay,  

Bình Thuận Ba Trăm Năm Xưa Qua ‘đại Nam Nhất Thống Chí’

18/02/200600:00:00(Xem: 6238)
- Sau cuộc nam chinh của Lê Thánh Tôn Đại đế, vào năm Canh Dần (1470), Chiêm Thành trở nên suy yếu, vì lãnh thổ chỉ còn lại có Châu Panduranga, từ bờ nam sông Phan Lang vào tới tỉnh Bình Tuy ngày nay.

Tháng 8 năm Nhâm Thân (1692), Chiêm Vương là Bà Tranh lại tấn công Dinh Bình Khang nên bị Lệ Tài thần Nguyễn hửu Kính đánh đuổi. Chiêm Việt đã giao tranh ác liệt tại trường thành Sông Luỹ, nay thuộc quận Hòa Đa (Bình Thuận), nhưng cuối cùng đã bị Đại Việt đánh bại. Nhà vua và hoàng gia bị bắt, châu Panduranga được Chúa Nguyễn phúc Chu đổi là Thuận Thành Trấn năm 1693.

Tuy vậy loạn lạc vẫn triền miên trên vùng đất mới này, du lúc đó Chúa Nguyễn đã khôn khéo, bổ dụng con cháu Bà Tranh, giữ các chức Khám Ký,Đề đốc, Đề lãnh., là những địa vị cao nhất trong châu, với mục đích .để người Chiêm tự cai tri dân mình. Thế nhưng chính sách vổ về trên vẫn vô hiệu và không dập tắt nổi các biến cố chính trị triền miên, vì vậy năm 1697 Chúa Nguyễn bải bỏ Thuận Trấn và thành lập Dinh Bình Thuận.

Như vậy tính đển nay, quê hương miền biển mặn đã có trên ba trăm tuổi Tuy nhiên nhìn lại lịch sử, ta thấy Bình Thuận không được may mắn và hạnh phúc như cái tên hiền hòa mà tiền nhân đã khéo ban cho, vì gần như trong suốt ba thế kỷ qua, miền này luôn thay ngôi đổi chủ, lãnh thổ có lúc bao la bát ngát rộng nhất nước, trong thời Pháp thuộc, vì bao gồm một phần tỉnh Darlac, Quảng Đức,Tuyên Đức, Lâm Đồng, phía nam Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy ngày nay. Thời VNCH, Bình Thuận bị chia cắt và lãnh thổ thu gọn, chỉ còn lại tư, mũi Cà Ná tới mũi Kê Gà. Thậm chí, cái tên được tiền nhân đặt cho từ ba trăm năm trước, cũng bị thực dân đỏ (VC), xóa mất trên bản đồ VN, từ năm 1976 cho tới tháng 12-1991. Sau đó tới ngày nay, nhờ âm đức của Nam Hải Đại Tướng Quân và hồn linh của nam nữ anh hùng nước Việt trong tỉnh, nên xui khiến bạo quyền cọng sản, đã phục hồi lại cái tên cũ 'Bình Thuận'.

Nhưng dù có sao dời vật đổi, người và đất Bình Thuận vẫn luôn gắn bó và không bao giờ quên trong tâm khảm hai, tiếng Bình Thuận mà mẹ cha đã ban cho từ phút chào đời. Tuy nhiên dù là người được sinh và lớn lên trên quê hương mình nhưng khi tìm tung tích của vùng đất tổ, cũng cãm thấy thật nhiêu khê, bởi chưng phần lớn sử liệu gần như bị thất lạc trong chiến tranh. Cũng may hiện nay còn sót lại ít sách quý có liên quan tới Bình Thuận như 238 tập Địa bạ mang ký hiệu lưu trữ là DT2 do quan Hộ Bộ là Đào Tri Phú lập ra trong khi thừa lệnh Vua Minh Mạng, làm chuyện đạc điền tại điạ phương vào năm 1836. Ngoài ra còn có bộ Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang nhưng có lẽ đầy đủ và quý báu nhất vẫn là bộ Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc sử Quán Triều Nguyễn biên soạn.

Hỡi ôi, lúc trẻ thì bỏ xứ mà đi vì chiến chinh và loạn lạc, nay muốn quay về nương đất củ, chợt thấy mình nào khác Hạ Trí Chương ngày xưa bao nhiêu năm trôi nổi quê người, cuối đời trở lại cố hương, để ngậm ngùi trong cảnh:

"..Thiếu tiển ly gia lão đại hồi.

hương âm vô cải mấn mao tồi

mục đồng tương kiến bất tương thức

tiếu vấn khách tòng hề xứ lai""

1-ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ:

Theo nhà Bác học đầu tiên của VN là Lê Quý Đôn thì vào năm 1172 đời vua Lý Anh Tôn, nước ta đã có một quyển địa lý đầu tiên mang tên "Nam Bắc phiên giới địa đồ". Sau đó vào năm 1435 đời vua Lê thái Tôn, Nguyễn Trãi soạn Ức Trai Dư địa chí, được triều đình công nhận khắc in vào Bộ Quốc thư bảo huấn đại toàn..

Như vậy trên lãnh vực sử địa, coi như quyển Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi là quyển Địa Lý học cổ nhất còn truyền lại đến ngày nay. Năm Hồng Đưc thứ 21, Vua Lê Thánh Tôn, làm sách Thiên Hạ Bản Đồ. Tài liệu này đến thế kỷ thứ XVII được nhà Hậu Lê căn cứ vào đó mà soạn ra Hồng Đức bản đồ có đính thêm bản đồ cuộc nam chinh của Chúa Trịnh Sâm tại Thuận Quảng vào năm 1774..

Đến đời vua Lê Dụ Tôn đầu thế kỷ XVIII, Chuá Trịnh Cương sai phân định lại ranh giới các tỉnh rồi căn cứ vào đó mà làm sách Tân định bản đồ, sau đó Dương Nhữ Ngọc, người Gia Lâm, đời vua Lê hiển Tôn viết quyển Địa lý VN gọi là Thiên Nam lộ đồ thư. Sau này vào cuối thế kỷ XVIII, Ngô thì Sĩ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn tôn Quãi..căn cứ vào Dư địa chí của Nguyễn Trãi để soạn Nam quốc Vũ Cống.

Triều Tây Sơn, đời vua Cảnh Thịnh tuy ngắn ngũi nhưng lại có nhiều sách địa lý học được hoàn thành như Cảnh Thịnh tân đồ, Cao Bằng phủ toàn đồ, Mục Mã trấn doanh đồ.

Năm 1802 vua Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà sai sử gia Lê Quang Định soạn Bộ Nhất thống dư địa chí. Triều vua Minh Mạng, Phan huy Chú soạn Dư địa chí là một phần quan trong sau này của bộ Lịch trình hiến chuơng loại chí. Năm 1841 vua Thiệu Trị hoàn thành Đại Nam Thống Chí và đến đời vua Tự Đức, Bộ Địa lý học vĩ đại trên của nước ta được các sử gia đại thần trong Quốc Sử Quán nhuận sắc hợp soạn làm thành BỘ ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ còn lưu truyền tới ngày nay. Tuy nhiên cũng cần xác định là Bộ Sách lưu truyền hôm nay về sau được bổ khuyết thêm nhiều vào năm 1886, dời vua Đồng Khánh, do Hoàng Hữu Xứng với bộ Đại Nam quốc cương giới và Đồng Khánh địa dư chí. Năm 1909 đời Duy Tân thứ 3, lại biên soạn Đại Nam nhất thống chí mới, dành riêng các tỉnh Trung Kỳ, lúc đó là Hoàng triều cương thổ.

Tóm lại theo nhận xét của các sử gia ngày nay, thì trong kho tàng các sách sử địa cổ của nước ta, chỉ có bộ Đại Nam Nhất thống chí, được soạn thời vua Tự Đức, trong đó quyển 3 có một chương, nói về tỉnh Bình Thuận, được cac nhà biên khảo đánh giá là đầy đủ và khoa học, so với các quyển địa lý khác. Ngoài ra tài liệu biên soạn, chẳng những chính xác, về phương diện địa lý mà còn bao gồm các phần sử học, chính trị, kinh tế, nhân vật chí, văn học nghệ thuật. Bộ sách trên, không những viết về VN, từ Lạng Sơn cho tới Hà Tiên, mà còn có cả các nước Phiên thuộc của VN lúc đó như Cao Miên, Ai Lao và Lân bang Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng.

Sau khi các sử gia hoàn thành xong Bộ sách vĩ đại trên, mới trình lên Vua Tự Đức duyệt xét, sửa chữa, cuối cùng mới được in ân, phát hành. Tiếp theo, sử quán nhà Nguyễn còn biên soạn thêm, một quyển Bổ Biên DNNTC, từ đó cho tới năm 1881. Quyển phụ lục này vừa hoàn thành thì xảy ra vụ Kinh thành binh biến ngày 5-7-1885 khi Tôn Thất Thuyết bất thần tấn công quân Pháp tại Huế, làm cho sách Bổ Bi6n bị thất lạc, do trên Bộ Đại Nam Nhất Thống Chí dời Tự Đức ngày nay phải thiếu một phần.

Đại Nam NTC đời vua Tự Đức là một bộ sách chép tay, không tựa, không đề ngày tháng và tên soạn giã. Sách viết bằng chữ Hán đã được Phạm trọng Điềm và Đào Duy Anh phiên dịch cũng như hiệu đính, ngoài ra trong khi đối chất về các sai lầm qua tên đất, làng, thổ sản..mà các sứ thần khi ghi chép đã không dùng chữ Việt, các dịch giả lại căn cứ vào các bộ Ô Châu cận lục, An Nam Chí nguyên, Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí..để đối chiếu và đính chính, nên có nhiều địa danh thật lạ, không biết đâu mà mò.

Là người Bình Thuận, ai cũng thương nhớ và yêu mến quê hương mình nhiều thêm, khi bước vào những trang sách của người xưa viết về miền biển mặn, một cách rõ ràng và đầy thú vị.

2-BÌNH THUẬN QUA ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ:

Miền này, xưa thuộc lãnh thổ của nước Phù Nam, nằm ngoài quận Nhật Nam, nguyên là một trong 15 bộ của nước Văn Lang, tiền thân VN ngày nay. Sau đó ,thuộc đất Chiêm Thành ,năm Nhâm thân, 1693 vua Chiêm là Bà Tranh bị Chưởng cơ Nguyễn hữu Kính đánh bại, Hiển Tông Hiến Minh hoàng đế Nguyễn phúc Chu lấy đất Chiêm Thành đổi thành Thuận Trấn. Năm Đinh sửu 1697 đặt Dinh Bình Thuận, lấy đất phía tây Phan Rang lập hai huyện Yên Phúc và Hoà Đa thuộc Dinh, ngoài ra còn thống thuộc 4 Đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma Ly và Phố Hải.

Đời Duệ Tông Hiếu định hoàng đế Nguyễn phúc Thuần vào năm 1773, Tây Sơn chiếm Bình Thuận nhưng tới năm Quý sửu 1793, Thế tổ Cao Hoàng Đế Nguyễn phúc Ánh lại khôi phục được đất cũ.

Căn cứ theo thiên văn, đất Bình Thuận thuộc khu vực sao Dực, sao Chẩn và sao Thuần Vĩ. Về địa giới phía đông giáp Huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp Huyện Tân Bình tỉnh Biên Hòa, phía đông sát biển, phía tây bao gồm các Man động, nằm cách Kinh thành Huế 1311 dặm.

Bình Thuận xưa có chiều dài hơn 400 dặm, phía bắc ven núi, phía nam sát biển, địa thế chật hẹp. Danh sơn có núi Mũi Diên, Hương Ấn, các sông lớn bao gồm sông Mai Nương, Kỳ Xuyên, Phố Hải, Phan Thiết. Về đường bộ có núi Ô Cam ngăn chận, về đường biển thì có Mũi Dinh. Phía tây bắc có lập đồn binh trên núi La Thô và Thị Linh để kiểm soát người Man qua lại. Phan Thiết, Phú Hài thuở đó cũng được coi là chốn đô hội nhỏ. Về khí hậu nóng nực, khô ráo, mưa nhiều về mùa hạ mùa thu. Vào mùa đông tiết trời hơi lạnh, tháng 3-4 có gió nam, tháng 8-9 có gió bấc,thường gây bão tố, nên tại đây đã phát sinh câu ngạn ngữ: "tháng chín thì nín bán buôn". Nghề nông một năm một vụ, bắt đầu gieo trồng vào cuối hạ đầu thu và gặt hái vào mùa đông.

*NÚI SÔNG TRONG TỈNH BÌNH THUẬN:

+ NÚI: Bình Thuận có nhiều núi sông như núi MŨI DIÊN còn gọi là Diên Chũy về phía đông nam Huyện Tuy Phong, chân núi có 9 khúc trông giống các ngón tay, núi nằm thọc ra biển, chia dòng nước thành hai hướng chảy xiết rất nguy hiểm cho ghe thuyền qua lại. Phía nam có đầm Vũng Diên, tàu thuyền có thể vào tránh gío. Được liệt vào hàng danh sơn, ghi vào điển thờ năm Tự Đức thứ 13. Núi TRÀ NA ở phía đông Huyện, bên đường Trạm, đỉnh núi nhọn như lưởi gươm. Núi Ô CAM ở phía đông nam huyện Tuy Phong, là chiến trường giữa quân của Chưởng cơ Tống phước Hòa (Đàng Trong) và Tây Sơn.

Chung quanh còn có nhiều núi như Trà Vân, La Bá, Cô Sơn, Phú Điền, Thuận Long, Tân Chỉnh, Điện Sơn, Chu Đế, Húc Lam, Tà Bôn, Lương Giang, Xích Sa đều thuộc huyện Tuy Phong. Núi HỎA DIỆM ở phiá bắc huyện gồm một rặng, bốn mùa nóng như thiêu đốt, làm cỏ cháy, đêm ngày rực sáng ánh lửa. Núi LAI SƠN về phiá tây huyện Yên Phước, không cao lắm, trên núi có nhiều cây du lai. Bao quanh núi còn có nhiều núi khác như Ỷ Sơn, Tô Mân, Nhĩ Sơn, Trường Sơn, Ông, Cháng, Khánh Nhân, Khan Dụ, Cà Cu.

Phiá bắc có đầm Hương Cựu và các núi Bình Thiên, Ni cô, Bà Tu, Dư Khánh, Mậu Trường, Bốc Liệt. Núi TÀ TRÚ ở phiá tây huyện, nơi phát nguồn sông Mai Nương. Núi HƯƠNG ẤN phía tây huyện Hòa Đa, có bệ đá thờ thần Dương Tu và phu nhân, quanh núi có ao cá, đầm sâu và hang đá. Núi Ỷ LA ở mặt sau tỉnh thành Bình Thuận lại có gò XÍCH THỔ, các ghe thuyền xuôi ngược từ Vị Nê đến La Gàn đều phải qua, bên núi có giếng Hàm Rồng, nước trong mà ngọt, từ thời Tự Đức thứ 12, đã có đồn binh đóng tại đây. Núi TĨNH HÀM trên có chùa Bàn Thạch. Núi TĨNH LÊ sát bãi biển trên núi có nhiều trái lê, trước kia có lập đài phong hỏa. Núi VỊ NÊ ở phía tạy nam huyện Hoà Đa, giữa động cát nổi lên thành ghềnh đá gọi là mũi VỊ NÊ, phía nam có vũng thuyền bè vào đậu tránh gió, phía đông có Hòn Lao lập điếm canh. Kế bên có các núi Tà Bông, Lô Tô, Mụ Đặng, Giảm Trạng, La Thô, Cà Tung..

Núi ĐÀN LINH ở thượng đạo Phú Hài huyện Tuy Lý. Núi PHỐ CHIÊM ở cực giới phía tây huyện, xung quanh có đồng bằng rộng, xưa là xứ Phố Chăm của người Man Đê Ba Vò.

Núi CẨM KÊ ở phiá nam huyện, kề biển, phía ngoài có hòn Kê Gà. Núi Long Thịnh ở phía tây huyện, thôn Long Thịnh gần có núi Tà Bôn. Núi VẬT THĂNG gần trạm, phía nam huyện, giữa Long Vĩnh và La Gàn, kế bãi biển. Tương truyền Phiên vương Thuận Trấn cứ 7 năm thì đến đây một lần để trai giới và cầu thọ. BA ĐỘNG nằm ở phía tây Trạm , động toàn cát trắng mênh mông vô tận, động thứ nhất cao 12 trượng 5 thước, động thứ hai cao 10 trượng và động thứ ba cao 7 trượng 5 thước.. Giữa có hai cái bầu nước ngọt, có miếu thờ.

Đảo THUẬN TỈNH nằm ngoài biển Tuy Phong, gồm 11 thôn có người ở đông đức, mỗi năm biệt cống thuế vải, trên đảo có thổ hào chỉ huy.. Đảo THIÊN Y còn gọi là đảo Bà nằm về phía đông huyện Tuy Lý, trên có miểu thờ tượng đá của Thiên Y thần bà.HÒN CHONG ngoài biển huyện Yên Phước. HÒN CAU cách bờ Long Vỉnh huyện Tuy Phong chừng 15 dặm. GHỀNH ĐÁ phía nam huyện Tuy Lý là nơi đường Trạm qua, sát biển thường bị trở ngại khi nước lên..

Ngoài ra khắp tỉnh còn có nhiều rừng như rừng TANG DU ở Yên Phước nhiều voi cọp, rừng BÒ ở Tuy Phong xưa là chỗ người Chàm nuôi bò. Ở Hoà Đa có rừng Bình Nhẫn nhiều thú dử nhất là cọp, về phía tây là rừng Nghi Trang có đường mòn di Dã Dương tới gò Ta Cai Gia riêng rừng KHE LỚN ở Tuy Lý đầy ác thú không ai dám bén mảng.

+ SÔNG NGÒI: Về các sông lớn có sông MAI NƯƠNG hay Phan Rang, Mai Lang ở phía bắc huyện Yên Phước từ trong Sách Man chảy ra, sau đó chia thành nhiều nhánh như Cai Gia, Tà Thang, Tà Na Sũng, rời hợp lưu với sông Ma Bố tại An Hoà chảy ra biển Phan Rang. Sông này cũng là ranh giới thiên nhiên, giữa hai châu Kauthara và Panduranga và là biên giới của Chiêm Thành cùng Đại Việt trước năm 1693.

SÔNG RÒN ở phiá nam Tuy Phong ra biển tại cửa Ròn. Sông LONG VĨNH phát nguồn từ Khe Cạn chảy ra cửa Long Vĩnh. Sông PHAN RÍ phía nam huyện Hoà Đa phát nguồn từ Man động, qua thành Lủy làm Sông Lũy rồi phân nhánh làm sông Kỳ Xuyên và chảy ra cửa Phan Rí. Sông này trước năm 1693 được vua Bà Tranh xây thành lủy nay dấu cũ vẫn còn. Trong chiến cuộc giữa chúa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, quân Tôn thất Hội của Chúa Nguyễn và quân cuả Lê Trung-Tây Sơn kịch chiến tại đây.

Sông PHỐ HÀI phía nam huyện Tuy Lý phát nguyên từ Mỹ Sơn Man động, chảy qua Tầm Hưng, Phú Long và ra cửa Phố Hải. Sông PHAN THIẾT từ Man động chảy qua Phú Hội qua cái tên là sông BÀO LÂN, tới thôn Phú Tài hợp lưu với một nhánh từ bến Bình Tân đến cầu Minh Lâm và chảy ra biển Đức Thắng, Phan Thiết.

Sông MA LÝ phát nguyên phía tây nam huyện có hợp lưu tại núi Tà Cú, rồi cùng chảy ra biển tại phường Tân Quý. Sông PHỐ CHIÊM ở cực giới tây bắc huyện, sau khi chảy qua huyện phân nhánh vào sông La Ngà ở Biên Hòa. Sông LA DI phát nguyên tại động Man xứ Bồn Bồn ra của La Di. Sông Phù Mi từ núi Phù Trì chảy ra Thắng Hải và cửa Phù Mi. Tóm lại các sông tại Bình thuận đều ngắn, ghe thuyền chỉ có thể đậu ở cửa sông vàm biển, không thể ngược lên thượng nguồn. Ngoài ta khắp tỉnh còn có nhiều hồ lớn như hồ Biển Lạc ở Võ Đắc,nhiều khe và bầu lớn như khe Kiên Kiền tại Yên Phước, khe Tà Lao ở Ma Lí, Khe nóng ở thượng đạo Ma Lí, Bầu Trằng tại Ba Động, Hồ Đá, hồ Đăng ở Tuy Lý.

* TỈNH THÀNH, PHỦ, HUYỆN:

+Tỉnh Thành Bình Thuận: Đắp bằng đất có chu vi 250 trượng, có 4 cửa, chung quanh là hào rộng 4 trượng. Thành ở xã Xuân An huyện Hòa Đa. Thành này được xây từ đời vua Gia Long ở xã Thanh Tu, đời vua Minh Mạng thứ 18, thành được đời về khu vực nằm giữa ba xã Đông An, Thụy Giang và Hòa An. Thành hiện tại xây đời vua Tự Đức thứ 12 và đến năm thứ 20 thì xong với bốn cửa thành có mái che.

+Thành Phủ Hàm Thuận: Có chu vi 72 trượng bằng đất, có hào chung quanh, mở 2 cửa. Phủ Hàm Thuận đóng tại thôn Phú Tài huyện Tuy Lý, được dời từ xã Xuân An , huyện Hòa Đa về đây từ năm Minh Mạng thứ 19.

+Lỵ sở Hòa Đa: Đóng tại thôn Xuân Hội từ năm Tự Đức 19.

+Thành phủ Ninh Thuận: Xây năm Minh Mạng thứ 11, tại thôn Kinh Dinh huyện Yên Phước, chu vi 72 trượng có hào bao quanh và Lỵ sở huyện Tuy Phong từ thôn Thái Hòa dời về thôn Vĩnh An năm thứ 16 đời vua Minh Mạng.

+ Các Đồn Ải Thời Nhà Nguyễn: Qua các danh xưng Bảo và Tấn, gồm có: Bảo THỊ LINH nằm dưới núi Phố Chiêm phía tây bắc huyện Tuy Lý. Vào năm Tự Đức thứ 10, Phan Trung khởi binh đánh Pháp đã đóng căn cứ tại đồn Giao Hoan trong bảo Thị Linh. Bảo ĐÀN LINH nằm ở thượng đạo Phố Hải. Năm Minh Mạng thứ 4 người Man Cam Tăng làm phản chiếm Bảo nhưng được trấn thủ Nguyễn văn Vĩnh lấy lại. Tại thành cũ ở Đông An và Thụy Giang, huyện Hòa Đa về sau được biến thành hai Bảo do lãnh binh trấn thủ.

Về Tấn có MA VẰN rộng 35 trượng phía đông nam huyện Yên Phước có thủ sở. Tấn PHAN RANG ở phía nam huyện rộng 5 trượng sâu 4 m. Tấn CÀ NÁ ở phía đông huyện Tuy Phong trên có đầm Chỏ chỗ đóng thủ sở, cạnh đó có các Tấn Vũng Dâm, Long Vĩnh nhưng qui mô hơn thì có Tấn PHAN RÍ phía nam huyện Hòa Đa rộng 5 trượng nhưng vào năm Tự Đức 15, tấn vỡ vì lụt sau đó mở rộng tới 75 trượng, sâu 5 thước. Tấn Phan Rí cũng là nơi đã xảy ra trận thủy chiến giữa Tôn thất Hội của chúa Nguyễn Ánh và đô đốc Hồ văn Chư nhà Tây Sơn. Còn Tấn Phú Hài phía đông huyện Tuy Lý, rộng 60 trượng 5 thước, từng là nơi Quản đạo đóng nhưng sau đời đi, chỉ còn đặt một Thủ ngự và một Hiệp thủ coi sóc an ninh và thuế má mà thôi. Tấn PHAN THIẾT phía nam huyện rộng 21 trượng, sâu 7 thước, ngoài biển có hòn Cô Dữ, phía tây có Thủ sở nguyên trước là Lỵ Sở. Đây là nơi từng xãy ra nhiều giao trnh giữa Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh trong thời trung hưng. Về phía nam còn có các Tấn MA LY, LA DI và PHÙ MY.

+ PHỦ HÀM THUẬN: Nằm về phía tây nam cách tỉnh thành 130 dặm, phiá đông giáp huyện Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận, phía tây đến địa giới huyện Phúc Bình tỉnh Biên Hòa, phía đông giáp biển, phía bắc tới động Man , đông tây cách nhau 278 dặm, nam bắc xa 45 dặm, lãnh hai huyện Hòa Đa và Tuy Lý.

+ PHỦ NINH THUẬN: Cách tỉnh thành 12 dặm về phía đông bắc, đông là biển, bắc giáp huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa, tây và nam giáp phủ Hàm Thuận, đông tây cách nhau 136 dặm, nam bắc xa 95 dặm, bao gồm hai huyện Yên Phước và Tuy Phong, nguyên là đất thuộc phủ Hàm Thuận được trích chia từ năm Minh Mạng thứ 13. Đời vua Đồng Khánh thứ 4 (1886) đổi thành Đạo Ninh Thuận nhập tỉnh Khánh Hòa nhưng huyện Tuy Phong vẫn thuộc Bình Thuận.

+ NHÀ TRẠM: Từ khi vua Gia Long nhất thống sơn hà, con đường thiên lý tức là quốc lộ 1 ngày nay đã được trùng tu, mở rộng, chạy suốt từ Aỉ Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu và trấn Hà Tiên. Tại Bình Thuận, triều đình đã thiết lập nhiều nhà tram để dịch chuyển công văn, thư từ và cũng là nơi nghỉ chân của các sai nha, quan lại, bưu trạm khi công tác.

Qua tài liệu, ta thấy có các trạm THUẬN LAI ở thôn Nhân Sơn huyện Yên Phước, trạm THUẬN MAI ở chợ Mai Nương và Đắc Nhân, trạm THUẬN TRÌNH ở thôn Đại Định, trạm THUẬN NƯƠNG ở thôn Cam Tỉnh huyện Tuy Phong, trạm THUẬN HẢO ở thôn Vĩnh Hảo, trạm THUẬN VÕNG ở xã Cao Hậu, trạm THUẬN PHÚ ở thôn Ninh Phú huyện Hòa Đa, trạm THUẬN ĐỘNG ở thôn Bình Nhân có đường rừng thông với 7 trường trầu không đầu núi, trạm THUẬN CƯƠNG ở thôn Long Sơn, trạm THUẬN TĨNH ở thôn Lạc Nghiệp, trạm THUẬN PHIÊN ở thôn Tân Phú huyện Tuy Lý, trạm THUẬN LÝ ở xã Toàn Thịnh, trạm THUẬN LÂM ở thôn Văn Kê, trạm THUẬN TRÌNH ở thôn Tân Hoàng, trạm THUẬN PHÚC ở phường Phúc Lộc và trạm THUẬN PHƯƠNG ở thôn Phúc Lộc nằm về cực nam nối với trạm Thuận Biên của tỉnh Biên Hòa. Cũng lưu ý là đường quan lộ củ chạy men theo bờ biển, con đường quốc lộ 1 thời pháp thuộc, khi tới ngã ba Bình Tuy thì bỏ đoạn đuờng củ từ La Di qua Phù My, Long Hải, Vũng Tàu..mà làm con đường mới xuyên rừng lá qua Long Khánh, Biên Hòa tới Sài Gòn như hiện nay.

3-NGƯỜI VÀ SINH HOẠT TẠI BÌNH THUẬN XƯA:

Theo thống kê năm Gia Long thứ 18, số đinh tại Bình Thuận là 9200 và tới thời Tự Đức tăng lên 13.163 người. Về thuế ruộng đất là 39.724 mẫu đóng 32.400 hộc thóc và 38.300 quan tiền với 685 lạng bạc. Về thổ sản thì có vải trắng, sắt chín, sáp ong, kỳ nam, trầm hương, cát lồi, dầu rái, quả nhãn, gổ cẳm văn, mun, cỏ san hô, bôn bôn, đệm trắng, thuận sâm, tầm gửi cây dâu, y di, muối, ngà voi, sừng tê, trâu rừng, anh vũ, chim công, yến sào, nước mắm, cá ướp cá mòi cá thu, cá nục..tất cả các sản phẩm trên đều chịu thuế . Ngoài ra toàn tỉnh có nhiều cá voi, đồi mồi, ốc tai tượng, sò, tôm hùm, cá, mực, ngựa trâu bò dê và các thú dử. Nhà nông cũng sản xuất nhiều lúa, ngô, đậu và trái cây.

Người Bình Thuận xưa tánh tình chất phác, sĩ nông thì ít còn đa số làm đủ mọi nghề, kinh thổ ở lẫn lộn, đi lại dùng xe trâu, vì đất ruộng ít nên người sống ven biển nhiều, thương maị phát đạt nhưng kỹ nghệ bách công không được tinh xảo mấy, ngoại trừ nghề làm biển và muối mắm cổ truyền. Trong năm có nhiều lễ tiết, ưa mê tín dị đoan, ngày tết có tục cỡi ngựa uống rượu làm vui.

Về giáo dục thời vua Minh Mạng đã có các trường học tại phủ Bình Thuận, phủ Hàm Thuận, huyện Hòa Đa và huyện Tuy Phong. Triều đình cũng đã lập nhiều chợ búa tại nơi có dân chúng đông đúc như chợ MAI NƯƠNG ở huyện Yên Phước, quanh vùng còn có các chợ Thị Ni, Kinh Dinh, Phan Nương. Tại Hòa Đa có chợ NGÂN GIANG và các chợ nhỏ như Cam Hải, Liêm Công, Tăng Long. Trong huyện Tuy Phong có chợ lớn LONG HƯƠNG và chợ Vĩnh Giang. Tại huyện Tuy Lý, ngoài chợ chính ở PHỐ HẢI còn có các chợ Tân Hội và Long Khê.

Trên đường quan lộ lúc đó cũng có nhiều đò cầu như Bến Mai Nương, Kỳ Xuyên, cầu Vĩnh Hảo, Thanh Tu. Trong huyện Tuy Lý có các cầu Tân Phú, Đức Thắng, Sơn Thủy, La Giang, Đông Phái, Tân Quý, Phước Hải và Phù My. Thời đó cũng đã có nhiều đập như Mai Nương, Nha Trịnh ở Ninh Thuận và đập Đồng Mới tại Hòa Đa.

Trong tỉnh cũng có nhiều đền miếu và chùa do người thổ và kinh xây dựng nhưng xưa nhất là chùa Bảo Sơn ở núi Bảo Sơn, Tuy Phong . Đầu đời trung hưng, Thế tổ Gia Long đến viếng ban biển ngạch. Ngoài ra khắp tỉnh huyện còn lập Đàn Xã tắc,Tiên Nông, Sơn Xuyên, Văn Miếu, Miếu Hội đồng, Thần Nông, Nam Hải, đền Thiên Hậu và nhiều đền tháp của vua chúa Chiêm Thành.

* NHÂN VẬT CHÍ BÌNH THUẬN:

Tỉnh Bình Thuận tuy mới thành lập chừng ba thế kỷ nhưng theo tài liệu từ ĐNNTC ta mới biết quê hương cũng có rất nhiều nhân vật chí nổi danh trước các tiên hiền như Bùi Hàng, Cao Hành, Ưng Chiếm, Nguyễn Thông, Phan Trung, Trần Thiện Chánh,Tống Hưng Nho, Nguyễn Đăng Giai Hồ tá Bang, Lâm tu Bông..và sau này được nối tiếp có Vũ Anh Khanh, Lê Hương, Lê văn Nghiêm, Nguyễn ngu Í, Huyền Vũ, Nguyễn Thị Thu Nhi, Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), Nguyễn Bắc Sơn ..

+ Qua sử liệu, buổi trước ta thấy có NGUYỄN ĐĂNG HỰU: Người huyện Hòa Đa tài kiêm văn vỏ, từng giữ chức Cai Cơ, Ký Lục tại Phiên trấn, sau thăng tới chức Binh bộ thượng thư và hưu trí. Đầu đời Minh Mạng, ông làm cố vấn cho tri phủ Bình Thuận là Tô Trần, với những lời khuyên vàng ngọc như muốn yêu dân phải trị bọn lại dịch hung tàn. Năm 80 tuổi được mời về kinh mừng lễ lục tuần của Tuyên nhân hoàng thái hậu, sau đó ngã bệnh mất, được thụy phong Hiệp Biên Đại Học Sĩ.

+VŨ VĂN LÂN: Từng theo phò Nguyễn Ánh ở Vọng Các, Xiêm La, làm tới chức Khâm sai Nội chưởng cơ, trấn thũ Bình Thuận và mất tại đây.

+NGUYỄN VĂN TẠI người Bình Thuận, theo chúa Nguyễn Ánh đánh giặc có công, giữ chức Khâm sai cai cơ, chết tại trận Qui Nhơn, được lập đền thờ ở đền Biểu Trung.

+PHAN TIẾN TUẤN người huyện Tuy Lý, làm Hàm lâm viện đầu đời trung hưng, rồi về coi đạo Phố Hải, chết tại Nghệ An khi đang giữ chức Tham Hiệp đời vua Gia Long

+ĐẶNG ĐỨC THUẬT người huyện Yên Phước, được vua Gia Long ban chức Giám Nghị được nhà vua yêu dùng vì tánh tình cương trực. Lúc còn tại Gia Định được Trịnh hoài Đức,Ngô nhân Tịnh, Lê quang Định và Nguyễn Hương coi trọng như thầy Võ Trường Toản, sau chết trên đường tòng chinh.

+NGUYỄN HƯƠNG người Bình Thuận, văn hay chữ tốt, thi phú làu thông bạn với các anh hùng Gia Định, giữ chức Hàn lâm viện thị thư nhưng vì không thích đua đòi danh lợi, nên từ quan và chết tại quê nhà.

+NGUYỄN NHƯỢC SƠN người Yên phước, đời Minh Mạng làm Hàn lâm viện điển bạ, trải qua ba đời vua, tánh tình hào phóng, trung trực nên con đường hoạn lộ ba chìm bảy nổi như Nguyễn cộng Trứ, từng giữ Bố Chánh Thanh Hóa, Án Sát Nghệ An.

+ BÙI TĂNG HUY đậu hương cống tại Gia Định, đời vua Minh Mạng làm Phủ Doản Thừa Thiên sau thăng Bố Chánh Cao Bằng. Năm Minh Mạng thứ 14, Nông văn Vân làm phản vây thành, Ông cùng với Án sát Phạm đình Trạc, Lãnh binh Lạng Sơn Phạm văn Lược tử tiết, sau được vua truy phong Tham Tri Lễ Bộ, thờ ở Đền Tam Trung.

+ NGUYỄN NHƯỢC THỊ con gái Bố Chánh Nguyễn nhược Sơn, sinh năm 1830 và mất 1909 tên thật là Nguyễn thị Bích, tự Lam Hoàng, người Yên Phước Bình Thuận, tác giả tập Loan Dư Hạnh Thục hay HẠNH THỤC CA, kể lại binh biến ở Huế năm 1885 sau đó vua Hàm Nghi xuất bôn xuống hịch Cần vương, mở đầu cuộc kháng Pháp cả nước. Nổi tiếng văn hay chữ tốt ngay khi còn nhỏ, năm 19 tuổi tiến cung được vua Tự Đức phong chức Thượng Nghị Viên Sư, sau đó là Tài Nhân, Mỹ Nhân và Quý Nhân vào năm 1860. Đời Tự Đức 21 được ban tặng chức Tiệp Dư, là thầy của các vua Kiến Phước và Đồng Khánh. Đời vua Thành Thái thứ 3 (1892) được phong Tam Gia Lễ Tân và mất năm Duy Tân thứ 3, 1909 thọ 80 tuổi.

Ngoài ta tại Bình Thuận còn có NGUYỄN VĂN LIỄU, mồ côi cha lúc 8 tuổi, thờ mẹ có hiếu. Khi mẹ qua đời, ông làm lều coi mộ mẹ suốt 3 năm, được vua Minh Mạng biểu dương và khen tặng.

Hỡi ơi xa quê hương bao năm, nay vô tình được đọc lại những trang sách cũ, bổng khiến hồn bâng khuâng ngấn lệ. Ba trăm năm qua nhưng Bình Thuận cứ vẫn trầm luân dâu bể, quê hương càng lúc càng xa tít khiến cho kẻ ly hương hoài vọng não nề.

Ba trăm năm qua, Bình Thuận là đất lành và bàn tay của Mẹ luôn với dài cho đủ để trọn vẹn ôm ấp những đưa con muôn phương. Tôi yêu Bình Thuận là thế đó, da diết mà mặn nồng, yêu cảnh nắng sớm ngọt ngào, trời chiều biển lộng, yêu đất, yêu người nên yêu tất cả những gì thuộc về Bình Thuận..

Xin cám ơn trời đã cho tôi làm người Việt Nam, cám ơn Mẹ nấng niu và sinh trưởng tội trên quê hương Bình Thuận, cho tôi sống những ngày thật đáng sống, biết nhớ, biết thương và luôn chờ đợi một ngày về -/-

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Đại Nam Nhất thống chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

- Đại Việt Sử Ký toàn thư của Ngô thì Sĩ

- Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn phần tỉnh Bình Thuận của Nguyễn đình Đẩu..

- Các đặc san Xuân của Hội thân hữu Bình Thuận hải ngoại.

Xóm Cồn

Tháng hai 2006

Mường Giang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.