Hôm nay,  

Bản Tin Của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước

12/01/201100:00:00(Xem: 6232)
Bản Tin Của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước: Ms Lưu Huy Và Gia Đình Đã Đào Thoát Khỏi Nhà Tù Lớn VN

Mục Sư Lưu Huy và gia đình tại Trung Tâm Tỵ nạn Bangkok.

Kính thưa quý vị trong thời gian vừa qua nhiều thông tin về sự đàn áp tôn giáo của chính quyền CSVN, đặc biệt là trong những tháng gần đây trên các trang mạng của Người Việt Tự Do ở hải ngoại liên tục xuất hiện nhiều loạt bài về việc công an tỉnh Ninh Thuận sách nhiễu tấn công và cả đe dọa đến tính mạng của mục sư Lưu Huy, một Mục Sư Mennonite người Chàm lai Mỹ đang quản nhiệm một hội thánh Tin Lành Mennonite ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Được tin mục sư Lưu Huy cùng gia đình đã đào thoát khỏi Việt nam đến xin tỵ nạn tại Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, Thái Lan, từ Paris, qua đường dây viễn liên, nhóm phóng viên Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước đã liên lạc được với Mục sư Lưu Huy và thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây:
Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Xin chào Mục sư Lưu Huy, chúc mừng mục sư và gia đình đã thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam, và đã đến Bangkok bình an, xin mục sư cho biết sơ lược về nhân thân, về những sự đàn áp nào của chính quyền CSVN đối với đời sống và chức vụ của mục sư khiến ông và gia đình phải đi tỵ nạn:
Mục Sư Lưu Huy: Vâng xin chào chị, và xin cảm ơn chị cùng Phong Trào Phụ Nữ Việt nam Hành Động Cứu Nước đã quan tâm đến chúng tôi. Thưa chị, như chị đã từng đọc được nhiều thông tin trên mạng toàn cầu trong những năm gần đây và đặc biệt là trong mấy tháng gần đây về việc cơ quan an ninh Việt nam liên tục có những hành động đàn áp các tôn giáo hết sức khốc liệt khắp cả trong Nam, ngoài Bắc tại Việt nam, Giáo Hội Tin Lành chúng tôi cũng không thoát khỏi sự đàn áp đó, nhiều mục sư, truyền đạo và cả tín hữu đã từng bị bắt bớ, giam cầm tù tội chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ. Hệ Phái Mennonite của chúng tôi bị đàn áp nặng nề hơn, bởi ngoài việc chính phủ vẫn cho rằng Tin lành là đạo của Mỹ, rằng những người theo Tin lành là theo Mỹ, thì chính quyền đến nay vẫn chưa công nhận Mennonite là một tôn giáo, các tôi cũng như tất cả các Mục sư khác của Mennonite đều bị chính phủ biêu riếu là mục sư tự phong… Các cơ sở thờ phượng của Giáo Hội Mennonite chúng tôi bị phá hủy cả, từ Trung Tâm Mục Vụ và Vườn Cầu Nguyện Của Mennonite ở phường Bình Khánh, quận 2 bị san bằng và cưỡng chiếm hoàn toàn, đến Hội Thánh Chuồng Bò ở Bình Quới bị xóa sổ, các mục sư chấp sự bị bắt giam chờ truy tố, vì đảng và nhà nước vu khống họ âm mưu lật đổ chính quyền… tín hữu Mennonite ở khắp mọi nơi trong nước đều bị đe dọa ngăn cấm không cho đến các nhà thờ hay các điểm nhóm để thờ phượng… thì đối với cá nhân tôi và gia đình mọi việc còn tồi tệ hơn nhiều… Bởi tôi không chỉ bị ngược đãi bị bức hại từ khi tôi trở thành Cơ Đốc nhân, trở thành mục sư, mà tôi đã phải chịu đựng tất cả những ngược đãi và kỳ thị ngay khi mới lọt lòng mẹ..
Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Xin mục sư nói rỏ hơn về điểm này ạ
Mục Sư Lưu Huy: Dạ, chị thấy đó, tôi không được may mắn sinh ra là người Kinh như các chị, tôi là người Chăm hay người Hời, người Chàm, mà lại là người Chàm lai Mỹ nữa mới bi thảm chứ! Cái truyền thống Nho Giáo đã ăn sâu trong máu trong xương người Việt từ ngàn đời nay rồi, nên đâu có ai chấp nhận những đứa con lai căn trong gia tài của mẹ! Mà lại đi lai với Mỹ, với kẻ thù của bác và đảng thì tôi sống làm sao đây hở chị" Tôi bị sự xa lánh ghẻ lạnh của ngay cả ông bà ngoại, cậu dì và tất cả bà con láng giềng, họ coi tôi là cái của nợ, là cái nhục của gia đình, của họ tộc, của cộng đồng… Ngay từ những năm đầu bậc tiểu học tôi đã thường xuyên bị sự miệt thị của bạn bè cùng trang lứa và của cả thầy cô, chỉ vì cái mắt hơi xanh mũi hơi lỏ của tôi nên vừa học xong lớp 6 tôi phải bỏ học vì không thể nào chịu đựng được cái sự miệt thị đó thêm nữa. Người Chăm chúng tôi theo chế độ Mẫu Hệ, nên việc không biết cha mình là ai cũng không phải là điều quá đáng, tuy nhiên càng lớn lên sự kỳ thị của gia đình, của cộng đồng, của xã hội đối với tôi lại càng nhiều, càng sâu cay, gay gắt… Nên tôi đi tìm sự bình an và tình yêu thương trong Chúa, bởi tôi biết rõ rằng trong Vương Quốc của Ngài chỉ có tình yêu thương và sự tha thứ chứ không có hận thù hay kỳ thị. Nhưng buồn thay, mọi việc lại trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với tôi, với gia đình vợ con tôi khi tôi trở thành mục sư bởi tự sau khi được tryền chức Mục sư cho đến nay không dưới 100 lần cơ quan an ninh của huyện Ninh Phước, của tỉnh Ninh Thuận đã mời tôi lên làm việc, rồi câu lưu, rồi điều tra xét hỏi, rồi ép bỏ đạo, rồi đưa ra đấu tố, rồi đe dọa đưa đi cải tạo vì “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt nam và âm mưu lật đổ chính quyền”, Hội Thánh của tôi liên tục bị chính quyền ủi phá, tư gia của tôi liên tục bị “Quần Chúng Tự Phát” ném đá hàng đêm. Gia đình chúng tôi liên tục nhận được hàng trăm thư nặc danh đe dọa đến sự an toàn tính mạng của các con tôi, nếu vợ chồng chúng tôi còn tiếp tục hầu việc Chúa và phục vụ cộng đồng trong sứ mệnh của những tôi tớ Chúa như chúng tôi đang làm. Tôi có khải tượng rằng nếu còn tiếp tục ở lại thì cái giá mà tôi phải trả không phải chỉ là tù đày lao lý mà còn cả sự an nguy của con cái của chúng tôi. Chị thấy đấy, CÁI CỘT ĐIỆN MÀ BIẾT ĐI, NÓ CÒN ĐI… thôi thì đành phải sống với triết lý cái cột điện vậy!

Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Thưa mục sư, xin hỏi mục sư cảm giác thế nào khi vừa rời khỏi một đất nước mà nhiều người vẫn xem là một nhà tù lớn để đến một xứ sở tự do"
Mục Sư Lưu Huy: Dạ, thực ra Thái lan chỉ là một đất nước thực sự tự do đối với người bản xứ Thái lan thôi chị ạ, họ có quyền biểu lộ tình cảm của họ đối với chính phủ, mà chúng ta vẫn quen nói vắn tắt là BIỂU TÌNH, như hiện nay hàng chục ngàn người áo đỏ đang âp trung đầy thành phố Bangkok để BIỂU LỘ TÌNH CẢM đó, nhưng đối với những người tỵ nạn chúng tôi thì vẫn còn những hạn chế nhất định, do pháp luật của họ quy định bất cứ ai đến Thái Lan mà không qua các thủ tục xuất nhập cảnh, dù đã được UNHCR cấp quy chế tỵ nạn và bảo vệ quốc tế, thì vẫn bị xem là người nhập cư trái phép, nếu bị bắt thì sẽ bị giam tù, bị phạt vạ và bị trục xuất về nước và tất nhiên sau đó sẽ bị trả giá ở quê nhà.
Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Thưa mục sư, xin phép được hỏi là tình trạng hiện nay của ông và gia đình đang như thế nào"
Mục Sư Lưu Huy: Dạ, thưa chị, Chúng tôi được Chúa mở đường và sắm sẵn cho mọi sự chị ạ, vừa đến Bangkok tôi được gặp ngay một vị mục sư đồng công, cũng là mục sư của Mennonite, không biết chị đã từng nghe tên chưa, ấy là mục sư Ngô Đắc Lũy, cũng là người tỵ nạn, đang làm thiện nguyện tại trung tâm tỵ nạn của UNHCR tại Bangkok nhờ vậy mà gia đình tôi được hướng dẫn về đường đi nước bước để trình diện với Cao Ủy UNHCR để xin tỵ nạn, rồi tôi được vị lãnh đạo thuộc linh này thuê nhà cho, ở một nơi khá an toàn trong khi chờ cấp quy chế tỵ nạn. Cảm tạ Chúa, đến Bangkok thì chúng tôi đã hoàn toàn nhẵn túi nhưng chúng tôi chưa phải chịu đói khát bữa nào, Mục sư Ngô Đắc Lũy đã chuyển giao cho chúng tôi hết nồi niêu soong chảo chén bát và cả phần gạo hiện có trong nhà… nên trước mắt, các con tôi cũng tạm có 2 bữa cơm mỗi ngày. Ăn uống thì đạm bạc thôi nhưng vợ chồng con cái tôi cũng thấy vui, vì ít nhất là có thể chấm dứt mọi sự kỳ thị chủng tộc không chỉ đối với riêng tôi, mà cả con cái tôi nữa, nếu còn ở lại Việt nam thì chắc là con tôi, rồi cháu tôi cũng sẽ tiếp tục đau khổ vì là một bọn lai căn, một lũ bội tình trong gia tài của mẹ ấy mà!
Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Thưa mục sư, mục sư được mấy cháu và việc mục sư phải bỏ nước ra đi thế này việc học hành của các cháu dang dỡ thế này, mục sư có bao giờ ưu tư không ạ"
Mục Sư Lưu Huy: Dạ xin Cảm ơn chị, việc này xin chị trao đổi với nhà tôi nhé, cô ấy từng là cô giáo tiểu học, bây giờ là Truyền Đạo, chuyện học hành trao đổi với cô ấy phải hơn. Cô ấy đây ạ.
Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam hành Động Cứu Nước xin chào bà mục sư, thưa bà mục sư, ông bà có được mấy cháu, đã lớn cả chưa ạ" Việc phải đào thoát đi tỵ nạn thế này dang dỡ việc học hành của các cháu, bà nghĩ sao ạ"
Bà Mục Sư Lưu Huy: Dạ, thưa, tôi là Truyền Đạo Bùi Thị Út, xin gọi tôi là cô Út hay chị Út cũng được chị nhé. Dạ vợ chồng chúng tôi có được 3 cháu: Cháu trai trưởng năm nay 14 tuổi, Cháu trai kế 8 tuổi và cháu gái út vừa mới lên 6 chị ạ. Cháu trai lớn của tôi là Lưu Hòa, cũng khổ đau vì bị kỳ thị là con cái của người lai nên cháu cũng mặc cảm lắm chị ạ… Cháu nói là quá đau khổ khi phải đến trường vì bạn bè cũng xầm xì là con của người lai Mỹ… vì vậy cháu đi tìm người công bình sớm lắm… 14 tuổi mà cháu đã đánh đàn cho các buổi thờ phượng ở một Hội thánh CMA ở Phan Rang được 2 năm rồi… chỉ có ở nhà thờ cháu mới tìm được sự bình an… Nhưng chij thấy đó, ở cái xã hội mà người ta xét qua lý lịch 3 đời của ông bà cha mẹ để làm thước đo về nhân cách và năng lực của mỗi con người, chứ không màng chi đến phẩm hạnh và trí lực của họ thì nếu cứ ở lại Việt nam để tiếp tục học hành đi nữa rồi con cái chúng tôi cũng sẽ không hơn già cha mẹ chúng nó. Vì vậy mà chúng tôi cứ cầu xin ý Chúa rồi có khải tượng và thế là ra đi… tôi chẵng có gì ưu tư cả chị ạ. Dù thế nào thì hiện nay gia đình của chúng tôi cũng đã được Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc bảo vệ, các con chúng tôi được Mục Sư Lũy đưa vào học tại đơn vị giáo dục thuộc trung tâm tỵ nạn Bangkok, Chúng tôi thấy mừng vì nơi đây là một xã hội thu nhỏ với những người đồng cảnh ngộ từ nhiều sắc tộc khác nhau, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nên chẵng ai kỳ thị ai về màu da, nước tóc. Điều này có thể giúp các cháu xóa dần đi cái mặc cảm là dân thiểu số, mặc cảm là con cái của con lai.
Phóng Viên PTPNVNHĐCN: Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam hành Động Cứu Nước xin cảm ơn Ông Bà Mục sư đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của chúng tôi, xin được chia sẻ cùng ông, bà mục sư và các cháu, xin chúc mừng ông đã thoát khỏi ngục tù cộng sản Việt nam, và xin cầu chúc ông bà cùng các cháu luôn được bình an, may mắn và sớm được đến bến bờ tự do.
Bà Mục Sư Lưu Huy: Dạ xin Cảm ơn chị và Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.