Hôm nay,  

Trung Quốc Bất An

08/02/200600:00:00(Xem: 5221)
-...Điều ấy giải thích vì sao VN đánh sụt lương công nhân của mình để chiêu dụ đầu tư và nếu công nhân của ta không đình công thì chính quyền chưa nhìn ra sự sai lầm tai hại ấy...

Nan đề bất an của Hoa Lục và Việt Nam được chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày trên Đài RFA như sau.

Thưa quý thính giả. Tuần qua, Hà Nội đã công bố bản dự thảo Báo cáo Chính trị để chuẩn bị cho Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế nhờ kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích khía cạnh kinh tế trong văn bản quan trọng này của Việt Nam. Và ông đã nêu một trường hợp mà Hà Nội coi là mẫu mực và nhiều quốc gia cho là phép lạ kinh tế, đó là Trung Quốc, với nhiều vấn đề trầm trọng tiềm ẩn bên dưới. Mời quý thính giả nghe cuộc trao đổi giữa Việt Long với nhà kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội X của đảng để thu thập ý kiến mọi người chuẩn bị cho Đại hội. Sau khi tham khảo tài liệu ấy, ông có những ý kiến gì khả dĩ đóng góp cho tiết mục chuyên đề về kinh tế này hay không"

- Tôi xin thú thật là phải vất vả đọc tài liệu hơn 22 ngàn 600 chữ ấy và cũng chỉ muốn thu hẹp trong lãnh vực kinh tế mà thôi.

Tôi xin nêu một nhận xét duy nhất. Đó là định nghĩa của đảng về “Đổi Mới”, được trình bày trong phần đánh giá khái quát 20 năm đổi mới. Tôi xin trích dẫn: “Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn để đi đến thắng lợi”.

Tuy nhiên, trong phạm vi kinh tế thì tôi xin đề nghị ta sẽ xét tới một mẫu mực của Hà Nội, để biết trước thế nào là “đi đến thắng lợi”, như bản Báo cáo đã nói. Đó là chuyện Trung Quốc, một phép lạ kinh tế dưới con mắt của nhiều người.

Hỏi: Thưa vâng, ta có thể nói đến trường hợp Trung Quốc vì một số người trong nước coi đó là tấm gương nên theo. Trung Quốc đã khởi sự cải cách trước Việt Nam và vừa qua còn được đánh giá là nền kinh tế thứ tư của thế giới sau Mỹ, Nhật và Đức. Bản thân ông dường như vẫn có vẻ hoài nghi thành tựu ấy của Trung Quốc, như ông đã nhiều lần phân tích trên diễn đàn này"

-- Thưa vâng, vào dịp Tết vừa qua, có hai biến cố đáng chú ý tại cả Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam đó là loạt đình công mang tính tự phát và rất lớn lao của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Trung Quốc, bộ Công an ra chỉ thị “thẳng tay đàn áp mọi hoạt động khủng bố và quyết liệt bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội.” Cứ nghe nói về thành tựu to lớn của hai nền kinh tế đang chuyển hướng ấy, ta quên mặt trái xã hội của thành tựu ở mặt nổi. Nỗi bất an của Trung Quốc có thể báo trước những gì Việt Nam sẽ gặp. Điều ấy, Báo cáo Chính trị lại phớt lờ, dù một số chuyên gia trong nước đã báo động.

Hỏi: Ông vui lòng dẫn chứng về những điều mà ông gọi là “nỗi bất an của Trung Quốc”.

-- Trung Quốc hơn Việt Nam xa khi chính thức công nhận là trong năm 2005 đã có 87.000 vụ động loạn xã hội, so với 74.000 vụ của năm kia và 58.000 vào năm 2003. Cuối năm qua, cảnh sát vũ trang cũng đã lần đầu kể từ vụ Thiên an môn năm 1989 nã súng vào dân biểu tình. Thành quả kinh tế và cách ru ngủ thanh niên sinh viên tại Trung Quốc vẫn không khỏa lấp được sự thể ấy. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn vào mặt trái của phép lạ kinh tế xứ này.

Hỏi: Giới quan sát quốc tế dường như nhìn nhận rằng Trung Quốc hiển nhiên có tiềm lực kinh tế lớn lao, tốc độ tăng trưởng gần 10% và đang trở thành đại cường quân sự, khiến bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong báo cáo công bố tuần này đã nhắc tới. Trung Quốc cũng là nguồn tiếp nhận đầu tư rất lớn lao từ các nước và là hội viên của WTO, không lẽ sức mạnh kinh tế ấy lại có thể bị khủng hoảng vì những cuộc biểu tình bạo động không được tổ chức quy mô"

-- Thế giới có ghi là từ 10 năm nay, Trung Quốc đã tiếp nhận được 1.100 tỷ Mỹ kim đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đổ đồng thì từ 1995 đến nay mỗi năm nhận được 110 tỷ. Xét vào cơ cấu đầu tư ấy theo sự trình bày của chính quyền Bắc Kinh, chúng ta nhận thấy ra nhiều điều lạ.

Thứ nhất, các nước Tây phương, gồm Mỹ, Canada, Úc và toàn khối Âu châu, bình quân đầu tư mỗi năm chừng bảy tỷ, con số này chủ yếu không thay đổi suốt 10 năm qua, có lên một chút vào năm 2002 vì hiệu ứng lạc quan của việc Trung Quốc gia nhập WTO thì sau đó lại sụt, trong năm 2005 vừa kết thúc còn sụt mạnh hơn. Tức là trong khi thế giới hồ hởi nói đến phép lạ kinh tế, giới đầu tư làm ăn theo lối “của đau con xót” vẫn cẩn trọng chứ không bốc đồng.

Hỏi: Ông nói như vậy thì còn cả ngàn tỷ đầu tư kia thì từ đâu mà ra"

-- Phần đáng kể và tăng mạnh sau 2000, từ 10 tỷ lên tới khoảng 20 tỷ, là từ các nước Á châu. Dân Á châu có sức tiết kiệm cao mà cũng máu mê cờ bạc nặng nên sau vụ khủng hoảng Đông Á thời 1997-1998 đã lại đánh cá về tương lai Hoa lục. Họ đầu tư theo lối cũ, là bất kể doanh lợi và bất chấp rủi ro như người ta đã thấy hậu quả tại Nhật trong 15 năm qua.

Nhưng, lớn hơn cả là một loại “đầu tư nước ngoài” theo lối đường vòng, của chính các doanh nghiệp và cán bộ Trung Quốc chuyển ra ngoài và tái đầu tư vào Hoa lục để được đặc lợi thuế vụ, có khi để rửa tiền cho sạch và thổi lên trái bóng đầu cơ Hoa lục. Đây là nguồn đầu tư lớn nhất, tới gần 30 tỷ năm 2004, khiến thế giới cứ nói đến 55-60 tỷ đầu tư nước ngoài vẫn hàng năm trút vào Hoa lục. Vấn đề vì vậy không hẳn là đầu tư nhiều hay ít, tăng trưởng cao hay thấp, mà là đầu tư vào chỗ nào có lợi nhất, và có lợi cho ai. Kết luận sơ khởi của tôi là không nên hồ hởi theo lời khuyến khích của thành phần môi giới về đầu tư vào Hoa lục.

Hỏi: Trước khi nhờ ông nói về mặt trái của con số đầu tư vào Trung Quốc, xin hỏi ông là các doanh nghiệp Mỹ có thấy điều ấy không, khi họ quyết định đầu tư vào Hoa lục"

-- Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc chưa đầy 1% tổng số đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu để tranh thủ thị trường rộng lớn xứ này, thứ hai là vì ưu đãi thuế khóa, sau đó mới vì nhân công rẻ, vốn lại là tiêu chuẩn quan trọng nhất của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Điều ấy giải thích vì sao Việt Nam đánh sụt lương công nhân của mình để chiêu dụ đầu tư và nếu công nhân của ta không đình công thì chính quyền chưa nhìn ra sự sai lầm tai hại ấy.

Hỏi: Bây giờ, ta tiếp tục nói về Trung Quốc, và đi vào phần mà ông gọi là sự bất an của Trung Quốc.

-- Lãnh đạo Trung Quốc có mục tiêu rõ rệt là tạo ra việc làm cho một dân số rất đông trong khi tiếp tục đô thị hóa và hiện đại hóa xã hội. Chuyển dịch dân số từ nông nghiệp qua công nghiệp là bài toán sinh tử của một đảng lên cầm quyền nhờ sự nổi loạn của nông dân hơn nửa thế kỷ về trước.

Giải pháp của họ, gọi là “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa”, là hệ thống ngân hàng quốc doanh độc quyền thu vét tiết kiệm rất cao của công chúng để tài trợ doanh nghiệp cũng quốc doanh theo điều kiện ưu đãi để các doanh nghiệp này tiếp tục tạo ra việc làm trong sản xuất. Hệ thống khép kín ấy khiến việc tài trợ không cần tuân thủ quy luật lời lãi vì rủi ro vỡ nợ của các ngân hàng đã do nhà nước đảm nhiệm. Phép lạ kinh tế nếu có là ở sức tiết kiệm và sức sản xuất bất kể lời lãi này. Đặng Tiểu Bình rồi Giang Trạch Dân là tác giả của phép lạ ấy. Nhưng nó hết là phép lạ khi Trung Quốc phải mở cửa và gia nhập WTO…

Hỏi: Thì đó cũng là bước sắp tới của Việt Nam, và dường như ông đang muốn gián tiếp trở về với bản Báo cáo Chính trị của Trung ương đảng tại Việt Nam hay không"

-- Thưa nếu họ thấy ra điều ấy thì đã khá. Hãy cứ nói chuyện về nỗi bất an của Trung Quốc đã. Sau 20 năm mở cửa ra ngoài, phân nửa nền kinh tế Hoa lục ngày nay tùy thuộc vào giao dịch với quốc tế và do quy định của WTO thì cuối năm nay các ngân hàng ngoại quốc sẽ vào chấm dứt thế độc bá của ngân hàng quốc doanh Hoa lục. Lãnh đạo Bắc Kinh có thấy điều ấy và khác lãnh đạo Hà Nội, họ có chuẩn bị. Truyền thông, trí thức và cả chính quyền đã nói đến nguy cơ phá sản của hệ thống ngân hàng vì tài trợ doanh nghiệp nhà nước như gió vào nhà trống, với núi nợ sẽ mất lên tới một phần ba tổng sản lượng quốc dân, tính theo lối lạc quan.

Hỏi: Như vậy họ phải có đối sách nào chăng"

-- Họ chống đỡ bằng thuật chắp vá kế toán. Họ lập ra tổng công ty thanh lý tài sản để quét các khoản nợ xấu vào sân sau của nhà nước rồi đưa các ngân hàng với sổ sách tạm sạch ra chiêu dụ đầu tư ngoại quốc. Ngân hàng ngoại quốc mua cổ phần để được lòng chính quyền và có chân đứng chờ ngày mở cửa, ngân hàng Trung Quốc thì có thế giá hơn trên thị trường quốc tế, lại học hỏi được kỹ thuật quản trị mới.

Hỏi: Nếu vậy thì tình hình nguy ngập ở chỗ nào, vì như ông vừa trình bày thì có vẻ như mọi bên đều có lợi"

-- Dạ, trên mặt nổi hay mặt báo thì vậy. Nhưng ở mặt sau, núi nợ đảo ngược thành hố sâu mấy trăm tỷ Mỹ kim đang do nhà nước quản lý thì sao" Và nhìn vào khoản tiền bị mất ấy ta lại suy ra từ đâu mà doanh nghiệp và đảng viên cán bộ lại có cả trăm tỷ lập công ty ở nước ngoài để đầu tư ngược vào trong nước. Mà mấy trăm tỷ bị mất là tiền tiết kiệm của dân chúng đấy.

Hỏi: Nếu thế thì biết đâu đó chính là tiền đầu tư của chính Nhà nước Bắc Kinh. Họ đầu tư ra nước ngoài rồi lại quay vòng ngược trở lại vào trong nước"

-- Vâng. Đó chính là của các doanh nghiệp Nhà nước cũng như của những doanh nghiệp nói là của Nhà nước nhưng lại do đảng viên cán bộ ở địa phương hoàn toàn xử lý và làm chủ. Họ đầu tư vào những nước... thí dụ như là trong vùng Caribean ở Trung Mỹ, được miễn thuế. Rồi từ nhưng cơ sở đó họ lại đầu tư ngược số tiền đó vào Hoa Lục, mà vẫn được ghi là đầu tư của nước ngoài.

Hỏi: Vậy thì Bắc Kinh nghĩ sao và phải làm gì để đối phó với những chuyện cũ và mở ra những kế hoạch mới"

-- Thế hệ Giang Trạch Dân thì quen giải pháp bấm bụng nhấn ga để cỗ xe tiếp tục lao về phía trước với tốc độ tăng trưởng 8–9%. Họ hy vọng là nhờ vậy dân sẽ có việc làm, lợi tức gia tăng và không nổi loạn. Thế hệ lãnh đạo mới như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo lại có cái nhìn hiện đại hơn, họ muốn tránh đường lối tăng trưởng bất kể lời lãi mà cải tiến về phẩm, về đối tượng hay địa phương cần ưu tiên phát triển và về phương thức phân phối tài nguyên đầu tư cho hiệu quả hơn. Y hệt như hồ sơ WTO, cuộc tranh luận về chuyên môn ấy có xảy ra tại Trung Quốc nhưng chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam. Đấy là một khác biệt về trình độ.

Hỏi: Nhưng, vẫn phải nói tiếp chuyện Trung Quốc đã, thì lãnh đạo Trung Quốc ngày nay rốt cuộc ngả theo đường hướng nào"

-- Các đảng bộ địa phương thì thấy con đường Giang Trạch Dân có lợi cho họ nên cứ phóng tay đầu tư dù nhiều địa phương bị “quá tải” mà lợi ích kinh tế thật lại rất giới hạn. Ở thượng tầng thì con đường hợp lý hóa theo kiểu Hồ Cẩm Đào là giải pháp đúng về nguyên tắc nhưng bế tắc về thực tế vì không được bên dưới chấp hành. Các tỉnh giàu có vùng duyên hải cũng chẳng muốn chia sẻ sự thịnh vượng cho các tỉnh nghèo khốn nằm sâu trong lục địa.

Cho nên, cứ tiếp tục như cũ thì Trung Quốc sẽ sớm vỡ nợ, mà nếu cải cách thì có khi bị loạn từ địa phương dội về trung ương. Đây là chưa nói đến nguy cơ động loạn có sẵn vì nông dân bị cướp đất và công nhân mất việc trong khi môi sinh bị hủy hoại. Một giải pháp cách mạng là nâng sức tiêu thụ của dân chúng bằng cách chia lại cho họ một phần tài sản của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nhưng tất nhiên là bị đảng viên cán bộ ngăn cản từ gốc. Bộ Chính trị và bộ Công an của Trung Quốc đang nhức đầu về các vấn đề ấy, còn Trung ương đảng tại Việt Nam lại nhức đầu vì những chuyện họ nghĩ là thiết thực hơn nhiều, là chuyện nhân sự…

Hỏi: Như vậy thì lần sau chúng ta sẽ nói đến triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên mô hình Trung Quốc phải không ạ"

-- Có thể lần sau chúng ta sẽ phân tách một số những cái giống và những cái khác giữa hai trường hợp đó, và để giúp cho người ta có một cái nhìn rằng Trung Quốc chưa chắc đã là mẫu mục mà Việt Nam nên theo. Cái thế và cái lực của họ khác hẳn của Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.