Hôm nay,  

Hội Đồng Hương Ở Mỹ

30/07/200800:00:00(Xem: 418596)
Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2365-16208441-vb4300708

Phạm Hoàng Chương là một tác giả viết về nước Mỹ kỳ cựu. Ông đã góp bài và nhận giải thưởng từ năm 2003. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California., và vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị cho Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới của ông.

***

Có một lần, "ông bạn lớn" của mục sư K. hỏi tôi sao không viết một bài về Hội đồng hương quê tôi ở Cali. Tôi giật mình, .bối rối: "Chà...khó quá, ...anh biết đó, viết thì phải khen phải chê, chả lẽ cái gì cũng khen, mà chê thì đụng chạm. Mình ở trong Hội mà đưa chuyện nội bộ lên báo chẳng khác nào 'vạch áo cho người xem lưng", bà con chửi chết. Chưa kể ba đứa công an VC địa phương nó sợ mấy cái Hội đoàn bên Mỹ lắm, lần nào về nước chơi cũng hỏi tới hỏi lui....bắt ớn, ớn đến không muốn trả lời. Bây giờ mà viết thì có khác nào làm bản báo cáo không công cho chúng."

Ông bạn lớn cụt hứng, nín thinh. Sau rồi tôi thấy ông cũng có lý. Viết về Việt kiều ở Mỹ mà không nhắc đến sinh hoạt các hội đoàn quả là một thiếu sót, như ăn ốc mà thiếu nước mắm gừng, ăn hột vịt lộn mà thiếu rau răm, ăn mận Mỹ tho mà thiếu muối ớt đỏ. Dân Việt Nam có cái hay là đi dâu cũng thích lập nhóm, lập Hội để quây quần với nhau, đoàn kết với nhau gây sức mạnh. Ngoài năm ba Đảng chính trị như Liên minh Dân chủ, Việt tân..., các Hội như Hội Cựu quân nhân, Hội Thương phế binh VNCH, Hội Phụ nữ, Hội Cựu học sinh, ..vô số nhóm này nhóm kia... tôi nhớ không hết, hầu như tỉnh nào ở VN cũng có một cái Hội đồng hương bên này. Hội đồng hương Thân hữu Ninh thuận tôi nó bắt đầu ra đời từ đầu năm 94, so với các Hội khác thì hơi trễ, nhưng phát triển rất mau. Trước đó một năm, tại Santa Ana đã có mấy buổi họp măt ăn uống của mấy nhóm dân Phan Rang quen biết thân nhau thật vui rồi, như nhóm trung tá Tài tham mưu trưởng, nhóm Quang Trung-huê, ông Triều Nguyên, nhóm ông Phước chủ rạp xi nê Thanh bình, nhóm anh chị Tiềm, Trần bá Sáu, nhóm gia đình mấy ông H.O mới qua từ Los Angeles, San Bernardino xuống và San Diego lên. Ai cũng mừng gặp lại đồng hương thoát khỏi địa ngục trần gian, lâu ngày xa cách, hỏi chuyện Phanrang tíu tít. Cũng quay phim video tape, chụp hình xôm tụ lắm. Rồi không hiểu mấy ông lớn bàn bạc, nhắm nhía chọn người đứng ra nắm Hội, tham khảo ý kiến thế nào mà một hôm ông Tài gọi phone lên San Bernardino hỏi ý tôi có nhận làm Hội trưởng tạm cho Hội Ninh thuận sắp thành lập tháng tới ở dưới Wesminster không. Tôi sửng sốt:

-Tròi ơi, thiếu gì mấy ông cựu sĩ quan cấp tá như anh, mấy ông đại doanh gia, bác sĩ nha sĩ luật sư nổi tiếng ở Phanrang trước 75 ở dưới Bolsa mà không chịu ra làm, lại kêu em ở trên núi xuống. Em đâu có quen ai nhiều. Không được đâu.

-Người nào cũng dính đảng này phái kia, bà con ngại, anh thấy em nhà giáo thanh liêm, gia đình ba má có uy tín đạo đức, xưa nay không hề có tai tiếng xấu, không làm điều gì thất đức, trong tỉnh ai cũng biết...Với lại, bữa đó ra mắt, anh chỉ giới thiệu em làm Hội trưởng tạm thời thôi, trong khi chờ đợi bầu người đại diện chính thức sau. Các tỉnh khác người ta lập Hội đồng hương ào ào. Mình có gần 300 người Phanrang ở Nam Cali, khí thế đoàn kết, tình làng xóm đang lên tưng bừng, phải thành lập gấp một Hội Đồng hương để gây quỹ giúp anh em H.O sắp qua Mỹ định cư, nhiều người quá sức nghèo, tội lắm, không có tiền bạc lo giấy tờ...

Nghe nói giúp cho anh em tù cải tạo H.O có tiền lo giấy tờ qua Mỹ, tôi thấy lòng chùng xuống, đâm ra xiêu lòng. Tánh tôi không thích ràng buộc việc đời, gánh vác chuyện thiên hạ chịu tiếng khen chê bình phẩm, nhưng nghe làm việc thiện lại không thể nào từ chối được. Anh Tài ở tù cả chục năm. Cá nhân tôi cũng ở tù. Bạn bè trong giới nhà binh tôi bị tù cải tạo nhiều lắm, còn kẹt bên nhà. Chịu cực một chút mà giúp cho nhiều gia đình H.O có tài chính qua Mỹ và ổn định trong bước đầu là chuyện nên làm. Bèn nhận lời.

Bữa đó mùa Christmas và New Year, trời se lạnh, ở chùa Huệ Quang có tới hơn 200 người Ninh thuận ăn mặc đồ mới kéo tới tham dự, ngồi chật cả một hội trường rộng kê đầy bàn ghế học trò, có cả một ban bếp núc bảy tám quí cô quí bà lui cui nấu nướng đãi ăn gỏi cuốn, nem chả, bún bò ê hề. Anh Tài giới thiệu tiểu sử tôi là giáo sư cả bên VN lẫn bên Mỹ, cũng là sĩ quan tù cải tạo vượt biên, ai nấy đều vỗ tay hoan nghênh...Tôi thấy có nhiều người lạ hoắc, lấy lí do không phải cư dân quận Cam, đề nghị mấy người lớn tuổi có máu mặt sống ở Wesminster lên làm Hội trưởng, không ai lên tiếng chịu ra ứng cứ, lại có mấy bác lớn tuổi không quen, nghe tôi khiêm tốn ăn nói có mấy câu mà coi mặt bắt hình dong, còn đứng lên phát biểu nhứt định yêu cầu tôi làm cho kỳ được. Đúng là bắt cóc bỏ dĩa. Đành phải long trọng hứa cố gắng làm tròn nhiệm vụ hội giao phó trước cử tọa vỗ tay rần rần.

Như năm xưa ở trại tỵ nạn Hồngkông bị ép làm Chánh đại diện Phật giáo, có nhiều tả hữu tài ba không quen biết ở đâu túa ra giúp đỡ, kỳ này tôi đã có sẵn Phó Hội trưởng ngoại vụ là Micheal Minh, chủ nhân Traffic school ở Bolsa, nội vụ là Quang, bạn học cũ, thương gia trước 75, tổng thư ký là Phú, luật sư Vân cố vấn pháp luật, thủ quỹ chị Thiện trước làm chủ pharmacy, anh Phước chủ rạp xi nê là ủy viên kế hoạch tài chánh, anh Tài báo chí, anh Vâng xã hội, còn các chức vụ kia sẽ bầu sau. Thấy mọi người ai cũng vui vẻ nhất trí, ăn uống chuyện trò cười nói thân mật, tôi cũng an tâm đi vòng vòng chào hỏi bà con. Anh Tài cho biết nay mai sẽ xin giấy phép lập Hội non-profit organization.đóng thuế đàng hoàng, trong tương lai có thể xin được "fund" của chính phủ để làm việc thiện giúp đồng hương đắc lực hơn, nghe rất ngon lành. Tôi chưa có kinh nghiệm mấy về cái nghề "hội trưởng" mới lạ này, chắc chắn còn phải bàn tính, soạn thảo kế hoạch làm việc, học hỏi nhiều với các anh lớn tuổi sau này, tạm thời cứ nhận cho có danh chánh ngôn thuận mà giúp bà con đồng hương.

Tết năm đó, mấy ông nội đưa tôi lên ghế Hội trưởng bên Bolsa bàn tính mở gian hàng Hội chợ Tết bán chả lụa nem chua đặc sản của Phanrang để gây quỹ mà không cho biết trước, giờ chót mới kêu tôi qua trông coi, điều khiển, mọi sự cất rạp, trang hoàng, nấu nướng đã có người lo.Tôi đích thân có mặt coi ngó trong ngoài, service, nhận hàng, chi thu tiền bạc, gom tiền giao thủ quỹ, mấy ngày liên tiếp mệt phờ râu, khuya phải lái xe chạy về nhà sáu bảy chục miles. Làm việc thiện, thấy cũng vui, kết toán tính ra kiếm được khoảng gần ba ngàn đồng làm vốn ban đầu cho Hội.

Mỗi tháng Phó Hội trưởng Minh cho mượn phòng học traffic school để anh em họp một lần, ra điều lệ, làm biên bản lưu đàng hoàng..Phú tổng thư ký có trách nhiệm ra báo newsletter mỗi 2 ba tháng một lần, báo quay roneo đen trắng thô sơ, mười trang trong bước đầu, rồi tăng dần lên hai ba chục trang. Đồng hương mới qua Mỹ có Ban xã hội đi thăm viếng ủy lạo, giúp đỡ làm thủ tục khám sức khỏe, giấy tờ, xin trợ cấp xã hội. Đám cưới đám ma, đau bệnh có đại diện đi chia vui, phúng điếu, thăm viếng tặng hoa. Mọi việc cấp bách có anh Tài, Phước, Quang, Minh, vàPhú hội ý toàn quyền quyết định, chỉ khi nào có việc quan trọng, hay ký checks chi tiền, tôi mới phải chạy qua. Như đáp lời kêu gọi của tổ chức LAVAS, Hội đã điện thoại và điện thư cho 25 dân biểu Mỹ phản đối việc cưỡng bách hồi hương đồng bào tỵ nạn VN ở các trại Đông nam Á, rồi sau đó tham dự ngày đi bộ gây quỹ hổ trợ cho LAVAS hoàn thành thủ tục pháp lý định cư cho thuyền nhân còn kẹt ở các trại.. Anh em biểu quyết mỗi tháng lấy nguyệt liễm 5 $, hay 30$ một lần cho nửa năm, tiền bạc sổ sách đều đăng báo phân minh rạch ròi..Bác sỹ Đoàn, trước là Trưởng Ty y tế Ninh thuận, ở Kansas, nghe tin gửi qua ủng hộ cho 200$, Cựu Hiệu trưởng trung học Duy tân Đặng vũ Hoãn, cựu Trưởng ty Cảnh sát Nguyễn văn Hay ở Úc nhận bản tin, gửi thư gửi tiền khích lệ, cựu Tổng thống Thiệu qua Mỹ chơi, cũng gọi phone khen ngợi Hội, gửi cho 300$ với tư cách công dân Ninh thuận..Kẻ góp công, người góp của. Tôi viết bài "Đời người qua Tử vi" đăng Bản tin, quảng cáo giải tử vi cho bà con, lấy tượng trưng 15$ mỗi lá số để gây quỹ, cũng thu được gần 200$. Dần dần, quỹ tạm đủ để điều hành, việc thu nguyệt liễm lại lắt nhắt phức tạp, khó theo dõi, nên mấy năm sau, toàn thể anh em làm lơ luôn, không thu nữa, một phần một năm Hội tổ chức 2 lần họp mặt Tết ở nhà hàng và Hè tổ chức picnic họp mặt ở One-mile- square Park, bà con rộng rãi đóng góp cũng bộn.

Chủ trương của Hội tuyệt đối không làm chính trị, chỉ cùng với các Hội đoàn khác trên đất Mỹ bảo vệ, bênh vực quyền lợi người tỵ nạn Viet nam, đứng trên lập trường chống Cọng. Hội chủ trương đoàn kết đùm bọc người dân Ninh thuận ở Mỹ với nhau, và giúp đỡ dân nghèo bên nhà. Hoạt động tại Hoa kỳ, Hội giúp đỡ đồng hương Ninh thuận mới tới Mỹ sớm hội nhập đời sống mới, duy trì văn hóa tập tục quê nhà bằng cách tổ chức họp mắt một năm hai lần, Tết và Hè, chào cờ vàng ba sọc đỏ, chúc thọ, ca hát, ngâm thơ, đố vui, kể chuyện tếu, phát giải khuyến học cho con em giỏi, vun đắp tình đồng hương thân ái bằng cách thăm viếng, chia mừng, phân ưu, Tại Việt nam, Hội liên lạc cọng tác với Hội từ thiện Thanh Phong giúp đỡ vật chất cho các người già khổ, kẻ tàn tật, neo đơn, côi cút, người bịnh không đủ tiền mua thuốc nằm vật vạ ở nhà thương. Hội Từ thiện này do Hòa thượng chùa Trùng khánh lập ra đã lâu, giao cho Sư cô Diệu Tâm, xưa kia là chủ tiệm Phát lợi, làm chánh và bà cụ thân sinh tôi có tiệm buôn lớn ở Phanrang làm phó, hai người này là Phật tử thuần thành có đông con cái ra nước ngoài hay gửi tiền về giúp, nổi tiếng về làm từ thiện, cứu đói, cứu lụt liên tục nhiều năm trong tỉnh, nói tới ai cũng biết. Tôi làm Hội trưởng tạm được mấy tháng, .nhắc anh em bầu cho người khác như đã hứa, ai cũng lờ đi, bắt làm luôn nhiệm kỳ 2 năm.

 Hồi đó, nhiệt tình quê hương gắn bó đồng hương với nhau chặt chẽ thiết tha lắm, bà con sốt sắng đóng góp, hô đâu có đó, nghe bà con ở đâu mới qua là đem bàn ghế tủ kệ tới cho, .nghe ở Phanrang có người ở tù biệt giam mười mấy năm vì tham gia Phục quốc mới ra, bịnh nặng mắt sắp mù, đua nhau gửi tiền về ào ào. Có lần quỹ lên tới hơn 11 ngàn, nên Hội chẳng những gửi về giúp các gia đình HO chuẩn bị qua Mỹ, mà còn cho các cô nhi viện Phật giáo và Thiên chúa giáo, các ngươi già neo đơn bệnh tật nghèo đói trong hang cùng ngõ hẽm ngoại ô Phanrang., kể cả các học sinh nhà nghèo mà học giỏi do anh em tin cậy dạy học bên đó gửi danh sách qua.Tội nghiệp anh em H.O nhận được mỗi người có 100 đô Hội gửi về giúp, viết thư qua xúc động cám ơn, có anh thú thật cả đời chưa hề cầm được số tiền lớn như thế, không biết lấy gì mà đền ơn. Đồng hương bên này thấy ai sắp qua được thì mừng cho người ấy, vui sướng thấy đồng tiền gủi về đem lại hạnh phúc cho người qua sau. Mất quê hương, nên có thêm đồng hương nào mới qua coi như đem qua hơi hướng của quê nhà sang, đẩy quê hương xích lại gần mình một chút, gợi lại một quãng đời thanh bình no ấm hạnh phúc đã qua. Gặp lại nhau ở Wesminster, tuy lưa thưa năm ba chục mặt quen mà coi như một cái Ninh thuận nhỏ, mừng rỡ ôm chào, hỏi thăm tin tức người đi kẻ ở rộn ràng.. Bản tin được gửi đi khắp thế giới, bất cứ nơi nào có địa chỉ chính xác do người quen Ninh thuận báo cáo, kết quả là nhận được rất nhiều thư hồi âm và tin tức, số phone, địa chỉ của những người mới. Số phone đồng hương do đó phổ biến ngày càng nhiều trên các bản tin, thiên hạ mừng rỡ rối rít gọi thăm nhau xuyên tiểu bang, kể lễ chuyện nhà chuyện người, chuyện con cái gia đình, ai cũng mong đợi bản tin mau mau gửi tới như con thơ ngóng mẹ hiền để biết tin tức sinh hoạt bên nhà, bên Mỹ của nhau.

Tháng 8 hè năm 94 Hội chúng tôi tổ chức picnic họp mặt đầu tiên tại Công viên One-mile-square Park, thành phố Fountain Valley, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.. Tổ chức ở đây thường hay gặp một hai hội đoàn khác sinh hoạt kế bên, ca hát ăn uống, chạy qua tươi cười chào hỏi tỏ tình đoàn kết.. Một số người đi lạc, phải giăng biểu ngữ bằng vải vàng chóe dài to tướng "Họp mặt Hè Thân hữu Ninh thuận" ngay góc Euclid và Edinger cho thấy rõ, đậu xe bên kia dường rồi đi bộ băng qua. Bà con đông đảo đem thức ăn, dưa hấu, nước ngọt, bắp, potato chip, cánh gà đùi gà, thịt sườn tới nướng barbecue...Mấy năm sau có thêm cái màn "bánh căng", đặc sản của Phanrang, tức là bánh bột gạo xay nhuyễn, nướng thoa mỡ hành thơm phức, đổ trứng, chấm nươc cá hay mắm nêm. Nhiều người mò tới, nói xin lỗi, vì thèm được ngồi xổm bên lò than đỏ, ăn bánh căng nóng mới ra lò húp xuỵt soạt hơn là vì nhớ bà con quê nhà mà tới. Ăn miếng bánh căng mà nhớ lại cả một khung trời Phanrang, khu Bờ đê, Tấn tài, dường Ngô Quyền... Dưới những tàng cây xanh mát, các cụ già ung dung ngồi đánh cờ chiếu tướng, trẻ con tung tăng chạy nhảy reo hò bên bờ hồ xanh trong, người lớn chuyện trò, ngắm các hình ảnh sinh hoạt của Hội dán triển lãm trên các gốc cây to, các cô các bà quây quần tụ họp tâm sự cười đùa thảnh thơi êm ả trên cỏ...Khắp nơi vang vang tiếng chào hỏi ròn rã giọng Phanrang đặc.

-Ủa, chị Ba, qua Mỹ hồi nào vậy" Đi H.O hay ODP" Ở đâu vậy" Bà già có đi theo không"

-Kìa, anh Hào, anh qua hồi nào vậy" Trời, ngó anh sao hồi này già nhận không ra. Mấy đứa nhỏ có đứa nào đi làm chưa"

-Ý chết y, cô Ly Lan. Em nhìn nảy giờ nhận không ra, tưởng bà nhà giàu nào chứ, bây giờ trông cô lạ quá, mập ra trẻ ra...Qua đây còn mở tiệm uốn tóc nữa không"

-Ủa, chú Khánh, chú qua hồi nào vậy" Còn nhớ cháu hông" Cháu con bà Hai ở Xóm xe bò nè.....Ba má cháu nhắc chú hoài.. Chú dẫn được mấy đứa qua đây."

Tôi thông báo bà con chuyện Bộ Nội vụ Tiểu bang California đã chấp thuận danh xưng Ninh thuan Friendly Association như một Non-profit Incorporation, và Hội từ nay có bổn phận phải đóng thuế để hoạt động. Có người hỏi tại sao phải giấy tờ rắc rối như vậy, tôi biết nói sao, "Làm ăn hợp lệ thì hi vọng xin được nguồn trợ cấp chính phủ, quyên góp cũng hợp pháp, hoạt động xã hội đắc lực hơn, người cho lại được trừ thuế, tuy tốn một chút nhưng có nhiều cái lợi vê sau."

ANh em trong ban điều hành, làm việc với nhau, đôi lúc cũng có chỗ bất đồng ý kiến, cũng có lúc bực mình, cãi nhau, nhưng tôi trẻ nhất trong Ban, nên cũng khéo nhịn, đặt mình vào cương vị người khác để hòa đồng, tránh suy nghĩ chủ quan, nghĩ tới lợi ích chung tập thể mà dẹp cái ngã riêng, quên cái chức vị cá nhân mà chiều theo ý kiến đa số. Hội có tham vọng thực hiện một cuốn video quay các thắng cảnh núi biển Ninh thuận, thành phố, chợ búa, trường học.chùa Thánh, chùa Phật, nhà thờ, cách làm ăn sinh sống người Việt người Chàm ở các làng mạc, đại loại như mấy cuốn băng du lịch của Vân Sơn, để bán cho đồng hương bên này gây quỹ, nhưng rồi thấy cũng khó thực hiện, không có điều kiện, người kỹ thuật chuyên môn đáng tin cậy bên đó không có. Sau rồi nhiều người về nước chơi như đi chợ, nhắm video không ăn khách nữa, nên dự định chìm xuồng.

Có một cái Tết, nhạc sĩ Vô Thường chuyên đàn guitar dân Phanrang tới chơi, tặng cho anh em trong Hội một số CD do anh sáng tác, phát hành. Nhà anh hồi nhỏ, ở gần rạp xi nê Việt tiến, qua nhà tôi có mấy bước. Có một dạo, anh mở café Diễm rất đông khách..Thấy anh mà nhớ cả một vùng trời kỷ niệm ấu thơ. Mấy năm sau thì nghe tin anh bệnh mất, đúng là tài hoa bạc mệnh. Rồi có ca sĩ Chế Linh, cũng dân Chàm ở Ninh thuận, tới góp vui cho đồng hương mấy bài ca rền rĩ, ai oán thiết tha. Sau đó thì trên San Jose, một số đông đồng hương Ninh thuận gọi xuống, như Cúc Linh Chi, Lương Hùng...muốn tham gia Hội, nhưng sau khi trao đổi với anh Hoàng đưc Châu, đại diện trện ấy, thì hai bên nhất trí cần lập thêm một Hội Ninh thuận Bắc Cali, độc lập về tài chánh và điều hành, nhưng cùng dưới một danh nghĩa Hội thân hữu Ninh thuận ở Hoa kỳ trên mặt pháp lý. Ngày ra mắt Ban chấp hành Hội Bắc Cali vào tháng 9, anh em trong Hội kéo lên tham dự, tặng báo và một số áo thun T-shirt có in hai chữ Thân hữu Ninh thuận làm quà chúc mừng.

 Anh Châu là anh ruột Cựu Tổng trường dân vận Hoàng đức Nhã, bà con với ôngThiệu, ông Ngô khắc Tỉnh, nhưng tánh bình dân hay pha trò, được lòng hầu hết mọi người trên đó, năm nào cũng được "tái đắc cử "làm Hội trưởng muôn năm., xin nghỉ không được. Dưới sự điều hành của anh, tài tháo vát của chị Nhung bà xã anh, Tố Lan, Kim Thoa, Chi Nga, và mấy anh chị cọng sự đắc lực, đồng hương Bắc Cali Tết nào cũng có tiệc họp mặt ở nhà hàng, ăn uống, ca hát, sổ xố tưng bừng, bà con đóng góp hậu hỉ, có năm nhiếu hơn cả dưới Nam Cali. Anh chị Châu cũng chăm lo làm việc thiện không thua gì dưới Wesminster, gửi tiền bạc thường xuyên về cho Hội Từ thiện Thanh phong cứu lụt, cứu đói...sổ sách, chứng từ, hình ảnh lúc nào cũng phân minh, tỉ mỉ. Mẹ tôi, Sư cô Diệu tâm và bác Tế cố vấn, nhận tiền phải bận bịu quanh năm đi chẩn tế, cứu lụt, cứu đói, và giúp trùng tu lại một số chùa chiền hư nát xiêu đổ trong tỉnh.

Nhưng có một lần sau khi Hội gửi về 900$ cho mẹ tôi (mướn Honda thồ chở về nhà quê dống xóc ê ẩm mình mẩy) đi phân phát tiền bạc cho các gia đình H, O khốn khó, các người nghèo, tàn tật, đơn chiếc, và bỏ ra 700$ chuộc lại một ngôi nhà của chùa Tỉnh hội xây trước 75 (bị nhà nước CS tịch thu để không đóng cửa chơi) làm văn phòng châm cứu phước thiện thì chánh quyền địa phương bắt đầu để ý, điều tra coi nguồn tiền từ đâu gửi về. Công an khai thác tin tức, điều tra lý lịch nhân sự Ban lãnh đạo Hội qua các anh H.O sắp rời Phanrang qua Mỹ và đồng hương về nước thăm. Họ bắn tin cho Hội hãy gửi tiền trực tiếp về cho chính quyền địa phương để "lo" cho dân nghèo. Nghe các H.O qua Mỹ kể lại, ai cũng ôm bụng cười lăn:

-LO hay là NO" Bộ hết người gửi hay sao mà phải gửi tiền về cho nhà nước để nhà nước "no", nhân dân đừng có "no". Họa chăng là điên khùng tới nơi mới đi giao trứng cho ác.

+++

Bên Hội thân hữu Khánh-hòa cũng xảy ra chuyện tương tự, có người qua kể chuyện bên họ cũng muốn gửi tiền về trùng tu Trung học Võ Tánh, nhưng chánh quyền địa phương ép phải giao tiền cho Ban giáo dục Khánh hòa lo. Chắc là bên ấy tưởng bên này tiền "đô" rớt đầy đường dễ lượm lắm, nên cơ quan nào cũng giành quyền nhận tiền để làm việc "nghĩa". Lúc đó, năm 96, tôi mãn nhiệm kỳ, bàn giao cho anh Phước chuyển lên San Jose dạy học thì phong trào H.O đã nguội, tiền bạc bà con đóng góp bắt đầu thưa. Làm ăn khó khăn, nhiệt tình nguôi ngoai, bà con đóng góp ít đi, mà thư người nghèo và thương phế binh gửi qua xin giúp đỡ tới tấp càng lúc càng nhiều, anh Phước phải nghĩ ra cách làm những hộp nhựa cứng bỏ ở các chợ để người mua bỏ tiền thối bạc cắc lẻ vào ủng hộ Hội giúp kẻ bất hạnh ở Phanrang. Anh Phú tổng thư ký viết mấy lá thư cầu may, đóng dấu của Hội, kèm theo giấy phép tiểu bang, hình ảnh, lịch sử hoạt động từ thiện, gửi cho vài ba Hội Từ thiện quốc tế nhờ giúp đỡ tài chánh để cứu giúp đồng bào bịnh tật thiếu thuốc ở quê nhà. Kết quả thật bất ngờ: một tháng sau có người Đài loan đại diện một Hội từ thiện quốc tế tìm về Phanrang giao 10 ngàn dollars cho Hội Thanh Phong trang bị phòng châm cứu thành Tuệ Tĩnh đường, sắm đấy đủ thuốc men, máy móc, giường nằm, trả lương tượng trưng cho các thày châm cứu thiện nguyện, góp mua một ruộng muối dưới vùng quê lấy huê lợi thực hiện nhiều công tác xã hội khác. Chính quyền địa phương nghe tin, chận số tiền lại đòi giao cho họ, nhưng Hội đã nhanh tay rút trong ngân hàng ra mua thuốc men hết cho bệnh nhân. Anh Phước và chị em gia đình thân quyến cũng bỏ tiền túi ra xây một nhà dưỡng lão nuôi vài chục cụ già không con cái dưới vùng biển Mỹ tường, Vĩnh Hy.

Đến nhiệm kỳ anh Tài làm Hội trưởng, Hội tiếp tục những hoạt động từ thiện cứu trợ ở quê nhà qua liên lạc với Hội Thanh Phong, nhưng số lượng ít dấn, anh Cung chị Tài, chị Thanh bỏ tiền túi giúp trùng tu các ngôi chùa nhỏ ở làng mạc xa xôi, giúp Gia đình Phât tử, chùa Tỉnh hội, các bà con khác tùy tâm muốn gửi cho ai, Hội tập trung gửi một lần. Bác sĩ Đoàn bấy giờ về hưu, quay về Santa ana mua nhà ở, an hưởng tuổi già, được mời ra làm cố vấn thường trực cho Hội. Hội nghĩ đến việc tìm trong giới trẻ những thanh niên có thiện chí thay thế lớp già, đứng ra tiếp nối gánh vác công việc, bắt đầu là con em của anh chị em nằm trong Ban điều hành, khuyến khích bà con dẫn con em tới dự picnic Hè, Tiệc Xuân, nói chuyện, để các em noi gương, bắt chước. Một vài em chịu bắt tay góp sức, nhưng rồi cũng không được lâu bền. Tuổi trẻ lớn lên ở bên này không trải qua những gian khổ chiến tranh, không chia sẻ buồn vui với đồng hương qua các thời kỳ lịch sử tối tăm, hay chịu đựng những khổ đau tủi nhục của tù đày như lớp cha anh, nên không mấy thiết tha với việc duy trì một Hội đoàn thân hữu có công năng cưu mang tương trợ, đoàn kết đồng hương làng xóm với nhau...làm buồn lòng các bậc trưởng thượng không ít. Tre già nhưng mà măng không chịu mọc. Thôi thì Hội nhờ phước Trời, ráng duy trì được tới khi nào hay khi ấy, ở đời mọi sự đều là vô thường, có sinh tức phải có lúc diệt.

Thời kỳ đó tôi dây học trên San jose, hè 99 về VN lần đầu thăm gia đình, được công an xuất cảnh ở một tòa nhà lộng lẫy mới xây dưới biển Bình sơn mời xuống nói chuyện, vì biết tôi trước đây làm Hội trưởng Ninh thuận.Cán bộ người Bắc, ý chừng là trưởng ban tuyên vận hay chính trị gì đó mời hút thuốc 555, ăn nói rất khéo, nhã nhặn đẩy đưa lịch sự, con mắt sắc sảo quan sát không bỏ sót thái độ cử chỉ nhỏ nhặt nào của tôi, hỏi dò la đủ thứ chuyện bên Mỹ, chuyện người Thượng tỵ nạn ở Cali có đông không, chuyện anh có đi Huế chơi chưa, chùa Thiên Hưng ở Văn Sơn lớn và đẹp nhất tỉnh do thày Huyền Vi gửi tiền về xây cất, anh biết thày ở đâu không, chuyện Vn chưa vào dược WTO nên phải xuất khẩu hàng lệ thuộc vào các công ty nhãn hiệu Thái lan, không còn lời bao nhiêu, chuyện anh có thích đầu tư ở VN không, bên đó anh có biết người Phanrang nào làm ăn giàu có lớn không...Tôi nói bên này không có luật lệ rõ ràng phân minh ai mà dám đầu tư, anh "tuyên vận" nghiêm mặt chận lại không cho nói tiếp, đổi qua đề tài khác. Tôi biết ý không thèm nói nhiều nữa, trả lời dấm dẳn, hay nín thinh, anh ta bèn vuốt ve "chuyện tịch thu nhà cửa, bắt học tập cải tạo, bắt vượt biên, đi kinh tế mới ngày xưa..thuộc về quá khứ rồi...bây giờ người Việt với nhau mình nên bắt tay xây dựng lại đất nước, tôi biết ở đây cũng còn nhiếu cái tiêu cực lắm, như công an giao thông ăn tiền mãi lộ xe hàng, nhân viên soát vé phi trường vòi vĩnh, ăn tiền hối lộ của Việt kiều về nước..." Tôi chăm chú nghe không nói gì, nhưng trong bụng cười thầm, "Cũng biết vậy sao" Good boy !"

 Năm 2000, anh Bảo lên thay., làm liên tiếp hai nhiệm kỳ Hội trưởng vì không có ai chịu ra ứng cử. Anh cũng chịu khó, nhiệt tình với quê hương, nhưng tiền gửi về giúp đồng hương thưa thớt dần, vì ít người đóng góp. Anh ra được một hai tập báo Xuân có nhiều bài vở hay, bìa cứng in hình màu Tháp Chàm, hình ảnh đặc trưng của xứ Ninh thuận khô khan nóng cháy, đăng tin tức chia vui với một số bà con có con em tốt nghiệp ra bác sĩ, dược sĩ, luật sư... Đồng hương bên Mỹ đã mỏi mệt, ít người làm công tư chức Mỹ lương cao, một số nhờ vã con cái mới ra trường đi làm, ai cũng muốn dành tiền mua cái nhà để ở, có người income thấp, phải xin housing, tiền già, tiền bệnh, medicare. Đa số bà con tuổi già chập chờn tời nơi, mà bên nhà thì thiên tai bão lụt hạn hán quanh năm suốt tháng, lòng tốt của ai cũng co lại. Việt kiều hải ngoại đã gửi hàng năm mấy tỷ đô la về cứu giúp thân nhân bà con bè bạn, mà sao đất nước cứ nghèo đói, dân tình cứ kêu than rên xiết hoài....

Qua đời anh Trình lên làm Hội trưởng thì ban báo chí thông tin bắt đầu hoạt động mạnh hơn, nhưng khởi sắc là nhờ phần kỹ thuật ấn loát, bài vở, và mục trà lời thư tín. Là dân H.O, cựu đại úy không quân VNCH, qua Mỹ 1992, học đại học cộng đồng ra chuyên viên sửa Toyota, anh chịu khó mày mò học thêm về computer, nhiếp ảnh, quay phim, viết lách, sản xuất ra những tập đặc san Tết và Hè, bìa cứng màu mè tươi thắm gần 200 trang giấy trắng tinh, khéo léo xã giao liên lạc chặt chẽ với những đồng hương ở San jose, các tiểu bang xa xôi, nhờ viết bài và "donate" tiền bạc rộng rãi cho quỹ thêm phong phú. Trình lại được một số anh em bà con ruột thịt, sống gần gũi bên cạnh, toàn là dân H.O ở tù lâu năm, hậu thuãn giúp đỡ, làm cho phong trào Hội tươi tỉnh thức dậy.

Quan niệm việc phải cứu giúp bà con bên nhà như một bổn phận mà các đời Hội trưởng tiền nhiệm duy trì, theo Danny Trình và một số thân hữu, coi như đã lỗi thời. Anh chủ trương tiền bà conđóng góp bên này chỉ để phục vụ cho bà con bên này, đi mừng đám cưới, phúng điếu đám ma, mua hoa tặng người bệnh, mua quà xổ xố đắt tiền cho tiệc Xuân, tới lui hì hục chuyên chở những lò bánh căng bằng đất sét nung, bịch đá, trái dưa, các soong thức ăn nặng nề ra công viên chiêu đãi đồng hương dự picnic hè, ngồi nhà chăm chút tô điểm cho 2 tờ báo ra đời một năm, không tiếc tiền tem cước phí gửi báo đi xa các nơi bà con yêu cầu, quan niệm đặc san chính là dây liên lạc quan trọng kết nối các đồng hương Ninh thuận ở khắp thề giới lại với nhau.

 Anh mời luật sư Nguyễn quốc Lân, gốc dân Phanrang, Cựu phó tỉnh trưởng hành chánh nội an Ninh thuận, bác sĩ Văn kỳ Chương, các giáo sư kỳ cựu Duy tân... tới dự tiệc Xuân. Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Vũ Hùng dân Phanrang, cũng tình nguyện tới làm MC, ca hát vang lừng cho tiệc Tết mỗi năm. Bà con lục tục kéo nhau trở lại sinh hoạt họp mặt đông như hồi nới thành lập. Nhiều đồng hương ở xa, Na uy, Úc, Canada, miền Đông, đọc báo, nghe tiếng, bay qua Little Saigon, tham dự tiệc Xuân, picnic hè một lần cho biết. Vài ca nhạc sĩ, văn sĩ đồng hương cũng nhân dịp đông đảo này đem CD, Dvd, sách báo tới ca hát, nhờ mua ủng hộ, giúp cho các tổ chức từ thiện, cựu quân nhân và thương phế binh, các thày giáo nghèo ở quê nhà... Một người bạn cũ của Trình, anh Lê, ở tù CS qua Mỹ trễ, học tốt nghiệp computer science, làm hãng Mỹ, lấy làm cảm khái về hoạt động cộng đồng nhiệt thành của anh, design một website đặc biệt cho Hội thân hữu Ninh thuận trên mạng, làm sinh hoạt đồng hương thêm phần phong phú, tân tiến, đa dạng..Trưởng nữ anh Phước, Võ thị Hiền, cũng mở một website đầy các slide shows hình ảnh diễm lệ, âm nhạc tuyệt vời, truyện ngắn, lưu bút kỉ niệm, tâm tình cho cựu học sinh Duy tân Phanrang thưởng thức, chia xẻ.

Các Hội trưởng tiền nhiệm, ai cũng khen ngơi công lao khởi sắc cho Hội của Trình, nhưng lại không vui vì việc anh phá tiền lệ, không gửi tiền về VN nữa. Trên San Jose, anh Châu cũng than già yếu mỏi mệt, xin rút lui, không quyên tiền được, không hăng hái gửi về làm từ thiện nữa. Anh em bèn tổ chức họp mặt, mời bác sĩ Đoàn cố vấn và tôi (vốn ở xa Hội nhiếu năm nay) tới góp ý. Theo Trình và một số anh em H.O, đất nước đã chuyển qua kinh tế thị trừờng từ năm 90, bây giờ là 2006, ai cũng được tự do buôn bán thoải mái, xe máy xe hơi chạy đầy đường, nhà lầu ba bốn tầng ở tỉnh nhỏ mọc lên như nấm, thiên hạ qua Mỹ du lịch như đi chợ, còn ai thực sự đói khổ nữa mà giúp. Một anh đỏ mặt vung tay nói:

-"Tại sao mình bỏ xứ vượt biên thì chúng nó bắt bớ, bắn bỏ, tịch thu nhà cửa" Ở lại thì nhốt tù cải tạo, vợ con nheo nhóc, bắt đi kinh tế mới. Ê chề bầm dập mới lo lót chạy được qua tới đây, lại phải ngày đêm học hành, lam lũ khổ cực đi cày, dựng lại cuộc đời, ở nhà mướn, trả tiền bills, bây giờ còn phải gửi tiền về "nuôi" chúng nó sao" Không "fair" chút nào hết.

Anh khác bực bội cất giọng oang oang phân tích:

-"Bao nhiêu quốc gia Âu Mỹ Nhựt viện trợ lâu nay cho VN, tiền đi đâu hết rồi" Bảy tám tỷ bạc Việt kiều gửi về hàng năm. Tiền dân đóng thuế, xuất khẩu cà phê, tôm cá, xuất khẩu lao động qua Mã lai, Indonesia đi làm gửi tiền về, khai thác mỏ dầu, tiền cướp đất dân oan, chùa chiền, bán cho ngoại quôc cất villa, làm sân golf, xây cơ sở, nhà máy, đầu tư...v.v ......đâu hết rồi" Tiền các công ty ngoại quốc hối lộ để đầu tư vô túi các quan to tham nhũng chia chác nhau hết rồi, có xuống tới tay dân đâu. 30 năm "giải phóng" đã qua, mà sao dân cứ nghèo đói, thiếu ăn, bịnh tật, thất học, rên la hoài là tại sao" Đâu phải lỗi của mình mà bắt mình phải chìa vai gánh vác"

Một chị đi vượt biên bể, bị bắt nhốt mấy lần, vênh mặt lên trời, nói giọng thẽo thợt:

 -Họ dành độc lập, làm chủ đất nước, tự xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người, xử dụng tài nguyên đất nước, bán biển bán đất cho Tàu thì phải có bổn phận nuôi cho người dân no ấm chứ. Nếu có giúp, sao mình không giúp cho Hội Thương phế binh ở đây, gửi về cho anh em cụt tay cụt chân bên nhà, có phải hơn không"

Trình và mấy anh chị tức giận cũng là Phật tử thuần thành như mấy anh lão thành tiền nhiệm, như tôi, như Bảo, anh Châu, như nhiều anh khác, cũng biết "lấy tình thương xóa bỏ hận thù", "lấy ân báo oán", hay "cúng dường chúng sanh tức là cúng dương chư Phật"...nhưng quan đỉểm của các anh chị ấy không phải là không có lý. Như Trình, ở tù CS bảy năm, hy sinh tuổi trẻ cho cuộc chiến vô lý, qua Mỹ hai bàn tay trắng, nheo nhóc 2 đứa con muộn, làm sao bắt anh biến thành Bồ tát từ bi ngay được. Hơn nữa, chính mắt tôi thấy, một mình anh đêm hôm thức hai ba giờ khuya đánh máy, lọ mọ đeo kiếng đọc, sửa bài viết trên computer, in hình, lay out tờ báo, mua tem, gói báo gửi đi các nơi, vợ con lại bỏ thì giờ mua hoa đi thăm viếng đồng hương, mua quà xổ số, gọi phone xã giao thăm hỏi bà con ờ xa, công lao gia đình anh cực khổ làm ra tiền cho Hội thì cũng nên để cho anh cái quyền quyết định chi tiêu, điều hành công việc. Tốt xấu, nên hay không nên, đã có cộng đồng phê phán, khen chê. " Ăn cơm nhà vác ngà voi", mà còn bắt anh ta phải vác theo ý mình nữa thì cũng hơi quá đáng.

-"Mang tiếng Hội Ái hữu Ninh thuận mà không giúp Ninh thuận bên nhà thì cũng không đúng. Thôi thì", tôi góp ý, "lâu lâu bên nhà có bão lụt hạn hán, mình cũng nên gửi về giúp, như vậy mới gọi là " lá lành đùm lá rách.", "lá rách đùm lá tả tơi".

-Cái đó thì em đâu có từ chối, " Trình cười, " thiên tai đâu phải do lỗi Cộng sản.

Tôi nhiều khi ngồi nghĩ kỹ lại, thấy Trình nói cũng không sai. Mẹ mình 80 tuổi, vất vã đi nhà quê làm từ thiện, cứu đói cứu lụt bên nhà, gánh bớt nỗi khổ của dân đen dùm họ, tối về tới nhà mệt ngất, lên cơn đau tim tưởng chết, em mình buôn bán 19 năm nay nộp thuế không biết bao nhiêu cho họ, biếu xén các chỗ công quyền, giúp kinh tế đất nước phồn vinh, mình là Việt Kiều "núm ruột ngàn dậm"Đảng và chính phủ ưu ái mời về nước đầu tư du lịch, đem ngoại tệ về, tiêu xài đô la, cho tiền dân nghèo, cô nhi, bà lão, chỗ này chỗ nọ, giúp xoa bớt lòng căm phẩn oán hận của dân đen đối với nhà nước, mà công an đia phương nào có biết ơn, lần mới đây về chơi, vẫn coi mình như kẻ thù, ăn nói xách mé trống không, hạnh họe ra điều ta đây, quen thói bắt nạt dân lành trong tỉnh. Nói "tôi về hưu rồi" thì hỏi tại sao về hưu, lương hưu bao nhiêu môt tháng, vợ làm gì, con làm gì, nghe mà tức cười. Gặp ông sư Ấn độ theo phái doàn sang VN, ra Phanrang tìm hiểu đạo Bà la môn ở mấy làng Chàm, vì không có ai hiểu tiếng Anh, sợ Sư cười dân VN dốt, mình nhận lời thông dịch giùm thì tưởng mình là gián điệp cho Mỹ đen("!).Ra Bắc vào Nam thăm bà con, coi phong cảnh thì nói sao đi "nhiều" nơi quá vậy(!"), kiếm cớ buộc tội " đăng ký tạm trú tạm vắng sai qui định" để phạt mấy triệu bạc. Ở trên thì chiêu dụ Việt kiều, ở dưới thì bòn rút được đồng nào hay đồng nấy, tra hỏi Hội bên đó ai làm chủ tịch, ai làm thư ký, thử hỏi ai mà chịu nỗi. Chủ tịch hay thư ký thì thây kệ xác họ bên đó, có ai động chạm, lật đổ được ghế ngồi của quan thầy mấy anh bên này đâu mà cứ hỏi hoài. Hội đồng hương nói nghe xôm tụ, chứ xúm lại ăn uống họp mắt hàn huyên cho thỏa tình chòm xóm quê hương vài ba tiếng đồng hồ rối mạnh ai nấy về, có gí mà trọng đại mà năm nào ai về nước chơi, cứ hỏi tới hỏi lui đến bực mình.

 Trong Hội, có một số ít người khác quan điểm nhau, vì lý do này lý do kia, chê cái này khen cái kia, lai rai công kich nhau, nhưng công việc vẫn cứ trôi chảy. Trình làm thành công hai nhiệm kỳ liên tiếp, được nhiều đồng hương xa gần quí mến, rồi mới đây nhân tiệc Xuân, bà con bầu anh Phó Hội trưởng họ Trần, lên thay, dáng dấp cao lớn, già dặn, phong thái ôn hòa, dễ tính, được lòng nhiều người. Lật bật mới lên mấy tháng, anh đã sốt sắng tổ chức picnic hè rầm rộ, kêu gọi bà con tới dự, ăn bánh căng... Lại sắp được ăn bánh căng nữa rồi, hoan hô Tân Hội trưởng.

Tôi thấy ngay trong gia đình tôi, cùng cha mẹ đẻ ra, mà anh em ruột còn khác nhau về tánh tình, sở thích, chính kiến, huống chi trong một tập thể, một Hội đoàn vài ba trăm người, "chín người mười ý", trình đô nhận thức khác nhau, làm sao tránh được những bất đồng ý kiến, cãi cọ, tự ái, tranh chấp. Đất nước, triều đại nào, đảng phái, hội đoàn nào, tổ chức, cuộc đời nào xưa nay cũng có những bước thăng trầm vinh nhục, Hội đồng hương nào cũng vậy, tôi nghĩ, phải có những lúc lục đục nôi bộ, tình cảm sứt mẻ, làm sao tránh khỏi, nhưng tình xóm giềng, làng mạc, quê hương gắn bó, lòng vị tha sớm muộn gì rồi, với thời gian, cũng bao trùm lên hết mọi nhỏ nhen, hiềm khích của cá nhân mà kéo dài tuổi thọ của Hội, ít ra trong suốt thế hệ người Việt tỵ nạn thứ nhứt trên xứ người.

 Chuyện lớn ở đây là, biết thế hệ thứ hai, thứ ba, con cháu mình vài chục năm nữa, có còn đọc được, viết được tiếng Việt lưu loát, có còn giữ được phần nào văn hóa phong tục cổ truyền, có còn thương yêu, bênh vực, giúp đỡ đồng bào của mình hay không. Và nhất là có khi nào nhớ đến một nơi chốn bình yên, hiền hòa, xinh đẹp, mộc mạc, bên kia đại dương, đã từng là nơi chôn nhau cắt rún của ông bà tổ tiên mình, một vùng đất nước đau thương đầy oan khiên hoạn nạn, gầy còm hình chữ S, quanh năm cúm gà, dịch tả, bão lụt, nằm bên biển Thái bình sóng vỗ miên man, có mong một ngày nào đó trở về góp sức xây dựng tổ quốc văn minh giàu mạnh cho thế giới năm châu quay nhìn, cúi đầu khâm phục hay không. Đó là giấc mơ của người viết, người Ninh thuận hải ngoại nói riêng, người Việt lưu vong nói chung, đang hòa hợp an trú trong vòng tay thương yêu, ấm áp bao bọc của các Hội đồng hương mọc lên khắp nơi trên đất Mỹ hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,334,455
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.