Hôm nay,  

Chuyện Một Tối Cúp Điện

01/03/200800:00:00(Xem: 128378)

 

Tác giả: Khanh Nguyễn

Bài số 223461620813-vb6290208

*

Tác giả Khanh Nguyễn cư trú tại Stuttgart, Đức Quốc. Theo bài viết, trước đây, khi còn ở Ciệt Nam cô là một cô giáo. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là chuyện một “giấc mơ nước Mỹ” tan vỡ ngoài khơi biển Long Hải...

*

Hồi đó vào những năm 80, lúc làn sóng những người vượt biển từ từ bớt đi vì các nước thứ ba không còn muốn nhận người tị nạn đến nước của họ nữa. Lúc đó cũng như những lúc trước đó, tôi cũng ao ước ra đi, nhưng tôi không bao giờ có đủ tiền để trả chủ tàu nên đành xếp giấc mơ đó lại gửi cho mây gió. Buổi tối ngồi mở radio nghe đài BBC bình luận chuyện đời để có cảm giác mình cũng có hiểu biết chút đỉnh, không đến nỗi như con cóc ngồi trong đáy giếng. Để rồi ban ngày khi vào trường đi dạy, tụm năm tụm ba lại với mấy cô bạn đồng nghiệp kễ chuyện mình vừa nghe hôm qua, hăm hở như vừa khám phá được những gì mới nhất, hay nhất, lạ nhất!

Bọn cô giáo chúng tôi vì tiền lương chính thức thời đó không đủ sống, nên hễ có học trò là mở lớp dạy thêm, dạy buổi sáng ở trường, dạy thêm ở tư gia hay ở các nhóm riêng buổi trưa, buổi tối dạy lớp đêm ở các trung tâm ngoại ngữ. Dạy nhiều đến nỗi nhiều khi mệt quá, ra về đầu óc cứ lâng lâng, đi trên đất mà cứ ngỡ mình đi trên mây!

Tôi cũng bị cuốn theo cơn lốc đó. Vì nhà không có chỗ dạy nên tôi đi mướn một căn phòng sáng sủa để kéo học trò tới dạy thêm. Đó là một căn nhà ở khu quận 5, gần khu Trần Bình Trọng-An Dương Vương. Dạy xong, có khi tôi lười không chạy về nhà, ăn quanh quẩn chút gì đó rồi trải chiếu ngủ giữa những chiếc bàn, chiếc ghế rẻ tiền mua cho các học trò nam nữ của tôi.

Bà chủ nhà của tôi là một phụ nữ có lẽ đã quá năm mươi. Trông làn da nhăn nhúm của chị thấy mà phát tội! Chị rất hiền, rất lành, rất dịu dàng. Tôi dường như chưa bao giờ nghe chị nói lớn tiếng với ai. Thỉnh thoảng khi đi làm về, thấy tôi chưa bắt đầu giờ dạy, chị đứng lại hỏi chuyện qua loa nhưng không bao giờ tò mò đến những việc riêng tư. Chị có đứa con gái cỡ chừng mười ba hay mười bốn tuổi. Nó xinh xắn nhưng nước da trắng trẻo chứ không tẩm ngẫm tầm ngâm như da chị. Nó gọi chị bằng mẹ và rất quấn quít với chị. Có  hôm tôi thấy con bé đi về nhà với một người đàn bà khác trẻ hơn Chị Hai (tên tôi gọi bà chủ nhà), nó níu tay, hôn hít và cũng kêu bằng mẹ. Tôi định hôm nào có dịp sẽ hỏi cho biết ai mới thật là mẹ. Chị Hai, bà chủ nhà của tôi có vẻ kín đáo và u buồn. Tôi chẳng hiểu vì sao.

Thế rồi một tối kia trời cúp điện. Hôm đó, cả thành phố mịt mờ trong tăm tối. Không có đèn đường cũng chẳng có trăng. Tôi cho học trò ra về vì chắc rằng có lẽ đến mấy tiếng đồng hồ sau mới mong có điện lại. Chờ cho đứa cuối cùng dẫn xe đạp ra, tôi mới lò dò vào nhà tìm  diêm quẹt để thắp đèn. Diêm quẹt không còn. Tôi lò dò lên lầu xin mồi lửa đốt đèn. Tôi vừa đốt đèn xong, định thổi lửa nấu cơm thì con bé con Chị Hai chạy xuống. Nó bảo tôi: Mẹ con mời cô lên ăn cơm chung. Cơm mới vừa dọn xong, cô lên liền nghe.õõ

Được mời kiểu dã chiến như vầy, lên ăn mà không đem theo gì cho chị thật tôi cũng ngại. Nhưng từ chối tôi cũng không muốn, vì có rất nhiều điều tôi muốn nghe và muốn biết. Tôi nhủ thầm, ngày mai mình sẽ ghé chợ mua ít trái cây cho chị. Thế là tôi cầm đèn đi lên.

Bàn ăn đã dọn xong. Tôi ngồi vào, dưới ánh sáng đèn dầu, tôi thấy mấy chiếc hột xoàn chị đeo trên bàn tay lấp lánh quá đẹp. Tôi khen:

-Chị Hai có mấy cái hột xoàn đẹp quá!

Chị trả lời tôi điềm nhiên:

-Mấy cái nầy của má chị đưa. Của chị tiêu hết rồi vì chuyện vượt biên.

Rồi chị tiếp đồ ăn cho tôi bằng bàn tay răn reo được điểm tô bằng những chiếc hột xoàn đắt giá lấp lánh. Chị nói đều đều.

...

Em biết không, lần đi đó anh chị giao vàng phân nửa cho chủ tàu, và hẹn hôm ra tàu lớn sẽ đưa phần còn lại. Chủ tàu nói có vẻ rất chắc ăn vì họ đã tổ chức nhiều lần. Ông xả chị lúc đó vừa đi học tập cải tạo về. Phần lớn bạn bè ảnh đều đã đi cả rồi. Họ thư từ cho ảnh, biểu ráng qua tới Mỹ họ sẽ dành sẵn công ăn việc làm cho. Thấy thân phận sĩ quan cải tạo ở lại không có tương lai, nên ảnh bảo chị gom góp hết vàng bạc, nữ trang dành dụm được để đóng tiền đi.

Đóng tiền xong, cả nhà chị chờ ngày ghe nhỏ đưa ra tàu lớn để đi. Họ hẹn gia đình chị ra Vũng Tàu. Nằm chờ ở đó ba bữa. Tối nọ lúc nửa khuya, chủ ghe và một người đàn ông nữa lái Honda tới đưa anh chị và mấy đứa nhỏ đến một bãi biển vắng-bây giờ chị không rõ là ở đâu, chỉ biết đó là một bãi biển hoang vắng ở Vũng Tàu. Họ để anh chị chờ ở đó để ra ghe. Bữa đó trời êm gió lặng. Trăng mười sáu không sáng lắm, lên hơi muộn và bãi biển đẹp lắm. Anh chị ngồi chờ trên bãi vắng trong hồi hộp và lo âu.

Đến gần hai giờ sáng cũng hai người đó tới và dẫn anh chị ra ghe. Trên thuyền chỉ có gia đình anh chị. Thấy chị ngạc nhiên, họ bảo mọi người khác đã đi bằng những thuyền nhỏ khác. Ra từng đợt như vầy chắc ăn, không sợ bị lộ. Anh chị thấy vững lòng vì mọi việc êm xuôi. Không có công an rượt đuổi, cũng không có cảnh xô sát sợ sệt. Một ít giờ nữa thôi sẽ được ra tàu lớn. Tàu lớn sẽ đưa người ra hải phận quốc tế. Tới hải phận quốc tế là đã thấy thoát được bọn công an biên phòng, không sợ bị rượt đuổi nữa.

 Rồi, biết đâu định mệnh tốt đẹp dung rủi cho ta đến bến bờ bình an. Hay may mắn hơn được ngay một thương thuyền ngoại quốc nào đó cứu vớt, đưa vào đảo. Sau đó ta được học Anh Văn, học văn hóa xứ người và chờ ngày định cư. Ông xả chị chắc sẽ gọi điện thoại ngay để báo tin cho bè bạn ảnh ở Mỹ... chắc chắn họ sẽ lo sao cho anh chị sớm được đi định cư. Chỉ một thời gian ngắn thôi anh chị sẽ có được một cuộc sống bình an ở Mỹ, các cháu sẽ có được tương lai tốt đẹp. Có gian nan và tốt kém mấy trong chuyến đi nầy mà tương lai đền bù được chị thấy cũng không uổng!

Hai người đàn ông đưa anh chị lên ghe và nổ máy cho ghe chạy. Được chừng một tiếng hay tiếng rưởi, lúc không thấy bờ nữa, chỉ có trời nước mênh mông-biển thật đáng sợ lúc giữa khuya- Anh chị thấy tên chủ tàu xầm xì chi đó với người đàn ông đi chung. Sau đó họ kêu anh ra, hỏi:

-Số vàng còn lại anh có đấy không"

-Thưa có. Nhưng phải đợi đến khi qua tàu lớn tụi nầy mới trả .... Ông xả chị chưa dứt câu thì tên chủ tàu nạt lớn:

-Mầy có đưa ra hay không!

-Chưa ra tàu lớn sao anh bảo chúng tôi đưa. Như vậy đâu có đúng ....

Tên đứng đằng sau túm lấy áo anh:

-Mầy có đưa không"

Anh đưa tay gạt ra phía sau. Thằng đằng trước lấy cây xà đập vào đầu anh túi bụi từ phía truớc. Chị chạy tới. Và cũng ăn đòn giống như anh. Hai đứa nhỏ đằng sau gào thét vì thấy người ta đánh cha mẹ chúng. Chị đã ngã gục. Không bao lâu sau chồng chị cũng bỏ cuộc. Hai người nằm trong sàn ghe máy chòng chành. Hai tên gian ác lục lọi túi áo, quần của anh, của chị giữa tiếng khóc gào sợ hãi của hai đứa trẻ. Sau khi tìm được cái chúng muốn. Một đứa lôi anh chị quăng xuống biển. Và một thoáng không lâu sau tiếng khóc la của hai đứa bé cũng không còn. Nhanh quá! Công việc hủy hoại và giết người nầy chỉ kéo dài có mấy phút mà thôi. Chứng nhân chỉ có nước với trời. Nước thì gần mà trời thì xa, liệu có thấy cả chăng!

Chiếc thuyền ra đi, bỏ lại đằng sau bốn cái thây người từ từ chìm xuống đại dương mênh mông, không có một bóng người!

Biển êm, êm lắm. Nước bập bềnh dồn dập quanh thân thể chị. Chị tỉnh lại và bản năng sống bảo chị bơi, bơi và bơi trên mặt biển mênh mông không bến không bờ. Trước mặt chị là ánh trăng lu. Chị thấy như có ai đó mặc áo trắng giang tay và bảo chị hãy cố lên, cố lên. Chị cố gắng cho tới chừng kiệt sức.

...

Chú Năm, dân làng chài ở Long Hải, thường đi đánh cá đêm. Đêm đó cũng như mọi đêm, chú cũng ra đi với một chiếc thuyền đầy lưới, một ngọn đèn dầu leo lét. Chú và thằng con buông lưới, ngồi chờ, rồi kéo lưới gỡ cá rồi lại buông lưới .... Bao bận như thế cho đến hừng sáng như mọi khi, chú mới cho thuyền về bến để kịp bán cá, tắm rửa, nghỉ ngơi.

 Tối hôm ấy, lúc ngắm trăng bập bềnh trên nước và dõi mắt theo sợi dây phao lơ lửng, chú chợt thấy một khối đen dị thường bập bềnh trôi. Chú bảo thằng con:

-Mầy cho ghe cập phía nầy cho ba! Hình như có người chết đuối!

Chị được cha con Chú Năm dân chài cứu sống như thế đó. Chị uống khá nhiều nước nhưng sao không chìm. Họ sốc cho nước ra và rồi chị tỉnh lại.

Khi họ đưa chị vào bến cá ở Long Hải trời cũng vừa hừng sáng. Có lẽ chị phải vật lộn mấy tiếng đồng hồ trên biển. Chị là người không bơi giỏi, chỉ biết sơ sơ. Chuyện chị sống được cho đến khi mấy người đánh cá vớt chị thật là một điều tình cờ mầu nhiệm, có thể nói gần như phép lạ.

Trưa hôm đó gia đình cứu chị đưa chị về lại Sài Gòn. Chị thẩn thơ như người mất hồn. Mắt chị khô ráo không có một giọt lệ. Nỗi đau trong tim lớn đến độ chị không còn khóc nổi. Chỉ có một đêm thôi mà chị đã hóa thành một con người khác. Một đêm hãi hùng trên biển chị mất chồng, mất con, mất hết của cải. Chị giống như kẻ bị đẩy vào hố sâu, tối tăm và tuyệt vọng. Chỉ mới hôm qua thôi cuộc sống hãy còn hăm hở tặng chị những hy vọng lấp lánh phía bên kia bờ. Chỉ hôm qua thôi màu của tương lai hãy còn rực rỡ. Vậy mà hôm nay tất cả đã không còn một chút ý nghĩa. Biển là một màu đen ảm đạm không cùng. Biển đã chôn những người mà chị yêu thương nhất trên đời. Biển đã chứng kiến những gì gian ngoa, xảo quyệt nhất của con người. Biển đã lột trần chị không còn một thứ gì hết!

. . .

Chị nhìn tôi bằng con mắt cũng khô ráo như thế trong ánh đèn dầu leo lét:

-Em biết không, lúc đó ở nhà tưởng chị điên. Chị ngồi suốt ngày, không ăn, không uống. Khi chị nằm xuống thì chị nằm mơ thấy mình bơi, chới với một mình trên biển. Mấy tháng trời như vậy ... Chị cứ hỏi tại sao mình không chết cho rồi. Phải chi anh chị bị nạn từ sau ngày cưới, hai đứa chết hết chắc bây giờ chị không sống đau đớn như vậy. Em biết không, trên chyến bay ra Nha Trang hưởng tuần trăng mật, thấy máy bay bay hơi lâu mà không đáp xuống, chị hỏi thì anh trả lời quanh để dấu chị một sự thật là lúc đó, không hiểu sao bánh xe của máy bay không mở ra được. Do đó mà phi công cứ cho máy bay bay lần quần mấy tiếng đồng hồ trên trời!

-Rồi mấy người hại gia đình chị ra sao" Chị có thưa họ không" Tôi hỏi.

-Có. Họ bị bắt sau đó. Công an điều tra, hạch hỏi sáu bảy tháng trời, nhưng hết thảy đều chối phăng những việc họ làm. Cho đến lúc ra tòa. Em biết không, chị không bao giờ quên gương mặt chết sửng của chúng khi thấy chị bước ra...

-Tòa xử họ ra sao chị"

-Tử hình.

Tôi nhủ thầm, vậy là Trời không xa, Trời không chỉ là trời xanh trên biển, mà là một quyền lực nhân từ, có mắt ở khắp nơi và đã thấy sự bất công, gian ác xảy đến cho chị và gia đình chị. Tôi thấy nguôi ngoai. Tôi chắc Trời đó cũng là Thiên Chúa của tôi, Đấng đã không cho biển nuốt chị vào lòng sâu mênh mông của nó. Đấng giữ làn hơi mong manh của chị cho đến chừng trôi dạt đến chiếc thuyền của Chú Năm dân chài. Đấng đã làm cho công lý hiển lộ ra ánh sáng.

Nhưng nạn nhân của câu chuyện có nguôi ngoai hay không lại là chuyện khác! Đớn đau mất mát luôn để lại những vết sẹo trong tim.

Lúc chị kể chuyện mình bị nạn cho đến lúc kể tới chuyện kẻ hại mình bị tử hình tất cả đều bằng cái giọng đều đều không hề pha chút xúc cảm. Làm như đó là việc xảy ra cho ai chứ không phải là chuyện cuộc đời của chính chị. Tôi thầm bảo, nếu có một dạng bệnh tâm thần nào đó, có lẽ đó là trường hợp của chị. Tôi không dám hỏi là từ đó tới nay chị có khóc lại được hay chưa. Tôi nghĩ, nếu chị khóc được có lẽ nỗi đau của chị sẽ dễ vơi đi.

Thế nhưng cuộc đời vẫn tiếp tục, giống như những làn sóng xô đi và xô lại không bao giờ ngừng. Chị còn đó và chị phải trôi theo sóng. Sau những ngày giông bão đó, chị đã đi làm lại công việc cũ của mình. Công chức cho hãng bưu điện. Mỗi ngày chị lê gương mặt vô hồn đó đến sở, làm xong công việc phải làm rồi ra về. Thời gian và đau buồn kéo thành nhiều vết nhăn đến sớm. Mẹ chị không tiếc gì với đứa con gái tưởng mất mà còn, an ủi chị bằng những viên hột xoàn gia bảo của bà. Những viên hột xoàn lấp lánh trên những ngón tay răn reo!

Giấc mơ nước Mỹ của chị đã tan như thế đó. Chỉ cách bờ biển Vũng Tàu có chừng mười mấy cây số. Để lại một niềm đau khôn cùng. Chuyện của chị sẽ có ngày nào được viết lên chăng" Sẽ có ngày nào hậu tự của những người Việt Nam thế hệ hôm nay đối mặt chân thành với những trang đớn đau tủi hờn của những kẻ đi tìm một bờ bến bình an khác với quê hương của họ hay chăng" Tôi buột miệng:

-Em mà làm nhà văn, em sẽ viết về cuộc đời của chị!

-Sau hôm tòa xử bài được đăng lên báo. Có một nhà báo người Đức đến gặp chị và nói, ông muốn dựa vào chuyện cuộc đời chị viết ra một scenario để làm phim.

Nhà báo người Đức đó đến gặp chị một lần rồi ra đi. Tôi không biết vì sao mình chưa bao giờ được nghe nói tới một cuốn phim như thế. Kể cả sau nầy khi sống ở nước ngoài.

Bữa ăn chưa dứt thì đèn bật sáng. Hết cúp điện. Chị bảo con bé ra đằng sau mở tủ lạnh lấy dessert. Khi nó vừa khuất sau cánh cửa, chị bảo tôi:

-Nó là con gái thằng Nhã, em trai chị. Vợ chồng nó thương chị không muốn chị buồn nên cho chị làm con nuôi. Con chị đẹp hơn con nó nhiều!

Bây giờ tôi hiểu ra tại sao con bé có tới hai bà mẹ.

Nó có ngoan có quấn quýt chị đến thế mấy nó vẫn là đứa con của em chị. Nó không thể thay thế được những đứa con chị dứt ruột đẻ ra với người chồng chị thương yêu bền chặt, như xác với hồn, những thiên thần nhỏ trong cuộc đời của chị. Tôi tự hỏi có gì có thể bù đắp lại mất mát của chị chăng" Chắc chắn hột xoàn cũng không. Chúng như những vật trang điểm vô hồn lạc loài trên bàn tay nhiều đau buồn của chị. Một đứa con nuôi cũng không lấp hết lỗ hổng trong trái tim. Hay chính phủ Mỹ thương tình cho chị visa đến Mỹ sống" Tôi buồn cười cho cái tư tưởng ngây ngô của mình. Có chính phủ nào thương hại và biết cho trường hợp mất mát đau đớn của chị để mà đền bù! Ừ mà có đến Mỹ được chị có vui khi sống một mình trong cái trạng thái đó chăng" Tôi nghĩ có lẽ giấc mơ nước Mỹ từ lâu đã tan trong lòng chị.

Tối hôm đó tôi cho phép mình ngồi thật lâu để chuyện trò với chị. Chị với tôi bỗng thân nhau như tự kiếp nào. Chị bảo tôi chị hay ra Long Hải vào những ngày cuối tuần. Tới cái chỗ người ta vớt chị. Chị nghĩ có lẽ chồng và các con chị cũng loanh quanh đâu đó.

Có lẽ việc chị thường xuyên đi Long Hải vào ngày cuối tuần cũng không thể kéo dài. Chị sẽ thích ứng với cuộc sống một ngày nào đó và sẽ học quên. Thời gian sẽ trôi và sẽ là liều thuốc nhiệm mầu. Nghĩ tới hình ảnh người đàn bà lang thang một mình ngoài bờ biển vắng, chợt những câu thơ của nhà thơ họ Vũ bỗng hiện lên trong tôi:

Dưới chân sóng nức nở

Ta ngồi nghe buổi chiều

Bên tai gió nức nở

Ta ngồi mong người yêu ...

Lòng tôi bỗng nức nở, tôi đã yêu người đàn bà bên bờ biển vắng đó, đã nghe gió và sóng đều nức nở thở than. Thấy nước mắt tôi rơi, chị im lặng hồi lâu rồi bảo tôi:

-Khuya rồi, em xuống ngủ đi để mai còn đi dạy.

Ngày mai giữa giờ giải lao, các cô giáo xúm lại nhưng không bàn chuyện đài BBC, vì hôm qua cúp điện. Thấy tôi hơi thờ thẩn và mệt mỏi, Kim bảo:

-Có việc gì không Khanh" Toa có cảm không"

-Không. Hôm qua cúp điện, moa được bà chủ nhà mời lên ăn cơm. Trong bữa ăn bà kể cho nghe một câu chuyện ...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,027,773
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.