Hôm nay,  

Phước Lai Con Bà Phước

22/01/200700:00:00(Xem: 127041)

Phước Lai Con Bà Phước

Người viết: Trần Thiên Thịnh

Bài số 1182-1794-502-v8210107

*

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Trần Thiên Thịnh là câu  chuyện của một trẻ lai mồ côi. Bài được  chuyển  tới bằng e-mail. Mong tác giả tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

Sau nhiều năm lăn lóc kiếm sống nơi chợ đời, nhiều năm gác phấn  trở lại làm người học trò trong một xã hội mới, một đất nước mới, người thầy giáo năm xưa giờ đây đã già đi nhiều. Mái đầu xanh năm nao giờ đây đã điểm nhiều sợi bạc, vì biết bao toan tính cho sinh tồn cuộc sống. Cầm tờ giấy nhận việc trên tay mà lòng rưng rưng một nỗi buồn.

Trước khi đến nơi này, người thầy giáo đã nhìn thật kỹ danh sách những người làm việc nơi đây, để mong cầu sự giúp đỡ khi mới đến. Tuyệt nhiên, người thầy giáo không nhìn thấy một cái tên nào quen thuộc như Nguyễn, Trần, Lê, Phạm...

Người thầy thoáng giật mình, ly nước sóng sánh như chực vuột khỏi bàn tay nắm. Có tiếng ai đó gọi tên mình, gọi đúng cả danh xưng một thời vàng son để lại trong tâm hồn đôi khi tiếc nuối.

Thầy Thịnh!

Thoáng nhìn chung quanh không thấy một bóng dáng da vàng, một mái đầu đen. Người thầy giáo bước tiếp những bước đi về phía mình ngồi, nhưng bóng dáng cao lớn của người đàn ông Mỹ đã làm chật cả lối đi.

Ngỡ ngàng nhìn lên chiếc áo người đàn ông Mỹ đang mặc cũng không thấy một chút gì Việt Nam, ngoài cái tên rất Mỹ Van P. McNun. Toan lách mình bước tiếp, người thầy giáo giật mình khi nghe người đàn ông rất Mỹ nói: “Em đây thầy, Phước Lai, "Con Bà Phước" của thầy năm xưa đây.

*

A. Phước. Phước Lai. Con bà Phước...

Ký ức về tuổi thơ của nó cũng chẳng có gì, ngoài những năm tháng nó được cưu mang bởi một vị nữ tu trong một ngôi trường nội trú ở một tỉnh thuộc miền trung xa lắc. Mặc dù người không sinh ra nó nhưng đã cho nó một tình thương yêu bao la mà chính mẹ ruột của nó đã không có được, từ lúc nó mới lọt lòng. Ngoài ra, có còn chăng đi nữa là những trận đòn nó bị những đứa trẻ khác đánh. Hay nữa là những lời mắng nhiếc, chưởi bới của gia đình ông Trùm, mỗi khi nó làm điều gì sai trái.

Chiến cuộc lan tran khắp các tỉnh miền trung. Đâu đâu cũng nghe người ta nói đến chuyện di tản. Người ta bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cả ruộng vườn và làng mạc để ra đi. Tránh những tầm lưới đạn đang ngày đêm vây hãm thành phố.

Một người đàn bà trẻ, nét mặt xanh xao bạc nhược, đến gõ cửa nhà Dòng trong một đêm mưa gió buốt. Tha thiết khẩn nài với vị nữ tu lúc đó đang là Bề Trên quản Dòng.

Con đã trót dại nên ra nông nỗi này. Dì thương đón nhận và cưu mang nó giùm con. Nếu không thì con cũng xin chết, chứ con không thể sống nỗi với điều tiếng của gia đình và người đời.

Dì Bề Trên đón nhận một sinh linh mới, bọc đơn sơ trong một khăn gói. Miệng lâm râm dâng lời cầu nguyện lên cùng Đức Chúa Cha. Lạy Chúa, xin thương chúc phúc cho người Mẹ khốn khó và khổ đau, không thể cưu mang chính giọt máu của mình chỉ vì miệng đời của thế gian. Cũng xin Ngài cũng ban ơn phước cho sinh linh bé bỏng này.  Người đàn bà quay mặt bước đi mà lòng đau quặn thắt, nước mắt nhạt nhòa trong màn mưa.

Nó được rửa tội bởi bàn tay của dì Bề Trên và được đặt tên là Phước. Đối với Dì Bề Trên, cái tên của nó ý nghĩa vô cùng. Phước là phúc đức mà Thiên Chúa đã ban cho nó còn hiện diện trên cõi đời này. Phước cũng là ơn phúc đã cho Dì gặp gỡ, đón nhận và nuôi nấng nó từ đây.

Thế là nó được dưỡng nuôi và lớn lên dưới sự chăm sóc của Dì Bề Trên, người mà nó đã coi như là mẹ. Người mà đã che chở cho tấm thân nó qua những lằn đạn trong những cuộc trốn chạy hoảng loạn từ miền trung. Người đã cho nó cả một trời bao dung vì tấm lòng từ tâm của người. Ngoài dì Bề Trên ra, nó không biết ai khác. Cuộc đời của nó cũng khốn đốn dạt trôi từ miền trung cho tới nơi tận cùng đất nước, như cuộc đời cam khổ cuả Dì.

Cuộc chiến tàn, nhưng cuộc sống của Dì và nó càng khốn khó hơn. Dì không thể trở lại nhà Dòng cũ ở miền trung. Tất cả những dòng tu trước đây đều được nhà nước "mượn tạm" để làm trường học hay hợp tác xã sản xuất. Còn đâu chỗ để cho Dì cầu nguyện và sống đời sống tu trì. Bàn tay xanh xao của Dì giờ đây trở nên chai sần và cuộc sống của Dì cũng lam lũ hơn theo tháng năm. Phần thì lo giữ cho trọn lời khấn Dì đã dâng cho Chúa trong lần khấn trọn đời. Phần thì lo cho cuộc sống vật chất của Dì và nó.

Nó được Dì gửi cho đi học một trường trong làng. Thời gian nó đến trường là thời gian Dì bươn chải nơi chợ đời để kiếm sống cho hai Dì cháu. Nó lớn lên dưới sự cưu mang của Dì, không khác gì những đứa đồng trang lứa, có cha có mẹ đầy đủ. Nhưng càng ngày nó càng nhận ra sự khác biệt giữa nó và những bạn đồng học. Da của nó trắng hơn, mắt của nó xanh hơn và tóc của nó thì vàng, còn những đứa khác thì đen. Sự khác biệt đó nó vẫn giữ kín trong lòng, chưa một lần dám đem ra hỏi Dì hay những người lớn tuổi. Ý thức tuổi thơ của nó là những buổi lễ chiều, những câu kinh mà dì đã dạy cho nó trước những giờ đi ngủ. Đó là xin Cha cho chúng con hôm nay đủ lương thực cần dùng...hay xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con...xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Đó là "Kính mừng Maria đầy ơn phước...xin cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử". Đó là những gì nó đã nghe Dì giảng dạy về thiên đàng và hỏa ngục trong những giờ kinh đêm.

Tuổi thơ của nó sẽ hồn nhiên, sẽ không có gì thay đổi, nếu như lũ học trò không bám lấy nó trong những giờ ra chơi cùng với những lời chọc ghẹo cay nghiệt, "Con Lai mười hai...". Thoạt nhiên, nó không hiểu. Hỏi cũng chẳng có ai giải đáp giúp nó hiểu Con Lai là gì" Nó cố trốn tránh lũ học trò ngày ngày vẫn bám lấy nó, nhưng càng tránh thì chúng nó lại càng lì lợm bám lấy và chọc ghẹo ráo riết hơn. Nó quyết định phải hỏi Dì cho bằng được. Dì là chốn tựa nương của nó trong những năm tháng đầu đời.

Cuộc sống của Dì và nó ngày càng khốn đốn hơn. Nhưng Dì vẫn lo cho nó tất cả, đã cho nó một tình thương như một người mẹ. Sức lực của Dì cạn kiệt dần theo những công việc nặng nhọc cùng với những căn bệnh tiềm ẩn.

Giờ phút lâm chung, Dì gọi nó đến bên giường, ôm ấp nó vào lòng, nước mắt trào tuôn. Bàn tay xanh xao của Dì choàng vào cổ nó cây Thánh giá gỗ. "Con cố gắng cầu nguyện xin Chúa mỗi đêm. Xin Ngài chúc phúc cho con vượt qua được những đớn đau trong đời và sống cho nên người". Nó khóc như mưa.

Không còn Dì, đời nó từ đây coi như đã hết. Còn chốn nao cho nó tựa nương"

*

Nó theo về sống với gia đình ông Trùm, sau khi Dì Bề Trên qua đời. Biển và bến tàu là nơi cư trú thường xuyên của nó lúc này. Trường học chỉ là dĩ vãng trong tâm tưởng. Có những lúc đi ngang qua trường cũ, nó cảm thấy buồn và buồn. Dẫu rằng ở trường học, nó thường bị những đứa trẻ khác chọc ghẹo và mỉa mai   Tuổi thơ của nó coi như chấm dứt kể từ ngày Dì Bề Trên bỏ nó ra đi.

Nhà thờ, nó cũng chỉ được tham dự thánh lễ mỗi ngày Chúa nhật mà thôi. Đôi khi nó cũng ước mơ được như những đứa con của ông Trùm hay  những đứa trẻ khác, cùng trang lứa với nó. Nó thèm chơi những trò chơi của tuổi thơ, được tắm sông, đá dế, được thả diều mỗi khi chiều xuống. Nhưng nó nào đâu có được diễm phúc đó.

Không ít khi, nó cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong gia đình ông Trùm. Nó nhớ đến Dì Bề Trên, nó nhớ không ít lần Dì đã ôm nó vào lòng, vuốt tóc nó, mặc nó nó những bộ quần áo mới mỗi khi nó đi đến trường, hay đi lễ nhà thờ. Nó trở nên lầm lì với cuộc sống, với tất cả những người chung quanh.

*

Nó bỗng thấy mặt mày tối tăm. Người ta bịt mắt, bịt miệng, trói tay nó lại. Nó không kịp thốt lên tiếng kêu "Dì ơi!" như những lần đớn đau khác. Người ta khiêng nó đi, quẳng nó vào một góc xó nào đó trong hầm tàu.

Bên tai nó giờ đây văng vẳng tiếng sóng vỗ. Tiếng những đứa trẻ khóc ré lên như bị ngắt, bị nhéo trên những phần da thịt non mềm. Không gian đặc quánh quyện lại chung quanh những thứ mùi khó chịu. Ruột gan nó không chịu nằm yên, như muốn thốc tháo hết những chất nhờn còn sót lại. Đầu óc nó miên man lịm dần, lịm dần vào những cơn mê.

Trong cơn mê hoảng, nó mơ thấy người đàn bà trong chiếc áo choàng trắng tinh. Một tấm lưới trắng như màu trăng cuôn lấy thân thể nó lại, dập dềnh cuốn nó trôi đi, trôi đi vượt qua những con sóng dữ. Người đàn bà mớm cho nó những giọt nước, dòng nước ngọt ngào được rót vào miệng lưỡi nó từ cõi hư vô. Thân thể nó bỗng dưng cảm thấy dễ chịu.  Nó dường như nghe được tiếng của người đàn bà nói "Dì đây, đừng sợ".

Không ai biết, và cả chính nó cũng không biết bao lâu nó đã trải qua cơn mê hoảng. Nó chợt tỉnh lại như vừa mới trải qua một giấc ngủ dài. Ánh sáng trong phòng làm mắt nó chói nhòa. Đưa bàn tay vuốt mặt, nó cảm nhận sự cấn cái của những ống dây chằng chịt vây trói. Chung quanh, tai nó nghe thấy một thứ âm thanh như quen thuộc mà cũng như xa lạ. Người đàn bà trong chiếc áo choàng trắng, mỉm cười và nói với nó điều gì đó. Nó không hiểu.  Không phải Dì, chiếc áo bà ta đang mặc cũng không giống chiếc aó choàng của người đàn bà đã nói với nó "Dì đây" trong cơn bất tỉnh. Nó tự hỏi, nó đang ở đâu" Thiên đàng hay Hỏa ngục"

Người đàn bà đó bước đi, lát sau quay trở lại với một người thanh niên. Nó nghe tiếng họ nói với nhau điều gì đó, bằng một thứ ngôn ngữ nó chưa bao giờ được nghe. Qua người thanh niên, nó được biết anh ta là thông dịch viên của hội Hồng Nguyệt Mã Lai, được cử đến đây để giúp đỡ nó hoàn tất thủ tục trước khi chuyển qua trại tị nạn. Cũng người thanh niên đó cho nó biết rằng, nó hiện đang được điều trị tại bệnh viện Terenganu, thuộc tỉnh bang Marang, Malaysia. Nó mơ hồ tự hỏi, Malaysia là ở đâu" Thiên đàng hay địa ngục" Nó có được gặp lại Dì Bề Trên hay không" Nó muốn hỏi người thông dịch viên cho biết. Nhưng nó không thấy anh ta đến nữa. Chỉ còn lại người đàn bà trong chiếc áo choàng trắng, đến thăm nó ngày hai lần.

Nằm trong căn phòng sáng trưng những ánh đèn. Không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, không nhìn thấy mực thủy triều lên xuống. Ý niệm về thời gian trong nó không còn. Không biết đã bao lâu, người thanh niên thông dịch lại xuất hiện, cùng đi với người thanh niên là một người đàn ông cao lớn, râu ria rậm rạp. Trong đời, nó chưa bao giờ nhìn thấy ai giống như người đàn ông này trước khi đi vào cơn mê.

Người đàn ông nói gì đó với người thanh niên bằng một ngôn ngữ xa lạ. Nó không hiểu. Người thanh niên quay lại, hỏi nó:

Em tên gì"

Phước. Nó đáp.

Mẹ em tên gì"

Không biết. Nó lắc đầu.

Người thanh niên cảm thấy hơi thất vọng, cố vớt vát.

Trước đây em sống với ai"

Dì Bề Trên, nhưng Dì đã chết rồi.

...

Nó dự định sẽ hỏi người thanh niên rằng nó đang ở đâu, nhưng chưa kịp thì người thanh niên đã quay lại nói với người đàn ông bằng một ngôn ngữ xa lạ. Nó không hiểu họ nói gì. Nó chỉ kịp nhìn thấy những cái nhíu mày, khó hiểu trên gương mặt người đàn ông đó. Cả hai chỉ kịp bỏ đi không nói với nó một lời nào.

Lớp học thô sơ của trại tị nạn được dựng nên bởi những phế liệu. Bàn ghế là những thanh gỗ vụn được kết nối như mảnh đời của những con người dạt trôi. Đứng cạnh bảng viết, người thầy giáo nhìn xuống lớp học, ngổn ngang những mái đầu xanh bạc mà ngậm ngùi cho kiếp người làm thân lưu khách.

Những buổi chiều, khi nắng bắt đầu hắt lên sức nóng của miền nhiệt đới. Nó thường lang thang lên đồi tôn giáo, tìm lại chút tĩnh lặng trong ngày trước giờ kinh chiều. Ngang qua lớp học, nó nhận thấy người thầy giáo đang giảng giải cho những người học trò thứ ngôn ngữ, mà nó mơ hồ nghe được người thanh niên thông dịch nói với những người khác trong bệnh viện. Nó tò mò, khép nép đứng bên cửa sổ để nghe, để lặp lại những gì người thầy giáo đọc qua. Ngạc nhiên với thái độ cuả nó, người thầy giáo ngừng giảng, bước về phía nó, nụ cười thân thiện xuất phát từ tấm lòng từ tâm. Nó bẽn lẽn cúi đầu chịu tội, như những lần nó đã phạm tội với Dì Bề Trên. Cầm bàn tay nó, người thầy giáo dắt nó vào lớp học, chỉ chổ cho nó ngồi ngay bàn đầu. Sau buổi học đó, nó biết được thứ ngôn ngữ xa lạ đó là Anh Văn.

Nó về sống cùng người thầy giáo trong trại tị nạn một thời gian. Nó dường như tìm lại được chút gì ấm lòng qua người thầy, kể từ khi Dì Bề Trên bỏ nó ra đi. Ngoài ra, nó không tìm thấy một sự cảm thông đồng loại chung quanh. Có chăng, chỉ là những lời đàm tiếu "Con Bà Phước" người đời dành cho nó.

Nó không muốn đi, nó không muốn mất đi tình cảm thiêng liêng mà nó tìm lại được qua người thầy. Nhưng người ta bắt nó đi. Nó khóc, nó van xin. Nó sợ nó phải sống như những ngày tháng không có Dì Bề Trên trước đây. Những ngày tháng đã ám ảnh một phần đời của nó.

*

Mười lăm năm đã qua.

Phước. Phước Lai. Con bà Phước bây giờ đã là Van P. McNun.

Người đàn ông rất Mỹ này không quên tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, và không quên ông thầy.

Họ đi bên nhau.

Người thầy giáo bước tiếp những bước mà nghe hồn mình lâng lâng. Thầy mỉm cười, nụ cười mà chỉ riêng mình thầy hiểu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.