Hôm nay,  

Khoảng Trống Sharon

06/01/200600:00:00(Xem: 5058)

Hai người đang đặc biệt canh chừng sức khỏe của Thủ tướng Ariel Sharon: Tổng thống Bush và lãnh tụ Mahmoud Abbas của Palestine.

Tổng thống Bush là người thực sự không may vì phải thường xuyên vượt qua nghịch cảnh do những trở ngại bất ngờ. Một trong những điều không may đó là tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Ariel Sharon của xứ Israel.

Ngay trước Giáng Sinh, ông Sharon đã đột quỵ, khi ấy các y sĩ mới khám phá ra một lỗ nhỏ bẩm sinh trong tim chỉ chừng hai ly, nhưng cần giải phẫu. Ngày giải phẫu dự trù là Thứ Năm mùng năm này, một cuộc giải phẫu tương đối đơn giản, dù ông Sharon đã 77 tuổi, bị mập phì và máu loãng.

Nào ngờ tối Thứ Tư, ông bị một trận nặng hơn, bị tai biến mạch máu não khiến máu loang vào bộ não. Đêm Thứ Tư, ông được giải phẫu trong một ca mổ kéo dài hơn sáu tiếng. Cho đến giờ này, ông đã được đưa ra khỏi phòng mổ, nhưng tình hình vẫn nghiêm trọng.

Là một người lớn tuổi, sức khỏe lại suy kém, cho dù ông có thoát khỏi bàn tay tử thần lần này, Thủ tướng Ariel Sharon coi như không còn ở vào hoàn cảnh có thể lãnh đạo được nữa.

Chuyện hãn hữu của địa dư chiến lược đã xảy ra: không có Sharon, cục diện Trung Đông và quan hệ giữa Israel với Palestine gặp trở ngại lớn. Một con én không làm nổi mùa Xuân, nhưng vắng một Sharon, hòa bình sẽ bị đẩy lui trong vùng đất nhiễu nhương bất ổn này và điều ấy sẽ ảnh hưởng đến cả khối Hồi giáo, Iran và Iraq. Nghĩa là ảnh hưởng đến đối sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ có hai vị tổng thống là Jimmy Carter và Bill Clinton đã ra sức mưu cầu hòa bình giữa dân Do Thái và Palestine mà cả hai kế hoạch hòa giải đều thất bại. Ông Bush là người thứ ba và đầu tiên đã chủ trương là phải giúp dân Palestine có một quốc gia độc lập, có khả năng sống chung với quốc gia Israel.

Người có khả năng tiến tới giải pháp ấy là Ariel Sharon.

Ông là một khuôn mặt bảo thủ xuất thân từ quân đội và nổi tiếng ở đường lối cứng rắn với Palestine. Đây là loại người làm cho các đối thủ của Isreal phải gờm vì dám nói dàm làm, và làm cả những việc không nói ra.

Hoặc không nên nói ra.

Năm 1973, Isreal đã hứa với Hoa Kỳ là không tung quân bao vây quân đội Egypt. Ariel Sharon là người lẳng lặng chỉ huy cánh quân làm đúng cái việc bị cả chính quyền Tel Aviv lẫn Washintgon cấm đoán. Khi xu hướng cực đoan của Palestine lên lưới mở ra chiến dịch intifada để tấn công dân Do Thái, Sharon là người thẳng tay đối phó, và đối phó phũ phàng. Ông lên làm Thủ tướng lãnh đạo đảng Likkud do chính mình góp phần lập ra ngày trước.

Vậy mà khi lên cầm quyền và ra tay nói chuyện phải quấy với Palestine, ông cũng là người có viễn kiến và dám lấy quyết định bất ngờ: Israel muốn sống chung với Palestine thì phải để cho dân Palestine được sống trong một quốc gia độc lập. Và phải trả giá cho việc ấy, đó là dân Do Thái phải rút khỏi dải Gaza.

Con diều hâu chống cộng ngày xưa là Richard Nixon đã dám làm chuyện táo tợn ngược đời là qua thăm Trung Quốc. Ariel Sharon thuộc loại người như vậy.

Đảng Likkud của ông không chấp nhận một chủ trương hòa giải như vậy, một khuôn mặt trẻ là cựu Thủ tướng Biyamin Netanyahu đã nổi loạn, bước ra khỏi nội các Sharon và cầm đầu cánh bảo thủ sẽ tranh cử chống lại Sharon. Ariel Sharon lấy ngay một quyết định lịch sử không kém: ra khỏi đảng Likkud để lập ra đảng Kadima (Quyết Tiến) với chủ trương ôn hòa giải quyết mâu thuẫn với Palestine.

Bị thất bại và mất sự khả tín vì chủ trương hòa giải mà không có thực lực và không dám dùng sức mạnh để thực thi hòa bình, đảng Lao động đã bị đẩy ra ngoài. Nhưng, khi Sharon ra khỏi đảng Likkud để lập đảng mới, một lãnh tụ đảng này là nguyên Thủ tướng và Ngoại trưởng Shimon Peres đã sát cánh với đối thủ cũ là Sharon để vận động cho đảng Kadima.

Ariel Sharon trở thành cỗ xe hủ lô lừng lững tiến vào chính trường Israel để quy tụ thành phần trung dung ở giữa, đẩy hai đảng Lao động và Likkud ra biên.

Cuộc bầu cử tháng Ba này tại Israel sẽ quyết định về tương lai khu vực Trung Đông. Đa số dân chúng Do Thái ủng hộ chủ trương ôn hòa mà dũng mãnh của Sharon và hòa bình lần đầu tiên đã ló dạng…

Sở dĩ như vậy vì Ariel Sharon là người tin được, đã nói là làm.

Dân Palestine tất nhiên là không ưa Sharon, nhưng biết là ông ta nói là làm, đã hứa rút khỏi dải Gaza là thi hành việc ấy dù gặp chống đối. Vì vậy mà họ muốn nói chuyện với Sharon hơn là với Peres. Lãnh tụ Palestine là Mahmoud Abbas là người đã thương thảo với Sharon và thuyết phục được dân chúng lẫn các phần tử quá khích Palestine là giải pháp Sharon sẽ thành hình.

Bây giờ, Ariel Sharon không thể lèo lái được việc vãn hồi hòa bình và góp phần xây dựng một quốc gia Palestine được nữa.

Phụ tá thân tín của Sharon là Phó Thủ tướng Ehud Olmert hiện đang xử lý công việc của Thủ tướng và sẽ dẫn đầu cuộc tranh cử tháng Ba này. Ông không có sức nặng và uy tín hay sự khả tín như Sharon. Cho nên, dù đảng Kadima có thắng cử (khít khao, thay vì đại thắng), Olmert chưa chắc đã có khả năng giải quyết những vấn đề hóc búa của buổi giao thời. Chính trường Israel vì vậy có khi lâm vào vòng ách tắc và không thể lấy được những quyết định mang tính chất chiến lược.

Người ta có quyền và nên tin vào phép lạ.

Tình hình Trung Đông và hồ sơ Israel-Palestine quả thật là cần một phép lạ. Vào đúng lúc đang hàn gắn những mâu thuẫn chồng chất trong một khu vực thường xuyên là thùng thuốc súng, người thợ hàn có bản lãnh nhất lại phải buông tay. Chỉ cần Sharon tồn tại được vài năm, cục diện Trung Đông đã xoay qua một hướng tốt đẹp hơn.

Khoảng trống do Ariel Sharon để lại rõ là khó lấp. Có thể là Tổng thống Bush lẫn Chủ tịch Abbas của Palestine đang cầu nguyện cùng với rất nhiều người Do Thái. Ba vị Thượng đế của ba tôn giáo muốn gì trong vụ này"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.