Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

30/05/201000:00:00(Xem: 5290)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Từ sớm tôi đã lách vào phòng hoa tiêu (do anh Nghĩa tôi đã quen), hỏi bác thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm, là thuyền đi về hướng nước nào" Bác là Lý văn Bang, đã dè dặt cho biết: "Do ba ngày trước, khi ra khỏi Côn Sơn, gặp một đoàn thuyền đánh cá; bác biết là từ đảo Phú Quốc, bác đã chạy tránh, nên hơi bị sai lệch tọa độ. Vì thế, bác không thể xác định 100 phần trăm, chỉ biết gần đúng! Thuyền có thể đến Mã Lai hoặc Inđô, và cũng không biết chắc, là từ 3 hoặc 5 ngày nữa".
Tôi đang ngồi lắng đọng thả hồn vào tiếng sóng dào dạt, réo gọi gió, tôi giật mình, có ai bẹo, chí vào bụng tôi. Ối giời ơi! Con chim chó chết! Tôi thông cảm cùng cảnh ngộ, nên ủ vào người cho cu cậu (hay cô nàng) yên ấm. Không ngờ, "cu cậu" lại dùng mỏ "bẹo, chí" bụng của tôi. Tôi thò một tay vào nắm nhẹ đầu nó, hơi ve vuốt thế là cu cậu lại ngoan ngoãn nằm yên.
Con chim đã làm cho ruột gan tôi như quấn, cuộn lại với nỗi nhớ thương người mẹ mù lòa của tôi, không biết bây giờ người ra sao" Nhưng tôi biết rõ, và tin như thể tin tôi, là mẹ tôi vẫn ngày đêm dõi theo bóng dáng người con trai này của mẹ; ruổi rong sống và chết trong biết bao nhiêu tình huống người không thể biết. Vì thế, chắc chắn người vẫn cầu khấn Chúa và Đức Mẹ, cho người con trai này. Một nỗi nhớ cồn cào về người mẹ kính yêu, lẫn vào trong tiếng sóng, tiếng gió tôi nghe rõ những lời của bài "Lòng Mẹ" của Y Vân...
Tôi đã nhắm mắt lại, và lịm đi cho hồn tôi ngâm giầm vào lời ca, tiếng nhạc. Rồi cũng chính con Hải Âu đang nằm trong bụng tôi lại ngó ngoáy, cựa quậy để cho hồn tôi lại chảy dài về với người vợ thương yêu và đứa con gái yêu của tôi: Con tôi còn nhỏ qúa chưa biết gì, nhưng chắc chắn em Hoa yêu thương của anh cũng nát lòng, dù cho em có là người được trời phú cho dễ ngủ. Anh vẫn tin chắc, em đã có những trận cuồng phong, bão tố ở trong lòng. Có thể người chồng của mình ra đi sẽ gặp cướp biển, bị hải quân tuần tiễu, của lũ cộng đuổi bắt! Cuồng phong, bão tố của biển khơi, đã nhận chìm xuống lòng biển! Đến nơi, đến bờ nhưng đã thay lòng, đi với người khác" Nghĩa là, người chồng ấy đến 90 phần trăm là ra đi không trở lại. Một mình lẻ bóng, ôm đứa con thơ với người mẹ mù lòa, giữa chợ đời đói khổ!
Nhìn về phía Đông Bắc tím thẫm trong dáng chiều, mấy vạt mây đen nằm trải dài sát mặt nước. Tôi hiểu, nơi ấy là quê hương, tổ quốc của tôi, có mồ mả ông cha, tổ tiên, có người mẹ mù, người vợ trẻ và đứa con thơ của tôi. Ruột tôi như cuộn vò lại, em Hoa ơi!
Để lòng anh phần nào đỡ nẫu, nát trong nhớ thương, anh nhớ khi chúng ta nên đôi chồng vợ, có một lần anh hát tặng em bài ca Hoa Biển. Chỉ vì bài ấy có cái tên là "hoa", giọng của anh như cơm nguội, ăn với nước dưa chua.
Bây giờ, trong hoàng hôn lộng gió giữa biển khơi, trên con thuyền vô định. Anh sẽ dùng tiếng gào của sóng biển thay tiếng đàn, và tiếng gió quất đập của cánh buồm, thay nhịp trống. Một mình, anh hét, hò giữa trời, nước mênh mông, không sợ ai nghe: Ngày xưa... em anh hay hờn dỗi! Giận anh khi anh chưa kịp tới...
Mặt trời đã chìm xuống lòng biển từ lâu, phía trái một mảnh trăng gầy đúng một nửa, như con mắt của dạ thần đang lườm ngúyt, con thuyền đơn độc giữa đại dương. Một làn hơi lạnh ngóm luồn vào trong gió, lách vào cổ, vào tai làm cho tôi rùng mình. Hẳn đã 9 - 10 giờ đêm, tôi mò xuống sàn về chỗ nằm. Tôi lục cái tay nải, tìm cái túi gạo con con, tôi đã xin được của một gia đình. Tôi bốc ra một nắm để vào cái cóng sữa bò. Chỉ một bóng đèn dầu treo mãi phía vách thuyền gần ca- bin, ánh sáng le lói một vài tia mờ mờ vươn tới; thế mà con chim vẫn mò mẫm ăn cho bằng hết chỗ gạo.
Tôi cố gắng lảo đảo đem chiếc cóng lại bồn nước lấy đầy cho nó, tôi loay hoay tìm chỗ ngả lưng, quay lại con chim đã mò uống hết cả nước rồi. Phần tôi đã 4- 5 ngày với hộp sữa ông Thọ, khi nào qúa mệt, tôi lại mút một ít. Hôm nay đã cạn rồi, tôi mượn cái mở hộp của một bà có con nhỏ, tôi xin ít nước sôi, cho vào khoắng uống hết. Tôi lại ôm con chim vào lòng, nằm kềnh ra, để nghe tiếng nhạc kẽo kẹt của con thuyền, lướt về phương trời mờ mịt.

Bốn mươi sáu: Ra khơi đến bờ

Đã mấy ngày rồi, con chim và tôi đều như muốn tìm một chút hơi ấm của nhau, trong chiếc áo nhựa. Nó cứ rúc mãi vào sát bụng tôi, hồn tôi đang liu riu lững lờ vào giấc mộng bập bềnh, của con thuyền. Bỗng có tiếng xôn xao:
- Có ánh đèn!
Như một tiếng "phèng "trong đêm đen choảng vào con thuyền! Tôi và nhiều người nhớn nhác bò nhổm dậy, tôi nhào tới cửa, rúc lên sàn thuyền. Giữa cái thẫm đen mịt mù của trời và nước, rõ ràng có một vùng rạng ra, trắng như chiếc ngà voi, tưởng rằng có một ánh sao trong làn mây. Nhưng rồi như có một mảng mây dầy, chậm chạp che dần, rồi trở thành một mầu đen thẫm, như chung quanh.
Người ta kéo xuống hầm thuyền dần, tôi còn ngồi lại cố mong chờ trong chỗ mù mịt tối đen ấy, sẽ có một nguồn sáng để mang niềm hy vọng cho con thuyền. Phần vì mấy ngày nay giấc ngủ chông chênh, cứ khi nào mệt qúa thì thiếp đi một lúc. Phần khác, có thể sức mòn vì thiếu ăn, vẫn chỗ ngồi dựa một góc khuất sau buồng hoa tiêu, tôi đã đi vào miền mất cảm giác lúc nào không hay.
Mãi tới khi như có người sờ vào cổ tôi gãi gãi, mở mắt đã thấy nước trời đổi thành mầu lá nhãn. Tôi đã nhìn thấy mầu trắng của những làn sóng bạc đầu. Con chim tị nạn đã chui ra khỏi bụng tôi từ bao giờ, nó đứng sát ngay mặt tôi, một chân trên vai, một trên ngực. Cái đầu nó cứ dụi vào cổ tôi, như muốn đánh thức tôi dậy, phía chân trời đã rạng hồng, rồi đỏ lên. Tôi đã ôm con chim vào lòng như một lời cảm ơn, gọi tôi dậy để tận hưởng ánh bình minh của đất trời. Nhưng rõ ràng, lẫn vào tiếng rì rào của sóng, có mấy tiếng kêu: U... oách... khách... khách... Rồi bỗng nhiên, chính con tị nạn ở ngực, vai tôi cũng rối rít kêu khu...... oách.... khu.... oách... Từ ngày tôi cứu nó, chưa bao giờ tôi thấy nó kêu. Nó làm cho tôi quên cả mệt, cả đói, tôi ngồi hẳn dậy. Một nửa cái nia đỏ như nhuộm máu bò, đã thò lên khỏi mặt nước, từ mặt biển phiá Đông, làm đỏ hồng cả cánh buồm và con chim. Một đàn bảy con Hải âu trắng toát đang bay lượn quanh con thuyền, miệng kêu: Khu.... oách... khu... oách.... Con tị nạn, mắt chớp lia lịa, lại giụi đầu vào cổ tôi, thái độ hưng phấn khác thường. Nó giang hẳn hai cánh ra vẫy vẫy, như đáp lại đàn Hải âu đang bay lượn, nó ngửng hẳn cổ lên trời miệng lại kêu: Khu... oách... khu... oách.... Tôi đờ hẳn người ra, chưa kịp phản ứng, con chim lại nhẩy lên vai tôi, rồi lại giụi đầu vào cổ tôi như khi nãy. Tôi chợt hiểu, nên tôi khẽ vuốt đầu nó, và tôi gật gật.


Nó sải cánh một cái rồi bay vụt lên theo đàn Hải âu, bay đi mất hút chỉ còn vẳng lại những tiếng khu... oách.... khu.... oách..... nhỏ dần. Tôi bần thần cả người, con chim đã bay đi rồi ư" Tôi ngồi xuống mạn thuyền, lắng đọng đăm chiêu: Như thế vừa rồi, tôi đã lầm, tôi tưởng con chim giụi đầu gọi tôi dậy, để ngắm ánh bình minh của Đại dương" Nó gọi tôi dậy, chào tôi để ra đi với đồng loại, dù sao nó cũng có nghĩa, có tình, tôi bằng lòng. Một cánh tay đặt lên vai tôi, anh Nghĩa, giọng đứt quãng của anh quẩn vào gió mặn:
- Anh đã giúp nó toại nguyện! Tìm được khung trời tự do!
Nghĩa đã biết tôi ngồi suốt đêm qua, phía sau buồng lái, một ý thoáng đến, tôi vỗ vào vai anh Nghĩa: "Gần đây phải có đảo hay đất liền!" Nghĩa đã nắm chặt tay tôi, nói như gà gại ổ đẻ:
- Thấy đàn chim, từ sớm chúng tôi đã nghĩ như anh!
Như vậy họ đã biết trước tôi rồi! Cũng có nghĩa ánh đèn sáng mơ hồ đêm qua, không phải trong mơ! Anh Nghĩa kéo tôi vào buồng lái, tôi gặp lại bác Bang, tôi mới hiểu bác và Nghĩa có họ hàng. Nghĩa lôi ở một cái hộc ra gói bánh ngọt, chính bác Bang cũng đang băn khoăn, theo bác phải hai ba ngày nữa mới tới Inđo hoặc Mã Lai, nhưng khi thấy đàn chim thì đảo hay đất liền phải gần đây, dù sao cũng mang nhiều hy vọng.
Nhìn nét mặt cương nghị, từng trải của bác Bang, tôi rất mến, bác cũng tỏ thiện cảm, bảo Nghĩa cầm lái. Bác kéo cái "phíc "có cà phê nóng, bác rót một ly con đưa cho tôi, với thái độ "gió sương" không mời. Từ lúc Nghĩa chưa lôi gói bánh ngọt ra, cái mùi mê người của nó, đã luồn ra chọc tứ tung vào mũi tôi rồi, nên khi bác đẩy bọc bánh đến vẻ "khinh tài" thì sao tôi từ chối"
Bác thăm hỏi một số nét về tôi, tôi cũng sơ lược, đi tù về là phải từ giã quê hương ra đi v.v… Xuống hầm về chỗ nằm, nhìn thấy cái cóng con đựng gạo, không biết con chim tị nạn bây giờ đã đi đâu" Hẳn nó đã có một cảnh đời mới! Như cụ Nguyễn Công Trứ đã kết luận: Rút cuộc lại...…mỗi người, riêng mỗi kiếp!
Gần trưa lại có tiếng ồn ào phía cuối thuyền, giọng một bà lanh lảnh:
- Có chiếc tầu to lắm!
Một số người xô nhau trèo lên sàn, tôi hơi mệt, nhưng cũng là những người đầu tiên mò lên sàn thuyền, chỉ chừng 8- 10 cây số, một chiếc tầu trắng toát, trông như một toa xe lửa, hay chiếc xe "buýt "dài ở gần. Không thể nhìn thấy cờ nên không biết là tầu nước nào. Bà con vui mừng hô hoán, có người nhẩy lên gào, vời, nhưng con tầu hình như bé dần lại.
Mấy người nhanh trí đã lấy giấy báo và giẻ cũ đốt lên, nhưng con tầu cứ mỗi lúc bé lại và mờ đi, để rồi lẫn vào những lớp sóng bạc đầu mất tiêu. Con tầu hình như không hề trông thấy con thuyền buồm đơn độc, như một chiếc lá tre khô trên dòng Cửu Long cuồn cuộn chảy. Hay lương tâm nhân loại, đã chuyển thành lá cây, của mùa Đông"
Con thuyền như gần lửa, sôi lên, nhưng một trận mưa rào đã làm ngọn lửa tắt rụi. Hôm nay đã là ngày thứ sáu, của con thuyền buồm, nhiều người đã tỏ ra mệt nhoài, ăn uống ngủ nghê thất thường, cộng với tinh thần căng thẳng lắng lo với công an cộng sản, cướp biển, bão tố v.v... Chưa nói nếu ai lại bị say sóng như tôi thì chỉ có nằm bệt. Còn hàng chục thứ khác giằng co, vò xé trong đầu của một người bỏ nước ra đi.
Mảnh mặt trời chiều đang chui dần xuống mặt nước, mầu gạch cua của da trời chuyển thành mầu lá mồng tơi già, phía Tây Nam lại rạng ra mầu nghệ non. Rõ ràng, không thể chệch vào đâu được nữa, tôi đã xô vào buồng lái gào, gọi bác Bang và anh Nghĩa:
- Bác và anh Nghĩa hãy coi kià!
Tay tôi chỉ về hướng có mấy ngọn đèn lẫn vào lớp sóng trắng đầu, lúc nhồ lên, lúc lại mất đi. Bác Bang đã chuyển mũi hơi chếch về phía Tây Nam và những điểm sáng mỗi lúc càng sáng tỏ. Bà con chỉ có vài người mò lên, sợ cũng như những lần trước, thậm chí tôi đã trông thấy những bóng cây và cây tháp có bóng đèn, có lẽ là ngọn hải đăng của những vùng ven biển.
Lúc này thì bà con xô lên như vỡ đê; có lẽ ai cũng muốn chính mắt mình, phải nhìn thấy một lần cái bóng dáng tương lai có giống, ở trong đầu" Tôi vào gặp bác Bang, anh Nghĩa để biết ý kiến, không ngờ lại gặp cả Phạm Lộc, vì không một ai biết rõ đây là đâu"
Thuyền của mình chưa phải ở tình trạng cấp cứu. Do đấy họ đều quyết định hãy bỏ neo ở bên ngoài đêm nay, sáng mai, nhìn rõ hãy cho thuyền tiến dần vào, rồi tùy theo để quyết định. Tôi thấy họ giải quyết như thế là thận trọng và hợp lý. Tôi cũng thấy mệt qúa rồi, bà con kéo lên đầy trên sàn chuyện trò bàn tán rôm rả, tôi lại mò xuống tìm một chỗ yên, vắng nằm nghỉ một đêm cho lại sức. Tôi gặp cậu Thiện, lại có chăn ấm, thế là tôi nằm ngay cạnh cậu, vài câu chuyện đổi trao, rồi tôi vào giấc ngủ say, sau khi được một bữa bánh ngọt không mong mà có, buổi sáng nay. Tôi ngủ mê man, như chưa được ngủ bao giờ.
Tôi cảm thấy ngực của tôi bị ai đè, thì ra một cái chân nặng chịch, vắt lên cổ và ngực tôi. Trong bóng đêm không nhìn được bàn tay, tôi đẩy cái chân xuống, không biết chân của ai, da thịt mềm như tơ, và mát như lụa Hà Đông, tôi đờ người ra.
Sau khi đẩy cái chân ra rồi, nằm im, tôi không dám cựa quậy, tôi cố hé mắt nhìn để phân định là ai" Không thể nhìn được gì, tôi nằm chịu trận, óc phán đoán: "Trong cái chỗ đông đầy người, tâm tư căng thẳng sống và chết, chắc là những người nằm gần chung quanh!"
Do lòng háo hức, nên mới rạng sáng tôi đã bò dậy, định lên sàn, nhìn vào phía đất liền để phán đoán. Qua vị thế, tôi đã nhìn thấy người gác chân lên ngực tôi đêm qua, là một cô gái chừng 17 - 19, vẫn còn nằm mê mệt với mấy người phụ nữ khác.
Trong làn sương mỏng của buổi sớm, tôi đã nhìn thấy cây xanh và một số mái nhà mầu nâu nhạt. Bỗng một đàn Hải âu từ hướng trái bay đến, chúng chao đảo, lượn vòng với những tiếng kêu quen thuộc: Khu... oách... khu... oách...
Không biết có con chim tị nạn không" Tôi nhìn lên thấy con nào cũng giống con nào" Liếc vào phòng hoa tiêu, loáng thoáng thấy bóng người, tôi đến ngó vào, 4 - 5 người, ngoài bác Bang và anh Nghĩa, có mấy người lạ. Họ định kéo buồm cho thuyền tiến dần vào, tùy theo, nếu thuận tiện thì làm tê liệt cái máy ngầm phòng hờ của thuyền, để họ thấy con thuyền chỉ chạy bằng buồm. Thực ra cái máy công suất rất nhỏ, chỉ đủ sức đẩy thuyền đi từ từ, chầm chậm, phòng hờ khi thuyền không có gió.
Chúng tôi đã nhìn rõ, đây đó có những căn nhà sàn gỗ lợp tôn, nhìn toàn bộ cảnh vật, mọi người vẫn không thể suy đoán ra nước nào phía cực Nam Châu Á" Nhưng chắc chắn không phải là Việt Nam.
Có một đám người lố nhố nhìn ra con thuyền, mấy đứa nhỏ chạy loăng quăng, thoáng trong đám người đó, có hai người mặc quần áo Ka Ki quân đội. Xôn xao, ồn ào, rối rít tiếng Anh, tiếng Việt và một thứ tiếng lạ, đan chéo vào nhau như mạng nhện. Dần dần hiểu ra, họ yêu cầu cử người xuống nói chuyện với họ, khi ấy tiếng Anh của mọi người như cóc ngồi trong hang, thỉnh thoảng thò cổ ra kêu ộc... ệch một tiếng lại rụt cổ vào, chắc chỉ có ông trời mới hiểu.
Rất may, trong thuyền giới thiệu một chị tên Châu, cử nhân Anh văn. Chị Châu chừng 30 - 35 tuổi, đã cùng với ba người đàn ông nữa, họ đỡ nhau lội xuống, nước trên đầu gối để lên bờ. Gần hai giờ sau, phái đoàn đi đàm phán trở về thuyền, chúng tôi được biết:
Đây là một hòn đảo NATUNA thuộc Indonesia, cách những đảo chính từ 50 đến 100 hải lý, dân INDO ở đây chỉ có khoảng hơn 300 người. Đảo trưởng hay chúa đảo, có chừng hai trung đội binh sĩ giữ an ninh. Hơn một năm trước, cũng có một chiếc thuyền Việt Nam tị nạn vào đây, hơn sáu chục người. Họ phải tự túc lương thực, gần hai tháng sau mới đón được tầøu rước đi, họ đói khát khổ cực lắm! Dân ở đảo hầu hết là đánh chài lưới, chúa đảo không muốn nhận người lạ vào đảo nữa.
Có thể do chị Châu là phụ nữ, lại khéo ăn nói, nên chúa đảo chấp nhận, với điều kiện phải tuyệt đối chấp hành luật lệ của đảo, và tự túc lương thực. Một số người trong thuyền có vẻ lưỡng lự, muốn ra đi tiếp về những đảo chính.
Với tôi, phải đi từng bước, tạm thời ở đây mới có điều kiện liên lạc với Cao ủy tị nạn. Riêng trường hợp của tôi và có thể ở một số người nữa, trong thuyền: Bất cứ nơi đâu, trên trái đất này, không có vòi con Hồng Tuộc đều là "Đất Hứa" cả. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.